Lời Nguyền Lỗ Ban

Chương 59

Từ giếng trời của chính sảnh, Lỗ Thiên Liễu tiếp tục lặn xuống dưới nước, nhưng cảnh tượng hiện ra trước mắt quá ư đột ngột và khủng khiếp, khiến cô chỉ có thể lựa chọn một sách lược theo bản năng – bỏ trốn.

Cô khép chặt ngón tay, nhanh chóng chìm sâu xuống nước. Nhưng lần này, việc lặn xuống đã trở nên rất tốn sức, rất khó khăn. Vì trong nước bỗng xuất hiện vô số dòng nước ngầm quái lạ, được tạo ra bởi những luồng lực đạo quái dị từ khắp các thủy vực xung quanh.

Lỗ Thiên Liễu không những phải chống chọi với vô số luồng lực đạo đến từ mọi hướng trong dòng nước ngầm để nhanh chóng chìm xuống, mà còn phải liên tục quẫy đạp để tránh né lũ kén xác nhện càng.

Kén xác nhện càng và thi ngẫu trăm độc đều vô cùng đáng sợ, nhưng nhờ động tác linh hoạt và công phu Tịch trần khéo léo, Lỗ Thiên Liễu vẫn có thể ứng phó được.

Không biết đám sinh vật đen sì lúc nhúc ở xa xa kia là thứ gì, chúng đang từ từ tiến lại gần, không ngừng phát ra những tiếng phì phò quái đản và rùng rợn.

Nhưng các giác quan mẫn tiệp của Lỗ Thiên Liễu đã cảm nhận được răng, mối nguy hiểm thực sự đang đến từ những dòng nước ngầm. Dưới sức đẩy của chúng, cơ thể của cô bắt đầu xoay tròn cùng với đám kén xác nhện càng. Và dường như mọi chuyện mới chỉ bắt đầu, thính giác của cô đã cảm nhận thấy tiếng nước chảy xiết hung hãn khác thường ở phía trước, xúc giác cũng đã nhanh chóng cảm nhận được một sức mạnh cực kỳ mãnh liệt trong dòng nước xiết. Trung tâm của dòng nước ngầm ở ngay phía trước, hệt như một bàn xay khổng lồ tua tủa dao sắc đang vội vã hút Lỗ Thiên Liễu vào trong mà nghiền nát.

Lỗ Thiên Liễu càng lúc càng khó khống chế được cơ thể, ngay cả sức lực để né tránh lũ kén xác nhện càng cũng không còn nữa. Cũng may là ở trong dòng nước ngầm, kén xác và Lỗ Thiên Liễu cùng xoay chuyển theo một hướng, nên không dễ va chạm vào nhau.

Không đúng, dòng nước đã thay đổi. Lỗ Thiên Liễu đã nghe thấy tiếng nước chảy rất khác thường, và cô cũng đã nhìn thấy một dòng nước trắng xóa tại nơi giao cắt của hai dòng nước ngầm, giống như đôi lưỡi kéo, đang cắt thẳng về phía Lỗ Thiên Liễu. Kiểu dòng nước ngầm giao cắt như thế có sức công phá cực mạnh, Lỗ Thiên Liễu hẳn là khó bề kháng cự. Nhưng điều đó vẫn chỉ là thứ yếu. Nguy hiểm hơn nữa là đến đây, các kén xác nhện càng đã rối loạn thành một đám, nhào lộn điên cuồng, xoay chuyển hỗn loạn theo mọi hướng. Rất nhiều kén xác đã bị dòng nước ép vỡ, chất kịch độc đã hòa tan trong nước xiết.

Sức hút của dòng nước ngầm từ từ kéo Lỗ Thiên Liễu về phía dòng nước hình lưỡi kéo. Dưới chân cô đã cảm nhận được xung lực dữ dội từ luồng nước, cơ thể cũng xoay chuyển mỗi lúc một nhanh hơn.

Cần phải tìm cách giữ cơ thể lại, không được lao về vùng nước phía trước, nếu không cô sẽ chết chắc.

Một Phi nhứ bạc vụt ra từ ống tay áo của Lỗ Thiên Liễu, tốc độ không nhanh, trông giống như cái bóng của nhành liễu đang chòng chành trên mặt nước. Phi nhứ bạc đã quấn chặt được một sợi dây xích lủng lẳng bên cạnh ngôi mộ di động.

