Lật Mở Thiên Thư

Chương 22

Cái địa điểm hết sức an toàn kia cũng được sách ghi chép, nhưng phải có đủ hai quyển thượng và hạ kết hợp lại thì mới giải mã được. Còn phương pháp là gì thì người xưa không dặn dò, chỉ nói rằng phải tìm được một người có trí tuệ lớn thì mới hiểu được bí mật trong đó. Nếu người Hán không thể khôi phục thiên hạ thì tìm một vị sáng suốt và uy vũ để mở kho tàng ra, dùng của báu trong đó mua sắm vũ khí giành lại non sông. Đến nay, vương triều nhà Thanh đã bị tiêu diệt, mà kho tàng kia vẫn chưa được mở ra. Không phải là không muốn mở, mà là người đời sau đã thử rất nhiều cách nhưng vẫn không khám phá ra nổi. Hai mươi nhăm người tham gia viết bộ sách đều là các kỳ nhân dị sĩ trong dân gian thì đều đã trở về với cát bụi từ lâu. Tuy nói là “để lại cho người đời sau” nhưng các vị ấy đều không hé răng một lời nào, cho đến chết cũng vẫn im lặng tuyệt đối.

Cả bốn chúng tôi ngồi nghe say sưa như bị hút hồn, nếu ông Chung Sênh không gõ đũa vào bát hỏi rằng có ai muốn uống canh nữa không, thì chúng tôi vẫn còn như đang ở trên mây. Lúc này lão Phó càng coi cuốn sách là báu vật, bừng tỉnh rồi, anh ta cầm cuốn sách và cười tít mắt. Ông Chung Sênh lắc đầu nhìn chúng tôi, nói: “Tôi đã từng nghĩ vô số cách để tìm ra cuốn sách nhưng rồi lại thôi, vì e sẽ rước tai họa vào thân thật sự. Tôi cho rằng có lẽ những người kế tục cái tổ chức kia đã chú ý đến các cậu rồi, tôi khuyên các cậu đừng nên có hành động gì. Và nếu họ đến đòi lại sách thì nên trả cho họ. Các cậu dù giữ lại cũng chẳng có tác dụng gì.”

Tôi ngạc nhiên, hỏi: “Tổ chức ấy hiện nay vẫn tồn tại à?” Chung Sênh mỉm cười: “Vẫn tồn tại. Người kia đã nói rằng tổ chức ấy luôn luôn tồn tại để bảo vệ điều bí mật này của người Trung Quốc. Hiện nay người của họ đang tản ra khắp nơi trên thế giới, tôn chỉ trước kia là chống Thanh - khôi phục nhà Minh, thì nay đổi thành bảo vệ văn vật của Trung Quốc, họ dùng mọi cách để tìm lại những văn vật Trung Quốc bị lưu lạc ra nước ngoài; đa số hội viên của tổ chức này hiện nay đều là thương nhân, có một số vẫn nung nấu tâm địa tàn độc, hễ phát hiện ra người đào trộm mộ hoặc bán lại văn vật cho nước ngoài, thì họ ra tay trừ khử người ấy luôn chứ không cần chính phủ phải dùng biện pháp gì hết.”

Nghe đến đây tôi thấy sống lưng lạnh toát, cảm thấy sờ sợ nhìn xung quanh, định ngồi nhích ra xa lão Phó một chút. Thằng cha này dù chết cũng đành, nhưng hắn không được kéo chúng tôi cùng chết lây. Xem ra, người bị cụ nội của lão Phó giết, chẳng phải ai khác mà chính là người của tổ chức này; nếu những hội viên kế tục tìm đến để báo thù thì rất có thể sẽ là một cuộc bắn giết đâm chém tơi bời chứ không chỉ là để cho nạn nhân được chết toàn thây hay là cho nạn nhân được độ qua năm kiếp gì đó để rồi thành tiên...

Cả buổi chiều chúng tôi tiếp tục ở lại uống trà với ông Chung Sênh, nội dung đều là xoay quanh chủ đề tổ tiên và người cha của lão Phó. Mọi người phân tích rất lâu, cuối cùng ông Chung Sênh đưa ra ba kết luận dành cho chúng tôi: Một là, các vị tiền bối nhà họ Phó đã phát hiện ra điều gì đó bèn đi tìm, rồi mắc sai lầm, rốt cuộc đã bỏ mạng ở đâu đó. Hai là, cái tổ chức bí mật kia đã ra tay trừ khử ba người ấy nhưng e nói thế này không ổn, nếu là họ ra tay thì tại sao họ không lấy cuốn sách mang đi? Ba là, vì một nguyên nhân nào đó, ba người này đã gia nhập tổ chức kia, đến nay vẫn phục vụ cho tổ chức.

