Mắt Âm Dương I

Chương 11

Dương Hoài Ngọc vừa nãy còn mải xem xét chiếc đèn bằng đồng, lúc này mới bước đến, nhìn thấy chiếc giá sắt nằm giữa bình đài, cô buột miệng:

- Sao cái này nhìn giống máy bay thế nhỉ?

Vương Uy kinh ngạc, máy bay thì anh đã thấy, nhưng nó không giống với thứ này, đây không thể là máy bay được. Dương Hoài Ngọc lại nói:

- Máy bay có nhiều loại, có thể các anh chỉ thấy máy bay chiến đấu, mà cái giá sắt này lại có cấu tạo rất giống tàu lượn thời kỳ đầu. Tàu lượn hồi ấy không có động cơ, hoàn toàn chỉ hoạt động dựa vào năng lượng khi lao từ trên cao xuống mà thôi. Hồi còn nhỏ, tôi sống gần bảo tàng không quân Hoàng gia Anh quốc, từng thấy mô hình tàu lượn ban nhất, nó rất giống với cái giá sắt này.

Vương Uy bước lên trước, sờ tay vào khung thép trên giá, vừa sờ vào tay đã bám đầy gỉ, lớp gỉ này phía trên là gỉ đồng màu xanh, bên dưới là gỉ sắt màu đỏ, có lẽ cái giá sắt này được mạ đồng thau. Cấu tạo của cái giá rất đơn giản, ngoài những khung tam giác lồng vào nhau, chỉ có đôi cánh sắt đang khép lại trên lưng là tương đối phức tạp mà thôi, thứ này rất khó có thể gọi là máy bay, lại càng khó hình dung nó có thể bay lên trời.

Vương Uy đi vòng quanh cái giá mấy vòng, trong khi Dương Hoài Ngọc cầm đuốc dạo quanh bình đài xem còn có gì đặc biệt nữa không. Cô đi một vòng rồi quay lại, nói với Vương Uy:

- Anh Uy, nơi này không phải bình đài và con đường đâu, mà là một cánh tay của bức tượng.

Vương Uy ngớ ra hỏi:

- Sao lại nói thế?

Dương Hoài Ngọc nói:

- Tôi đến sát mép bình đài, thấy đầu mút phía trước của bình đài có năm ngón tay hơi co lại, nhìn rất cân xứng với nhau, trông giống bàn tay người lắm.

Vương Uy suy nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Trên bàn tay tượng đặt một con chim sắt để làm gì? Lẽ nào nó thật sự có ý nghĩa đặc biệt gì ư?

Dương Hoài Ngọc lắc đầu. Lúc này, thình lình cái giá sắt rung lên kịch liệt, Vương Uy giật mình hoảng hốt, vội giương súng nhằm vào khối đen đen ở giữa cái giá sắt.

Đôi cánh chim sắt bỗng hơi xòe ra cụp lại vài ba lần, cuối cùng “rụp” một cái cụp vào rồi không thấy cử động gì nữa.

Hai người trố mắt nhìn cảnh tượng trước mắt, con chim sắt như một sinh vật sống vậy, mới rồi nó ra sức vẫy vùng, lẽ nào đang muốn bay lên?

Bấy giờ, con chim sắt lại từ từ di động, lùi về phía sau. Vương Uy hoảng hốt, vội đưa tay ra níu lấy thanh sắt bên cạnh, không ngờ đà kéo của con chim sắt này rất mạnh, lôi tuột cả Vương Uy về phía sau, khiến anh loạng choạng mấy bước.

Dương Hoài Ngọc giơ đuốc soi xuống cái giá sắt bên dưới chân con chim, nói:

- Thì ra có bánh xe…

Vương Uy đứng vững giơ đuốc lên soi, thấy giá đỡ con chim sắt có bốn cặp trục bánh xe, mỗi giá đối xứng với một cặp trục. Bánh xe bằng sắt gắn với trục trơn nhẵn lạ thường, không chút han gỉ, xem ra nó thường xuyên di động trên bình đài này, dù có gỉ sắt cũng bị bong hết cả.

Tuy đôi cánh chim đã xếp lại, nhưng vẫn rất lớn, trên bình đài này gió rất lớn, hễ có gió thổi qua, đôi cánh ấy lại xòe ra như cánh buồm, khiến chim sắt xoay chuyển bốn phía, ngọn đèn cũng theo đó mà di động, nhìn từ xa hệt như ma trơi.

Dương Hoài Ngọc nói với Vương Uy, cô đã kiểm tra cây đèn đồng, thấy bên ngoài đèn có một cái chụp sắt, trên chụp sắt là miếng ngói thủy tinh nửa khép nửa mở. Miếng ngói thủy tinh trơn nhẵn lạ thường, cô ngửi mùi dầu trong đèn, thấy hình như là mỡ người đã qua xử lý. Mỡ người có thể cháy rất lâu, không dễ bị loãng, lúc thắp lên cho ngọn lửa rất to. Nhưng con chim sắt này nếu không được đưa lên đây trong lúc kiến tạo bức tượng thì sau khi bức tượng đã tạc xong, sẽ không thể cẩu một vật lớn như vầy lên đến độ cao này nữa. Căn cứ vào những dòng chữ Tạng cổ trên ngực bức tượng thì ngọn đèn này rất có thể đã cháy từ mấy trăm đến hơn một nghìn năm nay rồi.

