Lật Mở Thiên Thư

Chương 5

Trương Quân đang bị tạm giam, cho nên tôi và Mông Nhân đành đi tìm anh Lý ở Sở công thương, nhờ anh ấy nói giúp rằng nhiệm vụ phỏng vấn của chúng tôi chưa kết thúc, cần gặp Trương Quân. Chúng tôi đến văn phòng xin tờ giấy giới thiệu, sau đó đến Sở công thương làm thủ tục cần thiết, rồi vội vã đến trại tạm giam nơi đang giam giữ Trương Quân.

Sau mấy ngày không gặp, thấy lão già hẳn đi, tóc bạc thêm không ít. Nhìn thấy hai chúng tôi, lão im lặng không nói gì hết. Tôi và Mông Nhân đưa mắt nhìn nhau, rồi Mông Nhân hỏi: “Con trai ông bao giờ về?” Nghe thấy câu này, lão đứng bật dậy: “Các anh gặp Ái Dân à? Gặp khi nào? Nó đang ở đâu? Hiện nay nó thế nào?”

Thấy lão xúc động, chúng tôi hiểu rằng chuyến đi của mình là đúng rồi. Chắc chắn Trương Quân biết rõ mọi sự thật là gì. Thế là chúng tôi bắt tay vào việc, nói rằng lão tàng trữ vũ khí phi pháp, tội này ít ra là ngồi nhà đá ba năm, và, còn chưa biết tiết vịt tiết lợn giả đã bán ra có gây ngộ độc cho người tiêu dùng không, nếu có, thì tội của lão càng nặng thêm. Tôi nói xong, Mông Nhân tiếp lời về chuyện Trương Ái Dân con trai lão: mắc tội trộm cắp, mạo danh phóng viên... Mông Nhân cố ý nhấn mạnh rằng tội rất nặng. Nói cả thảy gần nửa giờ, sau đó Trương Quân mở miệng: “Nếu tìm thấy thằng Ái Dân thì mong các anh giúp đỡ nó, nếu không giúp đỡ thì nó sẽ chẳng biết đi đâu, làm gì, đầu óc nó rỗng tuếch...”

Trương Ái Dân sinh năm 1981, kém tôi và Mông Nhân một tuổi. Sau khi chào đời, đến năm lên ba tuổi, Trương Ái Dân không hề nói một câu nào, gọi bố mẹ cũng không biết gọi, thậm chí rất ít khóc. Trương Quân đã đưa con đi khắp các bệnh viện để thăm khám, được trả lời rằng Trương Ái Dân không có năng lực học tập như mọi đứa trẻ khác tức là khả năng học tập rất kém, thể lực của cậu ta cũng tồi, thậm chí, đi lại cũng cần có người lớn đỡ nếu không sẽ ngã dúi ngã dụi. Cho đến khi lên năm, Trương Ái Dân mới biết gọi bố.

Kể đến đây, Trương Quân cười như mếu. “Người già xưa kia thường bảo, người đầu tiên mà đứa trẻ mở miệng gọi, người ấy sẽ khổ suốt đời. Có lẽ điều đó đúng thật.”

Vì Trương Ái Dân luôn thua kém bọn trẻ cùng lứa về mọi phương diện, nên Trương Quân sớm đã cho đứa con trai đi học lớp tiền học đường, bỏ qua cả nhà trẻ. Ngày đầu đi học, Trương Ái Dân rón rén ra khỏi lớp trở về nhà rồi trốn trong cái ổ chó ở cổng nhà, nằm im. Sau đó cô giáo đến tận nhà tìm, Trương Quân và cô giáo lo lắng, định khóa cửa đi tìm thì mới phát hiện ra thằng bé đã nằm ngủ say tít ở cái ổ chó. Trương Quân bí quá, đành bảo vợ chịu khó kèm con đi học liền nửa tháng; khi Trương Ái Dân vào lớp học, thì bà mẹ bắc cái ghế con ngồi ngoài phòng học, thỉnh thoảng ghé nhìn thằng bé, tất nhiên không để cho nó phát hiện ra thì nó mới yên tâm ngồi học.

