Ma Thổi Đèn

Chương 20

Đoạn đường đầu tiên của chuyến đi này xuất phát từ phía Tây Nam hồ Bostan, men theo dòng Khổng Tước đi về phía Tây một đoạn, cho đến khi tìm thấy dòng sông cổ chảy theo hướng Nam. Bostan dịch nghĩa ra là "đứng dậy", sở dĩ có tên gọi này, là bởi giữa lòng hồ có ba ngọn núi đứng sừng sững. Thời xưa người ta gọi hồ này là biển cá, là hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc, sông Khổng Tước phát nguồn từ đây, chảy sâu vào trong sa mạc Taklimakan. Khi chúng tôi đi qua bờ hồ, phóng mắt nhìn xa, một dải nước xanh ngắt mênh mang khiến người ta choáng ngợp, trong lúc hoang mang, có cảm giác dường như đã đi đến nơi tận cùng của trời đất.

Hai ngày đầu, ba học trò của giáo sư Trần hết sức hứng khởi, bọn họ đều rất trẻ, lần đầu đi vào sa mạc, cảm giác vừa mới mẻ lại vừa thích thú, một lúc thì học lão Anliman huýt sáo chỉ huy lạc đà, một lúc lại đuổi đánh nhau, hát ca hớn hở.

Tôi cũng khấp khởi trong lòng, chỉ giận mình không thể ra nhập bọn đùa vui với họ được, có điều tôi là trưởng đoàn, phải nghiêm túc một chút, nghĩ tới đây, liền ngồi thẳng lưng lại, cố gắng khiến hình tượng của mình kiên nghị thêm chút nữa.

Đoạn đường đầu tiên này, theo lời lão Anliman, căn bản vẫn không thể coi là sa mạc, lòng sông của một số quãng vẫn chưa hoàn toàn khô cạn, cát chung quanh cũng rất nông, khắp nơi đều có các hồ nhỏ nằm rải rác, trên mặt nước thỉnh thoảng còn có một vài đàn chim âu và vịt mỏ đỏ bơi lôi, ven sông Khổng Tước, có những ốc đảo nho nhỏ, mọc đầy những cây táo gai, cây dương và một số cây bụi.

Qua đoạn sông này thì mới thực sự bước vào sa mạc, sông Khổng Tước bẻ dòng chảy theo hướng Đông Nam, phía ấy có Lâu Lan, La Bố Bạc, Đơn Nhã, chúng tôi đi theo hướng Tây Nam, tiến vào "sa mạc đen". Ông già Anliman nói sa mạc đen là do Hutai tạo ra để trừng phạt lũ dị giáo tham lam, chôn vùi vô số thành trì và của cải, nhưng chưa có bất kỳ ai có thể đưa được chúng ra ngoài, cho dù anh chỉ cầm một đồng tiền vàng, cũng sẽ mất phương hướng, lạc đường và vĩnh viễn bị gió cát vùi lấp, đừng hòng chạy thoát.

Đây là một sa mạc lưu động, gió thổi bạt đồi cát, địa hình mỗi ngày một vẻ, không có đặc trưng, dòng sông cổ đã biến mất từ lâu. Cũng may có lão Anliman, từ những thành trì, nhà cửa, lầu tháp bị cát vàng chôn vùi, chỉ lộ ra nửa nóc; những cây dương bị gió mạnh thổi nghiêng ngả một góc ba mươi độ với mặt đất, cho đến mấy cây saxaul (tên cây) nho nhỏ trong sa mạc, đều không thoát khỏi đôi mắt lão luyện của ông già. Những thứ ấy xâu chuỗi lại, sẽ nói lên một điều, sông Khổng Tước cổ từng chảy qua đây, nơi tận cùng của dòng sông đã biến mất này, chính là thành cổ Tinh Tuyệt bị Hutai vất bỏ trong truyền thuyết.

Gây ấn tượng sâu sắc nhất đối với chúng tôi trong sa mạc này chính là những cây dương ngàn năm, nếu không tận mắt trông thấy, ai mà tin được trong sa mạc cũng có cây cỏ. Mỗi cây dương đều tựa như một con rồng dũng mãnh, tất cả cành cây đều nghiêng lệch về phía Đông, tựa hồ như con rồng ấy đang sải chân lao trên sa mạc, trong môi trường khắc nghiệt ấy, trải qua hàng ngàn năm, sớm đã chết khô từ lâu, cành cây bị gió thổi cho gần ép sát mặt đất, thế nhưng vẫn không hề đổ xuống.

Tia nắng đầu tiên xuất hiện nơi đường chân trời, rọi đỏ cả đám mây nơi góc trời, ráng trời rực rỡ phủ trùm lên những cồn cát nhấp nhô trong sa mạc, khóm cây dương cằn cỗi, dải cát vàng như những vạt sóng, tất cả đều được nhuốm một màu vàng gạch, sắc màu sặc sỡ, như một bức tranh tráng lệ đang được trải ra giữa trời đất mênh mông.

Mọi người muốn tránh cái nắng gắt giữa trưa, nên đi bộ suốt đêm, đương lúc mệt mỏi, được thấy cảnh sắc này, ai nấy đều phấn chấn tinh thần, Shirley Dương thốt lên: "Sa mạc đẹp quá! Lạy Chúa tôi! Mọi người nhìn cây dương kia kìa, trông như con rồng thần vàng óng trên sa mạc vậy", nói xong, liền lấy máy ảnh ra, bấm máy liên tục, hy vọng có thể lưu lại được cảnh sắc tuyệt đẹp này.

Khi mọi người đang đắm chìm trong cảnh đẹp, tôi phát hiện ra lão Anliman đang ngây người nhìn vầng mặt trời mới mọc, nét mặt thấp thoáng đôi chút bất an, liền chạy lại hỏi: "Sao vậy hả ông? Có phải sắp trở trời?" Vì hồi ở nhà tôi cũng có nghe nói "ráng sớm chớ ra đường, ráng chiều đi muôn dặm", ráng mây đỏ rực buổi sớm, chắc chẳng phải điềm tốt lành gì.

Hôm nay đã là ngày thứ năm kể từ hôm xuất phát, và là ngày thứ ba kể từ khi tiến vào sa mạc đen, phía trước là di chỉ thành cổ Tây Dạ, chúng tôi vốn dự kiến ngày mai sẽ tới đó, nhưng lão Anliman bảo cơn bão này rất lớn, xây tường cát cũng khó chắn được, nếu không mau chóng đến được thành cổ Tây Dạ, chúng tôi đều sẽ bị chôn sống trong sa mạc.

Tôi nghe ông già nói vậy, biết chuyện này không phải trò đùa, chỗ này cách di chỉ thành cổ Tây Dạ còn hơn nửa ngày đường, ngộ nhỡ trên đường xảy ra chuyện gì làm chậm trễ, chắc sẽ rắc rối to, thế nhưng đi suốt một đêm, mọi người đều mệt phờ cả rồi, trong đoàn lại có người già và phụ nữ, liệu họ có tiếp tục kiên trì được hay không, điều này khó nói vô cùng.

