Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 158

Mới đầu Mộng Khanh không biết khách Kim Sơn là gì.

Nhà bên có nàng dâu Khai Bình, nói ở bên kia biển có tòa Kim Sơn, kẻ ngoại biên từ bên kia Kim Sơn đi thuyền đến, đầu tiên là mời mọi người tới đào Kim Sơn. Về sau Kim Sơn đào xong rồi, lại mời mọi người đi sửa đường sắt. Hàng trăm hay thậm chí là hàng nghìn người đàn ông đều bị kẻ ngoại biên nhét xuống dưới sà lan*, chòng chành đong đưa đến Kim Sơn, nếu sống sót thì sẽ phát tài. Nội Khu nhà con dâu Khai Bình đã phát tài rồi, năm nội đi Kim Sơn có dịch bệnh, ông phải cõng bốn người chết cho kẻ ngoại biên, cõng một người kiếm được một đồng bạc. Đến khi nội đi Kim Sơn về, xây nhà mua ruộng, lại cưới liền hai phòng ba thiếp, trong vòng ba năm sinh bảy người con.

(*Sà lan là một thuyền có đáy bằng, một phương tiện dùng để chở các hàng hóa nặng di chuyển chủ yếu ở các con kênh hoặc các con sông.)

Mộng Khanh nói: Kẻ ngoại biên là gì?

Dâu Khai Bình mới bảo: Kẻ ngoại biên chính là lũ lông đỏ*.

(*Lông đỏ/Hồng mao là từ được dùng để chỉ người da trắng, người phương Tây, có nguồn gốc từ Phúc Kiến, một loạt các ngôn ngữ Mân Nam.)

Má giễu cợt bảo: Nội Khu phát tài rồi, sao còn bán cô đến Thạch Đàm chịu khổ?

Dâu Khai Bình thở dài thườn thượt: Nội từ Kim Sơn về chưa được mấy năm, đột nhiên nghiện thuốc phiện. Nội hút thuốc năm năm, tía lại không được học hành, đành hồi hương cày bừa nuôi heo. Mấy năm sau, nhà cũng bán đi, ruộng cũng bán luôn, mắt thấy dâu hai phòng sắp chạy mất, nội tuổi đã hơn năm mươi, vẫn đành phải đi thuyền đến Kim Sơn lần nữa. Nhưng chuyến này lại một đi không về. Tía mới đành mướn mấy mẫu ruộng cằn cỗi, ngặt nỗi hạn hán lũ lụt nhiều năm liên miên, bên trên có ba ông anh chờ ăn cơm, hết cách rồi, đành bán đứa con gái là cô đến thôn Thạch Đàm.

Mỗi lần má về dạy em với chị nữ công, bà luôn nói với hai chị em thế này: tiên sinh trong trấn nói “người nước ngoài bán thuốc cho chúng ta, là muốn hút bớt tinh thần của chúng ta.” Từ nay về sau lập gia đình, thà gả cho mèo cho chó chứ nhất quyết không gả cho kẻ hút thuốc phiện.

Mộng Khanh mới hỏi: Gả cho khách Kim Sơn thì sao ạ?

Chị phỉ phui cô: Mơ hay nhỉ, sơn khu Việt Bắc, có nhà nào được gả cho khách Kim Sơn không?

Mộng Khanh thầm nghĩ, chị trời sinh đã có tướng mạo đẹp, ngay đến đôi gót ngọc kia cũng có tên. Nếu chị có thể gả cho khách Kim Sơn, vậy là mỗi ngày đều có trứng gà ăn rồi.

Ở Anh Châu, Thú Viên có núi trà ngàn mẫu, một nửa thuộc về nhà họ Ôn. Nhà họ Ôn người ít, chỉ có hai vị thiếu gia một lớn một nhỏ. Ngày trước hai vị thiếu gia từng đi học ở chỗ Tư Đồ tiên sinh mấy năm, song chỉ có nhị thiếu gia là học nên người. Đại thiếu gia về nước tập buôn bán trà với lão gia nhà họ Ôn, còn nhị thiếu gia lên Sa Diến ở Quảng Châu đi học tại trường nước ngoài, sau lại thi đậu đến Kim Sơn học. Có điều nơi đó càng nằm về phía bắc Kim Sơn hơn so với chỗ mà nội Khu đi, gọi là Victoria. Nhị thiếu gia học tiếng nước ngoài, sau đó lại theo người nước ngoài học buôn bán, nhanh chóng phát triển kinh doanh ở Kim Sơn. Muốn gả con gái sang cho khách Kim Sơn, vậy thì phú hộ nhà họ Ôn, nhị thiếu gia lại có tiền đồ, chính là số một số hai trong số khách Kim Sơn.

