Loạn Thế Phiêu Diêu Khó Như Ý

Chương 1

* Chú thích: Phong trào Ngũ Tứ là một phong trào đấu tranh rộng lớn của sinh viên, học sinh, công nhân, thị dân, trí thức Trung Quốc, vì nổ ra đúng vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 nên được gọi là phong trào Ngũ Tứ.

Ngày bốn tháng Năm năm Dân quốc thứ tám*, mới sáng sớm, con dâu trưởng nhà họ Tần, Phương Như Ý đã rời giường hầu mẹ chồng uống thuốc. Chén sứ men xanh đựng đầy nước thuốc đen nhánh. Cô lấy một thìa nhỏ thuốc đưa đến bên miệng mẹ chồng, khẽ dỗ dành. Bà lão cau mày, chỉ nhấp một ngụm đã giơ tay hất đổ chén sứ, đanh giọng đuổi cô đi. Trên hành lang trên đường về phòng, cô nhìn thấy phu quân Tần Kính Lưu một thân áo dài, gương mặt lạnh lùng. Thấy Như Ý lại bị đuổi ra khỏi phòng, anh nhíu mày, nhận lấy một chén thuốc khác rồi đi thẳng đến phòng mẹ mình. Như Ý ngẩn người nhìn theo bóng dáng anh.

* Chú thích: Lịch Dân quốc là loại lịch đang được sử dụng ở Đài Loan bởi chính quyền và những phần lãnh thổ khác mà Trung hoa Dân quốc kiểm soát. Lịch Dân quốc đã từng được sử dụng ở Trung hoa đại lục từ năm 1912 cho đến năm 1949 trước khi nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập.

Năm Dân quốc thứ tám là năm 1912.

Bây giờ anh thậm chí còn không thèm liếc cô đến một lần.

Đây là năm đầu tiên cô được gả vào nhà họ Tần. Cũng như tất cả những cô dâu mới khác, cô cũng vấp phải vấn đề mẹ chồng nàng dâu. Mẹ chồng cô là quý tộc Mãn Thanh, bà vẫn hoài lưu luyến những điều trong quá khứ, vì vậy cũng căm ghét tất cả những đổi thay hiện tại. Từ nhỏ Như Ý lại được giáo dục theo kiểu mới, tinh thông ba ngoại ngữ, năm mười sáu tuổi còn từng du học sang Anh. Người con gái như vậy vốn chẳng thể làm con dâu của bà. Chỉ là hai nhà giao hảo đã nhiều thế hệ, cuộc hôn nhân này đã được quyết định từ tấm bé. Hơn nữa, trước khi Như Ý qua cửa, Phương gia đã gặp phải biến cố, cha mẹ đều mất, gia tài tiêu tán. Tần lão phu nhân rất yêu thể diện, không muốn phải chịu tiếng xấu vong tình phụ nghĩa, không giữ lời hứa nên buộc phải chấp nhận cô, nhưng sau khi qua cửa lại làm khó dễ mọi bề. May thay Tần Kính Lưu yêu thương cô thật lòng, hai vợ chồng ngày ngày cùng tiến cùng lùi, tình cảm hoà thuận, khiến các quý phụ đều hâm mộ. Nhắc tới thiếu phu nhân nhà họ Tần, mọi người luôn nói cô số tốt, gặp được một đấng phu quân che chở mọi bề.

Nhưng Như Ý biết chuyện không phải như vậy.

Cô vốn không muốn cuộc hôn nhân này. Đối với một cô gái kiểu mới như cô, việc thuận theo lời mai mối ngoan ngoãn gả vào chốn nhà cao cửa rộng, trở thành một thiếu phu nhân chẳng còn chút thú vui trên đời chẳng khác nào tra tấn. Chỉ vì người đó là anh Kính Lưu mà cô đem lòng ái mộ từ thuở nhỏ, dù trong lòng không cam nguyện, Như Ý vẫn vui vẻ tiếp nhận. Thậm chí cô còn hạ quyết tâm phải từ bỏ mộng tưởng thuở xưa để tận tâm làm người vợ hiền của anh.

