Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 293.1

Nhìn Trương Nguyên đã đi khuất khỏi ngoài cổng lớn, Trâu Nguyên Tiêu nói:
- Có thể sau này Trương Nguyên sẽ trở thành một nhân vật như Trương Thái Ngạc.

Cao Phan Long nhướng mày, kinh ngạc nói:
- Trương Cư Chính quyền khuynh sáu bộ, chuyên quyền độc đoán, cái chân này của Nam Cao huynh chính là do năm xưa Trương Cư Chính buộc tội huynh ấy đoạt tình, khiến huynh bị hình trượng trên pháp đình đánh gãy đấy. Nếu Trương Nguyên giống như Trương Cư Chính thì cớ gì Nam Cao huynh còn coi trọng hắn như vậy?

Trâu Nguyên Tiêu nói:
- Năm đó Trương Thái Ngạc buộc tội ta cũng là vì việc công chứ không có chút thù oán riêng gì. Ba mươi năm nay sống ở quê, mắt thấy triều chính suy tàn, ta ruột đau như cắt, trải qua nửa đời chìm nổi, mới hiểu được cái khó của Trương Thái Ngạc chấp chính khi xưa. Làm bề tôi cho vua, suy tính cho quốc gia, không thể câu nệ tiểu tiết được. Đáng tiếc là năm đó ta trẻ tuổi nông nổi, không hiểu được những điều này, càng đáng tiếc hơn là chính sách “Vạn Lịch tân chính” của Trương Thái Ngạc không có người kế thừa làm tiếp.

Cao Phan Long kinh ngạc quá đỗi, thái độ hiện giờ của Trâu Nguyên Tiêu đối với Trương Cư Chính và cái người bị Trương Cư Chính buộc tội năm xưa dường như là hai người hoàn toàn khác nhau, hoàn toàn trái ngược. Điều này khiến cho một người luôn phản đối Trương Cư Chính chuyên quyền như Cao Phan Long cảm thấy không vui, lạnh nhạt nói:
- Đêm khuya lạnh giá, Nam Cao huynh nghỉ sớm đi, đệ cũng mệt rồi.

Ngày hôm sau, Trương Đại, Trương Ngạc, Nghê Nguyên Lộ đi Huệ Sơn Cấp Tuyền thưởng trà, còn Trương Nguyên và Hoàng Tôn Tố thì đến Đông Lâm thư viện tọa đàm với Cao Phan Long, Trâu Nguyên Tiêu và các học trò Đông Lâm. Tối qua chỉ nói chuyện về chính sự, hôm nay nói về học vấn, tinh thần của Đông Lâm học viện chính là vừa theo đuổi học vấn vừa bàn luận chính sự, chính là cái gọi là “truyền bá Đạo một cách chính thống không phải là lời nói trống rỗng trong thực tiễn”, có điểm thực tiễn đó là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý.

Ngày hôm nay, Hoàng Tôn Tố và Trương Nguyên có thể nói là danh tiếng gây chấn động lớn. Xét về học vấn thì Hoàng Tôn Tố trên cơ Trương Nguyên, còn Trương Nguyên hơn y về mặt kiến thức, hai người phối hợp với nhau đàm luận học vấn, chính sự với các học giả Đông Lâm, khí thể sôi nổi. Thông qua buổi đàm luận hôm nay, Cao Phan Long và Trâu Nguyên Tiêu càng thêm phần hiểu rõ về con người Trương Nguyên, suy nghĩ của hắn đúng là của bậc kỳ tài hiếm có. Trương Nguyên cũng có được nhận thức mới về hai vị đứng đầu Đông Lâm là Cao Phan Long và Trâu Nguyên Tiêu, càng nhìn rõ hơn con đường mà mình muốn đi sau này.

Trương Nguyên vốn muốn ở lại thư viện thêm hai ngày nữa, nhưng vì phải vòng qua Thanh Phổ, nên không thể chậm trễ. Ngày mười chín tháng mười một, chiếc thuyền buồm trắng Ngũ Minh Ngõa rời khỏi cảng sông đào Vô Tích, hướng về Tô Châu. Kỳ Bưu dẫn theo hai người hầu cùng đáp thuyền đi luôn.

