Là Gã - Hỉ Hà Sơn

Chương 2

Trường Trung học Bình Thành.

Lý Tầm là người đã lan truyền tin đồn về kiếp trước kiếp này.

Nói không ngoa, nếu không có cô và với chế độ quản lý khép kín của trường Trung học Bình Thành, có lẽ các bạn học sinh phải đợi đến kỳ nghỉ đông mới được nghe về tin thời sự thay đổi thế giới quan về kiếp trước kiếp này.

Kỳ thi tuyển sinh đại học ở Bình Thành căng thẳng có thừa. Từ năm lớp 10, trừ một số ít học sinh học ngoại trú, còn lại đều ở nội trú, chỉ được nghỉ một buổi chiều thứ bảy, những thời gian còn lại đều phải lên lớp học hoặc thi thử.

Cha mẹ và giáo viên giám sát rất chặt chẽ, đừng nói đến giờ nghỉ trưa sau giờ học, ngay cả trong giấc mơ, phụ huynh vẫn mong học sinh lớp 12 bị các môn Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ truy đuổi và bao vây.

Giải trí? Giải trí là không thể, bậc làm cha làm mẹ nhấn mạnh bây giờ khổ một chút vẫn tốt hơn về sau khổ cả đời.

Người lớn có suy nghĩ của người lớn, mỗi tội học sinh đâu phải là máy móc, họ cũng cần được thư giãn.

Dưới áp lực lớn bực này, có bạn bắt đầu làm vòng tay, có bạn nhặt đá trong bồn hoa của trường mài nó chơi.

Còn có một nhóm học sinh không còn im lặng dưới áp lực mà có phần bất thường, họ mê mẩn những câu chuyện kinh dị, bạo lực đầy máu me.

Trái lại những tình tiết tàn bạo như vậy có thể giúp họ giải tỏa căng thẳng. Khốn nỗi tiểu thuyết cũng bị cấm trong trường.

Trong tình huống như vậy, Lý Tầm đã chọn làm giàu giữa lúc các bạn đang im lặng và bất thường.

(P1)

Cô là một trong số ít học sinh ngoại trú của lớp 12. Trước tiên cô đã lấy cớ in sai tài liệu và bài tập để mẹ đồng ý cho mua một máy in bằng tiền lì xì, tiếp đó mỗi tối đều lấy lý do in sai đề bài tập nhằm bắt đầu in ấn.

Mẹ cô chỉ là một phụ nữ trung niên chẳng có mấy học vấn nào hiểu được những chuyện này, đương nhiên để cô tự do in.

Tin tức giải trí, vụ án mạng, truyện cười, sự kiện lớn trong trường, bốn chuyên mục, bốn tờ giấy A4, chọn lọc nội dung, in ra, mang đến trường bán.

Mỗi bản 4 đồng.

Ban đầu Lý Tầm không nghĩ đến chuyện kiếm tiền, có chăng một công việc kinh doanh nhỏ nhằm thu hồi tí vốn.

Nào ngờ khả năng thu thập thông tin của cô lại quá mạnh cộng thêm việc các bạn học đang chịu cơ man là áp lực, thật sự cần một không gian để thư giãn.

Lớp các cô, lớp bên cạnh, các lớp lầu trên và lầu dưới đều có khách hàng của

cô.

Một tháng kiếm được hơn 1,000 tệ, mà cái máy in của cô mới có 400 tệ thôi. Đối với một học sinh cấp ba mà nói thì đây chính là tự do tài chính đấy!

Lý Tầm cứ thế mà miệt mài làm công việc này như một sự nghiệp thật sự, các bạn học thì cứ nịnh nọt không ngớt, chỉ thiếu mỗi gọi Lý Tầm là một ông chủ biên tập viên.

Cái vụ “kiếp trước kiếp sau” gây sốt trên mạng bắt mắt tợn, lại còn ghép cả bức chân dung hung thủ vào khuôn mặt thầy chủ nhiệm lớp họ nữa, đúng là có quá nhiều chủ đề để bàn tán, hiển nhiên đã thành tin tức lớn nhất trong ngày.