Tôi nhảy lên lưng lạc đà định gọi mọi người mau khởi hành, thì lại thấy lão Anliman trên lưng lạc đà chậm rãi bước xuống, lôi một tấm thảm ra, từ từ trải trên cát, quỳ lên trên, hai mắt nhắm lại, sắc mặt thành khẩn, dang rộng đôi tay hướng lên bầu trời, sau đó bưng mặt, cất giọng tụng kinh.

Ông ta đang cầu khấn Đức Allah đây, mỗi buổi sáng đều phải cầu nguyện, tôi thấy ông lặng yên thư thái, tưởng rằng vụ sắp có bão gió tối nay không mấy nghiêm trọng, nên cũng nhẹ nhõm cả người, đi ra ngắm cảnh với Tuyền béo, Shirley Dương và mọi người.

Ai ngờ lão Anliman cầu nguyện xong, dường như biến thành một người khác, cả người ông già như lên dây cót, hai ba nhát đã cuộn xong tấm thảm, rồi bật nhảy lên con lạc đà như chiếc lò xo, sau đó huýt một tiếng sáo dài: "Uýt... mau chạy đi mà, chạy chậm rồi thì sẽ bị chôn xuống cát đen à..." Lão thúc những con lạc đà phía dưới rồi chạy trước.

Tôi chửi một câu: "Mẹ kiếp lão già chết tiệt". Tình hình gấp gáp như thế, vừa nãy lão còn khoan thai cầu khấn, giờ lại chạy tót đi, rồi mới gọi mọi người lên đường.

Lũ lạc đà cũng cảm nhận được tín hiệu nguy khốn truyền đến từ bầu trời, như phát điên, chúng sải bốn chân chạy thục mạng trên sa mạc, bình thường ngồi trên lưng lạc đà chậm bước, lúc la lúc lắc cũng thấy thú vị, nhưng khi chúng chạy thì xóc kinh khủng, chúng tôi ôm chặt lấy lưng lạc đà, chỉ sợ giữ không chắc sẽ ngã xuống.

Đoàn lạc đà chạy nhanh trên sa mạc, cát vàng bụi mù cuốn lên thành con rồng khổng lồ, mọi người đều đeo kính chắn gió, lại dùng khăn trùm đầu bịt mũi miệng. Tôi nhìn chung quanh, càng lúc càng cảm thấy có gì đó không ổn, lũ lạc đà hoàn toàn không thể khống chế, trừng mắt, thở phì phò, bám sát theo con lạc đà của lão Anliman, lao như một cơn lốc, xem ra sự việc còn nguy cấp hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ.

Điều tôi lo lắng nhất chính là có thành viên nào đó bị lạc đà hất văng xuống, định hô cho lão Anliman phía trước chạy chậm lại một chút, nhưng chẳng kịp mở miệng, mà căn bản là chẳng thể nào mở miệng nổi, bởi hễ mở miệng ra là cát bụi sẽ xối vào.

Tôi chỉ có thể không ngừng ngoảnh đi ngoảnh lại, đếm số người trên lưng lạc đà, chạy một mạch đến giữa trưa, tuy lũ lạc đà dai sức, nhưng cũng đã mệt đến mồ hôi ròng ròng, không thể không đi chậm lại, cũng may là không ai rớt đoàn.

Lão Anliman bảo mọi người tranh thủ ăn mấy miếng lương khô, uống ngụm nước, không phải lo hết nước, dưới di tích thành Tây Dạ, có thể tìm thấy mạch nước ngầm, ở đó sẽ bổ sung nước sau. Ăn no uống đã, để lũ lạc đà nghỉ ngơi lấy lại sức, cũng may cũng không còn quá xa nữa, có điều vẫn phải lập tức chạy tiếp, nếu không sẽ không kịp.

Mọi người lấy bánh và thịt khô ra, ăn quấy quá mấy miếng, tôi và Tuyền béo đều lo cho mấy tay trí thức này, lần lượt hỏi từng người xem có bị làm sao không.

Giáo sư Trần đã có tuổi, ngồi trên lưng lạc đà xóc lên xóc xuống, giờ thở hồng hộc chẳng nói được câu nào; cô nữ sinh Diệp Diệc Tâm trẻ tuổi nhất đoàn thì nôn ọe, hai người họ chỉ uống chút nước, chẳng ăn được gì.

Khốn khổ nhất là Hách Ái Quốc, cặp kính cận của anh ta bị rơi mất, chẳng nhìn rõ thứ gì, cứ cuống hết cả lên, may mà anh nghiên cứu sinh Táp Đế Bằng cũng cận, đem theo một cặp kính đề phòng, độ cận thị của họ gần như nhau, nên mới giải nguy được cho Hách Ái Quốc.

Shirley Dương và Sở Kiện, anh chàng cao to, thì chẳng hề hấn gì, đặc biệt là Shirley Dương, có lẽ cô có gen di truyền của người cha ưa mạo hiểm, mà cũng có thể vì cô ta sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, có tinh thần mạo hiểm mạnh mẽ, cơ địa lại khỏe khoắn, cả đêm không ngủ, lại hùng hục rong ruổi trên sa mạc hơn nửa ngày trời, cũng không thấy cô ta mệt mỏi, ngược lại thần sắc vẫn rất tươi tỉnh, còn giúp lão Anliman gia cố thêm đống đồ đạc trên lưng lạc đà nữa.

Một cơn gió nhẹ thổi qua đồi cát, cuốn lên những sợi cát mịn, chân trời xa xa, dần chuyển thành màu vàng nhạt, lão Anliman vội hô lớn: "Tín phong đến rồi à, đừng nghỉ nữa mà! Đức Allah phù hộ, chúng ta bao nhiêu người thế này, mau chạy đi mà!"

Những thành viên của đoàn khảo cổ lê thân thể mệt nhọc, một lần nữa trèo lên lưng lạc đà, lúc này chẳng còn để ý xem sức khỏe của lạc đà thế nào nữa, cứ thúc chạy thật nhanh.

Vừa nãy bầu trời vẫn còn sáng trong, dường như trong nháy mắt đã tối sầm lại, cơn gió ập đến quá nhanh, bụi cát bị gió cuốn lên mỗi lúc một nhiều, ba bề bốn bên ngập trong dải cát bụi mù mịt trời đất, tầm nhìn mỗi lúc bị thu hẹp. Trong cơn hỗn loạn, tôi lại đếm nhẩm số người trong đoàn, cộng thêm cả tôi, cả thảy tám người, ai đó rớt lại rồi?

Gió thổi ngày một dữ, cát xối tung trời, khắp nơi rặt một màu vàng nhạt, tôi không nhìn rõ ai đã rớt đoàn, có điều đoàn lạc đà vừa mới rời khỏi đồi cát trăm mét, giờ quay lại kiếm người vẫn còn kịp.

Người tôi nghĩ tới đầu tiên là Shirley Dương, không có cô ta thì tiền của bọn tôi coi như mất, thế nhưng ngay tức khắc tôi vứt ý nghĩ ấy ra khỏi đầu mình, quá ích kỷ, mạng người Mỹ cố nhiên quý báu, nhưng mạng người Trung Quốc chúng tôi cũng đâu phải lấy thóc lấy muối ra mà đổi được, không thể để bất kỳ ai rớt đoàn được.

