Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 219.2

Vương Quan không trả lời, lại nói:

- Trước tiên đệ tử muốn trở về Nam Kinh một chuyến, không biết bao giờ hai huynh đệ họ Trương đi Nam Kinh, đệ tử muốn đi cùng bọn họ, thầy nghĩ sao?

Trần Kế Nho cười nói:

- Rất hay, với trí tuệ ranh mãnh của trò, có thể đọ sức được với bọn họ, bọn họ chắc cũng sắp đi rồi, để ta cho người đuổi theo hỏi họ một chút?

Vương Quan gọi một đồng tử buông tóc rồi chỉ bảo vài câu, đồng tử “dạ” một tiếng rồi chạy đi như bay, đường núi gập ghềnh là thế nhưng cứ như là đang chạy trên mặt đất bằng phẳng vậy.

Nữ lang họ Vương, tên là Vi, tự là Tu Vi, tên chữ là Vương Quan, năm lên bảy tuổi thì cha mất, được phú hộ nuôi dưỡng “sấu mã” ở Dương Châu nhận nuôi. “Sấu mã” ở Dương Châu nổi tiếng khắp thiên hạ, thân sĩ muốn cưới thêm thê thiếp thì lựa chọn đầu tiên là “sấu mã” ở Dương Châu. “sấu mã” Dương Châu là tốt nhất, có người chuyên dạy “sấu mã” đánh đàn, thổi sáo, ngâm thơ, đọc sách, vẽ tranh, cờ vây… và phong thái ăn mặc trang điểm, đi đứng, ngồi nằm đều có người dạy bảo. Thậm chí còn phải học những phong tình bên gối từ sách “bí quyết của những người vợ quyến rũ”, muốn lấy những “sấu mã” tốt nhất Dương Châu làm thiếp, thì phải bỏ ra không dưới một nghìn lượng bạc làm phí cho người nuôi dưỡng “sấu mã”, nuôi dưỡng được một”sấu mã” như vậy có thể kiếm được năm trăm lượng bạc trở lên, cho nên ở Dương Châu có đến mấy trăm hộ dân dựa vào việc nuôi dưỡng “sấu mã” để kiếm sống.

Vương Vi là đệ nhất “sấu mã” ở Dương Châu, lúc mười hai tuổi được một danh kỹ ở Nam Kinh Cửu viện là Mã Tương Lan bỏ sáu trăm lượng bạc để mua về. Từ đó Vương Vi liền nhận Mã Tương Lan là mẹ, trải qua sự dạy dỗ tỉ mỉ của Mã Tương Lan, Vương Vi không những tinh thông thổi sáo và chơi cờ vây, mà viết thư pháp lại càng đẹp hơn, nổi tiếng khắp Kim Lăng, được mọi người gọi là “khúc trung đệ nhất” (khúc nhạc hay nhất), tên tuổi đã vượt qua cả danh kỹ Lý Tuyết Y của Tần Hoài Thủy các. Năm ngoái, Mã Tương Lan bị bệnh chết, “U Lan quán” liền do Vương Vi làm chủ, càng tự do, Vương Vi kế thừa tính khí nghĩa hiệp của Mã Tương Lan, giao du với các danh sĩ khắp nơi, không tính toán tiền bạc, còn những người thô lỗ, dung tục và những thương nhân thì một mực cự tuyệt.

Bảy người bọn Trương Nguyên và đại huynh Trương Đại, còn có Mục Kính Nham, Mục Chân Chân sau khi cáo từ Trần Mi Công, phải đi qua núi Xà về trang viên của Lục thị, đoạn đường này ước chừng khoảng năm dặm, cây trong rừng rậm rạp, vì thế không cảm thấy nóng bức.

Trương Đại nói:

- Mi Công vẫn nói đỡ cho Đổng Kỳ Xương, ông ấy cho rằng Đổng Tổ Thường làm việc xấu không có liên quan gì đến Đổng Kỳ Xương.

Trương Nguyên nói:

- Hầu hết mọi người đều lấy quan điểm cá nhân của mình để phán đoán thiện ác tốt xấu, việc đấy có lợi đối với mình thì đó là thiện, phá hoại mình thì đó là ác. Mi Công là người thông minh hạng nhất, ông ấy có cách nhìn nhận rất thấu đáo, là một người giỏi.

