*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Phần Hòe Thành ngập nướcDân gian có câu tục ngữ: trước không trồng tang, sau không trồng liễu, trong sân không trồng quỷ vỗ tay.
Tang là cây dâu, đồng âm với tang ma nên phải kiêng kị. Liễu là cây liễu, lúc đi đưa tang, cành liễu còn được dùng làm phướn chiêu hồn, cho nên cũng không đại cát đại lợi. Quỷ vỗ tay là cây dương do có phiến lá rộng đón gió kêu xào xạc nghe như tiếng người vỗ tay, nhưng vì sao không nên trồng thì truyền lại tới giờ đã không còn mấy ai biết rõ.
Thế nhưng cây hòe thì được đối đãi khác hẳn với ba loài cây trên. Cây có tán rợp, từ xưa đã là chỗ hóng mát yêu thích của mọi người, kể từ tiền triều, trong cung có tập tục tôn sùng hòe, trên làm gì, dưới làm theo, tập tục này từ triều đình lan rộng ra dân gian, truyền từ tiền triều tới bản triều, càng ngày càng ăn sâu, cây hòe dần dần trở thành loài cây cát tường, ngụ ý gia trạch phú quý, tấn tước phong quan.
Hòe dĩ nhiên là cát tường nhưng ra sức trồng hòe khắp thành như thành Lâm Châu thì e là chẳng mấy nơi. Mỗi độ gió thu về, lá hòe rụng đầy đất, giả như có ai tìm được một mảnh lá của giống cây nào khác thì người cả thành đều sẽ lấy đấy làm khó chịu. Người Lâm Châu thích hòe, tôn sùng hòe, bởi vậy, như một điều hiển nhiên, thành Lâm Châu còn có một tên gọi khác: Hòe Thành.
*từ “lâm” trong tên Lâm Châu nghĩa là mưa lâm thâm
Ký Linh không thích tòa thành này.
Từ lúc tiến vào vùng ngoại thành, trời đã bắt đầu đổ mưa, tầng mây đen đặc sà xuống thấp tưởng như chỉ cần vươn tay là có thể chạm tới khiến người ta không thở nổi. Vất vả lắm mới kịp vào thành, sắc trời chẳng những không chuyển trong mà ngược lại còn càng sầm sì hơn, hơn nữa, đang giữa hè, hòe khắp thành cành lá tốt tươi, bóng cây mọi ngày nay trở thành đồng lõa của mây đen, làm tòa thành càng thêm tối tăm ngột ngạt.
Nơi kiểu thế này không thu hút yêu vật mới là lạ.
Ký Linh vừa mới nghĩ vậy, trên trời liền lóe lên một tia chớp, liền đó là tiếng sấm đì đùng, trùng hợp thật khéo thay.
Ký Linh lè lưỡi, vội nhủ thầm trong lòng, không dám, không dám.
Chẳng ai lại thực sự muốn hút yêu vật tới, hơn nữa, hễ yêu vật tới thì người thường chỉ có nước chịu họa, nghĩ như nàng vừa nghĩ quả có phần thất đức.
Ký Linh mặc áo tơi đi thẳng về phía trước, kéo thấp vành đấu lạp xuống che quá nửa gương mặt linh lợi thanh thoát của mình. Không biết có phải ảo giác hay không, dường như mưa ngày càng thêm nặng hạt, phố sá không có lấy nửa bóng người, hàng quán hai bên đường đóng chặt cửa ra vào và cửa sổ, nước mưa đập rào rào xuống mặt đường lát đá rồi nhanh chóng đổ về nơi có địa thế thấp hơn.
Cuối cùng, Ký Linh thấy có một quán trọ ở gần ngay đằng trước, ngửa đầu lên là có thể nhìn thấy miếng vải thô treo trên sào trúc đề bốn chữ lớn “Hòe Thành khách điếm”. Tấm vải đấy không biết đã trải qua bao nhiêu mùa mưa nắng, mép vải đã tã hẳn ra đu đưa phấp phới cùng tấm vải trong mưa gió.
Ký Linh rảo bước nhanh hơn, lúc trông thấy khách điếm đã ở ngay trước mặt thì bỗng dưới chân gặp lực cản, cúi xuống thì thấy nước đã ngập tới mắt cá chân.
Ký Linh kinh ngạc nhìn xung quanh, lúc nãy dù bị ngâm nước mưa nhưng vẫn còn loáng thoáng nhìn thấy mặt đường đá, còn ở trước cửa Hòe Thành khách điếm này, đừng nói đường, thế nước đã ngấp nghé sắp tràn qua bậc thềm vào trong cửa.
