Lằn Ranh Sinh Tử

Chương 3

Là một đứa con trai ở Sawyer, tôi khao khát được học bơi ngoài biển nhưng cha tôi cương quyết cấm tiệt điều này. Nếu tôi xin học bơi trong những ngày đi đánh cá thì ông từ chối với lý do là cần phải canh chừng cho tôi và như thế có nghĩa là phải rời bỏ chiếc thuyền, dây câu cùng các bạn câu trong cái ngày ra khơi duy nhất của ông, mà như thế là đòi hỏi quá nhiều đối với ông. Trong thâm tâm, tôi biết rõ rằng ông có thể vui vẻ dành ra một giờ để chiều ý tôi nếu ông có thể bơi khá để cứu tôi trong trường hợp tôi bị đuôi sức, nhưng ông bơi quá kém. Khi tôi xin phép chỉ đạp xe ra tới cửa sông cùng với Loonie thì ông đã lắc đầu. Đường xấu, đường xa, không được, nhưng tôi muôn bơi lội ở nơi mà tôi có thể nhìn thấy đáy sông, nơi có những con sóng lớn sủi bọt từ phương nam tràn về để mình có thể lặn sâu xucmg dưới mà nhìn chúng dội qua trên đầu. Tôi khao khát biển hơn bất cứ thứ gì khác. Xưa nay tôi vẫn là một đứa bé vâng lời, lễ phép và đến lúc này, tôi còn thấy hài lòng, nhưng việc ngăn cấm không cho tiếp cận với biển là điều không thể chấp nhận. Cho dù không có sự tác động của Loonie, có lẽ tôi cũng đã bất chấp lệnh của bố tôi - tôi nghĩ mình dù sao cũng đã mười mấy tuổi rồi - nhưng mùa hè này, tôi càng trở nên mạnh dạn hơn do ở thái độ xem thường quyền lực của người bạn mới, và mặc dù đã xin xỏ, năn nỉ trước, cuối cùng tôi cũng đã cùng Loonie lên đường vào một ngày chủ nhật và đạp xe tới bờ biển mà không có sự cho phép của cha tôi. Tôi bắt đầu bằng một sự nói dối. Tôi nói rằng chúng tôi đi ra bờ sông, nhưng khi xuôi dốc đi qua khỏi thành phố thì chúng tôi quay ngược lại phía sau cái quán.

- Mày có biết là vì sao không - Loonie nói khi chúng tôi chạy tới khúc đường rẽ - Mày có biết vì sao ông bố của mày lo sợ hay không?

- Biết - tôi nói sau một hồi lâu. Tôi không muốn nói về chuyện cha tôi không biết bơi. Tôi không muốn nói xấu ông ấy.

- Pikelet, mày nói không đúng sự thật.

Tôi dừng xe lại, trông chừng xem có ai trong nhà máy nhìn thấy mình không.

- Đó là Snowy Muir - Loonie nói.

- Ông ấy là ai?

- Một người làm trong nhà máy. Đánh cá ngoài khơi Mũi Đất. Chỗ ấy có nhiều cá chỉ vàng. Ông ấy bị Sóng Thần cuốn. Sóng tràn qua tảng đá và lôi ông ta đi. Ba ngày sau mới tìm thấy xác ở ngoài Lỗ Trũng.

Con đường nhựa lốc chốc những đá khiến hai hàm răng tôi va vào nhau lộp cộp. Những con chim có yếm từ các lùm cây bay sát vào chúng tôi đe doạ.

- Bố mày đã có mặt ở đấy, Pikelet. Ông ấy nhìn thấy người kia bị nạn.

- Chuyện xảy ra hồi nào vậy? - Tôi hỏi, cố làm ra vẻ không tin.

- Năm 1965.

- Làm sao… làm sao mày biết được?

- Tao làm trong quán, thằng ngốc ạ. Chỉ có câu chuyện mới tràn nhanh hơn bia thôi.

Tôi băn khoăn là mình đã không biết được tình tiết quí báu này về ông bố của mình. Tôi yên lặng đạp xe đi.

Chúng tôi cho xe xuôi dốc mà không cần đạp khoảng chừng một dặm, cho tới một quãng đường phẳng, dài, nơi cửa sông uốn khúc thành những vũng cạn bên trái chúng tôi và những bãi tập ngựa bùn lầy ở phía đối diện vươn lên tới những đồi cây dốc đứng. Mặt trời rọi nắng trên vai chúng tôi qua tiếng rào rào, lạch cạch của chiếc xe đạp, chúng tôi có thể nghe tiếng đại dương.