Chim sắt di chuyển chừng hơn chục mét thì gió trên bình đài lặng dần, chim sắt cũng dừng lại. Tuy chim đã dừng nhưng đám đen đen ở bụng nó vẫn không ngừng cựa quậy, hình như bên trên có thứ gì đó.

Vương Uy đưa mắt ra hiệu cho Dương Hoài Ngọc, hai người một phải một trái đến gần con chim sắt, một tay cầm đuốc, một tay cầm súng. Lúc này sương mù trên bình đài đã bị gió thổi tan khá nhiều, tầm nhìn cũng xa hơn. Vương Uy đứng bên dưới cái giá, tựa hồ thật sự trông thấy ở giữa cái giá có một vật gì đó đang cử động.

Anh giơ tay ra hiệu cho Dương Hoài Ngọc cầm súng quan sát động tĩnh trên kia, nếu đối phương có địch ý thì lập tức nổ súng. Còn anh thì giắt súng vào lưng, trèo lên khung sắt, leo lên được chừng bốn năm mét thì từ từ đến gần bụng chim. Nơi bụng chim có một chỗ lõm vào như cái bầu vậy, anh nằm bò phía dưới cái bầu đó, thấy nó được làm từ một tấm sắt rất lớn, có gì đó đang vùng vẫy bên trên, khiến tấm sắt phát ra tiếng lạch cạch ngay bên tai anh.

Vương Uy giẫm lên một thanh sắt, lặng lẽ leo lên mép cái bầu bằng sắt, anh cắm bó đuốc vào một khe hở bên dưới giá sắt, đoạn giơ súng quát vọng vào trong:

- Đứng im, giơ tay lên!

Bên trong cái bầu lạihao đảo loạn lên làm cả chiếc giá sắt hình tam giác bên dưới cũng nghiêng ngả theo, khiến Vương Uy suýt nữa rơi xuống. Vương Uy nổi giận, liền chĩa súng bắn vào trong một phát. Vừa nghe tiếng súng của Vương Uy, Dương Hoài Ngọc lập tức cảnh giác, giương súng định bắn.

Bấy giờ, trong cái bầu bằng sắt bỗng vang lên tiếng nói yếu ớt:

- Người anh em, tôi đây, mau cứu tôi với…

Vương Uy đứng rất gần cái bầu sắt, nghe rõ mồn một tiếng nói kia, tức thì tim đập thình thịch, còn kích động hơn cả lúc xông pha phá vòng vây của kẻ địch năm xưa, tiếng nói ấy chẳng phải của Nhị Rỗ hay sao?

Như bị điện giật, Vương Uy vội xông vào trong bầu sắt, diện tích cái bầu khá rộng, anh lấy bó đuốc gài ở giá sắt bên dưới giơ lên soi, chợt trông thấy một người đang cuộn mình như con tôm, hai tay chống lên mặt bầu sắt.

Vương Uy bước tới kéo Nhị Rỗ dậy nhưng Nhị Rỗ không thể cử động được, chỉ thều thào nói:

- Tay tôi… hai tay tôi hình như bị gãy cả rồi, chỉ huy cẩn thận…

Vương Uy vội nói:

- Được… được…

Anh đi vòng ra sau lưng Nhị Rỗ, ôm ngang người, xốc gã đứng dậy. Dương Hoài Ngọc ở dưới đang chuẩn bị nổ súng, đột nhiên thấy Vương Uy chui vào trong cái bầu sắt, ngỡ rằng anh chui vào đánh giáp lá cà với thứ trong đó, cô càng nắm chắ súng hơn, lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi.

Thấy Vương Uy ôm một người đứng dậy, cô há hốc miệng ra, thoạt nhìn thân hình gầy gò của người đó, cô đã nhận ra ngay Nhị Rỗ.

Trông thấy Nhị Rỗ vốn bị cho rằng đã tan xương nát thịt bỗng xuất hiện trên mình con chim sắt thần bí này, Dương Hoài Ngọc còn ngỡ như mình nhìn nhầm. Nhưng đúng là sự thật, Vương Uy đang cõng Nhị Rỗ lên lưng, từ từ leo xuống cái giá sắt.

