Kinh Thánh Của Một Người

Chương 18

Sân cơ quan nổ ra trận chiến đấu thứ nhất, nhưng kì quái và khiến công nhân viên chức hào hứng theo dõi là hồng vệ binh đánh hồng vệ binh. Vào lúc tan ca buổi sáng, mọi người từ tòa lầu chính tuôn ra, đổ về nhà ăn thì thấy một tiểu tướng hồng vệ binh từ bên ngoài đột nhập vào cơ quan dán tờ đại tự báo lên bức tường vây quanh sân, và đang bị đội bảo vệ chặn lại. Một vài hồng vệ binh tiến lên, xé toạc tờ đại tự báo đó. Tiểu tướng kia đeo kính cận, nét mặt giận dữ oai nghiêm, tuy bị vây hãm, nhưng vẫn cao giọng chống chế:

- Vì sao không cho ta dán đại tự báo? Đây là quyền lợi mà Mao Chủ tịch đã ban phát cho mọi người!

- Hắn là con của Lưu Bính, hắn định lật án phục hồi cho lão già, không cho hắn làm loạn! - Đội trưởng bảo vệ bảo mọi người - Đừng tụ tập ở đây nữa, đi ăn cơm thôi!

- Thưa các đồng chí, cha tôi vô tội, - chàng trai đẩy viên đội trưởng và ngẩng cao đầu tiếp lời - Đảng ủy của các đồng chí đã thay đổi phương hướng đấu tranh, đang đối lập với đường lối cách mạng của Mao Chủ tịch, các đồng chí đừng mắc lừa, nghe theo bọn chúng, chúng nó chẳng phải là những con quỷ hay sao, nếu không thì vì có gì mà lại sợ đại tự báo đến thế?

Đại Niên từ trong đám người tụ tập xem cuộc tranh chấp, lẳng lặng chen ra và nói với các hồng vệ binh cơ quan:

- Quyết không cho thằng chó đẻ này mạo danh hồng vệ binh, lột cái băng đỏ trên tay kia xuống!

Con trai lão Lưu giơ cao tay đeo băng đỏ, một tay khác giữ chặt lấy vật quý tượng trưng cho quyền lực tối thượng trong lúc này và hét to:

- Các đồng chí hồng vệ binh, phương hướng của các đồng chí sai rồi, đá phăng đảng ủy cũ mà làm cách mạng, không làm tay sai cho bọn đi theo tư bản chủ nghĩa. Thưa các đồng chí đang làm cách mạng, các đồng chí hãy đến vườn trường đại học mà xem, ở đó đã trở thành đất trời của phái tạo phản của giai cấp vô sản, còn nơi đây, nơi đây là vùng bị khủng bố trắng...

Tiểu tướng hồng vệ binh vỗ ngực nhân danh phe tạo phản chưa dứt lời thì bị đẩy ép vào chân tường, anh có ý nhờ mọi người cứu viện, nhưng chẳng ai dám nhảy ra giải vây. Đại Niên uy vũ hừng hực lên tiếng mắng tên đột nhập:

- Ai là đồng chí của mày? Mẹ kiếp, con cháu địa chủ mà dám mạo nhận hồng vệ binh, lột ngay cái băng đỏ trên tay hắn! - Đại Niên ra lệnh.

Và cuộc võ đấu giành, giữ băng đỏ hồng vệ binh bắt đầu. Chàng trai tuy to khỏe, nhưng địch không nổi quân sĩ của Đại Niên, đầu tiên là cái kính cận rơi xuống đất, lập tức bị dẫm nát, anh ta quờ quạng mất phương hướng, vòng băng đỏ đeo trên tay dễ dàng bị lột phăng. Hậu duệ cách mạng mà trước đó hùng hùng hổ hổ, bây giờ hai tay ôm đầu, ngồi một xó ở chân tường, khóc hu hu, trông như con chó bị đánh cụp đuôi, thật đáng thương.

Người ta lôi lão Lưu từ trên lầu xuống sân, vừa chứng kiến cảnh thằng con thất trận, vừa để nếm mùi quần chúng đấu tranh. Đúng là cách mạng lão thành, trưởng phòng Lưu không bạc nhược như con trai mình, thắng kiêu bại nản, mất khí thế. Ông già ưỡn ngực, ngẩng cao đầu, định nói gì đó thì lập tức bị hồng vệ binh của phe Đại Niên ấn cổ xuống và không thể không y lệnh.