Cơ thể của Lỗ Thiên Liễu vẫn tiếp tục di chuyển về phía trước, vì sợi dây xích được kéo căng từ từ, nên không thể lập tức giữ cô lại. Lỗ Thiên Liễu vận lực vào cánh tay đang giữ Phi nhứ bạc, khiến cơ thể chúi lên được một chút. Phi nhứ bạc từ ống tay áo bên trái cũng bay ra, tiếp tục quấn vào sợi xích nhưng ở phía trên một quảng. Sau đó, cô giật Phi nhứ bạc bên tay phải về, vung tay quấn vào sợi dây xích ở bên cạnh. Sau đó hai tay cùng vận lực, cố gắng kéo cơ thể thoát ra khỏi sức hút của dòng nước ngầm.

Hai sợi Phi nhứ bạc đã bị kéo căng thẳng, toàn bộ ngôi mộ cũng rùng khẽ lên một cái. Lỗ Thiên Liễu đã thoát khỏi dòng nước ngầm hình lưỡi kéo, nhưng lại bị rơi vào một xoáy nước khủng khiếp hơn nữa. Sức hút của xoáy nước như muốn vặn đứt hai cánh tay của cô, nhưng chí ít cô cũng đã cố định được cơ thể.

Một mảng đất đá rất lớn từ phía trên ào ào trút xuống, toàn bộ giếng trời Tứ thủy quy nhất đã sụp đổ hoàn toàn. Một mảng sáng lớn rọi thẳng xuống, làn nước xanh thẫm đục ngầu cũng sáng lên lờ nhờ.

Trong vòng xoáy khủng khiếp, Lỗ Thiên Liễu cố gắng ngóc cổ lên nhìn về phía trước. Cô đã nhìn thấy một bức tường đá phủ kín rêu xanh. Cô không nhìn thấy thứ gì trên bức tường, nhưng lại thấy rất rõ ở hai bên phải trái và trên đỉnh bức tường có bảy pho tượng ly miêu bằng đá sắp xếp lộn xộn không theo một trật tự gì.

Thì ra là ở đây! Khi đi qua bảy chiếc cầu trên sông Sơn Đường, cô đã không nhìn thấy một pho tượng ly miêu nào, thì ra chúng ở cả đây. Nhưng đối phương đã dùng những pho tượng ly miêu với mục đích gì? Nếu như họ đã ngộ được huyền cơ ẩn chứa trong bức tranh kia, thì họ phải phá hủy chúng đi mới đúng. Đây chính là thứ mà Lỗ gia muốn mang tới để đối phó với long mạch hậu duệ của họ, không ngờ họ lại cướp về đây, không hiểu là để đối phó thứ gì? Xem ra ông Lục nói không sai, bố cục của ngôi nhà này chính là Ngự long cách. Vậy phải chăng đối phương chỉ là hậu duệ long mạch giả mạo?

Mấy ngày trước, Lỗ Thiên Liễu và Quan Ngũ Lang nhận được tin tức, đã lấy trộm được một bức tranh từ một khu nhà nhỏ bên Lãi Hồ thuộc Vô Tích. Bức tranh có vẽ bảy con cá vàng đầu chép và một con tôm, còn lại là lơ thơ vài phiến đá, mấy cọng cỏ nước. Lỗ Thịnh Nghĩa mới chỉ nghiên cứu bức tranh chưa được hai canh giờ đã bị bóng đen bí ẩn đột nhập cướp mất già nửa. May mà ông Lục đã phát hiện ra vài con chữ lờ mờ trong đám cỏ nước còn sót lại: “sơn đường, long đảm”. Mấy chữ này đã khiến ông Lục nhớ tới một truyền thuyết, có liên quan đến một điển cố.

