Liêu Trai Chí Dị Ii

Chương 101

Kiều sinh người huyện Tấn Ninh (tỉnh Vân Nam), thuở trẻ rất nổi tiếng. Năm hơn hai mươi tuổi tính gan dạ, chơi thân với Cố sinh, khi Cố mất thường chu cấp cho vợ con Cố. Quan huyện lấy văn chương cùng sinh giao du thân mật, kế mất tại chức, gia đình nấn ná mãi không về được, sinh bỏ hết gia tài ra đưa linh cữu về quê quán, khứ hồi hơn hai ngàn dặm, vì thế sĩ lâm càng trọng, nhưng từ đó nhà cửa ngày càng sa sút. Hiếu liêm họ Sử có con gái tên Liên Thành, giỏi thêu thùa, lại biết chữ nên Hiếu liêm rất thương yêu, đem bức tranh Thiếu nữ ngồi thêu mỏi mệt của nàng thêu ra cho các văn sĩ thiếu niên đề vịnh, ý muốn qua đó kén rể. Sinh hiến bài thơ như sau: 

Dung hoàn cao kết lục bà sa, 

Tảo hướng lan song tú bích hà 

Thích đáo uyên ương hồn dục đoạn 

Ám đình châm tiễn kiển song nga 

(Tóc xanh cao búi dáng thơ ngây 

Sáng tới song thêu cảnh ráng mây 

Thêu tới uyên ương hồn tựa đứt 

Lén ngừng kim chỉ khẽ chau mày 

Lại một bàì khen nàng thêu khéo rằng: 

Tú tiễn khiêu lai tự tả sinh, 

Bức trung hoa điểu tự thiên thành 

Đương niên chức cẩm phi trường kỹ 

Hạnh bả hồi văn cảm thánh minh 

(Thêu như sống thật thấy tài chưa? 

Hoa điểu trời xanh há kém thua 

Hơn hẳn năm xưa người dệt gấm 

Hồi văn may được cảm lòng vua)* 

*Tranh gấm... lòng vua: theo Trữ tình thi, đời Đường Vũ tông nàng họ Hầu có chồng là Trương Thấu làm tướng ra đồn thú ở biên cương mười năm không được về, nàng bèn thêu bài thơ hồi văn theo hình con rùa (tức bài thơ mà các dòng chữ đan chéo vào nhau trở đi trở lại tạo ra các ô hình quả trám giống mai rùa, chỗ nhô ra giống đầu rùa là chỗ bắt đầu bài thơ), tới cửa khuyết dâng lên Vũ tông, vua cảm động bèn cho Trương Thấu về. 

Cô gái được thơ mừng lắm, trước mặt cha cứ khen sinh nức nở, nhưng cha chê sinh nghèo. Nàng gặp ai cũng ca ngợi sinh, lại sai bà vú giả vâng lệnh cha đem tiền tặng giúp sinh học hành. Sinh than rằng "Liên Thành là tri kỷ của ta", từ đó trong lòng luôn mơ tưởng như kẻ khát muốn uống nước. Kế Sử Hiếu liêm nhận hứa gả nàng cho con nhà buôn muối Vương Hóa Thành, sinh mới tuyệt vọng, nhưng mộng hồn vẫn còn tơ tưởng. 

Ít lâu sau, nàng mắc bệnh nặng nằm liệt giường, có nhà sư Tây Vực nói mình có thể chữa được, nhưng phải có một đồng cân thịt ở ngực đàn ông để trộn thuốc. Sử sai người tới nhà họ Vương nói với con rể, con rể cười nói “Ông già ngây đòi cắt thịt ở ngực ta sao?". Người ấy về kể lại, Sử tức giận nói với mọi người rằng ai có thể cắt thịt cứu con gái thì sẽ gả nàng luôn cho. Sinh nghe tin tới nhà Sử, tự cầm đao bén cắt thịt trước ngực trao cho nhà sư máu ướt đẫm cả áo, nhà sư rịt thuốc cho mới hết. Nhà sư trộn thịt với thuốc thành ba viên cho uống trong ba ngày, cô gái liền khỏi bệnh. Sử định làm theo lời hứa, nhưng trước tiên cho họ Vương biết, Vương nổi giận định kiện. Sử bèn làm tiệc mời sinh, bày ngàn vàng trên án, nói “Mang ơn rất nặng, xin được báo đáp", rồi nói rõ lý do nuốt lời. Sinh không vui, nói "Ta sở dĩ không tiếc miếng thịt trên ngực là để báo đáp người tri kỷ chứ có bán thịt đâu”, rồi phẩy tay áo bỏ về. 

