Kỳ Án Ánh Trăng

Chương 1

Lời dẫn:

Ánh trăng lạnh lẽo soi trên đôi vai gầy guộc của Tưởng Dục Hồng, cô thấy lành lạnh. Lẽ ra đêm xuân không nên có cảm giác này mới phải. Cô cười thầm và trách mình thật chẳng ra sao: những ngày tháng ở Quý Châu làm một thanh niên học sinh đi thực tế cơ sở, khi thấy chán ngán, nửa đêm cô vẫn đi dạo một mình trong thôn là chuyện bình thường; lúc này đang ở trong vườn trường của trường đại học rất yên tĩnh, sao mình lại sợ hãi gì? Có đúng là tại cái nơi mình định đến lúc này không?

Ánh trăng sáng trong bao phủ khu nhà nhỏ hai tầng cách chỗ cô đứng không xa. Đó là khu nhà kiểu châu Âu được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ này, nghe nói đó là khu nhà cổ nhất trong Đại học Y, nay được dùng làm phòng thực nghiệm giải phẫu học. Phía bắc là cửa ra vào duy nhất, đó là một vòm cuốn khá dày, như kiểu hang đá; nóc của nó là ban công của tầng hai nhô ra. Lúc này nhìn vào, thấy vách cửa xám được ánh trăng soi trắng nhợt, bóng của mái vòm và ban công in xuống nền, làm cho phía trong cửa vòm tối om khác thường, hình như trong đó đang chứa đựng những thứ gì đó rất đáng sợ.

Nếu ngày mai không phải làm bài thi giữa học kỳ của môn giải phẫu thì cô đã chẳng phải nửa đêm một mình đi vào khu nhà mà bên trong đâu đâu cũng bày các xác chết đủ loại cùng các đoạn chân tay dài ngắn và nồng nặc mùi phooc-môn. Dục Hồng là một sinh viên công nông binh đợt cuối cùng về học ở đây, trải qua bao nhiêu dày vò và khắc khoải chờ đợi trong suốt bảy năm trời "đi thực tế" ấy, rồi cũng đến ngày cô được thực hiện ước mơ của mình. Tuy nhiên, năm tháng trôi đi, nay cô đã ở tuổi 26, kiến thức cơ bản bị rỗng, dù cố đến mấy cũng không thể đọ trí nhớ và độ nhanh nhạy với cánh sinh viên 17-18 tuổi. Nhưng Hồng lại vốn có cá tính mạnh mẽ, cô luôn muốn nổi trội trong học tập, cho nên đêm nay cô đến phòng thực nghiệm giải phẫu hoàn toàn không vì nước đến chân mới nhảy, mà là muốn nâng cao kiến thức đã có, muốn làm rõ từng chi tiết cuối cùng mà cô còn mơ hồ. Then chốt của môn giải phẫu học là phải chịu khó nghiên cứu các tiêu bản thực thể để cảm nhận đa chiều và cụ thể, vì vậy phòng thực nghiệm giải phẫu là nơi ôn tập lý tưởng nhất. Trong trường Đại học Y số hai Giang Kinh này, lâu nay vẫn đồn đại một chuyện bí ẩn kỳ dị về phòng thực nghiệm giải phẫu. Chuyện thường xảy ra về đêm khuya, nhân vật chính có thể là một quái nhân thích ăn thịt các xác chết, có thể là một con ma hung ác, hoặc một cô hồn đầy oán hận; các nạn nhân phải hứng chịu đều là các sinh viên y khoa vô tội. Với các sinh viên y khoa, sau khi kết thúc giờ tự học lúc 11 giờ mỗi đêm, thì nơi đây trở thành vùng cấm địa. Tối nay Dục Hồng đã cùng các bạn đến đây ôn bài, rồi tắt đèn trước lúc chuông báo hết giờ, sau đó họ cùng trở về ký túc xá. Đến nơi rồi, Dục Hồng vẫn trăn trở mãi, cô cảm thấy mình ôn tập chưa được chu đáo, bèn quay trở lại đây.

Đang suy nghĩ miên man, thế rồi cô đã đứng trước cửa vòm cuốn. Các mẩu chuyện đồn đại về ma quỷ, liệu có thật không? Tim cô đập dần nhanh hơn. Tất nhiên không phải là thật. Cô đã từng trải qua bao thăng trầm của quãng đời học sinh đi thực tế, đương nhiên cô không như các sinh viên trẻ nhẹ dạ cả tin vào các chuyện khiếp hãi này. Có lẽ vì sinh viên Y bài vở quá nặng nên đã bịa ra các mẩu chuyện cho chính mình được vui đó thôi. Nhưng tại sao mình lại chợt rùng mình?

Tim cô đập càng nhanh hơn, nghe rõ mồn một.

Để tự trấn tĩnh, Hồng đành nhè nhẹ nhắm mắt và thầm nhẩm lại mấy câu vè về cấu tạo quả tim và hướng lưu thông của máu do cô tự soạn cho mình: "Lên tâm nhĩ, xuống tâm thất, trái van hai lá, phải van ba lá, tĩnh mạch phổi tâm nhĩ phải, tâm thất trái động mạch chính, tĩnh mạch trong tâm nhĩ phải, tâm thất trái động mạch phổi....". Cô dường như nhìn thấy dòng máu đang chảy mạnh trong tim mình, cuồn cuộn chảy, không ngớt chảy qua chảy lại giữa tâm nhĩ và tâm thất. Tuy nhiên, cô vẫn bước qua bậu cửa xi măng khá cao để vào khu nhà thực nghiệm giải phẫu. Bậu cửa này cao tới một thước, cũng là một đề tài luôn được sinh viên các khoá hay bàn tán. Nghe nói nhiều năm trước, có lần một bể lớn chứa đầy phooc-môn của phòng thực nghiệm giải phẫu bị vỡ tràn ra lênh láng một nửa sân trường, nồng nặc mùi phooc-môn nhức mũi. Để phòng lặp lại sự cố tương tự gây ô nhiễm, nhà trường bèn cho xây cao bậc cửa này lên, coi như một con đập chắn phooc-môn. Nhưng cũng có cách nói khác - cách giải thích phổ biến của dân gian: bậu cửa cao một thước có thể nhốt ma quỷ ở trong nhà, và phòng ngừa các xác chết nhảy ra ngoài. Sau bậu cửa là năm bậc thềm khá cao, rồi đến cánh cửa gỗ. Dục Hồng nắm vào tay nắm cửa bằng đồng, nghĩ bụng: "Lúc này mình quay ra vẫn chưa muộn."

Nhưng chẳng lẽ chỉ vì sợ hãi chốc lát mà bỏ lỡ dịp ôn bài thuận lợi như thế này?