Tương truyền vào cuối đời Nguyên, Lưu Bá Ôn đến Tô Châu, thấy Sơn Đường chảy dài nằm phục trước Bạch Đê, hình dạng hệt như con rồng lớn. Lưu Bá Ôn vốn tinh thông chiêm bốc âm dương, dự cảm thiên hạ sắp đổi chủ, mà người có được thiên hạ nhất định phải chế ngự được rồng rồi mới có thể thành rồng. Bởi vậy, ông đã thuận ứng theo ý trời, tìm cách dựng bảy pho tượng ly miêu bằng đá xanh ở phía trước bảy cây cầu cong bậc đá suốt trên đoạn đường từ cầu Sơn Đường đến cầu Tây Sơn Miếu, đồng thời đặt cho chúng những cái tên rất đẹp.

Đó là Mỹ Nhân Ly bên cầu Sơn Đường; Thông Quý Ly bên cầu Thông Quý; Văn Tinh Ly bên cầu Tinh Kiều; Thái Vân Ly bên cầu Thái Vân; Hải Dũng Ly bên cầu Thanh Sơn; Phân Thủy Ly bên cầu Tây Sơn Miếu; Bạch Công Ly bên cầu Phổ Tế. Tương truyền bảy con ly miêu giống như những chiếc khóa lớn ngàn cân có khả năng khóa chặt thân rồng. Lưu Bá Ôn phá phong thủy, khóa chặt long hình, nhằm giúp cho nhân vật ngự long càng dễ thành công. Đây chính là truyền thuyết “thất ly khóa Sơn Đường”.

Xem ra bảy con cá vàng đầu chép trong bức tranh tượng trưng cho bảy con ly miêu(*), còn con tôm nhỏ tượng trưng cho rồng, nhưng không biết có phải là chỉ Sơn Đường hay không. Thế là dưới sự dẫn động của ông Lục vốn là dân bản xứ, người nhà họ Lỗ đã tìm kiếm nhiều lần, cuối cùng đã tìm ra được khu vườn nằm đúng ở vị trí “long đảm” (túi mật rồng) tại sông Sơn Đường có hình rồng, nhưng lại không tìm thấy bảy con ly miêu có thể khắc chế đối phương.

(*) Cá vàng đầu chép, nguyên văn là “lý đầu” tức đầu cá chép, hài âm với “ly đầu” tức tượng ly miêu.

Bức tượng đá đang rung lên nhè nhẹ, bởi vì động lực tạo ra dòng nước ngầm chính là xuất phát từ bức tường đá. Không, chính xác hơn là chúng xuất phát từ bảy con ly miêu. Không ngờ bảy con ly miêu lại chứa đựng một nguồn năng lượng lớn mạnh đến thế, khuấy đảo dòng nước thành những vòng xoáy vô cùng hung hãn.

Tại sao những pho tượng ly miêu lại có được nguồn năng lượng mạnh mẽ đến vậy? Lỗ Thiên Liễu biết rẳng điều này là hoàn toàn có thể. Lúc ở trên núi Long Hổ, cô đã từng nghe tổ thiên sư vốn đang bế quan kể về một phương pháp, đó là lợi dụng bảo bối vốn được cao nhân đời trước khai quang yểm bùa để trấn áp những vật hung hiểm, dùng ý cổ(*)để điều khiển, sẽ khiến chúng phát ra một nguồn năng lượng cực lớn. Những phương pháp này rất khó khống chế, vì cao nhân đời trước sử dụng đạo pháp, còn kẻ lợi dụng đời sau lại dùng tà thuật.

(*) Tương truyền “cổ” là những loại trùng độc do con người nuôi dưỡng, có thể dùng để điều khiển hoặc sát hại những người bị trúng “cổ”, sau dùng để chỉ bùa chú, vu thuật nói chung. “Ý cổ” tức dùng ý nghĩ tà độc để điều khiển. (Nd)

Sau khi triều Minh khai quốc, có vị pháp sư đến từ vùng Nam Cương đã đưa phương pháp cổ chú bản mệnh kết hợp với phương pháp này. Đương nhiên, đây cũng là một loại tà thuật, cách thức của nó là dùng ngày sinh bản mệnh của con người kèm theo máu, tóc của họ để biến thành một loại bùa, kết hợp với ý cổ cùng đưa vào trong bảo bối. Khi đó, năng lượng của bảo bối sẽ có mối liên quan mật thiết tới suy nghĩ, thể lực và huyết khí của người này. Hay nói cách khác, sinh mệnh của người này và năng lượng của bảo bối đã hòa thành một thể.