Không chỉ mỗi khách điếm này, Ký Linh phóng mắt nhìn về phía xa thấy càng đi sâu vào Hòe Thành càng bị ngập sâu. Nàng nhanh chóng hiểu ra, từ ngoại ô vào nội thành, thế đất thấp dần, nói cách khác, càng vào trong thành thì nước ngập càng nặng, hơn nữa, nếu sức mưa vẫn cứ thế này mãi không ngớt thì thêm mấy canh giờ nữa, chắc tới tám phần, chỗ khách điếm này và vùng ngoại ô có thể chèo được cả thuyền.
Cốc cốc cốc.
Chính mình cũng đã ướt sũng, Ký Linh bận đi gõ cửa khách điếm, chẳng còn hơi đâu lo cho người khác.
Phải mất một lúc lâu, lâu tới mức Ký Linh muốn đổi gõ cửa thành đập cửa, cuối cùng tấm ván cửa cũng được ai đó nhích ra một khe hở. Tiểu nhị của khách điếm nhìn nàng dè chừng, không nói tiếng nào.
Ký Linh bất đắc dĩ phải mở lời trước: “Ở trọ.”
Tay tiểu nhị sửng sốt, không ngờ rằng khách tới là một cô nương, bấy giờ mới thôi đề phòng, tất nhiên là cũng mở hẳn cửa ra: “Mời vào…”
Ký Linh vào trong đại sảnh của khách điếm, lập tức cởi đấu lạp, áo tơi ra, toàn thân khoan khoái, dễ chịu hẳn lên, nửa đùa nửa trách: “Tiểu nhị, nào có khách điếm nào giữa ban ngày ban mặt lại đi đóng cửa.”
Tiểu nhị sập cửa vào, khách điếm lại quay về trạng thái đóng cửa, xong xuôi mới quay người lại cười nhăn nhó: “Cô nương thấy ngoài trời hôm nay có giống đang ban ngày không?”
Không đợi Ký Linh nói gì, chưởng quầy đang gảy bàn tính trong góc liền tiếp lời: “Đợt mưa này khi mưa khi ngớt cũng đã non nửa tháng, cô nương là người duy nhất tới cửa trong nửa tháng qua, cô nương nói xem quán chúng tôi còn mở cửa mà làm gì.”
Ký Linh cả kinh: “Trời đã mưa non nửa tháng rồi cơ à?”
Chưởng quầy thở dài, để bàn tính xuống: “Cô nương không phải người Hòe Thành nên có điều không biết. Hè năm rồi Hòe Thành mưa cũng không đến nỗi nhiều nhưng năm nay chẳng biết làm sao mà kể từ lúc vào hạ cứ ba ngày đôi bữa lại đổ mưa, dạo này càng kinh khủng hơn, mưa mãi không dứt, khi mưa khi ngớt đã nửa tháng ròng, thường thì nước mưa ngày hôm trước còn chưa kịp rút đã lại trút thêm mưa mới. Cô nương xem bàn gỗ cả sảnh đường của tôi đi, chân bàn bị ngâm hỏng hết rồi.”
Ký Linh sửng sốt: “Sao chưởng quầy biết tôi không phải người Hòe Thành?”
Chưởng quầy cũng sửng sốt, tiếp đó liền nội thương, vừa rồi ông ta nói nhiều như thế, vị này lại bắt ngay lấy cái câu ít quan trọng nhất để hỏi, cơ mà người ta là khách, ông ta vẫn phải cười lấy lòng: “Tất nhiên rồi. Người Hòe Thành chúng tôi đời đời định cư ở đây, hiếm có người ngoài tới cho nên nhà nhà đều biết nhau.”
Thỏa lòng hiếu kỳ, Ký Linh gật gù, bấy giờ mới nghiêm túc suy nghĩ về trận mưa này qua lời chưởng quầy.
Khi mưa khi ngớt liền cho nửa tháng, nói lạ thì có lạ, nói không lạ thì cũng quả là không lạ, dù sao thì ông trời thế nào, ai mà nói được. Tuy nhiên, nếu có liên quan tới chuyện hương Phù Đồ báo cho biết thì không còn là chuyện của ông trời nữa.
*Phù Đồ 浮屠 đọc gần như “Phật-đà” 佛佗, dịch âm tiếng Phạn “buddha”. Phật giáo là do Phật-đà sáng tạo, nên gọi Phật giáo đồ là “phù đồ” 浮屠, tháp của Phật cũng gọi là “phù đồ” (Nguồn: hvdic.thivien.net)
“Cô nương, trà cô gọi.” Tiểu nhị bưng khay lên tầng hai, gõ cửa phòng vị khách mới tới.
“Vào đi…” Một giọng nói trong trẻo vọng ra qua lớp cửa.
Tiểu nhị đẩy cửa đi vào, sau đó liền ngớ ra.