Bỗng nghe thấy một điệu nhạc du dương từ phía trong vọng ra. Dục Hồng chững lại, chăm chú lắng nghe. Hình như có tiếng người thì thầm, để ý nghe kỹ hơn, còn thấy các âm thanh lách cách do đồ thủy tinh va chạm nhẹ phát ra. Thì ra là một bữa liên hoan.

Tổ chức liên hoan trong phòng thực nghiệm giải phẫu ư?

Có lẽ là một nhóm sinh viên năm cuối sắp tốt nghiệp không có bài vở gì nữa, đã đến đây để thư giãn. Nhưng cách đây hơn một giờ, nơi này rõ ràng vẫn có một đám đông sinh viên miệt mài ngồi học chuẩn bị thi giữa năm kia mà, sao chỉ sau chốc lát đã tràn đầy những âm thanh cốc chén bát đũa va chạm nhau? "Bè lũ bốn tên" đã bị đánh đổ, cách mạng văn hoá đã kết thúc, không khí xã hội đã thoáng hơn nhiều, và hiếm khi thấy các sinh hoạt có màu sắc tiểu tư sản kiểu này.

Dục Hồng hít một hơi thật sâu, rồi mở rộng cánh cửa lớn của phòng thực nghiệm giải phẫu.

Một tháng sau
Giảng viên phụ đạo năm thứ ba y khoa là Lục Bỉnh Thành bước vào khu ký túc xá nữ sinh. Lòng anh đang bộn bề, nặng trĩu rất nhiều điều nghĩ ngợi nên đã quên làm thủ tục xuất trình thẻ công tác và ký tên. Cũng may, bà già gác cửa thường ngày vẫn gặp anh, biết anh là thầy giáo phụ đạo, đến đây tất có công tác cần thiết đối với sinh viên nên bà đã không chặn hỏi, để anh khỏi phải gián đoạn suy nghĩ.
Bỉnh Thành lên gác, rồi dừng lại trước cửa phòng 405. Trời đã gần tối mà hành lang vẫn chưa bật đèn. Cửa đang đóng im ỉm, anh thoáng đứng yên một lát rồi nhè nhẹ gõ cửa. Sau khe cửa hé mở là khuôn mặt của Tiểu Tĩnh.

"Chào thầy Thành!"

"Bạn ấy thế nào rồi?" Thành chưa bước vào vội, chỉ khẽ hỏi.

"Lúc ổn lúc không, có lúc vẫn rất tỉnh táo như ngày trước, và hiểu mọi việc rõ ràng hơn ai hết. Nhưng bất chợt lại bắt đầu nói những câu kỳ cục." Tiểu Tĩnh cũng cố hạ giọng nói cho thật khẽ.

"Thầy Thành đến phải không? Sao Tiểu Tĩnh không mời thầy vào trong này nói chuyện?" Một giọng nữ trong trẻo từ trong phòng vọng ra.

Dục Hồng mặc chiếc áo ngủ kẻ ca-rô màu lá cây nhạt, đang uể oải ngồi bên cửa sổ nhìn ra bên ngoài, cô chậm rãi chải mớ tóc đen nhánh đã dài sắp chấm vai, đôi bàn tay nhợt nhạt nổi lên những đường gân xnah. Thành hơi lim dim mắt, trong đầu anh hiện lên hình ảnh cô gái Dục Hồng cách đây không bao lâu với mái tóc cắt ngắn sát mang tai và khuôn mặt hồng hào đầy sức sống. Thế mà chỉ sau chưa đầy một tháng đã như biến thành một người khác hẳn. Đã xảy ra chuyện gì vậy? Hồng vẫn chăm chú nhìn ra cửa sổ, không ngoảnh người lại vì sự có mặt của Thành. Cô chải tóc mỗi lúc một chậm hơn, dường như cô muốn mái tóc ức vạn sợi mảnh mai này được chải thật kỹ đến từng sợi. Thành chợt nghĩ: "Kể từ ngày vào trường cô ấy tư tưởng tiến bộ, lại cần cù giản dị, chứ đâu có cái gu tiểu tư sản thế này?"

"Thưa thầy, nghe nói thầy cũng tốt nghiệp ở trường này, thầy tốt nghiệp khoa nào khoá nào ạ?" Câu hỏi của Hồng hoàn toàn không mảy may gợn màu sắc bệnh lý nào.
Thành không cần suy nghĩ, trả lời ngay: "Tôi vào đại học năm 1961.
Dục Hồng hơi rung rung tấm thân mảnh khảnh, quay người lại với khuôn mặt tái nhợt: "Thế thì, chắc thầy đã nghe nói về ánh trăng?"

Đôi lông mày rậm và đen của Bỉnh Thành càng nhíu lại, anh nghĩ: "Đây là vấn đề gì? Cô ấy nói rồ dại mất rồi."
Nhưng anh lại trả lời: "Ánh trăng? Tôi không chỉ nghe nói mà còn thường xuyên nhìn thấy. Mấy hôm nay trời nhiều mây nên tất nhiên không thấy nhưng những hôm trời nắng thì đêm đêm đều có ánh trăng rất đẹp."
Dục Hồng ngừng chải mớ tóc dài, thả tay xuống và ngạc nhiên hỏi: "Thầy không biết thật à? Em cứ tưởng sinh viên thời ấy ai cũng từng nghe nói về ánh trăng? Thầy Thành ạ, hồi đó cuộc sống sinh viên của các thầy thế nào? Em rất muốn biết, và nếu có thể được trải nghiệm ít nhiều thì hay quá."
Nói rồ dại, rồ dại rồi. Thành thấy lòng nặng trĩu, có cảm giác đã để mất cô sinh viên này. Ánh mắt anh bỗng dừng lại ở bàn tay của Hồng vừa chải tóc, cô đang cầm chiếc lược cuốn có nhiều hàng răng - thứ lược vừa để chải tóc vừa có thể cài lên tóc làm đồ trang sức. Bắt mắt nhất là vài chục viên đá quý được gắn ở mặt lưng cái lược, có viên đen nhánh, có viên màu huyết dụ. Trong căn phòng hơi tối, ánh đèn trắng rọi vào vẫn khiến nó phản chiếu muôn tia sáng chói mắt.

Du Tĩnh đứng bên nhìn thấy Bỉnh Thành có vẻ hơi khác thường, nghĩ bụng: "Kể cũng phải thôi, thầy Thành sao có thể ngờ được rằng Dục Hồng lại có thể dùng chiếc lược quý giá đến như vậy. Tuần trước lần đầu nhìn thấy, mình cũng phải ngạc nhiên nữa là."

"Chiếc lược của em..." Bỗng nhiên Thành không biết nên nói tiếp thế nào nữa.

