Mariana

Chương 4

Trưa hôm sau, tôi ước gì mình đã lau chùi bộ ấm trà theo lời nói tùy tiện đã đưa ra hôm trước. Thực tế, tôi đã ước gì mình kịp lường trước mà mua một bộ ấm chén ngay từ đầu. Do đó, tôi đành phải dùng chiếc ấm nâu sứt sẹo cũ mèm cùng một bộ cốc sứ mỗi cái một kiểu không mấy ăn nhập với đĩa, để chiêu đãi các vị khách của mình.

Đương nhiên là nhà tôi có khách rồi. Những người đến đầu tiên, vào lúc chín giờ, là ông Ridley, nhân viên môi giới nhà đất, và vợ ông ấy, hai người rõ ràng thức dậy từ sớm khi mang theo một đĩa bánh bao Bath[1] vẫn còn ấm khỏi lò. Nối gót họ là Jerry Walsh và Eva - người vợ đáng mến của ông cùng hai lọ thạch nho đen; rồi Arthur và Marie Walsh bê một đĩa bánh quy sô cô la. Vài người khác đến và đi như gió, bao gồm cả bà Hutherson lớn tuổi có giọng nói dịu dàng, người cho tôi hai tá bánh nướng bơ hoa quả và những lời chúc tốt đẹp nhất của mình. Tất cả mọi người đều vô cùng tốt bụng, thân thiện và nắm bắt tin tức cực kỳ tốt.

[1] Loại bánh ngọt có hình tròn giống chiếc bánh bao rắc nho khô trên vỏ bánh, rất nổi tiếng ở khu vực Bath thuộc nước Anh.

“Sách thiếu nhi, phải không cháu?” Bà Hutherson khẽ giọng hỏi. “Cháu tài hoa thật đấy.” Đôi mắt xanh của bà gợi lên một nét thân thuộc trong ký ức của tôi, nhưng bà đã đi trước khi tôi kịp hình dung ra mối liên hệ.

Cặp đôi lặng lẽ đến cuối cùng đem theo chai rượu mâm xôi được lợi nhất khi tha hồ lựa chọn món. Bàn cà phê trong phòng khách của tôi lúc này đầy ắp các tặng phẩm thức ăn khiến bất cứ ai cũng nghĩ tôi đã bỏ ra hàng giờ để chuẩn bị cho buổi tiệc trà thiết đãi hàng xóm.

Bất cứ nghi ngờ nào còn sót lại trong đánh giá của các vị khách về nhân phẩm của tôi cuối cùng đã được gạt bỏ, một cách dứt khoát và bất ngờ, bởi chuyến ghé thăm của anh trai tôi, với phần cổ áo đặc trưng của các mục sư và trông ngoan đạo đến tột độ. Thực tế, ngoan đạo đến mức tôi nghi ngờ liệu có giáo dân nào của anh ấy nhận ra anh ấy nữa không.

Chẳng mấy chốc, sau buổi trưa, đám đông cũng vãn dần, Tom ngả lưng trên ghế và vòng hai tay sau đầu.

“Chúc mừng em”, anh nói. “Anh ở trong làng đến một tuần trời thì hàng xóm mới thèm vây lấy anh. Em mới ở đây được bao lâu? Hai ngày à?”

“Em chuyển đến từ thứ Ba, nên đây là ngày thứ ba. Thả chân xuống bàn cà phê giúp em đi.”

“Xin lỗi.” Anh ngoan ngoãn nhúc nhích đôi giày. “Anh hy vọng chuyến tạt ngang không làm phiền em. Anh nghĩ mình nên gọi trước.”

“Anh không chọn thời điểm nào thích hợp hơn được đâu.” Tôi đảm bảo. “Em nghĩ anh đến còn gây hiệu quả tuyệt vời kìa. Vào giờ uống trà, toàn thị trấn sẽ biết em có người nhà làm mục sư.”

Hừm. Hoặc em đang hẹn hò với người đó.” Tom cười nhăn nhở. “Trí tưởng tượng của dân làng cực kỳ kinh khủng, em thừa biết còn gì.”

