Lạn Kha Kỳ Duyên

Chương 135

Dịch: Vạn Cổ

Biên: Mèo Bụng Phệ

Phải mất một hồi lâu, Doãn Triệu Tiên và Sử Ngọc Sinh mới bình tĩnh trở lại. Người chủ tiệm văn phòng tứ bảo cười ha hả, nói với bọn họ rằng:

"Xem ra hai vị có số may mắn. Kẻ dám có hành vi ngang tàng như thế tại Trạng Nguyên độ này chắc chắn là dạng nhân vật mà người thường không dám trêu vào. Ngay cả ta còn không dám lên tiếng nhắc nhở đấy. Thôi, đi nhanh lên đi, hay hai vị có muốn xem thử bộ văn phòng tứ bảo nào không?"

Doãn Triệu Tiên và Sử Ngọc Sinh vẫn còn sợ hãi, mồm năm miệng mười nói "Đa tạ, không cần đâu!", rồi thu dọn hòm sách gọn gàng, đi về hướng Bắc.

Đến bến tàu gần đó, quả nhiên hai người trông thấy chiếc thuyền ô bồng quen thuộc. Kế Duyên đã cởi áo tơi, không còn đội mũ, ngồi yên đọc sách tại mũi thuyền; dáng vẻ thư sinh nhàn nhã ấy rất hòa hợp với khu vực nơi đây.

Thấy Kế Duyên rồi, Doãn Triệu Tiên mới an tâm, dẫn Sử Ngọc Sinh cõng hòm sách, chen chúc giữa đám đông, đi thẳng đến bến tàu. Ngay lúc ấy, Kế Duyên cũng đặt quyển sách xuống.

"Kế tiên sinh, vừa rồi chúng tôi..."

Kế Duyên ra hiệu cho Doãn Triệu Tiên dừng lời.

"Được rồi, hai người các vị không nên nghị luận chuyện này thêm nữa. Lên thuyền nhanh lên, chúng ta qua sông!"

Nghe hắn nói vậy, Doãn Triệu Tiên đoán rằng, Kế tiên sinh chắc chắn đã biết rõ chuyện này. Thế là, ông ta không lắm lời nữa, cùng Sử Ngọc Sinh lần lượt lên thuyền.

Vì có kinh nghiệm hôm qua, nên hai người quen với cảm giác ngồi thuyền ô bồng rất nhanh.

Thuyền nhỏ rời bến. Mọi người trông lại những chiếc thuyền còn đang neo đậu chờ khách kia, phỏng chừng chiếc thuyền nhanh nhất cũng phải mất hơn một canh giờ mới lái đến.

Thuyền trôi càng xa, tầm mắt cũng mờ dần. Hai người luôn có cảm giác hình ảnh chuyển biến thành mờ mịt như thế này có chút gì đó nhanh đến lạ.

Kế Duyên đang giữ mái chèo nơi đầu thuyền, thấy hai người vẫn cứ ngồi nhìn lại Trạng Nguyên độ, bèn cười nói:

"Doãn phu tử, Sử công tử, thuyền của chúng ta đã xuất bến đầu tiên, chiếm tiên cơ. Do đó, đừng nhìn lại nữa, nhìn phía trước kìa! Đó chính là Kinh Kỳ!"

Hai người nghe thế, bèn quay đầu lại, ngạc nhiên khi thấy bờ sông xa xa bên kia đã gần ngay trước mặt.

Thuyền ô bồng không cập hẳn vào bến, mà dừng tạm tại một bậc thang dẫn lên bến tàu. Sau khi chờ hai vị thư sinh giẫm từng bước lắc lư qua đầu thuyền, bước lên bờ, Kế Duyên mới chắp tay chào tạm biệt hai người.

"Doãn phu tử, Sử công tử. Chỉ cần đi về phía Tây, khoảng mười dặm, chính là thủ phủ đất Kinh Kỳ. Chúc hai vị có thể thành công đề tên bảng vàng, cả thi Hội và thi Đình*!"