Bên cạnh tôi là Tuyền béo, cũng là người duy nhất tôi có thể nhận ra, tôi muốn nói với cậu ta, nhưng gió cát xối xả, không thể mở miệng, đành ngồi trên lưng lạc đà lấy tay ra hiệu, bảo cậu ta chặn lão Anliman đang phóng phía trước lại.

Trong khoảnh khắc đó, hai mươi con lạc đà lại chạy xa hơn chục mét, tôi không kịp nhận ra Tuyền béo có hiểu ý mình không, vừa quay người đã bị văng khỏi lưng con lạc đà đang cắm đầu cắm cổ chạy.

Vết chân của lũ lạc đà giẫm trên sa mạc đã bị gió cát thổi mờ, sẽ biến mất tức khắc, tôi đội gió đội cát chạy về hướng xuất phát, cảm thấy cơ thể mình mỏng như tờ giấy, mỗi bước đi đều không làm chủ được, bất cứ lúc nào cũng có thể bị cơn gió dữ cuốn phăng đi, bên tai ngoài tiếng gió ra, không nghe thấy bất kỳ âm thanh gì khác nữa.

Chạy loạng choạng gần hai trăm mét, cuối cùng cũng thấy một người nằm trên đụn cát ban nãy vừa nghỉ ngơi. Cơ thể người này đã bị cát phủ một nửa, không biết sống chết thế nào, tôi vội chạy lại, kéo người ấy ra khỏi đống cát.

Thì ra là giáo sư Trần, tình hình ông lúc nãy đã không được ổn lắm, có thể lúc mọi người nhảy lên lạc đà, vì quá hấp tấp ông đã bị con lạc đà hất xuống. Giáo sư Trần vẫn còn sống, chỉ là sợ quá mà nói không ra lời, thấy tôi chạy đến, lại ngất lịm đi vì quá kích động.

Gió cát lúc này tuy dữ dội, nhưng tôi biết, đây chỉ là nhạc dạo cho cơn bão sa mạc phía sau, cơn bão dữ dội thực sự có thể ập tới bất cứ lúc nào. Không thể chần chừ dù chỉ một giây, tôi vác giáo sư lên lưng, quay người lại nhìn, chuỗi dấu chân của tôi ban nãy vẫn nhận ra được, ông trời phù hộ, Tuyền béo chắc chắn phải ngăn lão Anliman chạy nhanh như cắt kia lại mới được.

Tôi định cõng giáo sư Trần xuống đồi cát, nào ngờ cơn gió phía sau quá mạnh, vừa đi được một bước, chân đã không vững, cả hai cùng lăn tròn xuống dốc, trong gió cát mịt mùng, có người đỡ tôi dậy, Hóa ra Tuyền béo đã hiểu ý tôi, lấy dao chọc mạnh vào mông con lạc đà, đuổi kịp lão Anliman, kéo lão ta xuống, bầy lạc đà thấy con đầu đàn dừng lại, trong phút chốc đều đứng yên, chỉ có con bị thương ở mông là chạy như điên về phía trước, chớp mắt đã mất hút trong khoảng gió cát mênh mang.

Cũng may mà bọn họ chưa chạy quá xa, nếu không căn bản chẳng thể quay lại được, lúc này chẳng ai nói được lời nào, chỉ lấy tay ra hiệu, hiểu được thì hiểu, không thì cứ làm theo là được, ai nấy đều chuẩn bị trèo lên lạc đà chạy tiếp.

Nhưng lũ lạc đà dường như quá sợ hãi, không chạy nữa, mặc cho lão Anliman có đánh đập thế nào, cũng không nghe lời, dàn thành một hàng, phủ phục trên mặt đất vùi đầu vào trong cát.

Trên đường chúng tôi thấy không ít xương lạc đà trắng hếu, lúc chết, tư thế đều y thế này, giống như những tội nhân nhận hình phạt vậy. Lão Anliman bảo lũ lạc đà khiếp hãi trước gió cát đen của Hutai, chúng biết gió cát đen sắp tới, có chạy cũng vô ích, dứt khoát quỳ ở đây đợi chết cho xong.

Sự việc xảy ra quá đột ngột, chúng tôi bó tay hết cách, chẳng lẽ ngồi đây đợi cát vàng chôn sống hay sao? Mùi vị ấy chắc không dễ chịu cho lắm. Đang lúc khoanh tay bó gối, Shirley Dương bỗng kéo tay tôi, chỉ về phía Tây, ra hiệu bảo ra đó xem sao.

Chỉ thấy trong gió cát ngập trời, một cái bóng trắng khổng lồ tiến lại phía chúng tôi, khoảng cách đã rất gần rồi, nhưng tiếng gió quá lớn, chẳng ai nghe thấy được. Tôi rút súng trường đeo trên lưng lạc đà xuống theo phản xạ, khẩu súng nòng nhỏ này được chuẩn bị để đối phó với bầy sói. Tất cả mọi người đều chẳng màng đến gió cát nữa, tập trung hết sự chú ý vào cái bóng trắng, đó rốt cuộc là thứ gì? Trông không giống người cho lắm.

Cái bóng trắng như một hồn ma, trong nháy mắt đã đến bên cạnh chúng tôi, đó là một con lạc đà cao to gấp ba lần lạc đà thường, trên lưng chỉ có một bướu, toàn thân một màu trắng tuyết, trong dải cát vàng lại càng thêm nổi bật.

"Lạc đà hoang!" Mấy người biết loài lạc đà này cùng thầm thốt lên trong dạ.

Lạc đà thường và lạc đà hoang ngoài thể hình khác nhau ra, điểm khác nhau lớn nhất giữa chúng chính là chiếc bướu trên lưng, lạc đà được con người nuôi có hai bướu, còn lạc đà hoang chỉ có một.

Qua lớp kính gió, tôi phảng phất như thấy đôi mắt lão Anliman lóe sáng, đó là những tia sáng vui mừng của kẻ tìm được sự sống trong cái chết, lão phấn khích hươ hai cánh tay lên giời ca tụng Đức Allah, những con lạc đà quỳ trên mặt đất dường như cũng được gọi dậy, nhấc đầu ra khỏi đống cát.

Tôi tuy không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng dùng trực giác lý giải hành động của chúng, chúng tôi vẫn còn cơ hội sống sót, chỉ cần đi theo con lạc đà hoang trắng như tuyết này là được, nó là loài động vật trong sa mạc này, chắc chắn biết ở đâu có thể tránh được gió cát đen của Hutai. Tôi lập tức ra hiệu cho những người còn lại trèo lên lưng lạc đà, chạy theo con lạc đà hoang phía trước.

Lũ lạc đà cúi đầu, chạy sùi cả bọt mép, dốc hết sức lực còn lại, bám sát con lạc đà trắng, vòng qua một đồi cát lớn, địa thế của sa mạc nơi đây đột ngột cao ngút, trong nháy mắt bóng con lạc đà trắng kia đã mất tăm.

