Lời Nguyền Lỗ Ban

Chương 146

-Ông nói là hoa lạc thần ư? Là hoa lạc thần trong câu “Lạc Thần đạp sóng xanh, nước tung hoá hoa ngọc” ư? - Mặc dù Lỗ Thiên Liễu đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, song vẫn không kiềm chế nổi sự ngạc nhiên và chấn động trong lòng.

Trong chương “Tiên do” sách “Thần ma chí” có viết: “Lạc Thần đạp trên sóng xanh lướt đi khắp nghìn sông vạn suối, tay áo dải đai tựa cầu vồng, búi tóc cao như mây, mây ngũ sắc che làm rèm, khó nhìn thấy dung mạo. Ngón tay búp lan kẹp một nhành hoa, khẽ vẩy là châu bay ngọc rắc, hoá thành hoa, lại hoá thành nước, lại hoá thành khí ẩn hiện mơ hồ, trở về với tự nhiên.”

Lỗ Thiên Liễu đã từng nghe truyền thuyết về Lạc Thần, cũng đã nhìn thấy bức tranh “Lạc Thần lướt sóng”. Trong truyền thuyết và tranh vẽ đều có miêu tả về hoa lạc thần. Đây là loài hoa trời sinh. Lạc Thần từ lúc sinh ra đã cầm trong tay một đoá hoa, sau khi thành đạo, liền dùng hoa đó để hành pháp, ban nước. Loài hoa này cũng tượng trưng cho nơi muôn sông tụ về, cho sự thần kỳ của vòng tuần hoàn hơi nước chốn nhân gian.

-Hoa thần tổn, bảo tướng khuyết, cương giới không vẹn toàn! – Trương Truyền Đạo bị Du Hữu Thích cắn giữ động mạch cổ, lời nói run rẩy rất khó nghe.

Nhưng Lỗ Thiên Liễu đã nghe được những lời Trương Truyền Đạo vừa nói, huyền giác nhanh chóng chuyển động trong tâm, lập tức mặt mày biến sắc, trong lòng hết sức ân hận, hoang mang. Cô vội ngồi thụp xuống, cúi đầu tìm kiếm bông hoa vừa bị lưỡi kiếm vô hình cắt đứt. Lời nói hàm hồ của Trương Truyền Đạo đã nhắc nhở cô, bảo vật bị tổn hại, cho dù có trấn được hung huyệt, nhưng cũng không thể giữ được biên cương trọn vẹn.

Mưa vẫn rơi dày đặc, nhưng không một hạt mưa nào rơi vào lòng bàn tay đã đứt lìa của Du Hữu Thích. Còn đoá hoa khi nãy đã biến thành một giọt nước, hay là một giọt lệ trong suốt, sáng long lanh. Khi Lỗ Thiên Liễu định nhìn lại cho rõ, đoá hoa chớp mắt đã vụt biến mất, như thể bị gió cuốn đi, chỉ còn lưu lại một dấu vết hình giọt nước trên lòng bàn tay bết máu.

Lỗ Thiên Liễu từ từ đứng dậy, thở dài một tiếng:

-Hoa lạc thần rơi xuống lòng bàn tay, rửa trôi máu chỉ còn lại dấu, hoá thành hơi khí, nhập vào vòng tuần hoàn vô hình. Chú Du ơi, tai ách “diệt tổ tuyệt mạch” nhà chú đã được hoá giải rồi!

Từ khoé mắt Du Hữu Thích rớt xuống một giọt nước tròn xoe, giống hệt như giọt nước trong veo mà bông hoa lạc thần vừa mới hoá thành.

-Trời ban kỳ bảo, trấn đại hung trừ tiểu ách, đó là cái thiện của trời, ta may mắn mới được thực hiện! - Lỗ Thiên Liễu dứt lời, bên khoé mắt cũng trào ra một giọt lệ, cũng giống hệt như giọt nước lạc thần.

Chính vào khoảnh khắc này, tất cả đã cùng hành động.

Kẻ hành động đầu tiên chính là kẻ không đầu đã bị mù hai mắt. Hăn đã nắm được tình hình xung quanh, nên muốn bắt lấy cơ hội cuối cùng. Hắn bật người lên, xiêu vẹo lao về phía Lỗ Thiên Liễu.

Quan Ngũ Lang thấy kẻ không đầu đã di chuyển, cũng lập tức đứng dậy, loạng choạng lao lên đón đầu.

