Kim Loan Khải Hoàn Ca

Chương 7


Thời gian trôi qua mau, xuân hạ thu đông lặp lại như một vòng lặp không có hồi kết.

Chẳng mấy chốc, Di Nguyệt đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi bị hạn chế hoạt động về mọi mặt.

Bây giờ nàng đã năm tuổi, đã có thể tự đi chơi và tự do hành động để chuẩn bị chu đáo cho tương lai của mình.

Bởi vì không muốn bản thân lại trở thành nàng công chúa nhu nhược yếu đuối, ngay từ sau sinh được trọng sinh, nàng đã bắt đầu suy nghĩ kế hoạch để bảo vệ hạnh phúc vốn có của mình.

Sau tất cả, những tai ương bất hạnh của nàng đều xuất phát từ những mất mát năm sáu tuổi mà ra, mà nguồn cơn lại chính là từ mẫu tử Hiền phi.

Diệt cỏ phải diệt tận gốc, nàng phải ra tay với họ trước khi biến cố ập đến với mình.
Không thể trách nàng tàn nhẫn, bởi quy luật của thế giới này vốn như vậy.

Nếu ngươi không đủ tàn nhẫn, vậy ngươi sẽ là người bị giẫm đạp.


Tống Di Nguyệt của kiếp trước chính là một minh chứng rõ ràng.
Năm Di Nguyệt ba tuổi đã không còn ở Trường Xuân cung nữa.

Nàng chuyển sang Dạ Tinh cung, nơi gần với cung Trường Xuân nhất.

Cái tên “Dạ Tinh” xuất phát từ tên nàng.

Quang Thuận đế cho rằng đã có trăng thì phải có sao, vậy mới là một bầu trời đêm hoàn hảo và phù hợp với vẻ đẹp của nữ nhi nhà mình.

Hẳn nhiên, với những đặc ân mà Di Nguyệt nhận được thì Dạ Tinh cung đã trở thành một “tấm bia” được nhắm đến nhiều nhất nhì trong cung.
Tiết thanh minh năm Quang Thuận thứ mười lăm, Quang Thuận đế tổ chức một hội thưởng hoa ở Ngự hoa viên, rất nhiều gia đình quan viên lớn nhỏ được mời tới.

Những dịp thế này là cơ hội hiếm hoi để các vị tiểu thư, công tử được diện kiến long tử phượng nữ trong cung, cũng là lúc mà các mối “lương duyên” được các bậc trưởng bối âm thầm ấn định.
Di Nguyệt mặc một bộ y phục màu lam nhạt có thêu hoa linh lan, tóc cài nơ đỏ.

Nàng theo cùng hoàng hậu tới ngự hoa viên.

Nơi đó lúc này đã có khá đông người, phần đông đều là các phu nhân và tiểu thư, bởi các quan viên đều đang bận bồi hoàng thượng ở một khu khác.

Di Nguyệt đảo mắt một cái, nhìn thấy một cô nương mặc lam y khác mới mỉm cười chạy tới chỗ nàng.
“Ngũ tỷ tỷ.” Giọng nói ngọt ngào của đứa trẻ như hòa vào cơn gió xuân, khiến cho lòng người ấm áp lạ thường.

Người được gọi là một cô nương trạc mười hai, mười ba tuổi, không phải là một tuyệt sắc giai nhân nhưng ngũ quan vẫn nhu hòa, là nét đẹp theo kiểu trầm tĩnh dịu dàng.
“A Nguyệt, cẩn thận kẻo ngã.” Tống Tuệ Nhi đưa tay ra đỡ nàng.

Cùng là lam y nhưng lại mang tới hai khí chất khác biệt, một bên là cô nương trưởng thành điềm đạm, một bên lại là nữ hài tử nghịch ngợm đáng yêu.

“Ngũ tỷ tỷ.

Tỷ xem, hôm nay muội cũng mặc lam y.” Khác với các vị công chúa khác, Ngũ công chúa Tống Tuệ Nhi thường chỉ mặc lam y.

Nàng là nữ nhi của Vĩnh tần, một vị phi tần không mấy được sủng ái trong cung.

Có lẽ bởi mẫu thân nàng vốn nhân từ, không ham tranh đấu nên nàng cũng giống thế, hoặc do cố kị vị thế của mẫu thân không cao nên Tuệ Nhi từ nhỏ đã e dè, điềm đạm nhút nhát, làm gì cũng vô cùng thận trọng.
Di Nguyệt đặc biệt thích vị tỷ tỷ này.

Kiếp trước, lúc nàng sa cơ thất thế, ngũ tỷ tỷ mặc dù không dám thể hiện rõ nhưng vẫn luôn âm thầm quan tâm, giúp đỡ nàng.

Cả Vĩnh tần cũng thế, mặc dù có lẽ bà cũng đã từng vô cùng ghen tị với hoàng hậu, nhưng khi hoàng hậu mất, bà vẫn vô cùng kính trọng và vẫn dành một chút dịu dàng của người mẹ dành cho đứa trẻ mồ côi tội nghiệp là Di Nguyệt.

Ngoài Tuệ Nhi, vẫn còn một công chúa khác đối xử với nàng rất tốt.

Song, có lẽ bây giờ chưa phải lúc để nàng làm quen với nàng ấy.
“Ừ, A Nguyệt mặc gì cũng đẹp.” Tống Tuệ Nhi tặng nhành hoa anh đào cho Di Nguyệt, chỉnh lại búi tóc vì chạy mà trở nên xộc xệch của nàng.

“Nhưng có lẽ ta thích nhìn muội mặc hồng y hơn.”

Không phải Tống Tuệ Nhi không thích Di Nguyệt mặc cùng màu áo với mình, nàng ấy làm sao dám cấm thiên chi kiêu nữ như Cửu muội chứ.

Chỉ là đó là lời nói thật lòng.

Da Di Nguyệt rất trắng, khi mặc hồng y thì liền trở nên vô cùng nổi bật và chói mắt.

Cộng thêm dung mạo của nàng vốn đã khó có người sánh được nên đặc biệt hợp với sự rực rỡ của màu đỏ.

Đặc biệt nhất có lẽ là khí chất trên người nàng.

Tuy nhỏ tuổi nhưng Di Nguyệt đã có được khí chất của kẻ bề trên, kể cả là Tuệ Nhi lớn hơn nàng tám tuổi cũng không so được.

Di Nguyệt giống Lý hoàng hậu, từ khi sinh ra đã có được loại khí chất của phượng hoàng trên cành cao, hồng y sẽ càng tô điểm cho vẻ đẹp của nàng.
“Hừ! Cùng là lam y thì sao chứ? Chất vải trên người ngũ hoàng tỷ có thể so được với chất vải trên người cửu hoàng muội sao?”.

Bình Luận (0)
Comment