Ở đoạn dốc cuối cùng, một chiếc xe tải sàn phẳng vừa lội ra khỏi hồ muối trên con đường nhựa phía trước chúng tôi. Chẳng nói chẳng rằng, Loonie đột ngột phóng tới đuổi theo chiếc xe. Mấy người ngồi ở sau xe reo cười và hoan hô khi thấy nó đuổi kịp và bám vào thanh móc sau xe. Chiếc ô tô cũ vẫn tiếp tục chạy với tiếng hộp số rào rạo, đi nhanh ngược con đường dốc. Loonie và chiếc xe đạp của nó lao đi vùn vụt và tôi có thể nhìn thấy gương mặt đỏ rần của nó khi nó ngoái cổ nhìn lại phía sau với vẻ đắc thắng. Tôi không nghĩ là người lái xe có biết là Loonie đang dũng cảm đeo ở đằng sau xe mình hay không, nhưng họ đã cùng nhau lên dốc, bỏ lại tôi ở phía sau, cho đến khi tôi chỉ còn nghe được tiếng hộp số rền rí và tiếng cười reo nhỏ dần. Sau cùng, không chịu nổi tốc độ cùng việc bám một tay, Loonie đâm ra loạng choạng và phải buông chỗ móc ra. Nó lủi mạnh vào trong lề đường rải sỏi, phóng qua bãi sậy, rào rào như một luồng gió, và thứ cuối cùng tôi được nhìn thấy là chiếc xe đạp không người cưỡi từ nơi đám sậy tung lên trước khi lộn nhào vào vùng nước cạn.

Khi tôi ì ạch leo lên tới đỉnh đồi thì Loonie và chiếc xe móp méo của nó đã được đưa lên sàn của chiếc xe tải đang nổ máy cầm chừng và người tài xế có vẻ như đang chờ đợi tôi. Khi đến nơi, tôi thấy Loonie mặc dù đầu gối bị lột trần và chiếc áo tả tơi nhưng vẫn có vẻ hạnh phúc một cách ngông cuồng. Nó đang suýt xoa nhăn nhó trước mặt cô gái độ mười sáu tuổi mặc chiếc quần jean có vẽ hoa. Bên cạnh chúng là một đông ván lướt sóng và một con chó ba chân. Từ nơi buồng lái, ba người đàn ông tóc rối bảo tôi leo lên, rồi sau đó chúng tôi cùng đi về phía mũi đất, tới chỗ con đường nhựa giáp với con đường đất bẩn thỉu thì chúng tôi nhảy xuống, băng qua đám cây bạc hà và tràm bông vàng để tới bãi biển màu trắng khắc nghiệt vđi tiếng sóng vỗ ầm ầm dữ dội.

Mấy người đàn ông tuôn ào xuống xe, giật lấy mấy tấm ván của họ rồi chạy đi khi chúng tôi chưa kịp leo xuống và cám ơn họ, thế nên chúng tôi đành cám ơn cô gái. Cô ta nhún vai và dí dí mấy ngón chân trên cát. Con chó chạy quanh mấy vòng, tranh nhau với Loonie để thu hút sự chú ý của cô ta.

Từ nơi mũi đất bằng đá hoa cương với những hòn đá viết nguệch ngoạc mấy lời cảnh báo về dòng chảy nguy hiểm, bãi biển trải dài nhiều dặm về phía đông. Chúng tôi nhìn theo những người lướt sóng lao vào vùng nước xoáy dọc theo các hòn đá rồi từ đó họ phóng qua khoảng trống. Sóng biển rạt rào xung quanh mũi đất, hết lớp này tới lớp khác, êm đềm và có màu xanh biếc, lảo đảo chạy qua vịnh để rồi tan biến đi trong sự va đập mạnh mẽ vào cồn cát nơi cửa sông. Bầu không khí dày đặc những tiếng ồn và hơi mặn, tôi bị choáng váng.

Loonie phải đi khập khiễng sau vụ ngã xe nhưng như thế vẫn không gây trở ngại gì cho nó trong việc leo qua các hòn đá cùng với tôi, cô gái, và con chó ba chân để ngắm nhìn những người đàn ông lướt qua trên mấy tấm ván. Họ hò hét, bổ nhào và phóng nhanh qua vịnh cho đến khi chỉ còn là những sinh vật nhỏ bé vùng vẫy ở một quãng xa. Cô gái nói là từ Angelus đến và lấy những trái táo trong chiếc túi len ra đưa cho chúng tôi. Cô ta nói về Iron Butterfly và rất nhiều thứ khác mà tôi chẳng biết gì nhiều cũng như chẳng biết làm sao theo kịp cuộc nói chuyện vì đầu óc của tôi đang ở chỗ khác. Tôi không thể rời mắt khỏi những chùm ánh sáng xao động, tung tóe ngoài kia. Có phải đây là thứ mà cha tôi e ngại? Tôi nghĩ về Snowy Muir tội nghiệp đã chết, nhưng khó tưởng tượng ra cái chết khi ta đang nhìn những con người tung tăng trên vịnh với những nụ cười tươi rói và ánh nắng trên tóc của họ.

