Lãm Phương Hoa - Kiều Gia Tiểu Kiều

Chương 114

Sau đó, Tạ Lãm bắt đầu theo tập tục kinh thành, tất bật lo tiệc đầy tháng cho cậu nhóc Tạ Chân Ngô nhà mình. 

Phùng Gia Ấu thì chuyên tâm dưỡng sức, không hỏi han can thiệp gì, để mặc hắn lo liệu, coi như một phen tập tành. 

Về phần mẹ nàng, Giang Hội Từ, sau khi rời khỏi Phùng gia quay về Giang gia ở Dương Châu, vẫn luôn bận rộn trông nom việc buôn bán của gia đình. 

Cho đến khi mang thai Chân Ngô, Phùng Gia Ấu vẫn chưa có dịp về Dương Châu thăm bà. Hai mẹ con chỉ trao đổi thư từ. sinh nhật thì gửi quà cho nhau.

Khoảng thời gian thai nghén là lúc Phùng Gia Ấu nhớ mẹ da diết. Đôi khi rảnh rang, nàng hay thầm đoán: đến tiệc đầy tháng của con, cữu cữu chắc chắn sẽ đưa biểu ca đến, chẳng biết nương có đi cùng không?

Theo lẽ thường thì bà nên đến. Nhưng lần đó bà rời khỏi kinh thành vô cùng dứt khoát, như thể cả đời này chẳng muốn gặp lại Phùng Hiếu An nữa. Sợ là bà cũng vì thế mà chẳng muốn quay lại nơi này. 

Huống chi xưa nay mẹ nàng luôn thấy con gái mình đã trưởng thành độc lập và mạnh mẽ, chẳng cần ai phải quan tâm lo lắng.

Phùng Gia Ấu hiểu cho bà, nhưng lòng lại không khỏi hụt hẫng.

Có một đêm, suy nghĩ rơi vào lẩn quẩn, nàng nằm tủi thân rấm rứt khóc. Tạ Lãm bị nàng làm cho hết hồn, dỗ dành suốt đến sáng, thậm chí còn bỏ cả buổi chầu sáng, muốn lập tức phi ngựa tới Dương Châu, rước mẹ vợ về cho bằng được. 

Nhưng hắn hiểu rõ tính nết của Phùng Gia Ấu — nếu mẹ nàng có đến, nhất định phải do tự bà muốn đến. Chứ nếu do hắn cất công đi mời, e rằng còn khiến Phùng Gia Ấu chạnh lòng thêm.

Nào ngờ, Giang Hội Từ lại đã sớm lên đường bắc tiến, đến kinh thành trước ngày Phùng Gia Ấu sinh nửa tháng.

Vì muốn thuận tiện chăm con gái, bà chẳng buồn để ý lời ra tiếng vào, dọn thẳng vào khu phòng phía đông trong Phùng phủ.

Còn Phùng Hiếu An thì gần như chuyển luôn sang ở tại Đại Lý Tự, nếu không phải bắt buộc thì cũng chẳng quay về phủ làm gì.

Mãi đến khi Phùng Gia Ấu sinh xong, bé A Ngô chuẩn bị đầy tháng, Giang Hội Từ cũng sắp trở về Dương Châu, Phùng Gia Ấu vẫn còn hồ nghi: có phải cha nàng đã mời mẹ đến?

Giang Hội Từ mệt mỏi khi phải giải thích mãi:

“Nương phải nói bao nhiêu lần nữa đây? Là nương tự mình muốn đến. Con gái ruột của nương sinh con, nương làm mẹ mà còn cần ai mời?”

Nhiều năm qua, Giang Hội Từ từng không biết làm sao để đối mặt với con gái. 

Bà từng tránh né nàng, mà nguyên do thật ra là vì nỗi tự ti bị kinh thành trói buộc. Bà xem mình chỉ là con gái nhà buôn, toàn thân nặng mùi tiền, đầu óc suốt ngày vướng bận  chuyện nhi nữ tình trường, thấp hèn đến tột cùng.

Sau khi rời khỏi kinh thành, trở về nơi mình quen thuộc, trở về lĩnh vực mà bản thân giỏi nhất, bà dần dần lấy lại lòng kiêu hãnh.

Nghĩ lại chuyện xưa, bà càng thấy có lỗi với con. Chuyện đã qua chẳng thể bù đắp, và con gái bà đã trưởng thành, lấy được người chồng đáng tin, người làm mẹ như bà giờ chẳng còn mấy quan trọng. Chỉ trong những thời khắc như thế này, con gái mới thật sự cần đến mẹ, sao bà lại không đến cho được?

Phùng Gia Ấu không phải không tin, ngồi trên giường, vừa ngắm mẹ mình dỗ A Ngô ngủ, vừa khẽ giọng nói:

“Con chỉ nghĩ, chắc nương không muốn gặp cha…”

Thật ra Giang Hội Từ không căm ghét Phùng Hiếu An. Nếu chỉ là ghét, thì còn có thể gắng nhẫn nhịn. Sự thật là bà đang cố gắng buông bỏ, muốn bước tiếp về phía trước.  

Nếu cứ gặp mặt mãi, e rằng sẽ khó giữ được sự dứt khoát. Không đến mức dao động, nhưng sẽ chuốc thêm phiền não.

Giang Hội Từ dời ánh mắt khỏi gương mặt nhỏ xíu trong tay, chuyển sang nhìn con gái:

“Nương từng vì ông ấy mà bỏ bê con gái mình. Nếu giờ vẫn vì ông ấy mà lưỡng lự không dám làm gì, vậy thì nương hòa ly với ông ấy còn có ý nghĩa gì nữa?”

Phùng Gia Ấu không trả lời được, chỉ nói:

“Dù sao, lần này nương đến ở với con suốt thời gian qua, con thật sự vui lắm. Cảm ơn nương.”

Chẳng ngờ chỉ một câu cảm ơn chân thành ấy, lại khiến lòng Giang Hội Từ đau như cắt.

Đứa bé trong tay bà với đôi mắt sáng long lanh giống hệt Phùng Gia Ấu khi còn bé. 

Nước mắt bà suýt trào ra.  May mà Phùng Gia Ấu đang cúi đầu, không thấy được mắt bà đang đỏ hoe.

Giang Hội Từ vội hít sâu một hơi, bế cậu nhóc bước đến bên án thư.

Trên bàn bày la liệt mấy tờ giấy tyên thành, đều là ghi chép của Tạ Lãm về việc tổ chức tiệc đầy tháng. Tuy chữ viết có phần nguệch ngoạc, nhưng từng dòng từng mục đều rất tỉ mỉ.

Giang Hội Từ bật cười:

“Nếu không tận mắt chứng kiến suốt một hai tháng nay, nương thật không tin nổi, tính tình hoang dã bất kham như Tạ Tiểu Sơn lại có thể tinh tế chu đáo như vậy.”

Không chỉ thể hiện trong mấy tờ giấy này, mà còn trong mọi việc hắn chăm sóc Phùng Gia Ấu. Từ khi bé A Ngô ra đời, mỗi đêm đều là hắn đích thân ôm con trông nom, chưa từng để bà vú bế đi.

Phùng Gia Ấu nói:

 “Con đã nói với nương rồi mà, chàng là người bên ngoài thô ráp bên trong tinh tế. Tìm khắp thiên hạ khó mà kiếm được phu quân nào tốt hơn chàng.” 

Trước mặt Giang Hội Từ, nàng chưa từng tiếc lời khen ngợi Tạ Lãm, nói quá lên cũng chẳng sao — mục đích là để mẹ nàng có thể yên lòng ở lại Dương Châu sống an ổn.

Giang Hội Từ lo lắng:

“Đêm trông con, chưa sáng đã phải vào triều. Con cũng nên khuyên phu quân con, có thể nhờ vú em thì cứ để vú em chăm, chớ nên vì cố quá mà hại đến thân thể.”

“Chàng ấy biết chừng mực mà. Với lại, đó là việc chàng nên làm. Con mang thai mười tháng, chẳng phải còn cực khổ hơn sao? Có ai thay con chịu giúp đâu.”

Thật lòng nàng cũng xót lắm. Năm nay Tạ Lãm vừa nhậm chức Chỉ huy sứ Huyền Ảnh Ti, giờ lại thêm vai trò làm cha, bận đến xoay như chong chóng, ngủ muộn hơn chó dậy sớm hơn gà. Nhưng hắn làm mọi việc trong vui vẻ và trong sức mình, nàng có lý do gì để ngăn cản? 

“Nương à, con nói câu này nương đừng giận. Năm xưa nương thua ở chỗ lúc nào cũng hy sinh, lúc nào cũng xót cha, mới khiến ông ấy quen với việc đặt nương ở vị trí sau cùng.”

Trước kia, Phùng Gia Ấu hiếm khi tâm sự với mẫu thân, lại chẳng hiểu rõ chuyện giữa cha mẹ thuở trước, nên không dám tùy tiện đánh giá.