Kể ra thì, tổ tiên nhà họ Trần và nhà họ Ôn cũng có chút giao tình. Thiếu gia trong nhà mất vợ, ở bên Kim Sơn lại không thích lấy vợ nước ngoài, người nhà họ Ôn đành tìm người trong thôn gần đấy cho cậu. Tính tới tính lui, hợp chữ bát cũng chỉ có con gái nhà họ Trần, chính là chị gái của Mộng Khanh. Năm ấy chị mới mười ba, bốn năm sau Ôn thiếu gia về nước, tính ra cũng rất hợp tuổi.

Có điều nửa năm sau, nhà họ Ôn lại nhờ bà mai tìm đến cửa, thấy bàn chân ba tấc của chị thì lại lắc đầu: thiếu gia nhà họ Ôn học chữ nước ngoài, không thích phụ nữ bó chân.

Kể ra cũng trùng hợp, đêm hôm trước Mộng Khanh chỉ mới bó chân. Má ở trong phòng nghe thấy tiếng của bà mai, lập tức bình tĩnh tháo vải xanh thêu đào hồng trên chân Mộng Khanh ra, duỗi thẳng từng ngón quặp vào trong lòng bàn chân.

Mộng Khanh đau tới mức bất tỉnh, vừa định há miệng khóc thì chị đứng bên cạnh đã nhét trứng gà vừa lột vỏ vào miệng Mộng Khanh. Đã mấy tháng rồi Mộng Khanh không được ăn trứng gà, bị nghẹn quên cả khóc, cũng thèm tới mức quên cả nhai, còn chưa nếm ra vị lòng vàng thì đã được má dắt ra, tập tễnh đi tới cạnh bà mai.

Giọng má nhẹ bẫng: “Thím Hà khoan đi đã, thím nhìn xem cô út của tôi đi. Năm nay chín tuổi, chưa bao giờ bó chân.”

Con gái thôn Thanh Viễn không xuống ruộng, lên năm tuổi sẽ phải bó chân. Nhiều năm hạn hán lũ lụt liên miên, tía má và anh hai bận bù đầu, đến lượt Mộng Khanh, kéo dài đến tận chín tuổi mới bó chân. Người người đều nói chắc chắn sẽ không ai thèm lấy Mộng Khanh, vậy mà m chỉ mới bó chân hai ngày đã được tháo ra.

***

Năm anh hai mắc chứng động kinh, chị đi lạc.

Ngày trấn Thạch Đàm họp chợ, má đã nói sẽ dẫn chị lên trấn đi chợ.

Chị không chịu, hỏi má: Vì sao đi họp chợ lại không dẫn Mộng Khanh đi? Mộng Khanh cũng muốn họp chợ.

Má nói được.

Lần đầu tiên Mộng Khanh được đi họp chợ, vui tới mức không ngủ nổi. Nhưng chị lại khóc cả đêm.

Cô hỏi vì sao chị khóc? Chị nói, em biết ngày mai phải lên trấn họp chợ hả? Chị nghĩ má lừa mình rồi. Em không biết đâu, một tháng trước anh hai bị ho lao, má khóc cả đêm, khóc hai mắt sưng vù. Ngày hôm sau lên trấn một chuyến, tới khi về thì không khóc nữa, còn mua thớ vải lụa, dùng chỉ vàng chỉ bạc thêu giày, để làm gì?

Em gái không biết, nhưng chị gái biết.

Thiên tai nhiều năm, mùa đông giá rét năm ngoái tuyết rơi liên tục, mấy chục mẫu đất nhỏ mướn đó cũng chỉ đủ để người thôn Thạch Đàm ăn nửa năm, quá nửa năm thì biết làm sao đây? Phải bớt đi một miệng cơm thôi. Mắt thấy con gái trong thôn ít dần, lần nào theo tía má lên trấn Thạch Đàm họp chợ là cũng không thấy bóng dáng đâu nữa, ngay cả hai chị gái nhà họ Phương đồ tể bên cạnh cũng mất tăm mất tích.

Chị đến cửa tìm, tía nhà họ Phương nói: A Tú đã đến tuổi, được gả đến Phật Cương sống vui vẻ rồi.