Tôi thầm than không ổn, nó chạy mất dạng rồi, chúng tôi lại phiền to, xung quanh ngày một tối dần, đã chẳng thể phân rõ đâu là bầu trời, đâu là mặt đất, chỉ một hai phút nữa, bão cát đen ăn sống nuốt tươi mọi sinh mạng sẽ ập đến.

Chúng tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, đoàn lạc đà đã nháo nhác đổi hướng, đi vòng qua núi cát cao ngất, tôi nhìn hai bên, thấy ngay cạnh có một đoạn tường đổ nát, phía dưới là một lô cốt lớn bằng đất đầm, thì ra đây là di tích của một tòa thành cổ cỡ nhỏ.

Phần lớn kiến trúc đã bị cát vùi quá nửa, có những ngôi nhà đã sụp đổ, chỉ còn bức tường kiên cố sừng sững đứng đấy, mặc cho nắng gió bão bùng , chẳng biết trải qua bao nhiêu năm, đã chuyển thành màu sa mạc từ lâu. Từ xa nhìn lại, chỉ thấy đây là núi cát lớn, không nhìn từ bên cạnh thì vĩnh viễn không thể phát hiện ra được tòa thành cổ này.

Con lạc đà hoang trắng như tuyết kia vốn chạy vào đây lánh nạn, chẳng qua những bức tường đổ lụp xụp của tòa thành đã chặn mất tầm nhìn, khiến chẳng ai thấy được nó đã chạy đi đâu mà thôi.

Tường thành là một bức tường chắn cát cao ngất, nếu hỏi có thể trông cậy vào bức tường này để chống chọi với trận bão cát hiếm thấy trước mắt hay không, nói theo cách của lão Anliman thì "còn phải xem ý của Hutai thế nào đã". Tóm lại trong tình huống này, có được một nơi lánh mình cũng coi như ông trời có mắt lắm rồi.

Cả đoàn khảo cổ tạm xem như sống sót sau đại nạn, ai nấy mặt mày vàng nhợt, chẳng nhìn rõ là do sợ hãi, hay là do cát bụi bám lên nữa.

Mọi người leo xuống khỏi lưng lạc đà, lão Anliman ra lệnh cho chúng nằm phủ phục cạnh bức tường, sau đó dắt cả đoàn lần lượt trèo xuống một căn nhà lớn qua cái nóc đã vỡ toang. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Thành cổ tuy có bức tường thành ngăn cản gió cát, nhưng có chỗ bị sập bị đổ, bao năm như thế, một lượng cát lớn bị gió thổi vào thành, chất đầy trong những căn nhà vốn đã hư hỏng, tạo thành một lớp cát dày đến hơn hai mét.

Căn nhà lớn chúng tôi chui xuống lánh nạn, có thể là một dạng nha môn hay tòa thị chính, không gian tương đối cao rộng, tuy vậy, vẫn phải khom lưng xuống, chỉ cần hơi ngẩng đầu là đụng ngay phải rường nhà phía trên.

Diệp Diệc Tâm, Hách Ái Quốc, mấy người sức khỏe không tốt, vừa bước vào căn phòng đã nằm lăn ra đất, lôi bình nước ra uống, những người còn lại dìu giáo sư Trần xuống, thần trí của ông đã hồi phục, chỉ có điều hai chân mỏi rã. Tuyền béo thở dài một tiếng: "Mạng của chúng ta coi như nhặt lại được rồi."

Lão Anliman vừa vào phòng, lấp tưc quỳ sạp xuống, ma quỷ đến từ địa ngục đen tối thổi bão cát đen, đội ơn Hutai, đội ơn người đã phái lạc đà trắng may mắn tới, cứu chúng con thoát khỏi cơn ác mộng tai vạ này. Lão Anliman bảo lạc đà trắng một bướu là linh vật thần kỳ nhất của miền sa mạc, Thành Cát Tư Hãn, vua Tây Hạ Lý Nguyên Hạo, đều có lạc đà trắng, nhưng chúng đều có hai bướu, tuy hiếm thấy, nhưng không thể xem là thần kỳ.

Nếu trong đoàn có một người Hutai không thích, chúng ta cũng sẽ không thể gặp được lạc đà trắng, xem ra mấy người chúng ta đều là những tín đồ trung thành được Đức Allah chiếu cố, từ nay về sau mọi người phải coi nhau như anh em ruột thịt, đánh gãy xương thì còn liền gân. Lão Anliman vỗ ngực bảo đảm: "Nếu có nguy hiểm gì nữa, lão sẽ không bỏ mọi người tự mình tẩu thoát đâu."

Trong bụng tôi thầm chửi: "Mụ nội nhà lão, hóa ra lão già ngay từ đầu đã chẳng coi bọn ta ra gì, đảm bảo giờ mà có chuyện lão còn chạy nhanh hơn thỏ ấy chứ."

Trong lúc nói chuyện, trận bão cát bên ngoài đã tới, cuồng phong gào rít, nghiêng ngả đất trời, chúng tôi ở trong di tích thành cổ cũng khó tránh khỏi kinh hãi, chi e ngộ nhỡ bão cát vùi lấp lối ra, chẳng phải sẽ chết ngạt ở đây sao? Thế là tôi bố trí cho Táp Đế Bằng, Tuyền béo, Sở Kiện, ba người thay nhau trông lỗ hổng trên nóc nhà, hễ có tình hình gì, là phải mau chóng thông báo cho mọi người biết để chạy ra ngoài. Nhưng trong lòng ai cũng rõ, nếu cơn bão cát di chuyển cả sa mạc, bức tường thành phía trước bị nuốt trôi, thì chúng tôi có chạy được ra ngoài, cũng chẳng qua là tìm một chỗ khác để chôn mình mà thôi.

Dưới chân tường ngoài căn phòng mọc đầy cây ngải cát, một loài cỏ khô, tôi lách người ra tiện tay ngắt một nắm, lấy nhiên liệu rắn ra, nhóm một ngọn lửa nhỏ để mọi người sưởi ấm.

Căn phòng cổ tối đen như mực, được ánh lửa chiếu sáng, Diệp Diệc Tâm đột nhiên nhảy phắt dậy, đầu đập vào rường nhà, suýt nữa thì ngất lịm, trên cây rường rơi xuống vô số bui cát, những người ngồi dưới đều không đeo kính chắn gió, ai nấy đều bị bụi rơi đầy mắt.

Mọi người vừa dụi mắt, vừa hỏi Diệp Diệc Tâm xem bị làm sao, có dở hơi không.

Mắt tôi cũng bị cát bay vào, chẳng nhìn thấy gì, bên tai chỉ nghe thấy tiếng Diệp Diệc Tâm run rẩy bảo: “Có một xác chết ở góc tường bên phải!”

"Xác chết?". Hách Ái Quốc vừa dụi mắt vừa hỏi: "Tâm ơi là Tâm, có cần thiết sợ đến thế không? Dân khảo cổ chúng ta lại sợ xác chết à?"

