*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Nam Ngọc thật sự là Trần Hoa thượng tiên hàng thật – cam kết đổi trả nếu phát hiện hàng giả – trông coi Trần Thủy, đã cần mẫn đảm nhiệm chức vụ này được hai mươi năm. Là Trần Hoa thượng tiên, chức trách chính của chàng là bảo vệ Tư Phàm kiều, trông nom toàn bộ Trần Thủy của Cửu Thiên Tiên Giới để tránh một số yêu tà ma theo Trần Thủy lẻn vào Cửu Thiên Tiên Giới, thỉnh thoảng thì đánh mấy tán tiên không có việc gì làm xuống nhân gian kiếm chuyện một trận.
Tuy sông hồ thông với Đông Hải ở nhân gian cũng được coi là Trần Thủy nhưng chỉ cần không ảnh hưởng tới sông Trần Thủy trên Cửu Thiên Tiên Giới thì không liên quan tới Trần Hoa thượng tiên. Vậy nên lên làm thượng tiên đã hai mươi năm, số lần chàng hạ phàm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà trong số vài lần ít ỏi Trần Thủy dưới nhân gian chấn động làm ảnh hưởng tới Trần Thủy Cửu Thiên thì đầu sỏ gây chuyện đều là tán tiên xuống trần du ngoạn, hay nói cách khác, chỉ có tiên mới có thể quấy rối Trần Thủy ở nhân gian mà làm Trần Thủy ở Cửu Thiên có động tĩnh.
Đây là hiểu biết Nam Ngọc đúc rút dựa trên kinh nghiệm có được.
Thế mà lần này xuống nhân gian lại phát hiện kẻ kiếm chuyện ở Trần Thủy lại là ba người phàm, điều này quả thực làm chàng rất đỗi bất ngờ.
Nhưng chàng là thượng tiên, tương tự như việc không nói tên thật cho người phàm biết, cảm xúc tất nhiên cũng không thể thể hiện rõ ra mặt.
Sau khi nghe ngóng được dưới nước có “yêu vật” thì chàng mới ít nhiều có cân nhắc: ba phàm nhân thì ít có khả năng có sức mạnh làm chấn động Trần Thủy Cửu Thiên nhưng “yêu vật” thì khó nói.
Song, tiếp đó chàng rất bất ngờ.
Lúc đứng ở mép hồ nước, chàng không cảm nhận được yêu khí mà lại là… tiên khí.
Về trời lấy vũ khí chỉ là giả vờ, pháp khí của chàng chính là kiếm. Án binh bất động và không cho ba người kia hành động thiếu suy nghĩ chẳng qua là để chàng có thời gian đi dò la tin tức.
Thứ có tiên khí có thể là vật tiên, có thể là tiên thú, có thể là tiên nhân, mà vật tiên và tiên thú thì có thể có chủ, tiên nhân thì lại càng không thể tùy tiện động thủ với đối phương.
Ôi, thành ra chuyện này lại hóa phiền phức,
Ngoi đầu lên khỏi mặt nước Trần Thủy, Nam Ngọc thở dài thườn thượt.
Uyên Hoa thượng tiên Chử Chi Minh đứng trên Tư Phàm kiều tạm giúp trông Trần Thủy là một thanh niên trầm tĩnh, thận trọng, không nóng vội, râu hùm hàm én trông hung hãn, dũng mãnh nhưng thực ra tính tình đơn thuần, lương thiện, có thể nói là “ôn, lương, cung, kiệm, nhượng”.
*ôn, lương, cung, kiệm, nhượng: năm đức của Khổng Tử được nêu trong Luận Ngữ gồm ôn hòa, lương thiện, cung kính, tiết chế, khiêm nhường. Đọc thêm luận giải về câu này ở link
“Sao đã về rồi? Báo động giả à?” Cứ tưởng bạn xuống phàm nhanh cũng phải nửa canh giờ, không ngờ mới đó đã thấy về, Chử Chí Minh liền đoán theo hướng khả dĩ nhất.
Nam Ngọc xua tay, khuôn mặt sáng sủa trẻ tuổi nhăn nhó: “Đừng nói nữa, kỳ lạ lắm, làm không khéo khéo là không xong.”
Gặp bạn, chàng quay về với bản tính của mình, không giả vờ giả vịt cái phong thái thượng tiên mệt chết người kia nữa.