Cô gái nghe thấy trong lòng không nỡ, nhờ bà vú tới an ủi, lại nói "Tài hoa như chàng chắc không phải khổ lâu, lo gì trên đời thiếu giai nhân. Ta thường nằm mơ thấy điềm không lành, ba năm nữa ắt chết, chàng không cần tranh giành con người sắp chết này". Sinh nói với bà vú "Kẻ sĩ chết cho người biết mình chứ không vì sắc đẹp. Ta sợ Liên Thành chưa thật biết ta, chứ nếu nàng biết thật thì không lấy nhau cũng có hề gì". Bà vú thay nàng thề thốt bày tỏ lòng thành, sinh nói “Nếu đúng thế thì lúc nào gặp nhau, chỉ cần nàng cười với ta một cái thì dù chết cũng không ân hận gì", bà vú bèn trở về. Mấy hôm sau sinh tình cờ ra đường, gặp cô gái từ nhà chú về, đưa mắt liếc sinh nhoẻn miệng cười. Sinh cả mừng nói "Liên Thành quả thật biết ta". 

Gặp lúc họ Vương qua bàn chọn ngày đón dâu, bệnh cũ của cô gái lại phát, vài tháng thì chết. Sinh tới viếng tang, đau lòng gào lớn một tiếng rồi chết luôn. Sử cho khiêng về nhà, sinh tự biết mình đã chết nhưng cũng không buồn bã gì, cứ đi ra khỏi thôn, muốn gặp Liên Thành một lần. Xa thấy trên đường phía tây bắc người đi nườm nượp như kiến, sinh trà trộn chen lẫn vào đó. Giây lát vào một dinh thự gặp ngay Cố sinh. Cố kinh ngạc hỏi "Sao ông lại tới đây?", rồi lập tức cầm tay sinh định dắt về. Sinh thở dài nói tâm nguyện còn chưa xong, Cố nói “Ta coi sổ sách ở đây cũng được tín nhiệm, nếu giúp đỡ đỡ gì thật không dám tiếc". Sinh hỏi Liên Thành, Cố lập tức dẫn đi, qua mấy nơi thì thấy Liên Thành cùng một nữ lang áo trắng đang buồn bã ngồi ở góc hành lang. 

Nàng thấy sinh tới đứng bật dậy như rất mừng rỡ, hỏi sao tới đây. Sinh đáp "Nàng chết, ta đâu dám sống". Liên Thành khóc nói “Kẻ phụ nghĩa thế này còn không phỉ nhổ bỏ đi, chết theo làm gì? Nhưng đã lỗi hẹn với chàng kiếp này, thề kiếp sau sẽ báo đáp". Sinh nói với Cố “Ông có việc xin cứ đi, ta vui sướng được chết chứ không thích sống nữa, nhưng phiền ông tra lại sổ sách xem Liên Thành thác sinh ở đâu để ta đi theo”, Cố gật đầu rồi đi. Nữ lang áo trắng hỏi sinh là ai, Liên Thành kể lại, nữ lang nghe xong như cũng ngậm ngùi. Liên Thành nói với sinh "Nàng này cùng họ với thiếp, tên Tân Nương, con gái quan Thái thú Trường Sa, cùng đi một đường tới đây nên rất thương yêu nhau”. Sinh liếc thấy nàng có vẻ dễ thương, đang định hỏi rõ hơn thì Cố đã quay lại nhìn sinh chúc mừng "Ta đã lo liệu cho ông xong rồi, nương tử đây nay được theo ông hoàn hồn, được chứ?". 

Hai người cùng mừng rỡ, đang định từ biệt thì Tân Nương khóc lớn nói “Chị đi thì em biết về đâu? Xin rủ lòng thương xót cứu cho em được theo hầu”. Liên Thành thương xót nhưng không biết làm sao, quay qua bàn với sinh, sinh lại năn nỉ Cố. Cố tỏ vẻ khó khăn, nói là không được, sinh năn nỉ mãi bèn nói "Để ta thử làm bừa xem sao" rồi đi. Khoảng ăn xong bữa cơm thì quay lại xua tay nói "Biết mà, thật là vạn phần không sao giúp được". Tân Nương nghe thế nghẹn ngào khóc lóc, cứ nép vào Liên Thành chỉ sợ nàng đi mất, buồn bã không biết làm sao, chỉ nhìn nhau im lặng, nét mặt thê thảm khiến người ngoài cũng phải mủi lòng. Cố sinh phát phẫn nói “Thôi ông cứ đưa Tân Nương theo, nếu chẳng may có chuyện gì tiểu sinh xin chịu hết", Tân Nương mới mừng rỡ theo sinh ra. Sinh lo cho nàng đường xa không có ai đi cùng, Tân Nương nói "Thiếp đi theo chàng chứ không muốn về nhà". Sinh nói "Nàng ngây quá, không về thì làm sao sống lại được. Ngày khác ta tới Hồ Nam, xin đừng lánh mặt là may rồi". 

