Kinh Thánh Của Một Người

Chương 40

Ông họ Lục, dân trong vùng gọi là bí thư Lục, vừa từ thủ phủ địa khu[14] hạ phóng về đây. Đám cán bộ công xã đi trước mở đường, và một nhóm theo sau hộ vệ, giống như đưa thủ trưởng cấp trên thị sát tình hình thực địa. Anh gặp bọn họ, lễ phép cúi chào. Người được dân xóm núi tôn xưng “Lục bí thư” gốc gác bản địa, thuộc lớp cách mạng lão thành, xuất thân từ đội quân du kích, nhưng đường hoạn lộ không được suôn sẻ cho lắm, nên từ chức vụ khá cao, mãi tận trên tỉnh, thế mà cứ mỗi lần phát động phong trào là y như giáng xuống một cấp, cuối cùng hôm nay hoàn dân về vườn, với tư cách “cán bộ hạ phóng”, nhưng bọn đầu đảng ở xóm núi này xem ông là minh chủ sáng láng và do đó Lục không phải ra đồng lao động.

- Chào bí thư Lục - anh cung kính xưng hô như vậy với vị đại vương sơn trại.

- Anh vừa từ Bắc Kinh về đây?- nghĩa là Lục cũng đã tìm hiểu sơ qua về anh. Anh lễ phép gật đầu:

- Dạ vâng, dễ cũng hơn một năm rồi ạ!

- Đã quen chưa? - Lục lại hỏi. Ông dừng bước, dáng người cao gầy và có vẻ hơi gù.

- Thưa rất tốt ạ, tôi người miền Nam nên quen ngay phong cảnh núi non, sông nước ở đây quá đẹp, sản vật lại phong phú - anh định tán thêm một câu nữa, “thật là nơi thế ngoại đào nguyên”, nhưng may sao kịp ngậm miệng, chưa nói thành lời.

- Dân ở đây thường bị đói - Lục giải thích - nhưng vẫn còn sống được, chưa đến nỗi chết người.

Anh nghe ra cái ý bên ngoài câu nói của Lục, hiểu rằng vị bí thư này hạ phóng về nông thôn và ốm nặng một bầu tâm sự bất mãn.

- Dạ phải đi công chuyện, dám mong sau này luôn được Lục bí thư quan tâm chiếu cố. Anh nói như vậy là chứng tỏ muốn dựa vào Lục, ở đây thân cô thế cô, tìm ô dù, hậu thuẫn là điều tất nhiên. Anh cúi đầu định cất bước thì Lục ngăn lại và lập tức quan tâm chiếu cố anh ngay:

- Cùng đi thị sát với tôi, anh bạn trẻ!

Anh theo sau Lục, ông ta dừng lại một bước và hai người ngang hàng, đoạn tiếp tục trao đổi cùng anh, so với đám cán bộ công xã, Lục bí thư tỏ ra có nhiều ân huệ đặc biệt cho anh. Đoàn thị sát đi tới tận cùng con phố nhỏ, người bán kẻ mua hai bên đường mặt mày hớn hở chào đón đại vương, cúi đầu kính lễ không ngớt. Anh nhận thấy mình đã lọt mắt xanh của Lục và do đó kể từ hôm nay địa vị của anh trong thôn làng, trấn ấp cũng thay đổi theo.

- Hãy đi xem xóm núi nơi anh ở tinh hình ra sao - đây là mệnh lệnh của Lục, nhưng đồng thời đã chứng tỏ ông càng quan tâm chiếu cố đến anh hơn. Đám cán bộ công xã theo tùy tòng được phép lui binh trở về đơn vị, không phải đi theo ông nữa. Anh đưa ông đi trên bờ ruộng đến nhà mình nằm ngay đầu xóm, Lục ngồi nghỉ ngơi giây lát đợi anh pha trà. Lũ trẻ bu lại nhao nhao bên ngoài, anh định đóng cửa lại, nhưng Lục khoát tay bảo anh để vậy, chẳng cần. Tin Lục bí thư đến xóm núi lập tức lan truyền và ngay sau đó dân làng cũng như cán bộ lũ lượt đi qua cửa nhà anh, nhìn vào, rồi không ngớt kính chào “Lục bí thư, bí thư Lục”. Lục ra vẻ gật đầu với mọi người rồi thong thả thổi những lá chè nổi trên mặt nước, đoạn uống ngon lành, thật đã khát.

