Kinh Diễm Nhất Thương [Luận Anh Hùng]

Chương 15

Nguyên Thập Tam Hạn cảm thấy mình không thể thua Gia Cát tiên sinh lần nữa.

Nếu cứ tiếp tục thua như vậy, chính hắn cũng không cho rằng mình vẫn là một người đội trời đạp đất.

Thậm chí cũng không phải là người.

Một người không thể luôn thua cuộc, nếu thua quá lâu sẽ cảm thấy mình là một người không thắng, không thể thắng, không có tư cách cũng không đáng được thắng.

Một khi như vậy, thắng lợi sẽ xa rời hắn.

Cho dù về mặt sự nghiệp ta không bằng hắn, chẳng lẽ về mặt ái tình cũng kém hắn sao?

Tại sao?

Nguyên Thập Tam Hạn tự tin vẻ ngoài của mình đẹp hơn so với Gia Cát tiên sinh.

Hắn cao lớn, còn Gia Cát thì lùn.

Hắn tuấn tú, còn khuôn mặt Gia Cát chỉ có một chút nữ tính hóa.

Hắn cũng cảm thấy võ công của mình cao hơn Gia Cát.

Hơn nữa hắn đối với Tiểu Kính một lòng một dạ, yêu thương sâu sắc.

Gia Cát lại luôn có rất nhiều nữ nhân, y là một kẻ phong lưu tiêu sái.

Y vốn tên là "Chính Ngã", nhưng lại không thích cái tên này, cho rằng nó quá "chính", cũng quá "bản thân", cho nên lấy tên là "Tiểu Hoa", bởi vì y vốn thích "hoa". Y từng nói: "Vì nhìn một đóa hoa xinh đẹp, đời người xem như không sống uổng; mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy một đóa hoa, ngày đó sẽ không uổng phí."

Thiên Y cư sĩ lại trái ngược với Gia Cát.

Y vốn họ "Hứa", tên là "Tiếu Nhất", nhưng y lại cho rằng con người mình đã quá lười nhác tản mạn, nên đổi thành một cái tên tương đối trang trọng, vì vậy lấy tên là "Quốc Truân".

Nguyên Thập Tam Hạn không có biệt hiệu, cũng không đổi tên.

Bởi vì hắn không để cho người khác gọi hắn lung tung.

Gọi sai thì hắn không cao hứng, gọi đúng thì hắn không thừa nhận, cho nên những người đặt tên đều bị hắn giết, tước hiệu dĩ nhiên cũng không lưu truyền ra.

Với tính tình của một kẻ như hắn, không thể thua cuộc được.

Nhưng hắn lại thường thua bởi Gia Cát tiên sinh.

Cho nên trên con đường ái tình này, hắn càng không được phép thua.

Bởi vì đã không còn gì để thua nữa.

Nhưng đáng tiếc, một người không thể thua thông thường cũng là một người không thể thắng.

Người thắng thật sự đa số đều không sợ thua.

Gia Cát quả thật bản tính phong lưu, người khác cho rằng y chủ trì chính nghĩa, tính tình nhất định sẽ cứng nhắc bảo thủ, thực ra lại không phải.

Sau này, sở dĩ y có thể ở bên cạnh vị hoàng đế chỉ biết ăn chơi trác táng, gánh vác chuyện lớn, bồi dưỡng tinh anh cho quốc gia, bảo tồn nguyên khí của dân tộc, là bởi vì y biết nghe lời phải, có thể học hỏi điểm tốt của người khác, nhưng lại không vứt bỏ nguyên tắc của mình.

Y có rất nhiều nữ nhân.

Trong đó có con gái lầu xanh sắc đẹp vang xa, tiểu thư khuê các danh chấn kinh sư, giang hồ hiệp nữ đánh đàn múa kiếm, thiếu nữ nhà nghèo ôn nhu động lòng, y có cả ngàn vạn tơ tình của bọn họ cột lên người.

Nhưng y chỉ động lòng với Tiểu Kính cô nương, đó là chân tình.

Rắc rối là ở đây.

Khi ngươi đã động chân tình thì không thể ung dung ứng phó. Bởi vì ngươi đã không bỏ được, cho nên cũng không đùa được.

Một lãng tử không đùa được thì không còn là lãng tử nữa.

Gia Cát tiên sinh không phải lãng tử, y là một trí giả.

Nhưng một trí giả không bỏ được, cũng tuyệt đối không phải là một trí giả thật sự.

Gia Cát tiên sinh từng rất tôn kính một vị võ lâm tiền bối.

Tiền bối này họ Lý, vốn là một vị thám hoa. Y có tài năng tuyệt diệu, có võ công tuyệt thế, cũng có tài hoa tuyệt đỉnh, từ tâm tình đến nhân cách đều khiến Gia Cát tiên sinh ngưỡng mộ trong lòng.

Nhưng y vẫn luôn "không phục" thái độ đối với tình cảm của vị Tiểu Lý thám hoa này.

Tiểu Lý thám hoa vì muốn báo đáp ơn cứu mạng của người bạn thân, lại đem cô gái mà y yêu thương chắp tay nhường cho bạn, buồn bã rời đi.

Đây là trò chơi sao?

Cách làm này xem ra tịch mịch, thương tình, tiêu sái, nhưng thực ra đó là vô vị nhất, ích kỷ nhất, không phải là hảo hán.

