Triều đình từ lâu đã cấm loại dược này, bất cứ thanh lâu hay kỹ viện nào cũng đều là mục tiêu trọng điểm bị khám xét, mỗi năm đều có người đến kiểm tra kỹ càng. Ta cũng không biết Thúy Hạnh lại lấy được thứ này từ đâu.
Đáng tiếc, nàng chưa kịp dùng thì đã bị chuốc thuốc độc mà chec.
Ta lấy được nó khi đến phòng Thúy Hạnh lấy lại chiếc túi của mình.
Khi biết thứ bột này là gì, ta không khỏi có những suy tính khác trong đầu.
Ta hít sâu, trấn an Lan Tâm, nhẹ nhàng nói: "Đừng lo, tuy rằng loại bột này khó chế, nhưng gần đây ta tìm được chút nguyên liệu, tỷ tỷ đợi sẽ có thôi. Chỉ có điều—"
Ta tỏ vẻ khó xử, Lan Tâm sốt sắng kéo ta quay lại: "Rốt cuộc là chuyện gì?"
Thở dài một tiếng, ta mới đáp: "Dù có thể chế ra thêm ít nữa, nhưng đây không phải là cách lâu dài. Tỷ tỷ, tỷ phải nghĩ đến cách khác thôi."
Bằng không, khi tiêu cốt tán hết, không còn những nam nhân say mê nàng nữa, dù là hoa khôi, nàng cũng sẽ có ngày bị người ta chán ghét.
Khi ấy, chưa nói đến chuyện gì khác, chỉ riêng thái độ của nàng đối với mụ tú bà suốt thời gian qua cũng đủ khiến hậu quả khó lường.
Lan Tâm hoảng hốt đến phát khóc, nàng lay mạnh vai ta: "Ta không quan tâm, Nhạn Châu, ngươi phải giúp ta! Ngươi không thể không giúp ta!"
Ta bóp chặt chiếc khăn trong tay, giữ lấy tay nàng: "Đương nhiên rồi, thực ra ta đã có sẵn một kế hoạch, tỷ tỷ gần đây…"
Lan Tâm ghé tai lại gần, ta không nhịn được nở nụ cười.
Cuối cùng ta cũng nói cho nàng nghe một cách.
Năm thứ sáu ta ở Xuân Lan Các, bà lão giúp việc tìm đến.
Bà ta cười nói, năn nỉ mụ tú bà, chỉ bảo là đến tìm một cô bé mù.
Không biết bà ta gom được ít bạc vụn từ đâu, cầu xin mụ tú bà rủ lòng thương để chuộc ta về.
Khi mụ tú bà gọi ta lên lầu hai, ta vẫn chưa nghĩ ra cách đối phó.
Mụ tú bà cầm mấy đồng tiền trên bàn, vừa gặm hạt dưa vừa bước tới gần ta, phun vỏ hạt vào mặt ta, rồi cười nhạt: "Nhạn Châu, người bà lão này tìm đúng là ngươi nhỉ? Ta cho ngươi một nén nhang, tự lo liệu mà giải quyết chuyện này."
Ta ngoan ngoãn gật đầu, mụ tú bà liền quay lưng bỏ đi.
Ta nghe thấy bà ta lẩm bẩm chửi: "Mấy đồng cỏn con mà muốn chuộc người khỏi tay ta, gặp mặt thôi đã thấy lỗ vốn rồi."
...
Tiếng bước chân dần xa, ta biết mụ tú bà thật sự đã rời khỏi.
Bà ta nghĩ rằng, một lão bà và một cô bé mù yếu ớt thì có thể làm gì nên chuyện.
Bà lão vội vàng bước tới, nắm c.h.ặ.t t.a.y ta.
Ta có thể cảm nhận ánh mắt bà ta đang gắt gao dõi theo đôi mắt mù của ta.
Cuối cùng, bà ta giơ tay tát ta một cái.
Ta hơi nghiêng mặt, cảm thấy đau buốt, nhưng lại chẳng sinh lòng oán hận.
Bà lão nói: "Ta thương ngươi còn nhỏ dại, không trách ngươi. Nhanh lên, theo ta đi, ta đưa ngươi đi báo quan, bà ta không làm gì được chúng ta đâu. Ngươi vẫn trong sạch, đi mau..."
Bà ta kéo mạnh tay ta, nhưng ta không hề nhúc nhích.
Ta chỉ đứng đó, thản nhiên gạt tay bà ta ra: "Ta không hiểu bà có ý gì. Bà đã lớn tuổi rồi, mất sáu năm trời để tìm ta thật quá hoang đường. Dù cho có chút tình nghĩa chủ tớ, thì bà cũng chẳng phải là chủ của ta, thậm chí cũng chẳng phải là của mẫu thân ta. Huống hồ bà chẳng thích ta, mà ta cũng không thích bà, vậy nên không cần bà phải làm đến mức này."
Giọng nói già nua của bà lão run rẩy: "Lạc Du, bà biết đã trách lầm ngươi rồi. Bà lẽ ra phải nghe lời mẫu thân ngươi. Bà biết Lạc Du không phải đứa trẻ hư..."
Ta cười khẩy: "Bà nói ta không hư? Ta thấy bà sống đến già nên đã lẩm cẩm mất trí à? Mắt ta mù, nhưng tâm bà mới thực sự mù lòa!"
Ta cười nhạt, nét mặt lạnh lùng như băng.
Bà lão lại khóc: "Con ơi, sao con cứ phải nói những lời tổn thương người khác như vậy? Sao con lại tự đẩy mình vào chốn sa đoạ này? Mẫu thân con đặt tên cho con là Lạc Du, là muốn con đừng bước vào con đường đau khổ của bà ấy, nhưng con đã làm gì? Tội nghiệt, đúng là tội nghiệt!"
Bà ta khóc nức nở, dùng đôi tay già nua đầy nếp nhăn vuốt nhẹ lên đôi mắt của ta, nước mắt rơi lã chã: "Đều là lỗi của ta, lỗi của ta không trông nom được con…"
Ta không tránh, bởi vì có nhiều việc không cần suy nghĩ cũng đã biết khó khăn ra sao.
Giống như một người hầu đã bị ép bán làm nô lệ nhưng lại được thả rông. Những năm qua bà ta sống ra sao, làm thế nào để gom góp được chút bạc đó đến Xuân Lan Các.
Dù bà ta có từng thích ta hay không, giờ đây cũng chẳng còn quan trọng nữa. Một lão bà đã qua tuổi ngũ tuần, bao năm qua phải tuyệt vọng thế nào mới đặt hy vọng vào một thanh lâu.
Nhưng ta chỉ có thể cho bà ta một đáp án càng tuyệt vọng hơn.
Ta nói: "Bà đi đi."
Bà lão hỏi ta: "Ta biết đi đâu?"
"Đi đâu cũng được, chỉ cần đừng đến tìm ta nữa là được."
"Bà phải làm sao đây…"
Bà ta phải làm sao đây…
Ngày hôm sau, bà lão treo cổ trước cổng Xuân Lan Các.