Lôi Thần Lang Quân

Chương 1

Phía bắc Yên Minh, trên sườn non thoai thoải trong một dãy núi thuộc Tây Côn Lĩnh, các lăng tẩm Hoàng tộc được kiến trúc rất là hùng vĩ trang nghiêm, nguy nga tráng lệ.

Tương truyền rằng hai năm trước bà Lan Phi được đức vua sủng ái và táng tại khu Minh lăng này. Từ đó dân cư miền phụ cận ban đêm thường nghe tiếng than khóc rất thảm thiết. Trong lăng miếu thường phát hiện những xác chết rất khủng khiếp.

Người ta cho là hai năm nay, cái chết của Lan Phi có liên quan đến vụ tàn sát kinh khủng này. Lan Phi chính tên là Lan Na, con gái vị tù trưởng bộ lạc Duy Ngô.

Năm năm trước đây, bộ lạc Duy Ngô không chịu thần phục, bỏ việc triều cống, nổi lên chống đối kịch liệt.

Vua phái đại tướng lãnh mươi vạn quân tinh nhuệ đến nơi đánh dẹp, và bắt Lan Na, con gái vị tù trưởng đưa về làm con tin.

Lan Na là người thông tuệ tuyệt luân, được nhà vua rất sủng ái. Sau khi tiến cung chưa đầy một tháng, vua phong nàng làm Lan Phi.

Tuy Lan Phi được nhà vua sủng ái mà nàng vẫn mặt ủ mày châu, đăm chiêu buồn bã, và gần được hai năm thì mất.

Nếu qua cái chết của Lan Phi cùng với những thây ma phát hiện ở Minh lăng có quan hệ với nhau, thì sự quan hệ đó thế nào? Những kẻ hung thủ giết người kia là ai? Chẳng lẽ Lan Phi chết rồi biến thành quỷ sứ? Mặt khác, những người bị chết là ai? Thật là bí mật, rùng rợn.

Một đêm kia, dưới ánh trăng tỏ, trên khu vực Minh lăng sườn non thoai thoải kia, có tám bóng đen đi mau như điện chớp. Thoáng cái họ đã chuồn vào miếu thờ Lan Phi.

Ngay lúc ấy vọng lên mấy tiếng la phá tan bầu không khí tịch mịch lúc canh khuya.

Tiếp theo là những tiếng "huỵch huỵch", ba cái xác bị giết chết, như đã diễn ra trước nay, bị liệng ra ngoài.

Khi Minh lăng danh thắng trở lại yên tĩnh lạnh lẽo kinh người.

Một lát sau dưới chân sườn núi lại có một bóng đen nhấp nhô. Bóng người này không mau lẹ như tám bóng trước, thủng thỉnh đi từng bước một lên núi.

Dưới ánh trăng tỏ trông rõ gã là một chàng thiếu hiệp mình mặc áo xanh, hình dung tuấn tú, mắt sáng như sao. Chàng ra vẻ rất bình tĩnh, khoan thai dẫm lên đám cỏ mọc tứ tung lâu nay không có người tu sửa.

Tám xác chết nằm ngổn ngang trên mặt đất. Cả vùng Minh lăng bát ngát, một mình chàng xuất hiện chẳng khác gì một bóng oan hồn lạc lõng càng tăng thêm vẻ thê lương rùng rợn.

Chàng đi được mấy bước thốt nhiên cất giọng ngâm bài thơ hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo

Đền cũ lâu đài bóng tịch dương”

Chàng cho đất Minh lang thắng cảnh nay đã biến thành một bãi chiến trường.

Thanh âm chàng trong trẻo và buồn thảm tan vào bầu không khí tịch mịch hãi hùng lúc canh khuya, khiến người nghe không khỏi ớn da gà.

Chàng đi vòng quanh mấy ngôi lăng tẩm cùng miếu thờ tiên đế rồi quanh lại miếu thờ Lan Phi.