Xuống đến nơi, anh đặt Nhị Rỗ lên mặt đất, vẫy tay bảo Dương Hoài Ngọc lấy túi thuốc trong ba lô ra. Vương Uy xuất thân con nhà võ, đương nhiên thông tạo cách nắn xương, anh kiểm tra hai tay Nhị Rỗ, phát hiện xương không gãy, nhưng có vài chỗ bị sai khớp. Vương Uy nắn lại khớp cho Nhị Rỗ, đoạn bôi thuốc giảm đau. Nhị Rỗ lầm bầm một lúc mới thốt được một câu:

- Ông nội tôi bảo tôi cao số, tôi không tin, nhưng lần này được kiểm chứng rồi, rõ ràng Diêm Vương không bắt được tôi. – Nói xong, gã cười hề hề.

Thấy Nhị Rỗ không chết, Vương Uy vô cùng xúc động, anh nắn lại khớp cho Nhị Rỗ rồi kiểm tra toàn thân gã, thấy các nơi khác chỉ bị xây xước, không có gì nghiêm trọng.

Trải qua một trận cam go này, cả sức lực và tinh thần của ba người đều vô cùng rời rã. Lúc này vừa bình tĩnh lại, cả ba liền nằm lăn ra đất, không ai muốn ngồi dậy. Giữa không trung tuy gió to nhưng không lạnh, ba người nằm dài ra, tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát.

Vương Uy hỏi Nhị Rỗ:

- Anh làm sao thế? Rơi từ độ cao như thế xuống mà không việc gì à?

Nhị Rỗ lầm bầm:

- Mẹ kiếp, tôi thật cao số, từ trên cao mấy chục mét rơi xuống, lại trúng vào con chim sắt này. Cái bầu sắt kia cũng dễ chịu ghê, lại vững chãi nữa, nếu không có khi tôi đã đè sụp nó rồi.

Lúc Vương Uy leo lên cứu Nhị Rỗ, có sờ tay vào trong cái bầu sắt, thấy bên trong hình như là một lớp da, lớp sắt bên dưới cũng không hoàn toàn là sắt, mà có cái gì đó gắn kết lại, người nằm bên trên có thể cảm giác đàn hồi rõ rệt. Có lẽ chính thứ đó đã cứu mạng Nhị Rỗ, chứ nếu chỉ thuần là sắt, hẳn cái bầu đó đã bị Nhị Rỗ đè sụp.

Ba người ngồi giữa bình đài ăn lương khô rồi lại nằm vật xuống, sức cùng lực kiệt, mơ màng ngủ thiếp đi.

Trong giấc ngủ, Vương Uy liên tục gặp ác mộng, anh mơ thấy mình đến một nơi kỳ lạ, bốn bề đều là tường vây, trước mặt có một người đang đứng. Người này quay lưng về phía anh, hình như đang nói, nhưng nói gì thì anh không nghe rõ. Người ấy nói rất nhiều, trong khi Vương Uy chỉ có thể quỳ dưới đất, anh muốn đứng dậy phản bác, nhưng tay chân không động đậy nổi, miệng cũng không nói nên lời. Anh cố mở miệng nhưng miệng há ra mà không thốt nổi lời nào.

Vương Uy đang sợ đến toát mồ hôi, chợt giật mình tỉnh lại, mở bừng mắt ra nhìn. Bó đuốc họ cắm trên giá sắt sắp cháy hết, ánh sáng dần dần yếu hẳn đi. Anh thấy Nhị Rỗ đang thì thầm nói chuyện với Dương Hoài Ngọc. Nhị Rỗ cứ một câu tây rởm thế này, hai câu tây rởm thế nọ, nhưng lần này Dương Hoài Ngọc không nổi cáu, chỉ câu được câu chăng đối đáp với gã.

Thấy Vương Uy đã dậy, hai người thôi không nói chuyện nữa. Nhị Rỗ cười khì khì, nói:

- Chỉ huy lại một lần nữa cứu mạng tôi rồi, anh đúng là cha mẹ tái sinh ra tôi.

Bị Vương Uy cho một đá, Nhị Rỗ liền làm bộ nhếch miệng nhe răng ra, như muốn cắn cả chòm râu dê vào miệng. Vương Uy trừng mắt nhìn Nhị Rỗ, nói:

- Tình hình anh thế nào, có leo lên được nữa không?

Nhị Rỗ vỗ ngực:

- Chúng ta vào sinh ra tử đánh thắng bấy nhiêu trận, sợ gì chút vết thương này. Chỉ huy cứ yên tâm, không có chuyện gì đâu.

Vương Uy gật đầu, nói:

- Nghỉ một lúc nữa, rồi tất cả leo lên đầu tượng.

Đột nhiên Nhị Rỗ hỏi:

- Leo lên đầu tượng để làm gì?

Nghe Nhị Rỗ hỏi, Vương Uy ngớ ra, đúng vậy, họ bất chấp mọi giá leo lên đến đầu tượng để làm gì? Họ chỉ biết bức tượng này hết sức kỳ quái, cho nên mới từ khu rừng dưới kia leo hơn nghìn mét lên đến đây, nhưng leo lên để làm gì thì họ chưa hề nghĩ tới.

