Ký Linh

Chương 17

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Phần Màn đêm không đến

Đầy túi mấy chục hạt châu vàng nặng trình trịch có khắc hoa văn tinh xảo trên bề mặt, có hình hoa súng, có hình trăng lưỡi liềm, có hình sóng nước, đẹp hơn cả bàn tay tạo hóa tạo nên.

Đàm Vân Sơn rụt rè cẩn thận cất châu vàng vào lại cho Ký Linh rồi nói: “Tôi cho rằng chúng ta cần tìm một chỗ ngồi xuống tâm sự kỹ lưỡng về sư phụ cô nương…”

Phùng Bất Cơ nắm chặt mảnh vải cột kiếm gỗ đào trên người tỏ vẻ cực kỳ đồng ý với đề nghị này.

Cuối cùng ba người dùng bạc của Đàm Vân Sơn để thuê xe ngựa, đợi xe ngựa lóc cóc chạy rồi, hai cặp mắt nhất tề nhìn sang Ký Linh.

Ký Linh bắt yêu đã dăm năm nhưng do không có đích đến gì cụ thể nên tuy có tiền vẫn luôn đi bộ, lần này là lần đầu tiên ngồi xe ngựa, đang thấy mới mẻ thích thú thì lại bị người ta nhìn chằm chằm đòi kể chuyện sư phụ, thật là…

Thôi, Ký Linh không nghĩ ra được từ phù hợp.

Bất kỳ từ gì mang ý bất kính hay mỉa mai đi cùng với sư phụ đều khiến nàng thấy mâu thuẫn theo bản năng, bởi sư phụ là người thân thiết nhất cũng là người thân duy nhất của nàng.

“Tôi vừa chào đời đã bị vứt trên núi, sư phụ nhặt tôi về, nuôi tôi lớn, dạy tôi nên người…”

Ký Linh lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ xe ngựa, bên ngoài ô cửa sổ to bằng bàn tay, trời cao mây thưa.

Ánh nắng tươi đẹp chiếu vào, buông xuống khuôn mặt nàng nhìn nghiêng một đường nắng cực đẹp.

“Sư phụ tự xưng là Thanh Đạo Tử, tôi từng hỏi tên thật của sư phụ, sư phụ đáp người tu hành đã dứt duyên trần, từ đó tôi không hỏi lại nữa. Sư phụ rất giỏi, những gì tôi biết hiện giờ chẳng bằng một phần vạn của sư phụ. Tôi từng hỏi sư phụ tại sao không xuống núi bắt yêu, sư phụ nói sư phụ già rồi, bắt không nổi nữa nhưng có tôi là đồ đệ kế thừa chí hướng trừ yêu hàng ma, phò trợ chính nghĩa của sư phụ, cuộc đời của sư phụ đã viên mãn rồi…”

Không phải lần đầu tiên Đàm Vân Sơn nghe Ký Linh nhắc tới Thanh Đạo Tử. Từ ngày quen biết tới nay, vị cao nhân ẩn sĩ này tựa như người đồng đội thứ tư của họ, thường được Ký Linh ngưỡng mộ nêu danh nhưng trước đây nhắc tới phần nhiều là với thái độ tôn kính, tự hào, chủ yếu là mang chút tưởng niệm, còn lần này là buồn thương thật.

Ký Linh vẫn không hề thoải mái trước sự ra đi của sư phụ, Đàm Vân Sơn nghe là biết.

Chàng rành chuyện cười làm lành nhưng không thích an ủi người khác, cảm giác việc “an ủi” không hề làm thay đổi những chuyện đã xảy ra cũng không thể tác động gì tới tương lai vô định, rất không thực tế.

Song lúc này đây, chàng lại vô cớ muốn nói đôi lời an ủi: “Sư phụ cô nương giỏi như vậy, chưa biết chừng đã lên tiên, chẳng qua là cô nương không biết.”