Lần làm báo tự chế ấy đã mang lại niềm vui lớn cho cả lớp 12/5. “Đây là thầy chủ nhiệm của chúng ta mà hả?”

“Nhìn đi, thầy chủ nhiệm của chúng ta đã trở thành một tên sát nhân biến thái điên cuồng rồi.” Nữ sinh ngồi hàng đầu vừa mở báo ra đã cười không ngớt.

Cả đám học sinh đều xúm xít lại. (P2)

“Giống thật đấy!”

“Thậm chí cả nốt ruồi cũng y như đúc.”

“Chắc chắn là vẽ theo thầy chủ nhiệm của chúng ta?”

“Thầy chủ nhiệm tài ghê, lén chúng ta đi làm sát nhân biến thái rồ dại.”

“Nếu thầy chủ nhiệm mà biến thái, hahaha, ai trong lớp chúng ta sẽ chết trước đây?”

Thầy chủ nhiệm lớp 12/5 là giáo viên dạy Văn, họ Triệu, năm nay tầm 50 tuổi; là một người đàn ông trung niên bình thường nhưng không hề có vẻ sến súa và tự cao của những người đàn ông bằng tuổi khác, ngược lại, ông là một người sống được lòng mọi người lắm.

Trường học của bọn cô bận rộn có thừa, buổi sáng phải học năm tiết, tiết cuối cùng tan học lúc mười hai giờ hai mươi, thêm chuyện tòa nhà dạy học của khối 12 lại cách căng tin xa cùng cực, mỗi khi chuông tan học vang lên các học sinh

cứ như lũ 𝚣ombie đổ xô đến căng tin.

Thầy Triệu đã xin dạy tiết thứ năm, mỗi lần đều cho tan học sớm mười phút để mọi người đi ăn trưa.

Câu nói kinh điển của ông là: “Bọn nhỏ ăn no mới có sức học, nghỉ ngơi đầy đủ mới có tinh thần học tập.”

Ví dù bạn cùng lớp nào mắc lỗi, chỉ cần không quá nghiêm trọng ví dụ như trèo tường đi mua xiên que, trốn tiết thể dục, thầy không bao giờ gọi phụ huynh, có chăng chỉ nói rằng việc quản lý của nhà trường có vấn đề, quan bức dân phản, dân không thể không phản kháng.

Lúc đầu Lý Tầm không phải là học sinh của lớp này, cô vốn là chiến thần của lớp chọn, về sau thành tích giảm sút do có bạn trai, bị đuổi khỏi lớp chọn. Chủ nhiệm các lớp khác đều không muốn nhận Lý Tầm có mỗi thầy Triệu đứng ra nhận cô.

Với một người thầy như vậy, các học sinh lớp 12/5 thân thiết với thầy vô ngần.

Cũng chính vì vậy mà mọi người mới thấy hài hước vì sự trái ngược và không nhịn được trêu chọc.

Bởi vì chẳng có ai cho rằng người trong ảnh chính là thầy chủ nhiệm của họ, thay vào đó chỉ cảm thấy giống nhau mà thôi.

Trên thế giới có khối người giống người, thậm chí ở nước ngoài còn có những người hoàn toàn không có quan hệ huyết thống nhưng lại giống nhau như đúc đấy.

Giờ đọc buổi sáng là môn Ngữ văn, có bạn học dùng điện thoại chụp lén ảnh thầy chủ nhiệm rồi đăng lên mạng, đặt một cái tiêu đề bông phèn cho vui.

...”Thầy chủ nhiệm của chúng tôi trông giống hệt một tên sát nhân biến thái điên cuồng”

Ai nấy cười ha ha một đợi, không ai xem chuyện này thật hệ trọng. (P3)

Tiết cuối cùng là Ngữ văn, có bạn đang xem tờ báo tự làm của Lý Tầm.

Thông thường rất khó bị phát hiện. Nhưng hôm nay thì khác.