Anh trà trộn trong đám quần chúng, mắt thấy tai nghe rõ ràng trận võ đấu giữa hai phái hồng vệ binh. Một bên đột nhập từ bên ngoài vào, tự xưng là tạo phản, vì đơn thương độc mã nên đã thất bại thê thảm; còn một bên chiến đấu trên sân nhà có cổ động viên, tất nhiên là thắng. Mặc dù vậy, anh thầm nhủ mình chọn phe tạo phản. Buổi chiều, anh trốn việc, đi một vòng các trường đại học. Chao ôi, sân trường nào ở Bắc Kinh cũng chen nhau nhân sơn nhân hả, người đâu mà lắm thế này? Còn lầu to lầu nhỏ, tòa cao tòa thấp thì cơ man nào là đại tự báo, như núi cao biển rộng, khắp nơi đều chép lại áng văn bất hủ của lãnh tụ Mao Chủ tịch - “Nã pháo vào bộ tư lệnh - một bài đại tự báo của tôi”. Anh trở về cơ quan và trong đầu bốc lửa, tình hình như thế này là không được, phải khuấy lên. Đêm ấy anh ở lại văn phòng vung tay múa bút viết một bài đại tự báo. Không chờ đến sáng mai trưng cầu kí tên, vì sợ lúc đó nhiệt tình sẽ giảm sút, đầu óc nguội mất, cho nên đúng mười hai giờ khuya tác phẩm kịp ra lò, trương lên giữa tiền sảnh cơ quan với tựa đề là: “Phục hồi cho những người bị quy chụp là phản Đảng - quần chúng cần phải nói thay cho chư vị anh hùng”.

Những người dũng cảm mà khi phong trào vừa phát động đã bị đánh quỵ, liệt vào hàng ngũ phản Đảng, chống cách mạng vẫn chưa được ngẩng đầu; còn các phần tử tích cực bám theo đảng ủy ra sức đấu đá hại người thì cũng chưa nhận được chỉ thị mới của cấp trên, cho nên độc giả xem bài báo của anh tất nhiên là phải giữ thái độ im lặng, không tán thành và chẳng phản bác, tất cả đều chơi bài cá độ cách mạng, riêng anh đã hai ngày lượn qua lượn lại theo dõi tình hình, quả là chưa có động tĩnh gì cả, tâm trạng bồn chồn, phấp phỏng. Nhưng cuối cùng thì Đại Lý - nhân viên quản lí kho sách là người hồi âm đầu tiên, gọi điện thoại hẹn gặp anh tại phòng nồi hơi cơ quan, cùng tham dự còn có Tiểu Vu gầy gò, chuyên đánh máy.

- Chúng tôi tán thành bài báo của anh, và có thể cùng nhau hành động! - Đại Lý phấn khởi nắm lấy tay anh, xác nhận là chiến hữu.

- Thành phần xuất thân? - Đại Lý hỏi. Anh nghĩ, chẳng lẽ tạo phản cũng phải xét đến lí lịch ư, nhưng cứ trả lời.

- Viên chức! - Anh không giải thích gì thêm vì cảm thấy vấn đề lí lịch, thành phần là phiền toái, khó chịu.

Đại Lý đang nhìn Tiểu Vu như muốn thăm dò ý kiến thì bỗng có người xách phích vào phòng nồi hơi lấy nước sôi. Cả ba im lặng, nghe rõ tiếng nước sôi chảy vào phích, đợi người lấy nước sôi đi ra xa, Tiểu Vu đưa mắt nhìn Đại Lý:

- Nói với anh ta đi - Tiểu Vu đồng ý.

- Chúng tôi cần thành lập một tổ chức hồng vệ binh tạo phản, đương đầu với lũ Đại Niên. Ngày mai tám giờ sáng hẹn gặp nhau ở công viên Đào Nhiên Đình - Thành Nam.

Lại một người nữa đi lấy nước sôi, cả bọn phải chia tay, chẳng ai theo ai. Anh nghĩ, kéo bè kết mảng là như thế, nếu không tham gia thì hèn quá.

Đầu tiên mỗi thành viên phải tự giới thiệu bản thân mình, đây là điều kiện tiên quyết của đội tạo phản dưới ngọn cờ hồng. Đại Lý khai, cha tôi nhân viên cửa hàng bán lương thực, ông nội sửa giày, khi phong trào mới dấy lên đã viết đại tự báo phê phán bí thư chi bộ đảng cho sách nên đã bị chỉnh đốn. Tiểu Vu, nhỏ tuổi hơn, tốt nghiệp trung học thì được nhận vào cơ quan đánh máy, chưa đầy một năm, cha mẹ đều là công nhân nhà máy, vì cái tật đi muộn về sớm, nên nằm ngoài danh sách hồng vệ binh. Người thứ ba họ Đường, trước là lính lái xe, nay giải ngũ làm giao thông viên cưỡi mô tô, chẳng biết xuất thân là gì, nhưng được cái mồm nói rất dẻo và cũng bị nằm ngoài đội ngũ hồng vệ binh. Người nữa hôm nay, mẹ kiếp, nằm viện, Đại Lý bảo anh ta ủng hộ vô điều kiện tạo phản, quyết đấu tranh với phái bảo hoàng.

Cuối cùng đến lượt anh, anh định nói, đã không đủ tư cách làm hồng vệ binh, hà tất phải gia nhập tổ chức của các anh. Lời lẽ chưa thoát ra khỏi miệng anh thì Đại Lý đã khoát tay:

- Thái độ của anh chúng tôi đã rõ, chúng tôi phải đoàn kết với một trí thức cách mạng như anh, hôm nay đến đây dự hội nghị đều là thành phần hạt nhân hồng vệ binh của tư tưởng Mao Trạch Đông.