Cả ba người vô cùng bối rối, họ đã đi một mạch vào tận hẻm núi lớn trong dãy núi Đường Cổ Lạp. Thoạt đầu Vương Uy chạy vào Xương Đô chỉ là để tránh lính của quân đoàn 21 truy sát. Về sau bị lão Tôn và Dương Hoài Ngọc ép nhập bọn, rồi Nhị Rỗ đi theo, cho đến khi cùng nhau đi tìm bí mật của vương triều Lạp Cách Nhật trong truyền thuyết, liên tiếp gặp nguy hiểm dọc đường, thẳng đến tận bây giờ, vẫn không phát hiện được tung tích vương triều Lạp Cách Nhật, dọc đường người thì chết, người thì mất tích, bây giờ chỉ còn lại ba người bọn họ, vậy mà họ vẫn chưa thấy mục tiêu đâu cả.

Nhị Rỗ nói với Dương Hoài Ngọc:

- Này tây rởm, tôi bảo, cô nói di tích của vương triều Lạp Cách Nhật kia có tồn tại thật hay không?

Dương Hoài Ngọc gật đầu khẳng định:

- Nhất định tồn tại mà, trong tay bác Tôn có rất nhiều tư liệu năm xưa bố tôi để lại, đều là những bằng chứng thép.

- Cô đã xem qua những tư liệu ấy chưa? – Nhị Rỗ hỏi.

Dương Hoài Ngọc lại gật đầu, nói:

- Tôi chỉ xem một phần thôi, những tư liệu ấy bố tôi đều có đánh dấu, ghi chép trong đó rất đáng sợ, có những điều thậm chí khó mà tưởng tượng nổi.

Nhị Rỗ gật đầu, nói:

- Vậy ra người nắm rõ nhất về bí mật chôn sâu dưới lòng đất này là lão Tôn đã mất tích một cách bí ẩn dưới sông ngầm, tôi đoán chắc đến tám phần là lão ta biết vị trí của di chỉ vương triều Lạp Cách Nhật, nên đã một mình lẻn đi tìm.

Dương Hoài Ngọc chẳng buồn ư hử, chỉ im lặng.

Vương Uy nghĩ lại những sự việc xảy ra kể từ khi gặp lão Tôn, đột nhiên nói:

- Cô Ngọc, cô có biết gì về đạo Già Lam không?

Dương Hoài Ngọc lắc đầu:

- Tôi chỉ thỉnh thoảng nghe bác Tôn nói, đạo Già Lam có từ một nghìn năm trước, là một giáo phái kỳ quái, kết hợp cả Phật giáo – Bản giáo. Người theo đạo này giỏi dùng tà thuật, không đứng chung được với Bản giáo và Phật giáo Tạng truyền, về sau đạo này dời đi, chẳng biết là đi về đâu.

Vương Uy gật đầu vẻ trầm tư, Nhị Rỗ lại hỏi:

- Hai người biết đạo Già Lam ư?

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cùng ngạc nhiên, hỏi:

- Anh cũng biết à?

Nhị Rỗ nói:

- Vì chuyện cuốn sách của Trương Tử Thông mà mấy trăm năm nay, tổ tiên tôi không chỉ nghiên cứu bí thuật tầm long địa nhãn, mà còn rất thông hiểu văn hóa Tạng, nhất là những truyền thuyết thần bí, thu thập hẳn một mật thất đầy tư liệu, hết sức đầy đủ. Năm xưa, Thôn Mễ Tang Bố Trát đặt ra chữ Tạng thời kỳ đầu, người đọc hiểu được không nhiều, lưu truyền hàng nghìn năm nay, người biết mỗi ngày một ít đi. Sở dĩ tôi thoạt nhìn liền nhận ra ngay mấy dòng chữ Tạng trên kia là nhờ những tư liệu về vùng Tạng mà tổ tông truyền lại.

Vương Uy gật đầu như đang suy nghĩ, nói:

- Anh biết nhiều về đạo Già Lam không?

Nhị Rỗ suy nghĩ hồi lâu rồi đáp:

- Hai người vừa nói đạo Già Lam bị Bản giáo và Phật giáo truyền thống của vùng Tạng trục xuất là không đúng. Theo những gì tôi đọc trong ghi chép sử liệu Tây Tạng, thì đạo Già Lam đúng là một giáo phải do Bản – Phật kết hợp, nhưng Bản giáo và Phật giáo Tạng truyền không xung đột với đạo Già Lam, ngược lại, khi Lãng Đạt Mã, Tán Phổ cuối cùng của Thổ Phồn khởi xướng phong trào diệt Phật rầm rộ, đã đẩy mâu thuẫn giữa Phật giáo và Bản giáo lên đến đỉnh điểm. Về sau, ông ta bị quý tộc Tứ Cát Đa Cát tôn sùng Phật giáo Tạng truyền bắn chết bằng cung tên, vương triều Thổ Phồn đại loạn, mấy người con của Lãng Đạt Ma đều chết trong chiến loạn. Nghe nói lúc bấy giờ Lãng Đạt Ma còn có một người con không có thân phận quý tộc tên Khách Ba, bị mất tích từ nhỏ, được một đại sư đạo Già Lam nhắm trúng và truyền y bát. Hơn hai mưoi năm sau Khách Ba trở thành lãnh tụ của đạo Già Lam. Phong trào diệt Phật của Lãng Đạt Ma cũng làm chao đảo đạo Già Lam, Khách Ba khuyên cha không có kết quả, liền dẫn những tín đồ đạo Già Lam đi về phía Đông, rồi bặt vô âm tín từ đấy.