Thoạt đầu, Trương Ái Dân học rất kém. Khi đó giáo viên nhận xét rằng, so với những cháu khác, Trương Ái Dân không có vấn đề gì về trí lực nhưng về tinh thần thì không có khả năng tập trung, dường như không có chuyện gì có thể gây hứng thú cho thằng bé.

Thấy thế, Trương Quân bèn mời một giáo viên tiểu học ở thôn hàng ngày đến dạy riêng cho Trương Ái Dân. Hồi đó Trương Quân làm nghề giết mổ gia súc, người ta quen gọi là đồ tể, cho nên thu nhập cũng rủng rỉnh hơn dân thôn, mời gia sư dạy con, chẳng qua là nấu thêm một suất cơm; đôi khi mổ lợn thì ông ta biếu thầy cái thủ lợn hoặc vài cái tai lợn...

Cứ thế diễn ra cho đến năm Trương Ái Dân lên sáu tuổi. Năm đó xảy ra một chuyện khiến Trương Quân khó quên.

Ở địa bàn của xóm Trương Quân ở có một cây thị rất to, chẳng rõ nó mọc từ thời nào, Trương Quân nói mình hồi bé đã nhìn thấy cây thị này rồi. Thông thường, trèo lên một cây thị không khó, nhưng cây thị này lại mọc rất thẳng, cành của nó thì nhỏ mảnh hơn hẳn mọi cây thị thường gặp, cho nên không dễ trèo lên. Hồi đó lũ trẻ cùng lứa tuổi với Trương Ái Dân không đứa nào trèo lên được, mà chỉ những cậu thiếu niên 14-15 tuổi mới có thể trèo lên. Có lần Trương Quân đang ở trong nhà nghe đài rất say sưa, thì thấy ông chú ở nhà sát bên cạnh chạy vào hét lên: “Thằng con quý tử nhà anh dám trèo lên cây cao như thế, coi chừng ngã xuống thì chết!”

Trương Quân vội chạy ra xem sao. Đến nơi, thấy Trương Ái Dân đã trèo lên tận ngọn cây nhìn xuống cười với bố, dưới gốc cây là một đám con nít đang vỗ tay tán thưởng, chỉ có vài đứa khoảng mười tuổi đứng xa xa hơn. Trương Quân nghĩ, tại sao bọn trẻ con bé tẹo lại trèo lên cây cao như thế được, và chắc chắn Trương Ái Dân không thể trèo lên nổi, đây hẳn là trò khỉ do mấy đứa lớn tuổi hơn bày ra. Nhưng mấy đứa ấy và lũ con nít đứng dưới gốc cây đều nói tự Trương Ái Dân trèo lên. Trương Quân đành đứng dưới gọi đứa con mình tụt xuống. Trương Ái Dân xuống đất rồi, Trương Quân hỏi nó tại sao trèo lên được, thì nó nhìn mấy đứa lớn tuổi kia và mỉm cười. Trương Quân tức quá căn vặn một thằng bé trong số đó, nó vừa khóc vừa nói rằng mấy đứa kia trèo lên trước, Trương Ái Dân đứng dưới xem, khi chúng tụt xuống đất rồi thì nó bèn trèo lên.

Trương Quân không tin một đứa trẻ lên sáu tuổi có thể trèo cây cao như thế. Ông ta sắp nổi nóng thì nghe thấy bọn trẻ đứng phía sau vỗ tay, bèn quay lại nhìn, thì thấy Trương Ái Dân đang từ từ trèo lên cây thị. Trương Quân đứng nghệt ra nhìn, rồi lớn tiếng quát nó tụt xuống ngay, nhưng nó không nghe, vẫn tiếp tục trèo lên, cuối cùng nó trèo lên tận ngọn cây, sau đó mỉm cười nhìn Trương Quân và gọi “Bố ơi!”.

Lúc này, thằng bé bị Trương Quân mắng mỏ lúc nãy chạy đến trước mặt ông ta nói: “Cháu nói rồi mà, tự nó trèo lên được!”