Nhưng qua quãng thời gian sống cùng nhau, nàng có thể khẳng định — chuyện cha sau khi về kinh vẫn không đón mẹ về ngay, phần lớn là do thói quen được mẹ nàng nuông chìu tạo nên.

“Giờ nương hòa ly với cha rồi, nhắc lại cũng vô nghĩa. Nhưng nương còn trẻ, biết đâu mai này sẽ gặp được người thật sự xứng đáng…”

Sợ bị Giang Hội Từ mắng, nàng càng nói càng nhỏ giọng.

Giang Hội Từ lại bật cười:

“Con cho rằng cứ hễ vướng vào tình cảm là nương mụ mị hết đầu óc sao?” 

Phùng Gia Ấu càng không dám nói lớn: 

“Thì… nương cũng chưa thử lại lần nào mà, phải không ạ?”

“Con nói vậy nương cũng chẳng phản bác được.” 

Giang Hội Từ ôm bé A Ngô ngồi xuống, trầm ngâm một lúc rồi nghiêm túc nói: 

“Hồi xưa nương mụ mị vì yêu thật, nhưng nương nghĩ phần lớn vì đối phương là cha con… Con nghĩ xem, trên đời này nương còn có thể gặp ai hơn được ông ấy không?” 

Phùng Gia Ấu: “…”

Dù trong lòng nàng luôn thấy Phùng Hiếu An không xứng làm con, làm chồng, càng không xứng làm cha, là người tệ bạc vô cùng.

Nhưng xét về tướng mạo lẫn tài trí, ông đúng là hiếm gặp. Công bằng mà nói, nếu ông không phải cha mình, có khi Phùng Gia Ấu không hận mà còn thực lòng bội phục.

Từ lúc ông trở lại kinh thành, những gì ông làm cũng khá ra dáng một người cha mẫu mực. Có thể thấy ông đang thật tâm muốn nối lại tình cảm cha con.

Thời gian trôi qua, oán hận trong nàng nguôi dần. Dù không muốn thừa nhận, nhưng quả thật, lòng nàng đã dần nảy nở chút tình cảm cha con.

Tuy nhiên, đời này Phùng Gia Ấu quyết sẽ không bao giờ thật lòng gọi ông một tiếng “cha” trước mặt.

Cuộc đời mà, luôn có những điều tiếc nuối, như gia gia nàng cũng ra đi trong bao điều day dứt.

Phùng Hiếu An… ông ấy xứng đáng nhận lấy nỗi tiếc nuối đó.

Hai ngày nữa là đến tiệc đầy tháng của bé A Ngô. Hôm ấy tan triều, cả Phùng Hiếu An và Tạ Lãm đều không về nha môn.

Hai người cùng ngồi xe trở về Phùng phủ để chuẩn bị cho ngày lễ.

Trên xe, Tạ Lãm dè dặt nhắc:

“Nhị thúc này, tiệc đầy tháng xong là nhị thẩm sẽ rời kinh về Dương Châu đó.”

Phùng Hiếu An nhìn sang hắn:

“Chẳng phải bà ấy từ Dương Châu tới sao?”

Tạ Lãm thở dài:

“Cơ hội tốt như vậy mà thúc cứ lẩn tránh, cả ngày trốn trong nha môn, chẳng hiểu là vì cớ gì.”

Phùng Hiếu An có nỗi khổ riêng:

“Bà ấy vì con gái mà chẳng màng danh tiếng, ta thì không thể không giữ danh tiếng cho bà ấy.”

Tạ Lãm biết nhị thúc mình thật lòng với nhị thẩm:

“Nhị thúc à… nam tử hán đại trượng phu cúi đầu xin lỗi vợ mình cũng không có gì mất mặt cả.” 

Phùng Hiếu An chỉ cười, không đáp.

Ông biết — việc đó chẳng có gì là mất mặt cả. Nếu có thể cứu vãn, ông sẵn lòng cúi đầu xin lỗi, thậm chí quỳ xuống cầu xin bà tha thứ cũng được.

Nhưng vấn đề thực sự giữa ông và Giang Hội Từ vẫn là câu ông đã tự thuyết phục mình buông tay khi đó: 

Thứ bà muốn, ông không thể cho.

Bà luôn mong có thể chiếm lấy một chỗ thật lớn trong lòng ông. Nhưng từ trước khi gặp bà, tim ông đã chẳng còn bao nhiêu chỗ trống — phần lớn đã dành hết cho công lý và lê dân bá tánh.

Nếu cố giữ bà lại bên mình và hứa hẹn đủ điều, rốt cuộc đó cũng chỉ là lời hứa không thể thực hiện. Đến cuối cùng, trái tim bà có lẽ mãi mãi chẳng thể được lấp đầy.

Thay vì thế, chi bằng để bà rời đi, mở ra một chân trời thuộc về riêng bà, để bà có thể tìm được sự mãn nguyện ở nơi chốn khác.

Biết đâu… một ngày nào đó… 

Phùng Hiếu An nắm tay lại, trong tâm trí trôi nổi trong miên man, dường như nghe thấy Tạ Lãm hỏi:

“Nhị thúc, thúc tự đẩy mình vào cảnh cô độc, bị người thân xa lánh thế này, có khi nào từng hối hận không?”

Phùng Hiếu An không né tránh, đáp thẳng:

“Không phải có từng hối hận hay không — mà là, mỗi một ngày, ta đều hối hận.

Nếu được làm lại từ đầu, ta tuyệt đối sẽ không đi gây dựng cái Hội Đồng Minh kia. Đó vốn chẳng phải con đường đúng đắn.

Ta cũng sẽ không bỏ vợ bỏ con mà chạy đến Tây Bắc, bởi có đến cả trăm cách để ta chuộc lại lỗi lầm năm xưa.

Và ta cũng không trốn biệt hơn chục năm trời, bởi hoá ra, đối mặt chẳng đáng sợ như ta tưởng.

Cầu công đạo, cứu bách tính, thực ra chẳng cần phải hy sinh đến thế. Rất nhiều việc, rõ ràng là có thể dung hòa, là do ta quá thiên lệch mà thôi..”

Vừa nói, ánh mắt Phùng Hiếu An vừa lướt qua Tạ Lãm, rồi dừng lại nơi khung cửa sổ đang mở.

“Nhưng nếu là một lần làm lại không mang theo ký ức, với tuổi đời, kinh nghiệm và hoàn cảnh thuở ấy, rất có thể ta vẫn sẽ đi vào vết xe cũ. Dù có làm lại bao nhiêu lần, kết cục e rằng cũng chẳng khác hôm nay là bao.

Cũng nhờ đã từng đi con đường ấy, nên bây giờ ta mới có đủ bản lĩnh để hiểu rằng: mình hoàn toàn có thể làm tốt cả hai.

Nói thế để thấy, cái gọi là hối hận, ngoài việc tự giày vò mình, e rằng cũng chẳng mang lại ích lợi gì.”

Rơi vào bước đường hôm nay… cũng là quả báo mà ông tự chuốc lấy. 

Lúc Tạ Lãm trở về phủ, Phùng Gia Ấu đang ngủ bù giấc sáng.

Hắn rón rén bước đến bên nôi, thấy bé A Ngô cũng đang say giấc nồng.

Tạ Lãm cúi người ngắm nghía gương mặt bé xíu, vừa nhăn nhúm vừa xấu xí của con trai, nhìn mãi mà vẫn chưa chán.

Từ ngày con ra đời đến giờ, chỉ cần hắn ở nhà là nhất định tự tay chăm sóc, không phải vì không tin bà vú, mà vì muốn mau chóng nhập vai, làm quen với vị trí của người cha.

A Ngô sắp tròn tháng, đôi khi nửa đêm nghe thấy tiếng khóc, hắn còn tưởng mình bị ảo giác, không dám tin bản thân đã làm cha người ta.

Ngắm con chán chê, Tạ Lãm rởi khỏi nôi, đến bên giường, tháo giày quan rồi nằm xuống cạnh Phùng Gia Ấu, định tranh thủ chợp mắt với nàng một lúc. Hắn đúng là mệt đến rã rời, suốt buổi triều sáng nay cứ gật gà gật gù, chẳng biết đám đại thần cãi vã đỏ mặt tía tai vì chuyện gì. 

Phùng Gia Ấu chưa ngủ sâu, vốn nằm ở mé ngoài, nghe động liền nhích vào trong một chút.

Trời đang giữa hè, trong phòng oi ả, hai người nằm gần nhau chỉ càng thêm nóng. Huống chi nàng vẫn còn trong cữ, không thể tắm rửa thường xuyên như lúc bình thường, cả người dính dính khó chịu.

Ấy thế mà Tạ Lãm cứ khăng khăng phải ôm lấy nàng từ phía sau. Cũng may người hắn xưa nay đông ấm hạ mát, tạm thời kề sát vào cũng không đến nỗi khó chịu lắm.