(Thi Hội: Thi Hội là một Khoa thi Nho học thường lệ được tổ chức ba năm một lần tại Kinh đô để tuyển chọn người có tài, học rộng.Thi Đình: Sau khi thí sinh đỗ khoa thi Hội thì mới được dự thi thi Đình. Đỗ đầu thi Đình gọi là đình nguyên hay điện nguyên. Gọi là thi Đình vì thi trong cung điện của vua.)

Doãn Triệu Tiên và Sử Ngọc Sinh cùng nhau đáp lễ khi chia tay. Người đồng hương với Kế Duyên ấy bỗng nhớ ra một việc, lục tìm một phen, rồi lấy ra một thẻ bài bằng gỗ từ trong ngực.

"Kế tiên sinh, đây là..."

Ngừng lời ngay lúc ấy, ông ta nhìn Sử Ngọc Sinh một chút, rồi phóng lên thuyền ô bồng lần nữa, thì thầm gì đó vào tai Kế Duyên.

"Kế tiên sinh, đây là đồ vật mà Thành Hoàng đại nhân tại Xuân Huệ phủ nhờ ta chuyển cho ngài."

Kế Duyên nhíu mày, tiếp nhận đồ vật một cách trịnh trọng. Có lẽ là do Hạo Nhiên Chính Khí tác dụng đến món đồ này, khiến hắn không thể phát hiện trong lồng ngực của Doãn Triệu Tiên lại cất giấu một tấm thẻ bài có âm khí nhàn nhạt như vậy.

Chờ Kế Duyên cầm lấy thẻ bài bằng gỗ rồi, Doãn Triệu Tiên liền bước lên bờ lần nữa.

Ba người chào tạm biệt lần thứ hai. Hai vị thư sinh đi về hướng bến tàu xa xa, vì nơi đó có thể tìm được nơi thuê xe ngựa đi vào thành đô. Trong khi đó, Kế Duyên vẫn đứng yên trên thuyền ô bồng, ngắm nghĩa tấm thẻ bài nhỏ bằng gỗ này.

Đây chính là Âm mộc, dùng làm vật chứa để thi pháp ghi chép lại một sự việc gì đó. Trong mấy thẻ ngọc mà hắn mượn từ lão Long, Kế Duyên từng thấy qua phương pháp này.

"Lão Thành Hoàng tại Xuân Huệ phủ tìm ta có việc gì thế nhỉ?"

Kế Duyên ngồi xuống suy ngẫm, tập trung suy nghĩ, kích hoạt khiến tin tức trên thẻ gỗ hiện lên. Từng hình ảnh nơi Địa phủ xuất hiện; trong đó, có một linh hồn loài rắn bị trói chặt trong một phòng giam chuyên dụng để xử phạt.

Một cây roi tra tấn có màu đỏ, đen được quan Phạt Ác Ti Chủ vung mạnh, đánh vào linh hồn rắn ấy. Từng nhát vung xuống, linh hồn rắn tinh kia bèn gào lên một cách vô cùng thảm thiết. Trong lúc đó, lại có quỷ sai xung quanh dùng dao nhọn róc thịt, tách vảy, hoặc thả ra bầy côn trùng đông nghìn nghịt khiến những kẻ có hội chứng sợ lỗ phải run rẩy tâm can nhào ra cắn xé linh hồn của con rắn nọ tới suýt tan vỡ.

Ngay cả Kế Duyên nhìn thấy cảnh này cũng tê cả da đầu. Linh hồn rắn đang chịu hành hình kia vẫn thét vang thảm thiết không ngừng, chứng tỏ đau đớn không bao giờ chấm dứt. Quan Phạt Ác Ti Chủ cười lạnh, nói cho xà yêu biết, nó phải chịu một trăm hai mươi hình phạt. Chỉ có nhận tội, nó mới có thể được ân xá giảm nhẹ tội, chết một cách nhanh chóng.

