Lá Cờ Ma

Chương 33

Cuối cùng cũng về đến Thượng Hải. Ngồi trên taxi ra khỏi sân bay, gương mặt xanh xám của Hạ Hầu Anh hơi hồng hào trở lại.

Ban nãy, lúc máy bay sắp tới Thượng Hải, gương mặt của Hạ Hầu Anh đột nhiên tái nhợt, mồ hôi tuôn ra như suối, hay tay bấu chặt vịn trên ghế ngồi, đường gân xanh ở hai bên huyệt Thái Dương phập phồng. Tôi thảng thốt khi thấy bộ dạng đó của cô ấy, vội vàng hỏi sự thể ra làm sao. Hạ Hầu Anh bảo đó là chứng bệnh đau đầu di truyền, một lúc nữa sẽ hết.

Cơn đau đầu của cô ấy hẳn là phải ghê gớm lắm vì cứ trông dáng vẻ của cô thì đủ biết. Con người dù bản lĩnh cao cường đến đâu vẫn có những mối âu sầu không thể tự mình gỡ bỏ được. Ngay cả bản thân Hạ Hầu Anh cũng đành bó tay trước chứng bệnh của mình thì y học hiện đại có lẽ vô phương cứu chữa.

Trên đời này, những kì nhân dị sĩ nếu muốn sẽ chẳng bao giờ thiếu tiền tiêu, những gã tầm thường như tôi chỉ có thể thở than vì tài hèn sức mọn. Hạ Hầu Anh nghỉ tại khách sạn Bốn mùa, một trong những khách sạn sang trọng và đắt đỏ nhất Thượng Hải. Tôi hẹn Hạ Hầu Anh 9 giờ sáng hôm sau gặp nhau ở cổng khách sạn và chúng tôi sẽ thực hiện cuộc thám hiểm ngôi mộ cổ đó lần thứ hai. Tôi nay tôi có việc khác cần phải giải quyết.

Hạ Hầu Anh có thể phá giải những kí hiệu ám thị - thứ vũ khí vô hình và thần bí nhất mang sức mạnh giết người trong mộ thất đó, những tôi vẫn chưa quên được mấy chục vết thương hữu hình mà Tôn Huy Tổ phải chịu. Khả năng giết người của những cơ quan ngầm được chôn giấu trong mộ thất đó đã trở thành truyền thống, khiến Vệ Tiên phải bỏ mạng và Hạ Hầu Anh phải rầu rĩ. Vỗn dĩ, Hạ Hầu Anh muốn tới mộ thất quan sát trước, nhưng tôi tình nguyện mời cao nhân tới giúp sức.

Người có tài năng đó và không cần tôi phải giải thích nhiều về nội tình sự việc còn ai ngoài ông lão Vệ Bất Hồi?

Tôi gõ cửa căn phòng của ông lão Vệ Bất Hồi trên tầng hai của tòa nhà ba tầng trung tâm. Tôi đã chuẩn bị sẵn những câu từ cần nnói, thậm chí dự đoán những phản ứng của ông lão Vệ Bất Hồi khi lại trông thấy tôi, nhưng câu nói đầu tiên của ông lão khiến tôi mơ hồ.

“Ta đợi anh đã lâu rồi”. Khi nói câu ấy, ông lão Vệ Bất Hồi vẫn đứng chắn ngay trước cửa ra vào và hình như không có ý xê dịch.

“Bác đợi cháu ấy ạ?”, tôi nhìn ông lão Vệ Bất Hồi đang hiển diện trước mặt mình. Vẻ xa vắng, lạnh lùng thường ngày vẫn bao trùm quanh người ông lão khi rõ ràng lúc mờ mịt và ánh nhìn ảm đạm trong đôi mắt có thần giờ biến mất hoàn toàn.

“Anh định bao giờ thì xuống dưới đó lần nữa?”, ông lão Vệ Bất Hồi hỏi ngay, không để tôi kịp thở một giây nào. Chừng như ông lão biết trước ý định của tôi khi tới gõ cửa nhà ông lão.

“Dạ… ngày mai, khoảng chín rưỡi sáng ạ”.

“Được, ta sẽ đi”. Một tiếng “uỳnh” vang lên nối tiếp câu nói vừa dứt. Cánh cửa gỗ màu đỏ sậm đóng sầm ngay lại, bỏ mặc tôi đứng bên ngoài.

Ông lão dồn tôi vào thế bị động và câu nói chắc nịch như vậy, lẽ não “Vua trộm mộ” mai danh ẩn tích hơn sáu mươi năm trời nay đã tái xuất giang hồ?

Tại sao ông lão Vệ Bất Hồi biết tôi muốn thâm nhập ngôi mộ cổ đó lần nữa nhỉ? Ông ấy ôm nỗi kinh hoàng hơn sáu mươi năm có lẻ, sao bây giờ bỗng chốc không khiếp sợ nữa? Những câu hỏi này vần vũ trong đầu tôi trên suốt quãng đường về, có điều tôi nghĩ mãi vẫn không tìm ra lời giải.