Trương Đại học cách pha trà của Mẫn Vấn Thủy, mua về hai cái chum lớn, dưới đáy phủ đá cuội, đựng hai chum nước suối Huệ Tuyền. Có điều chuyện mượn sức gió mà đi là không thể nào chậm trễ được. Những ngày này Trương Ngạc làm bạn vong niên với Mẫn Vấn Thủy, nên kỹ thuật nấu trà tiến bộ vượt bậc, Nghê Nguyên Lộ là bậc thầy giám định, sau khi thưởng thức trà của Trương Đại pha, khen không ngớt lời. Trước giờ Ngọ ngày hai mươi, thuyền đến huyện Trường Châu thuộc Tô Châu phủ, Trương Ngạc không muốn đi giao lưu cùng với Trương Nguyên, nên ở lại trên thuyền. Trương Nguyên cùng Trương Đai đi thăm hỏi Phùng Mộng Long trước, Phùng Mộng Long mừng rỡ, nói đang mong huynh đệ Trương Nguyên tới. Sau khi dùng cơm trưa ở Phùng phủ xong, bèn đi thăm Phạm Văn Nhược, Phạm Văn Nhược hàn huyên một hồi, bèn nói:
- Giới Tử hiền đệ, thư phường Phất Thủy Sơn Phòng của Phạm thị ta, quyết định gia nhập Hàn Xã thư cục.

Để hạ được quyết tâm này, đối với Phạm Văn Nhược không phải là chuyện dễ dàng gì, y đã suy nghĩ kỹ càng, lại thăm dò nghe ngóng về những gì Trương Nguyên đã trải qua ở Quốc Tử Giám, cuối cùng mới đưa ra quyết định, đổi tên thư phường Phất Thủy Sơn Phong của y thành phân cục Tô Châu của Hàn Xã thư cục.

Phạm Văn Nhược là người đứng đầu Hàn Xã ở Tô Châu, Trương Nguyên dự tính Phạm Văn Nhược sẽ không để lỡ mất cơ hội hợp tác này. Phất Thủy Sơn Phòng thư phường ngoại trừ đổi cái tên ra thì không có biến động gì khác, mọi tài sản vẫn đều thuộc sở hữu của Phạm Văn Nhược, phân xã cũng không tham gia cổ phần vào tổng cục, chỉ là mỗi năm giao nộp một phần bảy tiền lời cho tổng cục mà thôi. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như Trương Nguyên ăn không của Phạm Văn Nhược, nhưng về sau cứ mỗi khi Hàn Xã thư cục có in ấn sách, thì đều dành cho phân cục Tô Châu một phần, hai nơi cùng lúc in ấn. Phân cục Tô Châu sẽ phụ trách việc tiêu thụ sách ở khu vực nam Trực Lệ, có Hàn Xã làm hậu thuẫn, lợi ích của phân xã Tô Châu chắc chắn sẽ tăng nhiều hơn trước. Phạm Văn Nhược lập tức ký kết khế ước với Trương Nguyên, hai bên điểm chỉ, kể từ ngày hôm nay Phất Thủy Sơn Phòng thư phường sẽ trở thành phân cục ở Tô Châu của Hàn Xã thư cục, sau này nhất định phải đánh bại đối thủ cạnh tranh là Lục Thiên phường của Uông Nhữ Khiêm. Lục Thiên Phường ấn hành “Tú Tượng bản cổ kim tiểu thuyết” của Phùng Mộng Long, thì phân cục Tô Châu của Hàn Xã thư cục sẽ cải biên ấn hành mười cuốn “Dụ thế minh ngôn”; cuốn “Tiêu thị bút thừa” sẽ được phân xã Tô Châu và Hàn Xã thư cục ở Thanh Phổ in ấn đồng thời với tác phẩm mới của Phùng Mộng Long là “Cảnh thế thông ngôn”.

Chiều muộn ngày hôm đó, Phạm Văn Nhược tổ chức yến tiệc trong phủ, thiết đãi ba huynh đệ họ Trương. Hoàng Tôn Tố, Nghê Nguyên Lộ, Kỳ Bưu đều tới, còn có hai xã phó của phân xã Tô Châu, Văn Chấn Mạnh và Phùng Mộng Long.

Trương Đại mua được một bộ dụng cụ pha trà tinh xảo ở Tô Châu, tổng cộng mười sáu món đồ gồm thạch đỉnh, cọ trúc, dụng cụ tráng trà, lò đồng, ấm đất, vại sứ… Những dụng cụ pha trà này đều có những biệt danh rất thanh nhã, thạch đỉnh không gọi là thạch đỉnh mà gọi là Thương tượng, cọ trúc không gọi là cọ trúc mà gọi là Quy khiết. Bình trà, ấm trà đều được sản xuất ở Nghi Hưng, màu sắc như màu gan dê, nhẵn nhụi như làn da mỹ nhân, là tác phẩm của một danh gia chế tác ấm trà ở Nghi Hưng, một cái ấm trà có giá tới năm lượng bạc trắng, cả bộ dụng cụ pha trà tiêu tốn hết hơn ba mươi lượng.

