Kim Sơn Hồ Điệp

Chương 77

Mộng Khanh chỉ rời khỏi San Francisco, hay đã không còn ở trần gian nữa?

Có điều cô nhanh chóng chắc chắn, nhất định phải là vế sau. Thà để anh ta biết được tin cô ấy đã chết còn hơn, như vậy cũng tiện bắt đầu cuộc sống mới. Nếu không thì cả đời này sẽ canh cánh mãi, không lúc nào thôi tìm kiếm, không lúc nào thôi nhớ mong: bây giờ Mộng Khanh đang ở đâu, có bị đói bị cóng không? Có cơm ăn đủ no không? Có bị người ta ức hiếp không? Thấy vật nhớ người, cả đời này cũng không cách nào hết bệnh.

Hoài Chân hỏi anh ta: Người đâu rồi, có nói mình tên gì không?

Anh chàng kia nhớ lại rồi bảo: Có để lại điện thoại cho bà chủ, hình như nói mình họ Mạnh.

Vậy có lẽ không phải chính người đó, hoặc có lẽ anh ta giấu giếm thân phận tới trước, lại có lẽ không muốn gây ra chuyện lớn, có lẽ vì nghi ngờ lí do thoái thác của Hồng gia.

Thế là Hoài Chân hỏi anh người làm: có thể nhờ bà chủ chuyển lời lại với anh ta, nói chiếc vòng này là do nhân viên trên tàu Thái Bình Dương đem đến được không? Nếu anh ta lại hỏi kỹ nữa thì cứ đáp qua loa mấy câu, nói là một cô gái người Hoa ở trên tàu bị bệnh qua đời, đến bến tàu không ai nhận nên an táng ở khu mộ người Hoa ở San Jose, không lập bia. Còn về nhân viên làm việc trên tàu là ai, thì cứ bảo là người da trắng…

Anh chàng kia bảo, biết rồi biết rồi. Người da trắng mà, ai cũng như ai, sao nhận ra được?

Hoài Chân lại hỏi: Liệu bà chủ của các anh có nói theo đúng như lời em dặn không?

Anh ta nói: Bà ấy là người tham tiền mà.

Hoài Chân gật đầu.

Anh ta lại bảo: Hay bây giờ em đi gặp bà ấy với anh đi?

Hoài Chân nói, tạm thời trong tay em không có tiền, cần phải đi lấy đã.

Anh ta nói: Không sao đâu, em cứ từ từ mà đi, để anh đi nói trước với bà chủ, tránh anh ta đến sớm quá không nói khớp được. Đợi anh ta đi rồi thì anh sẽ lại tìm em, nói cho em biết anh ta nói gì.

Hoài Chân gật đầu rồi nói, thuận tiện anh hỏi bà chủ hộ em, tiền chuộc vòng về là bao nhiêu để em đem đến.

Anh chàng nọ xin lỗi, bảo là, đáng lý chuyện này không nên lôi bà chủ vào, em đưa ba trăm đô là có thể lấy lại nó rồi. Anh ta đến nhanh quá, anh đáp gấp quá nên không suy nghĩ nhiều.

Hoài Chân nói, đáng nhẽ em phải tới chuộc vòng về sớm mới phải.

Anh ta nói vậy anh không làm chậm trễ nữa, cũng nên về rồi.

Đến xế trưa, anh ta lại thở hổn hển chạy đến.

Hoài Chân mời anh ta ngồi, anh ta không chịu, nói phải chạy về ngay, chỉ đứng bên tường ở tiệm giặt mà thấp giọng bảo: “Nói chung trước sáng mai em phải đến cửa tiệm một chuyến. Hồi sáng anh đi trễ, người kia đã tới chờ ngoài cửa lâu rồi. Anh ta hỏi anh bà chủ đâu? Anh nói chưa đến, anh ta đợi thêm lát nữa. Anh vội vào sân sau thuật lại lời cho bà chủ, bà chủ mới làm theo lời em dặn trả lời anh ta. Anh ta nghĩ ngợi, bèn hỏi chiếc vòng này bao nhiêu thì có thể bán lại cho anh ta. Nhưng trước đó anh từng nói đã để lại chiếc vòng này cho em rồi, hơn nữa cậu cũng không đưa tiền cho em, với cả bà chủ mới nói là mình cũng thích chiếc vòng này, cho nên không bán. Vậy mà người đó lập tức nâng giá lên 6000 đô la, mặt đỏ tía tai nói với bà chủ, ‘chiếc vòng này rất quan trọng với tôi. Tôi là một thương nhân, không tới đường cùng thì tuyệt đối sẽ không cầm cố thứ quan trọng.’ Lại bảo bà chủ xin cân nhắc thêm, nghĩ xong rồi thì hẵng gọi điện thoại cho anh ta.”