9 giờ sáng hôm sau, tôi gặp Hạ Hầu Anh như đã hẹn. Tôi ngạc nhiên thấy cô mặc một chiếc áo cánh dài tay rộng thùng thình. Hôm nay nhiệt độ ngoài trời lên tới 36 độ C! Chiếc váy của cô ấy còn khoa trương hơn cả chiếc áo cánh. Nó là một chiếc váy dài màu xanh nước biển. Cô nàng ngỡ mình đi dự vũ hội chắc?

“Thế này… em có cần thay trang phục không?”, tôi không nén được, bật hỏi.

“Không sao đâu anh, chúng ta xuất phát thôi”, Hạ Hầu Anh không để tâm tới lời nhắc nhở của tôi, cô giơ tay vẫy một chiếc taxi.

Cô chui vào trong xe, quay đầu lại nhìn, thấy tôi vẫn đứng tần ngần bèn tủm tỉm: “Anh yên tâm, em không phải mấy cô nàng vì một chữ đẹp mà không biết cân nhắc thiệt hơn đâu”.

Cô ấy đã nói như thế. Tôi đành bước chân lên xe dù trong lòng còn nhiều nghi hoặc.

Tôi bước vào tòa nhà ba tầng trung tâm, nhìn đồng hồ, 9 giờ 34 phút.

Tôi đang định lên tầng hai mời ông lão Vệ Bất Hồi thì bỗng nghe thấy tiếng nói vọng ra từ bên trong cái bóng mờ mờ xam xám của chiếc cầu thang dẫn vào gian phòng âm: “Ta ở đây rồi”.

Ông lão Vệ Bất Hồi mặc toàn đồ đen. Trong cái bóng u ám, tôi chỉ trông thấy đôi mắt sáng ngời vẻ tinh anh.

Có thật ông lão Vệ Bất Hồi đã là một cụ già tuổi ngòai tám mươi? Tôi bất giác hoài nghi sự thật đó.

“Vị này là ‘Vua trộm mộ’ Vệ Bất Hồi, còn vị này là Hạ Hầu Anh, cô ấy có thể hóa giải những ám thị chết người trong ngôi mộ”, tôi thay mặt hai con người mới gặp nhau lần đầu giới thiệu ngắn gọn.

Cánh cửa gian phòng âm mở rồi đóng. Thình lình, tôi trông thấy những kí hiệu sáng lấp lánh giữa không gian đen đặc.

Sau phút giật mình, tôi nhận ra Hạ Hầu Anh đã cở bỏ chiếc áo cánh bên ngoài, để lộ chiếc áo phông trắng bên trong vẽ chi chít những kí hiệu bằng thứ bút màu phát sáng. Một chiếc quần tương tự xuất hiện ngay sau đó, dĩ nhiên là Hạ Hầu Anh cũng vừa trút chiếc váy dài khỏi cơ thể.

“Bác và anh vẫn có thể nhìn thấy những kí hiệu này ngay cả trong điều kiện không có ánh sáng. Chúng sẽ giúp hai người định tâm an thần, không bị tác động bởi những kí hiệu ám thị khác, đương nhiên về bản chất chúng cũng là một dạng ám thị”.

Tôi nhìn vào những kí hiệu đó một lúc và thấy vững tâm hơn rất nhiều.

Tôi khom lưng bước đi trong dũng đạo mà bốn anh em họ Tôn đã tạo ra năm xưa. Cuối cùng, tôi đã vỡ lẽ vì sao ông lão Vệ Bất Hồi đoán biết tôi sẽ còn trở lại thám hiểm nơi này.

Sau lần diện kiến ông lão Vệ Bất Hồi, anh chàng Vệ Tiên tức thì thông báo với người trong gia tộc về tình hình của nhân vật huyền thoại này. Sau đó, Vệ Tiên chết bất đắc kì tử. Tuy phía cảnh sát không thể điều tra rõ thân phận của người chết trong một thời gian ngắn, nhưng gia tộc trộm mộ đông đảo của Vệ Tiên ngày một ngày hai biết được tin dữ ấy, họ kể với ông lão Vệ Bất Hồi khi thỉnh mời bậc đức cao vọng trọng của gia tộc trở lại gia tộc. Và tất nhiên, những thông tin về Na Đa, tức là tôi đây, cũng có liên quan tới chuyện ấy.

Hơn sáu mươi năm sau, cháu mình lại chết vì ngôi mộ cổ đó, tin dữ này làm quặn đau cả những sợi dây thần kinh nằm khuất lấp ở nơi sâu nhất trong tâm tư của ông lão Vệ Bất Hồi.

"Ta nghĩ là ta sẽ chôn thây dưới lòng đất nên bao nhiêu năm qua, ta không còn dủ can đảm để trộm mộ nữa, nhưng hôm nay hãy để ngôi mộ cổ này chứng kiến sự trở lại của ta".

Ông "Vua trộm mộ" chọn nơi năm xưa từng khiến ông cam chịu nỗi thất bại đau đớn nhất trong cuộc đời làm điểm mở màn cho cuộc tái ngộ nghề cũ.

Ông lão Vệ Bất Hồi không phải là kẻ vô mưu. Ông biết rằng muốn khám phá ngôi mộ cổ đó lần nữa phải đợi tôi quay trở lại.

