Lời Nguyền Chung Tình

Chương 2

Cũng may tốc độ thuyền kia cũng không nhanh lắm. Đường bộ lộ trình lại dễ đi hơn cho nên chẳng mấy chốc Kiều Vũ Phi đã đuổi theo gần đến. Nhác thấy phía trước có một cây cầu bắt ngang qua sông, Kiều Vũ Phi lập tức phi ngựa đến gần rồi leo lên cầu hướng mặt về phía chiếc thuyền kia chờ đợi.

Chiếc thuyền ung dung trờ đến. Kiều Vũ Phi nhác thấy bóng dáng một nữ nhân mờ ảo khuất sau tấm màn mỏng ở trong khoang thuyền, hắn kích động căng thẳng liền dùng hết sức giơ cao tay vẫy vẫy gọi. Khốn nỗi bởi vì hắn không thể nói, người trên thuyền không một ai nhìn đến hắn cho nên không phát hiện đã vượt lướt qua. Thấy chiếc thuyền xuyên qua dưới chân cầu rồi lướt đi, thật sự không một ai nhìn đến hắn. Kiều Vũ Phi không cam tâm. Nếu chiếc thuyền cứ như thế mà đi, hắn sẽ bỏ lỡ nàng ấy, hắn sẽ không gặp được Đinh Ngọc Phụng như vậy sẽ không thể ngăn cản được bi kịch của nàng ấy sẽ xảy ra! Nghĩ nghĩ, hắn liền cắn răng từ trên cầu hướng đến đuôi thuyền nhảy xuống.

"Bịch" một tiếng rơi xuống, kinh động cả chiếc thuyền đang yên ả lướt trôi. Các hộ vệ trên thuyền phát hiện có kẻ lạ xuất hiện liền xuất vũ khí vây lấy người vừa rơi xuống kia. Kiều Vũ Phi một thân nhu nhược từ trên cao rơi xuống, tấm thân bệnh hoạn va đập trực diện với khoang thuyền, cảm giác đau đớn đến muốn chết. Thấy các hộ vệ đều ấn vũ khí vào mình, bản thân lại không thể nói chuyện Kiều Vũ Phi khổ sở móc trong người lấy ra bức tranh có ghi chữ của vị tiểu thư kia đưa cho các hộ vệ. Các hộ vệ vừa cầm lấy, còn chưa kịp nhìn vào thì Nghê Thu từ trong khoang bước ra ngang nhiên giật lấy bức tranh liếc sơ một cái liền lập tức chỉ vào mặt Kiều Vũ Phi gắt to:

- Thì ra kẻ xấu xa vẽ những bức tranh nguyền rủa tiểu thư ta chính là ngươi!

Kiều Vũ Phi ngẩn ra, muốn ú ớ phân bua cũng chưa kịp thì đã nghe Nghê Thu nói tiếp:

- Kẻ này nguyền rủa người khác, tâm địa bất lương, không đáng làm người. Đánh chết hắn, ném xuống sông cho ta!

- Ơ...ơ...

Kiều Vũ Phi khổ sở kêu được hai tiếng liền đã bị hai tên hộ vệ đứng phía sau đá cho mấy cái. Hắn đau đớn kêu rên, liền bị một hộ vệ nữa đạp thêm một phát thật mạnh liền từ trên mạn thuyền bay xuống dòng sông. Đúng lúc này, vị tiểu thư kia từ trong màn ra đến. Nàng là nhìn thấy các hộ vệ của mình thô bạo ra tay đánh người nên mới muốn ra mặt ngăn cản. Thế nhưng đáng tiếc nàng lại ra quá trễ. Lúc nàng nói một tiếng "dừng tay" thì hộ vệ kia đã không kịp thu chân. Một nhát phát lực, thiếu niên xanh xao kia liền bay hẳn xuống lòng sông rồi mất hút. Tiểu thư kinh sợ vội chạy đến bên mạn thuyền nhìn xem sau đó gắt lên:

- Còn không mau cứu người!