Tôi lờ anh đi. “Hôm nay là ngày nghỉ của anh à?”

“Ừ. Anh giao giáo khuvào bàn tay vị cha phó mới kế nhiệm tài năng, anh chàng Ogilvie trẻ tuổi. Em sẽ thích cậu ấy, Julia ạ. Ogilvie bớt tẻ nhạt hơn người phụ trách của cậu ấy rất nhiều. Đương nhiên, với các giáo dân thì tầm nhìn của cậu ấy có hơi hạn chế một chút, nhưng là người tốt.”

“Tốt chán so với cha phó trước đây còn gì”, tôi đồng ý với sự cảm thông. “Michael gì đó, đúng không nhỉ? Theo phái Hạ Giáo hội[2], không bao giờ mỉm cười, luôn sôi sùng sục với lửa địa ngục và đọa đầy hả?”

[2] Nguyên tác: Low Church - một phái thuộc Giáo hội Anh không coi trọng quyền lực của giám mục.

“Là người đó.”

“Mà có chuyện gì xảy ra với anh ta vậy?”

“Anh sắp xếp để chuyển cậu ta lên một giáo khu phía bắc. Anh cảm giác mình đã hoàn thành quá trình hành xác”, Tom vừa mỉm cười vừa nói. “Thôi, trở lại chủ đề ngày nghỉ. Anh đã hứa với cha mẹ tuần này sẽ đến xem em thu xếp ra sao. Thế nào rồi?”

“Rất tốt, cảm ơn anh. Em nghĩ đã dọn xong gần hết các phòng tầng dưới rồi.”

“Trông rất đẹp.” Anh để ánh mắt lang thang khắp căn phòng rộng lớn, ngập ánh mặt trời. “Quả là một ngôi nhà đáng yêu. Anh bị ấn tượng đấy. Em sẽ dẫn anh đi thăm thú một chuyến, hay”, ánh mắt anh rơi trên chiếc bàn đầy ụ thức ăn, “để anh phải giúp em lau dọn trước?”

Tôi đảm bảo là việc lau dọn có thể chờ và bắt đầu chuyến thăm thú trong căn phòng chúng tôi đang ngồi.

“Ừm, đây, đương nhiên là phòng khách”, tôi nói. “Em cần mua một tấm thảm to hơn để bảo vệ sàn nhà, và những tấm rèm đương nhiêu sẽ phải…”

“Anh hiểu.” Tom nghiền ngẫm trong lúc nhìn lớp vải hoa sặc sỡ. “Dẫu vậy, riêng các khung cửa sổ cũng đẹp sẵn rồi. Và anh thật sự thích lò sưởi. Chỗ này thông với đâu vậy?” Anh ra dấu về cánh cửa ngách trên bức tường phía xa.

“Phòng ăn.” Tôi dẫn anh đi qua.

“Julia!” Giọng anh tôi đầy thán phục. “Em lấy chạn bát này đâu ra vậy?”

“Trông được phết nhỉ? Nó có sẵn trong nhà.”

Chạn bát từ cuối thời Victoria, làm từ gỗ óc chó chắc nịch, cao gần hai mét tám, mặt trên của nó chạm trần trát thạch cao của phòng ăn. Tôi đoán nó có sẵn trong nhà bởi phải dùng đến cần trục mới đưa được nó vào đây. Món đồ duy nhất hoàn toàn nổi trội trong căn phòng dài khiến người ta khó để ý tới chuyện căn phòng này không bàn không ghế. Ở mỗi bên chạn bát, hai dãy cửa sổ cao nhìn ra bãi cỏ phía sau, càng làm tăng ấn tượng về vẻ tao nhã.

Từ phòng ăn, chúng tôi đi qua cánh cửa vẩy[3] vào phòng bếp đơn giản và bụi bặm với kho chứa nhỏ, rồi thông qua hành lang hẹp để vào sảnh trước ốp gỗ. Sau ít phút rẽ ngang vào phòng đọc, nơi Tom có thể dễ dàng chiếm cứ cả ngày mà tôi thì kiểu gì cũng không lôi anh ra được, chúng tôi bước lên cầu thang chéo để lên tầng.