Chử Chi Minh không phải người hay chuyện nên cũng không hỏi thăm tỉ mỉ chỉ hỏi: “Thế phải làm thế nào? Có cần tôi hỗ trợ không?”
Nam Ngọc không khách sáo nói ngay: “Huynh trông Tư Phàm kiều giúp tôi một lúc là được, tôi đi tìm sư phụ hỏi thử.”
Chử Chi Minh gật đầu, chỉ nói một câu: “Ở đây có tôi, huynh yên tâm.”
Nam Ngọc không nói thêm gì, cảm kích nhìn đối phương, một ánh mắt thay mọi lời muốn nói.
Quen biết nhiều năm, Nam Ngọc hay chê Chử Chi Minh quá nghiêm túc, bất kể là nói chuyện hay làm việc đều ngăn nắp trật tự đâu ra đấy, hầu như chẳng có gì thú vị nhưng không thể không thừa nhận, vào lúc cần được giúp đỡ, có một người bạn như vậy khiến người ta rất yên tâm.
Chào Chử Chi Minh, Nam Ngọc đi thẳng tới núi tiên Đại Dư.
Đại Dư là một trong hai ngọn núi tiên gần Cửu Thiên Bảo Điện nhất, có rất nhiều vị tiên có chức có tước ở đây, trong đó bao gồm cả sư phụ của Nam Ngọc: Canh Thần thượng tiên Trịnh Bác Lão.
Canh Thần thượng tiên cai quản việc tinh tượng, xưa nay luôn là một trong những thượng tiên được Thiên Đế coi trọng nhất.
Kỳ thực ở Cửu Thiên Tiên Giới không có chuyện “thầy trò”, hơn nữa Nam Ngọc và Trịnh Bác Lão đều là thượng tiên, cho dù Canh Thần thượng tiên được Thiên Đế coi trọng hơn nhưng trên danh nghĩa, hai thượng tiên là ngang nhau, không có ai trên ai dưới, có thể cùng ngồi chung bàn cùng ăn chung mâm.
Song quan hệ giữa Nam Ngọc và Trịnh Bác Lão sâu xa hơn thế.
Mấy trăm năm trước, lúc hai người đều chưa thành tiên, Nam Ngọc chính là đồ đệ của Trịnh Bác Lão, không biết là Nam Ngọc có phúc hay ngày sinh tháng đẻ hợp với Trịnh Bác Lão, tóm lại thì năm mười bốn tuổi, chàng bái Trịnh Bác Lão làm thầy, theo thầy tu hành được ba năm thì hai thầy trò song song thành tiên.
Đương nhiên là tu hành của Trịnh Bác Lão sâu dày hơn chàng nhiều, thăng tiên không bao lâu sau đã trở thành Canh Thần thượng tiên còn chàng sau mấy trăm năm làm tán tiên ở Cửu Thiên Tiên Giới thì mới đủ quy cách để làm Trần Hoa thượng tiên.
Song, bất luận thân phận thay đổi thế nào, tình thầy trò giữa chàng và Trịnh Bác Lão chưa từng thay đổi. Sư phụ quả không hổ là sư phụ, mỗi lần chàng gặp chuyện gì khó, Trịnh Bác Lão chỉ cần nói đôi câu là đã chỉ đường dẫn lối gỡ rối được cho chàng.
Vừa đến Đại Dư, còn chưa đi Canh Thần cung, Nam Ngọc đã nghe tiếng những món đồ đồng lắc leng ca leng keng ở phía Tây và ngày càng gần.
Nam Ngọc mỉm cười, dừng chân đứng trông về hướng Tây thong thả chờ.
Chẳng mấy chốc, một cụ già treo đầy các món đồ đồng trên mình xuất hiện trong tầm mắt Nam Ngọc. Ông cụ có mái tóc bạc rối bù, mặt mày bẩn thỉu, những món đồ đồng treo quanh người như áo giáp lắc qua lắc lại theo nhịp bước chân kêu lanh canh.
Người tới không phải ai khác, chính là Canh Thần thượng tiên Trịnh Bác Lão.