Vì còn là một đứa bé nên tôi không thể nói gì về chuyện này, nhưng về sau tôi đã hiểu được là trí tưởng tượng của cha tôi đã bị ám ảnh bởi điều gì. Thật lạ lùng khi thấy người ta làm một điều đẹp đẽ. Một điều gì vô nghĩa và thanh cao, có vẻ như chẳng được ai nhìn thấy và quan tâm. Ớ Sawyer, thành phố của những thợ máy, thợ đốn cây, chủ trại chăn nuôi, với một cửa hàng thịt và một văn phòng đại diện của ngân hàng nông thôn bên cạnh công ty Dầu lửa Anh qucíc, người ta thường làm những việc rõ ràng, thiết thực, chủ yếu bằng hai bàn tay. Một người thợ làm bánh rất làm ra một thứ bánh vừa đẹp vừa ngon, nhưng người thợ làm bánh của chúng tôi lúc nào cũng là một phụ nữ, một con người vừa khắc khổ vừa thật thà như bất cứ ông bố nào, và bà ta làm ra những ổ bánh mì giống như những viên gạch, về phong trào thì chúng tôi có hai đội bóng đá địa phương với tài chạy nhanh và đá mạnh. Tôi phải thừa nhận rằng cha tôi có kiểu chèo thuyền hết sức dịu dàng, nhìn vào không thấy một chút ráng sức nào, nhưng ngoài chuyện này và một số chàng trai với bộ răng nhựa trắng với cái cổ giống như cổ rùa thường hay quậy phá trong ngày lễ Cựu Chiến binh và hát những bài dở ẹt trên hè phố Riverside trước khi mãn khoá, thì chẳng có chỗ nào cho cái đẹp trong đời sống của những người dân xứ tôi cả. Ngoại trừ điều duy nhất là ông già Yuri Orlov chịu khó chạm trổ những món đồ chơi đáng yêu như trong truyện cổ từ những chất liệu tìm kiếm được trong rừng già. Nhưng ông ta chẳng muôn trưng bày các tác phẩm của mình. Ông ta nhút nhát hoặc quá cẩn thận, khiến mọi người bảo là ông dở dở ương ương. Về mặt con người thì những nhân vật của ông là tất cả cái đẹp vô dụng mà thành phố có thể tạo ra.

Trong tất cả những năm mà Loonie và tôi cùng chơi lướt sóng với nhau, sau khi thấy say mê buổi sáng hôm ấy tại Mũi Đất, chúng tôi chẳng bao giờ nói đến chuyện cái đẹp. Chúng tôi là bạn, nhưng có những chỗ mà cuộc trò chuyện của chúng tôi không thể động tới. Không có chút nghi ngờ gì về sự xúc động run người của lần đầu lướt sóng, sự phóng đi mạnh mẽ của chúng tôi trong khi đáp xuống với tiếng gió rít bên tai. Chúng tôi không biết chất endorphin là gì nhưng chúng tôi nhanh chóng hiểu được rằng cái cảm giác ấy thực là đê mê, nó làm chúng ta phát nghiện như thế nào; từ ngày đầu tiên, tôi đã thấy say mê trong khi chỉ ngắm nhìn. Chúng tôi bàn tán với nhau về kỹ năng, sự can đảm và sự may mắn - chúng tôi đồng ý về tất cả những điều này, và đôi lúc chúng tôi đã lướt sóng một cách liều mạng - nhưng đối với tôi thì còn có cái cảm giác phá lệ của việc thực hiện một điều gì tuyệt vời, như thể khiêu vũ trên mặt nước là điều tuyệt vời nhất và gan dạ nhất mà một người có thể làm.

Chúng tôi ngồi nơi Mũi Đất với cô gái và con chó cho đến khi gió đổi chiều và mọi người cùng lội vào. Chúng tôi ngồi phía sau chiếc Bedford cũ kỹ của họ để trở về thành phố, nám cháy vì nắng nhưng vô cùng thích thú.

Bố tôi nổi giận - ông đã nhìn thấy chiếc xe, đã bắt gặp Loonie vác chiếc xe đạp cong queo về nhà và đã hình dung ra điều gì rồi - nhưng ông chẳng làm gì tôi cả, không răn đe, không tỏ vẻ thất vọng, và không hề nói nặng nhẹ. Tôi đã bị án treo.

Loonie và tôi trở lại biển nhiều lần trong mùa hè năm ấy. Chúng tôi đi nhờ xe, đạp xe hoặc đi bộ, nhờ ván của những người dân Angelus khi họ lội vào ăn trưa hoặc lúc cuối ngày, và sau nhiều tuần, chúng tôi gần như đã đi lại vững vàng, loạng choạng băng ngang qua đám sóng vỗ bờ, rú lên rồi nhăn nhở cười như những thằng điên. Thậm chí bây giờ, gần bốn mươi năm sau, mỗi khi nhìn thấy một đứa bé nhún nhẩy trên đôi chân, đong đưa hai cánh tay, tuổi còn non choẹt và da dẻ sáng bóng, thì tôi nghĩ đó là mình; tôi biết rõ nó, và một tia hy vọng ban đầu trở về trong tôi.