Ai có thể vừa nhìn vào sách giáo khoa Ngữ văn mà vừa hít sâu một hơi chứ? Sách giáo khoa Ngữ văn kinh dị đến độ thế ư?

Thầy Triệu thấy mọi người đều ngáp ngắn ngáp dài, đúng lúc bắt gặp bạn này đang xem sách khác, bèn gọi bạn ấy lên ngay.

Thầy thường xuyên sử dụng cách này để làm không khí lớp học trở nên sôi động.

“Đang xem cái gì hay mà sợ thế, đọc cho cả lớp nghe đi nào.”

Nữ sinh kia đâu sợ thầy giáo, chung quy đây không phải là lần đầu cô nàng bị bắt gặp.

Cô ấy đứng dậy và bắt đầu đọc:

“Tôi nằm trong một vùng tối tăm, âm thanh sắc nhọn chói tai cứ vang bên tai tôi, tôi muốn bịt tai lại nhưng không thể, rất nhanh người đó lại đến nữa rồi.”

Thầy Triệu cười hỏi: “Các em lại bắt đầu đọc truyện kinh dị à?”

“Gã một mực hỏi có còn ồn ào nữa không, còn nhao nhao nữa không, tôi muốn nói rằng mình sẽ không ồn nữa, tôi sẽ nghe lời sẽ ngoan, khốn nỗi lưỡi tôi bị gã cắt mất rồi...”

“Người đó lại bắt đầu nhét vào miệng tôi những thứ rất hôi...” Lúc này không còn mấy ai buồn ngủ nữa.

“Đừng đọc nữa.” Bất thình lình người đứng trên bục giảng đập bàn.

Âm thanh quá lớn khiến cả lớp đang cười đùa cũng giật mình nhìn vào người đứng trên bục.

Đây là lần đầu tiên các bạn thấy thầy chủ nhiệm có biểu cảm như vậy, mặt thầy tối sầm lại, những nếp nhăn trên khuôn mặt khả dĩ luôn hiền lành giờ đây trở nên sắc nhọn như hóa thành những lưỡi dao.

Bạn học sinh kia khá hồn nhiên, không nhận ra sự khác thường vì bình thường thầy Triệu dễ tính cùng cực, thành ra cô ấy vẫn tiếp tục: “Thưa thầy, đây là vụ án giết người hàng loạt Bóng Bay Đỏ nổi tiếng trên mạng.”

(P4)

Những đường nét sắc bén trên khuôn mặt thầy Triệu dần dịu lại mất tăm, thầy nói: “Ngồi xuống đi.”

Thầy bước xuống bục, thu lại mấy tờ giấy rồi kêu: “Tiếp tục đọc sách.”

Lý Tầm xoay đầu lại thấy tay người nọ kẽ run rẩy khi đang cầm mấy tờ giấy mỏng.

Đây chỉ là một khúc nhạc dạo ngắn bình thường. Lý Tầm về nhà kể lại chuyện này cho mẹ.

Mẹ cô hiện tại là một người phụ nữ trung niên vạm vỡ tên là Lý Ngọc Quế, đã tách khỏi chồng và con từ nhiều năm trước. Bà sống trơ ở quê nhà, mở một cửa hàng bán bánh bao kiếm sống. Bà và Lý Tầm chủ yếu liên lạc qua điện thoại, thỉnh thoảng mới gặp nhau vào dịp lễ Tết.

Năm nay, Lý Tầm thi đỗ vào trường này bằng hình thức tuyển thẳng, ban đầu học rất cừ và được vào lớp chọn nhưng sau đó vì yêu mà thành tích sụt giảm nghiêm trọng.

Người mẹ chạy từ quê lên vừa chăm sóc Lý Tầm vừa bán bánh bao. Mỗi ngày bà dậy từ 2 giờ sáng để làm bánh bao, hấp xong đâu đó sẽ đặt nó sau xe ba bánh rồi đẩy đến trường bán.

Hai mẹ con ngồi hai bên ăn cơm với nhau không thân thiết là mấy, thậm chí có phần như người xa lạ.