Động tác của Du Hữu Thích rất nhỏ. Hắn đã đạt được mục đích, nên không còn vướng bận gì nữa, đã thảnh thơi, đã sẵn sàng liều mạng. Hai hàm răng hắn lại nghiến chặt, lập tức máu tươi vọt ra thành vòi.

Hai ngón tay của Trương Truyền Đạo đang bóp lấy yết hầu Chu thiên sư đột nhiên kéo giật lại. Mặc dù ông ta không đủ sức bóp nát cổ họng, nhưng vẫn có thể kéo đứt khí quản và động mạch cổ.

Chu thiên sư đã hoàn toàn từ bỏ sức phản kháng ở vùng cổ, dồn hết chút sức lực cuối cùng, lại lợi dụng lực kéo giật của Trương Truyền Đạo, cả hai tay và cơ thể cùng đẩy mạnh chuôi kiếm về phía trước. Thanh kiếm dài xuyên thấu qua cơ thể Trương Truyền Đạo, xuyên cả qua người Du Hữu Thích đang bám chặt lấy ông ta, cả hai người bị xâu thành một chuỗi.

Động tác của Lỗ Thiên Liễu không nhanh, nhưng rất thận trọng và dứt khoát. Cô nâng lấy cành hoa lạc thần trên tay, đưa đến trên miệng giếng Hải Tế. Trên tay cô, cành hoa toả ra một luồng sáng mờ ảo mà tinh khiết thần thánh. Sau đó, cô nhẹ nhàng tách hai bàn tay, nhành hoa lạc thần chậm rãi xoay tròn chao xuống.

Mặc dù kẻ không đầu không nhìn thấy gì, nhưng công lực chưa mất, Quan Ngũ Lang bình thường đã không phải đối thủ của hắn, lại cộng thêm đầy mình thương tích, nên phác đao vừa chạm phải hắn, đã bị đánh bật đi, người cũng lăn lông lốc xuống sườn dốc. Thanh đao cuốn gió vụt đi, đập thẳng vào mạng sườn Lỗ Thiên Liễu, cô chỉ kịp “hự” lên một tiếng rồi văng đi, ngã huỵch xuống đất.

Kẻ không đầu loạng choạng lao thẳng về phía giếng Hải Tế, song hắn không thể nhìn thấy vòng đá lộn xộn xung quanh. Cái vấp thình lình khiến hướng chạy thay đổi, hắn ngã thẳng xuống miệng giếng hun hút. Tiếp đó là một tiếng rú thảm khốc lanh lảnh kéo dài, văng vẳng hồi lâu trong lòng giếng.

Tiếng vọng dưới giếng còn chưa dứt, bỗng từ trong lòng núi dội lên một tiếng nổ vang dội, sau đó xung quanh chợt tĩnh lặng như tờ.

Dòng nước lũ đan xen thành xoáy trời dưới khe núi đột nhiên dừng lại, xoáy trời lập tức biến thành một mặt nước phẳng lặng, phẳng lặng như một tấm gương, không có lấy một gợn sóng.

Cơn mưa đang dày đặc cũng đột nhiên kết thúc. Gió lặng, hơi nước ẩm thấp đang từ từ lắng đọng. Lớp mây dày đặc kín trời cũng bắt đầu giãn ra thành từng đám, lặng lẽ xô đẩy, xâm nhập vào nhau.

Từ giếng Hải Tế chậm rãi dâng lên vô số những giọt nước lớn nhỏ khác nhau, đan xen thành một khối, lững lờ bay lên. Vô số giọt nước kết thành một cột nước trong suốt to bằng miệng giếng nối liền giữa đất trời, cứ dâng cao, cao mãi, xuyên thủng tầng mây dày đặc, rẽ ra một vạt ráng nắng hồng tươi rực rỡ. Ngay sau đó, các giọt nước lập tức tan biến thành hơi khí, chan hoà trong ánh dương, chan hoà giữa bầu không. Cột nước trong suốt vừa lặng lẽ xuất hiện, đã lặng lẽ biến mất.

Trên một dãy núi gần đó, một đoàn người đang vùn vụt lao đi bỗng dưng khựng lại. Người áo xanh dẫn đầu đã dừng bước đứng chết lặng, vừa nhìn thấy dải ráng đỏ hồng chói lọi bừng hiện giữa trời, trong ánh mắt đã lộ ra rất nhiều, rất nhiều điều phức tạp.

-Muộn mất rồi! Quay lại, đi tìm cái khác!

Đoàn người lẳng lặng quay đầu, chớp mắt đã mất hút trong rừng núi.