Không may thay, ngay cả con xà yêu ấy nhận tội, thú nhận tất cả, nó cũng chỉ giảm được hai mươi loại hình phạt thôi. Còn đến gần nửa năm nữa, ả ta mới có thể hoàn thành tất cả các dạng hình phạt. Khi ấy, do yêu hồn không thể chịu đựng nổi nữa mà tiêu tán, hóa thành khí âm linh bổ sung cho Âm Ty.

Nhưng thông tin về yêu hồn nhận án hành hình chỉ là thứ yếu, chuyện quan trọng chính là câu chuyện được nó tiết lộ khi nhận án phạt.

Điểm kỳ lạ của phương pháp "dùng vật truyền thần" chính là có thể kể một câu chuyện dông dài đến người đọc nhưng người đó chỉ phải tiêu tốn một thời gian cực ngắn trong thế giới thực tại. Kế Duyên xem xong nội dung trong thẻ Âm mộc, ở thế giới bên ngoài chỉ vừa trôi qua vài hơi thở mà thôi.

"Hài... Sự việc bên ngoài Đại Trinh, mỗ đây có lòng, nhưng làm sao đủ lực? Triệu Thành Hoàng, ông coi trọng ta quá rồi..."

Lẩm bẩm như thế, Kế Duyên nhét thẻ gỗ vào ngực, rồi dùng mái chèo chống mạnh vào bến, đẩy thuyền ra xa. Kế tiếp, hắn chèo thuyền quay lại thôn Trần gia.

Ngày thứ hai và thứ ba, trong thủy phủ dưới lòng Thông Thiên giang, Long Tử Ứng Phong đều nhận bản báo cáo từ Dạ Xoa, rằng gã không hề thấy người ngư dân đặc biệt kia trên mặt sông qua hai ngày liên tiếp. Chuyện này khiến Ứng Phong cảm thấy vô cùng sốt ruột, đến nỗi tự thân gã ta bơi lội suốt cả một quãng đường dài gần trăm dặm trên dòng sông ấy, quả thật vẫn không thể tìm ra bạn tốt của phụ thân mình.

...

Thật ra, không phải Kế Duyên từ bỏ ý định dạo chơi tại phủ Kinh Kỳ, chỉ là hắn không định cùng Doãn Triệu Tiên và Sử Ngọc Sinh cùng đi thuê khách điếm giữa phố phường đông đúc thế này.

Hắn không hề dự định trước bất cứ cái gì, cũng không phải loại người phải nằm trên giường mới có thể chợp mắt. Kế Duyên chỉ muốn nhè vào cảm giác của bản thân mà dạo bước trong thành.

Phố lớn, ngõ nhỏ rất ngay ngắn, phân bố theo trật tự. Cửa dàng, dân cư san sát liên tục. Con đường mậu dịch rộng rãi, phồn vinh chính là ấn tượng đầu tiên đập vào mắt Kế Duyên.

Trong thành, có một số nơi vô cùng huyên náo, có lẽ đó là mấy địa phương chủ chốt giữa phố phường đan xen thế này. Giữa những tiếng ngựa hí ồn ã là tạp âm vang lên từ bánh xe thồ cùng với giọng rao bán đồ hàng liên tục. Thương nhân và du khách từ trời Nam, biển Bắc đều tụ tập về đây, nếu lấy Xuân Huệ phủ mang ra làm tiêu điểm so sánh, ờ thì, đây không phải là một cấp độ tương đương để mà so sánh khi vật đối chiếu ở phương xa kia có trình độ thua kém tít tắp.

Có tổng cộng tám mươi mốt phường lớn trong phủ Kinh Kỳ, dân số khoảng bốn mươi vạn người, là một thủ phủ xứng tầm cho cả nước Đại Trinh.