Nhưng vào đêm tân hôn, Tần Kính Lưu lại áy náy nói với cô anh đã có người con gái mình yêu thương. Vì cô ấy thân phận hèn mọn nên anh không dám để mẹ biết, nhưng lại không thể từ bỏ, hy vọng Như Ý có thể thông cảm. Thấy nét mặt cô sững lại, anh ta vội bảo đảm cô chỉ là người vợ trên danh nghĩa của mình, hai người họ sẽ không làm gì vượt quá giới hạn bạn bè. Đến lúc thời cơ chín muồi, anh ta sẽ để cô rời đi, đồng thời sẽ đảm bảo cuộc sống về sau của cô.

Như Ý nhìn vị hôn phu đang khẩn thiết giải thích ngay đêm tân hôn, cô cắn môi suy nghĩ một hồi lâu rồi mỉm cười gật đầu.

Nhưng trong lòng nước mắt lại tuôn rơi.

* * * * *

Từ đó về sau, hai người họ luôn ra vẻ ân ái trước mắt người khác. Búi tóc vẽ mi, uống rượu ngắm hoa, bao cảnh tình chàng ý thiếp đếm không hết, đã nhiều lần Như Ý tưởng anh đã phải lòng cô.

Nhưng chung quy cũng chỉ là tưởng. Khi Tần Kính Lưu nắm tay người trong lòng nhờ cô chăm sóc, Như Ý mới biết được chút ảo tưởng đó cũng là hy vọng xa vời với cô.

Người con gái kia tên Dư Thi, cùng tuổi với Như Ý. Cô ấy gầy gò nhỏ bé, dáng người thướt tha, áo quần thanh nhã, trang điểm nhẹ nhàng cũng khó che được vẻ quý phái. Khi đối diện với Như Ý, cô ấy không diễu võ dương oai cũng chẳng cố tình lấy lòng, khí độ thong dong ấy càng làm Như Ý thấy xấu hổ.

Rốt cuộc cô cũng chẳng bì kịp. Như vậy thôi thì từ bỏ, cứ diễn cảnh ân ái hạnh phúc giả dối cùng anh cũng coi như an ủi.

Nhưng từ khi nào đến diễn trò anh cũng chẳng còn nguyện ý?

Như Ý nhìn hoa lan bên cửa sổ lặng người.

Đúng lúc cô tựa vào cửa sổ sắp ngủ, tiếng xôn xao vang lên. Bọn nha hoàn ríu ra ríu rít tám chuyện làm cô bừng tình. Cô chỉ nghe được câu “Học sinh, sinh viên đã làm ồn ào đến tận Thiên An môn rồi” đột nhiên nhảy dựng lên, chạy ra khỏi phủ trong cái nhìn ngạc nhiên của người làm.

* * * * *

Con đường Trường An rộng lớn nhốn nháo toàn người là người. Học sinh mặc đồng phục kêu khẩu hiệu, vẫy cờ màu, sải bước về phía trước, trên gương mặt trẻ trung đầy chân thành nhiệt tình. Như Ý đứng giữa đám người, kích động đến ngón tay cũng run lên. Lấy thân báo quốc là điều cô mong mỏi nhất. Vì một người đàn ông không yêu mình, cô từng muốn từ bỏ. Nhưng giờ đây, đứng trong đội ngũ diễu hành, cô mới chợt nhận ra điều này đã trở thành máu thịt. Cô không thể từ bỏ, cũng không từ bỏ được.

Người phía sau đột nhiên đẩy về trước, Như Ý vấp ngã lên đất. May mà cô ở ngoài rìa đội ngũ nên mới không bị đám đông hỗn loạn giẫm lên, nhưng cơn đau thấu tim nơi chân vẫn khiến cô rơm rớm nước mắt. Đang lồm cồm bò dậy, một bàn tay bỗng xuất hiện trước mặt cô. Khớp xương rõ ràng, trên mu bàn tay dường như có thể nhìn thấy mạch máu xanh. Là tay đàn ông.

Như Ý chậm rãi ngẩng đầu, nhìn thấy một đôi mắt lạnh lẽo như hầm băng.

Là một người đàn ông khôi ngô tuấn tú. Ngũ quan rõ ràng, thân mình cao lớn, anh như một con người luôn khắc chế bản thân, cho dù thân nơi đội ngũ tinh thần sục sôi vẫn bình tĩnh như thường.

Như Ý ngơ ngác nhìn người đàn ông xa lạ trước mắt, cho đến khi anh ra vẻ mất kiên nhẫn cô mới sực nhận ra anh đang duỗi tay ra như muốn đỡ cô đứng dậy.

