Lã Mai Nương

Chương 26

Tên Cơ phòng canh cổng thấy Hồ Á Kiền lù lù đi tới thì giật nẩy mình, đứng phắt dậy toan chạy.

Hồ Á Kiền giơ tay vẫy y đứng lại, hỏi :

- Ngươi định chạy đi đâu? Hãy nghe ta hỏi đây, mấy tên đầu đoàn của bọn người có nhà không, gọi ra đây ta bảo.

Tên Cơ phòng lắp bắp muốn nói lảng nhưng lại nhìn sang tửu quán ở góc đường phía xa, nên Hồ Á Kiền hiểu ngay. Chàng nhìn theo về phía ấy, nhận ra Lý Hòa đang cùng Trương Viên và mấy tên đồng bọn ngồi ở thồi gần mé cửa tửu quán, bèn đi thẳng tới đó.

Đang nhậu nhẹt bàn tá ba hoa, bọn Lý, Trương thấy Á Kiền đi ập tới của quán thì cùng hoảng hốt nhào đẩy ghế lui cả vào phía trong quán, khiến ở các thồi khác cũng xôn xao đứng dậy, tưởng xảy ra xung đột ngay trong tửu quán.

Đứng nguyên chỗ, Hồ Á Kiền nghiêm nghị chỉ mặt Lý Hòa :

- Từ nay trở đi nếu bây không biết điều tự tu tỉnh, thì đừng có trách ta không nhượng dung tha. Hãy lấy cái chết của tên Lý Thăng mà răn mình, nghe!

Nói đoạn, Á Kiền quay trở ra vừa đi được mươi bước thì gặp ngay một tăng nhân chận đường nói :

- Tam Đức hòa thượng mời tiên sinh về chùa. Bần tăng chờ đây đã lâu rồi.

Hồ Á Kiền lưỡng lự giây lát mới nói :

- Được, tôi xin đến Tây Thiền tự ngay bây giờ!

Á Kiền cùng tăng nhân về tửu quán lấy hành lý trả tiền trọ rồi đến thẳng Tây Thiền tự.

Tam Đức cùng Thái Trí hòa thượng chờ trên kinh phòng. Á Kiền thi lễ cùng hai vị đại sư huynh, bẽn lẽn ngồi xuống kỷ. Tam Đức nghiêm nghị cắt lời :

- Bần tăng vừa nhận được thư của Sư trưởng nói về vụ sư đệ trốn khỏi chùa Thiếu Lâm và dạy trông nom sư đệ, vì thế bần tăng yêu cần sư đệ về ở hẳn trong chùa này.

Á Kiền sợ Tam Đức, Thái Trí không biết rằng chính bọn Cơ phòng tử đã gây sự với chàng trước, bèn kể chuyện lại.

Tam Đức ngắt lời :

- Bần tăng biết rõ mọi sự rồi. Nghe tin sư đệ bị câu lưu, bần tăng cùng Thái Trí hòa thượng vào phủ nha yết kiến đại quan sáng hôm qua. Nay mối thù đã trả, sư đệ tính sao?

Á Kiền cúi đầy suy nghĩ chưa quyết định thì Tam Đức đã nói tiếp :

- Sư đệ tưởng bọn Cơ phòng chịu để vụ này lơ lửng như thế sao? Họ Dư mãnh lực kim tiền, sẽ dùng sức mạnh của người khác báo thù. Họ không chịu thua dễ dàng như vậy đâu. Sư trưởng phái người về đây ân cần dặn trông nom cho sư đệ đủ tỏ rằng Sư trưởng rộng lượng dao dung. Người có ý dạy sư đệ phải ở lại Tây Thiền hay Quang Hiếu tiếp tục tập luyện.

Thù nhà đã báo, gia cảnh ở Dương Thành cũng không đến nỗi nào, được ở ngay Quảng Châu luyện tập thì còn chi bằng, Hồ Á Kiền mừng rỡ theo lời hai vị hòa thượng Tam Đức, Thái Trí.

Hai hòa thượng liền thay phiên nhau biệt luyện cho Á Kiền ngày một tấn tới hơn trước nhiều.

* * * * *

Nói về bọn Cơ phòng tử Cẩm Châu Đường, sau khi bị Á Kiền đánh bại và sỉ nhục, Lý Hòa căm giận vô cùng, bèn cùng Bạch An Phúc và Trương Viên mang ba ngàn lượng bạc nhờ người quen là Mã Dũng đưa sang Đông hai thôn thỉnh sư phụ của Mã Dũng là Ngưu Hóa Giao trả thù cho bọn Cơ phòng.

Nguyên Ngưu Hóa Giao người gốc Mã đảo, là môn đồ Võ Đang sơn, được Phùng Đạo Đức Bát Tý Na Tra truyền dạy võ nghệ ngót năm năm, rồi cho xuống núi, làm võ sư thôn Đông Hải do Đặng Bách Dương làm thôn trường. Ngưu Hóa Giao đứng vào cấp bực trung đẳng, đệ tam cấp, sau Lôi Đại Bàng, Thạch Cẩm Bá, Phùng Huy Hạ (nội điệt Phùng Đạo Đức), Lã Anh Bá, và ngang hàng với Lưu Trường Thanh, Địch Tôn Bảo, Tào Kim Anh, Ngưu Hóa Giao có râu tóc vàng hoe, nên thường gọi là Hoàng Mạo thái tuế. Khi bọn Cơ phòng tử Cẩm Châu Đường cầu thình thì Hóa Giao được ba mươi bảy tuổi. Thấy bạc trắng chóa mắt, Hóa Giao ưng thuận và trình bày rằng chỉ có cách lập lôi đài mới công khai giết được Á Kiền mà khỏi phải phạm án sát nhân. Bọn Lý Hòa mừng rỡ cảm tạ ra về.

Về đến Quảng Châu, Lý Hòa đem chuyện Ngưu Hóa Giao nhận lời và đòi thêm một ngàn lượng bạc nói với Bạch An Phúc.

Họ Bạch mỉm cười :

- Miễn là Ngưu võ sư nhận lời. Tiền bạc có người bỏ ra can dự chi tới chúng ta? Hiền đệ định lặp lôi đài ở khu nào tùy ý hiền đệ, tiến hành gấp mọi việc đi. Tôi đi gặp Lý Quế Phương để y nói qua với quan sở tại việc thiết lập lôi đài vui chơi nhân dịp kỷ niệm Niên lập Cẩm Châu Đường.

Thế là Lý Hòa mướn thợ, đốc xuất lập một võ đài thật chắc cắn tại khu Y Linh miếu, lưng đài xây vào mặt hồ, nên Bạch An Phúc cho tạc tấm hoành đề ba chữ Thủy Nguyệt đài. Khi Ngưu Hóa Giao đến nơi, y ra lôi đài xem xét lấy làm đắc y, bảo Bạch Anh Phúc và Lý Hòa :

- Phải lập thêm mấy tấm biển nữa cho rạng vẻ lôi đài, thiên hạ đi coi mới thấy cái hùng tâm, đởm khí của đài chủ và danh nghĩa lôi đài mới được rõ rệt. Dưới tấm biển Thủy Nguyệt đài, tôi muốn thêm bốn chữ Trượng Nghĩa Tranh Hùng để tỏ cho thiên hạ biết ý nghĩa sự hiện diện của tôi.

Bạch An Phúc khen phải :

- Tôi hoàn toàn đồng ý với võ sư. Dựa theo bốn chứ Trượng Nghĩa Tranh Hùng, tôi xin thêm đôi liễn dựng hai bên cột đài như thế này:

Trượng nghĩa báo cừu, anh hùng hạ quyền đả hổ.

Vì tình trả hận, hảo hán phi cước đảo long.