Những tấm ván đầu tiên chúng tôi làm được là những tấm Coolite, tức là những tấm ván nhựa polixtiren tổng hợp đơn giản, kêu ken két khi chạm vào và gió thổi phía nào thì bay theo phía ấy. Vì chúng không có bộ phận giữ thăng bằng nên không thể lái, giống như một chiếc thuyền không có ky hoặc bánh lái, nhưng chúng tôi đã xem đó như những kỳ công của mình. Loonie lèo nhèo mãi với mẹ kế của nó mới được mua một tấm, còn tôi cũng mua được một tấm đã qua sử dụng của một thằng bé con nhà nông vừa mới trở về sau một chuyến đi nghỉ ở Queenland mà nó không thích. Mang những tấm ván này trên xe đạp tới bờ biển quả thật là rất gay go. Nó lớn quá, không thể kẹp dưới cánh tay của một thằng bé, và nhẹ quá nên cứ lật nghiêng, vặn vẹo như một con thú và chỉ chực bay lên. Một luồng gió tạt ngang cũng có thể làm cho bạn và chiếc xe ngã ngay vào lùm cây bên đường. Những nhọc nhằn của chúng tôi với các tấm ván này không thể gọi là lướt sóng. Chúng tôi chẳng khác gì những sinh vật biết cử động đang trôi giạt trên mặt biển. Sau đó chúng tôi làm ra những bánh lái thô sơ bằng ván ép và dùng sáp để gắn vào tấm ván, thế là mọi thứ đã khác ngay. Chúng tôi có thể điều khiển, có thể lái. Cuối cùng chúng tôi cũng lướt sóng được.

Mùa hè năm ấy, Loonie và tôi mải mê lướt sóng cho đến khi làn da đen thui vì rám nắng, cho đến khi hai cánh tay chúng tôi rã rời và bụng thì đau ran vì bọt biển. Ban đêm, mẹ tôi phải xức dầu Flavin lên mấy đám vảy lấm tấm trên ngực và dùng giấm chà cọ lên cái lưng rám nắng của tôi. Không thể giấu được bà là tôi đã làm gì, nhưng bà chẳng nói gì. Còn cha tôi mỗi khi trông thấy tấm Coolite của tôi dựng trong nhà kho thì ông đem ném ra ngoài vạt cỏ mà chẳng nói một lời nào. Tôi vẫn phụ giúp cha nhổ lông gà và quét dọn rác trong vườn, nhưng hai cha con tôi không còn đi câu cá với nhau nữa, tôi biết là ông cảm thấy mình bị bỏ rơi. Tôi đã rời xa ông rồi, cả hai chúng tôi cùng biết thế, và dù cố gắng bao nhiêu ông cũng không thể che giấu được là điều này làm ông đau buồn đến thế nào. Ông chẳng bao giờ để ý đến những đứa con trai lớn hơn ghé tới nhà tôi vào những buổi chiều sau một chuyến xe. Tôi cũng có phần nào mong ông sẽ hỏi tôi về chúng, nhưng ông có vẻ cố tránh. Ông trông vốn đã già nua giờ đây lại thêm vẻ lo sợ và thất vọng. Tôi chỉ đi lướt sóng thôi, nhưng nhìn vẻ mặt ông, người ta nghĩ là tôi đã bỏ nhà ra đi mất rồi.

Đến đầu năm sau, Loonie chuyển qua trường Nông nghiệp. Đây là trường trung học phổ thông duy nhất của khu vực này và muốn học tiếp để hoàn tất hai năm cuối thì phải ở trọ tại Angelus hoặc là phải đón chuyến xe buýt sớm mỗi ngày. Năm ấy, trong các giờ học, Loonie và tôi bắt đầu sống trong hai thế giới khác nhau đôi chút. Theo lời nó kể thì trường Nông nghiệp khá lạ lùng và khắc nghiệt. Vào thời ấy chỉ có con trai học thôi, và chúng được học về chăn nuôi, trồng trọt và gieo hạt. Gần như thứ sáu nào cũng có những vụ đánh nhau bên xưởng máy, và nhiều buổi tối Loonie ghé vào nhà tôi với những vết bầm vết xước khắp người. Nó chẳng bao giờ quay lưng với bất cứ việc gì và với bất cứ người nào, tính nó là thế. Nó kể chuyện về những đứa con nít cạo đầu, với những cánh tay giống như những khúc giăm bông, về việc những người lớn gọi mẹ nó là lăng loàn, thế nên nó đã đánh nhau với họ. Tôi thì mù tịt không biết lăng loàn thực ra là gì và không rõ là tiếng lăng loàn ấy được dành cho mẹ nó hay dì ghẻ nó, thế nên tôi chẳng ép nó phải nói cho rõ ra. Đến tháng bảy, khi bà Loon khăn gói bỏ đi vào lúc nửa đêm, Loonie chẳng hề xúc động. Tôi không biết gì về bà ấy. Tôi chỉ nhớ bà có dáng mập lùn với mái tóc xoăn màu đen và một chiếc răng vàng. Sau đó chẳng bao giờ nó nói về bà nữa.