Nam Ngọc đã quen với sự khác người của sư phụ. Thực ra lúc mới thành tiên, sư phụ không như vậy. Dù gần năm chục tuổi nhưng vẫn rất đạo mạo, nho nhã, trông tựa như chừng bốn mươi. Thế mà sau khi làm Canh Thần thượng tiên, ngày ngày say mê nghiên cứu tinh tượng, giờ đây, sau mấy trăm năm, sư phụ đã biến thành một ông cụ tóc bạc râu dài làm người ta khóc dở mếu dở.
“Tôi tính toán biết được rằng hôm nay đồ đệ của tôi sẽ tới…” Còn cách khá xa, Trịnh Bác Lão đã nói to.
Nam Ngọc cười, dỗ ông cụ tính tình trẻ con: “Phải đấy, chẳng gì có thể giấu được thầy.”
“Lại gặp chuyện gì?” Trịnh Bác Lão đã tới chỗ Nam Ngọc, nói đã dứt tiếng mà tiếng leng keng trên người còn chưa dứt.
Nam Ngọc bất đắc dĩ phải lấy tay giữ mấy món “trang sức” kêu to lại rồi mới nói nhỏ: “Có một vật nằm dưới Trần Thủy ở nhân gian quấy rối Trần Thủy Cửu Thiên, tôi không dám hành động lỗ mãng nên mang hình dáng nó tới muốn mời sư phụ nhận dạng.”
Trịnh Bác Lão nhíu mày, thấy đồ đệ không châm chọc “Không phải thầy biết bói sao, bói xem tôi tới làm gì” như mọi khi mà nói năng nghiêm túc, đứng đắn thì cũng không chọc ghẹo, đi thẳng vào câu chuyện: “Đưa đây tôi xem.”
Nam Ngọc phẩy nhẹ tay một cái, đám mây bên chân liền biến ra “tác phẩm hội họa” của Đàm Vân Sơn.
Trịnh Bác Lão cúi đầu nhìn một hồi lâu, bỗng nói khẽ: “Theo tôi về Canh Thần cung.”
Không thể nói ở bên ngoài mà phải về Canh Thần cung, chứng tỏ vật này không hề tầm thường. Tâm trạng Nam Ngọc nặng nề, lập tức đi theo Trịnh Bác Lão về Canh Thần cung.
Canh Thần cung là chỗ ở của Canh Thần thượng tiên, vốn chỉ là chỗ nghỉ ngơi. Tương tự như Nam Ngọc phải ở Tư Phàm kiều trông coi Trần Thủy, hằng ngày Canh Thần thượng tiên dành phần lớn thời gian ở điện Canh Thần gần Cửu Thiên Bảo Điện để xem sao bói toán, bẩm báo những thay đổi bất thường cho Thiên Đế biết, đương nhiên cũng để nếu Thiên Đế có chuyện cần hỏi thì có thể tìm thấy người ngay.
Song, tới Trịnh Bác Lão, chức Canh Thần thượng tiên này trở nên thoải mái hơn nhiều, hồi xưa còn nghiêm chỉnh, khoảng trên trăm năm trở lại đây, cậy được Thiên Đế mở một mắt nhắm một mắt cho qua, Trịnh Bất Lão bèn không tới Canh Thần điện hẳn, sao thì ở đâu cũng xem được, bói ở đâu cũng bói được, không trễ nãi chức trách của một Canh Thần thượng tiên là được.
Vào Canh Thần cung, Nam Ngọc vừa ngồi xuống, Trịnh Bác Lão đã giục chàng biến ra lại bức tranh kia.
Nam Ngọc làm theo, chiếu lên bàn bức họa trên mặt đất Đàm Vân Sơn vẽ ở ven hồ Bạch Quỷ Sơn, đồng thời thuật lại toàn bộ những điều tai nghe mắt thấy bao gồm cả chuyện U Thôn ba năm không có màn đêm ba người kia kể cho Trịnh Bác Lão nghe.
Trịnh Bác Lão nghe xong không nói gỉ, trải một trang giấy, chấm mực, chớp mắt đã vẽ lại bức họa kia lên giấy.
Tranh vẽ bằng bút mực có tính gợi hình hơn cầm cành cây vẽ lên đất nhiều, cuối cùng Nam Ngọc cũng nhìn ra: “Đây là… đèn cung đình?”
Trịnh Bác Lão trầm ngâm một lát rồi nói: “Nói đúng hơn là, là Nhật Hoa bảo châu Thương Bột thượng tiên dâng tặng nhân thọ yến của Thiên Đế.”