Sau bữa tối, bốn chúng tôi mới ra về, trên đường về, Mễ Đâu trầm trồ mãi về cuốn sách của lão Phó, nhưng tâm trạng lão Phó có vẻ nặng nề. Tôi hiểu rằng anh đang nghĩ đến ông nội và cha mình, hiện nay không ai biết các vị ấy ra sao, mới chỉ biết sự thật về cuốn sách, nhưng cũng có thể coi như bí mật ấy đã có lời giải, tôi và Mông Nhân cũng thấy nhẹ nhõm rồi. Sau khi lão Phó đưa chúng tôi về nhà, chúng tôi động viên lão Phó đừng nên nghĩ ngợi nhiều, chú ý bảo quản tốt cuốn sách bằng cách ký gửi ở ngân hàng; nếu một ngày kia có ai đó đến đòi thì đưa cho người ta. Từ đó, rất có thể sẽ biết tin về ông nội và cha anh ra sao, cũng nên coi đó là một tia hy vọng để mà sống bình thường, lấy vợ sinh con... Nói đến đây, tôi và Mông Nhân cùng nhìn Mễ Đâu, Mễ Đâu ngoảnh đầu sang bên né tránh ánh mắt chúng tôi.

Phải nói rất thực lòng rằng, lúc ông Chung Sênh kể về quá khứ của cuốn sách, tôi chỉ tin đến ba phần là cùng, vì câu chuyện rất khó mà có sức thuyết phục. Nếu chỉ nói sách đó là do một tổ chức chống nhà Thanh - khôi phục nhà Minh làm ra thì tôi có thể tin, nhưng nói rằng tổ chức ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay thì tôi không thể không nghi ngờ. Nếu cái tổ chức ấy mạnh như thế, thì ngày nay giới truyền thông đăng tin nhan nhản ở đây ở đó xảy ra chuyện đào trộm mộ cổ, xâm hại văn vật cổ đại, là thế nào vậy? Cho nên, tôi đã thầm “đánh dấu son” con người ông Chung Sênh: muốn đọc hiểu cuốn sách này thì ông Chung Sênh chính là nhân vật then chốt...

Cái chết của Vương Cường được kết luận là uống nhầm thuốc độc dẫn đến tử vong, chúng tôi được coi là không hề liên quan gì, trong đó cũng có sự giúp đỡ của ông Chung Sênh. Nếu không có nhân vật đức cao vọng trọng này đứng ra làm chứng cho chúng tôi, thì chúng tôi khó mà tránh khỏi ít nhiều tình nghi. Còn ông Chung Sênh thì nói rằng, ông chỉ không muốn quá nhiều người biết đến câu chuyện về cuốn sách mà thôi.

Trực giác mách bảo tôi rằng câu chuyện về cuốn sách này vẫn chưa kết thúc.

Việc chỉnh lý của tôi đố i với “Thiên thư ký”

Nói thực là tôi không biết nên chỉnh lý như thế nào, vì tôi không sao có thể liên hệ cách nghĩ của tôi với những điều mà ông Chung Sênh nói. Rốt cuộc, cách nghĩ của tôi rất không gần với sự thật, hay là sự thật mà ông Chung Sênh nói ra không phải là sự thật?

Một là, nếu chuyện trường sinh bất tử vốn dĩ là cái bẫy của Thiên thư, thì tại sao ông Chung Sênh không can ngăn anh học trò Vương Cường làm cái chuyện dại dột ấy?

Suy luận của tôi gồm hai điểm. Điểm thứ nhất: Vương Cường nhận ra cách thức trong Thiên thư để đạt được trường sinh bất tử, nhưng lại phát hiện ra những bí mật khác trong Thiên thư; ông Chung Sênh vì những lý do nào đó đã mặc kệ Vương Cưòng thử áp dụng cách trường sinh bất tử, có thể nói là “diệt khẩu”, cuối cùng, lý do Chung Sênh làm chứng giúp chúng tôi chỉ là vì không muốn để cho quá nhiều người biết chuyện. Vì thế tôi mới suy luận ra điểm này. Điểm thứ hai: Chung Sênh tuy biết chuyện về Thiên thư nhưng ông ta cũng cho rằng không thể có chuyện trường sinh bất tử, cho nên ông mới mặc kệ Vương Cường đi tìm “bốn vị thuốc trường sinh” để thử uống, cũng tức là Chung Sênh coi Vương Cường như đối tượng để thí nghiệm. Dù là điểm nào, tôi cũng vẫn liệt ông Chung Sênh vào diện nghi vấn.

Hai là, ông bạn kia của Chung Sênh hiện đang ở đâu? Có thể tìm thấy không?