Chàng đến trước cửa miếu thì dừng lại chỗ tám xác chết. Cúi đầu yên lặng một hồi rồi lẩm bẩm nói vọng vào: - Các ngươi giở trò gì thế? Chẳng lẽ các ngươi không biết tên tuổi người đứng đầu phái Ngũ Tuyệt? Huống chi người đó lại tập họp tất cả các tuyệt nghệ của Ngũ Tuyệt vào mình, các ngươi mà gặp người đó tất chết uổng mạng.

Lúc chàng nói những câu này, nét mặt vẫn bình tĩnh đã không thương cảm lại không hoang mang. Cặp mắt chàng trong sáng như mắt thần lộ vẻ ôn hòa và kiên quyết.

Chàng ngưng thần nhìn vào miếu thờ Lan Phi rồi ung dung tiến lên ba bước.

Thốt nhiên trên nét mặt chàng thoáng hiện một nụ cười khoan thai nói: - Này ông bạn! Ông bạn ở trong này một mình khá lâu rồi há không tịch mịch lắm ư? Đêm nay trăng thanh gió mát, sao không dời gót ngọc ra đây cùng hàn sinh trò chuyện?

Trong miếu Lan Phi không có tiếng người đáp lại.

Chàng thiếu niên áo xanh vẫn cười nói tiếp: - Hàn sinh không biết tự lượng sức mình đến đây thỉnh giáo chẳng lẽ ông bạn không chịu tiếp ư?

Bây giờ trong miếu mới có một thanh âm lạnh lẽo đáp lại: - Thiếu gia đây chả có chuyện gì với ngươi hết, ngươi không sợ chết ư, mà dám vào đây?

Chàng áo xanh đứng cách cửa miếu chừng một trượng vẫn giữ khí độ biên ngang, dường như không dự tính điều gì trước cả.

Chàng trầm ngâm một lát rồi nói: - Hàn sinh chưa có ý muốn liều mạng, nên không muốn tiến vào.

Có tiếng đáp lại: - Vậy ngươi về đi!

Chàng áo xanh nói: - Hàn sinh có mấy vấn đề muốn hỏi các hạ, các hạ có chịu trả lời chăng?

Tiếng đáp vọng ra có vẻ gay gắt: - Thiếu gia không muốn trả lời ngươi đâu! Về đi thôi đừng vớ vẩn nữa!

Chàng áo xanh vẫn bình tĩnh cười nói: - Các hạ! Các hạ không chịu trả lời hàn sinh cũng thôi. Hàn sinh chỉ cốt nói ra được là đủ.

Ngừng một lát chàng lại nói tiếp: - Các hạ ở đây giữ Minh lăng đã hai năm. Các phái võ đều truyền tụng các hạ là tiểu giáo chủ Thất Tuyệt giáo. Nhân mấy năm trước kia đã có một đoạn ân tình với Lan Phi, nên bây giờ các hạ đến đây để giữ linh miếu cho nàng ba năm, có đúng thế không?

Trong linh miếu có tiếng lạnh lùng đáp lại: - Trước mặt thiếu gia đây cấm ngươi không được gọi nàng là Lan Phi nữa. Tên nàng là Lan Na!

Chàng áo xanh nói: - Được lắm! Lan Na thì Lan Na chứ sao? Thế là các hạ đã chịu thừa nhận thuyết đó rồi.

Có tiếng đáp lại: - Sự thực là như vậy.

Chàng áo xanh hỏi: - Nhưng hàn sinh vẫn chưa tin đây là miếu thờ Lan Na, Lan Na có lăng mà không có tẩm, thiên hạ đều biết thế cả. Các hạ đã vì nàng mà giữ hồn thiêng, sao lại không đến giữ trên mộ là nơi táng linh cữu của nàng.

Hồi lâu trong miếu có giọng lạnh lùng đáp lại: - Thiếu gia muốn vậy thì đã sao?