Hiển nhiên bảy con ly miêu ở đây cũng được áp dụng phương pháp đó.

Lỗ Thiên Liễu biết nếu muốn thoát thân, cần phải tránh xa bức tường này. Mặt khác, cô cũng thấy mình cần phải mang theo cả ngôi mộ kia đi. Nếu không có lũ quỷ nước kéo mộ dẫn đường, thì hy vọng sống sót của cô cũng sụp đổ hoàn toàn. Nhưng rõ ràng lũ quỷ nước rất khiếp sợ bức tường, chúng đã bỏ chạy rất xa giống như đã trốn chạy khỏi làn nước lạnh lúc nãy, không dám bén mảng lại gần ngôi mộ nữa. Vì vậy, Lỗ Thiên Liễu buộc phải sử dụng phương pháp khác: phá hủy bảy con ly miêu.

Để phá hủy được bảy con ly miêu mang trong mình nguồn năng lượng cực lớn, cần phải lựa chọn được một góc độ thích hợp để tiếp cận với bức tường. Như vậy, cần phải xác định được phạm vi và quỹ đạo phát tán năng lượng của chúng, sau đó tìm ra một khoảng trống. Điều này có vẻ không hề khó khăn đối với Lỗ Thiên Liễu. Cô nhắm mắt lại, ngưng thần tĩnh khí, sử dụng toàn bộ thân tâm để cảm nhận về phương hướng và trạng thái của dòng nước xoáy tròn trong thủy vực.

Cô đã phát hiện ra một điều đáng mừng: năng lượng của một con ly miêu đang suy yếu nhanh chóng, mở ra cho Lỗ Thiên Liễu một khoảng trống để tiếp cận đến bức tường. Nhưng tại sao năng lượng của con ly miêu này lại suy yếu đột ngột như vậy? Liệu cố phải đó là mồi nhử của đối phương?

Rất nhanh, năng lượng của con ly miêu đã hoàn toàn cạn kiệt, dòng nước xoáy quanh nó cũng biến mất tăm. Xuất hiện tình huống này, chỉ có một khả năng duy nhất. Lỗ Thiên Liễu từng nghe tổ thiên sư núi Long Hổ nói rằng, cổ chú bản mệnh kết hợp con người và bảo bối thành một thể; người chết bảo bối cũng chết theo, bảo bối bị hủy người cũng hết đời. Con ly miêu đã cạn kiệt năng lượng, chứng tỏ người mang bản mệnh này đã chết.

Lỗ Thiên Liễu lần lượt nhả hai sợi Phi nhứ bạc đang quấn lên dây xích ra. Dòng nước xoáy nhanh chóng hút cô lại gần bức tường đá.

Lỗ Thiên Liễu không để mình bị cuốn vào trung tâm của vòng xoáy, cơ thể của cô xoay tròn dưới tác động của hai luồng lực đạo, nếu dốc hết toàn lực để vùng vẫy và quát nước, có thể lao được sang bên cạnh. Kết quả đã đúng như dự liệu, Lỗ Thiên Liễu đã thoát ra khỏi xoáy nước với sức hút kinh hoàng.

Nhưng sau khi thoát ra, tình hình lại không giống như cô dự liệu. Lỗ Thiên Liễu không thể lọt vào phạm vi của con ly miêu đã cạn kiệt năng lượng, mà lại rơi vào một dòng nước xoáy ở phía trên phạm vi này. Đây là một xoáy nước lớn hơn nữa, dữ dội hơn nữa được tạo ra bởi hai dòng nước ngầm hợp lại.

Chắc chắn với khả năng của mình, Lỗ Thiên Liễu tuyệt đối không thể thoát được hiểm cảnh này. Nhưng dường như ông trời đang đứng về phía cô, dòng nước xoáy bỗng đột nhiên yếu đi, một trong hai luồng lực đạo đã biến mât. Lỗ Thiên Liễu phản ứng cực kỳ nhanh nhạy, cô lập tức chớp lấy thời cơ, thuận theo phương hướng suy giảm chóng vánh của luồng lực đạo, lại một lần nữa thoát ra khỏi vòng xoáy.