[3] Loại cửa mở được theo cả hai chiều.

“Hiện tại em chưa động tay tí nào trên này từ ngày chuyển vào”, tôi cảnh báo, “nên vài phòng có thể bừa bộn một chút. Nói chung, anh đừng mong đợi nhiều”.

“Những cái trần nhà khỉ gió.” Tom hụp người quá muộn nên vừa bước lên đỉnh cầu thang anh vừa bóp đâu. “Làm cho người tí hon chắc. Em có bao nhêu phòng ngủ?”

“Bốn. Nhưng em chỉ dùng hai thôi. Hai phòng kia”, tôi chỉ những cánh cửa sát tay trái của chúng tôi, “hiện tại dùng để chứa đồ”.

“Rất hợp lý.” Tò mò hơn bao giờ hết, Tom thò đầu vào phòng đầu tiên và chăm chú nhìn quanh. Nó là một căn phòng dài và hẹp, ngăn khỏi phòng tôi bởi cầu thang lên gác mái chạy sau lưng bức tường. Ánh sáng chiếu qua khung cửa sổ đôi khi bị chắn một phần bởi những tán lê mọc sát mặt tiền ngôi nhà. Phòng làm kho chứa còn lại choán hết vạt trước phía nam, tuy chỉ có một số cửa sổ nhưng nó được bù lại với sự hiện diện của lò sưởi khác.

“Em phải học cách bổ củi đi thôi”, bình luận của anh làm tôi nhăn nhó.

“Còn lâu ấy, Tom. Anh nhìn em nhóm lửa trước đây còn gì. Cả nhà sẽ cháy ngùn ngụt như nến La Mã mất.”

Tom cười toe toét và cúi người nghiên cứu mặt lò sưởi khắc gỗ. Để anh ở đấy, tôi hướng đến cánh cửa tiếp theo, dẫn đến căn phòng nhỏ ở góc đằng sau tôi chọn làm xưởng vẽ. Tôi vẫn chưa buồn kiểm tra dụng cụ lẫn các trang thiết bị, khi đã quả quyết không nghĩ đến công việc trong tuần đầu tiên, nhưng rồi tôi đột ngột nhận ra rằng bởi Tom đang ở đây, nên tôi có thể ép anh ấy ráp bàn vẽ cho mình.

Bình thường, tôi không vô dụng đến thế nếu phải thực hiện các công việc mang tính kĩ thuật, nhưng đây là một bàn vẽ đặc biêt - được phát minh bởi một nhà thiết kế Thụy Điển tàn bạo - luôn cố vùi dập mọi nỗ lực cao độ của tôi, bỏ tôi ngồi nản chí và vô dụng giữa đống ống crom la liệt, đủ loại dụng cụ hỗn hợp, và một cái then gì đó được đề cập trong các chỉ dẫn.

Nhân tiện, tôi tươi tỉnh nghĩ, tôi thực sự cũng chưa nhìn thấy đội chuyển đồ mang chiếc bàn lên trên tầng. Có lẽ nó bị thất lạc trong khi vận chuyển. Tôi mở cánh cửa xưởng vẽ, bước vào căn phòng và đứng khựng lại vì bối rối.

Chẳng có gì ở đây. Đại khái không có thứ gì của tôi. Ngoại trừ một chiếc giường hẹp và thấp kê sát bức tường cuối phòng cùng một tủ đựng quần áo kiểu cổ đặt trong góc, căn phòng hoàn toàn trống rỗng.

“Kỳ quái thật”, tôi nói lớn.

“Cái gì kỳ quái?” Anh tôi hỏi vọng lại.

“Đồ đạc này không phải của em”, tôi trả lời khi băng qua hành lang để đến phòng ngủ phía trước. “Họ phải để các thứ trong xưởng vẽ của em vào một trong các phòng này. Đáng lẽ phải có một giá vẽ, bả vẽ và cái ghế to đùng xấu xí đó. Em không thể hình dung nơi…”

Giọng tôi nhỏ dần khi tôi lục lọi giữa đám hộp và bóng anh trai lướt qua tôi vào trong hành lang.