Trương Đại nói:

- Bản cáo thị khiến cho cha con Đổng thị phải kinh sợ có phải là bài “Thư họa khó luận tiếng lòng” do bọn Kim huynh, Ông huynh dán lên không?

Lông mày Trương Nguyên khẽ nhíu lại, nói:

- Chắc là vậy, đã khiến Đổng thị phải nhớn nhác một phen rồi, không biết tên môn khách Bặc Thế Trình của nhà họ Đổng có quen biết bọn Kim huynh không nữa, chỉ sợ Đổng thị sẽ hãm hại bọn Kim huynh. Sáng sớm mai chúng ta sẽ đến Hoa Đình, mời một số chư sinh ở Thanh Phổ đi cùng, trước tiên đến gặp tri phủ Tùng Giang là Hoàng Quốc Đỉnh đã, lấy hành vi đánh người Hoa Đình chất vấn Đổng thị, xem Đổng thị trả lời như thế nào.

Trương Lạc nói:

- Được, để cho Liễu Kính Đình đi cùng chúng ta, chỉ cần kể chuyện một ngày, những người hận Đổng thị ở Hoa Đình chắc chắn sẽ tập hợp lại đầy đủ.

Mượn cơ hội đả kích Đổng thị để đoàn kết chư sinh ba huyện ở Tùng Giang mới là kế sách “một mũi tên bắn ba con chim” của Trương Nguyên, kế hoạch đoàn kết xã hội của hắn phải bắt đầu thực hiện từ đây.

Nhóm người lên tới đỉnh núi Xà, quay đầu nhìn xuống “Thủy biên lâm hạ uyển”dưới chân núi, Trương Đại có chút lưu luyến nói:

- Vị nữ lang Vương Quan kia thật là xinh đẹp tuyệt trần, rất là hiếm gặp.

Nhớ đến Vương Quan, một nữ lang giống như đóa phù dung trong nước, Trương Nguyên cũng gật đầu nói:

- Quả thật là tuyệt sắc, làm đệ thiếu chút nữa thua một nước cờ.

Trương Đại nói:

- Yến Khách nếu biết được có nữ lang xinh đẹp như thế, nhất định sẽ hối hận vì hôm nay không đi với chúng ta. Chúng ta trở về đừng có nhắc đến, nếu không có lẽ hắn sẽ chạy suốt đêm để tới đó mất, như vậy chẳng phải sẽ làm cho Mi Công chê cười sao.

Trương Nguyên cười to.

Hoàng hôn ngả về tây, không gian sáng sủa, hơi nước ở hồ nước dưới chân núi bốc lên dày đặc, làm cho khu dân cư phía đông núi Xà thấp thoáng trong rừng mai rừng trúc được phủ một tầng hơi nước mờ mịt, sâu thẳm giống như tiên cảnh.

Trương Đại cực kỳ hâm mộ cuộc sống ẩn cư trong núi của Trần Kế Nho, có hoa mai có chim hạc bầu bạn đã đành, lại còn có nữ đệ tử xinh đẹp như vậy nữa, cuộc sống vui vẻ khoái hoạt giống thần tiên như vậy cần gì phải đi thi để làm quan nữa. Nhưng thơ văn, thư họa của Trần Mi Công lại được truyền đi khắp nơi, mình làm sao có thể so sánh được, nghĩ như vậy trong lòng không khỏi có chút uể oải.

Trương Nguyên biết suy nghĩ của đại huynh, nói:

- Đại huynh, chúng ta vẫn còn hơn Mi Công ở chỗ chúng ta vẫn còn trẻ tuổi, không cần phải quay đầu nhìn lại, mà có thể nhìn ra xa xa và nhìn lên bầu trời.

Nói xong liền chỉ về phía mặt trời trong ráng chiều đỏ thẫm.

Trương Đại cười nói:

- Giới Tử nói đúng, chúng ta là tài tử phong lưu tuổi hãy còn trẻ, còn nhiều thời gian, tiền đồ rực rỡ rộng mở, nói như vậy thì Mi Công mới là người phải ghen tị với huynh đệ chúng ta.

Nhóm bảy người của Trương Nguyên dừng lại nghỉ ngơi một chút ở phía nam đỉnh núi, lúc đang định xuống núi về trang viên Lục thị, thì lại thấy một thằng bé tóc dài từ trên đường chạy tới, kêu:

- Hai vị Trương công tử, xin chờ một chút.