Phùng Gia Ấu nhận ra hắn có điều ấm ức:

“Sao vậy? Lên triều bị ai chèn ép hả?”

“Ta giờ là Chỉ huy thân quân của Hoàng thượng, ai dám chèn ép ta?” 

Nhắc đến bọn quan lại kia, Tạ Lãm hừ khẽ đầy khinh bỉ: 

“Loại tiểu nhân như Lý Tự Tu, vòng vo bóng gió chửi xéo ta, ta nghe không hiểu thì nhị thúc sẽ thay ta tính sổ. Dù sao đánh cọp phải có anh em, ra trận phải có cha con, hắn sánh sao được?”

Phùng Gia Ấu tủm tỉm cười:

“Vậy rốt cuộc là chuyện gì? Sáng ra còn thấy chàng hăm hở lắm mà?”

“Không có gì lớn, chỉ là lúc cùng nhị thúc về, nói chuyện đôi câu, nghe ông kể vài điều về cuộc đời…” 

Tạ Lãm biết nàng không thích nghe chuyện về nhị thúc nên không kể thêm nữa, chỉ nghiêng người, dùng chóp mũi cọ cọ vào gáy nàng, thì thầm:

“Ấu nương…”

Nàng bị hắn cọ nhột, nhưng không dám nhúc nhích mạnh, sợ châm lửa lên người hắn. Từ lúc nàng mang thai đến giờ, hắn đã nhịn suốt chín tháng.

Tạ Lãm thở dài bên tai nàng:

“Trước kia ta cứ tưởng mình vô địch thiên hạ, chuyện gì cũng có thể gánh vác. Nhưng giờ nghĩ lại, nếu đặt bản thân vào thời loạn hai chục năm trước, e rằng cũng khó mà không bị dòng đời cuốn trôi.”

“Thì vốn là vậy.” Phùng Gia Ấu chưa bao giờ nghĩ thiên hạ này chỉ cần một người là có thể bình định, cũng chẳng cho rằng họ giỏi hơn tiền nhân bao nhiêu.

Miệng nói là dọn tàn cục, nhưng trên thực tế, tiền nhân đã dọn dẹp qua vô số tàn cục rồi, chỉ là vẫn còn sót lại chút rối ren chưa kịp thu xếp mà thôi.

Nàng nói: 

“So với cha mẹ đời trước, chúng ta thực ra là một thế hệ rất may mắn.”

Tạ Lãm gật đầu đồng tình, lòng thầm thấy nàng nói quá đúng.

Cũng bởi vậy, họ càng phải cố gắng hơn nữa… để A Ngô sau này có thể trở thành một thế hệ còn may mắn hơn.

Đêm xuống, phủ Trấn Quốc Công.

Yến tiệc đầy tháng sắp được tổ chức ở Phùng phủ khiến không ít người đau đầu vì chuyện chọn quà mừng.

Trong số đó có cả Tùy Anh.

Thật ra từ trước khi Phùng Gia Ấu sinh nở, Tùy Anh đã chuẩn bị xong quà. Nhưng mấy hôm nay càng nhìn lại càng thấy… không đủ tấm lòng. Phùng Gia Ấu là người bạn thân nhất của nàng, mà bé A Ngô lại là con trai đỡ đầu của nàng.

Lễ vật nhất định phải thật đặc biệt mới được.

Nhưng Tùy Anh nghĩ mãi cũng không ra — với một người chẳng thiếu gì như Phùng Giai Ấu, thì còn món quà nào có thể gọi là đặc biệt nữa đây? Có thứ quý giá nào Phùng Gia Ấu muốn mà Giang gia ở Dương Châu không thể lo được chứ? 

Nghĩ mãi, nghĩ mãi… rồi thiếp đi lúc nào không hay.

Trong mơ màng, nàng cảm thấy có ai đó ngồi xuống mép giường, nhẹ nhàng kéo chăn đắp lại cho nàng. Trong tiềm thức, nàng biết đó là Lạc Thanh Lưu nên không hoảng hốt hay giật mình tỉnh dậy.

Hơn một năm qua, hai người vẫn thường gặp nhau như này, nhưng nếu tính kỹ thì số lần cũng chẳng nhiều.

Trước kia, Lạc Thanh Lưu thường tới vào đầu đêm. Nhưng hai ba tháng gần đây hắn được Từ Tông Hiến cất nhắc, chức vụ ở Ti Lễ Giám ngày càng cao, việc càng lúc càng nhiều, cũng bị người ta để mắt tới nhiều hơn. 

Cho nên phần lớn hắn chỉ có thể đến vào lúc nửa đêm về sáng. Mà vì còn phải theo Từ Tông Hiến lên triều sớm nên thời gian ở lại cũng chẳng được bao lâu, vừa đến đã lại phải vội vã quay về cung.

Thường thì chỉ cần nghe tiếng chuông nhỏ reo lên, Tùy Anh đã tỉnh giấc trước khi hắn bước vào phòng.

Nhưng đôi khi ban ngày mệt quá, nửa đêm nàng ngủ mê man chẳng nghe thấy chuông, Lạc Thanh Lưu cũng chẳng gọi, chỉ lặng lẽ ngồi bên giường, hoặc đến bàn sách lật xem những binh thư nàng vừa đọc trong ngày. 

Mấy lần như vậy, sáng ra nàng đều chẳng hay đêm qua hắn đã đến. Về sau trong lúc trò chuyện vô tình nhắc tới nàng mới biết. 

Hôm đó nàng nổi giận với Lạc Thanh Lưu không để đâu cho hết. 

Giờ muốn gặp được hắn đã khó. Sau này khi Từ Tông Hiến rút khỏi trung tâm quyền lực vì con trai, cùng Lý Thanh Vãn ẩn cư, thì Lạc Thanh Lưu sẽ là Đại đốc công kế nhiệm. Họ muốn gặp nhau lại càng thêm khó. 

Tuy nàng cũng có con đường riêng để đi, cũng bận rộn chẳng kém ai, không phải lúc nào cũng nghĩ về hắn. Nhưng mỗi đêm trước khi ngủ, lòng vẫn cứ mơ hồ mong đợi.

Nàng chất vấn hắn có hiểu cho cảm giác đó của nàng không?

Từ bé Tùy Anh đã sống với hai ‘gương mặt’. Đối với người ngoài nàng lúc nào cũng nóng nảy bộc trực, chẳng có chút kiên nhẫn. Nhưng đối với người nàng để tâm, lại hiền lành dịu dàng như một con mèo nhỏ. 

Tất nhiên, ngoại trừ đứa em trai Tùy Tư Nguyên và cái tên đầu óc có vấn đề Thẩm Thời Hành kia ra.

Vậy nên hôm nàng nổi giận, Lạc Thanh Lưu, người luôn hiểu nàng nhất, cũng bị dọa cho sợ không nhẹ.

Nàng cho hắn hai lựa chọn: một là đánh thức nàng dậy, hai là lên giường nằm xuống bên nàng.

Sau đó Lạc Thanh Lưu có thử gọi nàng thật. Nhưng lúc ấy nàng quá mệt, ngồi dậy ngáp ngắn ngáp dài, hai mắt đỏ hoe đầy tia máu.

Từ đó về sau, mỗi khi lại gặp cảnh ấy, hắn chẳng đành lòng gọi nữa, vẫn mặc nguyên y phục, lặng lẽ nằm xuống quay mặt đối diện nàng.

Bên cạnh đột nhiên có người nằm xuống, dù có mệt đến mấy Tùy Anh cũng nhận ra hắn đã tới.

Nhưng nàng cũng không vì vậy mà được nước lấn tới. Từ chuyện hắn dám bước vào phòng nàng, rồi ngồi bên giường nàng, cho đến khi bằng lòng nằm xuống cạnh nàng… 

Tùy Anh không rõ một người cố chấp như hắn đã phải vật lộn để vượt qua từng bước ấy ra sao, nhưng chắc chắn là chẳng hề dễ dàng.

Nàng nằm thêm một lúc mới chầm chậm mở mắt ra.

Vừa hay bắt gặp Lạc Thanh Lưu đang vươn tay định vén mấy sợi tóc vương ngang sống mũi nàng ra sau tai.

Hắn định rút tay về, nhưng rồi vẫn tự nhiên làm nốt động tác ấy:

“Ta làm nàng tỉnh giấc à?”

“Chàng đánh thức được ta, chứng tỏ hôm nay ta cũng không mệt lắm.” 

Tùy Anh ngồi dậy, níu tay áo hắn, vừa nhăn mặt vừa than:

“Chàng đến đúng lúc lắm, ta đang đau đầu đây, không biết nên tặng gì cho Tiểu A Ngô.”

Lạc Thanh Lưu ngạc nhiên:

“Chẳng phải nàng đã chuẩn bị từ sớm rồi sao?”