“Julia”, anh tôi gọi một lát sau đó. “Lại đây.”

Tôi thấy anh đang đứng ngay ngưỡng cửa của xưởng vẽ, hai tay chống lên hông. “Nào”, anh nói, khi tôi đến chỗ anh, “em nhìn thấy cái gì?”

Tôi nhìn, cật lực chớp mắt và nhìn lại. Tất cả đều ở đây - chiếc giá vẽ, nội thất trong xưởng, đống hộp màu lộn xộn, bút lông và giấy…tất cả mọi thứ, như nó luôn ở đó. Hơn nữa, cũng không thấy dấu vết nào của chiếc giường hay tủ quần áo.

“Em không uống tí rượu nặng nào đây chứ?” Tom trêu chọc.

“Nhưng mà anh Tom”, tôi ngơ ngác lắc đầu, “quả thực những thứ này một phút trước còn không có trong đây”.

Anh nhìn tôi, mặt có vẻ âu lo, và khi cuối cùng lên tiếng, giọng anh mất đi tính giễu cợt. “Nghe này”, anh nói, “sao chúng ta không đợi thêm một lúc nữa mới tiếp tục chuyến tham quan nhỉ? Em hẳn đã kiệt sức sau sáng nay rồi”.

“Em không điên.”

“Đương nhiên là em không điên. Còn sức pha một ấm trà không?”

Tôi buồn bã theo anh xuống tầng.

“Anh không bảo em sai. Anh cũng không nói em không thấy những gì em bảo mình thấy. Anh chỉ nghĩ rõ ràng có nguyên do hợp lý cho những gì em bảo mình được chứng kiến thôi.”

“Em hiểu”, tôi nói. “Chẳng hạn như?”

Tom nhún vai. “Anh không biết. Em mệt mỏi, em đã thúc ép bản thân quá sức… Tối qua em đi ngủ lúc nào?”

“Muộn”, tôi thừa nhận. “Nhưng em không thể tin có gì đó liên quan…”

“Thế sáng nay dậy lúc mấy giờ?”

“Hơn sáu giờ một chút. Nhưng…”

“Thì đấy”, anh nói, giơ cả hai bàn tay để nhấn mạnh luận điểm của bản thân. “Em có ngủ đủ đâu.”

Quá quen với tính khí của anh trai, tôi đợi cho đến khi trà pha xong và chúng tôi ngồi đối diện nhau bên chiếc bàn bếp, trước khi tôi dám cãi lại.

“Thực tế là”, tôi khẳng định, “em ngủ đẫy ra ấy. Em thực sự chẳng mệt gì hết. Em còn chẳng hoàn thành công việc thực thụ nào từ lúc chuyển đến kìa, em chỉ mới mở vài thùng đồ thôi”.

“Em trông có vẻ mệt.”

“Tom”, tôi mỉm cười trước sự ngoan cố của anh, “nghe em này. Em nghỉ ngơi thực sự đầy đủ. Em ngủ mụ cả người đi đây này. Nhân tiện nhắc đến thì đêm nào em cũng nằm mơ”.

“Thật á? Nghe không mấy bình thường với em nhỉ? Anh tưởng có mấy khi em nằm mơ đâu.”

“Có lẽ là do khí hậu vùng quê.”

“Loại giấc mơ nào vậy?”

“Em thực sự không thể nhớ hầu hết trong số chúng”, tôi đáp, thoáng nhăn mày khi uống tách trà của mình. “Một trong số chúng về sao chổi, em nghĩ thế. Phải, đúng rồi… có hai ngôi sao chổi, nối tiếp nhau, và mọi người kháo rằng có điều gì đó khủng kiếp sắp xảy ra. Freud[4] nói gì về những giấc mơ xuất hiện sao chổi vậy anh?”

