Kính Sơn Thủy - Biệt Tứ Vi

Chương 8

Trước khi chuông vào lớp vang lên, Tần Gia Minh và Giản Hạnh vẫy tay chào tạm biệt.

Giản Hạnh đứng ở cửa thêm một lúc rồi mới vào lớp. Lúc đi ngang qua Trần Tây, cô lại nhắc về chuyện bảng biểu. Đợi đến khi trở về chỗ ngồi, cô vừa ngồi xuống thì Hứa Lộ đã hỏi: “Cậu đi đâu vậy?”

Vừa hỏi, ánh mắt vừa lướt ra ngoài cửa sổ.

Chắc là đã nhìn thấy Tần Gia Minh rồi.

Giản Hạnh vốn cũng không định giấu, liền thật thà đáp: “Giúp Trần Tây mang tờ đăng ký nguyện vọng lên văn phòng, vừa rồi gặp bạn ngoài cửa, nói chuyện mấy câu.”

Hứa Lộ “à” một tiếng, rồi hỏi: “Giáo viên chủ nhiệm có ở văn phòng không?”

Giản Hạnh nói: “Có.”

Hứa Lộ “ồ” một tiếng, vài giây sau lại hỏi: “Thế hai người nói gì vậy?”

Động tác lật sách của Giản Hạnh hơi khựng lại, sau đó cô không ngẩng đầu mà đáp: “Bọn tớ có thể nói gì chứ.”

“Ồ…” Hứa Lộ lại liếc nhìn Giản Hạnh, không hỏi thêm nữa.

Trưa tan học, Hứa Lộ hỏi Giản Hạnh: “Giản Hạnh, cậu về nhà không?”

Giản Hạnh nói: “Tớ về.”

Hứa Lộ có chút do dự, “Nhưng bọn họ đều không về này, hình như ăn ở gần trường xong rồi vào lớp tự học luôn.”

Đúng là có những học sinh như vậy, nhưng phần lớn bọn họ đều tự thuê phòng trọ hoặc ở ký túc xá, thời gian và tài chính đều dư dả.

Giản Hạnh thì không có những điều đó.

“Tớ phải về.” Cô nói.

“Vậy thôi được,” Hứa Lộ nói, “Cậu đi đường cẩn thận nhé.”

“Ừm.”

Buổi trưa trời vẫn còn nóng, khi về đến nhà, áo thun của Giản Hạnh đã ướt đẫm.

Giản Như và Lữ Thành không có ở nhà, bà ngoại vừa nấu ăn xong từ trong bếp đi ra, thấy cô thì cười nói: “Về rồi à? Mau rửa tay rồi ăn cơm đi con.”

Giản Hạnh đi vào phòng, “Dạ, con ra ngay.”

Cô vào phòng, thuận tay đóng cửa lại, ngồi xuống trước bàn học, đặt hai tay lên mặt bàn, vô thức cào nhẹ móng tay vài cái.

Đầu ngón tay run rõ ràng, cô siết chặt các khớp tay, sau hai tiếng “rắc rắc” giòn tan, cô mới xòe năm ngón ra, duỗi nhẹ.

Trong phòng rất yên tĩnh, cô dường như nghe thấy nhịp tim mình.

Từng nhịp, từng nhịp, vừa nặng vừa gấp, dồn dập đến mức khiến cô có chút khó thở.

Từ gian chính lại vang lên tiếng bà ngoại giục, Giản Hạnh cất cao giọng đáp: “Dạ, con ra ngay đây.”

Nói xong, cô lấy từ trong túi ra một chiếc máy bay giấy. Thân máy bay thực ra hơi dài so với túi áo, nhưng lại được bảo vệ rất tốt, không hề có nếp gấp thừa nào. Cô cầm nó lên nhìn một chút, rồi men theo các nếp gấp mà mở ra.

Cô nhớ rất rõ động tác cầm giấy của Từ Chính Thanh, cậu lấy từ trên cùng của xấp phiếu nguyện vọng. Chắc chắn cậu sẽ không tùy tiện lấy phiếu của người khác để gấp, vậy nên đây hẳn là của cậu.

Một người suốt ba năm cấp hai gần như chưa bao giờ rớt khỏi top ba toàn khối, nguyện vọng thi đại học của cậu sẽ cao đến mức nào đây?

Cô có thể đỗ vào đó không?

Nghĩ đến đây, động tác gỡ giấy của Giản Hạnh chợt khựng lại.