Vương Uy ngẫm lại những điều Nhị Rỗ vừa nói, lẩm bẩm:

- Ra là thế!

- Thế nào? – Nhị Rỗ hỏi lại.

Vương Uy nói:

- Trong hẻm núi lớn tôi thấy ba tên lính mặc quân phục vàng, bèn bám theo chúng vào một căn phòng bằng đá, trong đó có hai thi thể phụ nữ lõa lồ, thần thái rất sống động, nếu không cẩn thận nhìn vào mắt hai thi thể này này sẽ bị mê hoặc. Theo lão Tôn nói, đây là dị thuật của đạo Già Lam.

Nhị Rỗ gật đầu, nói:

- Tôi đi theo mọi người và cũng đã vào gian phòng bằng đá đó, nhưng chỉ thấy hai bộ xương khô mặt đối mặt nhìn nhau, không ngờ đấy lại là dị thuật của đạo Già Lam.

Vương Uy liền hỏi:

- Nói như vậy thì bức tượng này liệu có liên quan đến đạo Già Lam hay không? Hoặc có thể nói là, vương triều Lạp Cách Nhật có mối quan hệ nào đó với đạo Già Lam?

Nhị Rỗ gật đầu, nói:

- Có thể lắm, tư liệu lịch sử ghi chép về đạo Già Lam rất ít, những gì tôi đọc cũng đều là dã sử. Nghe nói, giáo đồ đạo Già Lam coi Khách Ba là Phật, hơn nữa, Khách Ba quả thật có chỗ hơn người, ông ta tinh thông giáo nghĩa Bản giáo và Phật giáo Tạng truyền, lại giỏi y thuật, từng cứu chữa cho rất nhiều giáo đồ. Thần bí nhất là lời đồn Khách Ba có bản lĩnh trời sinh, ông ta có thể cho đầu vào bụng.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nghe nói đều kinh ngạc, có thể cho đầu vào bụng, vậy chẳng phải là rạch bụng ra ư?

Vương Uy đầy vẻ nghi ngờ, đoạn dã sử này thật quá hoang đường, người bị mổ bụng làm sao mà sống nổi?

Nhị Rỗ nói rất nghiêm túc:

- Chuyện này là thật đấy, vì dã sử ở đất Tạng mà tổ tiên tôi truyền lại suốt năm trăm năm nay đều được tuyển chọn kỹ lưỡng rồi mới ghi thành sách, đem cất kỹ. Mỗi sự việc ghi lại đều đã được nghiệm chứng cẩn thận, không phải chuyện hoang đường đâu.

Dương Hoài Ngọc ngồi bên chăm chú nghe, chợt xen vào:

- Trong dã sử có nói đến quá trình Khách Ba cho đầu vào bụng như thế nào không?

Nhị Rỗ lắc đầu, nói:

- Những ghi chép về đạo Già Lam trong mật thất nhà tôi rất ít, chuyện Khách Ba cho đầu vào bụng chỉ được nhắc đến qua loa, không hề giải thích.

Vương Uy trợn mắt lườm Nhị Rỗ, nói một thôi một hồi như vậy cũng bằng không, chỉ có thể đoán chừng đạo Già Lam rất có thể có liên hệ nào đó với thế giới ngầm dưới lòng đất này, còn những điều khác đều không thể giải thích được, cũng không giúp ích gì cho tình trạng hiện giờ của họ.

Nhị Rỗ phủi đít đứng dậy, nhìn con chim sắt bị gió thổi đang từ từ di động, nói:

- Có phải chỉ huy đang định nói, bức tượng này, thậm chí cả con chim sắt này cũng có liên quan đến đạo Già Lam?

Vương Uy cũng đứng dậy, nói:

- Tôi cảm thấy hình như đạo Già Lam là đầu mối để giải thích tất cả những bí ẩn này.

Nhị Rỗ ngẩn người nhìn con chim sắt đang di động, gã vẫn quen thói mỗi khi nghĩ ngợi không thông thì lại ngây người ra, súng nổ bên tai cũng chẳng biết đằng mà tránh. Vương Uy cũng không quấy nhiễu, chỉ nhìn theo ánh mắt Nhị Rỗ, ngây người quan sát con chim sắt lạ lùng kia.

