Lớp Trưởng No.1

Chương 37

Đợt nghỉ Tết trôi qua nhanh chóng, chẳng mấy chốc cũng đã sắp tới lúc học sinh trên cả nước trở lại trường học, tiếp tục với guồng hoạt động quen thuộc của một học sinh. Trước lúc đó, Dương và Lâm quyết định cùng nhau đi tới "phố hoa" của huyện, một nơi được trang hoàng bởi rất nhiều loài hoa vô cùng xinh đẹp, được tỉa tót và trồng trong những chiếc chậu hoa xinh xắn. Những bông hoa nở rộ với nhiều màu sắc khác nhau và ở mỗi chúng chứa đựng hương thơm riêng biệt mà chỉ loài mình mới có. Đây là địa điểm đi chơi Tết lý tưởng mà rất nhiều bạn trẻ trong huyện thích thú. Họ cùng bạn bè, người thân của mình du xuân giữa rừng hoa tươi tắn và chụp những bức ảnh thật đẹp để lưu lại vào album làm kỉ niệm hoặc chia sẻ lên mạng xã hội để mọi người cùng thưởng thức.

Hôm nay Dương mặc một chiếc áo cách tân màu đỏ cam tươi tắn, mái tóc được tết vòng hai đường ra phía sau và cột lại bằng một chiếc dây buộc tóc đen nhỏ trùng với màu tóc, gương mặt trang điểm nhẹ nhàng. Lâm đèo nó trên chiếc xe đạp điện nhỏ, cậu cũng mặc một bộ cách tân nam màu đen xám, khi đến nơi và cởi bỏ chiếc mũ bảo hiểm, cậu sẽ đội thêm một chiếc mấn đội đầu cùng tông với chiếc áo. Cả hai cười nói vui vẻ suốt dọc đường đi. Đêm 30 Tết vừa rồi, gia đình Dương và Lâm cùng nhau đón giao thừa và xông nhà cho nhau. Hai gia đình đón Tết rất là đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc. Tết năm nay cả khu phố huyện đều rất nhộn nhịp, đèn lồng, điện nhấp nháy được trang trí rực rỡ và gần như đi tới đâu người ta cũng nghe thấy những bản nhạc Tết vừa vui tươi lại vừa nhẹ nhàng được cất lên đâu đó ở mỗi góc phố.

"Kít..."

Chiếc phanh xe bất chợt thắng gấp. Dương ngồi phía sau suýt nữa ngã ra đường, may nhờ Lâm phản ứng kịp nên chiếc xe đạp điện chỉ bị sượt nhẹ, đổ nghiêng trên mặt đường nhưng không bị ma sát với nền đất. Cánh tay Dương bị va chạm nhẹ làm nó hơi đau, gương mặt trở nên nhăn nhó.

...

- Không sao chứ?

Sau khi ổn định được tình hình, Lâm nhanh chóng dựng ngay ngắn chiếc xe lại và nâng cánh tay của Dương lên xem xét. Lần trước bị trật khớp tay nên mọi hoạt động của nó vẫn phải hết sức cẩn thận. May mắn là chỉ bị va chạm nhẹ nên nó không sao.

Ở phía đối diện, một cậu bạn trạc tuổi Dương và Lâm cũng vừa dựng được chiếc xe đạp điện của mình lên một cách ngay ngắn. Trên mu bàn tay có một chút vết xước nhỏ nhưng nhìn chung là không sao. Cả nó và Lâm đều thở phào nhẹ nhõm, may là cả hai bên đều không có bị thương nghiêm trọng gì. Dương chợt nhớ lại lời mẹ nó vẫn hay dặn ba mình mỗi khi ông chuẩn bị đến nhà của các đồng nghiệp cùng cơ quan chúc mừng năm mới: "Tết nhất ra đường phải cẩn thận, người đi đông đúc, nhiều lúc không chú ý kịp thời được ông ạ." Bỗng dưng lúc này đây sao nó thấy mẹ mình dự liệu đúng quá.

Vừa rồi khi Dương và Lâm đang đi trên đường chính, cậu bạn kia bất chợt đi ra từ một ngách đường làm hai bên giật mình lảng tay lái. Thực ra ngách đó cũng không nhỏ, chỉ là bị chiếc cây cổ thụ lâu năm che mất nên Lâm không chú ý đến cậu ta.

- Xin lỗi.

Cậu bạn kia mở lời, ngữ điệu có chút lạnh lùng làm Dương thoáng rùng mình trong lòng. Bây giờ nó mới nhìn kĩ cậu ta, gương mặt cũng khá là sáng sủa, cũng có thể được coi là một người điển trai. Dương chợt quay sang Lâm rồi khẽ bụm miệng cười, nghĩ đến hai từ "điển trai" làm nó lại nhớ đến việc Lâm suốt ngày bị đám con gái trêu đùa tán tỉnh vì vẻ ngoài sáng sủa và học lực giỏi của cậu. Mấy em học sinh nữ khóa dưới bọn nó cũng ngày càng bạo dạn a, sẵn sàng ngỏ lời yêu thích hoặc buông lời bông đùa mỗi khi mấy anh khóa trên có vẻ ngoài xán lạn đi qua. Bất chợt nó có một suy nghĩ hâm hẩm rằng nếu cậu bạn kia cũng học cùng trường với nó, chắc chắn cũng là một mục tiêu lớn cho các em nữ khóa dưới trêu đùa và tán tỉnh.