Vị khách nữ ướt sũng khi nãy giờ đã lau khô tóc, thay xiêm y, quay về dáng vẻ lúc thường. Tiểu nhị đọc ít sách, không nói được những lời nho nhã, chỉ cảm thấy vẻ đẹp của cô nương trước mặt là cái kiểu đẹp mà mắt ra mắt, mũi ra mũi, nếu đi ngoài đường thì nhìn một lần xong còn muốn nhìn nhiều thêm mấy lần.
“Tiểu nhị nhìn giúp ta xem…”
Đang sững sờ thì giai nhân mở lời.
Tiểu nhị không hiểu ra sao, để khay trà xuống bàn, lại gần bên giai nhân, nhờ vậy mới nhận ra giai nhân đang ngồi xếp bằng trên ghế, dáng ngồi phóng khoáng hoàn toàn chẳng thể liên tưởng tới những câu từ đẹp đẽ mỹ miều như mới rồi, tay còn đang cầm một que hương cháy dở, từ lúc y vào cửa, giai nhân chưa hề liếc nhìn y một cái nào, cứ nhìn chăm chú mãi vào làn khói hương, cho dù là lúc nói chuyện với y cũng vẫn nhìn không chớp mắt, hết sức chuyên chú.
Không hiểu là chuyện gì, tiểu nhị đành phải mở miệng hỏi: “Cô nương bảo tôi nhìn gì?”
“Khói hương,” giai nhân nghiêm nghị nhấn giọng từng chữ thật chậm rãi, “nhìn giúp tôi xem hương này bay về hướng nào.”
Tiểu nhị bị ảnh hưởng bởi bầu không khí nghiêm túc này, bất giác trở nên căng thẳng, trợn mắt nhìn sát vào nén hương, đến tận khi mắt cay sè mới thật thà đáp: “Cô nương, hương này bay thẳng lên trên, lên trên… có tính là hướng không?”
Giai nhân quả quyết lắc đầu: “Nhìn kỹ lại xem.”
Tiểu nhị bắt đầu đổ mồ hôi tay, sống lưng ngày càng lạnh toát: “Cô nương, trong phòng này không có gió, chắc chắn là phải bay lên trên rồi… Khụ, trà tôi để ở đây, cô nương dùng thong thả.”
Tiểu nhị gần như là chạy ra khỏi phòng rồi chuồn vội xuống dưới đại sảnh, tới tận khi nhìn thấy quả đầu chẳng có mấy cọng tóc của chưởng quầy mới thoáng yên tâm, vững dạ như người đi trong tối nhìn thấy ánh sáng. Thế rồi nghĩ, một cô nương xinh xắn như thế lại lảm nhảm hâm dở kỳ quặc, thật đáng tiếc.
Ký Linh không biết mình đã làm tay tiểu nhị thật thà chất phác sợ, nàng thực sự chỉ đơn thuần muốn tiểu nhị nhìn giúp hương Phù Đồ.
Tiểu nhị nói hương Phù Đồ bay thẳng lên trên, nàng tin, vì nàng cũng thấy đúng là như thế, nhưng nàng vẫn không muốn thôi hy vọng, bởi vì ba hôm trước, nén hương này đã chỉ nàng tới Hòe Thành, không có lý nào tới gần yêu quái hơn mà hương Phù Đồ lại bất động.
Ngoài cửa sổ, trời vẫn đang mưa, còn mưa nặng hạt hơn lúc nãy.
Ký Linh thổi tắt que hương đã cháy hết một phần ba cất vào trong gói giấy dầu, trong gói còn mười que hương mới tinh nữa, đủ để nàng dùng một năm rưỡi.
Bụng kêu òng ọc, bấy giờ Ký Linh mới nhớ ra hôm nay chỉ vội đi, chưa ăn một miếng cơm nào, bèn cất hương Phù Đồ vào bọc hành lý rồi mở cửa đi ra ngoài.
Vốn đang định đi gọi tiểu nhị làm giúp cho ít đồ ăn thì vừa hay bắt gặp tiểu nhị đi ra từ phòng cho khách thuê ở tận cuối hành lang.
Ký Linh nhớ tiểu nhị có nói nửa tháng nay chỉ có nàng là vị khách duy nhất, tự nhiên nảy sinh nghi hoặc trong lòng, vẫy tay gọi tiểu nhị lại chỗ mình.
Giờ hễ tiểu nhị nhìn thấy Ký Linh là lại hơi căng thẳng, hơn nữa bà cô này còn xõa tóc, hẳn là để tóc nhanh khô hơn nhưng cả suối tóc đen dài để thả như thế quả thực làm người ta thấy sợ thêm.
“Cô nương có chuyện gì vậy?” Tiểu nhị vẫn đi lại nhưng tới cách Ký Linh khoảng chừng hai trượng thì dừng, không tới gần thêm nữa.