“Nhật Hoa Bảo Châu?! Sư phụ đừng làm tôi sợ…” Lúc nhận ra tiên khí, Nam Ngọc đã hoài nghi là vật tiên nhưng tuyệt đối không ngờ lại là một vật quý báu như thế.
“Không nhầm đâu. Lúc ấy Thiên Đế rất thích, lập tức sai người chế tác bảo châu thành đèn cung đình, yến hội còn chưa kết thúc, đèn cung đình đã được làm xong.” Trịnh Bác Lão chỉ vào phần hoa sen bên dưới rồi lại chỉ mấy nét nhấp nhô không biết là thứ gì ở bên trên, giải thích, “đây là giá đỡ hoa sen của đèn, đây là khắc hình mây bay bồng bềnh, Nhật Hoa Bảo Châu được khảm vào giữa, cho nên nhìn mặt bên này mà xem, trơn nhẵn, bóng loáng, chính là viên bảo châu.”
Nam Ngọc từng nghe danh Nhật Hoa Bảo Châu nhưng lần thọ yến đó chàng chỉ mới là tán tiên, không có tư cách tham dự, tính ra chuyện đã cách nay ba trăm năm trước, không khỏi thấy không vững tin: “Sư phụ, chuyện đã qua lâu vậy rồi, sư phụ có chắc là không nhớ nhầm không?”
Trịnh Bác Lão nhíu mày, giọng điệu có phần bất mãn: “Trò chất vất vi sư đấy à?”
Nam Ngọc lập tức nói thật to tỏ ra thật chân thành: “Sao có thể! Nếu Cửu Thiên Tiên Giới này chỉ có một người có thể dựa vào hình dáng sơ bộ mà nhận ra được nó là vật gì thì đấy chỉ có thể là sư phụ!”
Trịnh Bác Lão vừa lòng vuốt vuốt bộ râu thiếu gọn gàng của mình: “Thứ khác thì tôi không dám nói nhưng vật này thì tôi nhớ rất rõ. Lúc ấy, vị tiên làm đèn muốn nịnh nọt nên cố ý khắc bên dưới là hoa sen, bên trên là mây bay, ngụ ý là bảo châu dưới đạp sen xanh, trên đội mây bay, không nhiễm bụi trần, không lưu luyến Cửu Thiên, một mình một cõi giữa trời đất… Chậc chậc, câu nào câu nấy đều rất là được Thái…”
“Sư phụ…” Nam Ngọc vội nói chặn lại.
Trịnh Bác Lão cũng ý thức được, lập tức “tự giác ngậm miệng”.
Nam Ngọc quả thực sợ toát mồ hôi hột, hay lắm, sư phụ thoải mái quen, suýt thì gọi cả tên tục của Thiên Đế ra.
Trịnh Bác Lão dù sao cũng là người từng trải, hắng hắng giọng rồi nói tiếp như thể không có việc gì: “Tôi vừa nói đến đâu rồi nhỉ… À phải, vị tiên làm đèn nói câu nào câu nấy đều rất được lòng Thiên Đế, Thiên Đế rất thích, vui vẻ ra mặt, lập tức thưởng to cho vị tiên làm đèn còn cho các thượng tiên vây xem thưởng thức đèn cung đình, cuối cùng vi sư suýt thì bị bảo châu chói mù mắt.”
*đèn cung đình là danh từ chung chỉ mọi loại đèn thắp sáng dùng trong cung đình bao gồm cả loại treo và loại đế đứng, theo miêu tả ở trên thì nó là loại đế đứng.
Nam Ngọc biết sư phụ và Thiên Đế vừa là quân – thần vừa là tri kỷ, hồi xưa lúc Trịnh Bác Lão còn nghiêm chỉnh trông coi điện Canh Thần, rảnh ra là liền ngồi chơi cờ, đàm đạo với Thiên Đế, giờ Trịnh Bác Lão buông tuồng như vậy, nhiều thượng tiên vạch tội phê bình sư phụ hành vi cử chỉ quái gở như vậy, Thiên Đế đều ậm ờ cho qua.
Song quan hệ dẫu tốt cũng vẫn là người trên kẻ dưới, một vài đạo quân thần cơ bản nhất vẫn phải giữ.