Tôi tin chắc một điều, hẳn có trong tay ông lão những thông tin hết sức chi tiết về tôi, nhờ đó ông có thể đoán định, nếu tôi may mắn sống sót, nhất định tôi sẽ quay trở lại. Đương nhiên, khi ấy tôi đã phải chuẩn bị thật cẩn thận.

Ông lão tin rằng tôi không phải là kẻ yểu mệnh, vì thế, ông một mực đợi tôi quay trở lại.

Cuối cùng, chúng tôi cũng đứng trước phiến đá dày và chiếc cầu thang làm bằng đá đen dẫn xuống bên dưới.

"Ở bên dưới này phải không anh?", Hạ Hầu Anh lên tiếng hỏi.

"Ừ", tôi đáp.

Ông lão Vệ Bất Hồi thở một hơi thật dài, hơi thở mà ông phải kìm nén trong lòng hơn sáu mươi bảy năm trời đằng đẵng. Ông lão xung phong đi đầu, tôi và Hạ Hầu Anh bước ngay theo sau.

"Bụp, bụp", những âm thanh nối nhau vang lên, những chiếc đèn liên hoàn vạn năm đồng loạt cháy rực, làm cả mộ đạo bừng sáng.

Ánh lửa bập bùng rọi hắt lên những hoa văn in trên nền đá cẩm thạch, bộ xương trắng vẫn nằm bất động ở phía xa xa. Tôi bước đi giữa không gian ma quái, thấy nhịp tim trở lại bình thường sau khi liếc nhìn Hạ Hầu Anh.

"Trong mộ đạo này không chôn giấu bẫy ngầm nào, chúng ta cứ thẳng tiến nhé", ông lão Vệ Bất Hồi cất lời.

Hạ Hầu Anh gật đầu. Ba người chúng tôi đẩy những bước chân về phía trước. Hạ Hầu Anh đi giữa, tôi và ông lão Vệ Bất Hồi đi hai bên, tiến sau cô độ nửa bước chân. Ám thị được tạo bởi những kí hiệu chằng chịt trên áo quần của cô ấy đã ngấm dần vào trí não tôi nên tôi không nhất thiết phải dán mắt vào chúng mỗi giây mỗi phút. Mặc dù thế, nhưng tôi vẫn nghĩ, không rời mắt khỏi chúng sẽ tốt hơn, vì chúng làm tôi thêm vững lòng.

Hạ Hầu Anh bước từng bước chậm chạp, hết sức chú ý tới những ký hiệu do những nét vẽ trên tường và những hoa văn trên đá cẩm thạch xoắn xuýt vào nhau tạo thành. Tôi quan sát thấy cô ấy khe khẽ gật đầu, như để chứng thực những suy đoán của mình từ trước.

Chúng tôi đang tién rất gần tới cửa mộ. Tôi đưa ánh mắt về phía ông lão Vệ Bất Hồi. Ông lão gật đầu. Lần này, tôi không còn cảm giác thấp thỏm kinh sợ như lần trước nữa.

Bộ xương trắng của Tôn Huy Tổ nằm sõng soài ngay bên cạnh.

"Ơ, cái đầu này là thế nào hả anh?", Hạ Hầu Anh chỉ vào cái đầu lâu Tôn Huy Tổ đang nằm riết trong bàn tay và hỏi. Cái đầu lâu có "con mắt thứ ba"!

Tôi sực nhớ, hôm đó khi kể lại câu chuyện cho Hạ Hầu Anh, tôi đã quên mất chi tiết này.

"Có lẽ nó là cái đầu của chủ nhân ngôi mộ cổ này, không biết tại sao lại bị Tôn Huy Tổ vặt mất và lôi ra tận đây".

Hạ Hầu Anh ngồi xổm xuống, nhìn trân trân vào cái đầu lâu. Không, nói đúng hơn là cô ấy đang chăm chú quan sát cái lỗ tròn thứ ba.

Tôi thấy cô ấy hơi run rẩy.

Ông lão Vệ Bất Hồi hơi thở dài. Thuở xa xưa, cái đầu này uy phong lẫm liệt là thế, mà giờ phải chịu cảnh đầu lìa khỏi xác.

Hạ Hầu Anh đứng dậy, khẽ khàng nói: "Không ngờ, truyền thuyết đó lại là sự thật", cơ thể cô hơi loạng choạng, tôi vội vàng đỡ lấy.

"Sao thế em?", tôi hỏi.

"Em không sao, chỉ hơi thất vọng thôi anh ạ", gương mặt Hạ Hầu Anh lộ rõ vẻ ủ dột, tâm trạng ấy đâu chỉ là nỗi thất vọng thoảng qua.

"Chúng ta vào trong thôi. Tuy mục đích ban đầu của em đã sụp đổ, nhưng em vẫn cần lấy cuốn sách đó", vừa nói, Hạ Hầu Anh vừa cất bước đi tiếp.

Tôi đi theo sau ông lão Vệ Bất Hồi và Hạ Hầu Anh, tiến vào cửa mộ.
Bình Luận (0)
Comment