Để có được câu trả lời, tôi thậm chí đã phải bưng cả chai rượu Mao Đài mà người ta biếu cha tôi (ông vẫn cất ở nhà), cùng với mấy con tem độc bản cực hiếm mà cha tôi phải mua mất khối tiền, đem đi làm quà biếu Chung Sênh (Mông Nhân cũng lẻn về nhà mình thó một cuốn sách cũ rất có giá trị lịch sử của ông ngoại anh ta để đem biếu) nhưng Chung Sênh cứ từ chối không nhận; về hành tung của “ông bạn” ấy, Chung Sênh nói ông phải mãi mãi giữ kín không thể hé lộ. Sau đó, tôi thấy rất may vì Chung Sênh không nói là cảm ơn nhưng lại nhận quà, có điều, sau đó ông ta vẫn không hé lộ nửa lời. Về sau tôi mới biết: sau khi tôi thó “tài sản” của cha tôi đem đi, cha tôi về nhà thấy mất tem quý đã sưu tầm, ông ngỡ là trộm vào nhà bèn báo cảnh sát. Lúc tôi trở về thì cảnh sát đang ở nhà tôi để tìm hiểu sự việc...

(Bởi vì... tôi cạy tủ của cha tôi, và tôi lấy trộm chìa khóa két của ông để mở két.)

Ba là, trong lịch sử vương triều nhà Thanh thống trị Trung Quốc, họ có định làm cái chuyện yểm phá long mạch của người Hán ở Trung nguyên không?

Về điều này tôi đã hỏi ông Chung Sênh, tôi cũng tra cứu tư liệu, mà chỉ tra được nhiều tư liệu nói rằng các tổ chức chống Thanh đã tìm đủ mọi cách để triệt phá long mạch vương triều nhà Thanh chứ không tra thấy tư liệu nói rằng nhà Thanh chính thức có hành vi ấy. Nhưng có không ít sử sách “phi chính thống” chép rằng bọn thống trị nhà Thanh có làm chuyện đó. Nói “bọn thống trị” không phải là hoàng đế, mà là một số trọng thần đề xướng, chưa được hoàng đế phê chuẩn nhưng họ cứ ngấm ngầm tiến hành. Ông Chung Sênh thì rất tin rằng: dù không có ghi chép chính xác rõ ràng, không có chứng cứ văn bản lịch sử, thì ông vẫn tin 100%. Tôi hỏi tại sao, thì ông ta lại không trả lời.

Bốn là, cuốn Thiên thư ghi lại các ngôi mộ cổ quý giá của Trung Quốc từ thời cổ trở đi và các địa điểm cất giấu báu vật, có chính xác là thế không?

Ông Chung Sênh khẳng định rằng không phải là tất cả, nhưng có một số địa điểm mà người thời nay (nếu không dựa vào Thiên thư) dù muốn tìm cũng không thể tìm nổi, hoặc sẽ không thể biết đâu là thật đâu là giả. Ví dụ, ngành khảo cổ ngày nay phát hiện thấy một ngôi mộ cổ, từ một số văn vật đào được và phong cách kiến trúc ngôi mộ, địa điểm ngôi mộ, có thể suy ra nó là huyệt mộ của ông vua ở triều đại nào, nhưng thực ra xác ông vua ấy lại chôn ở chỗ khác. Khoa học ngày nay dù rất phát triển nhưng cũng không thể dùng DNA để xác định có phải là xương cốt của ông vua đó không. Về điểm này thì tôi tán thành với ông Chung Sênh, nếu đúng là có một cuốn sách ghi chép đầy đủ các ngôi mộ cổ và các điểm cất giấu báu vật thì tôi cho rằng, người soạn ra nó không những phải thu thập vô số tư liệu mà còn phải tốn thời gian đến trăm năm hoặc lâu hơn nữa, tốn kém tài lực cũng phải ngang với chi tiêu tài chính của một nước phát triển hiện nay trong suốt một thập niên.

Năm là, người cha của lão Phó hiện đang ở đâu?

Đầu óc tôi cố sàng lọc tất cả những điều đã biết, rồi nghĩ rằng liệu có phải cha, ông và cụ nội của lão Phó mất tích không hề liên quan gì đến cuốn sách không? Xác suất ngẫu nhiên như thế này không chỉ là rất thấp mà nên nói là tuyệt đối bằng không. Nếu đúng là không hề liên quan đến cuốn sách, thì chắc chắn đó phải là một câu chuyện hết sức ly kỳ.

Sáu là, cái tổ chức kia có còn tồn tại không?

Những ghi chép tiếp theo về tổ chức ấy rất chi tiết tỉ mỉ, nhưng ở đây tôi lược bỏ.

(Hết “Thiên thư ký”)
Bình Luận (0)
Comment