[4] Signund Freud (1856-1939) là bác sĩ người gốc Do Thái - cha đẻ của liệu pháp trị liệu tâm lý.

“Không phải Freud.” Tom lắc đâu. “Là Jung[5]. Mà anh thực sự cũng không biết nữa. Anh không nghiên cứu tâm lý học. Điều nhắc anh”, anh đột ngột ngồi vươn về trước, “thứ Bảy tới, Rod Denton định tổ chức một bữa tiệc tối tại nhà cậu ta ở Luân Đôn”.

[5] Carl Gustav Jung (1875-1961) là bác sĩ tâm lý người Thụy Sĩ có những phát kiến quan trọng trong việc lý giải bí ẩn của những giấc mơ.

“Làm sao giấc mơ về sao chổi của em có thể nhắc anh đến bữa tiệc tối của Rod Denton được?”

“Rod có nghiên cứu về tâm lý học ở trường đại học”, Tom giải thích. “Cùng nhiều thứ khác.” Roderick Denton tốt nghiệp Oxford cùng thời điểm với anh tôi, nhưng khác với anh tôi, anh ta được định trước cho những đeo đuổi mang tính trần tục hơn. Anh ta đã cưới con gái của một Bá tước, được thừa kế một ngôi nhà ở Belgravia[6], và đạt được thành công nhất định trong giới tài chính.

[6] Một phần phía tây trung tâm Luân Đôn, nơi tập trung rất nhiều nhà cửa lẫn cửa hàng sang trọng của các đại sứ quán của nước ngoài.

“Đại khái”, Tom tiếp tục, “các bữa tiệc của cậu ta thường khá là vui vẻ. Anh nghĩ em có thể muốn đi cùng anh. Đi ra ngoài chơi một ngày sẽ tốt cho em đấy”.

“Anh làm như em đã ở lì tại đây hàng tuần liền rồi không bằng.’

“Anh chỉ nghĩ”, anh bắn cho tôi cái lườm tăm tối, “rằng em có thể nghỉ ngơi một chút và thoát khỏi đống việc này thôi”.

“Hừm, thực ra em có thể đi”, tôi thừa nhận, uống cạn tách trà với một nụ cười. “Cảm ơn anh. Anh nói thứ Bảy tới phải không? Mấy giờ?”

“Tiệc cocktail vào sáu giờ ba mươi. Em nhớ chỗ cậu ta sống chứ?”

Tôi gật đầu. “Vậy nếu anh muốn, em sẽ gặp anh ở đây. Em chắc Cheryl sẽ vui vẻ giữ em lại một đêm. Em có thể gửi xe ở chỗ cô ấy, ngay trên quận Islington[7] và đi tàu điện ngầm xuống chỗ của Rod. Anh thấy có được không?”

[7] Quận ở đông bắc Luân Đôn, đa phần dân cư là tầng lớp trung lưu.

“Được.”

“Tốt rồi. Anh đã sẵn sàng cho phần còn lại của chuyến thăm thú chưa?

“Em có chắc còn đủ sức không thế?”

“Đương nhiên rồi. Bên cạnh đó”, tôi vừa nói vừa thân thương choàng cánh tay lên vai anh trai, “em muốn anh ngó qua cái bàn vẽ của em”.

Anh nhíu mày. “Anh trông thấy rồi còn gì.”

“Nhìn thật gần cơ, anh hiểu ý em chứ.”

Tom tóm được ngụ ý của tôi và nặng nhọc thở hắt ra. “Đừng nháy mắt với anh, cưng à, anh nhìn một cái là biết có bẫy ngay.” Anh dẫn đường lên cầu thang và tôi nghe thấy một tiếng chửi thề báng bổ kinh hãi khi mái đầu đen của anh chạm phải trần nhà thấp lần thứ hai.

“Cũng may cho em”, anh bảo, khi ngoác miệng cười và quay lại nhìn tôi, “hàng xóm không ở quanh để nghe câu vừa rồi”.