Một vài dịp cuối tuần trong mùa đông, chúng tôi đạp xe ra cửa sông, mang theo mấy tấm Coolite, nhưng thường thì sóng nhồi quá lớn, chúng tôi chẳng bao giờ vượt qua được để đến nơi Mũi đất có vùng nước xoáy đáng ngờề Đau khổ vì phải bỏ cuộc, Loonie và tôi đành lau khô mình, mặc quần áo vào rồi chạy dọc theo các hòn đá để xem những người dân Angelus đương đầu với những con sóng lớn, bốc cao, vượt qua Mũi Đất để tuôn vào trong vịnh. Họ ngồi ngoài xa, ở tận những nơi bình thường chẳng có ai đi tới, xa tít ngoài khơi đến nỗi hình bóng họ chỉ còn thấy thấp thoáng mà thôi. Suốt một thời gian dài chẳng ai bơi lội gì nhiều ở đây ngoài việc lặn hụp quanh quẩn, thỉnh thoảng quơ tay về phía biển để tránh những đợt sóng lớn chỉ chực vùi chôn mình. Trong một đợt sóng như vậy thì những hòn đá dọc theo Mũi Đất bị ngập quá cao khiến cho chúng tôi phải lui về nơi lùm cây để được an toàn và khô ráo. Chúng tôi ngồi xổm trên vị trí quan sát của mình, kéo rịt chiếc áo choàng trên người và mong có người nào rời bến, cho đến khi có một người trong đám dân Angelus quyết định lội xuống nước. Một vài ngọn sóng cao lên đến tận chỗ nấp của chúng tôi trên Mũi Đất. Khi có một người nào thu hết can đảm ra đi thì chúng tôi không kiềm chế mình được nữa; chúng tôi hò hét thật to trong lúc người đó tìm cách vượt qua mép nước, và chúng tôi rên rỉ bứt tóc khi anh ta bị thất bại. Ắt hẳn là đã có một sự tung tóe bọt nước, một sự hoa múa chân tay, rồi một tấm ván tung cao lên trời… Run rẩy và khiếp hãi, chúng tôi có thể ở đấy suốt nhiều giờ. Đấu trường của chúng tôi là như thế đấy.

Có một nhà lướt sóng dường như chỉ xuất hiện trong những ngày quan trọng nhất. Ông ta thuộc loại lão làng, tấm ván của ông rất dày, dài và nặng nên ông phải đội nó trên đầu khi lội qua đám cây bạc hà để đi ra bãi. Sau đó ông ta chạy bộ ra biển, phóng mình vào trong làn sóng lao xao rồi nhắm thẳng tới vùng nước xoáy, khoả khoả hai đầu gối, thản nhiên như không, bất kể trong tình huống nào. Chỉ cần nhìn ông ta độ nửa giờ là bạn sẽ thấy tưng bừng cuồng nhiệt, giống như một luồng gió mạnh thổi vào trong vịnh, và bạn thình lình nhận ra tia bọt trắng xoá của luồng nước rẽ bên trên các đỉnh cao chơm chởm của một ngọn sóng to lớn, dữ dằn khiến bạn phải rùng mình. Đó là ông ta, nhân vật bé xíu ấy, đang đứng thẳng người và thản nhiên một cách kỳ lạ, nhô lên rồi hụp xuống cho đến khi tới sát một bên để cho thấy đó không phải chỉ là một bóng hình. Tài nghệ của ông thật phi thường. Có một vẻ gì đặc biệt trong sự vô tư và cung cách cao sang của ông khi ông lướt đi trên tấm ván dài, kỳ cựu, trong cách ông ta giả vờ bỏ lửng rồi bật dậy phóng nhanh qua những gờ đất cạn, với một làn sóng dữ đuổi theo sau lưng, và khi làn sóng phình to về phía rãnh sâu giữa vịnh thì ông đứng ngay trên chóp đỉnh tấm ván với sống lưng cong vòng và cái đầu hất ngược ra sau như vừa hát xong một bài thánh ca mà không một ai nghe được.

Cả hai chúng tôi không ai biết người đàn ông ấy là ai. Chúng tôi đoán có lẽ là ông từ thành phố đến, nhưng khi Loonie mở lời hỏi những người dân Angelus về ông ta thì họ chỉ nhoẻn miệng cười và xoa xoa mớ tóc dính cứng của nó khiến nó phát điên lên và tôi phải kéo nó đi chỗ khác để tránh một cuộc đánh nhau mà tôi chẳng muốn dính vào.