Các hộ vệ thấy chủ nhân nổi giận liền cũng nhảy ùm xuống sông tìm người. Thế nhưng bọn hắn lặn hụp cả buổi trời lại không tìm thấy tăm hơi của người kia, đành phải ngoi lên nhận lỗi nói:

- Bẩm tiểu thư, nước ở đây sâu quá lại còn có dòng xoáy. Hắn vừa rồi cũng lại bị đánh đến thổ huyết rồi. E rằng...không sống nổi!

Vị tiểu thư nhìn tên hộ vệ rồi lại nhìn sang Nghê Thu. Nàng nghiêm giọng nói:

- Dù sao cũng là một mạng người, tại sao các ngươi có thể tùy tiện giết hại người ta như vậy?

Nghê Thu có chút không phục, định mở miệng nói ai bảo kẻ kia dám vẽ dung mạo của tiểu thư thành như yêu quỉ như vậy. Kẻ vẽ ra thứ hình ảnh xấu xa trù ẻo người khác nhất định cũng nghĩ những chuyện xấu xa. Người như vậy, thật không đáng tha thứ. Thế nhưng thái độ và ánh mắt của tiểu thư lúc này dường như rất tức giận. Nghê Thu không dám bạo mồm, sợ lại làm tiểu thư nổi giận xử phạt nàng thêm. Tiểu thư lúc này mới chú ý đến bức tranh còn để lại trên khoang thuyền. Nàng cầm lấy nhìn vào sau đó lại hồi tưởng đến bộ dạng lúc kẻ kia vừa từ trên cầu nhảy xuống. Hắn đã đưa cao bức tranh này rồi lại chỉ chỉ vào. Hắn là từ bến sông lúc nãy đuổi theo muốn gặp nàng là muốn nói điều gì ư? Nàng nhìn lại một lần nữa vào bức tranh. Bức tranh này có bút tích của nàng, là vẽ dung mạo hoàn hảo của vị thiếu nữ vẫn chưa bị vẽ thêm vết khuyết lỏm trên má. Lại sực nhớ đến bức tranh bị vẽ khuyết lỏm kia. Nàng càng suy nghĩ càng cảm thấy thiếu niên này thật kì lạ. Thế nhưng người ta vẫn chưa kịp bày tỏ gì đã bị đám thủ hạ hồ đồ của nàng hại chết rồi. Nàng cắn môi, nặng nề nói lớn một câu:

- Các ngươi lập tức trở xuống tìm kiếm. Dù sống hay chết cũng phải tìm được người kia. Quân Đinh gia tuyệt đối không phải kiểu hay tùy tiện giết người thế này. Nếu các người không tìm được người đó, tất cả bị giáng chức, xử theo quân pháp!

Lúc nàng trở vào khoang thuyền, Nghê Thu vẫn còn sợ hãi, không dám đến gần sợ tiểu thư lại tức giận mà trách phạt nàng ta. Dù sao thì nàng ta mới chính là chủ mưu sai khiến hộ vệ gây ra tội. Nghê Thu căng thẳng quì ở bên ngoài màn, run lẩy bẩy nhìn vào. Nàng theo hầu tiểu thư từ lúc tiểu thư tám tuổi đến giờ, chưa bao giờ thấy tiểu thư lại có lúc tức giận. Vậy mà vì một kẻ xa lạ chưa từng nhìn thấy mặt mà tiểu thư nổi giận như thế, hẳn là nàng và các hộ vệ đã làm sai khiến tiểu thư mới nộ khí đến thế này? Nhưng mà kẻ đó...thật sự quá đáng mà! Nghê Thu dù biết mình sai nhưng vẫn có một chút oán khí, phẫn hận cái tên tiểu thư sinh kia.