Quan sát hồi lâu, bỗng anh cảm thấy thật không bình thường, con chim sắt này đi vòng quanh sân nhờ sức gió, thoạt nhìn cứ như bị gió điều khiển. Nhưng nhìn kỹ mới thấy nó di chuyển theo một đạo nhất định, như có người điều khiển, chứ không phải đi lung tung như lúc đầu vẫn tưởng.

Vương Uy cố dụi mắt, nhìn kỹ con chim sắt một lần nữa, xác định trên người nó ngoại trừ những tấm sắt khung sắt đã gỉ ngoèn, không có một sinh vật nào cả, mới dám thở phào nhẹ nhõm. Cảm giác ấy thật kỳ quái không sao nói hết.

Vương Uy chăm chú nhìn theo hướng di động của nó, vì phạm vi soi sáng của ánh đuốc có hạn, bất giác anh dợm bước đi theo nó, chim sắt đi hướng nào anh cũng đi hướng ấy. Nhị Rỗ định thần lại, nhìn cảnh tượng lạ lùng trước mặt, cứ há hốc miệng hồi lâu không nói nên lời.

Thấy Dương Hoài Ngọc cũng đang sững sờ nhìn Vương Uy. Nhị Rỗ nói với cô:

- Này, anh Uy như thế này từ lúc nào đấy? Tôi mới ngẩn ra một thoáng mà anh ấy đã phát điên theo à?

Dương Hoài Ngọc lắc đầu, nhìn Vương Uy như điên như say đi theo con chim sắt, bỗng nói:

- Anh ấy hình như đang đi theo quỹ đạo di chuyển của chim sắt, anh nhìn xem, con chim kia di động không bình thường chút nào.

Nhị Rỗ nhìn kỹ, cũng thấy có vấn đề, bèn đi theo con chim sắt mấy vòng. Lúc này, Vương Uy đã trở lại giữa bình đài, Nhị Rỗ định nói với anh vài câu, nhưng anh không bắt lời, chỉ cau mày suy nghĩ hồi lâu rồi bỗng nhiên giơ đuốc soi dưới mặt đất.

Trên mặt đất toàn là bụi bặm và đá vụn, không có thứ gì cả. Vương Uy không nản, lại đưa bó đuốc cho Nhị Rỗ, còn mình nằm bò ra đất, phủi hết lớp bụi dày, để lộ ra hai rãnh sâu. Vương Uy mừng rỡ, lập tức phủi sạch bụi bặm đá vụn trên mặt đất, Nhị Rỗ cũng nhận ra manh mối bên trong, liền nằm bò ra theo, phủi sạch bụi đất trên khoảng đất phía trước Vương Uy.

Bụi bặm đá vụn bị phủi sạch, mặt đất lộ ra những đường rãnh đan chéo vào nhau. Những rãnh này rất thô tháp, to bằng ngón tay, ăn sâu xuống đất, ngang dọc chằng chịt, nhìn hệt như một bức tranh.

Hai người nhìn con chim sắt đang từ từ tiến về phía họ, bánh xe nghiến xuống mặt đất ken két. Nhị Rỗ cố tình bước lại bên cạnh con chim sắt, giơ đuốc soi xuống trục bánh xe bên dưới.

Nhị Rỗ soi kỹ, không thấy có vấn đề gì, trục bánh xe rất bình thường, có điều độ rộng lại lớn hơn những đường rãnh trên mặt đất rất nhiều, chắc hẳn bánh xe không thể trượt trên những rãnh nàyVương Uy cau mày, nhìn chim sắt đang đi về phía mình, chợt hiểu ra gì đó, bèn chỉ vào bánh xe cho Nhị Rỗ thấy.

Nhị Rỗ vẫn ngơ ngác chưa hiểu, liền ngồi thụp xuống quan sát bánh xe đang từ từ lăn tới trước mặt mình, chợt sáng mắt lên, như đã vỡ lẽ. Thì ra mặt ngoài của bánh xe có một vòng răng khế bằng sắt, hàng răng khế ăn xuống đường rãnh trên mặt đất, chim sắt dựa vào sự kết hợp giữa bánh răng và đường rãnh để khống chế hướng di động.

Người dựng nên bức tượng này và con chim sắt quả là đã dốc cạn tâm tư tạo nên hàng loạt những cơ quan kỳ lạ. Chỉ khó hiểu là, chế tạo ra những thứ khéo léo tinh xảo này nhằm mục đích gì?

Dương Hoài Ngọc đứng gần đấy, quan sát thấy những động tác của Vương Uy và Nhị Rỗ, sớm đã hiểu ra mọi chuyện, bèn phủi sạch bụi đất ngay tại chỗ mình đứng. Vương Uy và Nhị Rỗ cũng ngồi xuống quét sạch bụi, hai tay Nhị Rỗ vẫn còn đau, gã phải cởi áo bông ném xuống đất, rồi giẫm lên thay giẻ lau sạch hết bụi đất nhẹ như không, chỉ một lúc đã lau sạch một khoảng mấy mét vuông, để lộ ra một bức vẽ lớn.