Giữa phố xá sầm uất, vốn dĩ Kế Duyên cũng chỉ dạo chơi một thoáng mà thôi, nào ngờ lại có việc xảy ra khiến hắn chú ý đến.

Trên đường phố rộng rãi, có hai vị Nhật Tuần Du đang đi ngang dò xét. Bên cạnh đó, còn có sứ giả Câu Hồn đang bung dù đi theo sau. Bọn họ không đi thẳng đến cuối đường, mà quẹo vào một con hẻm vắng.

Kế Duyên rục rịt trong lòng, đây chắc hẳn là có người đến giai đoạn cuối cùng của tuổi thọ, bị Âm Ti đến câu hồn rồi!

Đây là hình ảnh mà họ Kế chưa bao giờ trông thấy tận mắt, bèn tò mò muốn nhìn đến cuối cùng. Vì thế, dĩ nhiên là hắn lần mò theo sau.

Luồn lách qua dòng người nhộn nhịp trên phố, né tránh những mấy con ngựa thồ, Kế Duyên nhanh chóng vào đến con hẻm kia. Dù đã mất dấu những vị đến từ Âm Ty, nhưng không cần phải dùng pháp nhãn, Kế Duyên vẫn có thể ngửi ra được mùi âm khí, rồi theo đó có thể lần ra dấu vết của đối phương một cách dễ dàng.

Phường này gọi là phường Kim An. Tùy không có nhà cao cửa rộng trên đường phố như mấy khu thuộc quyền sở hữu của bọn quan lại, quý tộc, nhưng nơi đây cũng được xem là khá giàu có, cao sang. Ít ra, con đường mà Kế Duyên đang đi dẫn đến nơi mà hắn muốn đến khá rộng, trong khi phủ Kinh Kỳ vẫn luôn nổi tiếng bốn chữ "tấc đất tấc vàng".

Sau thời gian độ khoảng một chén trà, Kế Duyên đã đuổi kịp quỷ sai Âm Ti. Bọn họ đang đứng trước một toà phủ đệ, bên trên ghi là "Chu phủ."

Nét chữ trên tấm bảng ấy lớn đến vậy, dù ánh mắt của Kế Duyên không rõ lắm vẫn có thể nhận rõ mặt chữ rành rành.

Dường như quỷ sai Âm Ti vẫn đang chờ đợi một điều gì đó, trong khi Kế Duyên lại đứng từ xa, trợn tròn con mắt của mình lên, nhìn chằm chằm vào bên trong tòa phủ. Nơi đó, có một luồng khí lạ từ gia đình trong phủ đang bốc lên bầu trời.

"Hả?"

Kế Duyên đột ngột nhận ra có gì đó khác thường, cố nén đau nhức, mở to mắt ra một lần nữa. Làn khí lạ bên trong Chu phủ càng sống động, rõ ràng hơn. Giữa những làn Nhân khí kia, dường như có một luồng khí đặc biệt nào đó len lỏi bên trong, chẳng biết đó có phải là yêu khí hay một loại khí nào khác.

Lúc này, có lẽ quỷ sai Âm Ti cũng quan sát đủ rồi, bèn đi xuyên qua cửa mà vào trong.

Mặc dù sổ sách của Âm Ti có thể cảm nhận được tình hình của mỗi cá nhân, nhưng đó không phải là Sinh Tử Bộ chân chính, do đó không thể báo chính xác thời điểm tử vong của một người. Nói cách khác, nó chỉ có thể nhận ra sự suy giảm tuổi thọ, cảm thụ được sự thay đổi trong yếu tố phúc, lộc, đức, nghiệp của từng người mà thôi. Vào lúc thích hợp, Âm Ti phát hiện người đó sắp sửa qua đời, na ná với hoạt động bói toán vận mệnh vậy, chỉ là trực quan hơn.

Kế Duyên ngẫm nghĩ một hồi, liền thi pháp để che mắt thế nhân, rồi nhẹ nhàng nhảy qua cổng chính Chu phủ.