Khi thời tiết xấu và có nhiều giông bão không thể đi ra bờ biển, Loonie và tôi ở lại thành phố và vui chơi bên con sông. Chúng tôi chèo những cuốc nhỏ từ bờ bên này qua bờ bên kia, nhảy từ trên cây xuống và đu mình trên các sợi dây. Vào thời ấy, bộ phổi chúng tôi chỉ như bọng đái lạc đà; chúng tôi thẳng tay tấn công nhau, đứa này thách đứa kia vượt qua cái giới hạn hai phút lặn dưới cầu nhảy. Trong nước biển mùa hè lặng gió và không có việc gì khác để làm ngoài việc lặn xuống rồi nằm trên đáy biển sạch sẽ, nhiều lằn sọc, và nín thở để đếm chữ “Mississippi”, chúng tôi đã gần đạt mục tiêu. Nhưng làm chuyện này dưới đáy sông mùa đông là một thách thức hoàn toàn khác. Thật là một công việc khủng khiếp giữa vùng tăm tối, phải đeo bám vào những sợi rễ cây ngoằn ngoèo dưới nước, lạnh đến nỗi chỉ một phút ở dưới ấy cũng đủ khiến cho chúng tôi trồi lên loạng choạng và cặp môi tím tái. Leo lên bờ, chúng tôi còn thấy tê cóng và đờ đẫn đến mức thậm chí không còn cảm thấy hơi nóng từ ngọn lửa mà chúng tôi để lại gần đấy để sưởi ấm.

Bố của Loonie đã tìm thấy chúng tôi run rẩy lập cập như vậy trong một buổi chiều chủ nhật tháng bảy mưa phùn.

- Trông kìa, hai thằng ngốc tụi bay. Ông ta lẩm bẩm

- Trời thì mưa, nước thì lạnh cóng người, thế mà tụi bay cứ đi bơi.

- Chúng con thích bơi - Loonie trả lời mà chẳng nhìn lên.

Ông Karl Loon đang mặc chiếc áo vét phi công bằng da và lông cừu. Loonie nói là ông từng ở trong không quân, dù dựa trên những gì tôi nghe được qua cách phát âm yếu ớt của cha nó thì đây không phải là kiểu người đã từng ở trong không quân của Anh quốc. Ông Karl Loon là một con người to lớn, dềnh dàng, cái đầu hớt cua. Ông có thể là người gốc Ba Lan hoặc Croatia - giọng nói rất khó nghe. Vành len trên cổ áo ông ta vàng rùm như được nhuộm bằng nicotin. Tóc ông được chải dầu và rẽ sang hai bên. Dù đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy ông ngoài trời, nhưng ông trông có vẻ như là rám nắng.

- Bọn mày đang đốt củi tươi mà - Ông nói - Làm sao mà thấy ấm được.

- Bọn con không sao mà - Loonie bực tức đáp.

- Hãy chẻ một ít củi cho quán rồi tao để cho một ít mà dùng. Mấy đứa tính thế nào? Tao mới nhận năm tấn củi mà chẳng có ai chẻ đây.

Loonie thấy chẳng cần và lắc đầu.

- Tụi bay có chuyện gì làm hay hơn sao?

- Bọn con làm lấy tiền cơ - Loonie nói.

- Bao nhiêu hả?

- Mười đồng một tấn.

Ông bố nó cười, bỏ đi.

Nhưng rồi chúng tôi cũng chẻ đống củi, với giá năm đô la một tấn. Chúng tôi chẻ dưới trời mưa trong nhiều ngày trên cái sân đất dài phía sau thành phố Riverside, giữa một đám đất hoang cỏ mọc và những dãy trường kỷ gãy cùng máng xối bằng đá. Một người lớn tuổi lưng gù với một dáng vẻ lừ đừ ngồi bên các dãy chai lọ rỗng óng ánh nhìn chúng tôi chẻ những khúc tròn đầy nhựa, quơ dọn các mảnh vụn và chất củi vào trong chái hiên bên cạnh tiệm giặt của quán rượu. Chưa làm xong năm tấn củi này chúng tôi đã nhận được mối chẻ củi như thế trong khắp thành phố. Dân nhậu người thì thấy thương hại cho chúng tôi, người thì xem chúng tôi như một cách để cất đi gánh nặng trên lưng họ, nhưng dù nhìn bằng cách nào đi nữa thì sự thực là chúng tôi đã có công việc để làm.