Võ sư nghĩ thế nào?

Ngưu Hóa Giao tấm tắc khen hay :

- Tôi tuy ít chữ nghĩa nhưng vũng biết là rất hào hùng. Đọc đôi liễn này, Hồ Á Kiền khi lên đài tất dải rởn gáy vì đòn tâm lý.

Lý Hòa hỏi :

- Võ sư có cần đặt điều kiện cấm đoán kẻ thượng đài như thế nào không?

- Không. Lập đài cho có cớ để hạ Hồ Á Kiền thôi. Trận giao chiến sắp tới đây có khác chi trận đấu ác liệt của hai kẻ tử thù và đánh bất cứ nơi nào? Vậy, hà tất phải lập điều kiện cấm đoán. Dù địch thủ có giắt ám khí cũng không hề chi.

Thấy Ngưu Hóa Giao tự tin, Bạch An Phúc và Lý Hòa nhìn nhau đắc ý.

Luôn mấy hôm sau, bọn Cơ phòng tử phân phối nhau đi khắp nới tìm Hồ Á Kiền, nhưng không thấy. Chúng đã tưởng là Á Kiền bỏ Quảng Châu đi nơi khác. Lý Hòa không chịu thôi, bảo với đồng bọn :

- Hồ tặc đã dùng bọn hành khất rước biểu ngữ khiêu khích chúng ta, vậy ta thử phao ngôn với đám hành khất may ra đến tai Á Kiền chăng?

Trương Viên lãnh nhiệm vụ đó. Y ra chợ tìm nơi hành khất vẫn tụ họp thường ngày phao rằng Cơ phòng tử Cẩm Châu Đường lập Thủy Nguyệt Đại tại khu Y Kinh Miếu thách Hồ Á Kiền đấu võ.

Quả nhiên, trong bọn hành khất có nhiều tân thường đến Tây Thiền tự xin ăn và gặp Á Kiền ở đó, bèn vội vàng đến chùa báo tin. Sau nhiều ngày ở Tây Thiền tự, Á Kiền yên trí là việc hiềm thù với Cơ phòng tử Cẩm Châu đã chấm dứt, nên khi hay tin vụ Thủy Nguyệt lôi đài, Kiền bán tín bán nghi, ngầm vận võ phục, ngoài mang trường y, xin phép Tam Đức hòa thượng ta phố nhắn tin về gia đình ở Dương Thành, thiệt ra chàng muốn đến Y Linh miếu xem thực hư thế nào.

Đến nơi, chàng thấy dân chúng đông đảo đứng xem Thủy Nguyệt lôi đài trang hoàng lộng lẫy, có bọn cơ phìng võ trang canh phòng cực uy nghiêm.

Phía trong cũng đài, có nhiều võ sĩ ngồi dàn trên dãy bành kỷ bày hàng chữ nhất, Người nào cũng võ phục gọn gàng uy dũng, trên ngực áo thêu ba chữ Võ Đang sơn.

Người ngồi chính giữa thân hình ngũ đoản, to ngang, mặt lớn cằm bạnh, râu quai nón vàng hoe, mắt lồi, mũi sư tử. Đầu y quấn khăn lụa buông mối bên tai, vận võ phục lụa đồng màu tím, ngực đeo hộ tâm bằng đồng hiện chữ ngưu, tay áo săn cao lộ hai cánh tay chắc nịch lông lá xồm xoàm, chân quấn xà cạp đen, dận võ hài mã vị, lưng thắt sa xô đới.

Á Kiền đoán người ấy là đài chủ. Ngồi kế bên vị hảo hán ấy là một người vận thường phục mà Á Kiền nhận ra ngay là Lý Hòa. Ngồi dàn hai bên có bốn thanh niên võ sĩ, người nào cũng hùng dũng gọn gàng. Đọc tấm biển và đôi liễn treo trước lôi đài, Á Kiền hiểu ngay lời lẽ khiêu khích thách thức tuy không nêu đích danh người bị thách là ai.

Biết vậy, Á Kiền đứng lẫn trong đám khá giả chờ xem chương trình biểu diễn.

Chàng hỏi một lão già đứng bên :

- Thưa lão tiên sinh, lôi đài này khai mạc từ từ hôm nào và đã có ai thượng đài tỉ thí chưa?

Vị lão già đáp :

- Khai diễn được năm hôm nay rồi. Các võ sĩ thủ đài chỉ biểu diễn võ nghệ. Trước khi biểu diễn, các võ sĩ thường thách thức một người là Hồ Á Kiền thỉnh thượng đài, nhưng tuyệt nhiên không có người nào mang danh ấy nhận đấu cả.

Lão già vừa dứt lời thì võ sĩ bên cực hữu đứng lên tiến ra trước đài vòng hai tay nghiêng chào khán giả. Y nói lớn :

- Chúng tôi là môn đồ Võ Đang sơn, qua Quảng Châu thăm bạn, biết chuyện họ bị một người danh tánh Hồ Á Kiền cậy sức công phu uy hiếp. Thấy sự bất bình không thể bỏ qua được, gia sư nhận chức đài chủ này với mục đích muốn gặp Hồ Á Kiền tranh tài cao thấp cho biết thư hùng. Vậy ai mang tên đó, thỉnh thượng đài.

Nói xong, võ dĩ chống tay lên hai mạn sườn, ngó quanh biển người đứng dưới đài. Trông nét mặt trân tráo, thái độ tự đắc vô song của thanh niên võ sĩ ấy, Hồ Á Kiền phát ghét, cố nén tâm xem bọn người trên đài hành động thế nào.

Nhìn quanh giây lát, võ sĩ không thấy ai thượng đài, bèn nói thêm :

- Theo lệnh gia sư, Hầu Mãnh tôi xin biểu diễn chư vị quân tử một bài Tôn Hành Quyền mua vui.

Võ sĩ lùi vào giữa lôi đài hoa quyền đảo bộ bái tổ tận lực diễn võ.

Khi nghe thấy võ sĩ nhắc tới hai tiếng gia sư, Hồ Á Kiền giựt mình nghĩ rằng :

- Nếu người thủ đài là Bát Tý Na Tra Phùng Đạo Đức thì ta chỉ có nước rút lui cho mau chớ còn tỉ thí gì nữa! Phải vào hạng các sư huynh trưởng tràng mới dám nhận đấu cùng vị Sư phó Võ Đang! Nhưng lẽ nào một nhân vật hữu danh trong giới võ nghệ, sư phó Võ Đang, lại chịu hành động nhỏ mọn như vậy? Người râu tóc vàng hoa ngồi chính giữa kia đích thị là tay thủ đài rồi, vậy y là Phùng Đạo Đức đó ư?

Hay kẻ ngồi kia là môn đồ Võ Đang sơn mà bọn võ sĩ thanh niên chỉ là toán tiểu đồ?

Nghĩ vậy, Á Kiền chú ý nhận xét lối biểu diễn Tôn Hành quyền của võ sĩ trên đài. Công phu của gã tầm thường không có gì xuất sắc. Luyện tập ở trên núi dù một kẻ chưa quá sòng sơ cấp, công phu cũng cao hơn thế nhiều.

Suy luận như vậy, Hồ Á Kiền biết chắc người thủ đài Thủy Nguyệt là một trong những môn đồ, chớ không phải là Võ Đang sơn Sư Trưởng.

Võ sĩ biểu diễn xong bài quyền cúi chào trở gót vào hậu đài. Khán giả vỗ tay hoan nghinh.

Hồ Á Kiền tính toán xem có nên thượng đài hay không?