Ngay phòng ngủ nằm tại sân sau bên trong Chu phủ, một người đàn ông tầm sáu mươi tuổi mang nét mặt tái nhợt đang nằm trên giường. Một nhóm người có cả nam lẫn nữ đang đứng vây quanh, bầu không khí rất nặng nề.

"Đại phu nói ta... chỉ, chỉ còn được hai ngày... Sau khi ta chết... sẽ do, do con trưởng quản lý... quản, quản lý gia nghiệp này... Phải nhớ kỹ lời dạy bảo của tổ tiên, không được..."

Người con trưởng đã đỏ hồng cả hai mắt. Gã đang quỳ cạnh giường bỗng đứng lên một cách đột ngột, đi ra cửa phòng.

"Phụ thân! Chính là con tiện nhân kia hại người! Người có lòng tốt, thu nhận, giúp đỡ ả bao năm nay! Thế nhưng mà, con mụ đó lấy oán trả ơn, con sẽ không tha cho nó đâu!"

"Diệc Thanh... khụ khụ..."

Ông lão gần đất xa trời ấy bỗng nhiên kích động, thét gọi người con trai:

"Nếu... nếu mày làm thế... thì kẻ lấy oán trả ơn chính là nhà họ Chu chúng ta!"

Bỗng nhiên, cửa phòng bật mở ra. Một người phụ nữ quấn vải nhung màu trắng trên đầu bước vào, đi thẳng đến cạnh giường, chẳng thèm liếc mắt đến gã con trai trưởng.

Đứa con trưởng nhà họ Chu vừa nổi giận ban nãy, bỗng lùi lại vài bước ngay lúc này, dường như không dám nhìn thẳng vào mặt cô gái kia.

Người phụ nữ đi thẳng đến cạnh giường của Chu lão gia, gương mặt đau xót, đưa tay vuốt ve mặt mũi ông ấy một cách dịu dàng.

"Hôm nay, vốn dĩ muội không nên đến đây. Nếu người của Âm Ti gặp muội, chắc chắn không bỏ qua, có điều... Huynh yêu thương muội một cách đau khổ trong ba mươi năm nay, hãy để muội tiễn huynh đoạn đường cuối cùng này!"

Mặc dù cô nàng nói ba mươi năm, nhưng dung mạo của cô vẫn còn trẻ đẹp, không hề già nua với số tuổi như thế.

Dường như ông lão đang hấp hối ấy lại rơi vào tình trạng hồi quang phản chiếu, sắc mặt thoáng hồng hào lên rất nhiều, vẻ mặt lại vô cùng kích động.

Có vẻ những người còn lại trong căn phòng này đều biết chuyện sẽ như thế. Họ né tránh, lại im phăng phắc, không dám hé môi lấy một lời.

Ngay lúc này, Câu Hồn sứ giả của Âm Ti điều khiển một cơn gió âm u mà lướt vào phòng, cũng chẳng để ý đến vẻ khác thường của cô gái đang ngồi bên cạnh.

Hai gã sứ giả nói với lão gia nhà họ Chu rằng: "Chu Niệm Sinh, dương thọ của ngươi đã hết, mau theo chúng ta đi thôi!"

Nếu chuyện cứ diễn ra như thế, có lẽ chẳng còn gì để kể tiếp. Đáng tiếc thay, vẫn còn hai vị Nhật Du Tuần bên ngoài phòng. Trong khi sứ giả Câu Hồn thực hiện chức trách, Nhật Du Tuần cũng bước vào phòng, dò xét theo thông lệ. Sau đó, hai vị ấy bỗng giật mình, nhìn chằm chằm vào cô gái đang ngồi cạnh giường ấy. Mà lúc này, cô ta cũng quay lại, thản nhiên nhìn thằng vào ánh mắt của hai vị Nhật Du Thần.
Bình Luận (0)
Comment