Trên thuyền không có việc gì làm, mỗi ngày sau giờ ngọ, Trương Đại đều đích thân nấu trà, nước suối Huệ Tuyền, lá trà của Tân An. Trời lạnh trà thơm, bọn Trương Nguyên, Nghê Nguyên Lộ, Hoàng Tôn Tố, Kỳ Bưu Giai đều rất thích. Trương Đại, Trương Ngạc thì mê đồ ngon, mỗi lần đến một nơi nào đó, bèn vơ vét của ngon vật lạ của bản địa, các loại đồ ăn vặt nổi tiếng như bánh Sơn Trà, kẹo Tùng Tử, quả trám sấy, hạt dẻ đất, hồng vuông… đều chuẩn bị rất nhiều.

Hoàng Tôn Tố cười nói:
- Đi cùng thuyền với những người anh em tốt, thật là làm phiền nhiều quá, tiên hiền Thúc Thủy tiên sinh Tư Mã Công từng nói: “do kiểm nhập xa dịch, tắc xa nhâp kiểm nan” (ý nói là từ nghèo khó mà bước vào cuộc sống xa hoa phú quý thì dễ, ngược lại quen xa hoa phú quý rồi mà sống cần kiệm thì khó – ND), sau này tại hạ về nhà rồi, làm sao mà còn có thể nuốt nổi cơm đạm trà nhạt, chắc phải mất mười ngày nửa tháng mới thích ứng lại được.

Mọi người đều cười.

Trương Nguyên cầm một chén trà làm bằng gốm xanh Tuyên Đức, ngồi bên cửa sổ thưởng thức, ngắm phong cảnh bên sông. Thuyền đã đi đến sông Bạch Hiện, rất nhanh thôi sẽ đến Trinh Phong Lý, nhất định phải gặp Đỗ Định Phương ở Trinh Phong Lý một chuyến, lúc này nghe thấy Hoàng Tôn Tố đang vui đùa nói cái gì mà “nhập kiểm nhập xa”, trong lòng thầm nghĩ: “Hoàng Tôn Tố nói có lý lắm, ta ở Đông Trương cơm áo đạm bạc, bữa ăn chỉ cần có thịt hay cá là đủ rồi, đâu có kiểu ăn uống đòi hỏi phải tỉ mỉ như Đại huynh. Chưa từng nếm qua danh trà mỹ tửu thì đã đành, sau khi nếm qua rồi lại đem so sánh với thứ trà thô rượu mạnh đó, thật là mất hứng, những thứ này cũng giống như mỹ sắc vậy, đều gây nghiện cả.”

Lại nghĩ tới cuộc nói chuyện với Phạm Văn Nhược, Văn Chấn Mạnh, Phùng Mạnh Long hôm nọ ở Tô Châu. Phạm Văn Nhược nói có gần một trăm học trò Tô Châu muốn gia nhập Hàn Xã, đều đăng ký cả trong sổ, đợi đến mùng ba tháng ba sang năm, tụ tập ở Sơn Âm xã rồi cùng quyết định danh sách xã viên chính thức. Lúc đó hắn có nói, nếu có học trò nghèo nào tham gia cuộc tụ hội vào năm sau ở Sơn Âm thì có thể xem xét trợ cấp lộ phí, khoản chi phí này sẽ do Hàn Xã bỏ ra. Cái gọi là Hàn Xã bỏ ra, thực chất chính là tiền của Trương Nguyên, à, cũng có thể nói là Đổng Hàn Lâm tài trợ.

Sau giờ Ngọ, thuyền buồm trắng Ngũ Minh Ngõa rẽ qua vịnh sông, tiến vào cảng, trước mắt chính là bến cảng Trinh Phong Lý. Mục Chân Chân đi ra mui thuyền, ngóng về hướng bến cảng, nửa năm trước, chính là ở bến cảng này, nàng và cha chia ly, cũng không biết cha ở Diên An Vệ thế nào rồi, lời thiếu gia nói đã ứng nghiệm chưa, Đỗ Tùng tướng quân có thể khôi phục lại quan chức không, cha có theo Đỗ Tùng tướng quân ra sa trường không, nàng quả thật rất nhớ cha.

Có ai đó khẽ chạm vào cánh tay nàng, Mục Chân Chân quay đầu nhìn lại, là thiếu gia, thiếu gia nói:
- Chân Chân, nàng vào trong viết cho cha nàng lá thư, đợi lát nữa ta đi gặp Đỗ Định Phương, sẽ nói y gửi cùng với thư từ của nhà họ Đỗ tới Diên An Vệ.
Bình Luận (0)
Comment