Chị bị trong nhà đuổi, đúng lúc đụng phải anh hai nhà họ Phương đang xuống ruộng cấy mạ, bèn thăm dò: rốt cuộc A Tú gả cho phú hộ nào vậy?

Anh hai nhà họ Phương nói: chủ nhân Phùng thị ở Phật Cương năm nay đã sáu mươi chín tuổi, một chân dưới mồ đến nơi rồi mà cưới ba phòng bốn thiếp, vào cửa nhà họ Phùng với con bé trong nhà, e cũng phải làm con sen mà thôi.

Chị nói: Sao em nghe tía nói, từ lúc gả A Tú đi, ngày nào nhà họ Phương cũng nấu rượu ăn heo sữa quay?

Anh hai nhà họ Phương mỉm cười: Thế nào mới ăn heo quay? A Tú bị tía má bán giá rẻ đến Phật Cương, coi như cô con gái này đã chết; tế Thiên Hậu lạy Quan Đế, chỉ mong kiếp sau con bé đừng sinh ra ở nhà nông nữa.

Má may giày hoa chỉ vàng chỉ bạc, má muốn dẫn hai chị em lên trấn họp chợ, chị biết hôm nay đến lượt mình rồi.

Đến ngày họp chợ, má lén lút nhét bao vải vào trong tay chị.

Chị quay đầu nhìn lại, trong bao vải thấm mồ hôi có một quả trứng gà luộc, vẫn còn ấm, là thân nhiệt của má.

Nghe chị hỏi má: Mộng Khanh cũng có ăn ạ?

Nghe má nói nhỏ: Trứng gà chỉ dành cho một mình con ăn.

Mộng Khanh ở đằng sau nhìn thấy, nuốt nước bọt thèm thuồng. Sáng nay cô cũng chỉ mới ăn có nửa củ khoai nướng. Bây giờ đã qua ban trưa, đói tới da bụng dính da lưng. Cũng đã mấy năm chị không được ăn trứng gà, nhét lấy nhét để vào miệng, nhưng vừa quay đầu nhìn thấy Mộng Khanh thì lại nhổ trứng ra, dè dặt chia nửa đưa cho em, hai chị em đều có ăn.

Mộng Khanh ngẩng đầu, lại thấy má quay lưng về phía chị len lén lau nước mắt. Cô còn chưa kịp hỏi vì sao má khóc, thì má đã không để ý đến chị, nắm chặt Mộng Khanh đưa ra khỏi bên ngoài đám đông. Mộng Khanh vùng vẫy giằng ra khỏi má, nhưng má ngó lơ. Mộng Khanh thấy một gã đàn ông béo mập, nhân lúc đông người ôm chị chạy đi. Mộng Khanh gọi to tên chị, má bịt miệng cô lại, ôm cô đi thẳng.

***

Hôm đó về nhà, má vui vẻ mua một giỏ trứng gà. Một nhà sáu người, mỗi người một quả, một mình Mộng Khanh được hai quả.

Anh hai bị bệnh mới khỏi, đã phải xuống đồng làm ruộng với tía. Thu nhập trong nhà vẫn không ổn, nhưng ngày nào cũng có thể ăn trứng gà.

Anh hai đã gần ba mươi tuổi, tía nhờ bà mai tìm vợ cho anh hai, chỉ chờ nhà họ Ôn đưa lễ vật đến thì sẽ có tiền đến cửa cầu hôn.

Năm thiếu gia Kim Sơn về nước, nghe nói người nhà ở quê đã đính hôn cho mình, mới đầu không đồng ý, còn nhờ người đến Thanh Viễn từ hôn.

Người trong thôn thấy tía nổi giận, mới lắm mồm mấy câu với ông.

Tía mới nảy sinh ý nghĩ, đêm đó nói với má: “Hôm nay người kia đến nói cho tui biết: ‘con gái mười ba mười bốn tuổi, nếu để cho Thôi A Bằng bán heo nái trên bến tàu Sán Đầu nhìn thấy, hai ngàn đồng bạc cũng không phải là nhiều. Hai ngàn đồng bạc, ở đây có thể mua được chục đứa con gái. Con gái ở bến tàu Sán Đầu cũng muốn bán đến Kim Sơn, rẻ nhất thì cũng bán được năm ba trăm đồng’.”

Má nói: “Ý ông là Mộng Khanh bị Anh Châu từ hôn, sớm muộn gì cũng không gả được, không bằng bán cho Thôi A Bằng?”