Ký Linh nhìn trời, nói khẽ: “Sư phụ đi trong giấc ngủ, có lẽ đúng là lên cõi tiên…”

Trong đầu Phùng Bất Cơ chỉ có châu vàng óng ánh nhưng Ký Linh cô nương lại đang tưởng niệm sư phụ, huynh ta không tiện phá hoại bầu không khí, ráng nghe tới tận giờ mới tìm được cơ hội xen vào: “Thế, sao tôn sư có nhiều tiền vậy?”

Hỏi xong Phùng Bất Cơ mới thấy điều huynh ta hỏi bất kể có hỏi vào lúc nào cũng đều là dung tục…

Ký Linh phì cười, quay sang nhìn, đôi mắt long lanh nước, nụ cười nhẹ nhàng nở trên môi, linh động lạ kỳ.

“Sư phụ nói bản thân vốn là con nhà phú quý nhưng năm mười mấy tuổi, cha mẹ lần lượt bệnh mất, sư phụ bèn bán hết nhà cửa, đất đai đổi thành bạc với châu vàng, từ đó bắt đầu bước đường tu hành… Sau này, sư phụ bắt được rất nhiều yêu quái làm xằng làm bậy, đa số chúng giả dạng con người trà trộn vào nhân gian dùng yêu lực cướp đoạt được một lượng lớn tiền của nên sau khi sư phụ bắt được chúng, thứ nào còn có thể trả lại cho khổ chủ thì trả cho khổ chủ, thứ tìm không được khổ chủ thì…”

“Thu vào túi.” Phùng Bất Cơ tiếp lời với đầy lòng tôn kính.

Tu hành bao nhiêu năm, lần đầu tiên huynh ta biết hóa ra bắt yêu là con đường làm giàu thênh thang như vậy!

Đàm Vân Sơn vốn không có cảm xúc gì với Thanh Đạo Tử, nghe đến đây lại thực sự hơi muốn gặp vị cao nhân này: “Tán ra được, thu vào được, không bị trói buộc bởi thế tục, lòng tự có đo lường… Hay!”

Ký Linh thích nghe người khác khen sư phụ mình, nghe vậy liền cười tươi rói lộ cả lúm đồng tiền.

Đàm Vân Sơn ngạc nhiên, Ký Linh hiếm khi cười tươi như vậy nên đây là lần đầu tiên chàng phát hiện thì ra cô nương này lúc cười tươi lại có lúm đồng tiền.

Phùng Bất Cơ cau hàng mày thô, có cảm tưởng không gian chật hẹp trong xe ngựa không chứa nổi một tên tráng hán như huynh ta.

Xe ngựa xóc nảy suốt chặng đường, tới lúc mặt trời bắt đầu xuống núi thì tới được một thôn nhỏ.

Trời vẫn chưa tối hẳn nên ba người vẫn muốn đi tiếp nhưng người đánh xe ngựa không chịu, nói rõ chỉ chở một ngày, phải tranh thủ tối về lại Hòe Thành.

Ba người không còn cách nào khác đành phải thanh toán tiền nong rồi xuống xe.

Xem chừng tương lai cũng đều thế này: người đánh xe ngựa còn phải nuôi cả nhà, ắt không thể theo họ đi hết cung đường Trần Thủy vạn dặm cho nên cứ đi một đoạn thì phải đổi một chuyến xe ngựa khác.

Tiếng xe ngựa xa dần rồi biến mất hẳn, cửa thôn um tùm cỏ dại chỉ còn ba người họ.

Mặt trời đã lặn một nửa, gió dần trở lạnh.

Ở các thôn trang bình thường thường có quán nước ở cửa thôn để người qua đường có thể nghỉ chân, chủ quán nước cũng có thể kiếm được chút ít cho gia đình nhưng chỗ này không có. Nếu không phải xa xa còn có khói bếp lượn lờ thì đúng là làm người ta tưởng thôn này đã bỏ hoang.

Đàm Vân Sơn thở dài hụt hẫng: “Thôn thế này e là không có quán trọ.”