Ký Linh không nhận ra tiểu nhị “kính nhi viễn chi” với mình, trước hết nói bản thân đói bụng, muốn ăn cơm, đợi tiểu nhị vâng dạ rồi mới hỏi tiếp: “Tôi thấy huynh mới từ căn phòng cho khách thuê kia ra, có khách tới nữa à?”
Không ngờ tiểu nhị lại lắc đầu: “Trong đó là chưởng quầy của chúng tôi.”
Chưởng quầy ở phòng cho khách thuê?
Ký Linh phát hiện phong tục ở Hòe Thành cũng đặc biệt y như những cây hòe trồng khắp thành này vậy.
Tiểu nhị từng tiếp đãi nhiều người, vừa nhìn là biết ngay Ký Linh hiểu lầm, vội giải thích ngay: “Chưởng quầy vốn ở dưới tầng dưới nhưng thấy thế mưa hôm nay như vậy, dưới lầu kiểu gì cũng ngập nữa, đành phải chuyển lên tầng trên ngủ, dù gì phòng cho khách cũng toàn để không.”
Ký Linh tiến lên mấy bước, vịn lan can nhìn xuống dưới tầng, quả nhiên nước mưa đang chảy qua khe hở của ván cửa vào đại sảnh. Thực sự là chảy, tấm ván cửa đó nhìn thì rất kín nhưng gặp nước một cái liền hiện nguyên hình, những chỗ hở nước chảy lọt qua thành thác, nền đại sảnh đã có thể thả được cả cá, đám chân bàn khổ sở lại phải ngâm nước một lần nữa, áng chừng đã ngập sâu một ngón tay.
Đại sảnh đã như thế, các phòng dưới tầng một cao ngang đại sảnh tất nhiên cũng không thể may mắn thoát được.
Ký Linh nhớ lúc đến nước mưa bên ngoài còn chưa tràn qua cửa, xem tình hình trước mắt, nước ngoài đường e là đã cao tới đầu gối.
Tiểu nhị thấy Ký Linh nhìn tầng dưới tới thất thần thì tưởng là nàng kinh hãi trước cảnh này bèn nửa là giải thích nửa là bùi ngùi: “Nửa tháng cứ liên tục thế này suốt, lúc nặng nhất, đến cái bàn cũng không đứng được, trôi nổi trong nước ngập, may là hễ trời sáng là nước lại rút.”
“Trời vừa sáng nước liền rút?”
“Đúng vậy, mưa cũng thế, ban ngày mưa nhỏ, càng về đêm mưa càng to, đến nửa đêm thì mặc áo tơi cũng không đi ra ngoài được. Không tin cô nương nghe thử, có phải tiếng mưa rơi đã lớn hơn lúc chiều lúc cô nương tới rồi không.”
“Ngày nào cũng vậy à?”
“Thế thì không, cũng có lúc mưa tạnh nhưng hiếm lắm, hơn nữa trời không hề trong nổi, sang ngày hôm sau lại mưa tiếp.”
Ký Linh nhíu nhíu mày, cuối cùng cũng hiểu được cảm giác quái dị từ đâu mà ra.
Khoan chưa nói tới chuyện ban ngày mưa nhỏ, ban đêm mưa lớn, chỉ riêng chuyện nước ngập ngoài đường, nhất định là do sông hộ thành ở ngoại ô không chịu nổi mưa to, nước tràn qua đê chảy ào vào kết hợp với nước mưa gây ngập cho Hòe Thành. Thế nhưng, theo như lời chủ quán, trời đã mưa ròng rã nửa tháng, mặc dù khi lớn khi nhỏ nhưng không hề có lúc nào trời trong hẳn, vậy thì nước lũ chỉ có thể có hai khả năng là dâng chậm hoặc dâng nhanh, căn bản không có lý nào lại rút.
Ấy vậy mà nó lại rút, còn là trời vừa sáng liền rút, không chậm trễ khắc nào, có thể nói là “mặt trời lặn làm việc, mặt trời mọc đi nghỉ”, có quy luật tới độ loại người chuyên ngủ ngày cày đêm như Ký Linh cũng phải xấu hổ. Nếu không phải cửa thành có dán chi chít bố cáo người mất tích thì nàng phải thực sự tin là trong con nước này ẩn giấu một con yêu vật ngoan ngoãn.
Đúng vậy, dù rằng nàng không biết tại sao hương Phù Đồ bất động nhưng kinh nghiệm bắt yêu nhiều năm nói cho nàng biết phàm khi có đủ thứ chuyện lạ lùng cùng xảy ra thì chẳng phải yêu cũng là quái.
“Cô nương…” Tiểu nhị thấy Ký Linh không nói gì thì định xuống dưới tầng ra sau bếp dặn dò đầu bếp sắp nghỉ tay làm chút đồ ăn nhưng nghĩ tới nghĩ lui vẫn quyết định nhiều lời mấy câu, “ban đêm nếu có nghe thấy tiếng trẻ con khóc thì nhất định đừng đi ra, cứ coi như không nghe thấy.”