Ở bên trong màn, vị tiểu thư ngồi một mình bên chiếc bàn nhỏ. Lúc này, nàng mới mở chiếc khăn lụa mỏng che mặt ra, để lộ một dung mạo tuyệt thế. Khuôn mặt nàng với bức họa thiếu nữ trong tranh là đồng dạng một người. Đôi mắt phượng long lanh hài hòa với bờ má gầy thon hồng hào, phối hợp tinh tế cùng với chóp mũi thẳng tắp, đôi môi đào đỏ thắm hòa quyện mỹ mãn vào nhau tạo nên một vẻ đẹp hoàn hảo đến mức không chân thực. Tiểu thư nhìn vào bức tranh rồi lại nhẹ sờ lên khuôn mặt của chính mình. Tranh vẽ rất đẹp, rất nét và sống động đến mức người thật còn phải tự thẹn không bằng. Tiểu thư vừa cảm thán vừa thầm nghĩ không rõ thiếu niên kia đã gặp nàng ở đâu sao lại có thể họa ra nàng một cách thuần chất, sắc nét đến như thế? Ngón tay nàng nhẹ mân mê lướt qua dòng chữ của chính mình: Đinh Ngọc Phụng.

Đúng vậy, nàng chính là Đinh Ngọc Phụng, là nữ nhi của thủ lĩnh Đinh gia, Đinh Dũng, người vừa đăng nhiệm vương vị quốc vương của Vĩnh An quốc. Ngày mà phụ thân đăng lên vương vị, nàng cũng được sắc phong công chúa. Phụ thân trở thành phụ vương. Trong ngày vui ấy, phụ vương cũng ban ra chiếu chỉ đầu tiên chính là ban hôn ước gả nàng cho Ngô Thế Minh. Nàng khi ấy chỉ là một cô nương mới mười bốn, cả đời ở trong khuê phòng chưa từng ra cửa, không có giao tiếp với người lạ, càng cũng không thiết nghĩ ngợi nhiều. Phụ vương nói gả nàng cho ai thì nàng cứ theo qui củ tam tòng tứ đức mà cúi đầu nghe lệnh, gả cho người ấy. Thế nhưng sự đời không êm xuôi như nàng nghĩ. Trong ngày đại hôn, phu quân phò mã của nàng đột nhiên biến mất. Trước bao nhiêu ánh nhìn kinh ngạc cùng tò mò bàn luận đồn đoán linh tinh, Đinh Ngọc Phụng chỉ cúi mặt, lặng thinh trở về phòng của mình.

Kể từ đó, nàng vẫn ở lại trong cung nhưng trên mặt lúc nào cũng đeo khăn che mặt biểu thị nàng đã là một người có phu quân và sẽ chờ cho đến khi gặp lại phu quân để người ấy tự tay gỡ xuống chiếc khăn che mặt của nàng. Vậy là nàng đã chờ đến hai năm, phu quân nàng vẫn bặt vô âm tín. Cho đến gần đây, thủ hạ của phụ vương dò thám và báo tin về rằng Ngô Thế Minh, phò mã phu quân của nàng ở biên giới giữa vùng Lĩnh Tây và nước lân bang đã nuôi binh lập thế, kêu gọi người dân nổi dậy phản phụ vương của nàng. Thật khó tưởng! Đinh Ngọc Phụng hoàn toàn không biết, không hiểu, cũng không nghĩ nổi giữa phụ vương và người nam nhân gọi là phu quân của nàng kia thật ra đã xảy ra chuyện gì? Nàng chỉ là một nữ lưu, định phận của nàng chính là phải nghe theo sự sắp xếp, an bày của nam nhân chủ mệnh của đời mình đúng như những gì trong nghiêm qui tam tòng đã định. Và vậy là nàng lại là theo ý của phụ vương tự mình tìm đến Ngô Thế Minh, hi vọng dùng chân tình cảm hóa được y ta từ bỏ ân oán hòa hợp qui thuận cùng phụ vương của nàng.