Má quát tía: “Năm đó thằng hai bị bệnh sắp chết, cả nhà không ăn được cơm, tui hết cách nên mới bán cô hai đi. Dẫu gì cũng là thịt trên người tui, chỉ cần tui còn sống thì đừng hòng bán cô út!”

Tía tức giận, vác cuốc lên đuổi đánh má: “Sinh con gái không bằng sinh heo nái, heo nái bán còn có lời, sinh con gái, rẻ nhất cũng chỉ bán được một trăm hai mươi đồng bạc.”

Đêm đó má thấp giọng gọi Mộng Khanh lên trấn trên tìm Tư Đồ tiên sinh, nhờ ông gửi giúp điện báo đến nhà họ Ôn, chỉ nói nếu nhà họ Ôn không cưới, tía nhà họ Trần sẽ bán Mộng Khanh cho gã bán heo.

Mộng Khanh không đi, cô biết mình mà đi, tía sẽ đánh chết má.

Tía nói: “Mộng Khanh, con biết không, nếu như hôm nay má chết, thì từ rày về sau liệu có ai ngó ngàng con?”

Mộng Khanh không hiểu. Trên đời này ngoài má và chị ra, còn có ai sẽ ngó ngàng cô nữa?

Nhưng má lại khóc: “Con gái mệnh khổ, kiếp này không để con và chị sinh ra trong nhà tốt, là lỗi của má. Con nghe má đi, hôm nay con ra khỏi cái nhà này, nếu cậu ta vẫn không chịu cưới con thì con cũng không cần phải về nhà nữa, không cần phải gặp người thân muốn hại chết mình.”

Mộng Khanh vẫn không chịu đi.

Má thấp giọng sụt sùi, lấy mạng ra ép: “Con không chịu đi, mới là đòi mạng má!”

Mộng Khanh mới chạy ra ruộng thì nghe thấy tía ở trong nhà lớn tiếng chửi rủa má.

Mộng Khanh nhớ lại lời má cầu khẩn, không dám ngoái đầu, chỉ biết vừa chạy vừa khóc. Chạy xa tám dặm, chạy đến mức mất cả đôi giày thì mới thấy Tư Đồ tiên sinh.

Mộng Khanh và Tư Đồ tiên sinh đợi ở cục điện báo thành phố hai đêm, nhưng lại đợi được tin má nhà họ Trần đã tắt thở trước hết. Mộng Khanh tuyệt vọng, không chịu ăn không chịu ngủ, chờ ở cục điện báo, khóc tới mức nước mắt cạn khô. Tư Đồ tiên sinh khuyên cô ăn uống ngủ nghỉ, nhưng có nói thế nào cũng không khuyên được.

Đêm thứ hai có một người đàn ông xa lạ đến, nói tiếng Quảng giọng Anh Châu, vô cùng dịu dàng, khách khí, không nói một lời dư thừa. Cô ngồi trên băng ghế ngoài cục điện báo, anh ta ngồi cùng cô; cô nằm lim dim, anh ta đứng dậy chờ.

Mộng Khanh vừa tỉnh lại thì anh ta ngồi xuống cạnh cô, tối om om mảng lớn.

Thấp giọng mở miệng: “Em không ăn không uống như thế, người nhà sẽ lo lắng lắm.”

Cô lau nước mắt, “Má nói ngoài má ra, trên đời này không ai quan tâm em nữa. Hôm nay đến má cũng đi rồi.”

Người nọ không nói gì, vặn mở một chiếc hộp sữa trắng, đưa cho cô. Bên trong là sữa bò, mở nắp ra, vẫn còn nóng hổi.

Lúc bấy giờ Mộng Khanh mới cảm thấy đói, cầm hai tay tu ừng ực.

Người nọ lại hỏi, “Năm nay em mấy tuổi.”

Cô không đáp.

Lại nghiêng đầu nhìn anh ta một lúc, lẩm bẩm tính toán: “Mười bốn chăng?”

Trong lòng cô thấy sợ, hỏi, “Tư Đồ tiên sinh đâu ạ?”

Người kia nói, “Tư Đồ tiên sinh đưa tin về trấn Thạch Đàm cho em rồi.”

Cô hỏi, “Tin gì?”

“Tin của nhà họ Ôn.”

Người nọ thở dài, chậm rãi cười nói, “Xem ra đời này em chỉ có thể theo anh.”

***

Rốt cuộc hôn sự vẫn quyết định. Chỉ có điều lúc đó cô chưa đến tuổi, nếu chuyển đi sớm thì sẽ bị chê cười.