Chàng áo xanh tủm tỉm cười không bài bác ý kiến đó, chàng nói tiếp: - Ba năm trước đây, phái Ngũ Tuyệt tạm thời quên hết những ân oán bản thân, đưa nhau đến yết kiến quý giáo chủ rồi không thấy trở về. Người ta đồn họ đã bị hại về tay quý giáo chủ, có đúng không?

Trong miếu có tiếng đáp lại: - Ngươi tin hay không tùy ý ngươi.

Chàng áo xanh nói: - Hàn sinh nửa tin nửa ngờ, Lan Na bị bắt về làm con tin. Lúc đưa nàng vào cung quý giáo hội có phái một bà lão tên gọi Tây ni cô đi hộ vệ cho nàng. Mụ ở trong cung hành động bí mật. Sau ba tháng mụ đã hỏi dò được hết Ngũ Tuyệt là: Thiên Hiệp, Địa Quân, Nhân Kiệt, Ma Tôn, Quỷ Vương. Bản lĩnh mụ đã tinh thâm đến mức đánh bại Ngũ Tuyệt một cách vô hình. Nhân thể mà hai năm sau bọn Ngũ Tuyệt kéo nhau đến yết kiến quý giáo chủ. Dù cho quý giáo chủ có muốn đánh chết Ngũ Tuyệt hoặc đã có công lực đến mức đó, hàn sinh vẫn hoài nghi bọn Ngũ Tuyệt có bị hại thật không?

Một tiếng cười nhè nhẹ từ trong miếu vọng ra, rồi có tiếng đáp lại: - Trong khu vực Minh lăng hai năm nay đã chết đến trăm người mà ngươi chưa nhìn thấy họ chết về thứ võ công gì hay sao?

Chàng áo xanh đáp: - Đúng rồi. Bọn họ bị chết về môn "Ngũ quỷ sưu hồn trảo" sao chưa thấy các hạ giở đến những môn khác?

Chàng vừa dứt lời thì trong miếu có tiếng tức giận quát lên: - Thằng lõi kia! Đón lấy chiêu của ta đây!

Ba tiếng "ve ve ve" như xé bầu không khí, chớp mắt đã bắn đến nơi.

Chàng áo xanh loáng một cái, giơ tay trái lên khoanh một vòng tròn, ba nén hương đã rơi vào tay chàng.

Trong miếu có tiếng cười lạt hỏi: - Thằng lõi kia ta nhìn mi không rõ mi còn đủ cả hai tay chứ? Mi có biết đó là môn gì không?

Chàng áo xanh đáp: - Đó là môn "Vô tướng kim châm" của Địa Quân Thượng Quan. Nhưng lúc các hạ phóng châm ra còn có tiếng "vo ve" chưa được tuyệt diệu cho lắm. Còn môn "Thần phong tuyệt mạch chưởng" của Thiên Hiệp, các hạ có giỏi phải không?

Người trong miếu tức mình hỏi: - Thằng lõi kia, mi là ai?

Chàng áo xanh cười lạt đáp: - Tôi chỉ là một kẻ hàn sinh, chả có chi đáng kể.

Nói xong chàng lại tiến lên ba bước.

Người trong miếu nói: - Thằng lõi kia! Mày dám tiến vào thì lớn mật đấy! Thiếu gia khen cho mi!

Chàng áo xanh trấn tỉnh nói: - Hàn sinh còn mấy câu nữa.

Nói xong tự khắc tiến vào, rồi tiếp: - Hàn sinh biết rằng các hạ không phải là Thiếu giáo chủ Thất Tuyệt giáo, hàn sinh không sợ các hạ mà?

Người trong miếu hỏi vọng ra: - Mi lấy chi làm bằng chứng?