"Rất đẹp, phải không ạ? Những tia sáng sặc sỡ đan xen hắt ra từ những hạt đá quý màu đỏ màu đen chen nhau, khiến em thường xuyên ngắm nhìn mãi, rồi không hiểu sao càng ngắm lại càng thấy lòng rung động xốn xang... Đúng là đồ quý giá thật nhưng không đến nỗi bị coi là tha hoá trong sinh hoạt chứ ạ?" Dục Hồng nhìn thẳng vào mắt Bỉnh Thành.
"Không sao, em nghỉ ngơi nhé, đừng nên nghĩ ngợi gì nhiều." Thành vội chào rồi ra về.

Du Tĩnh bước ra theo, lặng lẽ tiễn Bỉnh Thành đến tận đầu cầu thang, Thành bỗng nói luôn: "Các em hãy giúp Dục Hồng thay quần áo giặt giũ... sáng nay tổ chuyên gia hội chẩn cho bạn ấy đã quyết định bạn ấy cần được điều trị chu đáo, cần phải nằm viện. Tôi hoàn toàn không muốn điều này nhưng áp lực từ Phòng quản lý sinh viên rất lớn, tôi chỉ còn biết phục tùng, cũng đã đánh điện cho gia đình bạn Hồng. Nếu họ không có ý kiến gì khác thì bạn Hồng sẽ bắt đầu nằm viện."

Du Tĩnh lập tức tròn xoe mắt: "Nằm viện tâm thần? Thật đáng sợ! Chẳng lẽ không còn cách nào khác ư mà phải thế này ạ?"

"Tất cả đều vì bạn ấy thôi mà!" Thành thở dài.

"Thầy Thành, tại sao lại bảo em ở đây?"

Có lẽ vì mặc bộ đồ trắng nên trông Dục Hồng càng nhợt nhạt hơn cách đây một tháng. Mái tóc cô cũng dài thêm, môt chòm tóc rủ xuống má khiến khuôn mặt xương xương của cô càng thêm ủ rũ. Ở đây tất cả đều là màu trắng. Nghe nói màu trắng là màu của thiên đường, dãy hành lang khá dài và vắng lặng cho ta một cảm giác yên ắng. Du Tĩnh rơm rớm nước mắt đưa Dục Hồng vào nằm viện, cô cũng trải qua một tháng trời buồn bã, thấy chán chường đối với mọi việc cứ như thể chính cô mới là người nằm viện. Hôm nay, thầy giáo phụ đạo Bỉnh Thành gọi cô, lớp trưởng và bí thư chi đoàn của lớp, cả bốn thầy trò đi xe đạp vào viện thăm Dục Hồng. Dục Hồng lúc này suýt nữa khiến Du Tĩnh oà khóc, và mọi người có mặt cũng đều thấy có phần xót xa. Bỉnh Thành nhìn Từ Hải Đình là bác sĩ điều trị chính cho Hồng, Hải Đình cũng nhìn anh, ánh mắt giao nhau nhưng vị bác sĩ im lặng, hình như muốn nói: "Tôi không biết nên nói gì với cô ấy, tôi rất muốn giúp nhưng bất lực." Bỉnh Thành đành nói: "Đây là đề nghị của các chuyên gia, cha mẹ em cũng đã chấp thuận. Nhà trường và khoa đều rất coi trọng và hy vọng việc sớm điều trị sẽ giúp em khắc phục những vướng mắc về tư tưởng. Bác sĩ Đình đã cho tôi biết Hồng đã có tiến bộ, theo dõi thêm thời gian nữa là có thể ra viện."

Dục Hồng đưa mắt nhìn xuống, khẽ nói: "Em biết khoa và nhà trường đều quan tâm yêu mến em, em sẽ chịu khó chữa bệnh, và nghe lời bác sĩ Đình, gỡ bỏ những vướng mắc trong suy nghĩ, để có thể sớm trở về học tập cùng các bạn."
Bình thản quan sát, thì mấy câu nói này của Hồng hoàn toàn không có vẻ tâm thần gì cả. Du Tĩnh nhỏ nhẹ nài xin:

"Thưa thầy, chúng ta nên đón Dục Hồng về sớm. Bác sĩ Đình có thấy Dục Hồng đã rất tỉnh táo không? Phải tiếp tục ở lại đây làm gì nữa ạ?"

Bác sĩ Đình nói: "Ngày mai khoa chúng tôi có cuộc họp đánh giá, tôi sẽ nhanh chóng thông báo kết quả đến nhà trường."

"Xin phiền các bác sĩ cố gắng giúp cho." Bỉnh Thành nói.

Nhưng đúng lúc Du Tĩnh chợt thấy lòng nhẹ nhõm thì Dục Hồng bỗng nói pha chút lạnh lùng: "Tôi có một thắc mắc rất lớn, xin hỏi thầy Thành: thầy chưa từng nghe nói về ánh trăng thật à?"
Bỉnh Thành vốn nghĩ bệnh trạng của Hồng đã có chuyển biến rõ rệt, lúc này anh thất vọng nhìn sang bác sĩ Đình, hình như muốn nói: "Tại sao lại vẫn thế này? Đã tiến bộ ở chỗ nào?"
Bác sĩ Đình nhìn thẳng vào Dục Hồng ôn tồn hỏi: "Dục Hồng hãy nói cho tôi biết, ánh trăng là cái gì? Là ánh trăng ban đêm thường thấy, hay là một ai đó, một việc gì đó liên quan đến ánh trăng?"
Dục Hồng đưa mắt nhìn ra xa, hơi nhíu mày: "Nếu em đã biết thì em cần gì cứ phải hỏi khắp lượt!"
Bỉnh Thành khẽ thở dài: "Hồng hãy chịu khó nghỉ ngơi, đừng nghĩ ngợi nhiều quá. Các bạn đều rất mong Hồng sớm mạnh khoẻ trở lại."

Người thất vọng hơn cả là Du Tĩnh. Chẳng biết bao nhiêu lâu nữa mới lại được nghe tiếng Hồng nói cười vui vẻ trong ký túc xá? Tĩnh cố nén nỗi thương cảm đang dâng trào, dịu dàng nói: "Hồng ơi, mình đã đến hiệu Ngũ Phường Cư mua cho cậu món mề vịt ngũ hương và món óc đậu mà cậu vẫn thích. Mình gửi ở chỗ cô y tá, cậu nhớ đến cầm về mà ăn. Chờ khi cậu về, chúng ta sẽ khôi phục lệ cũ: cuối tuần sẽ đi dạo phố Bắc Kinh, được không?"