Tùy Anh lắc đầu:

“Những món ấy tuy quý giá thật, nhưng ta thấy vẫn chưa đủ đặc biệt. Không đủ thể hiện tấm lòng ta dành cho thằng bé. Dù gì ta cũng là mẹ đỡ đầu của nó mà.”

Lạc Thanh Lưu khẽ cười:

“Nàng định làm mẹ đỡ đầu của Tiểu A Ngô à?”

Tùy Anh cũng cười:

“Ta và Tiểu Gia đã hứa với nhau từ nhỏ rồi, sau này sẽ làm mẹ đỡ đầu cho con của nhau.”

Nói đến đây, nàng vội bổ sung ngay:

“Tính theo nghĩa nào đó thì ước hẹn ấy của hai đứa cũng coi như thành rồi. Ta là mẹ đỡ đầu của Tiểu A Ngô, còn Tiểu Gia thì thành sư nương của Tư Nguyên nhà ta.”

Vừa nói xong, nàng lén liếc nhìn sắc mặt Lạc Thanh Lưu, thấy hắn không phản ứng gì mới yên tâm.

Nhưng Lạc Thanh Lưu chỉ đang cố giữ nét mặt bình thản, trong lòng thực ra không hề yên ổn. 

Chỉ là thứ cảm xúc ấy lại không giống như Tùy Anh nghĩ.

Hắn đang tự trách mình. 

Rất nhiều điều, hắn chẳng thể cho nàng được. Hắn nợ nàng, người chịu thiệt thòi là nàng. Thế mà nàng lúc nào cũng quá đỗi cẩn thận, lúc nào cũng sợ hắn phải chịu uất ức.

Lẽ ra… không nên như vậy.

Không thể để im lặng kéo dài, Lạc Thanh Lưu lên tiếng:

“Nói đến em trai nàng, dạo này tiến bộ nhiều đấy. Lúc nãy đi ngang qua vườn, ta thấy nó nửa đêm vẫn còn đang luyện đao.”

Thường thì mỗi lần có ai khen Tùy Tư Nguyên, Tùy Anh sẽ cười vui ngay.

Không ngờ lần này nàng lại hậm hực:

“Tạ Lãm thật quá đáng!”

Lạc Thanh Lưu bị tiếng quát bất ngờ làm giật mình.

“Hắn với Lý Tự Tu không ưa nhau, rồi lại đem em ta ra trút giận!”

Hiện tại, Tùy Tư Nguyên có hai sư phụ. Văn là Lý Tự Tu. Võ là Tạ Lãm.

Cả hai đều là kỳ tài trong lĩnh vực của mình, chỉ cần bái được một người đã là đại phúc.

Mà bái được cả hai… thì đúng là đời khổ không ai bằng.

Hai ông thầy kia chẳng ai nhường ai, ngấm ngầm so xem ai dạy giỏi hơn, xem Tùy Tư Nguyên học văn tốt hơn hay luyện võ giỏi hơn.

Dù cả hai đều dốc lòng truyền dạy, nhưng khối lượng bài vở thì thật sự khiến người ta sứt đầu mẻ trán, sống dở chết dở.

Tùy Anh vừa nói vừa tức đỏ mặt:
“Lý Tự Tu thì ít ra còn sót lại chút tình người. Còn Tạ Lãm – đúng là không có nửa phần nhân tính! Chỉ vì mấy hôm trước Tư Nguyên đọc thêm vài quyển sách, bỏ sót một bài đao pháp, thế mà bị bắt luyện đao suốt ba đêm liền đến tận sáng!”

Mặt Tùy Anh đỏ bừng vì tức, Lạc Thanh Lưu dỗ dành:

“Đúng là họ có phần tranh đua, nhưng chắc chắn cũng cân nhắc đến sức chịu đựng của Tư Nguyên. Nàng cũng đừng lo quá. Với lại, dạo này nó tiến bộ không ít đâu.”

“Thôi đừng nhắc nữa.” Tùy Anh xua tay, vẻ mặt đầy phiền muộn, “Nghĩ tiếp xem nên tặng gì cho Tiểu A Ngô thì hơn.”

Lạc Thanh Lưu nói:

“Nếu nàng không đặt nặng chuyện vật chất, chỉ muốn tỏ tấm lòng thôi, thì ta có một món này khá hợp. Mai ta sai người mang tới, nàng dùng làm quà là vừa đẹp.”

Tùy Anh tò mò:

“Món gì thế?”

Lạc Thanh Lưu cũng không làm bộ giấu diếm:

“Thiết hàn Yên Sơn, chuyên dùng để rèn binh khí. Thứ này hiếm lắm, ta mới lấy được mấy hôm trước, thật đúng dịp.”

Tùy Anh lập tức nghĩ đến cái hộp binh khí rực rỡ của Tạ Lãm: 

 “Tạ đại nhân chắc không thiếu thứ này đâu nhỉ?”

“Ta không biết hắn có thiếu hay không, nhưng chắc chắn là sẽ không chê nhiều đâu.” 

Lạc Thanh Lưu cười rồi kể: 

“Loại ám khí mà Tạ phu nhân luôn mang theo bên người, chính là dùng loại Hàn thiết Yên Sơn này đấy.”

Chuyện này Tùy Anh biết, Phùng Gia Ấu từng kể với nàng rằng Tạ Lãm đã nấu chảy mấy thanh đao, đích thân đúc thành.

Lạc Thanh Lưu nói thêm một việc nàng chưa biết:

“Hồi trước thành hoang gần biên giới Nam Cương, lúc bọn ta giao chiến với cận vệ hoàng thất Nam Cương, Tạ phu nhân từng dùng ám khí đó một lần, nàng nhớ không?” 

“Nhớ.” Tùy Anh gật đầu. 

“Khi ấy có mấy chiếc châm bắn trúng thủ lĩnh đội cận vệ, phần còn lại thì găm vào tường gần đó… Sau khi chúng ta rút về Đô Ti Điền Nam, Tạ huynh vừa tỉnh dậy khỏi hôn mê, nói năng còn chưa rõ, đã vội gọi ta tới, hỏi ta có khỏe chưa, bảo là có chuyện hệ trọng muốn nhờ.”

Chuyện đã qua khá lâu, giờ nhắc lại mà Lạc Thanh Lưu vẫn không nhịn được cười:

“Lúc đó nhìn vẻ thần bí nghiêm trọng của huynh ấy, ta còn tưởng là chuyện quốc sự gì ghê gớm. Ai ngờ đâu… lại là nhờ ta quay lại thành hoang, nhặt cho được mấy chiếc kim châm bị rơi!”

Môi Tùy Anh không nén được toét cười:

“Chàng không thật sự đi đấy chứ?”

“Ta đi chứ. Người kiêu ngạo như huynh ấy hiếm hoi lắm mới mở miệng nhờ vả. Sao ta có thể không đi được?” 

Lạc Thanh Lưu xòe hai bàn tay đẹp đẽ ra, cảm thán:

“Từng cây, từng cây nhổ ra khỏi bức tường phủ đầy rêu… cũng vất vả lắm đấy.”

Tùy Anh lúc này mới thật sự tin:

“Xem ra thứ hàn thiết đó thật sự quý giá.”

Lạc Thanh Lưu giải thích:

“Chủ yếu là vì rất hiếm, không phải cứ có tiền là mua được.”

Tùy Anh lườm hắn:

“Tại chàng không thiếu tiền. Chứ phần đông mọi người dù có gặp được cũng chưa chắc mua nổi.” 

Lạc Thanh Lưu ngượng ngùng gãi mũi, rồi dặn thêm:

“Nàng đừng kể chuyện này với Tạ phu nhân nhé. Tạ huynh mà biết ta lộ ra chuyện xấu hổ của huynh ấy thế nào cũng tìm ta tính sổ.” 

Tùy Anh cười khúc khích:

“Chàng kể với ta, chẳng phải là để ta thay chàng ‘báo thù’ xả giận trong lòng hả?” 

Lạc Thanh Lưu: “…”

“Còn bày đặt ra vẻ nữa.” Tùy Anh cười tủm tỉm liếc hắn một cái, rồi hỏi tiếp, “À đúng rồi, chàng chuẩn bị quà cho Tiểu A Ngô chưa?”

“Cũng giống nàng, ban đầu đã tính xong cả rồi, giờ nhìn lại… tự nhiên thấy vẫn chưa đủ chân thành.”

Tùy Anh không còn rầu rĩ nữa, đến lượt Lạc Thanh Lưu nhíu mày, đau đầu nghĩ ngợi. 

