Mạn Đà La Hoa

Chương 1.2

Miền Cực Lạc còn được gọi là đảo Thánh Phật, là vùng đất thiên nhiên tách ly khỏi thế gian trần thế, là nơi yên bình chú ngự của các vị tôn sùng đạo phật.

Tại nơi đây mọi thứ sạch sẽ như được tạo ra từ nước, ví như ngôi nhà vàng của Phật A Lai Hải, trên đỉnh mái nhà có thác nước chảy ngược xuống, cuốn theo những đóa hoa sen trôi đến dòng sông xa xôi.

Hay như là tòa tháp vàng xây trên đồi, bao năm tháng ngày đỉnh tháp luôn bao bọc bởi tấm lưới nước trong vắt như gương, khi có ai chạm vào lưới nước tức khắc sẽ nổi lên sóng nước như lũ lụt nhấn chìm cả một vườn hoa rộng mênh mông dưới chân núi. Ở miền Cực Lạc này đi đâu cũng sẽ thấy những ngôi nhà xây gần lân cận. Mái ngói đen, tường gỗ, gạch đá vàng, đó đều là đặc điểm chung dễ chú ý nhất, nếu đứng từ chỗ cao nhất nhìn xuống thì sẽ thấy những ngôi nhà ấy như là một thôn làng thu nhỏ.

Miền Cực Lạc không so được với tiên cảnh trên thiên giới, không bằng được chốn phù hoa náo nhiệt như trần gian, nhưng ở nơi đây có thứ mà những nơi khác không thể có đó là sự sạch sẽ thuần khiết không nhiễm bụi trần, tựa như dòng sông trong veo vậy, bất kể có vẩy bao nhiêu máu và bùn cát vào trong nước thì đáy hồ vẫn luôn gột rửa sạch sẽ.

Nơi đây không thích hợp cho thần tiên, không dành cho người phàm, nhưng là nơi của các vị phật ngự tọa trên tòa sen thanh khiết.

...

Trời chỉ vừa ẩm chút sắc nắng, con chim bồ câu tên Mò Bào đã thức dậy chui ra khỏi cái tổ ấm của nó, như mọi ngày, nó vỗ cánh bành bạch, cái mỏ dài xấu xí kêu ình òi bằng thứ tiếng chỉ có đồng loại của nó mới hiểu.

Tôi ngáp một cái, lồm cồm ngồi dậy bò ra khỏi đầm sen, cả người mệt mỏi không còn sức đứng vững. Cả ngày hôm qua tôi đã thức trắng cả đêm chỉ để canh chừng cái tổ của con chim Mò Bào, không phải ngắm nghía bộ lông xù xì của nó mà vì ngóng trông được nhìn thấy nó đẻ trứng. Đáng tiếc sự cố gắng bỏ ra chỉ được nhận kết quả không như ý muốn, trong khi tôi vất vả mở to mắt dòm cái tổ đến gần sáng thì con chim bồ câu Mò Bào kia lại ngủ ngon lành. Tôi không biết hoa tiên và loài chim có thù oán hay không, nhưng tôi chắc chắn một điều đó là tôi và con chim bồ cầu này là xung khắc không thể nào hòa hợp được.

Vì đuối sức tôi nằm bẹp xuống bục sen bảy cánh, mí mắt nặng trĩu buồn ngủ vẫn gắng mở ra. Tôi đang nghĩ có khi nào chim bồ câu Mò Bào này biết tôi muốn quả trứng của nó nên nó mới cố ý không chịu đẻ ra?

Tôi xoa cằm, rất có khả năng! Con chim Mò Bào này rất thông minh, nó còn hiểu tôi nói gì nữa mà. Buồn bực trừng mắt liếc nó, trong khi tôi còn giận thì nó đang ngâm mình trong ao hồ sen với vẻ hưởng thụ.

Cái thái độ vênh mặt đó thật đáng ghét.

Thở dài một tiếng, tôi trở mình nằm úp lên bục sen, lập tức hương thơm của cánh sen xông vào mũi, nhàn nhạt thơm mát, thật là dễ chịu cả người. Tôi hít vào một hơi thật mạnh, hai mắt nhắm lại tận hưởng cảm giác thoải mái này.