Chỉ đơn giản vậy thôi, chẳng cần phải thảo luận dài dòng, cả bọn tự nhận là những người tiếp bước sự nghiệp cách mạng tất nhiên phải bảo vệ tư tưởng Mao Trạch Đông, và đúng như Đại Lý kết luận:

- Phái tạo phản trong các trường đại học đã lật đổ hồng vệ binh cũ, còn đợi gì nữa, chúng ta tất thắng!

Sau đó trở về cơ quan, họ dán ngay bản tuyên ngôn tạo phản của mình trước tiền sảnh, rồi hàng loạt khẩu hiệu phản đối đảng ủy và hồng vệ binh cũ xuất hiện khắp các tầng lầu, khắp cả sân trường, nhà to nhà nhỏ. Sáng hôm sau đi làm, không ngờ đại tự báo hưởng ứng tuyên ngôn tạo phản của họ lại ngập tràn đến thế, anh bỗng chốc chưa đến nỗi trở thành anh hùng, nhưng đã xứng danh chàng dũng sĩ được quần chúng để mắt. Không khí căng thẳng trong cơ quan tự nhiên dịu hẳn xuống, mấy hôm trước người ta còn lánh mặt anh, giờ niềm nở gật đầu chào hỏi. Bà già Hoàng nắm lấy tay anh cảm động, các cháu đã thấu hiểu nỗi lòng của cô chú, nói lên tiếng nói của quần chúng nhân viên, các cháu mới thực là hồng vệ binh của Mao Chủ tịch. Họ đi đến đâu, mọi người ùa ra đón tiếp, thật giống như năm xưa quân giải phóng về làng, kể cả những đài từ, lời thoại cũng y như thuở đó. Lão Lưu vốn dĩ không tỏ thái độ nóng lạnh, hoan nghênh hay phản đối, nhưng đã lẳng lặng gật đầu ra vẻ kính trọng, vị thủ trưởng trực tiếp của anh đang chờ anh giải phóng. Nhưng chẳng người nào hiểu rõ ngọn nguồn, bọn họ chỉ có năm chàng trai trẻ mà dám tổ chức thành một thế lực không gì ngăn cản nổi, rất đơn giản vì trên tay áo từ nay đã đỏ chói vòng băng, mạnh hơn quyền trượng.

Trong cơ quan đã nhiều người liên danh dám tuyên bố rút khỏi đội ngũ hồng vệ binh cũ, mà đầu tiên là Lâm. Trong anh bỗng lóe lên một tia hi vọng, rằng anh và Lâm sẽ lại thân mật như xưa. Buổi trưa vào nhà ăn anh thực sự mong ngóng, nhưng chẳng thấy nàng ở đâu cả, có lẽ lúc này Lâm còn phải lánh mặt anh, anh thầm nghĩ. Trên hành lang cơ quan, anh gặp Đại Niên. Niên vội vội vàng vàng như không thể nhìn thấy anh, nhưng thái độ lúc này đã bót phần khí khái, không ưỡn ngực, ngẩng đầu ngạo mạn như xưa.

Từng phòng làm việc trong lầu chính của cơ quan im lìm, lặng lẽ nhưng gộp lại giống như một tổ ong khổng lồ, có trật tự lớp lang theo tầng tầng, nấc nấc quyền lực. Quyền lực vốn có một khi bị dao động thì cả tổ ong kia lập tức rào rào. Ngoài hành lang từng nhóm từng nhóm chụm nhau thảo luận, rì rầm, to nhỏ. Anh đi tới đâu cũng được họ gật đầu, mời dừng lại trao đổi đôi điều, chẳng quản ngại ngày thường không quen biết nhau, thật giống như lúc quét sạch lũ đầu trâu mặt ngựa, quần chúng cứ tranh giành gặp cho được bí thư chi bộ không bằng. Chỉ mới vài ngày mà cả cơ quan hầu như đều ủng hộ phe tạo phản, các bộ môn đều thành lập đội ngũ đấu tranh, tách hẳn với đảng ủy và chính quyền cũ. Anh trước đây chỉ là một biên tập viên tép riu nhưng bây giờ trở thành một nhân vật quan trọng, thủ lĩnh của phong trào. Quần chúng cần lãnh đạo, như bầy dê cần có con đầu đàn, chẳng qua là nó đeo cái chuông trên cổ, kêu tinh tang và cả lũ nghe tiếng chuông, rồi lững thững theo cùng. Nhưng con dê đầu đàn kia sẽ không biết đi về hướng nào nếu người chăn dê không quất roi lên đít nó. Anh bây giờ cũng giống như con dê đeo chuông đó, chỉ sướng một nỗi là không bị ai quản hay phân công công tác cả.
Bình Luận (0)
Comment