Chắc chắn Cơ phòng tử Cẩm Châu Đường đã bỏ tiền bạc ra mướn người phái Võ Đang thủ đài Thủy Nguyệt khiêu khích gọi đích danh chàng thượng đài để đánh báo thù. Không nhận đấu bọn Cơ phòng sẽ triệu lôi đài, rêu rao là chàng hèn nhát không dám ra mặt. Chúng sẽ lấy lại được uy tín và tiếp tục húng hiếp dân lành vô phước đụng nhằm chúng. Nhận đấu, chuyện sẽ vỡ lở đến tai Tam Đức, Thái Trí nhị vị đại sư huynh mà tất thế nào chàng cũng sẽ bị quở trách nặng nề! Thiệt rất khó nghĩ!

Á Kiền còn đang liên miên suy tính thì một võ sĩ khác ở trên đài đã tiến ra chào công chúng và nhắc thuộc lòng câu thách đấu gọi đích danh Hồ Á Kiền...

Lần này, Á Kiền không kiềm chế được lòng mình nữa. Gạt bỏ hết mọi cân nhắc, chàng lách qua rừng người đến thẳng chân đài, đoạn vén trường y nhảy lên sàn đài. Võ sĩ vừa nói xong, trở vào giữa đài toan biểu diễn Côn Pháp thì vừa lúc Á Kiền nhảy tới trước đài.

Sự hiện diện bất ngờ của chàng khiến Lý Hòa, đang thủ thỉ bàn tán cùng Hoàng Mao thái tuế Ngưu Hóa Giao phải giựt mình đứng phắt dậy, chỉ tay nói câu gì cùng với họ. Ngưu Hóa Giao cùng các đồ đệ cũng đứng cả lên. Võ sĩ đứng giữa đài trở gót đứng cùng đồng bạn.

Khán giả hồi hộp trước tình hình biến chuyển bất ngờ trên Thủy Nguyệt đài.

Họ im lặng trong giây phút, nhưng có số người nhận ra Hồ Á Kiền, người nọ bảo người kia thành thử ai cũng nhao nhao lên :

- A! Hồ Á Kiền đã tới!... Hồ Á Kiền đã tới!...

Trên đài, Á Kiền đứng sừng sững nhìn Lý Hòa, cũng như Ngưu Hóa Giao trừng mắt quan sát mới thượng đài.

Y nghĩ thầm: “Bộ tên họ Hồ thư sang chi tướng thế này lẽ nào đánh thác nổi Lý Thăng và đã trọng thương Ngũ ngưu Cơ phòng tử” Nghĩ đoạn, Hóa Giao oai vệ tiến ra giữa đài, bước đi chắc nịch, toàn thân kềnh càng như con gấu, mắt vẫn không rời khỏi Á Kiền.

Y hất hàm hỏi :

- Phải chăng ngươi là Hồ Á Kiền, người đã hạ sát Lý Thăng?

Á Kiền gật đầu :

- Chính Hồ Á Kiền đây! Còn quý danh là chi? Cớ sao nêu tên tôi thách đức thượng đài? Ta có thù chi với nhau?

Giọng nói điềm đạm của Á Kiền khiến Hóa Giao có cảm tưởng là chàng khiếp nể trước võ cách oai hùng của mình. Y cười gằn :

- Ta là Hoàng Mao thái tuế Ngưu Hóa Giao, môn đệ Võ Đang sơn, đi qua Quảng Châu thăm bằng hữu Cẩm Châu Đường, biết việc ngươi lộng hành nên ta nêu đích danh xem bản lãnh ngươi ghê gớm tới mức nào.

Thái độ ngang ngạnh tự đức của Ngưu Hóa Giao khiến Hồ Á Kiền sôi máu, nhưng chàng cố nhịn :

- Đối với tôi, Lý Thăng là kẻ đại thù sát phụ có nhiều người biết, thiết tưởng đả tử tên đó không là một sự quá đáng! Còn giữa chúng ta, hảo hán là môn đệ Võ Đang sơn, tôi là đồ đệ Thiếu Lâm tự, hai võ phái xưa nay hòa khí, có lẽ nào hảo hán gánh vác vụ nấy chống lại tôi một cách vô lý như vậy?

Hóa Giao dằn giọng :

- Thù Lý Thăng, đả tử một y là quá rồi lẽ nào còn gây ác đả trọng thương đến dư mươi người khiến họ phải bán thân bất toại hại cả một đời người. Như vậy không là lộng hành ư?

Hồ Á Kiền cười khẩy :

- Hảo hán không biết rõ câu chuyện nên suy luận như vậy. Bọn Cơ phòng tử húng hiếp vợ con tôi, vậy trước sự kiện ấy - nếu hảo hán là tôi - liệu bỏ qua được không?

Thấy Hồ Á Kiền điềm đạm cố công giải thích. Và Ngưu Hóa Giao cho rằng bản lãnh Á Kiền thấp kém nên muốn hòa giải. Được bốn ngàn lượng bạc, ta cần phải đánh trận ngon lành này không những được tiền mà uy danh cũng sẽ lừng lẫy hơn trước.

Nghĩ đoạn, Ngưu Hóa Giao bèn cả tiếng mắng Hồ Á Kiền :

- Hồ Á Kiền! Trước khi ngươi chưa thổ lộ thuộc môn phái nào, việc còn có thể bỏ qua, chớ môn đệ Thiếu Lâm tự thì ta quyết không tha! Phương Thế Ngọc ngầm sử dụng ám khí hại Lôi Lão Hổ, Ngũ Mai thiền sư còn binh vực môn đệ, đả tử võ sư Lý Ba Sơn... Vậy ta thử hỏi người phái Thiếu Lâm có nghĩ đến tình bằng hữu võ giới không? Bữa này trước uy danh ta, nếu ngươi khiếp sợ, ta sẵn lòng tha thứ nhưng ngươi phải đến Cẩm Châu Đường tạ tội với Cơ phòng tử, đền tiền những người bị thương và sau đó bỏ hẳn Quảng Châu không được bén mảng về đây nữa.

Thái độ tự tôn tự đại, lời lẽ hỗn xược của Hóa Giao chuyến này khiến Hồ Á Kiền nộ khi xung thiên, chỉ mặt đối phương mắng lớn :

- Hai cho giống trâu ngực chúng bây hữu nhãn vô ngươi! Ta đã đơn thân thượng đài giữa bọn sài lang chúng bây không bằng ruồi muỗi! Lôi Lão Hổ ngu si thách thức anh hùng thiên hạ nên táng mạng dưới gót tiểu khách anh hùng. Lý Ba Sơn chấp nê mê xuẩn tự mua lấy cái chết trên Mai Hoa thung. Nay ngươi tham tiền của bọn Cơ phòng họa theo nét cũ của Lôi Lão Hổ thiết lập lôi đài, tự mua cái chết, không còn oán ta nữa nhé!

Dứt lời, Hồ Á Kiền cưỡi trường y liệng vào gốc đài. Chàng gọn ghẽ lanh lẹ trong bộ võ phục màu đen tuyền, những người quen thuộc Á Kiền thấy vậy đều bảo nhau hoan hô cổ võ rầm rầm.

Kiền tiến ra trước đài chào khán giả, phân trần phải trái vụ chàng thượng đài để đánh kẻ tham bạc tiền, dám buông lời hỗn xược xuyên tạc đối với các môn phái Thiếu Lâm tự. Lời lẽ ôn tồn, lý lẽ chánh đáng, Á Kiền được mọi người hoan hô ca tụng nhiệt liệt.

Khi đó, khán giả ai nấy đền hồi hộp lo âu sợ thay cho Hồ Á Kiền.

Hai võ sĩ trên đài là hai tối tượng, Ngưu Hóa Giao hùng hục, dữ dội như con trâu lăn, trái lại Hồ Á Kiền mảnh mai văn tướng.