Khuôn mặt xanh xao nhợt nhạt của Dục Hồng bỗng nở nụ cười: "Sao lại không được? Mình không chờ nổi nữa đâu!"
Hồng tươi cười khiến mọi người đều nghi hoặc: cô ấy đâu có bệnh tật gì? Hồng lại hỏi: "Nhắc đến đường phố Bắc Kinh ư? Mình ở đây ngày cũng như đêm, hôm nay ngày bao nhiêu rồi? Nếu mình ra viện, liệu có còn kịp đón ngày 1-7 đi diễu hành trên đường phố Bắc Kinh không?"
Du Tĩnh cười trả lời: "Hôm nay mới là 14 tháng 6, cậu hãy phối hợp điều trị với bác sĩ Đình cho tốt, chắc chắn sẽ kịp chung vui chào mừng sinh nhật Đảng ngày 1 tháng 7."

Dục Hồng chợt biến sắc: "Hôm nay là ngày 14 tháng 6 thật à? Cảm ơn trời đất đã để cho mọi người đến đây, nếu không thì gay rồi." Đôi mắt cô ánh lên nỗi kinh hãi cực độ hiếm thấy, hơi thở hình như cũng gấp hơn.
Bác sĩ Đình nhận ra tình huống không hay, anh tranh thủ hỏi luôn: "Hồng ơi, cái gì gay? Cô cho tôi biết được không?"
"Không!" Hồng khẳng định, như là không thể nào khác.

Bỉnh Thành lại nhìn bác sĩ Đình, như muốn nói: "Có lẽ bệnh cô ấy càng nặng hơn thì phải, đừng nói đến ra viện trước ngày 1 tháng 7, mà phải nằm lại qua mùa hè cũng nên."

Dục Hồng lại tỉnh bơ nói: "Thầy Thành, bác sĩ Đình và các bạn có thể tạm lui ra ngoài được không? Em có việc cần nói riêng với Du Tĩnh."

Bí thư chi đoàn đứng bên đánh liều nói xen luôn: "Nếu Dục Hồng có vấn đề tư tưởng gì thì tổ chức cũng có thể giúp đỡ, chứ đừng nên bàn bạc kiểu nhóm đơn lẻ."
Hồng cười khẩy: "Việc hệ trọng liên quan đến tính mạng, mà có thể tuỳ tiện nói cho cậu biết à?"
Bác sĩ Đình và Bỉnh Thành đưa mắt cho nhau rất nhanh, rồi ra hiệu cho lớp trưởng và bí thư chi đoàn cùng theo họ ra ngoài buồng bệnh, rồi khép luôn cửa lại. Nhìn qua cửa kính chỉ thấy Dục Hồng nắm chặt tay Du Tĩnh rất căng thẳng và xúc động nói gì gì đó, mặt Hồng đẫm nước mắt. Du Tĩnh thì hết sức hoang mang và không ngớt gật đầu.
Một lát sau Du Tĩnh đờ đẫn bước ra khỏi căn buồng, thầy Thành và bí thư chi đoàn vội vã hỏi ngay: "Hồng đã nói với em những gì?"

Du Tĩnh miệng há hốc không nói nên lời, bỗng nhiên mọi người nghe thấy một loạt tiếng động rầm rầm, tất cả ngoái lại nhìn thì thấy Dục Hồng lao tới cửa sổ và đập liên hồi vào cửa kính. Hai cô y tá vội chạy đến ghì chặt Hồng từ hai bên, bên trong cửa sổ Hồng vẫn gào thét.

Du Tĩnh buồn rầu nhìn vào, Hồng cũng đã thôi vùng vẫy, khuôn mặt cô đẫm lệ. Hai cô nhìn nhau một lát, Hồng chậm rãi lắc đầu, Tĩnh cũng thong thả gật đầu.
Sau khi Hồng bị đưa đi, bác sĩ Đình nói: "Cô Tĩnh ạ, để cô Hồng có thể mau bình phục, tôi mong cô đừng giấu tôi điều gì, có chuyện gì cô cứ cho tôi biết. Nếu cần tôi có thể hứa sẽ giữ kín đối với nhà trường. Thầy giáo Thành có thể thông cảm cho tôi."

Sau một lát im lặng, Tĩnh nói nhỏ nhẹ: "Thực ra chẳng có gì đáng để giấu cả. Bạn ấy nói ... cháu là bạn tốt nhất của bạn ấy, bạn ấy mong sẽ được gặp lại cháu."
Sau tiếng còi báo tắt đèn, Du Tĩnh vẫn trằn trọc mãi. Những lời của Hồng nói trong tiếng khóc và nước mắt ngày hôm qua vẫn vẳng bên tai cô rõ rệt. Đến nay cô vẫn nửa tin nửa ngờ. Ngày mai, "bộ tam" bệnh viên tâm thần, Đảng ủy khoa và Hội sinh viên sẽ tổ chức "hội thẩm" mình, nhưng mình đã thề với Dục Hồng rằng nhất định sẽ không tiết lộ cho người thứ ba biết chuyện... Có phải mình đã quá ngây thơ? Lẽ ra mình nên "linh hoạt" một chút và đừng quá coi trọng lời thề như thế?
Ngoài cửa sổ ánh trăng sáng trắng như tuyết. Du Tĩnh mất ngủ, lúc này đầu óc cô càng rối bời: ánh trăng mà Dục Hồng nói, thực ra là cái gì? Ánh trăng ngoài kia đẹp là thế, sao lại làm cho Dục Hồng vốn cởi mở hoạt bát trở thành một con người như vậy?

"Reng reng reng ..." chiếc đồng hồ báo thức đặt ở đầu giường bỗng reo vang. Du Tĩnh kinh ngạc ấn nút đèn, kim đồng hồ đang chỉ đúng 12 giờ. Cô thấy trong lòng ớn lạnh: sao lại thế này nhỉ? Mình đã đặt chuông báo thức lúc nửa đêm bao giờ nhỉ?

Nỗi tuyệt vọng chầm chậm lan toả trong cô: chẳng lẽ ... chẳng lẽ những điều Dục Hồng nói đều là thật hay sao?
Một cơn gió chợt thổi vào, cửa sổ phòng kí túc xác vẫn mở kêu kèn kẹt. Gió thốc vào trong màn, toàn thân Du Tĩnh râm ran nổi da gà. Gió đêm mùa hạ sao lại lạnh thế này?

Cô khoác áo ngồi dậy, xuống giường rồi ra dóng cửa sổ. Nhưng khi đến gần cửa sổ, chân cô bỗng như bị chôn chặt xuống đất. Tiếng đàn vi-ô-lông chậm rãi dịu êm từ ngoài cửa sổ vọng đến, bồng bềnh trong ánh trăng. Du Tĩnh bỗng như rũ hết mọi mệt mỏi, mọi thứ xung quanh cô trở nên trong trẻo tinh khôi, những phiền muộn hôm qua, những nỗi bất an ngày mai đều tiêu tan theo khúc nhạc. Vĩnh viễn níu giữ được cái cảm giác tuyệt vời thế này thì tốt biết mấy.
Vĩnh viễn tốt đẹp, chẳng phải là cái đích mà ai cũng luôn khắc khoải mưu cầu hay sao?
Hình như ở ngoài kia bên dưới cửa sổ chính là cái vĩnh viễn tốt đẹp ấy.