Ký Linh cạn lời: “Nghĩ gì vậy, có người cho chúng ta tá túc đã là may lắm rồi, lỡ như không thì chúng ta chỉ có thể vào miếu ở hoặc là ăn ngủ ngoài đồng hoang.”

Đàm Vân Sơn cho là không có khách điếm đã đủ thê thảm rồi, nghe vậy nhìn sang Phùng Bất Cơ mang theo tia hy vọng cuối cùng.

Phùng Bất Cơ vỗ nhẹ bên vai mới lành thương của chàng: “Chịu được khổ của khổ mới là tiên của tiên.”

Trong lúc Phùng Bất Cơ không biết ngọt là gì đang giảng giải đạo lý cho Đàm nhị thiếu gia chưa biết khổ là gì nghe, Ký Linh đã đi vào thôn.

Khác với Hòe Thành có nền nếp quy củ, thôn này nhìn là biết chỉ là những người nhà quê ở pha tạp với nhau, nhà cửa xây theo những lối khác nhau nằm xen kẽ lộn xộn, có chỗ đi mấy bước không thấy nhà nào, có chỗ thì hai, ba hộ sát sàn sạt nhưng điểm chung là đều là hộ nghèo, nhà cửa đơn sơ.



7bfd-iwasyeh9484131

1714jpg_wh300

c2f35174f2aa4d1ea89cabf831a8c1c2

Nhưng có một điều rất lạ.

Chân tường nhà nào cũng có bùn đất màu đỏ, đất đỏ vòng quanh chân tường cả căn nhà một vòng.

Ký Linh lại gần chân cửa sổ một nhà gần đó định lấy chút đất đỏ xem thử, nào ngờ vừa ngồi xổm xuống đã ngửi thấy mùi tanh.

Ký Linh sững sờ, hóa ra không phải đất đỏ mà là tưới máu quanh nhà, đất nhiễm đỏ.

Đàm Vân Sơn và Phùng Bất Cơ đi tới, vừa tới gần, không hẹn mà cùng cau mày.

Phùng Bất Cơ ngửi một cái liền đoán ra: “Máu.”

Đàm Vân Sơn trầm ngâm chốc lát rồi khẳng định: “Không phải của người.”

Ký Linh và Phùng Bất Cơ kinh ngạc cùng nhìn chàng.

Đàm Vân Sơn bị nhìn tới sợ, vội giải thích: “Đừng hỏi tôi tại sao, tôi cũng không biết, tóm lại là đoán được vậy.”

Cuối cùng Phùng Bất Cơ đã hiểu thế nào là người so với nhau chỉ tổ tức chết người: “Có tiên duyên đúng là khác nhỉ.”

Ký Linh nói: “Đâu chỉ. Thứ nhập vào người huynh ấy sau khi bắt được Ứng Xà là một dạng tiên phách, chưa biết chừng giờ huynh ấy đã dính tiên khí rồi.”

Đàm Vân Sơn gật đầu thật mạnh với hai người họ: “Tưới máu vào chân tường đích thực rất khác thường.”

Ký Linh: “…”

Phùng Bất Cơ: “…”

Ngay lúc Đàm nhị thiếu gia bị đồng đội khinh bỉ vì đổi đề tài đầy sống sượng thì cửa nhà bỗng mở, một người đàn ông gần ba mươi đỏ gay mặt quát họ: “Ba người làm gì đấy…”

Không chào hỏi gì cứ ngồi xổm ở chân tường nhà người ta, có là ai thì cũng khó chịu, Ký Linh đứng ngay dậy hòa hoãn: “Làm phiền, chúng tôi là người đi đường qua đây, trời đã muộn, đang muốn tìm một nơi tá túc ngủ lại.”

Đàn ông gặp đàn ông thì có thể quát nhau nhưng nếu gặp phải cô nương, còn là một cô nương nho nhã lịch sự thì người đàn ông mặt đỏ cũng không tiện mắng, chỉ cả giọng bảo: “Không có chỗ cho các người ở nhờ đâu, đi tìm chỗ khác đi.”

Nói xong đóng sầm cửa lại.