Thế gian này vẫn còn có người tốt, hay nói đúng hơn là lòng người vốn dĩ chẳng xấu xa gì, hoặc giả Lục bí thư một thời từng trải, nhìn khắp đó đây, nên bây giờ cô đơn, cần bầu bạn tâm sự, bèn thí cho anh bao nỗi từ bi cũng là để vợi đi phần nào hoàn cảnh u tịch, thất sủng về vườn. Lục cũng nhìn thấy mấy cuốn sách Mác-Lê để trên bàn và hiểu ngay đây là thuật che mắt của anh bạn trẻ, vì ông cũng đã từng vận dụng thuật này. Ông cáo từ, rời bước và căn dặn “có chuyện gì thì hãy đến tìm tôi!”

Anh tiễn Lục ra bờ ruộng, dõi nhìn theo bóng ông, cao gầy, hơi gù mà bước chân còn khỏe lắm, chẳng già cả chút nào. Thế là anh đã được đại vương sơn trại quan tâm, nhưng chưa rõ ý đồ vì sao “rồng lại đến nhà tôm” như thế.

Rồi một đêm, anh đang viết say sưa thì có người đến gọi. Anh sợ xanh mắt, vội vàng nhét bản thảo xuống giường, rồi từ từ rút then mở cửa.

- Chưa đi ngủ à? Lục bí thư cho tìm anh đến ủy ban cách mạng uống rượu! - tay cán sự công xã truyền lệnh xong là đi ngay. Lúc ấy anh mới thật yên tâm hoàn hồn.

Trụ sở ủy ban cách mạng nằm bên bờ con đê xếp bằng đá tảng, ngoảnh mặt ra dòng sông nhỏ của trấn nghèo. Đây là tòa nhà gạch xanh, có sân rộng và cả vọng lâu trên cao hóng gió, vốn dĩ thuộc tư dinh của một tay địa chủ cường hào khét tiếng vùng này, sớm bị xử bắn vào cái thời cải cách ruộng đất xa xưa. Sau đó chính quyền xã tiếp quản làm trụ sở, rồi đến lượt công xã nhân dân và nay là ủy ban cách mạng. Anh bước vào trụ sở và thấy cơ man là người, nồng nặc một mùi khói thuốc và mồ hôi chua lét, anh không ngờ khuya thế này mà xóm núi náo nhiệt như vậy.

Người ta dẫn anh vào tận buồng trong cùng, ngoài Lục bí thư ra còn có họ Lưu - chủ tịch ủy ban cách mạng vừa mới được bầu lên và lão Đào - cán bộ công xã chuyên phụ trách lực lượng vũ trang dân quân, ba người đóng cửa đang chén tạc, chén thù. Lục bảo anh ngồi vào bàn nhập cuộc, trên đó bày biện đậu phụng rang, đĩa cá chiên giòn ngập mỡ và tô đậu phụ khá to, có lẽ đều từ nhà của cán bộ công xã bưng tới. Bốn người nâng chung rượu nhấp môi, chưa uống ngụm nào, vừa đặt xuống thì bỗng thấy một thanh niên dân quân mang súng trường, hé mở cúi chào, nòng súng vướng khung cửa kêu lách cách.

- Ai bảo mày mang súng? - Lão Đào điên tiết mắng tay dân quân, anh ta vẫn điềm tĩnh trả lời:

- Chẳng phải vừa ra lệnh tập hợp khẩn cấp?

- Tập hợp khẩn cấp là tập hợp khẩn cấp, chứ có nói hành động vũ trang đâu mà đem theo súng!

- Vậy biết làm sao bây giờ? - Anh thanh niên hỏi lại - cả đại đội đều súng ống sẵn sàng.

- Bảo chúng nó không được mang súng chạy lung tung, tập trung tất cả vào văn phòng, ngồi ngoài sân đợi lệnh!

Tới đây thì anh mới biết, mười hai giờ đêm nay lực lượng vũ trang toàn huyện thống nhất ra quân hành động, triển khai trên khắp làng xóm, trấn áp một trận đột kích “đại giám thính, đại lục soát” theo lệnh khẩn cấp của Ủy ban cách mạng huyện vừa truyền xuống. Đối tượng lần này là năm loại đen, địa chủ, phú nông, phản động, phá hoại, hữu phái, hễ phát hiện thấy tình nghi, khác thường là ra tay ngay. Gần đến giờ G, họ Lưu và lão Đào bước ra trước đội ngũ huấn thị, giao nhiệm vụ, sau đó từng tốp, từng tốp dân quân lên đường, xông trận, bầy chó ở xóm núi bắt đầu sủa râm ran, báo hiệu cho bộ chỉ huy biết là lính ta đã đi tới chỗ nào.