Có một chớp mắt Hoài Chân cảm thấy, nếu bà Hoàng bán vòng cho anh ta thì cũng coi như vật về nguyên chủ. Song rồi lại nghĩ, nếu mình làm vậy thì thật sự không nhân đạo chút nào.

Hoài Chân bèn hỏi anh ta: em phải trả bao nhiêu để chuộc chiếc vòng này về?

Anh ta nói: anh nói với bà chủ là theo lý sẽ lấy 300 đô tiền chuộc trả lại em, nhưng bà chủ tức giận, nói sớm biết thế thì đã hét giá 1000 đô bán lại cho anh ta rồi, anh nói với bà ấy mãi mới đồng ý cho em chuộc về với giá 500 đô.

Hoài Chân lập tức đáp được, nói để em đi lấy tiền đã, sau đó sẽ đến cửa tiệm tìm bà chủ.

Vừa hay đã tới kỳ hạn ngạch 100 đô gửi ở Wells Fargo, cộng thêm cổ phiếu 350 đô trước Tết và chút tiền lẻ trong tay, gộp lại cũng hơn 500 đô la. Kodak đầu tư vào hãng phim nhựa Paramount là thời điểm kiếm tiền tốt nhất. Bây giờ mà rút cổ phiếu thì còn không bằng hạn ngạch gửi vào ban đầu.

Có điều cô vẫn rút hết cổ phiếu ra, lòng đau như cắt nước mắt đầm đìa.

Để cẩn thận, cô đi vào từ cửa sau của tiệm cầm đồ. Bà Hoàng nhanh chóng đếm tiền ở sau quầy, sau đó lấy vòng ra lau chùi sạch sẽ, đặt vào chiếc hộp gỗ gụ rồi đưa cho cô.

Hoài Chân đưa mắt nhìn rồi khép chiếc hộp lại.

Bà chủ nói, “Cô không kiểm tra xem có đúng vòng không à?”

Hoài Chân nói, “Bà chủ không bán vòng 6000 đô cho người khác, nhất định không phải là người tham của thất tín”

Bà chủ cười, “Lần đầu cậu ta ra giá 1000 đô là tôi đã muốn gọi cậu ta lại, tiền trao cháo múc rồi!”

Hoài Chân cười cảm kích bà ta.

Nhớ đến việc Ôn Mạnh Băng đang ở San Francisco, thậm chí có thể đang ở góc nào đó trên phố người Hoa là Hoài Chân không yên tâm nổi.

Bà chủ thấy cô do dự bèn hỏi, “Nếu chiếc vòng này không phải là đồ của cô, thì để tôi gọi điện cho cậu ta, bảo cậu ta đưa 6000 đô đến lấy? Tiền cho cô hết, nếu cô muốn thì đưa tôi ít phần trăm là được.”

Hoài Chân giật mình, đẩy chiếc vòng về lại.

Bà chủ nói, “Là ý tôi hiểu đó sao?”

Hoài Chân gật đầu, còn nói, “Không cần bảo anh ta trả 6000 đô đâu. Bà cứ nói bà đã suy nghĩ rồi, cảm thấy dù gì cũng vật của người bên kia để lại, bảo anh ta cứ để lại 315 đô rồi lấy vòng đi là được, có được không?”

Bà chủ cầm ống nghe lên, liếc cô nói, “Cái gì mà người bên kia người bên này? Xúi quẩy!”