Ký Linh và Phùng Bất Cơ liếc nhau, nhún vai bất đắc dĩ.

Đàm Vân Sơn đã nghĩ tới tình huống này nhưng khi thực gặp phải vẫn thấy hơi bùi ngùi: “Thói đời quả là khó khăn…”

Ký Linh nhìn Đàm nhị thiếu gia “chưa từng trải việc đời” một cái: “Ở bên ngoài kiểu gì cũng gặp đủ dạng người muôn hình muôn vẻ. Bình thường.”

Đàm Vân Sơn cúi đầu: “Tưới máu vào chân tường nhà cũng là bình thường?”

Ký Linh cứng họng.

Phùng Bất Cơ cúi người vê một hòn đất chìa ra trước mặt Đàm Vân Sơn: “Ngửi ngửi thử xem là máu gì.”

Đàm Vân Sơn giật mình lùi vội lại, khóc không ra nước mắt: “Cái này sao ngửi mà biết được.”

Phùng Bất Cơ nhìn chàng một cái cực kỳ thất vọng, thái độ ra mặt: Cần đệ để làm gì!

Đàm Vân Sơn oan muốn chết.

Ba người gõ cửa liền mấy nhà đều bị từ chối không tiện cho người ngoài ngủ lại nhưng nhà cuối cùng thì thái độ lại rất thân thiện, là một người phụ nữ ở nhà một mình với con gái, chồng đã đi săn thú vắng nhà.

Mặc dù không thể cho ngủ lại nhưng người phụ nữ đó vẫn mời họ vào nhà uống chén nước ấm.

Nói chuyện đôi câu, người phụ nữ đã thật thà thuật lại chuyện lạ ở thôn này.

Thôn không có tên, hồi đầu chỉ là vài người thợ săn tụ lại xây nhà để ở, sau đó dần dần có người ở vùng núi quanh đây tới ở, cuối cùng hình thành một thôn nhỏ như hôm nay.

Thôn dù nghèo khổ nhưng sống dựa vào núi cũng đủ no bụng.

Nào ngờ ba năm trước, thôn bắt đầu gặp chuyện không may. Ban đầu là thú săn được về bị trộm, bất kể là lợn rừng hay thỏ hoang kiểu gì cũng bị mất một chút. Đám thợ săn còn từng nghi ngờ lẫn nhau vì chuyện này nhưng sau đó thì bắt đầu có người bị điên.

Mọi người đều bị điên giống nhau, không hề có dấu hiệu gì, tối hôm trước còn đi ngủ bình thường, hôm sau dậy thì đã hóa điên, có người hóa điên đả thương người khác, có người chạy thẳng vào trong núi không còn thấy tung tích.

Dần dà, trong thôn có người cho là do yêu ma gây chuyện.

Thế phải làm gì để trừ yêu ma đây?

Bấy giờ mọi người mới nhận ra hồi đầu lúc thú săn về bị trộm chỉ có chim trĩ là không bao giờ bị trộm nên họ mới đoán là thứ kia không thích chim trĩ bèn bắt thật nhiều về để ở cửa nhưng rồi vẫn cứ có người bị hóa điên. Sau đó, không biết bắt nguồn từ nhà nào tưới máu chim trĩ bốn phía quanh nhà thấy hữu hiệu, thế là các nhà khác liền học theo.

Tới giờ ba năm đã trôi qua, buổi tối quả thực không còn ai hóa điên nhưng kiểu gì rồi cũng phải ra ngoài đi săn thú kiếm cơm ăn. Vậy nên thường hay có đàn ông vào rừng đi săn sau đó hóa điên chạy xuống núi, cũng có người một đi không trở về, không rõ sống chết.

Người phụ nữ kể trong nơm nớp lo sợ nhưng ba người nghe xong đều hiểu.

Đến Đàm Vân Sơn cũng hiểu, thứ ấy tất nhiên là yêu. Dạo phát hiện người hầu nhà họ Trần chết, Ký Linh từng nói bình thường sau khi bị yêu quái hấp thụ tinh khí thì người bị hút tinh khí sẽ mất trí, điên dại hoặc là nằm bệnh không dậy nổi.