Không khí xung quanh dần trở nên ấm hẳn, hương sen trong hồ càng lúc càng tỏ ra mùi nồng lấn át những mùi thơm của loài hoa khác, khiến chóp mũi của tôi giờ đây chỉ ngửi thấy mỗi hương cánh sen, thơm nồng đến nổi cái mũi nóng lên và thấy nhói. Bỗng tôi ngửi thấy một mùi hương còn nồng và thơm hơn hương sen, đôi mắt lim dim chợt mở ra.

Tôi quay lại nhìn thì thấy từ xa có người đi tới, tôi mím môi cười, lập tức đi xuống bục sen, chạy về phía người đó.

"Ngài Đà La ơi!" Tôi reo lên, đôi chân trần giẫm lên mặt nước, lạch bạch chạy đến ôm lấy cánh tay ngài.

Tôi vùi mặt mình trong lớp vải tay áo mềm mại của ngài, cái mũi hít ngửi mùi hương thanh mát chỉ thuộc riêng về ngài Đà La.

Ngài nhìn tôi, ánh mắt sâu thẳm và trong như đáy hồ. Tôi níu lấy tay ngài, líu ríu nói:

"Con đã bóc hết một giỏ hạt sen như ngài dặn, ngài Đà La thấy con có giỏi không?"

Ngài Đà La tiếp tục nhìn tôi rồi ngài hỏi:

"Được bao nhiêu hạt?"

Tôi ngớ ra, bắt đầu xòe hai tay ra tính từng ngón rồi lẩm bẩm đếm, tôi càng đếm mặt càng ủ rũ, một giỏ hạt sen có quá nhiều, tôi không nhớ là có bao nhiêu hạt.

"Con không biết..." Tôi buồn buồn trả lời.

Ngài không nói gì tiếp, xoay người bước đi, tôi vội lẽo đẽo theo sau. Ngài im lặng nhìn về phía trước còn tôi thì vừa đi vừa ngắm ngài.

Ngài Đà La rất cao, tôi nhón người lên cũng chỉ đứng tới eo ngài mà thôi, da ngài trắng lắm, bóng như cánh sen vậy, tóc ngài đen và thật mượt, êm ả như dòng nước trong, còn dài nữa, trải tuốt tới mép chân ngài. Tôi dừng bước lùi lại ra sau, khom người cầm lấy từng ngọn tóc của ngài, gôm hết vào lòng để ôm. Tôi không dám đi quá nhanh sợ làm đau ngài, cứ thế tôi chầm chậm đi còn ngài thì dẫn đường để tôi theo.

Chỗ ngài đi tới là vườn đào tiên, khắp nơi trồng rất nhiêu cây đào, quả nào quả nấy cũng to và có màu hồng căng mọng. Đi được vài bước bỗng ngài đứng im, tôi theo đó cũng không dám đi tiếp. Đột nhiên ngài ngoảnh mặt lại nhìn mái tóc đen tôi đang ôm, rồi ngài lại nhìn sang tôi.

Tôi vội buông mái tóc ngài ra, đi qua ôm lấy cánh tay ngài, tò mò hỏi:

"Ngài Đà La muốn hái đào tiên sao?"

Ngài không trả lời mà đi đến gần một gốc cây đào to mọc nhiều lá xanh tươi, giơ tay ra vuốt nhẹ quả đào. Tôi ngước lên nhìn quả đào rồi nhìn ngài, thèm thuồng xin:

"Con có thể ăn một quả hay không?"

Ngài Đà La đã hứa rằng chỉ cần tôi bóc hết vỏ hạt sen thì ngài sẽ hái một quả đào cho tôi ăn. Tôi đã bóc hết cả một giỏ rồi nên phải được thưởng chứ nhỉ? Tôi nghĩ liệu có phải ngài Đà La cố ý tới đây để hái đào cho tôi không? Tôi mừng thầm, bèn đứng đó đợi, quả nhiên sau đó ngài đã hái một quả đào xuống rồi đặt vào trong tay tôi.