Vừa lúc có hai bà già nhận trát tới Tràng Sa, sinh gởi Tân Nương theo, Tân Nương khóc từ biệt lên đường. Trên đường về Liên Thành đi rất chậm, cứ hơn dặm lại nghỉ, nghỉ hơn mười lần mới thấy cổng làng. Liên Thành nói "Sau khi sống lại e lại có chuyện lật lọng, xin cứ đòi lấy xác thiếp, thiếp sống lại ở nhà chàng mới không phải ăn năn về sau”, sinh cho là đúng. Bèn cùng nhau về nhà sinh, cô gái run rẩy như không đi nổi, sinh phải đứng lại chờ. Nàng nói "Thiếp tới đây thấy chân tay run rẩy như không tự chủ được, e không được toại nguyện, phải bàn bạc thật kỹ, nếu không thì sau khi sống lại làm sao theo ý mình được?". Hai người cùng vào gian phòng cạnh nơi quàn quan tài, im lặng một lúc thì Liên Thành cười hỏi "Chàng có ghét thiếp không?”. Sinh ngạc nhiên hỏi sao nói thế, nàng thẹn thùng đáp “Sợ việc không xong thì lại phụ chàng lần nữa, xin lấy hồn báo đáp chàng trước". Sinh mừng rỡ, cùng nàng giao hoan hết sức đằm thắm, vì vậy lưu luyến không rời, ở cùng nhau luôn ba ngày. Liên Thành nói "Lời ngạn có câu Nàng dâu có xấu cũng phải ra mắt cha mẹ chồng, cứ bịn rịn ở đây không phải là kế lâu dài”, rồi nàng giục sinh vào nhập hồn, vừa tới cạnh quan tài thì sinh giật mình sống dậy. 

Người nhà kinh ngạc lấy nước cháo đổ cho, sinh bèn sai người mời Sử tới, xin cho được đem xác Liên Thành về, nói là có thể làm cho nàng sống lại. Sử mừng rỡ theo lời, vừa khiêng nàng tới nhà sinh, nhìn lại thì đã sống lại. Nàng nói với cha rằng "Con đã trao thân cho Kiều lang, không có lý nào trở về, nếu có chuyện gì thay đổi thì chỉ có chết mà thôi", Sử về sai tớ gái qua hầu hạ nàng. Họ Vương nghe tin làm đơn kiện, quan ăn hối lộ xử bắt nàng về lại nhà Vương. Sinh phẫn hận muốn chết, nhưng cũng không biết làm sao. Liên Thành tới nhà Vương, phẫn uất bỏ ăn uống, chỉ mong chết ngay, cứ lúc vắng người là treo cổ lên xà nhà. Qua hôm sau bệnh càng nặng, hơi thở thoi thóp, Vương sợ đưa nàng về nhà Sử, Sử lại cho khiêng về nhà sinh, Vương biết nhưng đành phải bỏ đó. 

Liên Thành khỏi bệnh, thường nhớ Tân Nương, muốn gởi thư thăm hỏi nhưng vì đường xa đi lại khó khăn. Một hôm gia nhân vào thưa ngoài cổng có xe ngựa khách lạ, vợ chồng chạy ra xem thì Tân Nưong đã vào tới sân, gặp nhau vừa mừng vừa tủi. Quan Thái thú đích thân đưa con gái tới, sinh mời vào nhà. Thái thú nói “Tiểu nữ nhờ ông mà được sống lại, thề không lấy ai khác, hôm nay ta làm theo ý nó", sinh bèn vái lạy theo lễ con rể cha vợ. Sử Hiếu liêm cũng tới ba nhà đoàn tụ rất vui vẻ. Sinh tên Niên, tự Đại Niên. 

Dị Sử thị nói: Một nụ cười mà biết nhau, đem thân theo về, người đời có kẻ cho là ngây, nhưng như thế thì chẳng lẽ năm trăm tráng sĩ dưới quyền Điền Hoành* đều ngu cả sao? Đó là bởi người biết mình rất ít nên lấy làm quý, bậc hào kiệt vì thế mà cảm động không thể làm chủ được. Ngoảnh nhìn bốn biển mênh mang, những bậc anh tài đều xiêu lòng vì một cái cười của người đẹp thôi, nghĩ đáng buồn thay. 

*Năm trăm... Điền Hoành: Điền Hoành là tướng nước Tề thời Hán Sở tranh hùng. Khi tướng Hán là Hàn Tín đánh bại quân Tề, Điền Hoành hết sức chống cự không được bèn dẫn năm trăm tráng sĩ dưới quyền ra hải đảo sống, nhất định không chịu theo Hán. Sau Lưu Bang đánh bại được Hạng Vũ, sợ Điền Hoành gây loạn bèn sai người ra ép Hoành về kinh. Hoành tới nơi không chịu đầu hàng, Lưu Bang sai giết, kế lại sai người ra chiêu dụ năm trăm tráng sĩ dưới quyền Hoành. Năm trăm người nghe tin Hoành chết đều lần lượt đâm cổ tự tử, nhất định không theo nhà Hán.
Bình Luận (0)
Comment