“Sư phụ,” Nam Ngọc không hề úp mở với Trịnh Bác Lão, nghĩ gì là nói nấy, “tuy Thiên Đế hậu đãi sư phụ nhưng sư phụ cũng chớ nên quá đáng quá…”
Trịnh Bác Lão lườm tên đồ đệ nhà mình: “Được đấy thằng nhãi, lên làm Trần Hoa thượng tiên cái là dám dạy ngược lại cả sư phụ…”
Nam Ngọc oan quá, đang muốn biện bạch đôi lời thì Trịnh Bác Lão lại nói…
“Yên tâm, tuy rõ ràng chuyện bậc đứng đầu trong trời đất lại cho rằng không lưu luyến hồng trần, Cửu Thiên mới là thoát tục thật làm người ta thấy khó mà nhịn được nhưng chuyện gì nói được, chuyện gì không được nói, chuyện gì đùa được, chuyện gì không được đùa, trong lòng vi sư tự có chừng mực.”
Nam Ngọc nghĩ vừa rồi suýt thì đã thốt ra hai chữ “Thái Hạo”, thực khó mà yên tâm với sự “có chừng mực” của sư phụ.
Nhưng Trịnh Bác Lão sống tự do buông thả đã trăm năm, cho dù thực sự có thể sửa đổi thì cũng không phải trong một sớm một chiều, trước mắt lo giải quyết chuyện đèn cung đình rơi dưới nhân gian mới là việc cần kíp: “Sư phụ, nếu đã là vật Thiên Đế thích thì đáng nhẽ phải có tiên tì trông giữ nghiêm ngặt, cớ sao lại rơi xuống Trần Thủy ở nhân gian được?”
Trịnh Bác Lão vắt óc suy nghĩ hồi lâu, chần chừ đáp: “Hình như từ dạo lâu lắm rồi, chiếc đèn đó đã bị Thiên Đế ban cho ai đó.”
Nam Ngọc truy hỏi: “Cho ai?”
Trịnh Bác Lão lắc đầu: “Vi sư đã lớn tuổi thế này rồi, đâu thể nhớ được.”
Nam Ngọc quả thực muốn dập đầu lạy sư phụ: “Chuyện ba trăm năm trước thầy còn nhớ cặn kẽ, thế mà chuyện sau đó lại quên?”
Trịnh Bác Lão trịnh trọng đáp: “Nếu lúc ban thưởng đèn, Thiên Đế cũng ba hoa khoác lác một trận thì nói không chừng tôi vẫn còn nhớ rõ.”
Nam Ngọc không có thời gian nghe sư phụ dông dài bèn hỏi luôn: “Thế theo thầy thì tôi nên làm gì bây giờ? Ba phàm nhân đó vẫn còn đang chờ kia kìa, tôi mà còn không xuống, không khéo họ lại động thủ nữa.”
Trịnh Bác Lão liếc tên đồ đệ kém cỏi nhà mình: “Ba phàm nhân thôi mà.”
“Nhưng mà nó làm ảnh hưởng tới Trần Thủy trên trời,” Nam Ngọc rầu rĩ đáp, “giờ thì hay rồi, nó là vật Thiên Đế yêu thích, lỡ Trần Thủy tiếp tục chấn động, vật tiên lại bị tổn hại khi ở trong Trần Thủy, tôi thật sự sẽ bị phạt tội.”
“Sao đã mấy trăm năm rồi mà vẫn còn thiếu chín chắn như vậy.” Trịnh Bác Lão không thích nhìn bộ dạng trẻ con vắt mũi chưa sạch của đồ đệ nhà mình, sốt ruột phẩy phẩy tay, “Qua kho tiên khí mượn túi Khóa Tiên rồi xuống đem đèn cung đình về, vi sư sẽ nhanh chóng hỏi thăm hộ cho, xem là rốt cuộc Thiên Đế đã ban đèn cho ai, lỡ như có làm đèn bị hư hao thì cũng dễ hòa giải, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không.”
Nam Ngọc cảm thấy chuyện này khá là rủi ro: “Làm hỏng vật Thiên Đế ban thưởng, liệu người ta có chịu chuyện lớn hóa nhỏ với tôi không?”