Chàng áo xanh đáp: - Cái đó rất giản dị. Lan Phi quả có mối tình sâu tựa biển với thiếu giáo chủ Thất Tuyệt giáo. Vì thế sau khi vào cung làm con tin, tuy nàng đã thành một vị hoàng phi mà vẫn âu sầu uất ức rồi chết yểu. Vì nàng muốn giữ cho di thể khỏi bị rữa nát để sau này tình lang nàng còn được nhìn thấy mặt. Chẳng những mấy năm nay nàng ở nội cung coi hết các sách về thuật kỳ môn độn giáp, mà ở Minh lăng nàng đã bày sẵn một trận thế rất kỳ diệu để khi nàng chết sẽ táng tại đó. Lúc nàng chết trong miệng ngậm lá "Hồi thiên bối diệp" mình mặc áo "băng lân", những chuyện đó chắc các hạ đều biết cả.

Người trong miếu đáp: - Chà mi nói đúng quá!

Lúc đó chàng áo xanh, cặp lông mày nhíu lại cất cao giọng nói: - "Hồi thiên bối diệp" có thể tiêu trừ bách độc, nàng ngậm vào miệng giữ cho thi thể không nát rữa. Trên lá bối này chép cả một bản chân kinh của Xích Tùng Tử từ đời xưa truyền lại những kỹ thuật về võ đạo. Các hạ biết rồi chứ?

Người trong miếu: - Chà!

Người áo xanh lại nói: - Còn áo "băng lân" là cống vật của bộ lạc Duy Ngô đưa đến trước khi Lan Phi chết. Áo này đao thường chém không đứt, nước không thấm vào, lửa đốt không cháy mà còn chống được tất cả chưởng lực của bất cứ nội gia nào.

Người trong miếu nói: - Mi hiểu được nhiêu đó! Còn gì nữa không?

Chàng áo xanh hơi biến sắc mặt và đã lộ vẻ gay gắt một chút, chàng nói: - Trong áo "băng lân" còn nói rõ cả việc Ngũ Tuyệt đến yết kiến Thất Tuyệt giáo chủ.

Người trong miếu Lan Phi lớn tiếng hỏi: - Ai bảo vậy?

Chàng áo xanh hỏi lại: - Các hạ sợ rồi ư?

Người trong miếu nói: - Ta sợ gì?

Chàng áo xanh đột nhiên sa sầm nét mặt, quát lớn: - Nếu đã muốn cho người ta không biết thì trừ phi không làm những chuyện đó. Tôi hỏi các hạ, các hạ là một vị nào trong Ngũ Tuyệt?

Người trong miếu gầm lên: - Thằng lõi kia! Mi ngậm máu phun người, ta cắt lưỡi mi bây giờ.

Người áo xanh thốt nhiên buông tiếng cười nói: - Các hạ là ai cũng mặc. Có điều các hạ tưởng ngồi đây giữ lối vào huyệt Lan Phi thế này rồi sẽ tìm được đến chỗ táng nàng ư? Tôi nói cho các hạ hay, hiện nay khắp thiên hạ chỉ còn có một người biết chỗ táng nàng. Các hạ ở đây chỉ uổng công mà thôi.

Người trong miếu hỏi: - Ai vậy?

Chàng áo xanh đáp: - Tôi không chỉ cho các hạ biết người đó được.

Người trong miếu hỏi: - Thằng lõi con! Mi muốn chết hử?

Chàng áo xanh nói: - Bây giờ tôi nói đã hết rồi, tự nhiên tôi muốn lĩnh giáo mấy chiêu thức cao xa của các hạ.

Chàng áo xanh nói xong quả nhiên đi thẳng vào trong miếu thờ, nhưng vừa đi được ba bước bỗng nghe tiếng quát: - Đứng lại!

Người trong miếu tức giận rói tiếp: - Ngươi chỉ cần nói người đó là ai rồi ta sẽ tha mạng cho.

Chàng áo xanh cười lạt nói: - Tôi không nói, mà chưa chắc các hạ đã đánh chết được tôi.

Chàng không dừng lại cứ ngang nhiên đi vào. Lúc này vẻ mặt chàng rất nghiêm, dường như chàng đã vận hết công lực toàn thân để chuẩn bị tiếp lấy đòn của người trong miếu đánh ra.