Cô nắm lấy một góc giấy, mỏng nhẹ đến mức gần như không có trọng lượng, vậy mà cô lại không dám thở mạnh.

“Giản Hạnh này.” Bà ngoại lại gọi.

Cô dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng miết qua góc giấy, rồi lấy hết dũng khí mở hẳn chiếc máy bay ra.

Đúng lúc này, phía sau đột nhiên vang lên tiếng cửa bị đẩy ra, tiếp đó là giọng bà ngoại: “Làm gì đó? Đang làm bài tập à?”

Vừa nói, bà vừa bước đến sau lưng cô, nhìn thấy tờ giấy trắng trong tay cô thì hỏi: “Cái gì thế? Giấy trắng à? Sao lại gấp đến hằn nguyên nếp thế này?”

Nỗi căng thẳng treo lơ lửng suốt cả buổi sáng như thể bị ném mạnh xuống đất.

Rõ ràng là quay về điểm ban đầu, vậy mà Giản Hạnh lại bị một cảm giác mất mát và thất bại cuộn chặt lấy, không cách nào thoát ra.

Tầm nhìn trước mắt cô thoáng mơ hồ, đầu óc cũng trống rỗng vài giây.

Trong khoảnh khắc thất thần ngắn ngủi ấy, cô chợt nghĩ đến những biến động cảm xúc của mình kể từ khi nhận được chiếc máy bay giấy đến bây giờ.

Thật nực cười.

Thì ra không phải cuộc gặp gỡ nào cũng có thể gánh vác được sức nặng của hai chữ “duyên phận”, cũng không phải ai cũng có may mắn tìm lại những gì đã mất.

Huống hồ, cô vốn dĩ chưa bao giờ là người may mắn.

Ngay cả chữ “Hạnh” trong tên cô, cũng chỉ là nhặt được mà thôi.

Bà ngoại vẫn đang hỏi: “Sao thế? Bị bạn bắt nạt à? Bạn gấp giấy ném con à?”

Sao bà toàn nói mấy chuyện linh tinh thế này.

Giản Hạnh bật cười, lắc đầu đáp: “Không phải ạ, nhặt đại thôi.”

“Trời ạ, một tờ giấy mà cũng nhặt.” Bà ngoại nói, “Ra ăn cơm mau lên.”

Giản Hạnh nói: “Dạ, con đi rửa mặt.”

“Rửa tay thôi là được rồi.”

“Vâng.” Cô không nhìn bà ngoại, đặt tờ giấy xuống, đứng dậy đi ra ngoài.

Cửa mở, gió lùa vào phòng, thổi rơi tờ giấy trên bàn xuống đất.

Ở góc khuất do nếp gấp tạo thành, có một hàng chữ viết tay bằng bút máy, nét mực nhạt nhòa: flying.

Lúc ăn cơm, bà ngoại không ăn, chỉ chăm chú nhìn Giản Hạnh.

Giản Hạnh gắp thức ăn cho bà: “Bà ăn trước đi, lát nữa hẵng nhìn.”

Bà ngoại miệng thì bảo ăn ăn ăn, nhưng mãi vẫn chưa động đũa, mắt vẫn dán chặt vào cô. Nhìn một lúc lâu, bà mới phát hiện có gì đó không ổn, liền hỏi: “Sao mắt con đỏ thế? Bị nắng hả?”

“Vâng,” Giản Hạnh nói, “Nắng hơi gắt.”

Cô vừa rửa mặt xong, trên lông mi vẫn còn vương nước, mỗi lần chớp mắt đều để lại chút ướt át.

Bà ngoại nói: “Che ô đi, bà thấy bọn trẻ bây giờ đều che ô cả.”

“Không sao đâu ạ,” Giản Hạnh nói, “Che ô phiền lắm.”

“Trời ơi, con bé này cẩu thả quá đi.” Bà ngoại lại hỏi, “Thế nào, khai giảng rồi có mệt không?”

“Không mệt ạ.” Khi trò chuyện với bà, cô chỉ chọn những chuyện nhẹ nhàng để nói.

Bà ngoại cười: “Con đúng là giống mẹ con, khổ mấy mệt mấy cũng không chịu nói.”

Giản Hạnh chỉ cười, không trả lời, đứng dậy đi rót nước. Cô rót cho bà một ly nữa, đợi bà uống một ngụm, chép miệng bảo nhạt quá, lúc này cô mới nhớ ra điều gì đó, liền quay vào phòng.

Lúc trở ra, đi ngang qua bà, cô lén bỏ vào bát bà một viên kẹo.