Loonie thích bất cứ thứ gì có một mép cạnh. Trong các nhà kho - nơi chúng tôi làm việc thường có những hòn đá mài, nó ưa dùng những hòn đá này để mài cho bén những lưỡi rìu hoặc con dao xếp mà nó luôn mang theo. Mỗi khi chúng tôi nghỉ xả hơi, hoặc khi bà chủ nhà mang cho chúng tôi một bình trà hay vài miếng bánh, nó ưa chơi trò mạo hiểm. Thông thường chúng tôi dùng dao để chơi. Chúng tôi xòe bàn tay trên phiến gỗ mềm, rồi đâm lưỡi dao vào giữa mấy ngón tay càng lúc càng nhanh hơn - lúc đầu còn nhìn rồi sau nhắm mắt lại - cho đến khi một trong hai đứa xin thôi hoặc bị chảy máu. Một vài nhà kho có những tấm bảng bắn bia, thế là chúng tôi chơi trò William Tell, hay trò chơi bắn quả táo đặt trên đầu. Loonie nói rằng dùng một bánh xốp cũng tốt như là trái táo. Nó còn nghĩ ra nhiều trò chơi liên quan tới lưỡi rìu và bàn chân, lưỡi rìu và bất cứ thứ gì, có thể nói là như thế. Trò chơi nào cũng được, miễn là trông có vẻ nguy hiểm.

Trong mỗi trò chơi nguy hiểm - mà với Loonie thì không thiếu gì những trò như thế - nó luôn làm trước. Lúc đầu tôi nghĩ rằng đây là một việc làm danh dự, đây là cách nó nhận trách nhiệm về bất cứ ý tưởng ngông cuồng nào mà nó nghĩ ra - một điều có thể là cao quí, một dấu hiệu tử tế - nhưng cuối cùng tôi thấy Loonie ưa làm trước là do nó rất thích sự liều lĩnh. Nó rất thèm sự thách thức. Thực ra nó muốn thách bạn để bạn thách nó. Không thể chọn lựa được. Nó đòi bạn làm, khăng khăng bắt bạn làm. Trong những chuyện như thế này thì nó hoàn toàn có sức ép buộc. Chơi với nó cũng giống như đứng gần một dòng điện chết người. Những sợi lông trên cánh tay bạn dựng đứng lên, còn bạn thì run sợ và bị thôi miên, luôn luôn bị lôi kéo vào trong cuộc.

Mùa đông năm ấy, chúng tôi chẻ được khá nhiều củi, đủ tiền để mua cho mình những tấm ván lướt thực sự. Những tấm ván này có mép chơm chởm và quá cũ, nhưng chúng được làm bằng nhựa xốp và sợi thuỷ tinh loại tốt, chúng là biểu tượng sự nhập cuộc của chúng tôi. Chúng tôi cào sạch lớp sáp cứng và bẩn ở mặt trên ván rồi chà lại như mới. Chúng tôi dựng mấy tấm ván trong nhà kho của cha tôi và chiêm ngưỡng cái hình dạng chiếc lá của chúng với những chiếc bánh lái thon thả giống hình con cá mập. Cha tôi chẳng vui vẻ chút nào khi thấy tôi làm việc nơi quán rượu, nhưng ông đã không vứt các tấm ván này ra vạt cỏ như đã từng làm với mấy tấm Coolite. Ông đã nhìn thấy những chỗ chai và u trên bàn tay tôi. Ông biết là tôi đã phải còng lưng để kiếm tiền và một lần nữa, sau một thời gian thật dài, tôi mơ hồ cảm nhận được sự hài lòng của cha mình.

Vào một buổi sáng yên bình cuối tháng chín, những đợt lạnh tạm lắng xuống, Loonie và tôi đạp xe mang các tấm ván ra Mũi Đất ở nơi có sóng nhỏ và mặt nước trong vắt như bầu trời. Chúng tôi ngồi ở phía trong mé hiền lành của xoáy nước và chèo vào trong những làn sóng cao đến thắt lưng xô đẩy chúng tôi vào bãi với tiếng gầm gừ, gào thét. Tôi và Loonie đã có chỗ chơi. Dải cát dợn sóng dưới chân, những đàn cá trích tản ra rồi tụ lại, và băng ngang qua vịnh là tiếng phì phò của đàn cá heo phóng mình lên không trung.

Tôi sẽ không bao giờ quên đợt lướt sóng đầu tiên của mình buổi sáng hôm ấy. Mùi sáp, mùi thơm nồng của tấm ván quyện với mùi nước mặn. Làn sóng nhồi trồi lên bên dưới tôi giống như một hình người chồm lên không trung. Nó lôi tôi đi tới và tôi nhấc bổng hai chân lên, lướt đi với tiếng gió vù vù bên tai. Tôi chồm người qua bức tường nước thẳng đứng, tấm ván luôn đi theo tôi, nó dường như là một phần của thể xác và linh hồn tôi. Bọt nước lờ mờ. Hàng triệu mảnh vỡ của ánh sáng. Tôi còn nhớ hình ảnh đơn độc của Loonie nhìn theo trên bãi và nụ cười rạng rỡ của nó mỗi khi tôi lướt qua bên cạnh; tôi như ngây ngất. Và mặc dù đã sống hết cuộc đời, trở thành một ông lão với niềm hạnh phúc của riêng mình, nhưng tôi vẫn đánh giá mọi thời điểm vui vẻ, mọi chiến thắng và phát hiện của mình dựa trên những giây phút hiếm hoi ấy của cuộc đời mình.