Cô cúi đầu, nắm lấy tay anh. Bàn tay khô ráo chỉ nhẹ nhàng kéo đã lôi được cô dậy. Chân phải còn đang đau, có khi đã sưng lên rồi, Như Ý cẩn thận đặt trọng tâm lên chân trái rồi nhẹ giọng nói cảm ơn.

Người thanh niên kia liếc mắt nhìn Như Ý rồi quay đầu nhìn về phía đội ngũ vẫn đang đi, lạnh nhạt nói: “Vị phu nhân này, đây không phải nơi người nên tới, vẫn nên về nhà đi thôi.”

Giọng nói lạnh nhạt từ tính, có sức mạnh mê hoặc lòng người. Nhưng vẻ coi khinh trong lời nói ấy lại khiến Như Ý phẫn nộ – cái gì mà đây không phải nơi cô nên tới?

Cô nắm chặt lấy người thanh niên đang xoay người muốn đi, lớn tiếng nói: “Tôi mới không phải phụ nữ vô tri như anh nghĩ. Đừng coi khinh người khác!”

Người thanh niên thấy cô bắt lấy tay áo mình bèn kinh ngạc, nghe xong lời thanh minh của cô thì nhíu mày, ánh mắt lạnh lùng nhìn từ đầu đến chân cô, tỏ vẻ nực cười.

Như Ý lúc này mới phát hiện cô vẫn đang mặc Mãn phục nhà họ Tần chuẩn bị cho, váy áo dài thượt, đầu còn mang búi tóc phức tạp, đeo đầy châu ngọc. Đây là cách ăn mặc trong phủ quy định, cô dường như đã quen rồi, nhưng giờ đây, trong ánh mắt của người thanh niên ấy, cô bỗng thấy mình nực cười vô cùng. Ăn mặc như vậy để tới hát tuồng à? Hèn gì anh lại nhầm cô thành dạng phụ nữ không có kiến thức.

Cô có phần quẫn bách, sự kiêu ngạo từ trong xương cốt bị kích thích. Quay đầu thấy bạn học từ thuở cô còn học trường nữ sinh, cô bèn nói với anh: “Tôi tới tìm bạn học.” Vừa nói, cô gọi với vào đám người kia, nhưng chung quanh quá ồn ào, tiếng kêu của cô chìm nghỉm trong tiếng hô khẩu hiệu vang dội.

Cô xấu hổ cười cười, thấy mình như một kẻ nói dối. Cô hoảng loạn liếc mắt nhìn chàng thanh niên, lúng túng giải thích: “Cách quá xa, các cô ấy không nghe được…”

Anh vẫn luôn bình tĩnh nhìn cô, đến lúc thấy cô đã náo loạn xong rồi bèn giật tay lại, mất kiên nhẫn nói: “Vị phu nhân này, vậy tìm được bạn rồi người vẫn nên về nhanh thì hơn. Tại hạ còn có việc, thứ lỗi không thể tiếp.” Nói xong, anh xoay người rời đi.

Như Ý theo bản năng muốn gọi anh lại, nhưng vừa mở miệng đã nghẹn lại. Gọi lại thì được gì? Cô không biết.

Cô chỉ đành ngơ ngác nhìn bóng dáng cao lớn ấy biến mất trong biển người nhốn nháo.

* * * * *

Buổi tối vừa gặp Tần Kính Lưu, Như Ý đã kích động hỏi cụ thể tình hình chuyện bạo động học sinh. Thái độ Tần Kính Lưu qua loa đại khái, chỉ trả lời vài câu đã không muốn nói tiếp, mãi đến khi Như Ý đề nghị kết hợp các nhà buôn cùng đình công ủng hộ học sinh, anh ta mới có phản ứng.

Dưới ánh đèn màu da cam, vẻ mặt anh ta kinh ngạc, thấy Như Ý không giống đang nói đùa mới thở dài: “Như Ý, ta cũng chỉ là một người làm ăn bình thường, em phải thông cảm cho ta.”

Như Ý nghe vậy thì cúi đầu, cảm xúc lẫn lộn. Sao cô không biết nỗi vất vả của Tần Kính Lưu khi chống đỡ gia nghiệp lúc loạn thế chứ, nhưng đến khi thấy anh bo bo giữ mình như vậy, cô vẫn thất vọng vô cùng.

HẾT CHƯƠNG 1
Bình Luận (0)
Comment