Trịnh Bác Lão bực mình gõ đầu đồ đệ: “Người ta làm mất đèn, trò làm hỏng đèn, nếu bị hỏi tội thì chẳng ai thoát nạn được! Đúng là, sao tôi lại dạy dỗ một tên đầu óc chậm chạp thế chứ!”
Nam Ngọc sực hiểu ra, không sao hết, chuyện này mà vỡ lở thì kẻ được ban thưởng đèn còn khổ hơn chàng, chưa biết chừng còn phải xin chàng giữ bí mật cho ấy chứ. Sư phụ đúng là…
“Lão hồ li, tôi nghe thấy đấy nhé,” Trịnh Bác Lão gắt, “tôi đếm một, hai, ba, cậu mau mau biến đi cho tôi.”
Nam Ngọc cười, lời này chàng đã nghe suốt mấy trăm năm, có điều, xét thấy còn phải nhờ cậy sư phụ hỏi thăm giúp người được ban thưởng đèn nên không thể chọc sư phụ tức thêm bèn cười hềnh hệch chào Trịnh Bác Lão, trước khi đi còn phải nói thêm một câu: “Đồ nhi chờ tin tốt lành từ sư phụ!”
Ba người chờ bên hồ Trần Thủy tới mức sắp ngủ gật mới thấy Trần Hoa thượng tiên quay trở lại, đối phương trông có vẻ tự tin vào thắng lợi, rõ ràng là chuyến đi này đã có thu hoạch.
“Lấy được pháp khí chưa?” Phùng Bất Cơ cau mày bực bội, “Cho chúng tôi mở rộng tầm mắt với chứ?”
Nam Ngọc không buồn nói chuyện nhảm, chỉ bảo với ba người rằng: “Phiền ba vị tránh đi một chút để tránh bị ngộ thương.”
Phùng Bất Cơ tức nghẹn họng, vốn còn thấy cậu thiếu niên này trắng trẻo đẹp đẽ, ấn tượng ban đầu cơ bản là có thiện cảm, thế mà càng tiếp xúc lại càng thấy giống y cái điệu bộ đáng ghét của tên Lễ Phàm thượng tiên năm xưa xuống độ huynh ta, kiêu căng ta đây là tiên, đúng là làm người ta chỉ muốn đá cho một cú.
Ký Linh cũng cảm nhận được đối phương không muốn nói nhiều với họ nhưng nếu đối phương thực sự có thể bắt yêu vật dưới nước thì coi như là trừ hại cho dân, không cần phải gây xích mích chỉ vì mấy câu nói mà làm ảnh hưởng tới chính sự.
Nghĩ vậy, nàng đánh mắt ra hiệu cho Phùng Bất Cơ yên tâm, chớ nóng.
Phùng Bất Cơ bị Đàm Vân Sơn giữ vai, lại được Ký Linh vỗ về đành miễn cưỡng ghìm cơn tức lại.
Ba người lùi lại đứng dưới tàng cây, chừa chỗ lại cho Trần Hoa thượng tiên.
Nam Ngọc không chần chừ, lập tức nhắm mắt lại niệm.
Liền đó, trong ngực y có thứ gì đó tỏa ra ánh sáng vàng, sau đấy, túi Khóa Yêu chui ra khỏi áo của y, lao thẳng xuống nước.
Nam Ngọc tiếp tục niệm, mắt chú ý theo dõi sát mặt nước.
Ký Linh, Đàm Vân Sơn và Phùng Bất Cơ cũng tập trung tinh thần, không dám phân tâm dù chỉ một khoảnh khắc.
Không biết bao lâu sau, có lẽ lâu, cũng có lẽ chỉ mới tích tắc, dưới nước bỗng có động tĩnh!
Mọi người còn chưa kịp làm gì thì “yêu vật” đã lao ra khỏi nước!
“Yêu vật” vẫn giống y như lần trước ba người thấy, toàn thân có cường quang bao phủ lóa mắt.
Còn “pháp khí” mới từ người Trần Hoa thượng tiên lao xuống nước liền đó cũng ra khỏi hồ bám đuổi quyết liệt!
Lúc này ba người mới thấy rõ hình thù của món pháp khí này, là một chiếc túi màu vàng kim!