Chúng tôi lướt sóng cho đến khi đuối mệt, và khi hối hả vào bờ, nhà lướt sóng lão làng ấy vẫn đang còn chờ. Ông ta ngồi trên ghế sau chiếc Volkswagen Kombi ngắn gọn cùng một con chó, bỗng ông bước ra chào chúng tôi.

- Cuộc sống trên sóng, phải không các chàng trai? - Ông ta nói.

Hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, tôi không thể trả lời mà chỉ gật đầu. Tôi nhận ra ông là người đã lội ra trong những cơn sóng lớn, người đàn ông với tấm ván nổi tiếng thời xưa.

- Các bạn không muốn chết vì đồng tiền đó chứ?

Chúng tôi chỉ lắc đầu tán thành, cười lớn và run bắn người vì lạnh trong khi con chó màu đỏ nhảy múa vòng tròn xung quanh chúng tôi. Người kia nhoẻn miệng cười như thể chúng tôi là cảnh tượng buồn cười nhất mà ông ta được thấy trong năm. Ông ta huýt sáo gọi con chó, và chúng tôi chạy vội tới nơi đống quần áo đã được phơi khô cả ngày dưới ánh mặt trời.

Chiếc Volkswagen lên tiếng và khục khặc nổ máy. Người kia lái xe chạy vòng tròn trên bãi cát rồi nhìn chúng tôi một lúc trước khi quyết định cho chúng tôi đi nhờ. Ông ta chờ đợi, tươi cười trong khi chúng tôi lóng cóng cài nút áo và thắt lưng.

Chúng tôi nhảy lên xe, con chó liếm liếm mấy lỗ tai dính muối của chúng tôi. Lên tới đỉnh đồi nơi Loonie tôi để mấy chiếc xe đạp của mình nằm trên cỏ, chúng tôi đứng dậy và leo ra, cảm thấy rát bỏng vì những vết cào chích ở những nơi mà hệ tuần hoàn đã hoạt động trở lại.

- Hai anh bạn là hai gã khùng - Ông ta nói qua ô cửa chiếc xe.

- Sao vậy? - Loonie nói.

- Lướt sóng không có trang bị trong mọi thời tiết. Không ngu thì cũng là nghèo.

- Cả hai - Tôi nói.

- Anh bạn bao nhiêu tuổi?

- Mười ba - Loonie nói.

- Gần mười ba - Tôi nói - hơi phóng đại lên một chút.

Người đàn ông có mái tóc xoăn đã bạc, bộ râu cũng y như thế. Ông ta có vóc dáng cao to và vạm vỡ, với đôi mắt màu xám. Khó đoán được tuổi ông ta nhưng hẳn phải là ba mươi hoặc hơn và điều này khiến ông ta có vẻ thật chững chạc. Con chó thở hổn hển và kêu ăng ẳng bên cạnh nhưng khi ông ta nhìn vào nó thì con vật lặng yên.

- Chở ván từ thành phố ra đây thì mệt quá nhỉ, các bạn có thể để các tấm ván ở chỗ chúng tôi.

Cả Loonie và tôi đều chẳng nói gì. Chúng tôi không biết trả lời thế nào.

- Tôi ở cách đây một tí thôi - Người đàn ông nói - Các bạn có thể đẩy ván vào bên dưới nhà. Vợ tôi không nói gì đâu.

- Vâng - Tôi đáp - Cám ơn ông.

- Đừng băn khoăn gì.

- Con đường rẽ vào nhà đầu tiên. Trên kia.

- Vâng.

Ông ta lái xe đi và chúng tôi nhìn nhau, nhún vai mà chẳng nói năng gì. Tôi không muốn bỏ tấm ván của mình lại bất cứ nơi đâu ngoài nhà mình, nhưng tôi thấy thích thú vì được quan tâm. Trên đường về, một tay cầm lái chiếc xe đạp chạy ngoằn ngoèo trên con đường nhựa, tay kia cắp tấm ván căng kéo và cứ chực đổi hướng thất thường, chúng tôi đạp đến chỗ đường rẽ mà trước đó tôi chẳng hề để ý. Nó được đánh dấu bằng một cái tủ lạnh cũ sơn xanh và một con đường dẫn vào bẩn thỉu, có nhiều vết lún. Từ ngoài đường cái nhìn vào, chẳng thấy một dấu hiệu nào của ngôi nhà, mà chỉ là một hàng cây karri trên bờ đất. Khu đất được rào lại nhưng chẳng phải là một kiểu trang trại.

- Lạ đời nhỉ - Loonie nói.

Chúng tôi thả xe xuôi dốc qua các quãng đường sình lầy rồi lấy hơi để leo lên ngọn đồi dốc đứng chặn đường đi vào thành phố.
Bình Luận (0)
Comment