Ký Linh ngạc nhiên: “Khách điếm có trẻ con?”
Tiểu nhị ghé người gần gần lại thì thầm: “Không phải trong khách điếm, là trong nước.”
Ký Linh bỗng có cảm giác trúng phải một cơn gió lạnh làm nàng lạnh cả người. Nàng không sợ yêu nhưng điều kiện tiên quyết là con yêu đó phải hiện thân. Thần thần bí bí nấp ở một nơi bí mật xung quanh thì nàng cũng thấy không thoải mái.
“Lúc vào thành cô nương có nhìn thấy bố cáo dán ở cổng thành không?” Tiểu nhị bỗng hỏi.
Ký Linh gật đầu.
Tiểu nhị nói thật nhỏ tiếng, cứ như thể sợ bị thứ gì đó nghe thấy vậy, rành rành rặt điệu sợ: “Toàn là mất tích trong nửa tháng nay, bảo là mất tích chứ thực ra là bị quỷ nước kéo đi đấy.”
“Quỷ nước?” Ký Linh không thích cách gọi này, chỉ mới nói hai tiếng ấy ra thôi là đã thấy gai da đầu.
“Đúng.” Tiểu nhị gật đầu như thật, cứ như thể y đã sớm biết rõ chân tướng, “Mỗi đêm lúc nước lên cao là lại có tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt, chắc chắn là đứa trẻ nào đấy chết dưới sông hộ thành hóa thành quỷ nước về tìm người đòi mạng.”
“Trẻ con nhà ai chết dưới sông hộ thành?”
“Không biết.”
“Không phải nhà nào trong thành này các huynh cũng biết hết sao?”
“Biết thì biết nhưng không nghe nói có nhà nào có trẻ con chết, có điều cũng có khả năng là đứa trẻ đó vốn bị giấu diếm, chưa hẳn đã mất vì chuyện ngoài ý muốn, cho nên… Ôi chao, tội nghiệp.”
“…”
Cái sự tự mình dọa mình thường toàn là do suy diễn linh tinh quá nhiều.
Đằng bên Ký Linh không còn gì để nói, đằng bên tiểu nhị lại khá là hài lòng với màn giảng giải của bản thân, thở dài, chốt lại: “Tóm lại, nước có to nữa cũng không ngập được tới tầng hai, cô nương cứ yên tâm nghỉ ngơi, đừng đi lại lung tung là được.”
Ký Linh gật đầu nghe lời dặn dò rồi bảo: “Cơm canh làm xong không cần mang lên tầng hai.”
Tiểu nhị hoang mang: “Thế sắp ở đâu?”
Ký Linh: “Đại sảnh.”
Tiểu nhị sốt ruột: “Cô nương, không phải tôi vừa mới nói với cô rồi sao, không được đi lung tung…”
“Yên tâm, ” Ký Linh ra dấu “tôi biết” bằng mắt, “tôi không đi lung tung.”
Tiểu nhị thở hắt ra: “Vậy thì được.”
Ký Linh: “Đêm nay tôi ngủ trên bàn dưới đại sảnh.”
Tiểu nhị: “…”
Chưởng quầy ra mà xem đi, chỗ này hình như… không, chỗ này có kẻ điên!
Chưởng quầy đi ra xem.
Vị khách này tuy là mụ điên nhưng là mụ điên có tiền, huống hồ đã nói rõ tự chịu hậu quả rồi nên chưởng quầy cứ vui vẻ thu bạc, vô cùng hào hiệp cho khách thoải mái chọn bàn dưới đại sảnh, giục sau bếp làm đồ ăn thật nhanh, cuối cùng, cả tiểu nhị, đầu bếp, tạp dịch các kiểu cùng nhau trốn lên tầng hai, buộc chặt cửa nẻo, không ló đầu ra, như thể nhìn nhiều một cái thì bị quỷ nước bắt mất vậy.
Màn đêm buông xuống.
Thực ra thì sắc trời từ sáng tới chiều đều trông như đã tối nhưng xa xa có tiếng trống canh, không biết tay gõ trống canh tẫn trách kia làm thế nào đi lại trong thành trong cơn mưa dữ, tiếng báo canh vẳng xa báo cho toàn bộ người dân trong Hòe Thành đã tới lúc đi nghỉ.
Ký Linh ngồi xếp bằng trên bàn gỗ giữa đại sảnh, mặt bàn vuông cạnh khoảng bốn thước, một cô nương nhỏ nhắn như Ký Linh ngồi thì dư dả. Nàng vấn gọn tóc lên, trông qua tựa một thiếu niên lang, khuôn mặt không còn nét hoạt bát nhanh nhẹn như lúc hồi chiều tìm chỗ ngủ trọ mà thay hẳn sang vẻ nghiêm túc.