Trong lúc mải nghĩ, hắn vô thức thốt ra tiếng lòng: 

“Nàng là mẹ đỡ đầu của Tiểu A Ngô, vậy ta chính là cha đỡ đầu rồi. Thế thì phải cân nhắc lại quà tặng, chọn món nào thật xứng mới được…” 

Lần đầu tiên Tùy Anh nghe hắn nói ra lời ‘xác định mối quan hệ’ như vậy, tim chợt hẫng một nhịp, ngay cả hô hấp chừng như cũng ngưng một thoáng. Nàng rất muốn nói: Chàng ngốc à? Đã là cha mẹ đỡ đầu thì tặng chung một món quà là được rồi còn gì.

Nhưng nghĩ vậy thôi, nàng không dám nói ra, sợ hắn bừng tỉnh không biết sẽ phản ứng kỳ quặc thế nào. Hai người họ bên nhau chưa lâu, nàng vẫn chưa hiểu hắn hoàn toàn, lo rằng bản thân không xử lý tốt được.

Vừa tỉnh dậy chưa được bao lâu, đầu óc mơ màng, thân thể cũng uể oải, thế nên Tùy Anh nhẹ nhàng ôm lấy cánh tay hắn, tựa cằm lên vai hắn.

Nàng cảm nhận được lưng hắn hơi căng cứng. Biết hắn vẫn chưa quen với những động chạm thân mật thế này, nhưng ít ra… hắn cũng không còn tránh né như trước. 

Như lời Phùng Gia Ấu vẫn hay an ủi nàng: chỉ cần chịu đựng qua những ngày gian khổ, thì những tháng ngày sau đó… ắt sẽ dần dần tốt lên thôi.

… 

Lạc Thanh Lưu rời đi, Tùy Anh cũng không ngủ thêm nữa. Nàng trở dậy thay đồ, chạy một mạch ra vườn.

Quả nhiên, Tùy Tư Nguyên vẫn đang luyện đao giữa vườn.

Nàng đứng bên kia luống hoa, lớn tiếng quát:

“Đã hai đêm liền không ngủ rồi đấy! Muốn luyện đến liệt luôn hả? Lời sư phụ thì nghe răm rắp, còn lời tỷ tỷ ruột thì bỏ ngoài tai hết rồi đúng không?!”

Tùy Tư Nguyên cúi gằm mặt, mặt mày bí xị, không dám cãi lại, mà cũng chẳng dám ngừng tay.

Tùy Anh nhìn bộ dạng khúm núm của em trai, trong lòng chua chát chẳng biết nói sao cho phải.

Ban đầu nàng lo lắng lắm, sợ Lý Tự Tu và Tạ Lãm đều không thu phục nổi tên em trai ngang tàng quậy phá của mình. Về sau mới nhận ra, tại mình kiến thức hạn hẹp. 

Tên Lý Tự Tu kia chỉ cần ba tấc lưỡi, cũng đủ khiến em trai nàng ngoan ngoãn cúi đầu. Chỉ mười ngày ngắn ngủi, mà nó đã suốt ngày “thầy Lý nói thế này, thầy Lý bảo thế kia”

Tạ Lãm thì lại chẳng dùng vũ lực để đè người như nàng tưởng.

Hôm từ Tây Bắc trở về, hắn tặng cho Tùy Tư Nguyên một thanh đao do chính tay hắn rèn.

Ban đầu, thằng nhóc tỏ rõ thái độ coi thường. Bởi nhìn bề ngoài, đao không có gì đặc biệt, chất liệu cũng chẳng quý hiếm, trông như làm cho có.

Nào ngờ mới vung vài lần, Tùy Tư Nguyên sửng sốt. Thanh đao ấy dường như được tạo ra để dành riêng cho cậu vậy, hợp tay, hợp sức, phát huy sở trường, tránh hết sở đoản. Quả thật là thanh binh khí vừa tay nhất từ trước tới nay.

Thế là bị ‘thu phục’ luôn. Từ đó bám theo Tạ Lãm gọi ‘sư phụ’ suốt ngày. 

Thật là quá tốt.

Chỉ mong hai vị đại sư này đừng tiếp tục lấy em nàng làm công cụ tranh cao thấp, thì sẽ càng tốt hơn nữa.

… 

Sáng hôm sau, Tùy Anh tới Phùng phủ tìm Phùng Gia Ấu để… mách tội. 

Phùng Gia Ấu thì làm được gì bây giờ?

Thật sự là… chẳng làm gì được cả.

Những chuyện nhỏ không liên quan đến nguyên tắc như thế này, nếu nàng nói với Tạ Lãm, hắn chắc chắn sẽ gật đầu đồng ý ngay miệng, tỏ ra hào sảng lắm. Nhưng vừa quay lưng đã nhe răng trợn mắt, làm khó cho Tùy Tư Nguyên hơn nữa. 

Huống hồ, cách Tạ Lãm dạy Tùy Tư Nguyên cũng chẳng gọi là nghiêm khắc gì cho cam — bởi với bản thân, hắn còn khắc nghiệt hơn thế nhiều.

Nghĩ đến đây, Phùng Gia Ấu nhìn bé A Ngô đang nằm trong lòng bú sữa, không khỏi dấy lên lo lắng. 

Tiểu A Ngô còn hai hôm nữa mới đầy tháng, gương mặt bé con vẫn còn nhăn nheo, chưa rõ giống ai hơn, cũng chưa biết mai sau nên theo văn hay theo võ.

Đợi đến khi thằng bé lớn thêm chút nữa, nếu một ngày nào đó bị Tạ Lãm phát hiện nó có chút tư chất luyện võ, thì e là chẳng còn ngày nào yên thân đâu… 

Tuy nhiên, Phùng Gia Ấu xưa nay vốn rất tin vào câu “mẹ hiền hay làm hỏng con”, nên cũng không tiện can thiệp.

Tới ngày tiệc đầy tháng, Phùng Gia Ấu không cần ra mặt. Tạ Lãm cũng chẳng bước chân khỏi phòng, chỉ ở cạnh hai mẹ con.

Hắn có thể dụng tâm tính toán từng li từng tí trong việc sắp xếp yến tiệc, nhưng kêu hắn đứng ra tiếp khách thì miễn. Chẳng học, cũng chẳng thèm học. Bữa tiệc ngoài kia xảy ra chuyện gì đã có nhị thúc hắn ra mặt rồi. 

Bé A Ngô đang ngủ. Mà trẻ con một khi ngủ say thì không dễ bị đánh thức. Tạ Lãm ngồi bên nôi, tay mân mê khối hàn thiết Yên Sơn mới nhận được, mặt mày đầy thích thú:

“Thanh Lưu đúng là chịu chi vì Tùy Anh. Khối này ta từng mua được một lần, từ đó đến giờ chưa từng thấy ai rao bán nữa. Vậy mà hắn nói tặng là tặng luôn.”

Phùng Gia Ấu đang nửa nằm trên giường đọc sách, hỏi:

“Sao chàng biết là Thanh Lưu tặng cho A Anh?”

“Lần trước ta tiện tay rèn đao cho Tư Nguyên xong, hắn đến hỏi ta có thể rèn cho Tùy Anh một thanh kiếm vừa tay không.” 

Tạ Lãm tuy không phải thợ rèn hạng nhất, nhưng lại rất biết tùy người mà chế, tạo ra binh khí đúng với người sử dụng vô cùng.

“Hắn nói sẽ lo phần nguyên liệu, ta thấy cũng được nên gật đầu. Sau đó chẳng nghe gì thêm, giờ nhìn khối sắt này thì chắc là nguyên liệu hắn tìm được.”

Phùng Gia Ấu thầm hiểu ra, cười khẽ:

“Thanh Lưu đối với A Anh thật không có gì để chê, là một người đàn ông hiếm có, A Anh động lòng với huynh ấy cũng phải thôi.”

Tạ Lãm nghe nàng khen người khác thì không vui chút nào, cho dù người đó là Lạc Thanh Lưu. Hắn cau mày làu bàu:

“Sao nàng không khen ta? Cái gì hắn cũng học từ ta, đến nguyên liệu rèn vũ khí cũng chọn y như ta, chẳng có lấy một chút sáng tạo nào hết!”

Phùng Gia Ấu nhìn dáng vẻ tức tối của hắn thì buồn cười nhưng nàng cố làm ra vẻ ngạc nhiên:

“Thì ra bộ kim châm trong tay áo của ta cũng làm từ loại hàn thiết này à?”

“Đúng thế.”

Phùng Gia Ấu híp mắt, giọng thong thả:

“Nhưng ta chưa bao giờ đưa nó cho Thanh Lưu xem, vậy làm sao huynh ấy nhận ra?”

Một câu hỏi khiến Tạ Lãm nghẹn họng, chau mày suy nghĩ. 

Một lúc lâu sau, mới chợt nhớ ra, chính là lần nhờ Lạc Thanh Lưu tới thành hoang nhặt kim dùm mình.

Liếc sang Phùng Gia Ấu, thấy nàng cười tủm tỉm đầy ẩn ý, ánh mắt trêu chọc. Tạ Lãm lập tức hiểu ra Lạc Thanh Lưu đã bán đứng mình. 