Bà ngoại lập tức cười tít cả mắt.

Có điều, bà ngoại vốn chẳng còn bao nhiêu răng, cũng vì thế mà cô chỉ dám thỉnh thoảng lén cho bà ăn kẹo.

Bà thích đồ ngọt, hồi trẻ không chú ý giữ gìn, răng dần sinh bệnh. Về sau bệnh phát, ông ngoại cũng đã mất, trong nhà chỉ còn hai bà cháu, ngay cả cuộc sống còn chật vật, lấy đâu ra tiền đi khám răng.

Lâu dần, bệnh nặng lên thì cũng không còn chữa được nữa.

Có lẽ trong lòng Giản Như cảm thấy áy náy, nên chuyện này bà ấy quản rất nghiêm, bình thường trong nhà ngay cả đường trắng cũng không có.

Lữ Thành lại càng xem lời Giản Như như thánh chỉ.

Chỉ có Giản Hạnh, đi làm kiếm tiền vẫn nhớ mua kẹo cho bà ngoại.

Thực ra cô cũng sợ Giản Như, chủ yếu là sợ cái kiểu có lý là không buông tha, cả giọng nói oang oang của bà ấy.

Nhưng mà... một bà lão, còn có mấy năm được ăn được uống nữa đâu.

Nghe tiếng bà ngoại ngân nga đầy vui vẻ, Giản Hạnh không nhịn được cười, nói: “Bà vui thế cơ ạ?”

“Chứ sao, vẫn là cháu gái lớn của bà thương bà nhất.”

Giản Hạnh nói: “Vậy bà sống lâu thêm vài năm nữa, sau này con còn thương bà nhiều hơn.”

“Haizz.” Bà ngoại lại uống một ngụm nước đường, thở dài một hơi, “Già rồi, sống chẳng được bao lâu nữa đâu.”

Thực ra bà cũng chưa già lắm, chưa đến bảy mươi.

Nhưng thời trẻ chịu quá nhiều khổ cực, bây giờ đủ thứ bệnh lớn nhỏ cứ thế kéo đến.

Các bộ phận trong cơ thể đều đang lên tiếng than phiền, vậy thì “cỗ máy chủ” này còn có thể hoạt động trơn tru thêm mấy năm nữa đây?

“Đừng nói linh tinh,” Giản Hạnh nói, “Mẹ nghe thấy lại mắng bà đấy.”

“Xì, bà sợ nó chắc?” Bà ngoại nói, “Với lại, bà già này thì bị mắng cũng chẳng sao, chỉ mong nó bớt mắng con đi một chút.”

Giản Hạnh không nói gì.

Bà ngoại do dự một lúc rồi nói: “Giản Hạnh, thực ra mẹ con thương con lắm đấy. Hồi nhỏ còn ở quê, đi đâu cũng nhất định phải dắt con theo. Có khoảng thời gian con hay ốm, mẹ con vốn chẳng tin mấy chuyện đó vậy mà cũng bắt đầu tìm thầy bói, còn đặc biệt đổi cho con một cái tên thật đẹp. Bố con cũng vậy, hồi con mới sinh, ông ấy làm việc ở công trường, chỉ trong một buổi sáng đã chạy về nhà cả chục lần. Người ta cười bảo ông ấy chẳng có tiền đồ, ông ấy lại chỉ cười hề hề, chẳng để tâm.”

Chuyện này bà ngoại đã kể không biết bao nhiêu lần, Giản Hạnh chỉ “dạ" một tiếng, nói: “Con biết mà.”

“Biết là được, biết là được.” Bà ngoại yên tâm, “Sau này mẹ con có nói gì, con cũng đừng để bụng. Nó chỉ sợ con học hành không tốt thôi. Hồi đó nó không có cơ hội học đàng hoàng, bây giờ chẳng trông mong con thì trông mong ai đây?”

Giản Hạnh lại “vâng” một tiếng.

Từ lần cãi nhau trong bữa cơm lần trước, cô và Giản Như đã mấy ngày không nói chuyện. Bà ngoại có lẽ đang lo lắng.

Hai người chiến tranh lạnh, thế nào cũng phải có một người mở lời trước. Mà trong hai người họ, chắc chắn người đó sẽ không phải Giản Như.

Nên chỉ có thể là cô thôi.

Nhưng thực ra, dù bà ngoại không nói, tối nay cô cũng định tìm Giản Như.

Dù sao cũng cần chữ ký vào bảng khảo sát kia.