Trong khoảng khắc Du Tĩnh nhảy ra khỏi cửa sổ, cô mới nhớ ra lời dặn dò của Dục Hồng, nhưng tất cả đã muộn. Cô thét lên thê thảm, nhưng tuổi xanh đã ra đi không bao giờ trở lại nữa.

**********

Mùa xuân năm 1982.

Hạ Tiểu Nhã không ngờ mình lại đứng trước cửa khu nhà giải phẫu vào lúc nửa đêm, bầu trời đang phủ kín mây đen. Còn nhớ buổi tối đầu tiên mới vào học, Tiểu Nhã và các bạn nữ cùng ký túc xá đã nói tường tận những câu chuyện ma quái liên quan đến phòng thực nghiệm giải phẫu: nghe nói trong đó mỗi xác chết, mỗi khúc cánh tay cẳng chân đều gắn liền với một câu chuyện rùng rợn, và đều dính dáng đến một hồn ma bơ vơ. Những câu chuyện ấy đã khiến cô ngủ không yên mấy đêm liền, cô hối hận vì mình đã chọn nhầm ngành học. Nhưng đêm nay thì khác. Sau những đợt thực nghiệm giải phẫu cơ thể động vật sống, và gần một nửa học kỳ vừa rồi học tập giải phẫu cơ thể người, cô đã gạt bỏ được nỗi khiếp hãi đối với cơ thể sinh vật, và hoàn toàn không tin vào những truyền thuyết ma quỷ này nọ. Chủ nghĩa duy vật là nền tảng của y học hiện đại, nếu đến giờ mà vẫn mê tín những chuyện thần thánh ma quỷ nhố nhăng thì đúng là mình đã chọn nhầm ngành nghề rồi.

Nhưng tại sao lúc này đứng trước cửa vòm cuốn của khu nhà giải phẫu, mình lại hơi run run? Có điều gì đáng để sợ như thế chứ?

Hiện nay là thời đại mà con người vô cùng khao khát tri thức. Tiểu Nhã xuất thân trong một gia đình công nhân bình thường, vì thế cô càng nâng niu cơ hội được tiếp thu nền giáo dục ở bậc đại học. Mai là ngày thi giữa học kỳ về môn giải phẫu học, cô đã ôn tập khá đầy đủ, tuy nhiên mục tiêu của cô là phải giành được điểm tuyệt đối. Đúng thế, vì cô là con người luôn theo đuổi sự hoàn thiện trong tất cả mọi việc. Cô hiểu rằng nếu có thể nghiên cứu tiêu bản cơ thể nhiều hơn các bạn khác một lần, thì khả năng giành điểm tuyệt đối, được xếp thứ nhất, được học bổng sẽ càng lớn hơn. Cho nên đêm nay Tiểu Nhã không về ký túc xá, sau khi tiếng chuông báo tắt đèn vang lên, cô bèn đi một mình đến đây để ôn tập các tiêu bản.

Tại sao bậu cửa vào khu nhà giải phẫu lại cao đến một thước nhỉ?

Cô nghĩ ngợi lan man, cô muốn xua tan nỗi sợ hãi.

Đúng thế, chắc là ngày xưa người ta mê tín kiểu phong kiến: các xác chết không thể co đầu gối, nên chỉ cần xây cao bậu cửa thì chúng không thể chạy ra ngoài. Quá ư là hão huyền! Gió nhè nhẹ thổi, Tiểu Nhã thấy hơi lạnh.
Hay là quay về vậy?
Thế thì hèn, hèn quá. Tiểu Nhã rất ghét mình đôi khi bất chợt giở tính khí trẻ con. Cũng như các nữ sinh viên cùng lứa tuổi, thần tượng của cô là bà Ma-ri Quy-ri. Nhưng với ý nghĩ vừa rồi, có lẽ muốn làm người hầu cho Ma-ri Quy-ri cũng không xong. Tiểu Nhã bước vào màn tối đen kịt rồi đấy cánh cửa phòng thực nghiệm giải phẫu. Trước mắt cô bỗng le lói ánh sáng, cô vội rụt tay lại, suýt nữa thì ngã.
Thì ra là vừa lúc ánh trăng lọt qua áng mây dày rồi tỏa sáng xuống mặt đất. Nhát thế này thì sau này chẳng làm nên cái gì ra hồn. Tiểu Nhã ngán ngẩm nghĩ như vậy. Để chiến thắng bản thân, cô đã lấy hết can đảm mở toang cánh cửa phòng thực nghiệm giải phẫu.
Thầy phó văn phòng phụ trách sinh viên Y khoa Lục Bỉnh Thành ngồi chiếc xe Jeep của trường đi đến bệnh viện tâm thần. Gặp bác sĩ Từ Hải Đình, câu đầu tiên ông hỏi ngay: " Lần này chắc anh đã xác định cô ấy đã hoàn toàn bình phục rồi chứ?"

Hải Đình chưa thể hiện ngay sự không vui, ông nhớ lại chuyện cũ, thấy rằng cũng không thể trách thầy giáo Bỉnh Thành đa nghi, bèn nói: "Thầy Thành cứ xem xét đi. Chẳng phải mình tôi quyết định cho cô ấy ra viện, mà hai vị chủ nhiệm kỳ cựu hội chẩn cũng đã gật đầu."
"Cô ấy không nhắc đến ánh trăng gì gì nữa chứ?"
Bác sĩ Đình lắc đầu.
Hạ Tiểu Nhã đã gầy đi nhiều, nhưng đôi mắt vẫn rất có sức sống, thấy Bỉnh Thành, được biết là mình sẽ được về trường nên cô vui mừng khôn tả, hoàn toàn không có vẻ bệnh tật gì hết, tươi cười hỏi luôn: "Thầy Thành, các bạn vẫn khỏe chứ ạ? Em vẫn đang tự học, tuy em bị thiếu rất nhiều bài vở nhưng em vẫn muốn được thi kết thúc học kỳ."
Bỉnh Thành thở phào, cười và nói: "Mọi người đều khỏe, đều ổn cả. Em vẫn cần chú ý nghỉ ngơi, có dự thi học kỳ không, không quan trọng. Em có kiến thức cơ bản vững vàng, khoa sẽ bố trí cho em thi lại vào dịp hè, chắc chắn em sẽ đuổi kịp tiến độ của các bạn."
Anh lái xe họ Bành giúp Bỉnh Thành xách hành lý của Tiểu Nhã lên ký túc xá. Hành lang thì tối, khi sắp đi đến phòng 405, một nữ sinh mải vui chạy lại xô thẳng và anh lái xe, chiếc chậu rửa mặt rơi xuống đất, các thứ lược và bàn chải của Tiểu Nhã văng tứ tung.

