Lửa Đen (Dì Ghẻ Tiền Truyện)

Chương 62

[......]

Đời người được mấy lần 10 năm, 10 năm với một người sống bên ngoài xã hội đã là quãng thời dan rất dài, nhưng đối với một thằng tù thì 10 năm đó còn dài đằng đẵng tựa thiên thu.

Chẳng thế mà cổ nhân có câu: " Nhất nhật tù, thiên thu tại ngoại - Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài ".

10 năm, chuyển qua 2 trại giam, nếm đủ dư vị của cuộc đời, đắng cay, gò bó, đôi khi là tủi nhục. Tuấn trở về khi xã hội đã thay đổi một cách nhanh chóng, ngôi nhà của bố mẹ vợ Tuấn 10 năm trước còn là ngôi nhà cao nhất xóm làng thì nay so với những gia đình xung quanh đó, nó chỉ là một ngôi nhà đã cũ, những mảng vữa trát trên tường đang bong ra như muốn rơi xuống cái sân xi măng lỗ chỗ những hố vá lồi lõm, bức tường gạch đỏ ngày ấy nay đã xiêu vẹo như sắp muốn sập. Ông Quý đã già, ông không còn có thể cáng đáng công việc gia đình như xưa được nữa, mẹ vợ Tuấn cũng không thể thức khuya, thức hôm làm bánh kẹo giao cho người ta nữa, phần vì tuổi cao, phần vì xã hội phát triển, bánh kẹo nhập từ các cửa khẩu từ Trung Quốc đổ về la liệt, nhiều mẫu mã, nhiều sự lựa chọn, đâu còn ai muốn bán thứ bánh kẹo do hai ông bà già làm thủ công, không chất bảo quản, chỉ có thời hạn ngắn ngày.

Hai cậu em trai của Vân, sau khi Tuấn đi tù thì ăn chơi, lêu lổng, đâm vào nghiện ngập. Cái thời mà cả làng có thanh niên nghiện, hai đứa nó cũng không ngoại lệ. Từ một gia đình khá giả thời bao cấp, chỉ sau 10 năm, bố mẹ vợ của Tuấn cứ thế kiệt quệ dần, nhà có tận 2 thằng nghiện, của cao như núi cũng phải sạt, tiền nhiều như nước cũng phải cạn. Đến khi đã khánh kiệt, không còn có thể nuôi được 2 đứa con nghiện nữa, ông Quý cắn răng cắn lợi cho con vào trại cai nghiện, nhưng chỉ có 1 người, cậu út bỏ trốn theo bạn vượt biên sang Hồng Kong, 3 năm nay không thấy liên lạc gì.

Nhìn gia cảnh của bố mẹ vợ, Tuấn thấy thương 2 ông bà vô cùng, vậy mà suốt 1o năm qua, Vân cùng bác Dung vẫn miệt mài thăm nuôi cho Tuấn. Hai mẹ con Vân chuyển về nhà ông bà ngoại, sửa lại cái gian nhà để củi ngày xưa ở tạm, vì không làm hàng nữa nên gian nhà để củi đó cũng không dùng đến.

38 tuổi, cái độ tuổi gần trung niên, nhưng Tuấn chẳng có gì trong tay, vẫn chỉ là hai bàn tay trắng. Miếng đất mà vợ chồng Vũ cướp lại được từ tay Tuấn đã bán cho người khác, quay về nơi đó Tuấn thấy họ xây một nhà hàng khang trang, rất đông khách. Còn vợ chồng Vũ, sau khi Tuấn đi tù, có tiền, chẳng hiểu bằng cách nào mà chúng kéo nhau sang nước ngoài định cư hết. Tuấn nghe đồn, họ nhà con Xuân có người bên Thụy Điển, con Xuân cho hai đứa con của mình nhận người bên đó làm bố mẹ nuôi, sau này con của ả ta lại bảo lãnh cho vợ chồng Vũ sang bên đó. Cuộc sống của lũ khốn nạn quá tốt đẹp, bố mẹ Tuấn nở mày nở mặt với bà con lối xóm vì gia đình có kiều. Cái mác Kiều những năm đó giàu mà sang vô cùng, khi không may lỡ có ai hỏi về cậu con trai đang trong tù, ông bà Bắc - Đoan lập tức sầm mặt rồi chửi bới không ngớt lời. Đối với họ, Tuấn đã chết, 10 năm không một ai trong gia đình Tuấn lên thăm Tuấn lấy 1 lần.