Vương Uy nhanh chóng nhận ra cách làm của mình thật ngu xuẩn, còn khiến cho bụi bặm bám đầy mặt mũi, ho sặc ho sụa. Thấy Nhị Rỗ đang cười mình, anh bỗng nổi cơn tự ái, bất kể ba bảy hai mươi mốt, tháo ngay cái kích đang đeo trên người ra, cởi áo bông, xắn tay áo, học theo cách của Nhị Rỗ, nhanh chóng quét sạch được một khoảnh đất lớn trước mặt.

Nhị Rỗ thấy chiếc kích hình thú mà Vương Uy bỏ xuống, chợt mở to mắt, chẳng để ý đến việc lau sạch bụi bặm nữa, cứ nhìn xoáy vào cái kích để trên mặt đất. Vương Uy lườm gã, chửi thề:

- Mẹ kiếp cái đồ con rùa, đúng là trời sinh mắt la mày lét, muốn xem thì cứ cầm lấy mà xem.

Nhị Rỗ cười khì khì chạy đến, cầm cái kích chạm hình dã thú lên, ngắm nghía một lượt, chợt nụ cười của gã tắt lịm, mắt mở trừng trừng, như thể vừa trông thấy thứ gì đó vô cùng đáng sợ.

Tất cả những biểu hiện đó đều không thoát khỏi mắt Vương Uy, anh chậm rãi hỏi:

- Nhị Rỗ, làm sao thế?

Nhị Rỗ cầm cái kích, cứ ngây ra nhìn chằm chằm vào gương mặt dã thú bên trên, hoàn toàn không nghe thấy Vương Uy nói gì. Vương Uy đi tới, đẩy mạnh Nhị Rỗ một cái, bấy giờ gã mới bừng tỉnh, ngước mắt ngỡ ngàng nhìn Vương Uy, đoạn lại ngẩn ra nhìn cái kích. Trông bộ dạng Nhị Rỗ cứ như mê như ngây, bàn tay sờ vào cái kích run bắn lên.

Vương Uy lấy làm lạ, xưa này anh chưa bao giờ thấy Nhị Rỗ như thế cả. Cái kích hình thú kia thoạt nhìn rất cổ quái, nhưng anh đã đem theo người suốt một thời gian dài, đi khắp núi tuyến đến rừng sâu đều bình thường, tại sao Nhị Rỗ vừa trông thấy đã biến hẳn sắc mặt? Lẽ nào gã biết lai lịch của cái kích này?

Thân thế Nhị Rỗ rất bí ẩn, mười mấy năm qua hai người vào sinh ra tử, trải qua không biết bao nhiêu trận, thắng có bại có, cùng tìm đường sống trong chỗ chết không dưới chục lần, thân thiết đến độ có thể chết vì nhau. Nhưng bấy nhiêu năm nay, Nhị Rỗ vẫn giấu kín lai lịch của mình, mãi đến lúc ở dưới dòng sông ngầm mới tiết lộ.

Tuy Nhị Rỗ đã nói rõ mọi chuyện, nhưng trong lòng Vương Uy vẫn lấn cấn không yên, anh thà tin rằng Nhị Rỗ năm xưa theo anh vào Tứ Xuyên là vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại chứ không phải lần theo bí mật truyền đời của dòng họ. Nhưng dù thuyết phục bản thân như thế nào, anh vẫn không sao thoải mái được. Anh luôn cảm thấy Nhị Rỗ không đơn giản như anh vẫn nghĩ, chắc chắn trong lòng gã còn giấu giếm chuyện gì đó.

Nhất cử nhất động của Nhị Rỗ đều không lọt khỏi mắt Vương Uy, hai tay gã liên tục chà sát lên cái kích như muốn lau sạch gỉ đồng, hai mắt cứ xoáy sâu vào bộ mặt dã thú trên kích. Đôi mắt Nhị Rỗ trợn tròn, nét mặt u ám, toát lên một vẻ hung ác khó tả, nhìn vô cùng đáng sợ.

Cuối cùng Vương Uy không nhẫn nhịn nỗi nữa, anh nôn nóng muốn biết có chuyện gì xảy ra, bèn vỗ mạnh vào vai Nhị Rỗ, giật lấy cái kích. Bấy giờ Nhị Rỗ mới chú ý đến Vương Uy, cặp mắt long lên nhìn anh, như muốn ăn tươi nuốt sống.

Vương Uy xưa nay oai nghiêm, chưa bao giờ gặp phải thái độ gây hấn thế này, anh giận dữ trừng mắt nhìn Nhị Rỗ, gân xanh trên trán nổi lên, không hề có ý nhượng bộ. Bốn mắt trừng nhau giây lát, ánh mắt Nhị Rỗ dần dịu lại, nhưng Vương Uy vẫn chưa nguôi thịnh nộ, anh trợn mắt nhìn Nhị Rỗ, xẵng giọng:

- Giải thích xem, cuối cùng là chuyện gì?