Hóa Giao dạo qua mấy thế oai dũng, đoạn bất chợt xô vào khởi thế “Hắc Hổ Thâu Tâm” tống một quyền vào ngực Á Kiền. Thế đánh rất mạnh mẽ, Hóa Giao như cả một tảng đá lớn lăn thẳng vào địch thủ.

Biết là Hóa Giao dùng thế quyền dũng mãnh ấy để ướm sức mình và để nạt nộ luôn thể, Kiền tọa bộ vững chãi, đưa tay tả gạt trái thôi sơn hắc hổ bật sang bên, đồng thời đổi bộ thành Chảo Mã Tấn tay hữu xỉa thẳng vào sườn địch. Đó là thế “Ngân Long Thám Trảo”.

Ngưu Hóa Giao khen thầm đối thủ lợi hại. Nhưng y ỷ sức mạnh hại tay tả gạt bàn tay cương đao của Á Kiền và thúc luôn cùi chỏ vào sườn địch theo thế “Phượng Dực Đả Loan Đài”. Đang lẽ cùi chỏ này thúc vào ngực Á Kiền, nhưng vì Hóa Giao thấp nên đánh vào sườn, cũng thế. Thừa cơ Háo Giao hở mặt Á Kiền lẹ tay đấm luôn vào huyệt Thái Dương đồng thời hạ tay hữu gạt băng cánh tay Phượng Dực đối phương. Vội vàng, Hóa Giao thối luôn hai bộ tránh đòn, Kiền lăn xả theo phóng một cước nhằm bụng địch. Hóa Giao cậy mạnh, co chân dùng vế đùi hất ngọn cước đó sang bên, đoạn xỉa ngược bàn tay vào yết hầu đối thủ. Đòn “Cương Đao Tỏa Hầu” đó vừa lanh lẹ, vừa mạnh bắt buộc Á Kiền phải lùi lại phía sau tránh.

Đòn qua, thế lại, một bên Hóa Giao như mãnh hổ lìa rừng dữ dội, một bên Á Kiền tức giao long giỡn thủy, cả hai cũng là danh sư chi... đồng sức đồng tài.

Khán giả im phăng phắc, theo dõi trận đấu vô cùng hồi hộp.

Đấu tới ngót trăm hiệp, Hóa Giao vẫn không mất sức chút nào, Kiền nghĩ thầm: “Tên này dữ như gấu, sức lực bền bỉ, nết cứ kéo dài trận đấu thế này, phần bất lợi sẽ về ta, chi bằng dùng thử Hoa quyền xem môn quyền pháp ấy lợi hại tới mức nào để rút kinh nghiệm thực hành về sau”.

Nghĩ đoạn, Á Kiền liền tránh né luôn mấy thế tấn công mạnh mẽ của đối thủ. Hóa Giao tưởng kẻ địch đã xuống sức nên mừng thầm, nhào tới đánh lia lịa, đòn nào cũng chí tử, quyết hạ sát cho kỳ được Kiền để lấy tiếng.

Nhường cho Hóa Giao ra quyền, phóng cước liên miên, Á Kiền thoái bộ hết hai vòng lôi đài, chàng bình tĩnh trước khi sử dụng Hoa quyền. Đánh dữ dội, thục mạng, những tưởng ăn tươi nuốt sống ngay địch thủ mà toàn trượt, Hóa Giao nổi nóng đánh bạt mạng, không suy nghĩ cân nhắc nữa. Y cho rằng lúc này đối phương đã đuối sức, không cần phải thận trọng như lúc mới khởi đấu.

Bỗng nhiên, Á Kiền biến đổi hẳn bộ pháp, tránh né, nhảy như một con vượn, lúc tả, lúc hữu, khi tiền, khi hậu, xoay trong lấy Hóa Giao, đánh toàn đòn đoản vừa lẹ vừa nguy hiểm.

Tình thế đảo ngược, bây giờ Hóa Giao thọ địch hơn là tấn công đàn áp đối phương như hồi nãy. Y vận dụng toàn lực, cố tránh né, gạt đỡ cho kịp đòn của bậc hầu Á Kiền lúc đó biến hiện vô chừng. Vừa đỡ xong trái thôi sơn phía hữu thì bàn tay Cương đai đã chặt tới bên tả, Hóa Giao cố sức xoay tròn theo lối tấn công của đối phương sử dụng Hoa quyền.

Chưa từng học qua, Hóa Giao không hiểu Á Kiền dùng thứ quyền pháp gì mà lạ lùng như vậy! Y cố nhận thức, quyền pháp mà tên tên đối phương nguy hiểm đang sử dụng không ra Hầu quyền, chẳng ra Xà quyền, hoàn toàn kỳ lạ.

Nhiều lúc Hóa Giao muốn thoái bộ xa hẳn địch thủ nhưng lại sợ bọn Cơ phòng và khán giả chê cười nên đánh cố sức giao chiến. Không bao lâu, y thở hồng hộc, mồ hôi toát ra như tắm, sức đuối dần, chân tay chậm chạp, bất giác bị Hồ Á Kiền đấm một quyền trúng bả vai đau điếng.

Dưới đài, khán giả thích trí, hoan hộ rầm rầm. Bốn tên môn đồ của Hóa Giao là Mã Dũng, Hầu Mãnh, Châu Oai, Lý Hùng thấy sư phụ bị trúng đòn thì đều lăm le muốn xông vào đánh hôi, nhưng khán giả la ó inh ỏi :

- Không được tiếp tay!...

- Tiếp tay là đồ hèn!...

Trước sự phản đối của công chúng, bốn tên môn đồ đành khoanh tay thúc thủ.

Lúc đó, Hóa Giao hoang mang lắm rồi. Y thừa biết thua đến nơi nhưng không lẽ chạy? Mà chạy cũng chẳng được. Đối phương lanh lẹ hơn, theo sát. Y mắt hoa, đầu váng, không phân biệt được phương hướng nữa. Mồ hôi trán chảy dầm dề xuống mắt càng khiến y khó chịu hơn...

Bốp!... Tiếp theo là tiếng “Hự” dội lên từ miệng Hóa Giao...

Hồ Á Kiền vừa phóng cước theo thế “Bát Quái Hồ Điệp” đá trúng mỏ ác địch thủ. Hóa giao trúng đòn nghề ấy như kẻ bị đứt hơi, té lăn trên đài.

Thắng trận, Á Kiền nhảy xô tới co chân đạp luôn một đạp vào sống lưng Hóa Giao khiến y thổ huyết, ngất lịm...

Chệch choạng, Á Kiền quay trở lại góc đài cúi lấy chiếc trường y vắt lên vai, ngật ngưỡng nhìn biển người đang xôn xao phía dưới. Chàng định nhảy xuống đài về chùa Tây Thiền nhưng kỳ thay, hai chân mềm nhũn, nhảy không nổi nữa...

Thì ra, Á Kiền quyết thắng Hóa Giao, dùng tận lực giao đấu, sau lại sử dụng Hoa quyền nên kiệt sức.

Á Kiền rùng mình, nôn nao, lợm giọng... Bỗng nhiên toàn thể khung cảnh quay cuồng đảo lộn, Á Kiền không tự chủ được nữa, xây xẩm mặt mày nhào xuống đài...

Nhưng giữa lúc ấy, giữa lúc nguy hiểm cho Á Kiền vì bọn Cơ phòng tử và môn đồ Hóa Giao mừng rỡ tiến đến đón định hạ sát chàng, thì một bóng người đã nhảy vọt qua đầu chúng lên đài, đỡ kịp Hồ Á Kiền, bế gọn chàng lên tay, đoạn nhảy xuống đài đi thẳng.