Lỗ Thiên Liễu vẫn nằm bất động bên miệng giếng. Dưới sườn dốc, Ngũ Lang cũng nằm bất động. Ở gần đó Du Hữu Thích và Trương Truyền Đạo, Chu thiên sư dính chặt với nhau thành một khối bất động.

Chiêu “rùa khớp răng” của Du Hữu Thích đã khớp lại hoàn toàn, máu huyết của Trương Truyền Đạo đã khô kiệt. Ngón tay Trương Truyền Đạo đã giật đứt huyết mạch, khí quản của Chu thiên sư, cũng cắt đứt luôn sinh mệnh của ông ta. Lưỡi kiếm của Chu thiên sư xuyên suốt qua cơ thể Trương Truyền Đạo và Du Hữu Thích, Trương Truyền Đạo đang thở hắt ra chút hơi tàn sau rốt. Còn Du Hữu Thích, một hảo hán ngoan cường đã lập tức lìa đời ngay sau khi bị lưỡi kiếm xuyên qua. Ba con người tuy đã chết, nhưng vẫn dính chặt lấy nhau, tựa như một khối đá hình thù quái dị.

Một tiếng kêu ré khàn đục bỗng xé toang bầu không khí im lìm chết chóc, con chim sáo mắt đỏ sau một hồi quẫy đạp loạn xạ đã vùng dậy được, chấp chới đôi cánh đen tuyền bay vào khu rừng. Chủ nhân đã chết, bùa chú cũng bị phá giải, con vật cuối cùng đã được trả tự do.

Các ngón tay Lỗ Thiên Liễu khẽ co giật vài cái, rồi cô từ từ tỉnh lại. Cú va đập của thanh phác đao tuy rất nặng nề, song nhờ sự che chở của tấm áo giáp đồng rẽ nước, cô chỉ choáng váng ngất đi trong chốc lát.

Tiếng kêu của con sáo mắt đỏ đã khiến cô bừng tỉnh, cũng khiến cô nhận ra được cảm giác của sự giải thoát. Mở choàng đôi mắt, chỉ thấy muôn tia ráng chiều lách qua kẽ mây đổ xuống từng chùm, đỏ rực như máu.

Mưa đã tạnh, nhưng nước mắt lại đổ xuống chan hoà. Sau khi đã được giải thoát và thả lỏng hoàn toàn, chính là lúc cảm xúc bộc phát. Trong cơn đau buồn, có quá nhiều thứ đang vùn vụt chạy qua trí não Lỗ Thiên Liễu, có người, có việc, có quá khứ, có hiện tại. Cha đã không còn nữa, nhà cũng mất rồi, bây giờ cô biết đi đâu, về đâu?

Khi Quan Ngũ Lang bò được tới bên cạnh Lỗ Thiên Liễu, cô đang đứng trên một tảng đá bằng phẳng nhô cao, đưa đôi mắt đẫm nước nhìn như hút về một đỉnh núi phía tây nam. Trên đỉnh núi có một cây liễu, cành dày lá mượt, trơ trọi một mình đang phất phơ theo gió.

-Đi đâu đây? – Quan Ngũ Lang hỏi.

-Có lẽ... - Lỗ Thiên Liễu chậm rãi đưa cánh tay lên, chỉ về một hướng – Có lẽ em nên đi về nơi đó! Em đã đến từ nơi đó!

Nhìn theo cánh tay cô, Quan Ngũ Lang trông thấy một cây liễu, rất xa xăm, ở phía đông nam.

“Phúc Kiến đông lĩnh khu thuỷ văn tải bản”[14] có viết: “Khu vực phía đông nhiều núi quần tụ bao bọc, nước lũ về sớm, bị ứ tắc sẽ tràn khắp bốn bên và đồng bằng. Đầu thời Dân Quốc, mưa liên tục nhiều ngày, thủy văn biến động lớn, đường lũ thay đổi, chảy về phía đông, đổ vào sông, ra biển, không còn dâng trào thành lụt. Dân cư nơi đó đều được bình an”.

Dân vùng núi Thiên Linh truyền rằng, đầu thời Dân Quốc có lũ lớn, nhiều dòng lũ hội tụ, gây sạt lở núi non, thế như san núi thành đầm. May nhờ ông trời mở ra huyết nhãn, thương xót chúng sinh, thu lũ về trời, chớp mắt thế lũ biến mất, nước lớn tiêu biến sạch không.

Chú thích

[14] Có nghĩa là bản ghi chép về thuỷ văn của vùng núi phía đông Phúc Kiến.
Bình Luận (0)
Comment