Thoát được khỏi vòng xoáy, Lỗ Thiên Liễu liền đặt chân xuống bên cạnh con ly miêu cạn kiệt năng lượng đầu tiên. Con ly miêu này nằm sát bên cạnh con ly miêu vừa mới mất hết năng lượng.

Lỗ Thiên Liễu không lập tức hành động, mà quan sát thật kỹ xung quanh, để dự tính xem liệu có gây ra hậu quả gì bất lợi với mình hay không. Mặc dù trước mắt tối tăm, nhưng cô cũng đã thấy được một cảnh tượng vô cùng choáng ngợp: những con ly miêu còn lại đang cùng lúc phóng ra rất nhiều dòng nước xoáy dữ dội, đan xen chằng chéo với nhau, tạo ra vô số luồng nước ngầm hỗn loạn làm đảo điên cả một thủy vực rộng lớn.

Lỗ Thiên Liễu cảm thấy tình hình trước mặt chưa gây bất lợi cho mình, nhưng cô vẫn không dám đến gần những con ly miêu còn lại. Cô chỉ đứng từ khoảng cách khá xa mà phóng Phi nhứ bạc ra, quấn chặt lấy phía dưới chân của một con ly miêu tràn đầy năng lượng, sau đó vận lực kéo thật mạnh về phía mình.

Cô mơ hồ nghe thấy một tiếng đàn bà rú lên thảm thiết, mơ hồ nhìn thấy một thân hình đàn bà giãy giụa co giật, cũng mơ hồ ngửi thấy mùi máu tanh tưởi xộc ra từ miệng ly miêu.

Vốn dĩ bảy con ly miêu được đặt ở bên bảy cây cầu bắc qua sông Sơn Đường, vì vậy, chúng không phải trực tiếp tạc trên tường đá. Để đặt chúng tại đây, chắc chắn người ta đã dùng đến một phương pháp cố định nào khác, nhưng mức độ kiên cố hẳn phải kém xa so với điêu khắc trực tiếp.

Con ly miêu đã bật ra, rơi xuống đáy nước đen ngòm, chìm nghỉm trong lớp bùn đen cuồn cuộn. Dòng nước xoáy mà nó khuấy động nên cũng nhanh chóng tiêu biến.

Lỗ Thiên Liễu lại chuẩn bị tung Phi nhứ bạc để kéo con ly miêu tiếp theo, nhưng chợt cảm thấy dưới chân rùng rùng chấn động, toàn bộ bức tường đá từ từ nghiêng đi.

Bảy con ly miêu sở dĩ được sắp xếp không theo quy luật, phần lớn nguyên nhân là để đảm bảo cân bằng khi phát tán năng lượng. Vì vậy, căn cứ vào năng lượng mạnh yếu của bản thân mỗi con ly miêu, chúng sẽ được bố trí tại các vị trí và khoảng cách khác nhau. Bây giờ chỉ còn lại bốn con ly miêu, nguồn năng lượng cực lớn đã không được cân bằng, nên đã xô đẩy bức tường đá nghiêng ngả muốn đổ.

Nhưng dường như bức tường cũng đột nhiên có được một nguồn năng lượng, khiến bản thân nó cũng tự rung lắc mỗi lúc càng thêm kịch liệt. Rêu xanh bám trên tường bong tróc từng mảng lớn, để lộ ra chất đá trắng như tuyết, lan tỏa một sắc xanh mờ huyền ảo.

Bức tường đá vẫn tiếp tục nghiêng di, rồi từ từ đổ xuống trong sự nâng đỡ của làn nước.

Lỗ Thiên Liễu không đổ xuống theo bức tường, cô liên tục đạp nước để giữ cơ thể ở nguyên chỗ cũ. Khi bức tường từ từ đổ xuống, Lỗ Thiên Liễu nhìn thấy ở phía sau có một hình rồng chạm trên mặt đá, tỏa ra ánh sáng trắng xanh. Sau những làn sóng dập dờn, trông bức điêu khắc sống động hệt như một con rồng thực.

Thì ra đây đích thực là một bức tường “tỏa long” (khóa rồng), bảy con ly miêu khóa chặt một con rồng thực. Nhưng giờ đây, “thất ly tỏa chân long” đã biến thành long ly cùng hủy diệt.