Việc xảy ra trong khoảnh khắc, nhưng mọi người đều nhận biết ra đó là một vị hòa thượng. Cũng có người biết rõ hơn nữa nhận ra vị hòa thượng ấy là Tam Đức, trụ trì Tây Thiền tự.

Bốn tiểu đồ Hầu, Châu, Lý, Mã và Lý Hòa, Trương Viên nhao nhao lên cả Thủy Nguyệt đài đỡ Ngưu Hóa Giao nằm ngửa lại. Võ sư thiêm thiếp mê man, miệng vẫn trào huyết tươi.

Số đông khán giả tò mò cũng lên cả trên đài xem.

Sửa soạn xong mấy thứ cần thiêt, bốn tiểu đồ Võ Đang sơn vực Ngưu Hóa Giao lên kiệu về thẳng căn nhà mà Cơ phòng tử đã thuê riêng cho Võ sư và bốn đồ đệ ở trong thời gian trấn đài.

Về đến nơi, Lý Hùng, Mã Dung pha thuốc đem theo đổ cho sư phụ chúng dùng, dùng rượu thuốc chà xát toàn thân nạn nhân.

Hồi lâu, Hóa Giao lần lần hòi tỉnh, mở mắt lờ đờ nhìn bọn đồ đệ và Lý Hòa, Trương Viên, Bạch An Phúc ngồi quanh đấy cả. Mã Dũng nói :

- Sư phụ dùng thêm thuốc nữa?

Hóa Giao khẽ lắc đầu, thều thào :

- Vô ích!...Ta biết mình ta lắm... Dập phổi rồi...

Nói tới đây, Hóa Giao mệt quá nhắm mặt lại lịm đi.

Bọn đồ đệ tưởng sư phụ chúng tử nạn vội lay gọi vang cả căn phòng. Hóa Giao hồi tỉnh, đôi môi mấp máy nói không ra tiếng :

- ... Triệu Khánh phủ... tìm sư bá Lữ... Anh Bố... báo thù...

Thều thào được bấy nhiêu lời, Ngưu Hóa Giao ngoẹo đầu trút linh hồn, miệng còn trào thêm máu tươi, hai mắt mở trừng trừng, mặt nhăn hẳn lại.

Thế là tàn một đời hảo hán tài ba chỉ vì tham bạc.

Bốn tiểu đồ Hầu, Châu, Lý, Mã định nhập quan Ngưu Hóa Giao đem về Đông Hải thôn mai táng. Nhưng Bạch An Phúc không đồng ý, quyết quàn quan tài Hóa Giao tại Thiên Phúc tự ngoại thành rồi tìm thỉnh Lữ Anh Bố trả thù Á Kiền.

Nói về Tam Đức hòa thượng đem Hồ Á Kiền về Tây Thiền tự, thuốc men cho tỉnh hẳn. Hôm sau Kiền khỏe như thường, lên thiền phòng tìm Tam Đức tạ tội.

Hòa thượng lắng nghe, hồi lâu mới nói :

- Sư đệ xử sự vẫn hấp tấp. Với vụ Thủy Nguyệt đài này, cái hố sâu ngăn cách hai võ phái Thiếu Lâm, Võ Đang do vụ Vô Địch đài, Mai Hoa Thung ở Hàng Châu, nay biến thành vực thẳm hết bề lấp đầy như Sư trưởng hằng ao ước. Đành rằng Ngưu Hóa Giao tham bạc trấn Thủy Nguyệt đài, nhưng phần Thiếu Lâm chúng ta cũng không nên tức khí trước cái dở của người. Sư trưởng thường dạy: Các môn đồ Thiếu Lâm tự chỉ được sử dụng võ thuật công phu trong bước đường cùng, khi nào không còn giải pháp nào khác hòa giải. Đó là tôn chỉ của Tung Sơn. Mối thù sát phu sư đệ đã trả, bọn Cơ phong không chịu thôi, tiếp tục thuê võ sư lập lôi đài gây sự, dân chúng Quảng Châu này lẽ nào không hiểu sự thực kẻ trái người ngay? Can chi sư đệ phải thượng đài giao đấu để đi đến chỗ đả tử thêm một nhân mạng nữa của Võ Đang sơn? Bát Tý Na Tra Phùng Đạo Đức không khi nào chịu bỏ ngang vụ này! Khi hay tin, Chí Thiện sư trưởng sẽ buồn phiền biết nhường nào?

Hồ Á Kiện cúi đầu nghe Tam Đức hòa thượng dạy bảo, chàng nói :

- Thiệt tình tiểu đệ thượng đài không ngoài ý định giảng giải phải trái với Ngưu Hóa Giao, nhưng y cậy tài sức, dùng lời khinh miệt phạm tới danh dự môn phái và cá nhân tiểu đệ, không nhịn được nữa mới cùng y giao tranh.

Tam Đức chậm rãi :

- Đành rằng sự thật như vậy, nhưng sư đệ non người trẻ dạ không tâm lý, Ngưu Hóa Giao có chuyện gây sự mới nuốt trôi nổi số bạc Cơ phòng tử, thiệt ra y không có quan niệm chi cả.

Hồ Á Kiền cúi đầu im lặng.

Tam Đức nói tiếp :

- Bần tăng long trọng nhắc lại cho sư đệ hay rằng, từ nay nếu còn tự ý hành động về những việc liên quan đến các võ phía, bần tăng sẽ buộc lòng mời sự đệ ra khỏi chùa, không nhận là người đồng phái nữa.

Hồ Á Kiền nhất nhất vâng lời.

Sau vụ Hồ Á Khiền đã xử Ngưu Hóa Giao trtên Thủy Nguyệt đài, Tam sơn hòa thượng phía nhân viên Thiếu Lâm tự báo các sự thế với sư trưởng Chí Thiện.

* * * * *

Nói về Song hiệp Lã Mai Nương, Cam Tử Long đến Triệu Khánh phủ tìm tới Phương gia trang xưng danh và thăm hỏi. Phương Đức và Miêu Thúy Hoa mừng rỡ đón tiếp rất đỗi niềm nở, giữ luôn hai người nghỉ lại trang trại.

Triệu Khánh phủ tuy không lớn bằng Quảng Châu nhưng cũng nhà cửa san sát, lầu các nguy nga, dân cư đông đảo buôn bán tập nập. Thị trấn ở ngay tả dòng Tây Giang thuộc về miền đồng bằng phì nhiêu nên trên bến dưới thuyền sầm uất lạ thường.

Trong thời kỳ ở Triệu Khánh phủ, Mai Nương và Tử Long vào rừng núí săn bắn, thấy nhiều bộ lạc sơn cước sống trong thung lũng ấy, hoặc ở sườn núi cheo leo, cảnh sắc thiệt hùng vĩ.

Đường núi mà Mai Nương và Tử Long theo đó tức là con đường xuyên sơn dẫn từ địa hạt tỉnh Quảng Đông sang Quảng Tây. Từ con đường này còn có nhiều ngả rẽ đi tới các tiểu trấn hay thung lũng bộ lạc sơn cước đất Quảng Tây. Lưỡng Quảng Đông Tây, giao dịch thương mại với nhau hoặc bằng đường ven biển, hoặc bằng đường xuyên sơn. Cả hai đường bộ thủy cùng nguy hiểm. Khách thương tỉa về bằng đừng thủy thì lo sợ bọn thủy khấu nhân hoạt động ven biển. Bọn thủy khấu kiếm ăn tại vùng duyên hải này thường là người quần đảo Mã Đảo hay dân tại đảo Hải Nam. Có khi họ cũng là dân đại lục ở Bắc Hải hay Lệ Châu.

Khách thương Lưỡng Quảng giao thương phần nhiều dùng đường bộ. Họ đi thành đoàn có tiêu sư bảo vệ. Triệu Khánh phủ là một đại điểm giao thương với Quảng Tây, vì thế nội ngoại đại trấn ấy Bảo tiêu cuộc mọc ra như nấm.