Nhà họ Ôn đưa một nửa sính lễ đến cửa, lại đưa thư kèm bạc đến, trong thư nói rõ nguyên nhân: hôn sự giữa hai nhà Ôn – Trần vốn là khế ước chung thân, do ba mươi người già trong Anh Châu và Thanh Viễn làm chứng đồng ý, vốn cũng không thể thay đổi.

Trong thư còn kèm theo hai trăm đồng bạc làm sính lễ, nhờ Tư Đồ tiên sinh chuyển lại cho người nhà họ Trần; đợi Mộng Khanh đến mười lăm thì sẽ hủy khế ước, theo tập tục thôn Anh Châu, gả vào nhà họ Ôn.

Ngày hôm đó, một chiếc xe hơi nhỏ đã đưa Mộng Khanh về.

Tư Đồ tiên sinh đọc thư cho nghe, tía lập tức im miệng.

Tía có tiền rồi, cùng anh hai vui vẻ mua nhà mua ruộng. Tía xem thường thợ nề trong vùng, đặc biệt mời thợ nề ở Phúc Châu đến xây nhà, xây hẳn ba đại viện, sân nhà, chính đường, mái đông, mái tây, còn bắt chước người ta trồng hoa đào trong viện.

Tía và hai không chỉ học người ta trồng đào, mà còn bắt chước uống rượu hút nha phiến. Hễ rượu vào người, tía và hai lại muốn đánh người. Không đánh được Mộng Khanh thì lại đập đánh chị dâu.

Mộng Khanh bảo chị dâu khuyên hai đi, nhưng chị dâu lại trách ngược lại: tưởng cả nhà chầu trời theo cô chắc, lại còn muốn quản tía và hai hả?

Bọn trẻ trong thôn thích vạch cửa sổ nhà cô hát ca dao chế giễu:

“Lão gia Kim Sơn, thiếu gia Kim Sơn, nhà đầy vàng bạc gấm vóc

Đời này không gả cho thiếu gia Kim Sơn, lấy đâu ra vàng bạc sống sung sướng.”

Má đi rồi, nhà giàu lên, nhưng cuộc sống không có một ngày nào được tốt đẹp.

Mộng Khanh không có chân nhỏ, vẫn có thể gả cho khách Kim Sơn như trước, nhưng cô chẳng chút vui vẻ.

Khách Kim Sơn không thích bó chân, rốt cuộc có tin vào khế ước hay không, Mộng Khanh không biết. Chỉ biết về sau hay có người nhắc đến hôn sự này, đều nói: khách Kim Sơn kia nghe bảo nếu mình không chịu cưới, thì cô út nhà họ Trần cũng sẽ như chị, bán rẻ cho ông già sáu mươi làm con sen, cho nên mới động lòng trắc ẩn.

***

Từng ngày trôi qua, bất chợt một hôm, khách Kim Sơn tìm đến cửa.

Hôm đó là ngày trời đông giá rét, tuy đã vào xuân song vẫn còn tuyết rơi. Mộng Khanh mặc áo cũ được chị dâu khâu vá lại, ngồi dưới tàng cây đầy bùn thêu giày. Mộng Khanh không có má, nên chị dâu dạy cô thêu giày. Đầu mùa xuân năm sau sẽ được gả đến nhà họ Ôn rồi, đôi giày này dùng để mặc lúc bước qua cửa nhà họ Ôn.

Chị dâu bảo cô nghĩ hoa văn, cô nhớ đến bụi hoa đào trong sân, bèn bảo muốn thêu hoa đào lên giày.

Trong phòng đốt chậu than, tía và hai ở trong nhà ấm áp uống rượu. Còn Mộng Khanh tay cóng đến mức cứng ngắc, mũi chân cũng chống đối với cô, nhưng dù không xâu được giày cô cũng không chịu vào nhà sưởi ấm.

Hai và tía cười nói không dứt. Một lúc sau, chợt cô nghe thấy tiếng cười vọng đến từ sau lưng.

Mộng Khanh biết khách đã nhìn mình một lúc lâu, thấy cô mãi không thêu được mặt hoa thì cười cô không khéo tay, bèn quay đầu nhìn anh ta, để anh ta biết mình đang tức giận.

Người nọ cũng không nôn nóng, chậm rãi cởi áo khoác ra phủ lên người cô, đầu tiên là nhìn cô, sau đó lại nhìn đôi giày trong tay cô.

Mộng Khanh hỏi: Anh là ai hả?

Người kia nói: Em không biết anh là ai sao?