Kể từ khi 6 tuổi Lý Tầm chưa từng gặp mặt mẹ mình.

Nửa năm trước, đối phương đến đón cô, hai người lạ buộc phải sống chung thì chớ còn phải đóng vai mẹ hiền con ngoan. Lúc đầu khó chịu vô ngần nhưng dần dà cả hai cũng quen.

Mọi chuyện xảy ra ở trường đều được Lý Tầm kể lại trong bữa ăn.

“Lúc thầy chủ nhiệm của chúng con nghe được nội dung đó thì vẻ mặt khó coi lắm.” Lý Tầm không nói cụ thể nội dung mà tiếp tục, “Khi thầy cầm tờ báo, tay còn run nữa.”

Hình như mẹ cô đang suy nghĩ gì đó, rất lâu sau vẫn không thốt một lời.

Ngày hôm sau, cuộc sống cấp ba vẫn diễn ra bình thường, sự kiện lớn duy nhất

là bạn cùng bàn của Lý Tầm – người bị tịch thu tờ báo – đã cầm một viên đá to bằng quả trứng đà điểu từ bồn hoa về bàn.

“Áp lực càng ngày càng lớn, nên tìm một viên đá to hơn để xoa dịu.” Bạn cùng bàn nói năng hùng hồn đầy lý lẽ. Lớp 12 mà, ai chẳng có lúc rồ dại.

Mọi người ngày càng tìm ra những cách giải tỏa căng thẳng kỳ quặc hơn. Lý Tầm cũng thử sờ vào viên đá nhưng không thấy gì đặc biệt.

(P5)

Bạn cùng bàn biết ngay cô bạn không hiểu, giãi bày: “Với cái bề mặt thô ráp này này, hãy tưởng tượng nếu mài nó cho đến khi bóng loáng như trứng đà điểu thì sẽ có cảm giác thành tựu biết bao! Điều ấy dễ hơn thi đại học lắm.”

Loại hình vận động đơn giản không cần vận dụng đầu óc này đầy thư giãn cùng cực.

“Cậu nhặt ở đâu vậy?” “Trong bồn hoa.”

“Tớ cũng đi lấy một viên.” Gần đây Lý Tầm cũng cảm thấy áp lực tợn.

“Khoan đã, trường đang kiểm tra nghiêm ngặt việc trộm đá cuội ở bồn hoa, chúng ta cần lập kế hoạch.”

Thế là hai học sinh cùng lớp đi nói chuyện với bảo vệ, một người canh chừng còn Lý Tầm phụ trách trộm đá.

Cô chỉ cần một viên đá cuội nhỏ bằng quả trứng gà thôi.

Kết quả Lý Tầm đã lấy được một viên đá nhỏ giữa sự truy đuổi của bảo vệ.

Cô chạy đằng trước, bảo vệ đuổi theo sau, các bạn học ở hành lang tầng hai cổ vũ, vừa hài hước vừa hồi hộp, adrenaline tăng vọt.

Đầy thư giãn cực.

Hôm nay thầy chủ nhiệm lại trở về vẻ ôn hòa như cũ, thấy hành động kỳ lạ của các học sinh, thầy còn cười nói: “Cẩn thận đừng bị ngã đấy.”

Những học sinh khác cũng biết chuyện thầy chủ nhiệm giống với tên sát nhân hàng loạt, nhiều người đã trêu chọc thầy.

“Thầy Triệu, lúc không có ai thầy hơi đáng sợ đấy.”

“Em đã nói như vậy thì đến phòng thầy một chuyến, chúng ta tâm sự riêng nhé?”

Vì vậy việc thầy Triệu giống với tên tội phạm giết người hàng loạt trở thành một trò bông đùa để giải tỏa căng thẳng, trò đùa chỉ là trò đùa, không ai thật sự nghĩ rằng một người tốt như thầy lại đi giết người.

Ngày thứ ba, vừa đến trường, Lý Tầm chưa kịp lấy báo ra đã bị bạn học kéo lại. “Thầy chủ nhiệm mất tích rồi!”
Bình Luận (0)
Comment