Chỉ có điều…

“Nếu máu chim trĩ ngăn được yêu quái thì tại sao chúng tôi đi hỏi liền mấy nhà, không nhà nào bằng lòng cho chúng tôi ngủ lại? Chẳng lẽ có người ngoài tới ở thì máu chim trĩ liền mất hết tác dụng?”

Đàm Vân Sơn vừa nghĩ tới, Ký Linh đã hỏi luôn.

Người phụ nữ nói: “Không phải chúng tôi không muốn giúp đỡ mà thực sự là sợ. Thôn này của chúng tôi tuy nhỏ nhưng thường xuyên có người đi ngang qua, hễ có ai xin tá túc, mọi người đều nhiệt tình giúp đỡ, dẫu gì thì đi bôn ba bên ngoài cũng thật chẳng dễ gì. Song từ lúc chúng tôi dùng máu chim tạm thời giữ được bình an thì hễ nhà nào có người ngoài tới ngủ lại là nhà đó chắc chắn sẽ gặp chuyện không may, bất kể là cách bao lâu, cũng bất kể là họ có lên núi hay không, chỉ cần không ở yên trong nhà thì khó mà thoát nạn.”

Ký Linh thắc mắc: “Thế là cớ gì?”

Người phụ nữ lắc đầu hoang mang.

Phùng Bất Cơ cũng chưa từng gặp chuyện như vậy, hại người thì đã thấy nhiều nhưng không cho người qua đường ngủ lại thì lần đầu gặp.

“Chuyện này không phải rất dễ giải thích sao,” Đàm Vân Sơn không rõ sao hai người phải sầu não, “nếu như tôi là con yêu quái kia, cả kho lương bị người ta chặn mất thì tôi chỉ còn nước đi kiếm mối khác. Người từ nơi khác tới chính là lương thực mới của tôi nhưng lương thực mới lại bị giấu vào trong kho lương cũ, tất nhiên là tôi bực mình, cảnh cáo dăm lần để kho lương cũ chớ lo chuyện bao đồng nữa thì dần dần lương thực mới sẽ đủ ăn.”

Giải thích thì giải thích như vậy nhưng cách dùng từ “kho lương” kiểu này làm Ký Linh và Phùng Bất Cơ nghe đều thấy quái gở.

Người phụ nữ lại không thấy có vấn đề gì, ngược lại, Đàm Vân Sơn nói thẳng ra như thế, người phụ nữ đó nghe cái liền hiểu được ngay, bèn nói tiếp theo cách nói của chàng: “Nếu là vậy, vì sao yêu quái còn muốn  giữ lại đám thôn dân lương thực cũ chúng tôi chứ, dù sao nhìn cũng khó chịu, tranh thủ lúc chúng tôi ra ngoài thì ăn sạch luôn không phải là xong sao.”

Đàm Vân Sơn lắc đầu: “Nếu không còn ai nữa thì thôn này cũng không còn, người đi đường sẽ tìm nơi khác nghỉ chân. Ví như hôm nay, nếu không phải chúng tôi trông thấy ở đây có thôn thì kiểu gì cũng bắt xe ngựa chạy tiếp nhưng nếu chạy tiếp thì có lẽ sẽ đi khỏi phạm vi thế lực của yêu quái hoặc là chạy sang địa bàn của con yêu quái khác, nó còn ăn thế nào được nữa?”

Cuối cùng người phụ nữ cũng hiểu rõ: “Chúng tôi là mồi nhử giống như nhà tôi thả thỏ hoang vào trong bẫy để gài bẫy lợn rừng!”

Đàm Vân Sơn gật đầu: “Đúng là như vậy.”

Từ nụ cười tới giọng nói Đàm Vân Sơn đều làm người ta thấy thoải mái, lại thêm ngôn từ thẳng thắn, không hề nho nhã như ngày thường thành ra lại nói chuyện rất vui vẻ với người phụ nữ.