Tôi cười hì hì, cầm quả đào vuốt ve cẩn thận.

"Cảm ơn ngài Đà La."

Ngài lạnh nhạt nhìn xa xăm về một hướng, tôi nhìn theo tầm mắt ngài, thấy có tòa kim tháp vàng đứng sừng sững trên ngọn đồi, trên đỉnh tháp đang phát sáng ánh màu trắng chói lòa.

Một tay tôi ôm quả đào vào lòng, tay kia nắm lấy tay ngài, nhìn ngài rồi mỉm cười:

"Hội pháp chùa sắp bắt đầu rồi."

Ngài Đà La nắm lấy tay tôi, cất bước đi ra khỏi vườn đào. Trên con đường dài đằng đẵng, ngài Đà La dắt tay tôi đi qua nhiều ngã rẽ ở miền Cực Lạc, đôi tay ngài ấm áp bao bọc bàn tay nhỏ bé của tôi, dù có đi xa đến đâu ngài cũng chưa từng buông tay tôi ra.

Tôi không nhớ mình đã ở bên cạnh ngài Đà La được bao lâu rồi, năm trăm năm hay một ngàn năm, hoặc có lẽ lâu hơn, năm ngàn năm rồi chăng? Lắc đầu cười cười, tôi nghĩ mình đâu cần phải nhớ, dẫu rằng có qua bao nhiêu năm đi nữa thì tôi vẫn sẽ ở bên ngài Đà La mãi mãi mà thôi.

Tôi ngồi trên tảng đá, chống cằm nhìn ngài Đà La đang ngồi thiền trên tọa sen bảy cánh, hai mắt ngài nhắm nghiền, hai tay đặt bên đùi, tựa như một bức tượng không bị lung lay. Xung quanh ngài là những cánh hoa sen bay phấp phới, dưới tọa sen là ao đầm nước trong vắt, trong ao còn có vài con cá chép màu đỏ bơi qua bơi lại.

Tôi duỗi hai chân ra vì ngồi quá lâu, bóp eo bóp tay, cả người mệt rã rời, đây không phải lần đầu tôi ngồi thiền nghe hội pháp chùa thuyết giảng, nhưng mỗi khi ngồi chờ là tay chân tôi cứ như là bị nghiền nát, không mệt mỏi thì cũng là nhức nhói. Tôi từng hỏi ngài Đà La, vì sao ngài ngồi thiền thì không mệt không mỏi, đến phiên con lại thấy đau cả người?

Ngài Đà La trả lời rằng: "Bởi tâm con chưa tịnh."

Tôi không hiểu ý ngài nói, hỏi thế nào là tâm chưa tịnh?

Ngài không trả lời tôi mà im lặng nhìn vùng trời rạng ánh đỏ vàng. Tôi không biết ngài nhìn mây để làm gì, xuyên qua bầu trời mênh mông, ngài Đà La muốn tìm nơi nào sao?

Là chùa vàng, ngưỡng cửa đi vào cõi phật, hay là chúng sinh ở trần gian?

Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu thế nào là tâm tịnh và không hiểu tại sao ngài Đà La cứ hay hướng mắt về phía vùng trời bao la kia.

Thình lình có tiếng chuông dội tận trời kéo dài không điểm ngừng, vang vọng truyền vào tai làm tôi giật cả mình, cũng làm tôi quên béng mình vừa suy nghĩ tới chuyện nào. Tôi vội xếp bằng ngồi ngay ngắn, chăm chú nhìn về phương xa, loáng thoáng thấy tòa kim tháp vàng đứng sừng sững trên ngọn đồi cao vót nhất ở miền Cực Lạc.

Hội pháp chùa thường được diễn ra vào các ngày mùng tám tháng chạp, khi thuyết giảng phật pháp bắt đầu sẽ kéo dài đến tận ba ngày mới kết thúc. Trong ba ngày đó tôi phải ngồi thiền trên bục sen, không ngủ không ăn càng không được đứng dậy.

Tôi buồn bã nghĩ, tay chân tôi chắc sẽ đong cứng mất.
Bình Luận (0)
Comment