Thật lòng mà nói thì món pháp khí này rất nổi bật nhưng vẫn chưa bì được với chuông Tịnh Yêu, ít nhất thì chuông Tịnh Yêu còn có thể chiến đấu giằng co với “yêu vật” còn chiếc túi này đuổi theo cả buổi mà vẫn còn cách “yêu vật” một quãng xa!
Ký Linh không nghĩ nhiều, lập tức cho chuông Tịnh Yêu ra trận!
Nam Ngọc đang nhìn chằm chằm trên trời thì bỗng không biết ở đâu ra một chiếc chuông lớn làm y giật nảy mình, còn chưa kịp làm gì thì “choang” một tiếng thật to, chiếc chuông đã va vào đèn.
Thứ bị va vào nào phải là đèn, thứ nó va vào là trái tim mong manh của Nam Ngọc!
“Ngươi làm gì thế!” Không chút nghĩ ngợi, Nam Ngọc quát ngay Ký Linh!
Ký Linh đáp rất đương nhiên: “Giúp ngươi!”
Nam Ngọc nổi điên đến nơi: “Gọi pháp khí của ngươi về đi!” Nếu mà đập vỡ mất Nhật Hoa Bảo Châu thì y không cách nào đền nổi được đâu!
Ký Linh mặc kệ y, tiếp tục đọc Tịnh Yêu chú.
Nam Ngọc lòng nóng như lửa đốt, không làm sao được đành phải cưỡi kiếm xông lên lao thẳng tới chỗ đang đánh nhau!
Ký Linh tưởng là rốt cuộc vị tiên nhân này cũng nghĩ thông, định xắn tay đích thân giải quyết chuyện này, thế mà không ngờ y không lao về phía “yêu vật”, lại xuất kiếm như mưa cản chuông Tịnh Yêu của nàng!
Ký Linh chẳng hiểu ra làm sao.
Phùng Bất Cơ và Đàm Vân Sơn cũng không…
Phùng Bất Cơ: “Rốt cuộc hắn theo phe nào?”
Đàm Vân Sơn: “Không biết.”
Phùng Bất Cơ: “Chúng ta giúp ai đây?”
Đàm Vân Sơn: “Huynh nói xem.”
Phùng Bất Cơ: “… Ký Linh muội, xem ta đây!!!”
Phùng Bất Cơ hét to rồi vận công nhảy bật lên, vừa hay lúc này, “yêu vật” bị chiếc túi vàng đuổi xuống một chỗ không đến nỗi cao, Phùng Bất Cơ nhảy lên là vừa tầm!
Phùng Bất Cơ sao có thể bỏ qua cơ hội này, dang rộng hai tay ôm luôn “yêu vật” vào người!
Nam Ngọc mới vừa cản được chuông Tịnh Yêu đang định chạy tới, giật mình tròn mắt. May đây là một chiếc đèn tiên, có thể thủ mà không thể công, nên mới ôm được như thế, nếu là yêu thật mà hành động lỗ mãng như thế thì đã mất mạng lâu rồi!
Phùng Bất Cơ đâu thèm quan tâm Trần Hoa thượng tiên nghĩ gì, ôm được “yêu vật” rồi liền gắng sức kéo nó xuống đất!
Trời xanh thì họ không bay lên được nhưng xuống đất thì mặc sức!
Ký Linh không ngờ Phùng Bất Cơ lại ra chiêu này, hoảng sợ trong khoảnh khắc, đồng đội đã kéo được “yêu vật” rơi ầm xuống đất, sau đó Đàm nhị thiếu gia đã thủ sẵn từ trước cho yêu vật ngay một dao!
Bỗng lòe chớp đỏ, phăm phăm dao bổ vào “yêu vật”!
Không ngờ đồng thời với việc bị chém trúng, yêu vật cũng tạo ra phản lực mạnh mẽ đánh bay Đàm Vân Sơn!
Lúc chớp đỏ lóe lên là Ký Linh biết ngay rằng Đàm Vân Sơn đã bôi máu cho dao, bất giác thấy hơi xót ruột, thế mà còn chưa kịp thôi xót ruột đã phải trơ mắt nhìn chàng ta bị đánh bay, trong khoảnh khắc, nàng cuống lên, bất giác muốn lao đuổi theo Đàm Vân Sơn!
Nào ngờ vừa dậm chân chưa kịp đi, Đàm Vân Sơn đã la lên: “Lục Trần Kim Lung!”