Phùng Bất Cơ lại gần bùi ngùi bảo với Ký Linh: “Làm người khác thích cũng là một ngón nghề bắt yêu đấy.”

Ký Linh bực dọc đáp: “Nhưng mà ví người như lương thực thì vẫn tệ lắm.”

Nói vào uống nước là chỉ uống nước, chuyện muốn nói đều đã nói hết bèn đứng dậy cáo từ, không làm phiền người ta thêm.

Người phụ nữ có phần băn khoăn, cứ do dự mãi nhưng cuối cùng vẫn không nói ra miệng.

Thôn nhỏ chỉ đi một chốc là đã hết thôn, đi tiếp nữa là thẳng lên núi, lúc này trời đã tối, núi rừng giữa màn đêm đen kìn kịt.

“Thế nào?” Phùng Bất Cơ hỏi một câu không đầu không cuối.

Ký Linh không hề do dự: “Bắt.”

Đàm Vân Sơn buột miệng hỏi: “Khoan đã, không phải là đi bắt yêu thú thượng cổ hay sao?”

Trên “Trần Thủy tiên duyên đồ” không hề đánh dấu vị yêu quái ghét máu chim trĩ này.

Ký Linh nhíu mày nhìn chàng, đáp đầy đương nhiên: “Bắt yêu thú thượng cổ, bắt cả những yêu quái khác nữa, chỉ cần nó hành ác, chỉ cần tôi gặp, phò trợ chính nghĩa là trách nhiệm không thể đùn đẩy…”

“Hiểu.” Đàm Vân Sơn chắp tay tỏ ý được rồi.

Phùng Bất Cơ thì đã đứng sẵn cạnh Ký Linh, khí thế đầy hiên ngang.

Trong đội ngũ ba người này, lời ai nói có trọng lực nhất không cần nói cũng biết, Đàm Vân Sơn thở dài lẩm bẩm: “Chuyện này không giống như đã bàn…”

Ký Linh nhạy bén để ý thấy chút bất mãn nhỏ bé này, liếc nhìn chàng: “Ai đã bàn gì với huynh.”

Đàm Vân Sơn dở khóc dở cười: “Tôi tự lẩm bẩm một mình cũng không được à…”

Ký Linh không có tâm trạng đùa với chàng, ban nãy là “kho lương”, giờ là “lẩm bẩm” khiến trong lòng nàng thấy lấn cấn.

Nghĩ tới đây, nàng nghiêm túc nhìn: “Đàm Vân Sơn.”

Đàm Vân Sơn giật mình, không phải là sợ, chẳng qua là đột ngột bị gọi đầy đủ họ tên nên bất giác căng thẳng, lập tức tập trung nghiêm chỉnh đáp: “Có!”

Phùng Bất Cơ im lặng nhìn sang, tiếng “có” này không hiểu sao làm người ta có cảm giác như đã được đào tạo bài bản…

Ký Linh không phát hiện vẻ mặt kỳ lạ của Phùng Bất Cơ, lúc này nàng đang dồn toàn bộ sự chú ý vào Đàm Vân Sơn, thấy đối phương đáp bèn hỏi: “Nếu có một con yêu quái huynh có thể bắt nhưng lại không bắt làm nó đi hại thêm nhiều người, huynh không thấy hổ thẹn trong lòng à?”

Đàm Vân Sơn nghe thấy chữ “nếu” là biết hỏng rồi. Trước sự nghiêm túc của Ký Linh, chàng và Phùng Bất Cơ đều giống nhau: bất đắc dĩ nhưng không có cách nào. Song nhìn thấy ánh mắt nghiêm túc của Ký Linh, mấy lời định nói đùa cho qua chuyện lại bị chàng nuốt xuống.

Ký Linh thực sự để tâm cũng hỏi rất thật lòng, chàng chỉ còn cách chân thành đáp lại: “Nếu là quan lại nhận lương bổng và được sai làm chuyện này mà tôi thấy yêu quái hại người mà không bắt thì ắt phải hổ thẹn.”