Hắn lập tức bật dậy, định chạy ra ngoài tiệc tìm Lạc Thanh Lưu tính sổ. Nhưng sực nhớ bây giờ hai người ngoài mặt không cùng phe, Lạc Thanh Lưu không đến dự tiệc

Thế là ỉu xìu ngồi xuống, nhỏ giọng biện bạch: 

“Ấu Nương… không phải ta tiếc tiền đâu, chỉ là mấy cây kim ấy đều do ta tự tay mài từng cây một, vất vả như thế, mất thì tiếc lắm.”

Thật ra là tiếc tiền thật. Năm xưa mua khối hàn thiết ấy hắn đã vét sạch tiền dành dụm bao năm. 

Nhưng không thể để Phùng Gia Ấu nghĩ mình keo kiệt được.

Thực ra Phùng Gia Ấu chỉ thấy buồn cười mà thôi.

Tạ Lãm đổi đề tài:

“À đúng rồi, Thẩm Thời Hành tặng gì vậy?”

Theo lệ ở kinh thành, những người quan hệ thân thiết thường gửi lễ đến từ hôm trước. 

Tạ Lãm có linh cảm Thẩm Thời Hành sẽ tặng thứ gì đó kỳ quặc, nói chung là chẳng giống ai. 

Phùng Gia Ấu đáp:

“Một rổ vàng. Nói là chàng cứ hay soi mói huynh ấy, tặng gì chàng cũng không vừa lòng, thế nào cũng kiếm chuyện nói cho bằng được, nên dứt khoát đưa tiền, bảo chàng tự đi mà mua.”

Tạ Lãm: “…”

Hắn lại hỏi tiếp:

“Còn Lý Tự Tu? Mang danh là đồ đệ nhị thúc, A Ngô là cháu ngoại của nhị thúc, chắc không dám đưa quà tệ đâu nhỉ?”

“Là một bộ thư pháp quý hiếm mà anh ta sưu tầm được và quý trọng, với một bộ sách vỡ lòng do chính tay anh ta soạn.” 

Nàng vừa nói vừa chỉ tay về phía kệ sách đang xếp đầy ắp.

Những quyển đó nàng đã đọc hết cả rồi.

 “Không hổ là đế sư. Sách viết còn hay hơn cả mấy bộ sách vỡ lòng đang lưu hành hiện giờ. Chắc không lâu nữa sẽ được ban hành rộng rãi khắp cả nước.” 

Phùng Gia Ấu không khỏi thầm nghĩ, nếu năm đó ở Kim Lăng, Lý Tự Tu mà chịu gửi cho nàng bộ sách thiếu nhi kiểu này, biết đâu… nàng đã ưng y rồi cũng nên.  

Tạ Lãm cười khẩy, chẳng lấy làm cảm kích chút nào:

“Thư pháp thì miễn cưỡng coi như có giá trị, nhưng mấy quyển sách vỡ lòng sắp được in đại trà toàn quốc thì có gì quý hiếm?”

Phùng Gia Ấu nhẹ nhàng nói: 

“Thì in ra phát hành là bản khắc gỗ thôi, còn cái anh ta tặng cho A Ngô là bản viết tay — độc bản, chỉ có một, tất nhiên quý giá rồi.”

Tạ Lãm biết một bức thư pháp của Lý Tự Tu cũng đã đáng giá ngất ngưởng, huống chi là cả một bộ sách. Nhưng biết thì biết, hắn vẫn hừ mũi khinh khỉnh:

 “Lý Tự Tu còn sống sờ sờ ra đó, ai biết sau này có viết thêm bao nhiêu bản đem tặng nữa.”

Phùng Gia Ấu không buồn tranh luận:

“Chàng nói cũng đúng.”

Lúc này, bé A Ngô trong nôi phát ra tiếng ư a. 

Tạ Lãm vội vàng nhìn sang thì thấy bé m.út m.út môi vài cái, rồi lại thiếp đi.

Nói đến quà tặng… Lý Tự Tu đã mang sách vỡ lòng tặng con trai hắn, vậy thì… 

Tạ Lãm tung tung khối Hàn thiết nặng trịch trong tay, nói: 

“Vậy ta sẽ dùng khối hàn thiết này, rèn cho A Ngô một con dao nhỏ để chơi.”

Phùng Gia Ấu khuyên:

“Loại sắt này hiếm lắm, chàng cứ chờ thêm đã, giờ còn chẳng biết A Ngô có phải là người hợp luyện võ hay không mà.”

Sau tiệc đầy tháng, Giang Hội Từ rời kinh thành, quay về Dương Châu tiếp tục việc kinh doanh.

Lần này, Phùng Gia Ấu và Tạ Lãm cùng tiễn bà ra đến bến đò, vừa đi vừa nói cười vui vẻ. 

Hoàn toàn khác với lần tiễn biệt trước đây, trong lòng Phùng Gia Ấu không còn chút buồn thương nào. Bởi nàng đã thật sự tin rằng con đường mẹ chọn là đúng đắn, và bà đang sống ngày một tốt hơn.

Còn chuyện mai sau thế nào, vẫn là điều chưa biết.

Có thể một ngày nào đó, mẹ nàng nhận ra lòng mình vẫn chẳng thể buông bỏ Phùng Hiếu An, rồi quay về đoàn tụ với ông.

Mà cũng có thể, bà sẽ gặp được một người đàn ông tốt hơn, rồi tái giá lần nữa.

Dù là kết cục nào, Phùng Gia Ấu cũng tin rằng mẹ nàng sẽ không còn sống như ngày trước — bị động và chịu đựng nữa.

Sau đó, chuyện lớn tiếp theo mà Phùng Gia Ấu phải đối mặt chính là trình luật mới lên triều đình.

Quá trình diễn ra gần đúng như lời Lý Tự Tu từng dự đoán. Sau khi Phùng Hiếu An dâng bản luật dưới tên nàng, triều đình lập tức dậy sóng.

Còn chưa đợi Nội Các kịp phản ứng, Ti Lễ Giám đã là bên đầu tiên phản đối.

Từ trước đến nay, Từ Tông Hiến vốn không hay làm việc theo kiểu cực đoan, vậy mà lần này, ông lại dẫn đầu hoạn đảng, phản đối vô cùng gay gắt. Tựa như bộ luật mới của Phùng Gia Ấu đã động đến lợi ích nào đó của bọn họ vậy. 

Từ đó, Nội Các vốn nên là phe cứng rắn lại đâm ra ỡm ờ, không rõ ràng.

Sau hai năm đứng giữa cơn bão dư luận, cuối cùng bản luật do chính tay nàng biên soạn đã được triều đình phê chuẩn, định ngày đầu năm tới sẽ bắt đầu áp dụng.

Sau đợt bận rộn ấy, hai vợ chồng lại đưa nhau trở về thành Hắc Thủy một chuyến.

Khác với lần trước, lần này họ dẫn theo cả Tiểu A Ngô — lúc này đã hai tuổi rưỡi.

Nói đến chuyện A Ngô lớn lên thành thế nào, bao lo lắng trước đó của Tạ Lãm hóa ra đều là chuyện lo bò trắng răng. Bé không những chẳng phải bị thịt, mà còn vô cùng lanh lợi, biết nói sớm, thuộc thơ nhanh, đầu óc cực kỳ nhanh nhạy.

Mới có hai tuổi, khi Tạ Lãm dạy Tùy Tư Nguyên luyện võ, nhóc con đứng bên lon ton bắt chước theo. Dù thân thể mềm nhũn, nhưng dáng dấp lại giống đến tám phần.

Phùng Gia Ấu chỉ coi như nhìn cho vui, còn Tạ Lãm đã chắc như đinh đóng cột rằng bé là hạt mầm võ học, trong lòng mừng húm.

Vậy nên lần này hắn nhất quyết phải đưa A Ngô về thành Hắc Thủy một thời gian. Bản thân Tạ Lãm chưa từng dạy võ cho trẻ nhỏ, nhưng cha hắn thì lại là cao thủ trong việc đó, từng đào tạo ra một thiếu niên mười ba tuổi đã xưng bá khắp Tây Bắc. 

Thế nên chuyện khai mở căn cơ võ học cho A Ngô, Tạ Lãm một lòng muốn giao cho Tạ Triều Ninh.

… 

Dọc đường về Tây Bắc, Phùng Gia Ấu cứ nơm nớp không yên. Nàng quá rõ tính tình nghiêm khắc của Tạ Triều Ninh, không ngừng tự hỏi có cần thiết phải làm vậy không.

Cho đến khi họ đặt chân tới thành Hắc Thủy, nàng mới nhận ra mình đã nghĩ nhiều rồi.

Nàng quên mất rằng, có một loại tình thân gọi là ‘tình ông cháu’.