- Không sao đâu, dù sao cả hai bên cũng không xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng cả. Với lại chúng tôi cũng không cẩn thận mà.

Những suy nghĩ trên của Dương bất chợt làm nó buột miệng trả lời trước ngữ khí lạnh lùng của cậu ta. Lâm quay sang nhìn nó, rồi gật gật nhẹ đầu.

- Vậy tôi đi đây.

Nói rồi cậu bạn nhanh chóng lái xe đi. Dương và Lâm nhìn theo cậu ta, rồi lại nhìn nhau. Tính khí của cậu ấy có vẻ hơi thất thường, nhưng thôi mặc kệ vậy. Dương quay sang chiếc xe đạp điện của hai đứa, rồi nó bất chợt nhớ ra rằng cả hai đã mất khá nhiều thời gian ở đây.

- Á, chết rồi, quên mất 9 giờ người ta có tổ chức chụp hình với mấy nhân vật hoạt hình nổi tiếng á, mở cả mấy khu hoa độc lạ nữa, đi nhanh thôi không muộn.

Dương vỗ vỗ tay vào vai Lâm rồi la lên. Vậy là nó và cậu lại nhanh chóng leo lên chiếc xe đạp điện nhỏ, lái xe cẩn thận đến địa điểm đã định trước.

***

- Bà Tám đi lấy hàng mới về để chiều bán ở chợ đấy hả?

- Đúng rồi đó cô ạ, mấy hôm nay đắt hàng, mới lấy mấy ngày trước mà tối qua đã hết sạch bách. Nay tôi phải đi lấy hàng mới về, năm mới đến làm ăn cũng sáng sủa hẳn.

- Ha ha. Ôi dào ôi, tôi kém lắm, anh Tư còn nhộn nhịp chứ hàng của tôi cứ ế ẩm suốt. Có lẽ phải đổi sang bán cái khác thôi chị ạ. Mình là người nhà quê lên phố huyện kiếm sống, nên có cái khó hơn bình thường.

- Đúng rồi đó chị ạ.

- Mà cái Hiền mở quán ăn sáng ngoài kia làm ăn cũng tạm. Nhưng thằng chồng nó suốt ngày quấy phá, nên kiếm tiền rồi cuối cùng cũng lại chẳng ra sao. Cũng may có thằng con trai chăm chỉ giao hàng giúp mẹ, hai mẹ con nó cũng chống đỡ nổi thằng Khải vũ phu đó.

- Cũng khổ thân con bé.

Mọi người trong xóm chợ vừa sắp xếp hàng hóa vừa tám chuyện cho bớt buồn. Đây là khu phố D của huyện Văn Minh, cách khu phố B mà Dương và Lâm đang sống một khu phố. Xóm chợ này ngoài người đã sống lâu năm tại huyện ra có rất nhiều người từ những vùng nông thôn khác nhau mới đến đây để kiếm sống. Họ có rất nhiều hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, có người sức khỏe yếu ớt không dễ kiếm việc làm, có người mà người nhà ở quê đang bệnh tật không đủ tiền chữa buộc phải đi xa để kiếm tiền đưa người thân đi bệnh viện, lại cũng có người có gia cảnh như cô Hiền, lấy chồng từ năm 20 tuổi, ban đầu cuộc sống hôn nhân rất hạnh phúc, cho đến khi chồng cô nghiện rượu chè cờ bạc rồi hay đánh đập vợ con. Nợ nần cờ bạc dần khiến cả gia đình lâm vào cảnh khó khó khăn. Nhưng cô lại không thể bỏ chồng được vì hai đứa con trai của mình. Cô đành chuyển lên trên đất này để kiếm sống.

- Mẹ cái bọn kia không cho tao mua rượu. Tao đã bảo con vợ tao sẽ trả rồi mà chúng mày cứ không nghe?

Đột nhiên giọng của một người đàn ông đã say mèm vang lên. Mọi người nhìn ra, cũng chẳng thể là ai khác ngoài thằng Khải, chồng cô Hiền. Ông ta đi đứng xiêu vẹo, áo quần thì xộc xệch, miệng thì liên tục chửi nhăng chửi cuội. Tất cả mọi người trong xóm chợ lại lắc đầu thở dài, cô Hiền đúng là số khổ, lấy phải thằng chồng chẳng ra gì, bó buộc cả đời mình với một thằng đàn ông khốn nạn, không bao giờ biết lo cho hạnh phúc của vợ con.