Chiều muộn hôm đó, thêm một lần nữa tôi lại thơ thẩn trên con đường hẹp dẫn vào làng, vừa đi vừa hướng mặt về phía ngọn gió và mê mải trong bầu không khí thôn dã mát rượi và thơm ngát thổi vào hai lá phổi đóng bụi của tôi.

Tom ra về cách đây gần một giờ. Phần còn lại của chuyến ghé thăm của anh đã trôi qua êm ả - tôi không bị thêm ảo giác nào nữa và nhẹ nhõm hơn hẳn là mọi căn phòng chúng tôi bước vào đều y chang như cũ. Sau cùng, tôi phải khẳng định là anh trai tôi hẳn đã nói đúng. Tôi kết luận, Tom có một thói quen không thể chịu được là chẳng bao giờ nhầm. Có lẽ tôi đã thúc ép bản thân quá sức, cố gắng thực hiện quá nhiều việc cùng lúc nên mới bị như vậy.

Tôi đã lên kế hoạch sẽ dọn dẹp tàn dư từ buổi tiệc trà ngẫu hững ban sáng, rửa chén đĩa và thử bịt lại lỗ rò trong nhà tắm sau khi anh trai tôi đi, nhưng thay vào đó, tôi quyết định nghe theo lời khuyên của Tom và rời ngôi nhà một lúc.

Ý định ban đầu của tôi là ghé qua quán Sư Tử Đỏ để ăn nhẹ và tán gẫu với Vivien, nhưng ánh nắng rạng ngời và con đường cứ dang tay vẫy gọi, và một khi càng dấn bước, tôi lại càng có cảm giác muốn đi dạo hơn.

Tôi vượt qua quán Sư Tử Đỏ, văn phòng nhà đất của vợ chồng Ridley và Stewart, cùng một dãy cửa hàng khác. Đi thêm một quãng ngắn, khung cửa đá đồ sộ dần nhô lên bên tay phải của tôi, cánh cổng sắt hé mở đầy lôi cuốn. Một con đường đất nhỏ hẹp uốn mình khuất dần vào khu bóng râm mát lạnh, được tạo thành nhờ tán cây gọn ghẽ như được dệt từ hai hàng cây san sát mọc nối tiếp nhau đang tỏa bóng mát. Đây, tôi nghiêm túc thừa nhận, hẳn phải là lối vào tòa trang viên lừng danh.

Kháng cự cám dỗ xâm nhập vào bên trong, tôi kiên quyết quay trở lại đường Thượng rải sỏi. Để hôm nào khác đủ thời gian thăm thú trang viên đi, tôi tự nhủ. Bên cạnh đó, Vivien cũng đã nói người chủ sở hữu tòa lâu đài đang đi vắng. Ở Pháp. Tốt hơn nên đợi anh ta quay lại rồi hãy thực hiện chuyến tham quan bên trong lâu đài tử tế. Tôi bước lên khung cửa có mái che bằng gỗ khác lạ vừa thán phục lúc trước, đẩy rộng cánh cửa khép hờ và lặng lẽ vào nghĩa địa nhà thờ.

Hiếm địa điểm nào ở nước Anh được yên ả và đẹp lạ thường như một nghĩa trang nơi thôn dã, nơi đây thường xuân mọc dày đặc trong những góc tối và rải rác khắp các phiến đá hao mòn, bề mặt chạm khắc của chúng gần như không thể đọc nổi sau vô số năm dãi dầu trước nắng mưa. Có rất nhiều phiến đá nằm chênh vênh, nghiêng sang một bên như những người canh gác say rượu. Một vài hoàn toàn lật nhào khỏi trụ và được cẩn thận dựng chống vào bức tường bao quanh nhà thờ.

Tự bản thân nhà thờ cũng nhỏ nhắn và giản dị, nó là một tòa nhà tương đối thấp làm từ những phiến đá bạc thếch và sở hữu một ngọn tháp vuông vức có lỗ châu mai. Một tấm áp phích viết tay phai màu dán lên cửa cho biết đây là nhà thờ St. John, hoạt động vào các tối Chủ nhật và thứ Bảy. Chỉ cần một cú đẩy là cánh cửa gỗ sồi to bản đã ngoan ngoãn kẹt mở trên các bản lề sắt nặng nề, cho tôi thấy không gian đơn sơ bên trong, tuy vậy vẫn mang lại ấn tượng về một khoảng không rộng lớn. Ánh chiều muộn rót qua ô cửa kính hẹp nhiều màu và tắm những bức tường đá trơ trụi trong làn ánh sáng ấm áp và rực rỡ.