Cát cũng bay vào mắt Diệp Diệc Tâm, cô nàng ôm đầu, xin lỗi nói: "Xin lỗi thầy Hách! Em... em không ngờ trong căn phòng này lại có người chết, chưa chuẩn bị tâm lý kỹ càng... em... em xin lỗi..."

Tôi nghe nói có cách chữa mẹo, khi bị dặm mắt, lập tức nhổ nước bọt là đỡ ngay, chiêu này trước đây tôi thử trăm lần cả trăm đều hiệu nghiệm, thế là tôi vội nhổ ngay một bãi nước bọt, cảm giác dặm mắt lập tức giảm dần, chảy khá nhiều nước mắt, nhưng cũng đã có thể mở được mắt ra.

Tôi vừa mở mắt, liền giật nảy cả mình, thì ra bãi nước bọt vừa rồi, nhổ đúng lên đầu Shirley Dương, cô ta là người ưa sạch sẽ, cho dù đi suốt ngày đêm trong sa mạc, nhưng cô nàng cũng luôn giữ thói quen vệ sinh sạch sẽ. Cũng may cô ta đang không ngừng dụi mắt, trong lúc rối loạn không để ý trên đầu mình bị người khác nhổ nước bọt vào.

Tôi đành giả bộ không có chuyện gì, vội lấy đèn pin trong túi đồ, đi lại chỗ góc tường, quả nhiên có một bộ xương người. Khí hậu trong sa mạc khô nóng dị thường, chẳng thể nhìn ra người này chết đã bao lâu, chỉ thấy bộ xương trắng bị vùi một nửa trong cát, một nửa lộ ra ngoài, bình tĩnh xem xét, quả thực cũng rất đáng sợ, thảo nào Diệp Diệc Tâm lại nhảy bắn lên như thế.

Lúc này những người còn lại cũng lần lượt mở mắt, lấy bình nước, dấp lên mắt rửa cho những người bị cát rơi vào quá nhiều, tôi bảo mọi người đừng lo, đây chỉ là một bộ xương người, không biết đã chết bao nhiêu năm rồi, đợi mọi người ăn uống nghỉ ngơi xong, đào cái hố chôn đi là xong.

Thành viên đội khảo cổ, ngoài lão Anliman ra, đều là người thường xuyên qua lại với xác chết, chẳng có ai sợ hãi gì, chỉ là có chút nghi hoặc đối với bộ xương nằm đây thôi. Người chết ở sa mạc rất ít khi rữa nát, đại đa số đều bị gió ngoài tự nhiên hong thành xác ướp, nhưng bộ xương trắng này chẳng còn chút da thịt nào, nói không chừng đã bị sói sa mạc ăn sạch rồi.

Lão Anliman cho rằng điều này không lấy gì làm lạ, lạc đà trắng chẳng phải đã chạy vào đây tránh bão cát đấy thôi, cũng may chúng ta theo được nó nên mới thoát nạn. Vùng này khác với vùng nửa sa mạc nửa hoang mạc ở Nhã Đơn, Lâu Lan, người ta tiến vào sa mạc đen miền Tây này, chỉ dám men theo đướng sông Khổng Tước cổ, không dám rời xa nửa bước, chỉ dựa vào sức mình, căn bản không thể tìm được tòa thành hoang phế này, nhưng những loài động vật trong sa mạc thì lại khác. Tòa thành hoang phế này, chắc chắn là nơi Hutai ban cho các động vật sa mạc để lánh nạn, chúng ta không thấy đó thôi, chứ sau tường những căn phòng nát này, không chừng có không biết bao nhiêu là sói, dê vàng, báo đang tránh nạn... Bây giờ trên trời đang nổi bão cát lớn, động vật đều sợ mất mật, nên chẳng con nào nhăm nhe con nào, đợi khi bão tan, có lẽ sẽ xảy ra chuyện sói và dê vàng đều nấp trong một căn phòng, khi ấy sói sẽ nhe răng ra, còn dê vàng cũng sẽ giương sừng trên đấu lại.

Nghe nói trong những gian nhà này có không ít thú hoang lánh nạn, mấy người nhát gan như Diệp Diệc Tâm đều hơi căng thẳng, lão Anliman cũng lo cho lũ lạc đà đang nấp sau tường thành, lão phải đội bão cát ra ngoài cột lũ lạc đà lại với nhau. Xem ra bão cát sẽ không chấm dứt sớm, cũng không biết phải nấp trong căn phòng này bao lâu, vậy là tôi bảo Tuyền béo và Sở Kiện cùng lão ra ngoài, nhân tiện khuân đồ ăn, nhiên liệu và túi ngủ vào đây. Truyện "Ma Thổi Đèn "

Ba người đeo kính gió, lấy khăn trùm đầu che kín mũi miệng tai, trèo ra theo lỗ hổng trên nóc nhà. Độ hai tuần hương, bọn họ quay lại, trên mình toàn đất cát, Tuyền béo tháo khăn và kính, ngồi phệt xuống đất: "Gió thổi dữ lắm, nếu ba bọn tôi không giữ chặt nhau, có khi nó cuốn cả ba lên trời rồi. Có điều ông già không lừa chúng ta, lúc bọn tôi đi qua một bức tường đổ, đằng sau đó có sáu bảy con dê vàng đang ẩn nấp, đợi lát gió dịu đi, tôi sẽ vác súng ra bắn hai con, mọi người ăn bữa thịt tươi, mấy hôm nay toàn là thịt khô, ăn đến phát ngán rồi."

Lão Anliman nghe vậy thì kiên quyết phản đối: "Không thể được, không thể được, cậu mà bắn, tiếng súng ấy mà, khiến lũ thú hoang lánh trong thành chạy hết à, chúng mà chạy, sẽ bị chôn sống trong cơn bão của ma quỷ à. Chúng ta và lũ động vật ấy cũng như nhau mà, đều là do Hutai khai ân, mới được trốn ở đây mà, cậu không được làm vậy à."

Tuyền béo đáp: "Được rồi được rồi, ông cứ ngồi yên đi, tôi cũng chỉ nói thôi mà, sao ông lắm lời thế, tôi tiếp tục ăn thịt khô, được chưa? Chắc không đến nỗi cả thịt khô cũng không cho ai ăn chứ?". Nói đoạn liền lấy thịt khô, đồ hộp, rượu trắng phát cho mọi người.

Chạy thục mạng trong sa mạc hơn nửa ngày, giờ lại bị bão cát vây khốn trong đống đổ nát của tòa thành vô danh này, ngoài Tuyền béo và lão Anliman, những người còn lại chẳng ai có bụng dạ ăn uống nữa. Tôi quan tâm đến giáo sư Trần, ông già cao tuổi nhất, trong sa mạc lại thiếu thuốc thang, tốt nhất là không xảy ra chuyện gì bất trắc. Tôi cầm túi da đựng rượu đến cạnh giáo sư, khuyên ông uống vài ngụm cho đỡ mệt.