Trên đường, Mai Nương, Tử Long thường gặp các đoàn khách thương ấy. Họ tỉa hàng bằng lừa ngựa chớ không dùng xe như nhiều nơi ở Hoa Bắc. Thấy hai thanh niên nam nữ võ trang cưỡi hai tuấn mã cao lớn kiêu dũng, họ thường ngang nhiên nhìn không chớp mắt.

Biết vậy Mai Nương bảo Tử Long :

- Nếu không có đoàn ngựa thồ hàng đi theo, tiểu muội có thể lầm những người này với cường sơn thảo khấu!

Cam Tử Long phì cười :

- Ờ, bọn mã phu Quảng Tây diện mạo dữ dằn thiệt. Họ nhìn cặp tuấn mã đấy. Sư muội không để ý rằng ngựa thồ cũng như ngựa cưỡi xứ Lưỡng Quảng này phần nhiều thấp mà bốn vó quá thô sao? Ngu huynh ngạc nhiên ở điểm là không hề gặp toán cường đạo nào chặn lối trên con đường này.

Mai Nương bỗng hỏi :

- Nè, sư huynh, tiểu muội muốn đi suốt miền này qua Quảng Tây, biết đâu tên Tăng Tòng Hổ không ẩn núp nơi đây?

Cam Tử Long gật đầu :

- Đồng ý với sư muội. Hiện thời phải về Triệu Khánh kẻo Phương thái thái mong chờ. Vả lại nghe Phương thái thái nói tại Nam môn Triệu Khánh có Lữ Anh Bố, môn đồ kiệt hiệt Võ Đang sơn, mở võ quán danh tiếng lắm, chúng ta nên đến thăm cho rộng đường quảng giao với nhân vật các phái.

Lã Mai Nương khen phải. Song hiệp về đến Phương gia trang hỏi thăm Miêu Thúy Hoa lối đến võ đường của Lữ Anh Bố. Miêu thị nói :

- Anh Bố võ quán ở Tây Hà lộ bên Nam môn. Nhị vị đến đó nên để ý xem dư luận Anh Bố đối với vụ Lôi Lão Hổ trước đây ở Hàng Châu như thế nào.

Mai Nương đáp :

- Nếu cần, chúng tôi sẽ giải thích để Anh Bố hiểu vụ Lôi đài Hàng Châu hơn. Bằng mà Lữ võ sư là người quảng đại không chú ý đến chuyện tầm thường nhỏ nhen, tôi sẽ giới thiệu thái thái.

Anh Bố võ quán ở ngay góc Tây Hà lộ và Thu Minh kiều, khu phố an tĩnh rộng rãi.

Lữ Anh Bố năm ấy trạc tứ tuần, vợ Anh Bố là Kỳ thị sanh hạ được hai con trai là Anh Kỳ và Anh Phong, hãy còn nhỏ tuổi.

Nói về phái Võ Đang thời bấy giờ, Lữ Anh Bố là nhân vật có bản lãnh vào hàng đệ nhị, ngang hàng với Thạch Cẩm Bá, Phùng Huy Hạ, và đứng sau Lôi Đại Bàng.

Tánh tình chân phương, Lữ Anh Bố được dân chúng Triệu Khánh phủ rất quý mến. Võ quán họ Lữ là một trong năm võ quán tại Triệu Khánh phủ và đông môn sanh nhất.

Hôm ấy, sau buổi luyện tập cho đồ đệ, Lữ Anh Bố vừa vào hậu đường định thay võ phục thì Lã Mai Nương, Cam Tử Long đến thăm.

Gia nhân vào báo với Lữ võ sư :

- Thưa võ sư, có hai nam nữ võ sĩ lạ mặt tới xin yết kiến.

Võ sư hỏi gia nhân :

- Ngươi đã nói là ta có nhà rồi ư?

- Thưa vâng?

- Hai người ấy có nói là từ đâu tới không?

- Thưa có, họ nói là từ Hoa Bắc du hành qua đây, nghe danh võ sư nên tới thăm.

Lữ Anh Bố xốc áo đi thẳng ra cửa võ quán, thấy Song hiệp uy nghi lẫm liệt thì có ý thầm thán phục.

Hai bên chủ khách thi lễ.

Lữ Anh Bố nói :

- Tôi là Lữ Anh Bố đây, chẳng hay nhị vị có điều chi dạy bảo?

Cam Tử Long đáp :

- Anh em tôi họ Lã, người Trực Lệ, du Nam, nhân qua đây nghe đại danh nên đến hội kiến, mong rằng không đến nỗi phiền toái võ sư?

Lữ Anh Bố niềm nở :

- Đó là hân hạnh cho tôi. Mời tráng sĩ và tiểu thư vào chơi...

Vào tới sảnh đường, phân ngôi chủ khách cùng ngồi. Lữ võ sư hối gia nhân pha trà rồi cùng Cam, Lã luận đàm về võ thuật. Trong câu chuyện, Song hiệp thấy Anh Bố rất vô tư, không có óc phân chia môn phái, nhưng lòng tự ái rất mạnh và biết quý mến anh em đồng môn.

Giữa lúc ba người đang chuyện trò thì gia nhân vào báo với Anh Bố rằng có bốn người từ Quảng Châu đến xin hội kiến gấp, trong đó có hai người đồ đệ của Ngưu Hóa Giao là Lý Hùng, Mã Dũng.

Anh Bố xin lỗi Song hiệp rồi bảo gia nhân mời họ vào sảnh đường. Vào tới nơi Lý Hùng giới thiệu hai người thuộc Cơ Tử Phòng Cẩm Châu Đường rồi quỳ xuống lạu Anh Bố òa lên khóc.

Lữ võ sư ngạc nhiên, nâng hai người dậy mà rằng :

- Ủa! Có điều chi mà hai hiền điệt khóc lóc như vậy? Ngưu sư phụ đâu không cùng đi? Sư đệ ta có được mạnh không?

Lý Hùng gạt nước mắt đáp :

- Đau lòng lắm sư bá ôi! Sư phụ con bị Hồ Á Kiền đả tử tại Quảng Châu rồi còn đâu!

Xưa nay Anh Bá vốn rất thân với Hóa Giao, nghe câu nói ấy thì giựt mình tái sắc :

- Ngưu sư đệ ở tận Đông Hải thôn lên Quảng Châu làm chi mà bị đả tử? Hồ Á Kiền là hạng người nào?

Lý Hùng cố ý bịa thêm :

- Hồ Á Kiền là một tên du đãng cậy mình là môn đồ Thiếu Lâm tự. Y có mỗi cựu thù với người thuộc ban Cơ phòng Cẩm Châu Đường và đả tử người đó. Sư phụ con lên Quảng Châu chơi, thấy sự bất bình bèn can thiệp khuyên ngăn, không dè Hồ Á Kiền tự tôn tự đại nói nhiều lời mạt sát, động chạm đến cả toàn phái Võ Đang. Vì danh dự môn phái, sư phụ con nhất quyết can thiệp, nhân khi quí vị đây lập lôi đài võ chơi ăn mừng chu niên Cẩm Châu Đường, sư phụ con hẹn Hồ Á Kiền thượng đài đấu võ, chẳng dè bị trúng đòn địch.

Lữ Anh Bố ngắt lời :

- Phép đả lôi đài, thua rồi thì thôi cớ sao lại bị đả tử?

Lý Hùng thưa :

- Trong khi Ngưu sư phụ trúng đòn, sa cơ, Hồ Á Kiền ác nghiệt còn cố ý hạ sát nên bồi thêm một đòn chí tử nữa. Sư phụ con bị chết ngất. Tên họ Hồ cùng kiệt sức được hòa thượng Thiếu Lâm nhảy lên lôi đài đem đi. Lúc lâm chung, sư phụ con trối trăn nói tới tên sư bá, xin sư bá báo thù...