Tuấn quay về không mong muốn trả thù, hơn ai hết, Tuấn hiểu cảnh tù tội là điều nhục nhã nhất trên cõi đời này. Những bài học đắt giá trong quá khứ khiến cho Tuấn muốn cố gắng sống thành một người có ích, có lương tâm, vui vẻ bên gia đình sau những tháng ngày phía sau song sắt. Tuấn ở luôn nhà bố mẹ vợ, gian nhà tuy nhỏ, nhưng cũng ấm cúng đối với 3 người.

Bữa cơm tối hôm ấy, ăn cơm xong Tuấn nói:

- - Ngày mai anh sẽ xin đi làm, những năm qua, em và bố mẹ khổ quá rồi. Anh sẽ cố gắng hết sức.

Vân mỉm cười:

- - Vâng, có anh về em cũng đỡ lo đi bao nhiêu....Nhưng giờ tàu bè ít người đi nữa rồi anh ạ. Biển giờ không khai thác được, nhiều người bỏ tàu lên bờ đi làm ở các khu công nghiệp rồi.

Tuấn đáp:

- - Không sao, anh có sức khỏe, công việc gì anh cũng làm được.

Vân nói:

- - Anh mới về, cứ tạm thời làm quen với cuộc sống bên ngoài đi đã. 10 năm, việc gì thì việc cũng phải thích nghi trước anh ạ.

Vân nói không sai, sau khi ra tù, bản thân Tuấn cũng phải ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh vật thay đổi trên đường về nhà. Đi qua thành phố, đường xá tấp nập, quán hàng, cửa hiệu, tụ điểm ăn chơi mọc lên như nấm.....Chỉ duy khu vực nhà bố mẹ vợ Tuấn là chỉ thay đổi không quá nhiều, nhất là chỗ đất vợ chồng Tuấn năm đó bị cướp. Khu đó giờ đã lên quận, phồn hoa, sôi động chẳng kém thành phố là bao. Chắc có lẽ người mua mảnh đất đó đã biết trước, nắm được thông tin làm dự án từ thành phố. Vậy cho nên hắn ta mới bằng mọi giá mua được mảnh đất đó cho dù giá có gấp 3, gấp 4......Chính vì vậy mà vợ chồng Vũ nảy lòng tham, nghĩ đến đây mà Tuấn tức đến sôi máu:

- - Hai vợ chồng thằng khốn đó, nó giàu lên bằng chính mồ hôi, công sức của mình. Thật khốn nạn.

Vân an ủi chồng:

- - Thôi anh, cái số mình nó đã thế, anh đừng nghĩ quẩn rồi làm bậy. 10 năm qua không phải dễ dàng gì, anh có làm sao chắc mẹ con em chết mất, em cũng đã gắng gượng hết sức mình rồi.

Vân héo hon, gầy rộc đi trông thấy, không còn là cô gái xinh đẹp, yêu kiều, là cô con gái rượu của ông Quý ngày xưa nữa. Chẳng phải nói, ai cũng biết 10 năm vắng chồng, một thân một mình nuôi con, rồi tiếp tế cho chồng, thanh xuân của người con gái ấy bay biến lúc nào không hay. Chỉ có Tuấn là vẫn trẻ so với tuổi, bởi sinh ra trời cho Tuấn sức khỏe hơn người, Tuấn lại là người ưa thích luyện tập võ thuật, trong tù tuy gò bó, nhưng nó không khiến cho Tuấn già đi. Nhìn Vân giờ đây chắc ai nhìn thấy còn tưởng Vân hơn tuổi Tuấn chứ chẳng đùa.