Những bước chân vang vọng một cách lạ thường, chẳng khác gì thực tại đang xâm phạm vào nơi yên ả thần thánh này khi tôi chầm chậm bước vào trung tâm nhà thờ, đọc những cái tên đáng chú ý trên tấm bia đá vuông ghi danh dưới chân mình: Staynor, Alleyn, Hatch, de Mornay…

Một âm thanh dữ dội nổ ra, tôi ngẩng phắt đầu lên và giật mình ngó quanh, trái tim đập điên cuồng trong lồng ngực. Chỉ là một con chim bồ câu, tạm thời bị mắc kẹt đằng sau bức bình phong làm lễ, quẫy cánh trong hoảng loạn trước khi tìm được lối thoát và vội vã bay ra ngoài qua ô cửa hé mở.

Trái tim từ từ quay trở lại nhịp đập bình thường, để lại cho tôi cảm giác hơi váng vất, với tiếng chuông ngân đều đều trong tai, như thể tôi chực ngất đi. Nhà thờ nhỏ chan hòa ánh nắng đột nhiên mang lại cho tôi cảm giác ngột ngạt không khác gì trong một lăng mộ và tôi loạng choạng trở ra ngoài, hớp từng ngụm không khí vào hơi thở sâu hãy còn run rẩy của mình.

Trong trạng thái hỗn loạn, tôi quay lưng lại đường Thượng và phát hiện bản thân đang dấn bước trên con đường đất rợp bóng râm từ những cây sồi sừng sững đang xào xạc trong cơn gió xoay vần. Gương mặt ướt đẫm mồ hôi, và khi tôi chống bàn tay lên một thân cây thô ráp để nghỉ tạm thì có một âm thanh rầm rập vọng lại rõ ràng bên tai. Tiếng rầm rập kia mỗi lúc một to hơn, nhịp nhàng hơn cho đến khi có thể nhận ra là tiếng vó ngựa nện trên nền đất chắc nịch. Ngước lên, tôi thấy một người cưỡi ngựa đang tiến đến. Một con ngựa xám đang chở người đàn ông cao to mặc quần áo đen.

Tôi chớp mắt, tầm nhìn nhòe nhòe. Con ngựa đã đổi màu, giờ không phải xám nữa mà là màu hạt dẻ, có chiếc bờm mượt mà và chiếc đuôi đen. Người đàn ông cưỡi ngựa cũng hơi khác, giống như đất sét rót từ khuôn này sang khuôn khác, đường nét của anh ta lờ mờ trong những vạt râm của con đường. Dẫu người đàn ông càng lại gần hơn, tôi vẫn không thốt nên lời hay di chuyển một chút nào, chỉ đứng cắm rễ tại chỗ và trợn mắt nhìn như một đứa đần độn.

Bóng ma đó tiến gần, gần hơn nữa, cho đến khi con ngựa bị ghìm lại trước mặt tôi. Tôi nhìn lên. Mặt trời đang nằm ngay trên đầu người cưỡi ngựa. Xuyên qua các tán cây, ánh nắng tạo nên một vầng hào quanh chói lòa quanh mái đầu đen của người đàn ông, và tôi cảm giác được, hơn là nhìn thấy, nụ cười của anh ta. “Xin chào”, anh ta nói. “Cô hẳn là hàng xóm mới của tôi. Tôi là Geoffrey de Mornay.”

Ngay tức khắc, tôi quên mất các phép tắc xã giao. Tôi đưa tay lên, mỉm cười với anh ta rồi lăn đùng ra như chết dưới chân con ngựa của anh ta.
Bình Luận (0)
Comment