Có điều, Giản Hạnh vốn tưởng rằng bà sẽ về như mọi khi, tận hơn mười một giờ đêm. Nhưng tối nay khi cô về nhà, đã thấy chiếc xe ba gác dựng sẵn trong sân từ lâu.

Giản Hạnh liếc nhìn phòng mình, đèn vẫn sáng, bóng người in lên cửa sổ ngay chỗ bàn học.

Trước giờ, Giản Như luôn dựa vào đó để xem cô có đang làm bài hay không.

Cô nhìn chằm chằm một lúc nhưng không bước vào.

Chủ yếu là vào cũng chẳng ích gì. Nếu tâm trạng tốt, Giản Như sẽ chỉ nói đôi câu không mặn không nhạt rồi đi ra. Còn nếu không tốt, cô lại phải gánh trên lưng cái chữ "hiếu", nghe bà than thở mấy chuyện đau đầu.

Biết đâu chừng, còn bị lôi cả hàng xóm đến làm trọng tài giữa đêm khuya.

Dù sao thì, đó vốn là sở trường của bà.

Đột nhiên, bóng cây trên đầu lay động, dưới ánh trăng xanh trắng, cái bóng ấy giống như đôi cánh đang lướt đi thật nhanh. Giản Hạnh sững người, chợt nhớ ra điều gì đó, giây tiếp theo đã lao thẳng vào phòng.

Giản Như đang lục lọi gì đó trên bàn học.

Tiếng đẩy cửa vừa mạnh vừa nhanh, lại quá bất ngờ khiến bà giật nảy mình, trừng mắt nhìn cô mấy giây mới hoàn hồn: “Muốn chết à! Sau lưng có chó đuổi hay trong phòng giấu kho báu thế?”

Giản Hạnh mím môi, nhanh chóng quét mắt nhìn giá sách nhỏ trên bàn, nơi góc có một tờ giấy trắng bị rút ra thấy rõ.

Cả một ngày dài đầy mệt mỏi lập tức lại ập đến lần nữa.

Giản Hạnh cụp mắt xuống, bước đến hai bước, đặt cặp lên ghế, lục tìm tờ đơn rồi đưa cho Giản Như. “Giáo viên bảo phụ huynh ký tên.”

Giản Như có phần chột dạ, Giản Hạnh vừa đúng lúc cho bà bậc thang để xuống, thế là liền nhận lấy tờ đơn, lướt mắt xem qua rồi cầm bút ký ngay lập tức.

Trước khi Giản Quốc Thắng rời đi, Giản Như cũng từng đi học mấy năm, nghe nói thành tích không tệ, vì vậy bao năm nay vẫn luôn không cam lòng.

Ký xong, bà tiện tay rút một quyển vở, viết lên đó một từ tiếng Anh, rồi hỏi Giản Hạnh: “Cái này nghĩa là gì?”

Giản Hạnh nhìn thoáng qua—“flying.” Cô đáp: “Bay.”

Lời vừa dứt, Giản Như đã vung tay đánh thẳng vào cánh tay cô, lớn tiếng quát: “Bay đi đâu! Muốn bay đi đâu! Mày còn muốn bay? Lông cánh đã mọc đủ chưa mà muốn bay? Cấp hai không bay đi được, tưởng lên cấp ba thì bay nổi chắc?”

Cơn giận này đến bất ngờ đến mức Giản Hạnh hoàn toàn không kịp phản ứng.

Giản Như xưa nay ra tay không bao giờ nương tay, phát đánh này khiến nửa cánh tay Giản Hạnh tê rần. Đến lúc hoàn hồn lại, cô mới gằn giọng chất vấn: “Mẹ làm gì thế?”

"Tao làm gì? Mày còn mặt mũi hỏi tao làm gì?" Giản Như trực tiếp đẩy giá sách, khiến bàn làm việc lập tức trở nên hỗn độn. Giản Hạnh theo phản xạ muốn bắt lấy tờ giấy trắng, nhưng bị Giản Như tát vào mu bàn tay. Giản Như gào lên: "Cầm lấy! Xem mày có dám cầm không!"

Gào xong, Giản Như túm lấy tờ giấy trắng, đập mạnh lên bàn, chỉ vào một từ trên đó rồi hỏi: "Nói đi! Mày muốn bay đi đâu?"