Tiểu Nhã đi phía trước, bỗng ngoảnh lại kêu "ối", rồi thả ngay hành lý đang cầm xuống đất, chạy lại nhặt các vật dụng của mình. Dưới ánh sáng mờ mờ của đèn hành lang, Bỉnh Thành thấy thấp thoáng vài tia sáng rất mảnh. Anh chăm chú nhìn, thấy Tiểu Nhã đang cầm một cái lược có phần gáy rộng, những tia sáng kia phát ra từ lưng cái lược. Anh sải chân bước tới, nhìn cái lược thật kỹ. Nó cũng là cái lược kiêm chức năng cặp tóc, mặt lưng của nó đính vài chục hạt đá quý, có viên màu huyết dụ, có viên màu đen, rất đáng để làm đồ trang sức. Chuyện cũ mấy năm về trước lại hiện lên trong óc, anh nhớ đến cô sinh viên bị bệnh tâm thần, trở về trường sau một năm thì nhảy lầu tự tử - tên là Tưởng Dục Hồng - cũng dùng cái lược như thế này.
Bỉnh Thành hạ thấp giọng khẽ hỏi: "Tiểu Nhã, cái lược này ở đâu ra?"
Tiểu Nhã nói: "Khi nằm viện, có một bác là mẹ của một bệnh nhân đã cho em, mới đầu em ngại vì nó rất đắt tiền nên không dám nhận. Nhưng bác ấy cứ ép phải nhận, em không cưỡng lại được."
"Bệnh nhân ấy tên là gì?"

Em chỉ biết người ấy họ Uông, là bệnh nhân lâu năm, nhưng tuần trước đã ra viện rồi."
Tiểu Nhã vội vã bước ngay vào phòng, các bạn đang sốt ruột đợi cô, thấy cô đã hoàn toàn tươi tỉnh như xưa, nỗi lo lắng của mọi người đều vợi đi quá nửa, căn phòng nhỏ bỗng tràn ngập tiếng nói cười vui vẻ.
Ngồi lái xe quay về, anh Bành vẫn không nén được bèn hỏi Bỉnh Thành: "Thầy Thành ạ, anh em ở phòng bảo vệ vẫn nhắc đến vụ mưu sát 405 , có phải nó là căn phòng 405 ở đúng ký túc xá ấy không?" Vụ mưu sát 405 đúng là một bộ phim phá án đáng sợ mà thời kỳ đó ai ai cũng biết.

Bỉnh Thành nói không mấy mặn mà: "Họ toàn nói vớ vẩn, đúng là ký túc xá đã từng xảy ra vài vụ chết người nhưng đều là tự tử. Gần đến kỳ thi cuối học kỳ, do áp lực trong học tập quá lớn nên dẫn đến mà thôi.”
Một tháng sau, khi anh Bành đang trong phòng trực ban lái xe thì một hồi còi hú thê thảm của xe cấp cứu làm anh bừng tỉnh. Chỉ nghe thấy những bước chân vội vã ở phòng bảo vệ kề bên, mọi người chạy đi chạy lại tíu tít. Anh mặc áo chạy ra, thấy có người gọi: "Anh Bành hãy trực ở vị trí của mình, kí túc xá có một nữ sinh khoa Y nhảy lầu, anh ở đó mà trực điện thoại, nhất định sẽ có lãnh đạo khoa xuống hiện trường."
"Ở phòng nào thế?" Bành hỏi lại.
"405."
Bành chợt thấy gáy mình lạnh toát.

*********

“Có phải cô thấy số phòng này rất đặc biệt không?”
Diệp Hinh đang chăm chú nhìn tấm biển căn phòng 405, chợt giật mình bởi giọng nói lành lạnh này.
Một bóng người gầy mảnh lướt vào căn buồng, có mái tóc dài và chiếc váy ngắn buông gần chấm đất. Nếu không phải đang giữa ban ngày ban mặt thì chắc người ta phải nghĩ đến một “U hồn sảnh nữ”(chỉ mỹ nhân thất tình chết oan nghiệp – ND).

“Bạn còn nhớ bộ phim ‘Vụ án mưu sát 405’ hồi nhỏ chúng ta đã từng xem hay không? Nghe nói vì bộ phim ấy tình tiết rất đáng sợ và ly kỳ nên đã vang dội một thời, nó tác động mạnh đến tâm lý mọi người. Vì ấn tượng rùng rợn về bộ phim ấy quá sâu, nên người ta đã không dám đến ở những căn buồng ký túc xá, phòng khách sạn mang số 405. Thậm chí khu chung cư mới xây cũng không có căn hộ đánh số 405.
Thế mà căn phòng ký túc xá 405 này kể từ năm 1977 đến nay đã có 12 nữ sinh đều chết cùng một kiểu là nhảy lầu tự tử, lại cùng rơi vào một ngày 16 tháng 6. Liệu có phải là rất kỳ cục hay không?”
Diệp Hinh và các bạn nữ khác cùng phòng đều từ các vùng xa hàng nghìn cây số về đây học đại học, ai cũng mang một lô va-li hòm xiểng. Nhưng cô nữ sinh vừa đến thì lại khác, cô chỉ hai vai khoác túi nhỏ, không có thứ cồng kềnh gì khác. Cô nhìn phía trên của chiếc giường tầng kê bên trái cửa sổ, cười và nói: “Chỗ của mình đây rồi.”
Tầng dưới chính là giường của Diệp Hinh.