Shirley Dương và Hách Ái Quốc đỡ giáo sư Trần ngồi dậy, mấy người học trò ngoài Sở Kiện đến lượt ra trông lỗ hổng trên nóc nhà ra, ai cũng quan tâm ngồi vây xung quanh giáo sư.

Giáo sư Trần dường như đã hồi phục, uống lấy hớp rượu, rồi cười gượng: "Nhớ ngày trước đi làm công tác bên ngoài, sau đó bị nhốt vào chuồng trâu hơn ba năm, rồi lại đến nông trường cải tạo lao động xẻ núi đào đá, bao nhiêu tội vạ chịu đựng cả rồi, nhưng vẫn đứng dậy được. Giờ già rồi, vô tích sự rồi, hừ, hôm nay may mà có anh Nhất đây, không có anh, chắc cái tấm thân già này bị chôn sống trong bão cát rồi."

Tôi an ủi ông mấy câu, bảo tôi không thể lấy không số tiền của Shirley Dương được, đây đều là chuyện trong phận sự, nếu ông cảm thấy thân thể khó chịu, chúng ta sẽ quay về sớm, vẫn còn kịp, chứ đi qua thành cổ Tây Dạ, là vùng trung tâm sa mạc đen, môi trường khắc nghiệt hơn đây rất nhiều, đến lúc ấy có hối cũng không kịp nữa.

Giáo sư Trần lắc đầu, tỏ ý kiên quyết đi tiếp, bảo mọi người chớ lo, bão cát như thế này trăm năm mới gặp một lần, không xảy ra thường xuyên, chúng ta đã lánh được, thì tai qua nạn khỏi, sau ắt có phúc lớn.

Tôi đang định khuyên thêm mấy câu, Shirley Dương đã kéo tôi ra một bên, nói nhỏ: "Anh Nhất, trước tôi thấy anh hơi trẻ để làm người dẫn đoàn, cũng lo anh không đủ năng lực và kinh nghiệm, hôm nay thì tôi biết rồi, đoàn trưởng dứt khoát phải là anh. Tôi có việc này mong anh giúp, hôm nay chúng ta đã nếm mùi uy lực của thiên nhiên, sĩ khí của mọi người giảm sút không ít, tôi mong anh có thể cổ vũ mọi người, khiến cả đoàn phấn chấn lại."

Việc này không dễ, nhưng bà chủ đã có lời, thì tôi cũng đành làm theo thôi. Lúc mọi người quây quần ăn uống, tôi mới nói: "Kính thưa... các đồng chí! Không khí của chúng ta lúc này có hơi trầm uất, dọc đường hành quân ta hát ca, là truyền thống tốt đẹp của quân ta, chúng ta hãy hát một bài được không nào?"

Mọi người nhìn nhau, đều lấy làm khó hiểu, nghĩ bụng chúng ta trở thành quân nhân từ lúc nào vậy? Truyền thống tốt đẹp của quân ta có liên quan gì đến chúng tôi? Hát trong tình cảnh này? Nhất thời chẳng ai phản ứng kịp.

Tôi nghĩ bụng hỏng rồi, ngớ ngẩn rồi, sao lại lôi cái trò ở đại đội ra đây, thế là vội chữa: "Không phải thế, là thế này, chúng ta nói chuyện phiếm được rồi, tôi sẽ tổng hợp báo cáo cho mọi người một trận đánh ở tiền tuyến."

Mọi người nghe tôi bảo định kể chuyện, đều thấy hứng thú, ngồi quây lại sát hơn, vừa ăn vừa nghe tôi nói: "Có một lần, chúng tôi nhận được một nhiệm vụ hết sức khó khăn, phải chiếm được cao điểm 306, trên cao điểm này có mấy chốt hỏa lực của quân địch, vị trí của bọn họ rất đẹp, nương dựa với nhau tạo thành một góc chết, pháo đạn quân ta không thể trực tiếp tiêu diệt, chỉ có thể phái bộ binh tấn công. Đại đội của tôi là đại đội 6, chúng tôi tấn công liên tiếp ba đợt, đều chẳng thành công, hy sinh mất bảy người, và hơn mười người bị thương. Đại đội chúng tôi là đại đội anh hùng nổi tiếng toàn sư đoàn, xưa nay chưa từng đánh trận nào dở cả, các chiến sĩ đều vô cùng suy sụp, chẳng phấn chấn lại được, tôi đang cuống lên, bỗng sư đoàn trưởng gọi điện, trong điện thoại chửi mắng té tát, hỏi đại đội có đánh được không, nếu không thì rút khỏi vị trí, rút luôn cả danh hiệu đại đội anh hùng đi, sư đoàn sẽ phái đại đội khác tới. Tôi nghe vậy đâu có được, liền gác máy, nghĩ ra một cách, tôi bảo các chiến sĩ rằng, vừa rồi Quân ủy Trung ương gọi điện, bảo rằng bác Đặng Tiểu Bình đã biết kỳ tích của đại đội Sáu chúng ta ở tiền tuyến, bác khen đại đội Sáu đánh thật oai hùng, nhất định sẽ chiếm được trận địa. Các binh sĩ vừa nghe, liền hỏi, sao? Bác Đặng Tiểu Bình biết đến đại đội chúng ta cơ à? Thế thì ta không thể để mất mặt bác Đặng được, bấy giờ mới lấy lại tinh thần, vừa xung phong lên đã chiếm được trận địa rồi."

Mọi người trong đoàn khảo cổ nghe đến đây, đều cảm thấy phấn khích, rối rít hỏi tình hình cụ thể diễn ra ở tiền tuyến thế nào. Tôi nói với mọi người: "Các đồng chí, tôi kể câu chuyện này có ý rằng, không có khó khăn gì có thể cản bước chúng ta, kẻ địch lớn nhất của chúng ta chính là bản thân mình, chỉ cần chiến thắng được sự sợ hãi của bản thân, chỉ cần khắc phục được nhược điểm của bản thân, sẽ nhất định giành được thắng lợi cuối cùng."

Dưới sự khuấy động của tôi, bầu không khí trầm uất lúc trước, cuối cùng cũng được phá vỡ, bão cát bên ngoài tuy dữ dội, nhưng những con người này đã không còn căng thẳng như ban nãy.

Ăn xong, đến lượt Táp Đế Bằng đi thay Sở Kiện đứng gác, tôi và Tuyền béo đi lo liệu cho bộ xương của người bị nạn, cứ phơi ra đấy, người trong phòng cũng thấy khó chịu, trước khi đi ngủ, cứ chôn đi thì hơn.

Giờ thời tiết khắc nghiệt thế này, không thể chôn bên ngoài được, chỉ có thể đào cát mà chôn đi thôi. Vừa đào được mấy nhát, xẻng công binh đã đụng phải đá, tôi cảm thấy có chút cổ quái, nền căn phòng này rất cao, trăm ngàn năm cát thổi vào chất đống lên lại càng cao, mới đào có mấy nhát sao đã đụng phải đá?

Hất đất cát ra xem, chỉ thấy một khối đá đen thui, đào tiếp sang hai bên thì lại chẳng thấy có đá nữa. Hách Ái Quốc và mấy người khác thấy vậy, cũng chạy lại giúp, cùng động tay động chân, đào sâu hơn nửa mét, trong cát vàng, lộ ra một cái đầu tượng đá màu đen.