*1 thước theo quy ước cổ bằng khoảng 0.33 mét.
Cả sảnh lớn chìm trong bóng tối, ngọn nến không biết bị cơn gió từ khe nào lọt vào thổi lắc lư gắng gượng duy trì một chút ánh sáng le lói. Trong gió ngoại trừ hơi ẩm còn lẫn cả mùi tanh, là mùi hỗn tạp của bùn sình cây mục tựa như vũng nước đục lầy lội bùn đất ngoài vùng hoang dã, mục nát khô héo tiềm tàng mùi chết chóc.
Ký Linh lấy que hương lúc hồi hôm châm dở ra châm lại bằng ngọn nến để ở góc bàn sau lưng.
Khói hương bay lên không, hơi chếch sang hướng đông bắc một chút nhưng đợi Ký Linh mở to mắt nhìn kỹ lại thì làn hương lại bay thẳng lên trên.
Ký Linh thoáng thấy thất bại, đang do dự có nên tắt hương Phù Đồ đi không thì ánh sáng trong sảnh bỗng tối hẳn!
Ký Linh giật mình, tay trái lập tức sờ chuông Tịnh Yêu treo ở bên hông, đồng thời nhìn quanh bốn phía.
Một lát sau, Ký Linh thở hắt ra.
Hóa ra là góc đông bắc của sảnh bị lậu mưa làm tắt mất ngọn nến để trên bàn ở chỗ đó.
Hay lắm, ván cửa hở, mái nhà lậu mưa, Hòe Thành này biến ở khách điếm mà thành thử lại có phong vị ăn ngủ trong miếu hoang!
Mưa to tầm tã suốt đêm, Ký Linh cảnh giác canh suốt đêm, kế đó thì… trời sáng.
Đừng nói yêu, đến con thú hoang, mèo rừng nàng cũng không thấy!
Hơn nữa…
“Cô nương chớ cuống, có chậu gỗ ngay đây, cô nương ngồi vào chậu gỗ là có thể trôi lại chỗ thang lên tầng hai!”
“Không phải huynh nói trời vừa sáng nước liền rút hay sao?!”
“Trước đây vẫn luôn thế! Sau đó…”
“Sau đó làm sao?”
“Cô nương tới đây ngủ trọ.”
“…”
Hỏi thế gian nỗi đại khuất nhục của kẻ tróc yêu là gì? Đáp rằng, bị người ta coi là yêu vật.
*tróc (từ cũ): bắt, như tróc nã, tróc tiền sưu.
“Không, không, ý tôi là cô nương tựa như thần tiên, tỉ như Lôi Công Điện Mẫu, Đông Hải Long Vương, cho nên vừa xuất hiện thì…”
*Lôi Công Điện Mẫu: cặp vợ chồng thần sét, thần điện trong thần thoại Trung Quốc.
“Không cần phải nói lấp liếm nữa!”
Cuối cùng Ký Linh không ngồi vào cái chậu gỗ nhỏ chết tiệt đó mà nín thở, đề khí, điểm chân, phi thân lên tầng hai, coi như vớt vát lại chút mặt mũi của kẻ tróc yêu.
Tiếp đó, nguyên ngày, nàng không hề ra khỏi phòng, nằm trên giường ngủ bù, chuẩn bị tái chiến.
Yêu vật cũng giống như hết thảy tà ma ác thú trên thế gian, thích tối sợ sáng, cho nên thích ngày ẩn đêm ra để màn đêm tối tăm che giấu cho chúng. Vậy nên Ký Linh đi bắt yêu phần lớn cũng là đi vào đêm.
Giống như tay tiểu nhị nói, thế mưa ban ngày quả nhiên nhỏ đi, hạt mưa to bằng hạt đậu biến thành mưa phùn mảnh như lông trâu, tiếng mưa không còn làm người ta thấy khó chịu, mà lại còn có chút dịu dàng như mưa bụi Giang Nam.
Ký Linh ngủ say một mạch cho tới chạng vạng thì tự dậy, cả người thư thái.
Nước vẫn không rút nhưng cũng không dâng lên, giữ nguyên ở mức ngập quá nửa chân bàn. Kỳ quặc là mưa về chiều cũng không lớn hơn, vẫn nhè nhẹ dìu dịu, đến cả mây trên bầu trời dường như cũng đỡ đen đặc hơn, dù rằng vẫn tối nhưng đỡ nặng nề, còn có thêm chút sương mù.
Vừa qua giờ Thân Ký Linh liền xuống lại dưới đại sảnh, thắp hương ngồi xếp bằng nghiêm chỉnh.