Diệp Hinh vốn không có tính cả tin, nhưng cô vẫn thấy lời nói của “Sảnh nữ áo trắng” này có phần rờn rợn, Hinh cảm thấy hơi gai người, bèn hỏi: “16 năm có mười hai người chết, gần như mỗi năm chết mỗi người. Nếu là 16 năm chết mười sáu người thật, thì mới là đáng sợ chứ!”
Cô gái quay người lại, khuôn mặt dài ít được dãi nắng nên hơi nhợt nhạt, cặp môi mỏng cùng đôi mắt nhỏ và dài hơi chảy xuôi xuống duới. Cô nói rành rọt: “Ai bảo không phải mỗi năm một người? Có bốn năm yên ổn là vì nhà trường cũng thấy nghi hoặc, nên đã bốn lần cho đóng cửa phòng này để điều tra cho rõ ngọn ngành, nhưng chẳng có kết quả gì. Nhưng trong bốn năm ấy, các phòng khác cũng vẫn xảy ra các vụ nữ sinh nhảy lầu, xem chừng đề phòng cũng không lại được. Mấy thế hệ lãnh đạo trường đều sợ sẽ bị chỉ trích là mê tín nếu cứ cho đóng cửa phòng, cho nên họ đành phải cho mở lại phòng 405. Và chẳng sai tí nào, bốn năm trước là lần cuối cùng đóng cửa, sau khi mở cửa trở lại ba năm, thì mỗi năm lại có một nữ sinh từ phòng này nhảy lầu bỏ mạng.”
Diệp Hinh thoạt đầu im lặng, sau lại thấy cô gái nọ nói năng đâu ra đấy, và không có vẻ gì là vu vơ vô căn cứ, Hinh tặc lưỡi hỏi đượm chút châm biếm: “Nói vậy tức là, trong sáu người chúng ta ở gian phòng này, nhất định sẽ có một người nhảy lầu chết vào ngày 16 tháng 6 sang năm? Thế thì mọi người nên viết sẵn di chúc đi, chưa biết sẽ đến lượt ai đây.”

U hồn sảnh nữ nhận ra ý châm biếm trong lời nói của Hinh, bèn nói lạnh tanh: “Điều này chưa hẳn đã là ý kiến dở đâu! Tôi dám nói chắc rằng, phải có một người trong số chúng ta chết vào ngày 16 tháng 6 sang năm.”
Một tiếng “choang” khá to vang lên. Thì ra là cái chậu rửa mặt bằng sắt tráng men bị rơi xuống đất, đứng bên cạnh nó là một cô gái vóc người nhỏ nhắn. Đó là Tần Lôi Lôi, cô bạn cùng phòng mà Diệp Hinh mới quen. Lôi Lôi vừa tắm gội và từ buồng tắm quay trở về phòng, cô giật bắn mình khi nghe thấy câu nói chắc nịch của Sảnh nữ.
Sảnh nữ bật cười khi khì, rảo bước đi đến nhặt hộ Lôi Lôi cái chậu men: “Đã thành công! Mình đã dọa được một người! Mình là Âu Dương Sảnh, cứ gọi mình là Sảnh cũng được!”
Diệp Hinh nghĩ thầm “Đúng là quá phù hợp, nếu lại có anh bạn trai trên là Ninh Thái Thần nữa thì càng giống như câu chuyện cổ xưa.” Hinh định cười song lại cảm thấy bất lịch sự, nhưng có vẫn không kìm được hai mép cứ động đậy. Nhưng Sảnh vẫn nhận ra điều này:
“Để mình đóan xem nào: chắc chắn cậu là Diệp Hinh!”
Dường như Sảnh không nghĩ ngợi gì, đôi mắt cô nhìn xoáy vào Hinh khiến Hinh có phần bối rối đành nhìn ra chỗ khác và hỏi: “Sao cậu biết?”

Sảnh không giấu được vẻ đắc ý, cười và nói: “Đầu tiên là, danh sách sinh viên trong phòng, có thể tra ở phòng tiếp nhận sinh viên mới, cho nên đại danh của Diệp Hinh phải ở đó. Mình chưa hề gặp Diệp Hinh nhưng mình đã nghe nói Hinh là cán bộ học sinh ưu tú, là nòng cốt văn nghệ nổi tiếng của tỉnh; và vì đã trải qua tập huấn diễn giảng lại có phong độ chững chạc, đã nhiều lần hướng dẫn chương trình các hoạt động văn nghệ cấp tỉnh. Hôm nay mình thấy cậu nói chuyện bằng tiếng Ngô Nông Nhuyễn với mấy bạn từ Giang Nam đến, rồi lại nói tiếng phổ thông rất chuẩn, cậu ăn mặc giản dị, lại kiên quyết không tin chuyện ma quỷ mình nói, cậu rất có chất làm cán bộ học sinh, rất khớp với sự hình dung của mình về Diệp Hinh. Ngoài ra, trông cậu còn có khuôn mặt sáng và đẹp. Nếu nói là “tên sao người vậy”, thì mình đoán là phải trúng luôn.”
Diệp Hinh đang ngán vì Sảnh ghép cô vào diện “cán bộ học sinh”, nhưng sau khi nghe câu cuối cùng thì cô vừa ưng ý lại vừa ngượng nghịu, tan biến ác cảm với Sảnh. Cô mỉm cười: “Mình đúng là Diệp Hinh. Khá thật, mình không coi cậu là Âu Dương Sảnh nữa mà là quái nhân!”