Hai ba câu bàn xong chuyện, bà chủ nói nửa tiếng nữa anh ta sẽ đến đây, nếu cô muốn nghe thì cứ xuống bếp đợi.

Thế mà người kia lại đến sớm hơn cô nghĩ.

Hoài Chân nấp sau bình phong, cách khe hở rèm sa, mơ hồ thấy một bóng lưng tối màu, nhả giọng chậm rãi, âm thanh trầm thấp.

Bà chủ thấp giọng thuật lại lời Hoài Chân dặn, sau đó lại quan sát sắc mặt một hồi, nghe rất đáng tin.

Người kia khom lưng dựa vào quầy, không trả lời.

Bà chủ nhân đấy nói tiếp: “Cậu đã đến nghĩa trang công cộng người Hoa ở San Jose chưa?”

Anh ta nói rồi.

Bà chủ quan sát sắc mặt anh ta, khuyên lơn, “Tám mươi năm qua, không biết có bao nhiêu người Hoa vùi thân dưới biển khơi, vong hồn không nơi an táng. Cô ấy cũng coi như may mắn lắm rồi, xin nén bi thương.”

Anh ta gập người cám ơn rồi xoay lưng bước đi.

Có lẽ cuộc nói chuyện ấy còn không kéo dài quá mười lăm phút, thế nhưng với Hoài Chân lại không khác gì một buổi trưa. Bà chủ đủng đỉnh bước đến, đưa cho cô 100 đô la tiền giấy: đây, cô có thể nhìn xem.

Hoài Chân chìa hai tay ra, trong lòng bàn tay đổ đầy mồ hôi.

Đến xế chiều, Hoài Chân lại gặp phải anh ta. Khoảng sáu giờ tối, Hoài Chân và Vân Hà đang ở trên lầu phơi bồ kết, thì đột nhiên nghe thấy dưới lầu vang lên âm thanh quen thuộc.

A Phúc hỏi: “Tiên sinh đến giặt đồ sao?”

Anh ta cười đáp: “Vâng, đi cả ngày ở phố người Hoa, chỉ thấy mỗi nhà này là tiệm giặt.”

A Phúc cười, “Trước nay tiệm giặt đồ ở thành phố San Francisco không hề ít, nhưng gần đây càng lúc càng nhiều người muốn ở nhà giặt đồ hơn. Cũng có một vài tiệm giặt, có điều toàn ở trong ngõ hẻm, phải tìm cẩn thận mới thấy. Trên đường lớn toàn là tiệm ăn và cửa hàng.”

“Phố người Hoa ở San Francisco quả đúng là danh bất hư truyền, tôi mới tới mấy hôm mà đã đi dạo hoa cả mắt.”

“Tiên sinh từ đâu đến đây?”

“Vancouver.”

“Thì ra là ở Canada.” A Phúc cười to, lại hỏi thêm, “Cậu họ gì?”

“Mạnh.”

“Hai chiếc áo sơ mi, một chiếc quần tây, tổng cộng là 70 cent. Bao giờ đến lấy?”

“Tối ngày mai tôi sẽ rời cảng, có đến kịp không?”

“Kịp chứ, ngày mai trời nắng đẹp, cậu có thể tự đến, hoặc tôi sẽ cho người đưa đến cho cậu…”

Người kia nghĩ ngợi rồi bảo, “Đưa tới đi, địa chỉ là đây.”

“Được được.” A Phúc đáp lại, chào tạm biệt, “Mạnh tiên sinh đi thong thả.”

Vân Hà nghe thấy tiếng thì ló đầu ra nhìn qua cửa sổ, cười toe toét, “Oa, tiên sinh trẻ tuổi này giọng nghe êm ghê, trông cũng tuấn tú dịu dàng nữa ——”

Hoài Chân mang giỏ trúc lùi ra sau.

Vân Hà kéo cô đến cửa sổ: “Anh ta dừng bước rồi kìa, Hoài Chân, mau đến xem đi, anh ấy nhìn chị kìa, còn vẫy tay với chị nữa!”

Hoài Chân lật đật đẩy cô ra, “Vân Hà đừng làm rộn ——”

Nhưng sức cô không đọ lại được Vân Hà, lập tức bị đẩy ra ngoài cửa sổ.