Chủ quán không dám quấy quả, nhao nhao về phòng đóng cửa, khéo không biết còn tưởng Ký Linh mới là chủ còn chủ quán thì là khách.
Lần này, Ký Linh không nôn nóng nữa, cứ thắp hương Phù Đồ liên tục, nín thở tập trung, kiên nhẫn chờ đợi.
Giờ Dậu ba khắc, cuối cùng hương Phù Đồ có động tĩnh.
*khắc: ngày xưa dùng cái gáo đồng, giữa châm một lỗ để nước dần dần nhỏ xuống, để định thời giờ, gọi là “khắc lậu” 刻漏. Một ngày đêm ngày xưa chia thành một trăm “khắc”. Ngày nay, mười lăm phút là một “khắc” (nguồn: hvdic.thivien.net).
Làn khói nhang lượn lờ lay động theo gió, quả quyết bay về hướng Bắc.
Ký Linh lập tức đứng dậy, xác nhận pháp khí đều đã mang theo người liền mặc áo tơi, đấu lạp tử tế, nhẹ nhàng nhảy vào chiếc chậu gỗ hồi hôm bị nàng chê bai còn giờ lại bị nàng vào bếp trộm ra… không, là mượn dùng tạm.
Cũng may Ký Linh nhẹ người, mảnh khảnh nên sau khi ngồi vào, chiếc chậu gỗ chỉ chìm xuống khoảng trên dưới hai tấc, mép chậu còn cách mặt nước hơn một gang tay.
*tấc: bằng 1/10 thước.
Đợi ngồi vững trong chậu rồi, Ký Linh mới một tay cầm hương, một tay cầm chiếc đĩa cũng mượn được ở bếp để quạt nước, chẳng mấy liền ra được tới chỗ cửa khách điếm.
Sau cả ngày dài cân bằng lượng nước hai bên, mực nước trong và ngoài khách điếm đã ngang bằng, cánh cửa từ lúc để lậu nước vào cộng thêm ngâm lâu trong nước đã lung lay sắp đổ, một tấm đã long hẳn ra, chậu gỗ lách qua tấm ván cửa trôi ra ngoài.
Không ngờ vừa trôi ra ngoài đường, chậu gỗ liền trôi nhanh hẳn lên, Ký Linh còn chưa kịp phân biệt phương hướng thì đã xuôi dòng trôi đi mất, hiển nhiên là trôi về phía thế đất thấp hơn. Ký Linh luống cuống quạt nước nhưng một chút lực đấy vốn không cách nào chống lại lực dòng chảy.
Ký Linh hơi hối hận vì đã liều lĩnh, sớm biết vậy đã không mượn đĩa mà mượn lấy một cái chảo sắt, ít nhiều gì cột thừng vào thả xuống nước còn có thể cản dòng nước trôi chậm lại…
Khoan khoan.
Ký Linh thả đĩa vào trong chậu, cúi xuống nhìn que hương Phù Đồ đã để sát vào ngực để tránh mưa xối.
Quả nhiên, hướng khói nhang bay trùng khớp với hướng dòng nước cuốn chậu gỗ trôi đi.
Nếu chân tướng đúng như tay tiểu nhị nói rằng là yêu vật trốn trong nước, vậy thì nơi địa thế càng thấp nước càng sâu tất nhiên cũng càng tiện cho nó hoạt động. Nói cách khác, chậu gỗ chỉ cần cứ trôi xuôi dòng thì càng ngày sẽ càng tới gần nó!
Đây xem như là chuyện hài lòng đầu tiên Ký Linh gặp kể từ khi tới Hòe Thành.
Không cần phải đấu với con nước, Ký Linh thoải mái dựa vào thành chậu gỗ, thở phào một hơi, tranh thủ thư thả một lúc.
Mưa dường như mỗi lúc một nhỏ, đì độp giọt có giọt không đập vào đấu lạp, chảy xuống áo tơi rồi biến mất. Ký Linh hơi ngửa đầu lên nhìn, một giọt mưa rơi trúng mặt hơi man mát.
Chậu gỗ trôi tới chỗ một gốc hòe to một người ôm không xuể thì dừng.
Mới đầu Ký Linh chưa nhận ra, tới tận khi lấy làm lạ sao mãi chưa trôi qua chỗ tán cây này thì mới tập trung quan sát. Chậu gỗ tấp vào thân cây, dập dềnh theo mặt nước nhưng không trôi đi nữa.
Ký Linh lấy tay đẩy, định mượn lực đẩy chậu gỗ rời chỗ thân cây, không ngờ tay vừa chạm vào vỏ cây sần sùi, hương Phù Đồ bỗng nhiên bay mạnh về góc sườn bên phía trước, tốc độ cực nhanh như thể một trận cuồng phong vừa thổi tới!