Sau một hồi bâng khuâng hồi tưởng, Đinh Ngọc Phụng hốt nhiên giật mình sực tỉnh khi phát hiện chiếc thuyền ra lại đang di chuyển ư? Đinh Ngọc Phụng lại che mặt, vén màn bước ra. Nhìn thấy Nghê Thu vẫn còn quì ở đấy, sau đó nàng quay sang một nam thủ hạ đứng gần đấy, liền hỏi:

- Ta bảo các ngươi tìm vớt người bị rơi xuống sông kia. Người đã cứu được chưa? Ai cho phép các ngươi lại cho thuyền di chuyển?

- Bẩm...- Thủ hạ ái ngái ấp úng.

- Các ngươi xem lời nói của ta như gió thoảng qua tai sao? Là ai bảo các ngươi tiếp tục lái thuyền đi?

- Là ta!

Một nam nhân tướng mạo uy dũng, khí thế áp bức từ trong đám thủ hạ bước ra, vẻ mặt lạnh lùng bước đến gần Đinh Ngọc Phụng, khẽ khom người xuống chắp tay ra lễ nhưng hoàn toàn không có thái độ cung kính. Hắn nói:

- Thuộc hạ là Lưu Hoành. Là người phụ trách an toàn cho chuyến hành trình này của công chúa. Công chúa lại vì một kẻ đột nhập mà trì hoãn thời gian, bắt thuyền phu và hộ vệ phải làm một chuyện hết sức vô lí là xuống sông vớt kẻ có tội kia lên sao? Công chúa, người làm như vậy chẳng những không có nghĩa lí gì, ngược lại làm trễ lộ trình, hậu quả khó lường thế nào người biết hay không?

Đinh Ngọc Phụng bị nam nhân này chất vấn, vừa bất mãn vừa khó chịu nhưng lại không thể bột phát. Phải. Hắn gọi nàng là công chúa nhưng hai chữ công chúa từ miệng hắn thoát ra lại hoàn toàn không có một ý tôn trọng nào. Đinh Ngọc Phụng chua chát ngậm nuốt uất ức vào lòng. "Làm trễ lộ trình, hậu quả khó lường", câu này Lưu Hoành đã nói với nàng mấy lần rồi? Buồn cười! Đây là hành trình gì chứ? Nàng là đến gặp phu quân của nàng, là đi cầu tình, đi khuyên nhủ phu quân của mình niệm tình nể nghĩa mà buông bỏ oán thù chứ có phải đi ra trận đánh nhau, hành quân tác chiến cái gì mà nói trễ lộ trình sẽ gây hậu quả? Thế nhưng Lưu Hoành này là ai? Hắn chính là dũng tướng thiện chiến, rất được phụ vương tín nhiệm. Chính phụ vương trước lúc xuất phát còn dặn nàng trên đường đều phải nghe theo Lưu Hoành. Đinh Ngọc Phụng thở dài. Phụ vương cũng đã nói như thế, ở đây Lưu Hoành là lớn nhất, thôi thì cứ nghe theo Lưu Hoành đi! Nàng cũng không nói tiếng nào nữa mà trở lại khoang thuyền.

Lúc quay trở lại, nhìn thấy bức tranh trên bàn, không hiểu tại sao nàng lại nhớ đến bộ dạng thiếu niên bạch y trường bào hai tay đưa lên bức tranh, ánh mắt đầy ẩn tình chỉ ngón tay vào dòng chữ thái độ hết sức khẩn cấp như muốn nói gì đó. Nghĩ đến đây, tự nhiên nàng thấy khó chịu vô cùng.

- Tiểu sinh kia, thật xin lỗi!

Tuy rằng thiếu niên kia chính là người đã vẽ biếm dung mạo của nàng thành ra kinh hãi. Tuy rằng nàng không rõ dụng ý của hắn khi liều mạng nhảy lên thuyền của nàng là để làm gì? Thế nhưng ánh mắt, thái độ và vẻ thành khẩn của hắn khiến nàng cảm thấy thật áy náy khi đã không cứu kịp để hắn bị hại ngay trước mắt nàng. Ngẫm nghĩ, nàng cũng chỉ còn biết buông một tiếng thở dài.  

Bình Luận (0)
Comment