Ngày Tuấn vào tù, cu Nam mới 2 tuổi, nay nó đã 11 tuổi, một tay nuôi con, nhưng Vân không để cho Nam thiếu thốn thứ gì, Vân luôn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con trai. Vân có thể nhìn ăn, nhịn mặc để Nam no bụng, để Nam có quần áo tươm tất đi học. Có những khi nhà hết gạo, nồi cơm nấu ra chỉ xúc được hơn 1 bát, Vân đơm cơm cho con, đợi con ăn xong Vân mới ngồi lại vét chút cháy còn xót dằn bụng. Sương gió, khó khăn, tảo tần bao năm, Nam càng lớn càng giống bố. Chắc có lẽ trời thương nên cũng phú cho Nam sức khỏe, từ nhỏ đến lớn Nam không đau ốm, bệnh tật gì, lại rất hiếu động, trước cổng nhà có cây me, suốt ngày nó trèo lên đó đu qua đu lại như con khỉ con. Lắm lúc ông bà ngoại nhìn mà chết khiếp, Vân bắt nó xuống vạch quần ra đánh tét mông nhưng chỉ lúc đó nó sợ, ngày hôm sau nó lại đâu vào đấy. Lại đu lên cây me trèo lên rồi lại trèo xuống, dần rồi cũng quen, nhiều lúc ông Quý đi bộ ngoài sân mà không thấy thằng Nam chạy nhảy là có khi lại thấy thiêu thiếu thứ gì đó. Cũng nhờ có ông bà ngoại mà Nam được chăm sóc khá tốt.

Vân kể:

- - Mới bay lớn mà cũng đánh bạn rồi đấy....Lớn tí nữa chắc em không dạy được nó mất, nó lỳ mà gan lắm, ngày bé đánh còn khóc chứ giờ đánh nó không khóc đâu, nó cho đánh, đánh xong nó lầm lỳ đi ra sân đấm đá vào không khí. Anh về mà dạy con.

Tuấn cười hỏi lại:

- - Sao nó lại đánh bạn...?

Vân đáp:

- - Thấy bố mẹ đứa bị đánh bảo là hai đứa chơi với nhau, nhưng thằng kia không hiểu ai nói nó là bố thằng Nam đi tù, xong bạn bè trêu, thế là nó đánh bạn luôn.

Miệng thế gian, cấm sao được miệng đời.....Mặc dù Tuấn cũng lường trước được điều này, vậy cho nên gần 10 năm trong tù, Tuấn không muốn con đến thăm bởi không muốn Nam biết rằng bố nó phạm tội giết người. Vân tiếp:

- - Nghe lời anh, cả nhà đều bảo nó là bố Tuấn đi làm ăn xa, rồi bố sẽ về....Nhưng trẻ con giờ chúng nó khôn lắm, cũng may anh về lúc này, mấy hôm nay thấy bố về, cu cậu vui hơn hẳn.

Những tưởng, được ra tù, cơ hội làm lại cuộc đời của Tuấn sẽ đến....Nhưng không, trái ngược với suy nghĩ của Tuấn, hóa ra mọi thứ lại khó khăn hơn rất nhiều.

" Kỳ Thị "

Chưa bao giờ Tuấn nghĩ sự kỳ thị của xã hội dành cho 1 thằng tù lại lớn đến như vậy. Nghề đánh bắt giờ đây không còn mấy ai duy trì, người ta đi xin việc ở những khu công nghiệp mới xây dựng, Tuấn cũng vậy, nhưng khi đọc đến hồ sơ của Tuấn thì họ lập tức loại bỏ, chỉ vì lý lịch trích ngang có tiền án về tội giết người.