Ông ta vừa đi vừa nốc nốt chai rượu đã gần cạn, ngả nghiêng tiến về phía nhà mình. Cô Hiền đang dọn dẹp quán ăn vì hồi sáng khách có ghé qua. Mồ hôi lấm tấm trên trán. Con trai cả của cô đã đi giao cháo ở phố kế bên, đứa con út thì đang giúp mẹ giặt giũ phơi phong bên phía trong nhà. Đối với cô, hai đứa con là nguồn sống duy nhất giúp bản thân mình cố gắng tiếp tục cầm cự cuộc sống khó khăn này. Dù rằng thường xuyên chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần do chồng mình gây ra, nhưng cô vẫn cố gắng mỉm cười để hai đứa trẻ có thể yên tâm về mình.

- Con kia, mày đâu rồi? Sao mày không mua rượu cho tao? Mày nói cái gì mà con khốn ngoài kia không bán rượu cho tao hả?

Ông Khải say khướt lèm bèm đi vào trong nhà chửi rủa vợ. Cô Hiền ở bên trong nghe thấy tiếng chồng chửi mà trong lòng không khỏi run lên. Ông ta lại đi gây sự rồi, lại say rượu rồi. Cô nhanh chóng ra bên ngoài xem chồng mình thế nào. Mặt ông ta đỏ rực như trái cà chua cuối mùa, mắt thì lim da lim dim nhìn quanh nhà. Cô tiến lại gần kéo ông ta vào trong nhà nằm cho bớt rượu.

- Ông đừng uống nữa, say lắm rồi vào bên trong đi thôi. Đừng đi gây sự với hàng xóm nữa.

- Ô hay con này láo, mày dám cãi lại tao à?

- Tiền mấy hôm nay kiếm được còn phải để thằng Vĩnh và thằng Khang nộp học ở trường nó sắp chuyển vào học nữa, ông phải nghĩ cho con nữa chứ.

- Ô hay con này hôm nay nói nhiều thế. Thế tóm lại là mày có đưa tiền cho tao không?

- Nộp học cho con xong tôi mua rượu cho ông sau, đừng đòi tiền tôi nữa. Mà ông cũng bỏ rượu đi, không tốt đâu ông ơi.

"Choang..."

Chai rượu sành bị đập xuống nền đất văng tung tóe. Cô Hiền sững người, trong lòng run sợ. Ông ta nổi cáu rồi, nhưng một hai ngày nữa là nhập học rồi, đến giờ vẫn còn thiếu mấy trăm nữa, đưa cho ông ta thì hai đứa con của cô phải làm sao đây? Đành rằng xin khất thì nhà trường chắc cũng sẽ thông cảm, nhưng hai đứa con của cô ở trường cũ cũng đã thiệt thòi lắm rồi, cô không muốn hai đứa nó chịu cực thêm nữa.

- Mẹ con này, hôm nay mày gan lắm, lắm mồm dám cãi tao. Mày có đưa tiền không? Không đưa chứ gì? Không đưa này... Không đưa này.

Ông Khải xông vào đánh vợ tới tấp. Cô Hiền biết thế nào cũng thế này, nhưng cũng chẳng thể làm gì được. Cô không thể đánh lại chồng, cũng không thể để ông ta lấy tiền đi cờ bạc rượu chè tiếp, hiện cô vẫn đang gồng mình trả nợ và lo cho con, không thể đưa ông ta tiền thì chỉ còn có thế chịu bị đánh.

- Mẹ à, con giao cháo về tới rồi.

Bốp... bốp... Tiếng ông Khải đánh vợ vang ra tận ngoài cửa, Vĩnh nghe thấy âm thanh liền vội chạy vào bên trong. Cậu không khỏi tức giận khi nhìn thấy ba mình.

- Ông đang làm cái gì vậy?

Ông ta lại lên cơn điên rồi. Vĩnh chạy tới đẩy ông ta ra khỏi người mẹ mình. Trái tim quặn thắt, cậu nhìn mẹ rồi lại nhìn ông ta, cảm thấy thật đau đớn. Người đàn ông trước mặt, cớ sao lại là ba của cậu?

- Ông dừng lại ngay, nếu không tôi không nhịn nữa đâu. Ông đừng tiếp tục làm khổ mẹ tôi nữa. Ông nhìn xem ông có đáng mặt làm chồng làm cha không?

- Hay, hay lắm, mẹ con chúng mày là một lũ mất dạy. Vợ cãi chồng con mắng cha. Rồi chúng mày cũng gặp họa. Mẹ chúng mày nữa chứ...

Thấy Vĩnh làm căng, ông Khải cũng không tiếp tục đánh vợ nữa mà lảo đảo mò vào trong nhà ăn vụng một ít thức ăn rồi nằm vật ra giường ngủ. Vĩnh nhìn mẹ mình xót xa, đỡ bà dậy rồi không kìm được sự bực tức.

- Tại sao mẹ cứ để ông ta đánh như vậy?

- Thôi mẹ không sao đâu, con phụ mẹ dọn dẹp rồi nhà mình chuẩn bị cơm trưa.

Vĩnh nhìn mẹ, cậu thở dài.

- Thôi được rồi, mẹ ngồi đây nghỉ một lát đi, con làm cho.
Bình Luận (0)
Comment