Lữ Anh Bố sầm mặt lại suy nghĩ hồi lâu :

- Mọi sự đã xảy ra đúng như lời hiền điệt nói?

Bạch An Phúc lên tiếng :

- Đó là một việc công khai. Nếu chúng tôi biết Ngưu võ sư không địch nổi Hồ Á Kiền thì đã kiếm đường can ngăn võ sư, có lẽ cơ sự cũng không đến nỗi xảy ra như vậy. Đáng tiếc!

Lữ Anh Bố nhìn Bạch An Phúc mà rằng :

- Một khi Hồ Á Kiền đã xúc phạm tới danh dự môn phái thì dù tiên sinh có ngăn cản Ngưu sư đệ cũng không bao giờ nghe!... Tên Hồ Á Kiền bây giờ ở đâu? Vóc dáng y thế nào mà ghê gớm như vậy?

Bạch An Phúc đáp :

- Y hiện thời ở Tây Thiền tự. Tôi dò hỏi được biết rằng vị hòa thượng nhảy lên đài bế tên sát nhân đi chính là hòa thượng trụ trì chùa Tây Thiền. Như vậy đủ rõ rằng Á Kiền cố ý như thế nào rồi. Nếu không chính y hạ nổi Ngưu võ sư, tôi chắc đồng bọn y sẽ thượng đài tiếp tay.

Anh Bố tặc lưỡi, lắc đầu lẩm bẩm :

- Sau vụ Lôi đài Hàng Châu mà tôi không biết rõ, nay tới vụ này... Hừ! Lẽ nào lại thế được? Xưa nay Thiếu Lâm tự luật lệ đối với môn đồ nổi tiếng nghiêm ngặt, lý đâu Hồ Á Kiền lộng hành!... Hồ Á Kiền đã vậy, chớ hòa thượng Tây Thiền tự cũng đương nhiên a dua tới Lôi đài can thiệp là nghĩ lý gì?... Chỉ khổ thay cho Ngưu sư đệ vì nghĩa thác oan!... Hừ! Giận thiệt!...

Nói tơi đây, Lữ Anh Bố nắm tay tả đấm vào lòng bàn tay hữu, nghiến chặt răng lại.

Lát sau Anh Bố bảo Lý Hùng, Mã Dũng :

- Ta lưu nhị vị Cơ phòng lại đây, hai hiền điệt cũng vậy. Nhà có đủ chỗ ở.

Nói đoạn, Anh Bố gọi gia nhân đưa bốn người vào hậu sảnh sửa soạn phòng ở.

Từ nãy, Lã Mai Nương và Cam Tử Long chăm chú nghe chuyện và không khỏi ngạc nhiên về vụ lôi đài Quảng Châu. Tuy không biết Á Kiền bao giờ nhưng hai người từng nghe ba anh em Phương gia thuật vụ cứu vợ con y ở Quảng Châu. Tất chuyện này có uẩn khúc chi đây. Song hiệp đang suy nghĩ thì sau khi bọn Lý Hùng vào hậu sảnh, võ sư Anh Bố nói :

- Trước khi tôi không quan tâm tới những xích mích nhỏ nhen giữa các môn võ phái, nay cái chết của sư đệ Ngưu Hóa Giao đã khiến tôi đổi ý nghĩ khác. Khi nhị vị qua Giang Nam có nghe thiên hạ nói chuyện về vụ đả Lôi đài ở Hàng Châu không?

Mai Nương, Tử Long lẳng lặng gật đầu.

Lữ Anh Bố nói tiếp :

- Đài chủ là môn đồ Võ Đang sơn bị Phương Thế Ngọc thuộc Thiếu Lâm đả tử. Đã xong đâu! Ngũ Mai thiền sư người Thiếu Lâm đả tử Lý Ba Sơn của Tây Khương trên Mai Hoa Thung. Đến nay, Hồ Á Kiền, môn đồ Thiếu Lâm đả tử Ngưu Hóa Giao, một mạng nữa của Võ Đang phái. Hừ! Chỗ nào có người bị đả tử là y như có môn đồ Thiếu Lâm tự. Tôi bắt đầu hết tin tưởng rồi! Không thể bỏ qua được vụ sư đệ Ngưu Hóa Giao.

Nghe Lữ Anh Bố suy luận như vậy, Lã Mai Nương kín đáo nhìn Cam Tử Long, đoạn nói với võ sư :

- Thiên hạ rộng mênh mông, khi ta ngồi một nơi xét đoán theo lời nghe thấy cũng khó xác đáng lắm. Nếu võ sư can thiệp vụ Quảng Châu, thiết nghĩ nên điều tra kỹ lưỡng kẻo mất tình hòa khí giữa các giới và anh em đồng đạo, phải không?

Lữ Anh Bố nét mặt nghiêm trọng :

- Lã tiểu thư dạy chí phải. Tôi sẽ thân hành đi Quảng Châu xem sự thể thế nào.

Song hiệp biết không nên nói chuyện hơn nữa, từ giã ra về thẳng Phương gia trang. Lã Mai Nương thuật cho Miêu Thý Hoa việc Hồ Á Kiền đả tử Ngưu Hóa Giao trên lôi đài Quảng Châu.

Miêu thị không khỏi ngạc nhiên :

- Khi Thế Ngọc đến Thiếu Lâm tự có viết thư về thăm nhà, có nói tới việc đả Cơ phòng tử cứu vợ con Hồ Á Kiền là một môn đồ Thiếu Lâm đang theo học được vài năm trên Tung Sơn. Lẽ nào Á Kiền lại được về Quảng Châu để thượng đài? Chắc có uẩn khúc gì đây! Không có cái sẩy nẩy cái ung như vụ Hàng Châu thì thật phiền! Nhân dịp này, nhị vị đại hiệp nên trở lại Quảng Châu theo sát xem Lữ Anh Bố xử sự thế nào?

Lã Mai Nương gật đầu :

- Chúng tôi cũng tính vậy. Thế phải đình việc xuyên sơn du ngoạn Quảng Tây.

Sáng hôm sau, Cam, Lã từ biệt Phương Đức và Miêu thị lên đường thẳng tiến Quảng Châu. Tới nơi, hai người vào Thanh Thiên lầu lấy phòng, đoạn đến Tây Thiền tự. Hai hòa thượng Tam Đức, Thái Trí đang đàm luận trên phương trượng thấy Song hiệp trở lại thì mừng rỡ mời xuống thiền phòng.

Lã Mai Nương hỏi vụ Lôi đài Thủy Nguyệt và tin tức Hồ Á Kiền.

Tam Đức thuật rõ đầu đuôi cho Song hiệp nghe.

Thuật xong, Tam Đức hòa thượng nói tiếp :

- Hiện thời, lôi đài Thủy Nguyệt vẫn nguyên vị tại khu Y Linh miếu. Bần tăng cho người dò hỏi biết rằng bọn tiểu đồ Võ Đang sơn và Cơ phòng tử quàng thi thể Ngưu Hóa Giao tại Thiên pháp tự ngoại thành. Hai tiểu đồ ở lại đó đèn nhang, còn hai người nữa đi đâu không rõ.

Cam Tử Long nói :

- Họ đi với hai tên đầu Cơ phòng sang Triệu Khánh phủ thỉnh sư huynh kẻ tử nạn là võ sư Lữ Anh Bố về đây báo thù.