Đầu người này phải to bằng hai cái đầu người bình thường cộng lại, mắt hình quả trám, thuôn dài, tỉ lệ quá lớn so với ngũ quan trên khuôn mặt, trông rất mất cân đối. Đỉnh đầu không có mũ, chỉ vấn hai búi tóc, vẻ mặt hết sức thanh thản, không có vẻ hỷ nộ ái ố gì, vừa giống như tượng thần được thờ cúng trong đền miếu, vừa giống như người đá đặt trên đường núi vào lăng tẩm cỡ lớn, nhưng phán đoán theo vị trí của tượng đá trong căn phòng này, thì khả năng thứ nhất có vẻ nhiều hơn.

Tôi thắp một ngọn đèn măng sông, giáo sư Trần đến xem, rồi bảo Hách Ái Quốc: "Cậu xem cái tượng đá này, có phải trước đây ta đã thấy ở đâu rồi không nhỉ?"

Hách Ái Quốc đeo cặp kính cận lên, xem xét cẩn thận: "À, đúng rồi, Tân Cương từng khai quật một khu mộ hàng ngàn quan tài, trong ấy cũng có người đá giống y thế này, đôi mắt rất đặc biệt, khác hẳn với người thường, đây chắc là tượng đá mắt to đó đây."

Ở các vùng Thiên Sơn, A Lặc Thái, lưu vực sông Hòa Điền thuộc Tân Cương cho đến vùng thảo nguyên Mông Cổ, đều phát hiện ra tượng đá mắt to này, về nguồn gốc của chúng, nay đã không thể khảo chứng, từng có học giả chỉ ra đây có lẽ là một vị thần nào đó mà người Mông Cổ sùng bái. Theo sử sách ghi chép, ở sa mạc có một hành cung bí mật của Hốt Tất Liệt, gọi là "Hương cung", tượng người đá này đầu tiên được thờ trong Hương cung ấy. Nhưng về sau trải qua bao nhiêu năm, theo cùng với sự phát hiện của những di tích và mộ cổ có niên đại sớm hơn nữa, người ta đều thấy trong đó có tượng người đá mắt lớn, và đánh đổ giả thiết "Hương cung" kia. Có người bảo đây là di vật của người Đột Quyết để lại, nhưng cuối cùng cũng vẫn không có cách giải thích xác đáng, đây thành ra một trong vô số những bí ẩn khôn giải của lịch sử khảo cổ.

Mấy sinh viên trong đoàn khảo cổ chưa từng thấy tượng đá mắt to, đều lấy bút ra ghi ghi vẽ vẽ vào vở, rồi bàn bạc định đào nốt đống cát phía dưới, để xem toàn thân bức tượng. Hách Ái Quốc giảng cho họ một số kiến thức liên quan, bảo hôm nay mọi người mệt cả rồi, nghỉ ngơi trước đã, ngày mai đợi cơn bão kết thúc, thu dọn đống cát trong căn nhà, xem xem có phát hiện được gì hay không.

Tôi chọn chỗ khác đào cát lên, chôn cất bộ xương của kẻ gặp nạn, trên mình người này không có bất kỳ thứ gì có thể chứng minh được lai lịch và thân phận, ngay cả tấm bia mộ đơn giản cũng chẳng có cách nào làm cho người ta, hừm, ở nhà sống sung sướng có thích hơn không, lại lang bạt trong sa mạc này để bị đày đọa, thôi thì hãy yên nghỉ ở nơi này đi!

Tôi coi đồng hồ, đã xế chiều rồi, cơn bão cát ngoài trời vẫn rít lên không ngừng, vả lại có chiều hướng càng ngày càng mạnh lên, không chừng thổi cả đêm cũng nên.

Ngoài Táp Đế Bằng canh gác ra, những người còn lại đều xoa cát mịn vào chân rồi chui vào túi ngủ đi nghỉ, cách này học được từ lão Anliman, ở sa mạc, nước là vàng ròng, rửa chân chỉ có thể dùng cát mịn. Tôi ra tìm Táp Đế Bằng đang gác dưới lỗ hổng trên trần nhà, bảo anh ta ngủ đi một lúc, tôi gác thay.

Tôi ngồi ở góc tường, ôm súng trường thể thao vào lòng, đề phòng có thú hoang đột nhiên lẻn vào tấn công, vừa hút thuốc vừa nghe tiếng gió rít ngoài trời, nghĩ chuyện giáo sư Trần và mấy người phải tiếp tục tiến sâu vào trong sa mạc, lại thấy đau đầu, ai mà biết phía sâu trong sa mạc đen kia ẩn chứa bao nhiêu nguy hiểm và cạm bẫy. Hôm nay gặp bão cát mà không có ai thương vong, đây quả thực có thể coi là kỳ tích rồi.

Tôi nghĩ đến ngây cả người, hút hết điếu này tới điếu khác, chẳng biết ngồi bao lâu, sắc trời ngoài kia đã đen kìn kịt, tiếng gió vẫn to như thế, tựa như tiếng gào khóc của vô số ma quỷ, chốc chốc lại có đám cát rơi vào trong các hốc trên trần, cơn gió này mà không ngưng lại, e rằng bức tường đổ ngoài kia sẽ bị bão cát nuốt mất.

Lúc này tôi phát hiện ra Shirley Dương đã tỉnh giấc, cô thấy tôi ngồi canh ở góc tường, liền bước lại, xem chừng định nói chuyện vói tôi. Ngày thường, tôi rất ít khi nói chuyện với cô, chủ yếu là bởi cô và Tuyền béo, hai người không hợp nhau, nhìn thấy nhau là thấy chướng mắt, cho nên ngoài những khi cần thiết, chúng tôi chẳng mấy khi nói chuyện với cô bao giờ, nói sai gì cô ta trừ tiền công, thì cũng đủ mệt rồi.

Vì phép lịch sự, tôi chào cô, Shirley Dương bước tới hỏi tôi: "Anh Nhất này, anh cũng đi nghỉ một lúc đi, tôi trông thay anh hai tiếng."

Tôi bảo không cần đâu, đợi chốc nữa tôi gọi Tuyền béo ra gác thay, cô cứ đi nghỉ tiếp đi, thế nhưng cô ta lại ngồi đối diện với tôi, rồi bắt chuyện.