Vân Hà tức giận thở dài, “Em xem, đến trễ rồi! Người ta đi mất rồi kìa!”

Lúc này Hoài Chân mới dè dặt nhìn ra ngoài.

Trong ánh tà dương, người kia đã đi đến dưới cây bồ kết, cô chỉ thấy mỗi bóng lưng tiêu điều.

Cô đưa mắt nhìn bóng người kia băng qua phố, mặt trời cũng dần ngả về tây.

Nếu Mộng Khanh ở trên trời có biết, chiếc vòng tay mang theo bao nhớ nhung của cô ấy đã đi theo Ôn Mạnh Băng. Thương nhân dịu dàng ôm tâm tư với vợ chưa cưới từ bờ Bắc đến tận bờ Tây, cũng có thể buông lòng, từ đây bắt đầu cuộc sống mới.

Mà Quý Hoài Chân cũng không nợ nần gì ai.

Nếu như nói buổi tối ngày hôm trước Hoài Chân còn yên lòng, vậy thì hôm sau tỉnh lại, Hoài Chân lại đau lòng.

Đau lòng vì hơn 500 đô la cần cù làm lụng nửa năm mới kiếm được, vậy mà giờ chỉ còn lại 120 đô la, càng đau lòng cho số cổ phiếu Kodak đang lên cao kia!

Lăn qua lộn lại trên giường, càng nghĩ càng thấy tức, càng nghĩ càng không ngủ được.

Trời vừa mới sáng, Hoài Chân đã trở mình thức giấc, nổi giận đùng đùng đi đến hội quán Nhân Hòa.

Xưa nay hội quán luôn dâng hương cho Quan Đế lúc năm giờ sáng.

Lúc Hoài Chân đến thì hội dâng hương đã tản, mấy người trẻ tuổi quấn xà cạp cầm chổi quét nước, bụi bặm bốc lên tứ phía. Hồng Lương Sinh gập chân ngồi trên ghế thái sư bám đầy bụi mà húp cháo, cũng chẳng biết có uống lẫn phải cát bụi không.

Hồng Lương Sinh ngẩng đầu nhìn cô, giơ tay lên, “Sáng sớm tìm anh đây có chuyện gì thế hả? Có kẻ thù sao? Muốn anh đay ra tay giúp cô à?”

Hoài Chân nói, “Ôn tiên sinh đã đến phố người Hoa.”

Hồng Lương Sinh bật cười, “Lão hồ ly này, vẫn không ngăn được gã.” Trầm tư một hồi, anh ta nói tiếp, “Dẫu gì chuyện này cũng do anh và Tam thiếu không coi trọng người ta. Từ nay về sau nhất định sẽ ngăn cản lại, không để gã bước chân vào phố người Hoa nửa bước.”

Anh ta đáp sảng khoái như vậy, Hoài Chân lại có chút ngại ngùng.

Ngẫm nghĩ một lúc, có lẽ Ôn Mạnh Băng nghe ngóng trước sau nên biết người mất liên lạc ở cảng Sán Đầu. Một cô gái bị lạc ở Sán Đầu, vậy có thể bị đưa đi đâu đây?

Đúng là đồ tài lanh, Tam thiếu Tứ thiếu chỉ phụ trách nhắn đến Vancouver nói người không có ở San Francisco, chứ không chịu trách nhiệm cấm người ta đến San Francisco.

Hoài Chân lại đổi giọng: “Nghĩ lại thì, thật ra cũng không trách các anh được.”

Hồng Lương Sinh mỉm cười, “Vậy sáng sớm cô tìm anh làm gì?”

Hoài Chân nói, “Tôi thiếu tiền.”

Hồng Lương Sinh bèn cười, “Đêm nào người từ bốn phương tám hướng cũng đến phố người Hoa kiếm tiền, cô nói xem ở đâu kiếm được tiền nhanh chóng nhất?” Hắn ngẩng đầu uống hết số cháo vào bụng, vỗ bắp đùi nói, “Đi, anh dẫn cô đi xem cờ bạc buổi sáng!”
Bình Luận (0)
Comment