"Thật là không biết điều ! Tao và ba mày, bà ngoại mày, ai mà không vất vả vì mày? Nuôi mày lên thành phố, cho mày đi học trung học, học phổ thông, giờ mày lại muốn bay đi? Sao mày không đi chết luôn đi! Mày chết luôn đi, cả gia đình đi chết luôn cho rồi!" Bà càng nói càng tức, biểu cảm có vẻ như cái tát tiếp theo sẽ rơi vào mặt Giản Hạnh.

Giản Hạnh suốt quá trình cúi đầu, cô có thể cảm nhận được nước bọt của Giản Như bắn vào mặt mình, nhưng cô không muốn ngẩng đầu lên, không muốn nhìn thấy gương mặt đó của Giản Như.

Ánh mắt cô mơ màng nhìn vào tờ giấy trắng dưới tay Giản Như, không có ý định gì, chỉ đơn giản là đang mất tập trung.

Nhưng hành động này trong mắt Giản Như lại là sự phản kháng im lặng, bà không chịu nổi nữa, liền túm lấy tờ giấy rồi xé rách nó.

Giản Hạnh lúc này mới mở to mắt, gọi: "Mẹ!"

“Đừng gọi tao là mẹ!” Giản Như vung những mảnh giấy vụn lên, “Rốt cuộc là cái gì! Nói đi! Không nói hôm nay ai cũng đừng ngủ!”

“Làm sao vậy? Lại có chuyện gì sao?” Là Lữ Thành, ông không vào mà chỉ đứng ngoài cửa hỏi vọng vào trong.

“Không liên quan đến ông! Đi ngủ đi!” Giản Như hét lên.

Có vẻ bà ngoại cũng dậy rồi, Giản Hạnh mơ hồ nghe thấy tiếng bà, nói gì đó là chuyện gì thì nói ngày mai, đừng làm phiền Giản Hạnh ngủ, cả ngày đã mệt mỏi rồi.

Quả thật mệt quá.

Mệt muốn chết.

Đêm đã khuya, Giản Hạnh cũng muốn ngủ.

Cô nhắm mắt lại, giọng nói hơi thấp, cất lời: “Là thầy giáo cho.”

Câu trả lời bất ngờ, Giản Như thậm chí tưởng mình nghe nhầm, bà trợn mắt lên, “Cái gì?”

Giản Hạnh nói: “Là lớp trưởng của chúng con nhặt được chiếc máy bay giấy, đưa cho con.”

“Chữ cái kia có thể là cậu ấy viết.”

Giản Hạnh nói không chút gì là nói dối, khiến Giản Như một lúc không biết có nên tin hay không, bà nhìn xuống những mảnh giấy trên đất, rồi nghĩ đến chữ “bay”, một hồi lâu mới với giọng điệu có phần gượng gạo hỏi: “Viết chữ bay là có ý gì?”

“Không biết,” Giản Hạnh nói, “Chắc là hy vọng con sau này sẽ bay cao bay xa.”

Cô cố tình.

Cố tình nói như vậy.

Giản Như hồi xưa chỉ học hết tiểu học, đối với thầy cô cấp trung học luôn có một sự ngưỡng mộ mù quáng, hôm nay tự tay xé đi mảnh giấy mà thầy cô dành cho con gái mình bao nhiêu kỳ vọng, chắc chắn trong lòng cô ấy không dễ chịu chút nào.

Lúc này, từ ngoài cửa bà ngoại lại gọi: “Giản Như, Giản Như, đi ngủ đi.”

“Được rồi, cứ hối đi hối lại, hối cái gì! Học sinh cấp ba, muộn một chút có sao đâu! Sau này còn phải thức khuya nữa đấy!” Mặc dù miệng nói như vậy, nhưng hành động của Giản Như đã tỏ ý muốn đi, trước khi quay người đi, bà dừng lại, liếc nhìn Giản Hạnh, giọng nói không còn sắc bén như trước mà nhẹ nhàng nói: “Dù sao cũng là thầy cô cho, một lát dán lại, dán xong thì dọn dẹp rồi ngủ.”

Đây chính là lời xin lỗi của Giản Như.

Giản Hạnh chẳng cảm thấy gì lạ.

Thường thì trong tình huống này, Giản Như sẽ cho phép cô im lặng, nhưng Giản Hạnh lại đáp một câu: “Vâng.”

Sau khi Giản Như đi, căn phòng bỗng trở nên yên tĩnh, Giản Hạnh đứng bên bàn, nhìn những mảnh giấy vỡ vụn trên sàn, cô đứng im một lúc lâu, rồi mới từ từ ngồi xuống, từng mảnh từng mảnh nhặt lên.