Có một việc tôi vẫn muốn hỏi cô ta, vì sao cứ phải tìm đến tòa thành cổ đó, có thể tòa thành ấy đã biến mất từ lâu lắm rồi, bao năm nay không có ai nhìn thấy, bố cô và mấy nhà thám hiểm khác, chắc gì đã mất ở trong thành, trong sa mạc có thể gặp bất cứ nguy hiểm gì, muốn tìm lại di thể của những người gặp nạn lạc đường thực sự rất khó, vả lại trong sa mạc đen kia còn có trăm điều bí ẩn chưa lý giải được. Tôi từng đọc một vài tờ báo, nói có ba nhà thám hiểm đến đấy, rồi mất tích, sau rất nhiều năm, người ta mới tìm thấy thi thể của họ bên rìa sa mạc, ba người đó đều chết do mất nước, nhưng kỳ lạ là trong bình của họ vẫn còn hơn nửa bình là nước. Những sự việc tương tự rất nhiều, sự hiểu biết của con người chúng ta về sa mạc quả thật còn quá ít, các loại động vật trên sa mạc rất nhiều, có những loài còn chưa phát hiện được. Chúng ta cứ gắng sức tìm là được rồi, cho dù không tìm được, cũng không phải quá trách mình làm gì.

Shirley Dương gật đầu: "Anh nói rất có lý, nhưng tôi từ đầu chí cuối vẫn tin chắc đoàn của bố tôi đã tìm thấy thành cổ Tinh Tuyệt, bởi sau khi ông mất tích trong sa mạc, tôi không chỉ một lần mơ thấy một hang động đen ngòm, miệng hang có treo một cỗ quan tài lớn, trên quan tài khắc toàn chữ Quỷ Động, còn buộc rất nhiều xích sắt lớn, trên quan tài còn úp thứ gì đó rất lớn, tôi không nhìn rõ là thứ gì, mỗi lần định căng mắt ra nhìn cho rõ vật ấy, là tôi lại tỉnh giấc. Hơn nửa năm nay, tôi hầu như đêm nào cũng mơ thấy cảnh đó, tôi tin rằng bố tôi đã báo mộng, cỗ quan tài ấy nhất định là của nữ vương Tinh Tuyệt."

Tôi nghĩ bụng sao người Mỹ lại mê tín thế nhỉ, còn tin vào chuyện báo mộng nữa chứ, nhưng thấy vẻ mặt của cô nghiêm túc, nên không dám phản bác, chỉ an ủi vài câu, rồi chuyển chủ đề, hỏi xem nước Tinh Tuyệt kia rốt cuộc là thế nào.

Shirley Dương kể: "Bố tôi và giáo sư Trần là bạn thân lâu năm của nhau, hồi còn trẻ họ là bạn học, có chung niềm say mê văn hóa cổ Tây Vực. Năm 1948, bố tôi và gia đình di cư sang Mỹ, sau Cách mạng Văn hóa, ông mới lần đầu quay lại Trung Quốc. Hồi ở Mỹ, bố tôi từng mua một lô văn vật, đều là văn vật quý giá được các nhà thám hiểm châu Âu khai quật trong sa mạc Tân Cương khoảng đầu thế kỷ 19. Những nhà thám hiểm châu Âu đó từng phát hiện ra một di tích thành cổ ở gần ốc đảo Nê Nhã, theo khảo chứng thì di tích và văn vật ở đó đều từ thời Hán, suy đoán dựa theo một số manh mối, nơi đó rất có thể chính là di tích của nước Tinh Tuyệt, quốc gia cường thịnh nhất trong ba mươi sáu nước Tây Vực khi xưa. Bố tôi và giáo sư Trần trải qua nhiều năm nghiên cứu đã suy đoán di tích Nê Nhã bất quá chỉ là một thành phố thuộc nước Tinh Tuyệt, còn thành phố trung tâm nước Tinh Tuyệt phải nằm ở phía Bắc Nê Nhã, hạ du sông Từ Độc. Bố tôi hy vọng trong lúc còn sống có thể đích thân tìm đến di chỉ thành cổ Tinh Tuyệt này, nên mới mạo hiểm tổ chức một đoàn thám hiểm tiến vào sa mạc. Còn về thành cổ từng một độ huy hoàng bậc nhất này, ghi chép còn giữ được tới ngày nay đã không còn nhiều. Nước Tinh Tuyệt là thủ lĩnh liên minh các quốc gia nhỏ vùng Tây Vực hồi đó. Những nước nhỏ đó, nhìn theo con mắt bây giờ bất quá chỉ là một vài tòa thành lớn nhỏ hình thành một cách tự nhiên trên tuyến đường thông thương mà thôi, mỗi một thành coi như một nước, nước lớn mạnh nhất trong số tất cả các nước nhỏ kia chính là Tinh Tuyệt. Người Tinh Tuyệt chủ yếu là người dân tộc Quỷ Động, ngoài ra còn xen lẫn dân tộc thiểu số khác, sau khi vị nữ vương cuối cùng của nước Tinh Tuyệt chết đi, tòa thành này cũng chìm luôn trong biển cát. Là bị hủy hoại bởi thiên tai, hay bởi chiến tranh, đều không thể biết được, cứ như quốc gia này chưa từng tồn tại vậy. Cho đến tận trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, có một nhà thám hiểm người Anh, dẫn đoàn thám hiểm của mình tiến vào sa mạc Taklimakan, cuối cùng chỉ còn một mình ông ta sống sót trở về. Thần trí của ông ta hoàn toàn suy sụp, nhưng qua mấy tấm ảnh trong máy cùng những dòng nhật ký, thì đã chứng thực được sự tồn tại của thành cổ Tinh Tuyệt là có thật. Cũng có người từng định đi tìm dựa theo manh mối này, nhưng ngay sau đó Thế chiến thứ hai bùng nổ, cho đến ba bốn năm gần đây các đoàn thám hiểm mới có cơ hội tiến vào sa mạc tìm kho báu và di tích." Truyện "Ma Thổi Đèn "

Shirley Dương lấy một bọc nhỏ đưa tôi xem, tôi đón lấy mở ra, bên trong là mấy tấm ảnh đen trắng đã hoen vàng, và một quyển sổ cũ kỹ toàn tiếng Anh. Nước ảnh rất mờ, thấp thoáng vẫn nhận ra trong bức ảnh là một thành phố trong sa mạc, ở giữa là một tòa tháp, chi tiết cơ hồ như đều không thể nhìn rõ.

Tôi hỏi Shirley Dương, đây lẽ nào là... Shirley Dương gật gật đầu nói: "Đúng thế, đây chính là những tấm ảnh và nhật ký của ông Walt, nhà thám hiểm từng đích thân tới thành cổ Tinh Tuyệt, mà bố tôi đã mua lại từ nước Anh. Những thứ này cũng cho chúng ta một ít manh mối, chỉ có điều trong cuốn nhật ký này chỉ viết đến đoạn đoàn người tới hạ du sông Từ Độc và nhìn thấy một tòa thành to lớn, chuẩn bị sáng sớm hôm sau tiến vào thám hiểm, sau đó thì chẳng viết gì nữa, không biết họ đã gặp chuyện gì trong di tích thành cổ, và vì sao cuối cùng chỉ còn lại một người may mắn sống sót nhưng thần trí thất thường trở về."

Tôi và Shirley Dương cứ mải mê nói chuyện, tình cờ phát hiện, ớ góc tường có đèn măng sông chiếu sáng, con mắt của tượng người đá mắt to có cái đầu to tướng kia hình như động đậy, đã một ngày hai đêm không chợp mắt, lẽ nào tôi hoa mắt ư?
Bình Luận (0)
Comment