Ký Linh rùng mình, lập tức nhìn về phía đó.
Một tòa nhà cao cửa rộng.
Bức tường vây cao ngất chạm trổ hoa văn kéo dài từ cửa chính chạy về hai phía không thấy điểm tận cùng, cửa lớn sơn son tuy đã bị nước ngập quá nửa nhưng vẫn đẹp lóa mắt giữa đêm mưa. Trước cửa hình như có một bóng đen, tựa như… một chiếc thuyền?
Ký Linh hơi nghiêng người về trước cố gắng rút ngắn bớt khoảng cách thêm chút nào hay chút nấy, tập trung nhìn kỹ lại lần nữa. Thứ dập dềnh trôi nổi trước cửa phủ đấy đích thực là một chiếc thuyền con. Thân thuyền dài khoảng hơn một thân người nhưng trên thuyền không thấy có bóng người… Khoan khoan, không có bóng người, nhưng mà có bóng chân.
Chỉ có một đôi chân gác lên đuôi thuyền lắc lư trái phải tùy hứng, phô bày tâm trạng tốt đẹp của chủ nhân của nó đang nằm trong thuyền.
Đương nhiên, nếu như đó thực sự là người cái đã.
Tiểu nhị nói người khắp Hòe Thành đều hoảng sợ vì những vụ án mất tích liên tiếp trong đợt mưa to này, trong tình cảnh như thế, liệu còn có “người” nào chọn đêm trăng mờ gió lạnh ra đi chơi thuyền? Càng đừng nói tới chuyện hương Phù Đồ đã kiên trì bền bỉ bay về phía con thuyền nhỏ ấy một lúc lâu.
Thấy đã chắc chắn, lại nhìn đôi chân nhàn nhã lắc lư kia, nhìn kiểu gì cũng thấy giống như đang khiêu khích, dường như định liệu rằng người trên thế gian này không cách nào tóm được nó.
Ký Linh vịn mép chậu, lặng lẽ đứng dậy, chờ cho đứng vững liền tháo chuông Tịnh Yêu đeo ở hông ra, miệng nhẩm đọc Tịnh Yêu chú rồi lập tức ném chiếc chuông nhỏ ấy lên không trung.
Chiếc chuông đó lúc bị ném lên không thì không thấy có gì đặc biệt nhưng khi lên tới điểm cao nhất, bỗng toàn thân nó sáng lên, trong chớp mắt đã to lên gấp chục lần, từ chuông nhỏ biến thành chuông lớn đồng thời bắt đầu rơi xuống, nhưng không phải trở về tay Ký Linh mà như thể có sự sống, lao chênh chếch thật nhanh đập về phía con thuyền nhỏ!
Chú thích:
*chảo sắt
*nói thêm về mối liên hệ giữa cây liễu và tang tóc: Trong bài “Đây mùa thu tới”, Xuân Diệu viết:
“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.”
*cây dương 杨树
*cây hòe 槐树 hiện nay ở Trung Quốc có hai loài cùng được gọi là hòe là quốc hòe và dương hòe. Quốc hòe giống loài hòe ta được trồng ở Việt Nam, là loài hòe bản địa ở Trung Quốc. Dương hòe là loài có nguồn gốc từ Mỹ được nhập về trồng ở Trung Quốc từ năm 1877. Hòe trong truyện này cũng như trong thi ca cổ là quốc hòe.
dương hòe 洋槐
Lại nói thêm về việc hòe đại diện cho công danh, mình tìm đọc được một đoạn trích trong bài “Khảo cứu đặc trưng của điển cố trong văn học Nôm” của tiến sĩ Lã Minh Hằng (Viện nghiên cứu Hán Nôm) viết thế này: “
điển Hán Tam hòe 三槐 (Nôm dùng Ba hòe) dẫn người đọc đi đến câu chuyện thời xưa khi bá quan đến chầu Thiên tử thường đứng hướng mặt về phía có trồng ba cây hòe. Từ hình ảnh về một trường hợp cụ thể, các tác phẩm văn học cổ Trung Quốc nhân đó dùng “Tam hòe” để chỉ Tam công. Sách Chu lễ, mục Thu quan, phần Triều sĩ có câu: “Mặt hướng về ba cây hòe, đó là địa vị của Tam công vậy”. Vương Hữu đời Tống từng tự tay trồng ba cây hòe ở sân và bảo rằng: “Con cháu của ta ắt sẽ có người làm đến chức Tam công.” Về sau con của ông quả là vào triều làm tướng, thiên hạ gọi là “Tam hòe Vương thị”. Văn học Nôm cũng đã sử dụng điển cố này để chỉ Tam công, và về sau dùng để chỉ quan lại nói chung:“Xưa chồi cành ba hòe năm quếDòng phúc dài sông bể tuôn đưa”