Chàng tỏ vẻ rất kiên quyết, một chân đã đặt vào trong miếu.

Người trong miếu lại quát lớn: - Thằng lỏi con! Mi còn bước thêm một bước nữa là nhất định phải chết, mi vào đây có mục đích gì?

Đột nhiên chàng áo xanh điểm một bàn chân xuống rồi cả người chàng lạng vào trong miếu rất lẹ.

Trong miếu có tiếng quát lớn, tiếp theo là tiếng "binh" do hai chưởng lực chạm nhau phát ra. Một bóng xanh lại bắn ra.

Chàng áo xanh bị hất ra cửa miếu, loạng choạng hai bước rồi đứng vững lại được ngay.

Vạt áo trước ngực chàng bị rách tươm nhưng da thịt chàng chưa bị thương chút nào.

Mặt chàng áo xanh hơi lộ vẻ lợt lạt. Nhưng lúc chàng định thần lại thì trên nét mặt trắng lợt lại thoáng qua một nụ cười.

Chàng nói: - Giả tỉ mà các hạ phóng "Thần phong tuyệt mạch chưởng" thì tôi nguy đấy! Nhưng tiếc rằng các hạ không hiểu. Các hạ có biết Ngũ Tuyệt lợi hại thế nào không?

Người trong miếu lạnh lùng nói: - Thằng lõi kia! Quả nhiên mi giỏi thiệt! Hơn hai năm nay bây giờ ta mới gặp mình mi là công lực cao hơn hết. Mi đến đây có dụng ý gì?

Chàng áo xanh ngấm ngầm điều hòa hơi thở, chậm rãi đáp: - Các hạ thử đoán coi?

Người trong miếu nói: - Phải chăng mi muốn lấy "Hồi thiên bối diệp" cùng "Băng lân áo".

Chàng áo xanh nói: - Các hạ đoán trúng một phần.

Người trong miếu hỏi: - Ngươi nói vậy là thế nào?

Chàng áo xanh nói: - Một là tôi muốn kiếm "Băng lân áo" và hai là Ngũ Tuyệt ở đâu?

Trong miếu nổi lên tiếng cười khanh khách rồi nói: - Không được đâu! Dù ngươi muốn đến chỗ mộ Lan Phi cũng không thể được, chỉ vì ngươi không thể qua được cửa ải ta giữ đây.

Chàng áo xanh đáp: - Tôi thử vào coi!

Chàng sẽ phủi bụi bám vào người, xoa tay vào nhau rồi đột nhiên đi vào trong miếu.

Người trong miếu quát lên: - Tên ngươi là gì?

Chàng áo xanh đáp: - Các hạ hãy gọi tôi là người áo xanh cũng được mà!

Chàng khoa chân bước vào đảo mắt nhìn một lượt rồi thốt nhiên né người đứng vào một bên cửa miếu, mặt lộ vẻ kinh dị, vì chàng nhìn rõ trong miếu này có nhiều người chớ không phải một. Đồng thời chàng nhìn thấy ba gã mặc áo đen thân thể cao lớn.

Lúc này cả ba gã đồng thời chia hai bên tả hữu tiến lại gần chàng nhưng chàng không chờ cho ba người đến nơi, trừng mắt lên, nhảy vào, gã áo đen đi giữa đồng thời phóng chưởng ra. Chưởng phong rất là hùng hậu.

Gã áo đen đi giữa la lên một tiếng thật to, đạp chân xuống đất, người vọt lên cao nhảy xổ vào chàng áo xanh, gã tung ra chiêu "Ngũ quỷ sưu hồn trảo" chụp tới ngực chàng áo xanh nhanh như điện chớp.

Hai gã ở hai bên lặng lẽ đồng thời chụp tới rất mau.