Tạ Triều Ninh vừa trông thấy bé A Ngô, liền lập tức từ người cha nghiêm khắc biến thành một ông nội hiền lành. Mặt mũi lạnh tanh với con trai bao nhiêu, thì nhìn cháu nội lại dịu dàng cưng chìu bấy nhiêu.

Nghe xong ý định của Tạ Lãm, ông chỉ bảo: 

“Cứ từ từ, để thằng bé nghỉ ngơi mấy hôm rồi tính.”

Hôm ấy, thấy cháu trai bị nắng làm đỏ mặt, trông như thể cũng thừa hưởng cái ‘tật’ của nhà họ Lục, Tạ Triều Ninh lập tức tặng cho bé một cây dù che nắng đặc chế.

Còn liên tục dặn dò: 

“Nắng sa mạc gắt lắm, da non dễ bị bỏng. Có nắng thì phải che, đừng có học thằng cha ngốc của con, khi xưa bị nắng thiêu tróc mấy lớp da.” 

Tạ Lãm kinh ngạc: 

“Cha! Trước kia chẳng phải cha cứ bảo con phải chịu khó ra nắng thì chân mới cứng, còn mắng con là con trai mà sợ nắng làm gì?”

Tạ Triều Ninh đáp tỉnh rụi:

“Hồi đó là vì nhà mình ăn uống chẳng ra sao, không phơi nắng thì mày lớn lên chân tay yếu ớt. Giờ thì khác rồi, có thiếu thốn gì đâu, không cần tắm nắng xương cốt cũng vững vàng, khỏi lo.”

Tạ Lãm: “…”

Khi A Ngô luyện võ mệt quá, nhõng nhẽo đòi ăn kẹo, Tạ Triều Ninh liền móc cả nắm trong tay áo ra đưa ngay. 

Tạ Lãm càng thêm sửng sốt:

“Cha! Ngày xưa con chỉ mới nói muốn ăn kẹo là ăn ngay một bạt tai! Cha chẳng bảo con trai thì phải khổ mới nhớ đời còn gì?”

Tạ Triều Ninh lườm hắn:

“Hồi đó cơm còn chẳng đủ no, mày còn đòi ăn kẹo, lấy đâu ra mà cho?”

Tạ Lãm: “…”

A Ngô vừa mới nói thích thỏ con, chưa đến nửa ngày sau, Tạ Triều Ninh đã bắt hẳn một ổ đem về.

Tạ Lãm cười nhạt:

“Cha chẳng từng bảo ‘ham chơi hại thân’ sao? Trước kia con mà muốn nuôi con gì là cha cấm hết, chỉ tặng cho con mỗi con kền kền trụi lông!”

Tạ Triều Ninh nói dứt khoát:

“Cũng là câu cũ thôi. Hồi ấy người ăn còn không đủ, lấy đâu ra đồ dư mà nuôi thú cưng? Cha cho mày nuôi kền kền là bởi nó chỉ ăn xác thối, khỏi giành phần cơm của nhà mình.”

Hay lắm! Tạ Lãm cảm thấy mình sắp tức đến trào máu.

Hóa ra bao nhiêu năm trời, những lý lẽ cao vời hắn từng bị nhồi nhét hồi nhỏ, nào là “ăn khổ mới nên người”, nào là “nam nhi đại trượng phu phải thế này thế nọ”…

Tất thảy đều là… xạo sự hết!

Nguồn cơn cũng chỉ gói gọn trong một chữ: nghèo!

Vốn định ở lại thành Hắc Thủy vài ba tháng, cuối cùng Tạ Lãm chỉ cầm cự được nửa tháng đã vội vã dắt vợ con cuốn gói quay về kinh. Ở lại thêm vài ngày nữa, hắn sợ thằng bé nhà mình sẽ bị ông nội nuông chiều đến hỏng. 

Phùng Gia Ấu ở thành Hắc Thủy suốt ngày xem trò vui, hôm nào cũng cười tít mắt.

Thấy dáng vẻ Tạ Lãm đêm hôm thu xếp đồ đạc bỏ chạy, nàng lại được thêm trận cười nữa.

Sau khi thất bại trong việc nhờ người khác khai mở võ học cho con, về tới kinh thành, Tạ Lãm đành tự mình ra tay, bắt đầu trực tiếp dạy Tiểu A Ngô tập võ. 

Còn việc khai mở văn học thì giao hẳn cho ông ngoại Phùng Hiếu An cùng mẹ bé đảm đương, hắn tuyệt nhiên không nhúng tay vào.

Tiểu A Ngô lớn ngày một nhanh. Người ta bảo “ba tuổi nhìn ra cả đời”, ai nấy đều khen sau này lớn lên thể nào cũng văn võ song toàn.

Tạ Lãm mừng không để đâu cho hết, nhưng trong lòng lại có một nỗi bực bội không nói nên lời.

Hắn phát hiện con trai mình càng lớn càng giống người mà hắn ghét nhất kinh thành — Lý Tự Tu.

Không phải giống về vẻ ngoài, mà là cách nói chuyện, dáng điệu, từng cử chỉ, thỉnh thoảng khiến hắn có cảm giác như đang nhìn thấy một Tiểu Lý Tự Tu vậy.

Nhưng nghĩ kỹ lại, hắn nhớ nhị thúc từng nói, Lý Tự Tu và Phùng Gia Ấu không hợp nhau, bởi Lý Tự Tu khá giống ông. Vậy nên, có lẽ Tiểu A Ngô giống ông ngoại. 

Tuy nhiên, đến khi Tiểu A Ngô được hơn năm tuổi, Tạ Lãm mới chính thức xác nhận một sự thật:

Thằng bé không giống nhị thúc, mà thật sự có vài phần giống Lý Tự Tu. 

Lần trước lên Tây Bắc, Tiểu A Ngô đã bộc lộ căn bệnh di truyền của nhà họ Lục — chỉ cần bị nắng chiếu vào là hai má đỏ ửng không bình thường. Chứng này còn nặng hơn cả Tạ Lãm và Tạ Lâm Khê năm xưa. 

Trong những ngày đông nắng nhẹ dịu của kinh thành, chỉ cần phơi nắng trưa một chút thôi, hai má bé đã đỏ ửng như thoa phấn hồng. 

Tạ Lãm đích thân làm cho bé một cây dù nhỏ, cán dù có thể xoay được, tháo ra thì hóa thành một thanh kiếm ngắn. Bên ngoài là dù che nắng, bên trong kỳ thực là ám khí, gọi là dù giấu kiếm. 

Lúc được tặng, Tiểu A Ngô vui mừng thích thú .

Vừa xoay người đã chạy ngay vào phòng lấy bút lông ra, mặt mày hí hửng định viết chữ lên tán dù trắng tinh.

Tạ Lãm thoáng sững lại, lập tức liên tưởng tới những vạt áo viết đầy thơ phú của Lý Tự Tu, mặt sầm xuống: 

“Tiểu A Ngô, con định viết gì lên dù?”

Tiểu A Ngô chớp mắt:

“Con thấy dù này trắng quá, nên muốn viết mấy câu thơ lên cho đỡ đơn điệu.”

Quả nhiên là thế! Tạ Lãm truy hỏi:

“Tại sao? Thấy trống thì con có thể vẽ, con vẽ đẹp lắm mà, cớ gì cứ phải viết thơ?”

Tiểu A Ngô cúi gằm mặt: 

“Cái này… cái này…”

Tạ Lãm nghiêm mặt: 

“Ngẩng đầu lên nói cho đàng hoàng! Không cho lắp ba lắp bắp!”

Tiểu A Ngô nhỏ giọng thú nhận: 

“Là con học theo Lý đại nhân.”

Tạ Lãm đương nhiên đã đoán ra: 

“Cha hỏi tại sao con lại học theo hắn? Thấy thú vị lắm hả?” 

Tiểu A Ngô lúng túng:

“Nương không cho con nói…”

Tạ Lãm nghe xong liền quay người đi tìm Phùng Gia Ấu, nhưng trước khi đi vẫn không quên căn dặn con trai:
“Không được viết gì lên cái dù này hết! Áo của Lý đại nhân có thể thay mỗi ngày, nhưng dù giấu kiếm của con thì không.”

… 

Phùng Gia Ấu đang xem văn thư ở thư lâu. Thấy phu quân hằm hằm xách theo bút lông của Tiểu A Ngô bước vào, đoán ra được bảy tám phần, tim nàng giật thót. 

Tạ Lãm ném cây bút xuống bàn, nhưng giọng lại không quá gay gắt:

“Ấu Nương, nàng nói ta biết coi, chuyện này là thế nào? Sao A Ngô lại học theo Lý Tự Tu? Mà nàng còn bảo nó giấu ta?”