Nói đoạn chàng kể chuyện Triệu Khánh phủ cho hai hòa thượng nghe và hỏi tiếp :

- Lữ Anh Bố là người trầm lặng, cân nhắc và hẳn là bản lãnh vượt bực, Ngưu Hóa Giao chớ không thường đâu. Hồ Á Kiện liệu địch nổi không?

Tam Đức trầm ngâm :

- Á Kiền đấu với Hóa Giao phải dùng tới Hoa quyền mới thủ thắng. Y kiệt sức ngay sau khi phóng cước trúng bụng địch thủ. Như vậy chịu trận Lữ Anh Bố sao nổi.

Thái Trí nói :

- Việc này thiệt khó xử. Để Á Kiền lên đài có khác chi mặc tình y tự sát? Trái lại nếu mọi người can thiệp thì Anh Bố sẽ khôn khéo rút lui và trình bày với Phùng Đạo Đức sư trưởng Võ Đang sơn. Vị lão sư ấy tất phân phối môn đồ phòng trợ Ánh Bố, quyết tranh đua với Thiếu Lâm tại Quảng Châu. Cuộc chiến toàn diện sẽ vì thế nổ bùng. Thật đáng ngại.

Suy nghĩ hồi lâu, Lã Mai Nương nói :

- Tôi tạm bàn cách này, may ra có ối thoát. Thứ nhất, cấp tốc tường trình hiện tại có sự gia nhập của Lữ ANh Bố về Tung Sơn cho sư trưởng hay để người giải quyết thẳng với Phùng lão sư. Thứ nhì, nhị vị hòa thượng lên thẳng phủ quan nói rõ tình hình, yêu cầu đại quan can thiệp, triệt phá lôi đài, cấm hẳn các trận giao đấu để giữ gìn trật tự an ninh trong trấn, như vậy có được không?

Thái Trí hòa thượng nhìn Tam Đức mà rằng :

- Giải pháp của Lã hiệp thuận tiện hơn cả. Một mặt ta cấp báo về Tung Sơn, một mặt lên yết kiến phủ quan, sư huynh nghĩ sao?

Không còn cách nào hơn nữa, Tam Đức đành ưng chịu.

Mai Nương, Tử Long về Thanh Thiên lầu nhưng khi cả hai vừa đi tới đầu phố thì chợt thấy một nữ kỵ sĩ xuống ngựa trao cương cho tửu bảo. Về phòng trọ, Song hiệp dò biết nữ hiệp ấy là Nữ Bá Vương Lý Tiểu Hoàn thì lấy làm lạ.

Trong khi Tử Long thay áo, Mai Nương suy nghĩ đoạn nói :

- Đáng lẽ lúc này Lý Tiểu Hoàn phải ở Tây Khương hay Võ Đang sơn mới phải, người ấy lại xuống Quảng Châu này làm chi? Khó hiểu quá!

Cam Tử Long nói :

- Ngu huynh cũng tự vấn câu ấy nãy giờ mà chưa tìm được giải đáp. Dù sao, việc chúng ta đến Quảng Đông cũng không vô ích như chúng ta vẫn tưởng.

Từ hôm ấy, Cam, Lã chú ý xem Lý Tiểu Hoàn hoạt động những gì nhưng tuyệt nhiên không thấy gì lạ. Nàng sống như một người du khách bình thường. Đến bữa ăn nàng cũng dùng bữa ngoài thực phòng nhưng một đôi lúc nàng vắng mặt vì ra phố quá bữa không về.

Mai Nương bảo Tử Long :

- Khi Lữ Anh Bố về Quảng Châu tất thế nào cũng gặp Lý Tiểu Hoàn. Nên thận trọng lỡ y đến đây nhận ra ta lộ hành tích không ích lợi gì. Hôm nay ta đến Tây Thiền tự xem việc Tam Đức hòa thượng yết kiến phủ quan ra sao đi.

Vốn là khách quen, Song hiệp đến Tây Thiền tự không chờ thông báo, đi thẳng ra vô sảnh thấy Tam Đức đang chuyên luyện cho Hồ Á Kiền.

Cam Tử Long hỏi qua mới biết hòa thượng Tam Đức yết kiến phủ quan dẹp lôi đài không có kết quả. Phủ quan còn có ý dung túng lôi đài theo một mệnh lệnh bí mật nào đó. Tam Đức càng giựt mình khi nghe Tử Long báo tin Nữ Bá Vương Lý Tiểu Hoàn đã đến Quảng Châu.

Mọi người đang bàn tán thì có Thái Trí hòa thượng bên Quang Hiếu tự sang thăm. Khi nghe tin Lý Tiểu Hoàn có mặt tại Quảng Châu thì Thái Trí hòa thượng suy luận rằng có thể Lý Tiểu Hoàn sẽ đem vây cánh đến Triệu Khánh phủ phục thù Phương Thế Ngọc.

Nghe Thái Trí hòa thượng nói xong, Lã Mai Nương gật đầu nhìn Cam Tử Long. Nàng nói :

- Thái Trí sư phụ suy luận đồng quan điểm với chúng tôi. Hiện thời, ba anh em họ Phương cùng lên Tung Sơn, một mình Miêu Thúy Hoa ở nhà chống trả lại sao nổi? Tình hình thật cấp bách, nhị vị sư phục có biện pháp nào không, lẽ nào làm ngơ được?

Thái Trí im lặng suy nghĩ trong khi đó Tam Đức hòa thượng nóng ruột đứng vùng lên khoanh tay ra sau lưng đi đi lại lại trong thiền phòng như một con hổ dữ.

Cam Tử Long nói :

- Trong tình thế này chắc chỉ có giải pháp duy nhất là nhị vị sư phụ phái vài tăng nhân bản lãnh chắc chắn đi Triệu Khánh giúp Phương thái thái. Lý Tiểu Hoàn sẽ không dại gì đến đó một mình, nhưng họ Lý sẽ đi cùng nhiều người cao đồ.

Tam Đức nói :

- Trong khi vụ lôi đài Thủy Nguyệt đang biến chuyển, thêm ngay việc Miêu Thúy Hoa. Việc nào cũng cấp bách quả rất khó nghĩ.

Quay sang phía Thái Trí, Tam Đức hỏi :

- Cam hiệp bàn như vậy, sư đệ tính thế nào?

Thái Trí hòa thượng đáp :

- Đó là giải pháp duy nhất thật. Quang Hiếu tự sẵn sàng phái Mạnh Đức tăng và Bảo Thiện tăng. Còn sư huynh?

- Bên Tây Thiền có Trí Vân Tăng, Đức Thái Tăng. Phái người xoàng đi e không được việc, mà cho mấy người này đi, lực lượng ta yếu mất nhiều nếu Võ Đang sơn đem toàn lực lên đây gây chiến.

Nghe Tam Đức nói vậy, Lã Mai Nương bàn rằng :

- Nếu thế sư phụ không nên phái người đi Triệu Khánh sợ ở Quảng Châu bị yếu cánh. Ta có thể hòa hoãn được bằng cách cho Miếu Thúy Hoa thái thái biết Lý Tiểu Hoàn đến Quảng Châu, và dặn thêm rằng nếu Tiểu Hoàn đem đồng bọn đến Phương Gia gây sự thì thái thái cứ việc chối là đi vắng, chừng nào có người từ Quảng Châu qua Triệu Khánh giúp sức sẽ hay. Như vậy lực lượng quý vị không bị Chia xẻ và cũng không đến nỗi lo ngại lắm cho Phương thái thái.

Thái Trí khen là phải và nhận việc sai người đến Triệu Khánh phủ báo cho Miêu Thúy Hoa, nhưng Lã Mai Nương nói tiếp :

- Sư phụ khỏi bận tâm, chúng tôi có phương cách chắn chắn gửi thư đến Phương gia trang.

Bàn định xong, mọi người chia tay.
Bình Luận (0)
Comment