Sảnh cũng cười vui:
“Đừng tâng mình lên như thế, chẳng qua chỉ là kết quả gian khổ nghiên cứu Agatha đó thôi.”
“Agatha là ai?” Lôi Lôi đứng bên cạnh hỏi.
“Agatha Kristi là nữ văn sĩ Anh nổi tiếng về viết truyện trinh thám.” Sảnh trả lời “Mình có toàn tập của bà ấy bằng tiếng Anh, các cậu hãy chịu khó dùi mài đi! Nó chẳng những làm cho sinh hoạt ngoài giờ của những con mọt sách như chúng ta thêm đa dạng, mà còn có thể giúp cho nghề bác sĩ của chúng ta sau này nữa. Các cậu nên biết: bác sĩ khám bệnh và việc trinh sát phá án đều là chung mục đích, đều cần vận dụng lô-gích.”
Lôi Lôi vẫn chưa hết bàng hoàng, cô thận trọng hỏi: “Nhưng cậu vừa nói ngày 16 tháng 6 gì đó ... liệu có thật không? Sao cậu nói cứ như là tận mắt nhìn thấy vậy?”
“Mẹ mình là học sinh cũ của trường này, và là bác sĩ bệnh viện số 2 trực thuộc trường ta. Bà thuộc hết các loại sự tích ở đây. Về ‘vụ mưu sát 405’, mình đã moi dần từng mẩu chuyện từ bà mẹ mình.”
Diệp Hinh thầm kinh hãi: “Bác ấy biết cậu được xếp vào đây ở, mà không lo lắng à?”
Sảnh cười ranh mãnh: “Các cậu đừng có kể lại với ai. Đúng là mẹ sợ mình bị xếp vào phòng 405 Hôm qua đưa mình đến trường, nhìn thấy phòng mình là 403, mẹ mình mới yên tâm ra về. Mẹ mình vừa đi xong, mình vội đến đổi chỗ ngay cho Dương Yến vốn được xếp vào ở phòng này. Mình vừa kể xong câu chuyện, Yến nghe sợ quá nên đồng ý đổi phòng ngay.”
Lôi Lôi kêu lên: “Liệu ai có thể đổi phòng cho mình không nhỉ? Mình cũng muốn rời khỏi phòng 405 này!”
Diệp Hinh lại nhìn Âu Dương Sảnh bằng ánh mắt hết sức kinh ngạc.
Sảnh cười tỉnh bơ: “Cô em Lôi Lôi hãy chấp nhận đi ... cô nên bạo dạn hơn. Đó chỉ là chuyện kháo nhau, là vụ án chưa có lời giải, cho nên mình mới bằng mọi cách để được vào ở phòng này. Nói là để bắt ma hay để phá án cũng được, nếu có thể làm rõ sự thật thì lòng hiếu kỳ mãnh liệt đến đâu cũng sẽ được thỏa mãn, như thế lại chẳng hay à?”
Lôi Lôi nói: “Tớ chẳng cần thỏa mãn lòng hiếu kỳ, tớ nhát gan nên chỉ muốn lẩn tránh. Trừ phi cậu cho tớ biết những lời cậu vừa nói toàn là chuyện bịa đặt.”
“Được, được. Tớ dọa cậu cho vui đó thôi. Thực ra các chuyện ma trong trường ta nhiều vô kể, tối mai tớ sẽ lần lượt kể cho các cậu nghe.” Sảnh đã nhìn thấy ánh mắt của Diệp Hinh, cô cười và nói tiếp: “Chắc cậu đang nghĩ rằng mình như Âu Dương Sảnh mắc bệnh tâm thần, đúng không? Tớ xin nói rõ luôn: từ bé tớ đã rất mê các chuyện thần thánh ma quỷ. Cậu nhìn tớ trông như thế này, liệu có nói lên vài điều gì đó không?”
Diệp Hinh mạnh dạn quan sát Sảnh thật kỹ một lượt, mỉm cười: “Trông cậu như thế nào à? Lông mày thanh mảnh, đôi mắt dài, cái mũi thon thon, cái miệng nho nhỏ. Rất xinh.”
Sảnh nói: “Cậu vờ vịt gì thế? Tớ luôn cảm thấy mình rất phù hợp để sắm vai ‘U hồn Sảnh nữ’. Cũng là tại mẹ tớ cả thôi. Khi bà mang thai tớ, là thời kỳ cách mạng văn hóa đang rất dữ dội. Mẹ tớ thường bị động viên đi xem đấu tố, và đã tận mắt chứng kiến những người phải chết đứng vì bị đấu. Cho nên có lẽ tớ bị ma ám từ khi còn nằm trong bụng mẹ.”
“Càng nói càng cảm thấy ly kỳ!”
Người vừa nói là một cô gái dong dỏng cao, tay ôm chăn màn, miệng hơi mỉm cười bước vào phòng. Sảnh hơi kinh ngạc:
“Chu Mẫn ... cậu được xếp vào phòng 403 kia mà?”
Chu Mẫn được chỉ định làm lớp trưởng tạm thời, sáng nay Diệp Hinh đã nghe Lôi Lôi nhắc đến, Mẫn là nhân vật nòng cốt của học sinh cấp ba thành phố Giang Kinh, đã nhiều lần được có mặt trong các buổi lễ long trọng của lãnh đạo thành phố. Cha của Mẫn từng được sang Đức tu nghiệp mấy năm, hiện đang là chủ nhiệm khoa Tim mạch của Phân viện 1 trực thuộc bệnh viện số 2 Giang Kinh.
“Tớ được xếp vào phòng 403. Cũng vì nghe nói về chuyện ma ‘Vụ án mưu sát 405’ nên tớ đã xin với thầy giáo phụ đạo cho đổi sang phòng này. Tớ muốn xóa bỏ cái chuyện mê tín này. Nếu nói tớ không sợ tí gì thì không đúng, nhưng Đảng ủy trường và các thầy ở phòng quản lý sinh viên đều rất ủng hộ. Cũng vì tớ là ‘cán bộ học sinh’.” Chu Mẫn đặt đám chăn màn lên chiếc giường còn bỏ không, sau đó bỗng ngoái lại nhìn Diệp Hinh rồi nói tiếp: “Cậu là Diệp Hinh chứ gì? Thấy giáo phụ đạo – thầy Lý bảo tớ chọn một bí thư chi đoàn. Tớ biết cậu và Phương Trọng Triết đều là cán bộ học sinh trung học ưu tú cấp thành phố, cấp tỉnh, nhưng vì tớ rất cần một người có thể thuận tiện công tác ở chỗ các bạn nam, nên bước đầu định để cậu Triết làm bí thư chi đoàn, mong cậu đừng nghĩ ngợi gì.”
Đúng là Diệp Hinh hơi có phần không thoải mái, nhưng thấy Chu Mẫn nói không phải là không có lý, và thấy Mẫn rất thẳng thắn, cũng là hiếm có, nên Hinh cười nói: “Không đâu. Mình nghe nói ở Đại học Y bài vở rất nặng, mình đang lo sẽ không kham nổi đây này! Có thêm chút thời gian để học tập thì cũng tốt.”
Chu Mẫn đang định nói: “Dù không làm cán bộ nữa thì cũng không được từ chối các công tác của lớp”, nhưng nhìn thấy Sảnh đang đứng đó lạnh lùng quan sát nên cô kìm lại.
Sau khi Mẫn đi ra ngoài, Sảnh nhăn mặt lè lưỡi. Lôi Lôi đang kinh hãi, nhưng từ sau lúc Mẫn vào, Lôi Lôi gần như đã bình thản trở lại, cô mỉm cười “Sảnh thật là ... tại sao vừa gặp lớp trưởng của chúng ta cậu lại sợ cứ như chuột nhìn thấy mèo thế?”
Sảnh trả lời: “Tớ có sợ cậu ấy đâu. Nhưng trong các câu chuyện ma thì lũ cô hồn quỷ đói đều rất sợ các đạo sĩ bày trò phù phép. Số phận của tớ là bị đạo sĩ Chu Mẫn trấn lại. Chúng tớ là bạn cùng lớp hi học ở trường trung học trực thuộc bệnh viện Giang Kinh. Tớ từng bị Chu Mẫn chỉnh cho không biết bao nhiêu lần, nào ngờ khi lên đại học, âm hồn cậu ấy vẫn chẳng chịu tan cho!”
Diệp Hinh mỉm cười: “Cậu nói thế, rốt cuộc cậu là Sảnh, hay cậu ấy là âm hồn?”
Sảnh nghiêm chỉnh nói: “Thì có gì khác nhau? Cậu, tớ và cậu ấy chẳng qua chỉ là hạt bụi nhẹ tâng giữa trời đất này, hễ gió thổi là biến mất luôn.”
Bình Luận (0)
Comment