Lũ quỷ nước vừa nãy không biết núp ở đâu, giờ lại thình lình xuất hiện như những bóng ma, lập tức kéo lây ngôi mộ, nhanh chóng bơi về phía trước.

Phía trên lại có một tảng đá lớn rơi xuống, không biết lại có thêm vị trí nào vừa sụp đổ. Mặc dù gạch đá đất cát đã khiến dòng nước đục ngầu, nhưng ánh sáng rọi xuống đã đủ soi chiếu một vùng nước rộng.

Nhờ vào luồng ánh sáng, Lỗ Thiên Liễu đã nhìn rõ khối bùng nhùng màu đen đang quằn quại uốn éo kia không phải là giống quái vật gì, mà là một đám chạch khổng lồ. Cô đã từng nghe ngư phủ “rùa gai” Du Ngư Thích kể rằng, cá chạch dài dưới một thước là chạch bùn, dài dưới ba thước là chạch sóng, còn dài hơn một trượng gọi là chạch rồng. Trước mắt cô là cả một đám chạch rồng, con nào con nấy to đến kỳ dị, khác hẳn vật thường.

Trong “Thủy vật thuyết”(*) đời Thanh có viết: “Chạch rồng có linh khí, thích âm hàn, thích gặm phá bùn đá, tiếng kêu như trâu nái, di chuyển nhanh như chớp”.

(*) Trước tác của Thời Kiến Trung, người Hồ Nam, sống vào thời Càn Long nhà Thanh, từng làm quan tới chức Lưỡng Hà quản chế, có cơ hội tiếp xúc với dân gian, thường xuyên tiếp xúc với đường thủy, nên đã thu nhập được một nguồn tư liệu phong phú mà viết thành cuốn sách này. Nhưng phần lớn nội dung đều là truyền thuyết, cũng có nhiều câu chuyện do người dân, thuộc hạ bịa đặt ra để lấy lòng ông, rất ít tư liệu đáng tin cậy. Sách này hiện còn rất ít, bản dời Thanh bảo quản tốt có giá trị rất cao.

Chính lũ chạch rồng là thủ phạm khiến cả khu vườn sụp đổ. Nhưng tại sao lại trùng hợp như vậy, trước không đổ sau không đổ, lại đổ đúng lúc bọn họ tiến vào khu vườn. Phải chăng đây là ý trời?

Ngôi mộ di chuyển vùn vụt về phía trước, nhưng mới được một đoạn ngắn đã dừng lại. Khoảng nước phía trước đục ngầu, sắc nước xanh đen không thể nhìn rõ. Lỗ Thiên Liễu đưa bàn tay vươn về phía trước, và cô đã cảm nhận được sự cản trở, tuy diện tích không lớn, nhưng có rất nhiều đường dày đặc. Đầu tiên, Lỗ Thiên Liễu cho rằng là một tấm lưới, nhưng ngay sau đó, cô đã nghe thấy những âm thanh nặng nề khi bầy quỹ nước cố sức lay động vật cản. Thứ đó chính là một hàng rào được làm từ thép cứng.

Hàng rào chắc hẳn vô cùng kiên cố, nếu không đã không thể cầm chân cả một bầy quỷ nước sức mạnh như thần trong một không gian tối tăm bưng bít như thế này.

Đất đá từ phía trên vẫn ào ào trút xuống, Lỗ Thiên Liễu biết phải tận dụng thời gian để thoát khỏi chốn này, nếu không sẽ phải vùi thân nơi đáy nước. Hơn nữa, cái bong bóng lợn mà Ngũ Lang đưa cho cô đã trở nên lép kẹp, không khí bên trong đã gần hết.

Nhưng Lỗ Thiên Liễu không dám ngoi lên khu vườn để tẩu thoát, vì chắc chắn ở đó còn có rất nhiều khảm diện chưa bị phá giải. Nếu lúc này ngoi lên, cũng chẳng khác gì khi khu vườn chưa sụp đổ mà đào đất chui lên. Con đường tự tìm là con đường chết, chắc chắn sẽ phải lao đầu vào tử khảm.

Cô chỉ còn một cách là phá hàng rào thép để thoát ra cùng với ngôi mộ, đây chính là con đường thoát thân an toàn nhất, đồng thời cũng coi như cô không lấy không chiếc hộp ngọc trong đỉnh mộ.