Kể từ hôm đó, Trương Quân nhận ra Trương Ái Dân phát triển có phần kỳ lạ. Nhiều khi các hành vi của nó khá giống, không, mà là hoàn toàn giống mọi đứa trẻ khác - một số đứa trẻ chơi với Trương Ái Dân khi ăn cơm cầm đũa tay trái, thì thằng bé Trương Ái Dân cũng dần chuyển sang dùng tay trái, nó thuận tay trái một cách suôn sẻ chứ không hề lóng ngóng; cũng trong thời gian đó, thành tích học tập của Trương Ái Dân bỗng tiến nhanh, rất tốt, nhất là môn ngữ văn nếu cần học thuộc lòng thì nó gần như chỉ đọc qua một lần là thuộc làu làu, thậm chí có thể đọc ngược từ dưới lên. Dân thôn gọi nó là thần đồng. Thoạt đầu Trương Quân rất mừng, nhưng dần dần ông phát hiện ra những điều bất ổn...

Trương Ái Dân có những hành vi gần như giống hệt người khác, ví dụ, Trương Quân thường thức dậy lúc 1-2 giờ sáng để mổ lợn thì Trương Ái Dân cũng dậy vào lúc đó; Trương Quân làm gì thì cậu ta cũng đứng sau bắt chước. Thậm chí có lần Trương Quân cầm dao chọc tiết lợn, vừa thọc vào cổ con lợn thì bỗng nghe thấy ở nhà trong cũng có tiếng lợn kêu rống lên. Ông ta bèn chạy vào thì nhìn thấy Trương Ái Dân tay cầm dao, và đã xử lý xong con lợn sữa của nhà nuôi, người nó dính tiết đỏ lòm; điều kỳ quái hơn nữa là Trương Ái Dân không hề tỏ ra căng thẳng hay sợ hãi, nó còn mỉm cười với Trương Quân.

Trương Quân ngớ ra, sau đó vội đưa nó vào nhà tắm gội thay quần áo, rồi mắng vợ một chập rằng không chịu để mắt đến thằng bé. Trương Quân lại quay ra chuồng lợn xem xét, thấy rằng nhát dao của Trương Ái Dân lúc nãy thọc rất chuẩn vào cổ con lợn, không hề vụng về như những người lần đầu chọc tiết lợn.

Trương Quân thở dài, nói: “Năm xưa mình học nghề, đã học rất lâu mà sư phụ vẫn không dám cho mình cầm dao.”

Trương Ái Dân càng lớn lên, thì nhà Trương Quân cũng xảy ra càng lắm chuyện rắc rối, ví dụ, trước cửa nhà là con đường hay có máy kéo chạy qua, Trương Ái Dân bèn chạy theo cho đến khi máy kéo dừng lại. Sau đó nó leo lên, chật vật khởi động máy rồi lái máy kéo chạy đi. Những chuyện tương tự cứ thế xảy ra, khiến dân chúng khi xưa khen Trương Ái Dân là thần đồng thì nay đâm ra ghét nó, coi nó là đồ quỷ sứ khó bảo.

Cuối cùng, Trương Quân đành đưa Trương Ái Dân đến gửi nhà họ hàng ở thành phố C, phải rất tốn kém để xin học cho nó. Nhưng kể từ đó Trương Ái Dân thật sự xảy ra vấn đề lớn. Giáo viên phụ trách mời Trương Quân đến trường, nói rằng Trương Ái Dân học lực cũng khá nhưng có một số biểu hiện rất khác thường, đặc biệt là học môn tập làm văn. Khi học lớp 6, nó viết rất được, nhưng nếu đọc kỹ thì nhận thấy không phải là do nó viết mà là do nó sao chép lại từ một tuyển tập các bài tập làm văn đặc sắc nào đó. Thầy giáo cũng tấm tắc khen Trương Ái Dân có trí nhớ siêu phàm. Có lần nó viết một bài tập làm văn giống y hệt bài in trong tuyển tập, không thiếu một chữ, thậm chí không sai một dấu chấm dấu phẩy!
Bình Luận (0)
Comment