Giản Như làm việc luôn quyết đoán, xé cái gì cũng không xé quá nhỏ, chẳng mấy chốc là nhặt xong.

Để tránh giấy bị hư hại, Giản Hạnh còn đặc biệt dùng băng dính trong suốt rộng để dán kín cả mảnh giấy, sờ lên thấy trơn mịn, như thể giấy không hề bị tổn thương gì.

Chỉ là có lớp bảo vệ này, cô không còn cảm nhận được hơi ấm và mùi của giấy nữa.

Giống như một sự ám ảnh bị giấu kín, như một sự an ủi tự lừa dối bản thân.

Chẳng bao lâu sau, cửa phòng lại bị gõ.

Giản Hạnh vội vàng nhét mảnh giấy vào trong ngăn kéo, quay lại thấy Lữ Thành thò đầu vào.

Kể từ khi Lữ Thành bị thương ở chân, ông nhìn Giản Hạnh lúc nào cũng có vẻ dè dặt, cẩn thận và không thoải mái một cách kỳ lạ.

Giản Hạnh đương nhiên cảm nhận được, nhưng cô như thể có khuyết thiếu về cảm xúc, dù trong lòng muốn hàn gắn mối quan hệ, nhưng ngoài mặt cô lại không thể hiện ra hành động thân mật nào, chỉ lạnh nhạt hỏi: “Có chuyện gì không ạ?”

Lữ Thành cười, đặt lên bàn cô một tờ năm đồng, nói: “Không có gì, ngủ sớm đi, cả ngày rồi, đừng thức khuya nữa. Đây là mẹ con bảo ba đưa cho con, mai khát thì mua nước uống.”

Đây là cách xin lỗi quen thuộc của Giản Như.

Giản Hạnh nhìn tờ tiền, nói: “Vâng.”

“À, à, vậy con ngủ sớm đi.” Lữ Thành không nói thêm gì nữa, quay người đi ra.

Giản Hạnh nhìn ông, cơ thể cong lại, dáng đi khập khiễng, đột nhiên mũi cô cay cay, chủ động lên tiếng: “Ba, ba cũng ngủ sớm đi.”

Lữ Thành ngẩn người, vội quay lại đáp: “Được, được, ngủ sớm, ngủ sớm.”

Nói xong, ông lùi lại, vô tình va phải khung cửa, rồi cười ngượng ngùng.

Giản Hạnh vừa định đứng dậy, Lữ Thành giơ tay lên, “Được rồi, ngủ sớm đi.”

Cửa từ từ đóng lại, bóng dáng của Lữ Thành qua khe cửa ngày càng mờ dần.

Mọi người đều nói cha là ngọn núi, nhưng trong ấn tượng của Giản Hạnh, cha cô giống như những viên đá vụn chao đảo nơi vách núi, sắp sửa rơi xuống.

Ông chưa từng mạnh mẽ, ông chỉ là cha của riêng cô.

Căn phòng lại chìm vào im lặng, tĩnh lặng đến mức dường như ngay cả tiếng thở cũng không còn tồn tại.

Huống chi là sự hỗn loạn vừa rồi.

Giản Hạnh ngồi trên ghế, ngón tay một lần nữa vu.ốt ve chiếc tay nắm ngăn kéo, âm thanh nhỏ nhẹ, trong trẻo giống như tiếng búa đóng đinh, từng nhịp một đánh vào trái tim cô.

Mất một lúc lâu, cô mới nhẹ nhàng kéo ngăn kéo ra, lấy cuốn sách 1984.

Đó là một cuốn văn học nước ngoài, nội dung khó hiểu, ý nghĩa sâu sắc đến mức cô không thể nắm bắt được.

Trong những dòng chữ thỉnh thoảng có chú giải, nhưng chữ viết lại không phải là thứ cô quen thuộc.

Không có chút kiên nhẫn nào, cô lật đến cuối cùng, sau lời ghi chú của tác giả, có một dòng chữ viết bằng mực đen ghi ngày tháng: 31.08.2009, tại Hòa Trung.

Giản Hạnh dùng ngón tay chà nhẹ lên mực viết, rồi cầm bút viết theo sau:

"Chúc cậu tương lai xán lạn, mãi không lụi tàn."

Đêm đó, đèn trong phòng Giản Hạnh sáng cho đến hơn hai giờ sáng, khoảng bốn giờ sáng, gió bắt đầu nổi lên, lúc 5 giờ 10, Giản Hạnh nhìn thấy tia sáng đầu tiên của bình minh.

Bình Luận (0)
Comment