Phùng Gia Ấu vội vàng đứng dậy, ấn Tạ Lãm ngồi xuống, nhẹ nhàng xoa lưng dỗ dành:

“Tại ta sợ chàng sẽ giận… Chuyện này ta cũng không thể làm gì khác được. Từ khi học chữ đến giờ, A Ngô đã khâm phục tài học của Lý Tự Tu, xem anh ta là thần tượng, còn lấy làm mục tiêu phấn đấu. Nó nói muốn làm đế sư, muốn vào Nội Các, làm đến chức Thủ phụ. Nhưng chuyện này cũng là suy nghĩ bình thường mà.” 

 Tạ Lãm cau mày:

“Nhưng vấn đề là… thằng bé gặp hắn được mấy lần đâu? Đếm trên đầu ngón tay vẫn còn dư. Sao lại thần tượng dữ vậy?” 

Không lẽ tên họ Lý đó bỏ bùa con trai mình?

Phùng Gia Ấu đã nghĩ tới chuyện này từ lâu:

“Ta đoán là do bộ sách vỡ lòng anh ta tặng lúc A Ngô đầy tháng.”

Tạ Lãm sững lại: 

“Sách vỡ lòng?”

Phùng Gia Ấu nhắc: 

“Chính là mấy quyển sách anh ta tự tay biên soạn, gửi tặng A Ngô lúc đầy tháng ấy…”

Tiểu A Ngô được y khai mở tư tưởng, chắc chắn âm thầm bị ảnh hưởng, e là chẳng ít đâu. 

Tạ Lãm nghiến răng:

“Giỏi lắm Lý Tự Tu!” 

Hắn sớm biết tên đó không có lòng tốt gì mà. Con hắn còn đỏ hỏn mà y đã âm thầm ra tay rồi! 

Mai gặp trên triều, nhất định phải xử y một trận ra trò!

Tạ Lãm hậm hực đứng lên, trở lại tìm con trai.

Việc cấp bách bây giờ là phải lật đổ hình tượng “thần tượng” của Lý Tự Tu trong lòng thằng bé. 

Song, Tạ Lãm ‘lật’ suốt nửa năm, kết quả vẫn chẳng mảy may thay đổi.

Tiểu A Ngô bây giờ nằng nặc đòi đến bái Lý Tự Tu làm thầy!

Tạ Lãm đương nhiên không đời nào chịu.

Tiểu A Ngô cầu xin không được, bèn đổi cách, ngày nào cũng lẽo đẽo đi theo cha, lý lẽ phân tích đủ điều. 

Tạ Lãm vờ như không nghe thấy.

Một ngày nọ, Tiểu A Ngô không nhịn được nữa, ấm ức kêu:

“Cha! Sao cha vô lý vậy chứ?!”

Vừa đúng lúc Tạ Lãm đang muốn ngồi xuống, đường hoàng ‘nói lý lẽ’ với con trai. 

So với việc ngưỡng mộ Lý Tự Tu, thì mấy lý lẽ quanh co nói mãi không dứt của con trai mới khiến hắn đau đầu hơn cả. 

Tạ Lãm bắt đầu:

“Cha nghe nói hôm qua con cãi nhau với con trai của Thị lang Công Bộ ở lớp học? Nó còn ra tay đánh con, mà con vẫn ngồi đó giảng đạo lý cho nó?”

Tiểu A Ngô gật đầu:

“Nếu con đánh lại, chẳng phải con cũng giống nó, là người không biết lý lẽ phải trái sao? Cha yên tâm, cuối cùng con nói thắng nó rồi. Nó xin lỗi con, cả thầy cũng khen con đó ạ.”

Tạ Lãm đưa tay day day thái dương, cố kiềm chế cảm xúc:

“Vậy nếu nó nhất quyết không chịu nghe, cứ đánh con thì sao? Con có biết trên đời này không phải ai cũng chịu nghe lý lẽ không?”

Tiểu A Ngô đương nhiên biết chứ. Cha bé chính là điển hình sống động cho kiểu người chẳng bao giờ chịu nghe lý lẽ! 

Người ta vẫn nói: Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng, con chuột sinh ra đã biết đào hang.

 Tiểu A Ngô ngày ngày tự nhắc nhở mình: tuyệt đối không được nóng nảy, phải lấy đức phục người.

Còn nếu thực sự không được nữa…

Tiểu A Ngô sờ tay lên chiếc ô đeo bên hông:

“Cha, cha quên là con có dù giấu kiếm sao? Nếu thật sự gặp kẻ ngang ngược, không nghe lý lẽ, con nhất định sẽ rút kiếm.”

Nghe tới đây Tạ Lãm ruốt cuộc cũng được an ủi:

“May mà con không ngốc lắm. Cha đã nói bao nhiêu lần rồi, muốn người ta nghe lời, cuối cùng vẫn phải dựa vào sức mạnh. Chỉ có học võ cho giỏi, thì mới không bị ai bắt nạt, mới khiến thiên hạ nghe theo con.”

Tiểu A Ngô gật đầu rành rọt:

“Đúng ạ. Con phải đánh cho mấy kẻ không chịu nghe lỹ lẽ phải câm miệng, quỳ xuống, ngoan ngoãn nghe con giảng đạo lý!

Tạ Lãm chết sững:

“Con rút kiếm… là để bắt người ta nghe con giảng đạo lý?”

Tiểu A Ngô tỉnh bơ:

“Dạ vâng.”

Tạ Lãm nghiến răng:

“Tạ Chân Ngô, mớ lý lẽ vớ vẩn đó… con nhất quyết phải giảng cho bằng được hả?”

Tiểu A Ngô ngơ ngác:

“Kết quả cuối cùng là mọi người đều phải nghe con mà. Chẳng phải đúng như yêu cầu của cha sao? Con sai chỗ nào?”

Tạ Lãm: “…”

“Phải rồi, con không sai, là cha sai.” Tạ Lãm không rõ vì mình cãi không lại cậu bé hay bị cậu bé làm tức đến nghẹn họng. 

Hắn quay người đi thẳng đến thư lâu tìm Phùng Gia Ấu: 

“Ấu Nương…”

“Làm sao vậy?” Phùng Gia Ấu nghe giọng hắn đầy ấm ức, vội ngẩng đầu khỏi đống công văn.

Tạ Lãm bước tới, ngồi xổm xuống cạnh chân nàng, gục đầu lên đầu gối nàng:

“Hay là… chúng ta cố thêm lần nữa, sinh thêm một đứa đi. Lần này có ra một đứa ngốc cũng chẳng sao…”

Sớm biết sẽ sinh ra một đứa khiến người ta phải đau đầu như vậy, thì lúc trước hắn còn nhẫn nhịn làm gì?

Phùng Gia Ấu hiểu ngay:

“Lại bị A Ngô chọc tức phải không? Thật ra con không cố đâu, chỉ là suy nghĩ hơi… đặc biệt thôi.” 

Trong đầu lúc nào cũng đầy mấy ý tưởng kỳ quặc, đến nàng còn không uốn nắn nổi.

Mà thật ra, chỗ này rất giống Tạ Lãm. Cách tư duy đều có chút ‘dị biệt’, nhưng mỗi người lại ‘dị’ một kiểu riêng. 

“Không liên quan tới A Ngô. Ta thật lòng muốn có thêm một đứa nữa thôi.” 

Tạ Lãm bây giờ chẳng tin mấy kinh nghiệm sinh con ngày trước nữa: 

“Chọn ngày chi bằng ngay hôm nay, chúng ta sinh luôn bây giờ đi.”

Dứt lời, hắn đứng dậy, thuận thế bế bổng Phùng Gia Ấu lên khỏi ghế.

Nàng dở khóc dở cười:

“Sao chàng vẫn tùy hứng thế chứ? Lúc trước ta nói muốn sinh thêm, ai là người bảo nuôi một đứa đã đủ khổ, chẳng muốn hai ta lại khổ thêm lần nữa hả?”

Lúc A Ngô mới sinh, những ngày tháng khó nhọc nhất đều do Tạ Lãm một tay chăm lo ngày đêm. Suốt ba năm trời hắn hốc hác thấy rõ, mãi đến hai năm gần đây A Ngô lớn thêm một chút, hắn mới dần hồi phục. 

“Nay đã khác xưa. Suy nghĩ con người cũng thay đổi mà.”

Tạ Lãm lúc trước đâu biết chuyện sẽ thành ra thế này, giờ chỉ muốn sinh thêm đứa nữa xem sao. 

“Giờ ta cũng có cảm giác giống nàng — nhà có thêm tiếng cười vẫn là tốt hơn.”

Tác giả có lời muốn nói:

Ngoại truyện đến đây là hết rồi, tui thấy vậy là đủ rồi ha~

Giờ nghỉ ngơi để dành sức viết bản thảo cho bộ tiên hiệp sắp mở tiếp theo. Các tỷ muội, hẹn gặp ở truyện sau nhé!

Ai đọc hết rồi thì nhớ để lại đánh giá tốt cho cái kết nhe!

— Toàn văn hoàn —

Bình Luận (0)
Comment