Cô gái kia đã trở thành thứ gì? Hàng hoá? Lễ vật? Hay là một gánh nặng mà y muốn vứt bỏ?

Y làm như vậy, thứ đổi lại không phải vĩ đại, mà là "thống khổ".

"Thống khổ" ở cả ba phía, bản thân y, người yêu và ân nhân cứu mạng.

Tiểu Lý Thám hoa là một vị võ lâm tiền bối tài ba, phong hoa của mỗi nhát đao, phong thái của mỗi hành động đều trở thành mẫu mực.

Nhưng không phải là thái độ đối với tình cảm của y.

Trên chữ "tình", y giả tạo, ích kỷ, chủ quan, không bằng cả một tên bán thịt trong chợ, quét rác trên đường, múc nước bên giếng.

Gia Cát tiên sinh thường tiếc nuối cho Lý Thám hoa.

Y sẽ không như vậy.

Thật sự yêu một người thì phải si vì nàng, cuồng vì nàng, không nên đẩy tới đưa lui, lỡ người hại mình.

Không ngờ khi chuyện xảy ra đối với y, lại vẫn thành mê cục.

Người trong cục mơ hồ.

Đây là một mê cục thật sự.

Gia Cát tiên sinh rất yêu Tiểu Kính cô nương, nhưng y biết có một người còn yêu sâu đậm hơn mình, càng không thể mất đi Tiểu Kính.

Đó là Nguyên Thập Tam Hạn, sư đệ của y.

Y hi vọng sư đệ có thể đạt được thành tựu, y luôn cho rằng Nguyên tứ sư đệ sẽ xuất sắc hơn mình.

Y cũng không muốn tiếp tục đả kích Nguyên sư đệ. Nếu như lại xảy ra hiểu lầm, e rằng cả đời này cũng không tháo gỡ được.

Nhưng cho dù như vậy, y cũng không có ý định nhường Tiểu Kính cho Nguyên Thập Tam Hạn.

Yêu không phải là vật chất, cũng không phải là "vật ngoài thân".

Yêu là ở trong lòng, không thể nhường nhịn.

Nhưng y lại cho rằng, Nguyên Thập Tam Hạn là người thích hợp với Tiểu Kính hơn so với mình.

Bởi vì y là một kẻ phong lưu không chịu gò bó.

Tiểu Kính chắc chắn không thể chấp nhận chuyện này.

Nàng là một cô gái như nước, không thể vấy bẩn, không chịu nổi phong ba.

Nguyên Thập Tam Hạn lại nghiêm túc với tình cảm, một lòng không đổi.

Lại nói, y đã quyết tâm xông xáo một phen, muốn dốc chút tâm lực vì dân vì nước. Nhưng trong thời loạn thế, muốn hoàn thành nguyện vọng nho nhỏ này e rằng tùy thời phải trả giá bằng sinh mạng. Mặc dù y rất yêu Tiểu Kính, nhưng y vẫn không thể vì nàng mà từ bỏ giang hồ, ẩn thân trong núi.

Nàng ở với y sẽ phải mạo hiểm, cảnh ngộ bất an, nói không chừng còn có kết quả bi thảm.

Nguyên Thập Tam Hạn thì lại khác.

Chỉ cần có Tiểu Kính làm vợ, y tin rằng sư đệ có thể từ bỏ tất cả.

Tiểu Kính cần một nam nhân như vậy, Nguyên Thập Tam Hạn chính là người đó.

Gia Cát tiên sinh biết mình không thể.

Huống hồ, mặc dù y thông minh tuyệt đỉnh, nhưng trên tình cảm vẫn có điểm nhìn không ra, xem không thấu.

Có lẽ là bởi vì khi đó y còn quá trẻ.

Trí tuệ dù sao cũng khác với thông minh, phải trải qua năm tháng và kinh nghiệm.

Y cho rằng Tiểu Kính cô nương cũng có cảm tình với Nguyên Thập Tam Hạn.

Nàng tốt với ta như vậy, nhưng cũng rất tốt với Nguyên tứ sư đệ, nhất định nàng khó mà lựa chọn. Nếu đã như vậy, mình cần gì phải khiến nàng khó xử, làm nàng đau lòng.

Y lại không biết, trước khi y trực tiếp bày tỏ tâm ý, Tiểu Kính cũng không tiện nói rõ là nàng yêu y. Nàng đối xử tốt với Nguyên Thập Tam Hạn, chẳng qua chỉ là tình hữu nghị, ngoài ra cũng vì tính cẩn thận và tâm tình trời sinh của thiếu nữ, muốn dùng Nguyên Thập Tam Hạn để kích thích lòng ghen tị của Gia Cát tiên sinh. Thực ra, tình cảm của nàng đối với hai người hoàn toàn khác biệt. Hai người bọn họ ở trong cục nên không nhìn ra, nhưng Thiên Y Cư Sĩ thì lại nhìn thấy rõ ràng.

Cho nên có một ngày, y đi hỏi Tiểu Kính.

Y phải đi khuyên nàng.

Y là người từng trải, y không muốn Tiểu Kính bởi vì nhất thời không nắm bắt được mà đẩy tình cảm vào tuyệt cảnh.

Chính y cũng từng nếm trải nỗi khổ của ái tình, y không muốn người mà mình tán thưởng và quan tâm cũng bị tổn hại.

Không ngờ khi y nhúng tay vào, lại khiến cho tất cả mọi người rơi vào trong cục.

Trong hai cục diện.
Bình Luận (0)
Comment