Giữa lúc tính mạng chàng áo xanh như ngàn cân treo đầu sợi tóc, chàng co rúm người lại một cái rồi lại duỗi ra tránh được cả ba gã liên công. Người chàng nhảy phốc ra ngoài miếu, ngơ ngác nói: - À ra bọn này cũng đã ba người?

Chàng trầm ngâm một lát rồi hất hàm hỏi: - Bọn ngươi là ai?

Nhưng rồi chàng không chờ người trong miều trả lời, lại nói tiếp: - Ta không nên biết các ngươi là ai, hay ta có biết ra mà đập chết các ngươi đi cũng không được ích gì, vì các ngươi chỉ là mấy con chó săn mà thôi.

Chàng áo xanh chuyển mình một cái vừa nhảy lên không trung, vừa nói: - Các ngươi nói lại cho chủ nhân các ngươi hay, đừng mơ tưởng hảo huyền nữa! Rồi ta còn trở lại nghe!

Người trong miếu lên tiếng thách thức: - Mi có giỏi thì nói rõ danh tánh để lại.

Chàng áo xanh đáp: - Thanh Lam Khách (khách áo xanh)?

Chàng chỉ nhô lên thụt xuống mấy cái đã mất hút.

o0o

Nửa tháng sau vào dịp tết Nguyên Tiêu, trong nội thành Yên Minh nhà nào nhà nấy treo đèn kết hoa. Ánh huy hoàng rực rỡ chiếu đất kinh kỳ sáng như ban ngày. Trăm họ trong thành nô nức xem hội Nguyên Tiêu.

Bất thình lình ba tiếng pháo nổ đùng đùng. Trong cấm thành, chín tầng cửa là: Vĩnh Đinh, Chính Dương, Trung Hoa, Thiên An, Đoan Môn, Ngọ Môn, Thái Hòa, Tuyên Vũ và Càn Thanh đều mở rộng.

Bách tính ngoài cửa cùng đứng xa nhìn thấy quan cửu môn đề đốc thống lĩnh cánh quân ngự lâm giáp trụ huy hoàng, oai phong lẫm liệt theo sau là tám viên Thái giám hộ vệ hai cỗ kiệu hoa từ điện Kim Loan đi từ từ ra ngoài.

Pháo nổ rầm trời tiếp đón Trạng nguyên phò mã cùng công chúa đi ra.

Quan tân khoa trạng nguyên là Phan Duy được vua tuyển làm phò mã kén duyên cùng Thanh Hoa công chúa Chu Uyển Vân con một của đông cung hoàng hậu.

Vừa gặp dịp Nguyên Tiêu lại là đêm tân hôn của phò mã cùng công chúa nên trăm họ nô nức kéo nhau đi xem rất đông.

Công chúa đầu đội mũ phượng quan, cặp mắt che một tấm sa mỏng, vẫn lộ vẻ nhu mì và trong suốt như hồ thu. Tấm mạng này khiến cho bộ mặt nàng nửa kín nửa hở, càng tăng thêm vẻ kiều diễm tuyệt luân. Giữa làn sóng người phát ra những tiếng trầm trồ khen ngợi.

Công chúa Thanh Hoa đi tới đâu, dân chúng hoan hô rầm trời đến đó để ca tụng cái nhan sắc khuynh quốc của nàng, thì Trạng nguyên Phò mã Phan Duy cũng nổi tiếng là Phan An Tống Ngọc đương thời. Chàng mi thanh mục tú, khí vũ hiên ngang. Lúc này tuy chàng cũng lộ vẻ tươi cười nhưng cũng không dấu được nỗi đăm chiêu ngơ ngác.

Nhiều người không biết bàn tán. Có người nói: - Chà! Ông trạng nguyên phò mã này trước trọ trong một khách sạn nhỏ ngoài cửa Đông trực. Chàng chính là thiếu niên áo xanh vẻ mặt ngây ngô.