Đợi thằng bé chạy đến bên cạnh, Trương Nguyên có trí nhớ tốt liền nhận ra ngay thằng bé này chính là tùy tùng đi cùng nữ lang Vương Quan hôm ở Tây Hồ, liền nói với đại huynh Trương Đại một tiếng. Trương Đại hỏi thằng bé đó:

- Ngươi đuổi theo chúng ta có việc gì vậy, có phải là chuyển thư cho Nữ lang nhà ngươi không?

Trương Đại cũng đoán ra nữ lang đó không phải là tiểu thư khuê các, mà có thể là nữ tử ở thanh lâu.

Thằng bé đó thở gấp nói:

- Hai vị công tử, nữ lang nhà ta muốn hỏi: hai vị công tử khi nào thì đi Nam Kinh?

Trương Đại hỏi:

- Sao vậy? Lại muốn lên thuyền sao?

Trương Đại chỉ là thuận miệng nói như vậy, không ngờ thằng bé đó lại rất thành thật gật đầu nói:

- Đúng là như vậy, Mi Công nhờ hai vị công tử trên đường đi chiếu cố đến nữ lang nhà chúng ta một chút.

Hình dáng thằng bé này cũng chỉ tầm mười tuổi mà mồm miệng lại rất lanh lợi.

Trương Đại có chút kinh ngạc, liếc nhìn Trương Nguyên một cái, ý bảo Trương Nguyên trả lời, Trương Nguyên liền nói:

- Huynh đệ chúng ta còn phải ở Tùng Giang nghỉ ngơi mười ngày đến nửa tháng nữa, nữ lang nhà ngươi có chờ được không?

Thằng bé đó nói:

- Đúng lúc nữ lang nhà ta cũng đang muốn ở lại đây mấy hôm để xin Mi Công chỉ bảo, hai vị công tử, vậy quyết định như vậy nhé, khi nào đi phải báo cho chúng tôi một tiếng nhé!

Sau đó liền cúi đầu thi lễ, và xoay người đi trở về.

Trương Đại nói:

- Chờ một chút.

Trương Đại hỏi thằng bé đó:

- Ta hỏi ngươi, nữ lang nhà ngươi họ tên là gì, ở phương nào vậy?

Thằng bé cười hi hi nói:

- Họ Vương, tiểu nhân gọi cô ấy là Vi cô, nhà bên cạnh cầu Trường Bản ở Nam Kinh. Hai vị công tử còn muốn hỏi gì nữa không ạ?

Trương Đại cười nói:

- Được rồi, ngươi đi đi.

Nhìn thằng bé lanh lợi kia đi khuất, Trương Đại nghiêng đầu nói với Trương Nguyên:

- Quả thật là khúc trung nữ lang.

Trương Nguyên hỏi:

- Nói vậy là sao?

Trương Đại nói:

- Cho dù ta chưa đến Nam Kinh bao giờ, nhưng từng nghe Chu Mặc Nông nói, ở cây cầu gỗ ngay bên bờ sông Tần Hoài, bên cạnh cây cầu Chu Tước đó là khu vực tập trung của các kỹ nữ Cửu viện, nữ lang này có thể tự do đi du ngoạn, thoắt một cái ở Tây Hồ, thoắt một cái lại đã ở Hoa Đình, không phải khúc trung nữ lang thì làm sao có thể được như vậy.

Trương Nguyên “ừ” một tiếng, không nói gì nữa, cũng không vì việc cô gái xinh đẹp như vậy lại đúng là tiểu nương của Cửu viện mà cảm thấy đáng tiếc, cũng không bởi vì cô gái đó là nữ tử thanh lâu mà trong lòng khinh thường cô ấy, mỗi người đều có cảnh ngộ khác nhau, đều có phương hướng để sinh tồn khác nhau, với người đã trải qua hai thời đại như hắn đã nhìn thấy rất nhiều kẻ gian ác áo quần bảnh bao, kẻ giả dối nói lời giả nhân giả nghĩa, nhưng tình cảm chân thành cho dù có ở trong một vùng vẩn đục thì cũng vẫn hiện lên một cách rực rỡ được. Sớm đã học được tư tưởng không lấy thân phận để đánh giá phẩm chất của người khác rồi, đa số thân sĩ ở Vãn Minh cũng không thanh cao hơn kỹ nữ là mấy.
Bình Luận (0)
Comment