Ký Linh đăm đăm nhìn chàng: “Nếu mới hổ thẹn, vậy thực ra là không hổ thẹn đúng không?”

Đàm Vân Sơn thở dài, hiểu ý là được, cần gì phải nói rõ ra, có điều chàng lại gặp phải một con người nghiêm túc nên đành phải ngoan ngoãn nói: “Tôi chỉ là người không phận sự, bất kể là bắt yêu hay tu tiên chẳng qua là tùy duyên, thế gian có nhiều yêu quái như vậy, chẳng thể vì bắt một con hay thả một con chạy mất mà xảy ra thay đổi gì lớn lao.”

Ký Linh rất muốn nói lại nhưng không có tài ăn nói giỏi như Đàm Vân Sơn nên hậm hực một hồi chỉ thốt ra được hai chữ: “Nói bậy!”

Đàm Vân Sơn tự nhận thái độ bản thân cực kỳ tốt hơn nữa chàng hiếm khi nói nhiều lời chân tình như vậy với ai bao giờ, kết quả dốc lòng chân thành đổi về được hai chữ như vậy nên cũng hơi không vui, giọng điệu trở nên lãnh đạm: “Hai người muốn thì tôi theo, còn tôi nghĩ thế nào, việc gì cô nương phải làm rõ ra làm gì chứ.”

Tới tận lúc vào trong núi, hai người không nói thêm với nhau câu nào, thậm chí không thèm nhìn đối phương lấy một lần.

Phùng Bất Cơ đi theo sau hai người, trên đường đi cứ nghĩ mãi nhưng không nghĩ ra cách nào để làm dịu bầu không khí căng thẳng này.

Trong lòng Ký Linh có thương sinh, có chí hướng cao xa, tất nhiên là đúng.

Đàm Vân Sơn là người bình thường, có thiện niệm nhưng không có nhiệt huyết, đối xử tốt với bạn bè nhưng lãnh đạm với người lạ cũng không có gì sai.

Còn huynh ta, phóng khoáng tùy ý hơn Ký Linh một chút, lại có lòng chính nghĩa, nhiệt tình hơn Đàm Vân Sơn một chút, không thiên về bên nào nhưng có thể hiểu cho cả hai bên, đúng là xoắn xuýt lưỡng lự, bỗng dưng chịu khổ.

Đây mới có một ngày, tương lai không biết còn đồng hành với nhau bao lâu, qua bao nhiêu ngày bao nhiêu đêm… Cái tên Phùng Bất Cơ bảy ngày trước qua quýt đồng ý nhập bọn đâu rồi, mau ra đây cho huynh ta đánh một trăm cái!

Ba người đi sâu vào trong rừng, không tìm thấy yêu nhưng lại tìm thấy một ngôi miếu đổ nát.

Không biết miếu thờ thần tiên nào, pho tượng đã sụp một nửa, thiếu mất nửa thân trên. Trong miếu có mấy đống rơm và vài bộ đồ rách.

Ký Linh lại gần bàn thờ quệt thử bụi rồi ngẩng đầu nói với Phùng Bất Cơ: “Ít nhất đã mấy năm không có ai lau.”

Đàm Vân Sơn lại chỗ rơm trong góc ngồi xổm xuống nhặt quần áo trên đó giũ giũ bụi rồi ngẩng đầu nói với Phùng Bất Cơ: “Bỏ lại đây cùng lắm chưa tới một tháng.”

Phùng Bất Cơ còn chưa kịp đáp bên này thì đã bị bên kia gọi, bỗng thấy mình… thật bận.

“Bộ này không giống quần áo của thợ săn cho lắm…” Đàm Vân Sơn nhìn chiếc áo rách trong tay, mặc dù rất bẩn thỉu nhưng chất vải khá tốt hơn nữa còn mỏng, không hợp mặc chống rét trên núi mà giống như là đồ của thương gia.