Ký Linh tỉnh táo lại, dằn sư lo lắng cho đồng đội xuống, không chút do dự gọi ngay Lục Trần Kim Lung ra!
Ánh sáng vàng lập tức bao lấy “yêu vật” trong lòng Phùng Bất Cơ.
Nhát chém vừa rồi, Phùng Bất Cơ cũng bị chấn rung theo, cơ thể thấm nhọc, phải dựa vào ý chí mới giữ được “yêu vật”, thấy Lục Trần Kim Lung đã rọi tới, huynh ta liền yên tâm kiệt sức buông tay ra.
Thế nhưng “yêu vật” không hóa thành tinh phách mà lại bay tới chỗ Nam Ngọc, Phùng Bất Cơ vừa nới tay, nó liền chui vào “túi vàng”.
Ký Linh giật mình sững người.
Ai bắt được “yêu vật” nàng mặc kệ nhưng rõ ràng “yêu vật” bị Lục Trần Kim Lung chiếu vào rồi mà lại không hề hấn gì, sau đó mới bị Trần Hoa thượng tiên thu vào pháp khí của mình.
Mọi chuyện chỉ xảy ra trong thoáng chốc nhưng với những người đang tham chiến, từng chiêu từng chiêu, ai ra trước ai ra sau đều có thể quan sát rõ ràng.
Không chỉ Ký Linh và Trần Hoa thượng tiên mà còn cả Đàm Vân Sơn và Phùng Bất Cơ.
Nam Ngọc giả vờ bình tĩnh, ung dung cất túi Khóa Tiên vào trong ngực, tỏ cái vẻ “tôi hoàn toàn không biết mọi người ngạc nhiên chuyện gì”.
Ký Linh ngơ ngác không hiểu, không rõ là do Lục Trần Kim Lung bị hỏng hay thế gian này thực sự có yêu quái mà Kim Lung không thể bắt. Song, so với chuyện này, có một chuyện khác quan trọng hơn…
“Không sao chứ?” Ký Linh chạy vội lại cẩn thận nâng Đàm Vân Sơn dậy, lo người chàng có vết thương không nhìn thấy được, động tác nhẹ nhàng đến chính nàng cũng không nhận ra.
Đàm Vân Sơn chầm chậm ngồi dậy, thoải mái tựa vào lòng “đồng đội”, gắng sức kéo dài chút “khoảnh khắc dịu dàng ấm áp” mà để lỡ là không còn cơ hội lần sau này lâu thêm chút nào hay chút ấy.
Ký Linh thấy chàng không nói gì thì sốt ruột hỏi lại: “Này, huynh có bị thương không?”
Đàm Vân Sơn thầm thở dài, gặp phải cô nương tính tình thế này, cho dù bản thân có là dải lụa mềm cũng bị ép trở thành thanh sắt cứng.
“Cũng tạm, chắc là không bị thương, có điều xương cốt toàn thân đều đau…”
Ký Linh thở phào nhẹ nhõm, đang định nói chuyện thì Đàm Vân Sơn lại tiếp: “Nhưng mà…”
Ký Linh giật mình cúi xuống hỏi: “Nhưng mà gì?”
Đàm Vân Sơn cũng sững ra, chàng chưa từng nhìn Ký Linh ở khoảng cách gần như vậy, giờ chàng mới biết, cô nương này không chỉ có khuôn mặt đẹp mà đến lông mi cũng rất dài, nhìn gần trông đáng yêu vô cùng, làm người ta chỉ muốn chạm nhẹ vào nó…
Tay đưa tới nửa chừng thì khựng lại, Đàm Vân Sơn giật mình như vừa tỉnh mộng.
Ký Linh hoang mang nhìn cử chỉ khó hiểu của đồng đội: “Sao vậy? Rốt cuộc là “nhưng mà” gì?”
Đàm Vân Sơn cảm kích Ký Linh nhắc chàng chuyện chàng đang muốn nói, chàng nghiêm mặt đáp: “Tôi không bị thương nhưng tôi phát hiện ra một chuyện khác.”
Nói rồi chàng đổi hướng cánh tay đang khựng lại giữa trời chỉ thẳng vào Trần Hoa thượng tiên…
“Thứ y vừa mới bắt không phải yêu vật. Là vật tiên.”