Cô lắc đầu.

Người nọ bật cười.

Mộng Khanh cảm thấy lúc cười trông anh ta quen quen. Nhớ lại cục điện báo ở thành phố, chợt sực nhớ ra người này là ai, cô đỏ mặt cúi đầu.

Người nọ lại hỏi: Em có muốn gả cho khách Kim Sơn không?

Mộng Khanh nói: Không muốn.

Người kia nói: Không gả cho khách Kim Sơn, vậy gả ai?

Mộng Khanh đáp: Không gả ai hết. Bồ tát trong miếu Ma Tổ đều nói con người có kiếp trước kiếp sau, kiếp này không được như ý, nếu có kiếp sau, em muốn được như chị A Đào ở trấn Thạch Đàm, vào thành phố học nữ công gia chánh, rồi học trường nước ngoài.

Người kia cười không nói.

Thở dài một tiếng, lại bảo: Kiếp này không được rồi, chữ bát sinh thần đã được định ở chỗ Diêm Vương rồi. Có điều kiếp này em theo anh, vẫn có thể học nữ công gia chánh, vào trường nước ngoài.

Mộng Khanh tay cầm giày thêu, quay đầu nhìn anh ta chằm chặp.

Ngoài má ra, chưa bao giờ có người nào quan tâm cô có được ăn no có được ấm áp hay không.

***

Năm ấy Ôn thiếu gia không được rảnh cho lắm, phải ở lại Kim Sơn, trì hoãn một thời gian.

Trước ngày cưới, Kim Sơn lại gửi thư đến, làm tía hai và chị dâu vui đến mấy ngày.

Tía có tiền rồi, bèn nhờ người mời Tư Đồ tiên sinh lại nhà đọc thư.

Tư Đồ tiên sinh nói: Ôn thiếu gia mua một tấm vé tàu hạng nhất, muốn đón Mộng Khanh đến Vancouver, học chữ Tây, vào trường nước ngoài.

Tía thúc giục: Còn gì nữa?

Tư Đồ tiên sinh bảo, nhà họ Ôn gửi bạc đến, mời người may xiêm y sạch sẽ cho Mộng Khanh, lại mang theo hai rương vàng bạc; nhà họ Ôn lại mời thêm bà vú, tháng mười này sẽ đón cô ấy đi, đến cảng Sán Đầu ở Anh Châu, đi tàu tới Kim Sơn.

Tía lại giục.

Tư Đồ tiên sinh nói: nếu không chịu đi, thì cũng có thể cùng nhị lão của nhà họ Ôn xuống Nam Dương.

Xuống Nam Dương hay lên Kim Sơn, hai và tía không thèm để ý, chỉ chú ý mỗi thư kèm bạc gửi tới từ Kim Sơn.

Có một hôm Tư Đồ tiên sinh hỏi Mộng Khanh: Cháu muốn đi đâu?

Mộng Khanh nói: Cháu muốn đến Kim Sơn.

Tư Đồ tiên sinh bảo: Người nhà họ Ôn đó chỉ mua một nàng dâu, cốt làm tròn chữ hiếu; nếu thiếu gia Kim Sơn về thì sẽ phải sinh con dưỡng cái thay anh ta, vì sao cháu lại muốn đi Kim Sơn?

Mộng Khanh nói: Không đi Kim Sơn, vậy có khác gì má?

Tư Đồ tiên sinh thở dài.

***

Mộng Khanh cùng người của nhà họ Ôn đến bến Sán Đầu.

Lúc đợi tàu đến Kim Sơn, cô chờ ở bến tàu miền nam Trung Quốc. Dưới mái che nắng ở bến tàu, tình cảnh trước mắt cũng như ngày họp chợ ở trấn Thạch Đầu, một bà má dắt theo cô gái mặt mũi vàng vọt, buồn thiu đứng dưới cái nắng chờ người tới.

Chim trên bên tàu sợ hãi vỗ cánh bay đi, giăng khắp trời là những cánh chim trắng xám tán loạn, cô bất chợt nhớ đến lời má nói.

Má nói: “Mộng Khanh, con biết không, nếu như hôm nay má chết, thì từ rày về sau liệu có ai ngó ngàng con?”

Còn người kia lại nói với cô: “Kiếp này không được rồi, chữ bát sinh thần đã được định ở chỗ Diêm Vương rồi. Có điều kiếp này em theo anh, vẫn có thể học nữ công gia chánh, vào trường nước ngoài.”
Bình Luận (0)
Comment