Nhà họ Đàm có điền sản, có cửa hàng, việc làm ăn đã mở rộng ra ngoài phạm vi Hòe Thành từ lâu, thường xuyên có chưởng các quầy tới nhà, thỉnh thoảng gặp chàng cũng có kể chút chuyện làm ăn thú vị, mưa dầm thấm đất, chàng cũng biết đôi chút về chuyện buôn bán, chỉ cần nghĩ một chút là ra ngay.

“Dựa theo tiên duyên đồ thì mặt núi phía Nam có một trấn lớn, thương gia từ phía Bắc tới muốn đến trấn ấy thì phải vượt núi. Đường núi dài và hiểm trở, bọn họ ắt phải nghỉ chân dọc đường, thậm chí là qua đêm.”

Phùng Bất Cơ đã hiểu: “Cho nên nơi này chính là một trong những nơi chủ yếu yêu quái hấp thụ tinh khí của người qua đường!”

Đàm Vân Sơn gật đầu: “Đúng, người qua đường không tìm được nơi cho tá túc, người nào nhẫn nại thì nghỉ tạm ở ngoài thôn, người nào sốt sắng thì sẽ vượt núi luôn. Nhưng đường núi này không thể đi hết trong ngày, chắc chắn phải dừng lại nghỉ.”

Phùng Bất Cơ bỗng cảm thấy cách ví von khá khó nghe của Đàm Vân Sơn lúc nãy thật sống động, yêu quái đói bụng liền nhè buổi đêm tới ngôi miếu đổ nát có người qua đường nằm nghỉ, vậy chẳng đúng là kho…

“Phùng Bất Cơ,” Ký Linh bỗng hỏi, “đêm nay chúng ta ngủ lại đây được không?”

“Đương, đương nhiên.” Tay Phùng Bất Cơ đổ mồ hôi lạnh, có cảm giác tội lỗi dường như lời nói thầm trong lòng bị đối phương nghe được.

Không cần nhiều lời, đều là người bắt yêu, Ký Linh muốn lấy ba người làm mồi dụ, Phùng Bất Cơ hiểu.

Ký Linh lại gọi: “Đàm Vân Sơn…”

“Ừ.” Không chờ Ký Linh nói, Đàm Vân Sơn đã đồng ý.

Không cần phải nhiều lời, dù sao Ký Linh tính bắt yêu thế nào, Đàm Vân Sơn dùng sợi tóc nghĩ cũng biết.

“Huynh mang theo dao chứ?”

“…” Câu hỏi bất ngờ làm Đàm Vân Sơn giật mình, “Có mang.”

Ký Linh chẳng buồn nhìn chàng, dùng lư hương đằng trước bàn thờ không biết đã bao lâu không dùng tới cắm hương Phù Đồ.

Đàm Vân Sơn hoang mang nhìn gáy nàng một hồi, cuối cùng mới được nghe nốt nửa câu sau…

“Tới lúc quan trọng thì rạch tay, đừng tiếc máu.”

Đàm Vân Sơn không cách nào nhìn xuyên qua bóng lưng để thấy vẻ mặt Ký Linh lúc này nhưng dựa trên giọng nói khó chịu của nàng để phán đoán thì cô nương này hẵng vẫn còn đang giận.

Chàng đã hết giận lâu rồi, nàng còn giận, rõ ngốc.

Nhưng dù giận vẫn muốn dặn tên đáng ghét nhà chàng một câu.

Càng ngốc.

“Hiểu,” Đàm Vân Sơn cười nhẹ nhàng với bóng lưng Ký Linh, ý cười tận trong đáy mắt, nụ cười ấm áp, “có đau cũng vẫn hơn toi mạng.”

Lòng mang thương sinh là chuyện vất vả nhất trên đời này, chàng không làm được.

Nhưng là một thành viên trong thương sinh, nếu bên cạnh có một người như thế thì đấy nhất định là điều cực may mắn tu được từ kiếp trước.

*thương sinh: nhân dân, chúng sinh, trăm họ.
Bình Luận (0)
Comment