Tại “đại bản doanh”, Lục tháo giày ngồi xếp bằng trên tấm phản gỗ, tỷ tê hỏi anh về gia đình. Anh nói cha anh cũng đang ở nông thôn, tất nhiên là giấu kín chuyện ông cụ tự sát không thành. Anh đã kể lể cho Lục nghe, anh có người bác họ, cũng là du kích quân, lúc ấy anh chưa biết bác anh, một bậc cách mạng lão thành, vừa cảm sốt đưa vào quân y viện, mới tiêm xong mũi thuốc, vài giờ sau là tắt thở. Anh bộc bạch, ở đây lạ người, lạ đất, may nhờ Lục bí thư quan tâm, chiếu cố, rất lấy làm đa tạ. Lục trầm ngâm tư lự, rồi nói như đinh đóng cột:

- Trường tiểu học trấn này phải mở lại, không thể đóng cửa mãi như bây giờ, rồi còn nâng cấp lên sơ trung[15] vì xóm núi cũng cần chữ nghĩa, trí thức, tôi nghĩ anh nên về đó dạy học! - Lục kể, hồi nhỏ nhà nghèo, nếu không được ông thầy tư thục cho miễn học phí, thì bây giờ đã dốt đặc, chẳng nên công cán gì.

Khoảng hai ba giờ sáng, đại quân mang chiến lợi phẩm trở về, một ít hiện kim và phiếu lương thực mà năm loại đen (địa, phú, phản, hoại, hữu) tích trữ, đặc biệt nhất là bắt quả tang một cặp nam nữ thông dâm, cứ thế áp giải đến tận đại bản doanh, trình lên các thủ trưởng. Gã đàn ông là tay thợ rèn của hợp tác xã thủ công nghiệp trên thị trấn chưa vợ, còn cô ả bán dược phẩm trung y, đầu hôm chồng phải đi lên huyện, nửa đêm đã gọi trai về hú hí. Dân quân xô cửa, ập vào, bật đèn và chao ôi cả hai trần truồng như nhộng, dân quân khựng lại, nuốt nước bọt, nhưng không quên nhiệm vụ tóm gọn, trói chặt.

- Bọn họ ở đâu? - Lão Đào quát hỏi.

- Báo cáo đang quỳ ngoài sân chờ lệnh!

- Đã kịp mặc quần áo hay chưa?

- Báo cáo vẫn y nguyên như lúc lên giường!

- Bảo chúng nó quàng vào ngay, đây là trụ sở úy ban cách mạng!

- Rõ.

Lục bí thư ở buồng trong nói vọng ra, bắt hai đứa viết kiểm thảo xong, rồi thả cho về. Báo cáo, chúng nó không biết viết, thì điểm chỉ cũng được. Lục bảo anh đi ngủ và dặn lão Đào, loại chuyện này quản không nổi đâu, để bọn chúng tự giải quyết với nhau. Lục và anh ra đến sân, thấy cô ả co người rút vào góc tường, còn gã đàn ông thì bò sát đất, cúi đầu, khấu lạy, “cảm tạ ân nhân, Lục bí thư, cả một đời không quên được ơn này”. Lục từ tốn, “về đi, đừng làm gai mắt thiên hạ nữa, lần sau chớ có mà tái phạm!”.

Trời vẫn chưa sáng, sương đêm còn nặng hạt, trên đường về anh thầm nghĩ, đại vương sơn trại đã cho anh một lối thoát, chắc sẽ sống đỡ hơn. Từ đấy trên con phố nhỏ của trấn nghèo, hễ gặp ai, cán bộ công xã, thậm chí là công an, mọi người đều chào hỏi anh niềm nở, hoặc thân mật vỗ vai, hoặc trao cho nhau một điếu thuốc chung tình. Sau đó mở trường trung học, số học sinh học chưa xong tiểu học được gọi tới học tiếp mặc dầu đã quá tuổi, chỉ cần hai niên khóa là xem như sơ trung. Nhà anh ở trong thôn nay dọn về khu vực nhà trường, dân chúng gọi anh là “thầy giáo” và mọi hiềm khích, nghi ngờ xưa nay đối với anh, người ngoại lai phiêu bạt, đều đã tan biến.
Bình Luận (0)
Comment