Không một nơi nào chấp nhận một kẻ từng giết người vào làm việc, Tuấn tìm đến những chỗ lao động tay chân như bốc vác ở khu cảng, hoặc xin vào chân bốc vác thuê ở chợ mỗi khi họ cần người, cũng như những chỗ khác, thậm chí những nơi này còn cay nghiệt hơn, bởi vì dân ở đây ai cũng biết Tuấn là thằng giết người, chưa kể, bao năm qua, người ta đều nghe chính bố mẹ Tuấn nhắc về thằng con trai một cách cay nghiệt, dù biết Tuấn nhưng nỗi sợ một ngày nào đó Tuấn nổi điên giết họ nếu không vừa lòng chuyện gì thì chẳng phải rước họa vào thân hay sao. Vậy là Tuấn đi đến đâu, người ta cũng lắc đầu đến đấy.

Không còn đường nào, Tuấn tìm đến chỗ Tài Bảnh, hi vọng Tài sẽ giúp được Tuấn một công việc dù vất vả hay lương ít. Nhưng Tài cũng không còn ở đó nữa, xã hội bây giờ là xã hội của " quan chức ", của đồng tiền, của quyền lực.....Những kẻ có máu giang hồ trong 10 năm qua đã bị dọn dẹp sạch sẽ, không còn đất dung thân. Tài bỏ xứ ra đi, Tuấn còn nghe phong phanh, ngay cả Thanh Cáo cùng Lân Cá kẻ bỏ mạng, kẻ cũng phải trốn ra nước ngoài.

Bơ vơ giữa trời đất, trong lúc tuyệt vọng, Tuấn mới nhận ra, mình không còn chỗ nào để dung thân nữa. Công việc không có, đồng nghĩa với tiền bạc cũng không, Tuấn chỉ có thể làm một vài công việc thời vụ, mà đó là khi không còn kiếm được ai nữa người ta mới gọi Tuấn.

Khó khăn chồng chất khó khăn, và rồi khó khăn đó lại càng lớn hơn khi 1 năm sau, Vân hạ sinh đứa thứ 2, một cô con gái. Nam lúc đó cũng bắt đầu học cấp 2, mọi thứ áp lực đổ dồn lên suy nghĩ của Tuấn. Vân lúc đó mới là lao động chính trong nhà, Vân đã phải làm lụng đến tận khi mang bầu 7 tháng mới nghỉ để chuẩn bị sinh nở. Thời kỳ đen tối nhất của gia đình Tuấn bắt đầu mở ra, vợ không thể đi làm, Tuấn có sức khỏe nhưng không kiếm được một công việc ổn định, nhà nghèo đến nhiều lúc không còn có nổi 1 hạt gạo. Lại là ông bà, lại là bác Dung san sẻ cưu mang.

Uất ức, phẫn nộ biến thành cùn cáu......Tuấn từ một người đầy bản lĩnh, chẳng biết từ lúc nào lại đi theo đám trộm cắp trong xóm. Có lẽ túng quẫn đã khiến cho người đàn ông ấy trở nên hèn mọn, có lẽ vì thương vợ thương con mà Tuấn bất chấp. Có đêm Tuấn đi đến 2-3h sáng mới về, trên tay cầm cái bao nhỏ, Vân hỏi thì Tuấn cười hềnh hệch, Tuấn lấy từ trong bao ra một con gà mái béo múp rồi nói:

- - Suỵt, bé mồm thôi.....Để anh làm lông rồi nấu cho em bát cháo.

Vân rưng rưng nước mắt, Vân khóc:

- - Gà ở đâu vậy anh....?

Tuấn trả lời:

- - Còn ở đâu nữa, anh đi ăn trộm về đấy....

Ôi cuộc đời, phải chăng chính cái gọi là cuộc đời ấy đã biến một kẻ hiên ngang, không sợ trời, không sợ đất mà giờ đây hắn hèn đến cái mức đứng trong nhà mình, tay cầm con gà ăn trộm, lưng khẽ cúi xuống nói nhỏ vì sợ người ta phát hiện......Thật khốn nạn thay.
Bình Luận (0)
Comment