Có người bảo: - Đúng y! Ai ngờ mới có mấy ngày mà đã trở nên một bậc hiền quí nhất triều, không hiểu mồ mả họ táng vào đâu mà khác như thế! Mấy tên quân ngự lâm đi trước đánh chiêng mở đường, dân chúng dạt ra hai bên để nhường lối cho kiệu hoa từ từ đi qua hai đường phố.

Trong đám người mé tả có hai ông già tuổi ngoài sáu mươi, nét mặt gầy, mắt hiền từ nhưng rất oai nghiêm. Làn sóng người xô đẩy xung quanh mà hai lão vẫn đứng nghiễm nhiên không nhúc nhích.

Mặt hai lão dường như đang chú ý nhìn phò mã Phan Duy, một lão có ba chòm râu đen, thốt nhiên quay sang bên hỏi lão áo xanh: - Đạo ất huynh! Này lạ quá! Càng nhìn kỹ càng nhận thấy gã là người quen.

Lão áo xanh nghiêm trang đáp: - Đúng hắn rồi. Dù hắn có ăn mặc cách nào tôi cũng nhận ra. Minh Cửu huynh! Tên tuổi Thần Nhạc Song Kỳ chúng ta đã ở trong tay hắn, khi nào ta quên hắn được?

Lão già mặc áo sắc tro tức mình nói: - Việc này tôi không thể ngờ tới. Rõ ràng hắn là người trong võ lâm đang bôn ba khắp nơi sao lại đỗ trạng nguyên và được tuyển làm phò mã đương triều?

Lão áo xanh chăm chú nhìn phò mã ngồi trên kiệu chưa kịp trả lời thì lão áo xám lại nói: - Gã thiếu niên này thật là thần bí, văn võ hắn đều giỏi. Nhưng hắn lội gió dầm mưa đến Bắc Nhạc làm gì nếu không phải là để kiềm tỏa Thần Nhạc Song Kỳ chúng ta?

Lão áo xanh vênh mặt lên nói: - Đến cây kiếm của lão huynh mấy chục năm trời không rời khỏi tay mà tôi chỉ phóng hai chiêu "Đông sơn tinh bích" và "Mộ hải tàng thanh" cũng đủ đánh bật nó ra xa ngoài hai trượng. Lão huynh thật chưa biết người biết của.

Ông già áo xám tức giận biến sắc nói: - Hai chiêu "Tình thiên bát bộ" và "Ngọc thạch nan loàn" của tôi chẳng đã làm cho ông bạn toạc hổ khẩu chảy máu phải thõng tay bỏ kiếm đấy ư? Hắn chưa nói câu nào đã đi khỏi mình không biết hắn từ đâu đến và lai lịch thế nào?

Người áo xanh nói: - Hẳn là hắn có dụng ý gì, bản lãnh hắn rất cao cường lại thi đậu trạng nguyên.

- Minh Cửu huynh! Theo ý nghĩ của tôi thì hắn có dính líu đến việc chúng ta vào kinh.

- Đạo ất huynh cho rằng hắn cũng vì việc tìm kiếm mộ Lan Phi ở khu Minh Lăng mà đến đây ư?

Lão áo xanh đáp: - Hai vật báu "Hồi thiên bối diệp", cùng "Băng lân áo", võ lâm khắp thiên hạ đều chú ý đến, lẽ nào một người bản lãnh cao cường như hắn lại không nghĩ tới được. Có điều hắn làm việc gì cũng thần bí khiến cho người ngoài khó lòng dò la được.

Bắc Kỳ Ôn Minh Cữu (tức lão áo xám) nói: - Bất luận hắn có những hành động cao thâm đến mực nào, hắn đỗ trạng nguyên vào làm phò mã có mưu đồ gì hay không? Nhưng hắn là người văn đỗ đến trạng nguyên, võ đánh bại được Thần Nhạc Song Kỳ chúng ta một cách dễ dàng, thể nào cũng còn có cơ hội gặp nhau.
Bình Luận (0)
Comment