Vừa nghĩ đến đây, toàn bộ bề mặt của ngôi mộ bỗng tỏa ra làn sương trắng mờ dày đặc. Trong làn sương, Lỗ Thiên Liễu nghe thấy những tiếng sột soạt. Tình cảnh này cô đã từng tận mắt chứng kiến, đó là lũ tơ hồng âm hồn lại bắt đầu một vòng sinh trưởng mới.

Những sợi tơ hồng dài ngoằng mọc ra rất nhanh, còn nhanh hơn cả hai lần trước. Nhưng lần này, lũ dây leo gớm ghiếc đã không tấn công Lỗ Thiên Liễu, cũng không tấn công đám chạch rồng và lũ quỷ nước, mà chỉ vươn dài vào trong bóng tối.

Lỗ Thiên Liễu vội vã bơi theo hướng mọc của tơ hồng. Từ xa cô đã phát hiện ra, ở phía đó có một cây cột trụ, một cây cột trụ hình tròn to bằng chum nước.

Cây cột này có tác dụng gì? Lỗ Thiên Liễu là con gái nhà thợ mộc, cô vừa nhìn đã phát hiện ra, cây cột này khác hẳn với những cây cột vuông khác, chắc chắn nó là một điểm tựa rất quan trọng của toàn bộ khu trạch viện. Đồng thời, cô cũng nhận ra, nếu như cây cột đổ xuống theo một góc độ chính xác, có thể lợi dụng nó để phá vỡ hàng rào.

Nói rằng dây tơ hồng có linh tính của người nằm trong mộ, không chừng truyền thuyết này là có thật. Đám tơ hồng đã quấn quanh cây cột, càng quấn càng chặt, lôi theo ngôi mộ dịch lại một đoạn ngắn. Chắc chắn lũ quỷ nước sẽ không cho phép ngôi mộ bị lôi trở lại, chúng lập tức gồng mình kéo ngôi mộ về phía trước. Và như vậy, tình hình đã trở thành một đàn quỷ nước hợp sức kéo cây cột trụ.

Đám chạch rồng khổng lồ cũng xúm xít lao tới, bắt đầu gặm khoét rào rào vào lớp bùn đá bên trên cây cột. Lỗ Thiên Liễu lúc này đang ở dưới chân cột, cô không nhìn thấy được gì vì cả một khoảng nước lớn ở nơi đây đã trở nên đục ngầu. Bức tường tỏa long khi nãy đổ xuống ngay gần chân cột, các dòng xoáy dữ dội liên tục khuấy đảo lớp bùn dưới đáy, khiến cả một khoảng nước sùng sục lên như một chảo dầu sôi.

Bỗng nổ ra một âm thanh chấn động, cây cột từ từ đổ xuống. Âm thanh phát ra từ khối nước đục ngầu bên dưới chân cột. Thính giác mẫn tiệp của Lỗ Thiên Liễu đã nhận ra, đó là tiếng nứt vỡ của đá. Tường tỏa long đã vỡ, long ly đã thực sự cùng về với đất.

Cây cột đập thẳng lên hàng rào sắt, khiến song sắt toạc ra một khe dài và hẹp. Khe hở này, Lỗ Thiên Liễu có thể chui qua, lũ quỷ nước cũng có thể chui qua, thế nhưng ngôi mộ di động không thể lọt qua.

Lỗ Thiên Liễu bơi đến trước khe hở, rồi quay đầu lại nhìn. Lũ quỷ nước vẫn yên lặng bất động, chỉ hấp háy đôi mắt nhìn cô, không hề có ý định bám theo.

Xem ra lũ quỷ nước không bao giờ chịu rời ngôi mộ không thể lọt qua, chúng cũng nhất quyết không bỏ đi. Chúng không đi, Lỗ Thiên Liễu cũng không thể nhận biết được hướng đi dưới nước. Cô nhìn vào chiếc bong bóng lợn xẹp lép trong miệng, có lẽ còn một hơi thở, cũng có lẽ chỉ đủ nữa hơi. Thôi thì hãy gắng thử tìm xem có còn con đường nào khác hay không.
Bình Luận (0)
Comment