Nhị Rỗ thấp thỏm hỏi:

- Tôi… tôi... vừa rồi có chuyện gì không bình thường ư?

Vương Uy gật đầu:

- Đúng là rất không bình thường.

Nhị Rỗ gật đầu đáp:

- Cái kích chạm hình thú này đến tám phần mười là vật bất thường, chỉ huy đem theo nó bên mình e rằng không hay đâu.

Vương Uy hừm một tiếng, nói:

- Trước tiên anh hãy giải thích cho rõ hành vi không bình thường vừa nãy khi nhìn thấy cái kích hình thú đã, rồi hẵng nói đến những chuyện khác.

Nhị Rỗ hoang mang gật đầu, trở lại khoảnh đất cách đó không xa, bảo Vương Uy:

- Chỉ huy xem kia…

Khoảnh đất đó cách hai người chừng hơn chục mét, Vương Uy vội rảo bước tiến lại, Nhị Rỗ đi theo, cầm lấy bó đuốc trong tay Vương Uy, ngồi xuống, soi rõ bức vẽ trên mặt đất.

Vương Uy thoạt nhìn bức vẽ, đầu óc đã ong lên, chỉ thấy ở chính giữa bức vẽ là chiếc kích chạm hình dã thú trong tay anh. Bức họa này vẽ một đôi kích được khảm trên hai cánh cửa bằng đồng, giữa hai cánh cửa là một khe hở nhỏ, trong đó có một người. Bóng người này trông rất mơ hồ, chỉ được phác họa bằng vài nét đơn giản, nhưng nhờ đôi kích chạm hình dã thú kỳ dị trên hai cánh cửa, khiến toàn bộ bức vẽ toát lên một vẻ âm u khó diễn tả thành lời, làm cho người ta thấy đầu óc như tê dại đi.

Hai chiếc kích chiếm phần lớn diện tích cánh cửa, hình đầu người hung ác trên kích lại vừa khéo nằm chính giữa cửa, thu hút tất cả chú ý của mọi người, bóng người đứng trong khe cửa bị kẹp ở giữa hai cái đầu. Vương Uy nhìn đi nhìn lại, cảm thấy điều bất thường nhất trong bức vẽ chính là hai cái kích trên cánh cửa, có lẽ vấn đề chính là ở đấy, nhưng cụ thể là vấn đề gì thì anh không sao nói rõ được.

Bỗng Nhị Rỗ lên tiếng:

- Chỉ huy trông thấy không? Hai cái kích kia một cái lưỡi gồ lên, một cái lưỡi lõm xuống, đúng là một đôi kích âm dương. Cái của chỉ huy là kích dương, cái của này hết sức quái lạ, lúc tôi quan sát đầu người trên kích, đột nhiên cảm thấy hoảng loạn vô cùng, như bị thứ gì đó khống chế vậy, thật là kỳ quặc.

Vương Uy nhìn theo tay Nhị Rỗ chỉ, quả nhiên thấy lưỡi hai chiếc kích chia ra thành hai loại âm dương. Anh chợt sinh lòng nghi hoặc, cái kích này vốn của một tên lính quân phục vàng trên núi tuyết, nhưng hắn từ đâu tới, tại sao lại chạy đến núi tuyết rồi chết một cách lạ lùng trên đhì không sao hiểu được.

Nhị Rỗ ngẩn người nhìn hai cái kích trên cánh cửa một lúc, đoạn lại tiếp tục lần theo tranh vẽ, xem tiếp những bức họa đằng trước. Đây đã là tận cùng đường trượt của chim sắt, tranh vẽ lại trải dài từ góc tối ra, Nhị Rỗ bèn lần từ chỗ sáng xem ngược vào trong. Vương Uy nghiên cứu kỹ cánh cửa, cũng chẳng phát hiện được gì hơn, thấy Nhị Rỗ đang xem những bức tranh phía trước, anh cũng đi tới, nhưng lại chạy đến chỗ khởi đầu của tranh vẽ, xem thuận chiều từ đầu kia xem lại.

Vừa nhìn bức vẽ đầu tiên, anh đã trợn tròn mắt. Bức vẽ này không có bối cảnh, chỉ có hình một con chim lớn bay lên lượn vòng trên không trung rồi hạ xuống, thần thái dũng mãnh. Bức tranh vẽ trên mặt đất, không dụng công tỉa tót gì, chỉ là những nét vẽ sơ sài, phác họa đường nét mà thôi. Hình vẽ trong tranh tuy chỉ được phác thảo sơ sài nhưng rất có thần thái, nhìn qua là biết vẽ gì, nhìn kỹ lại chấn động hơn trước khí thế của nó, tuyệt không phải tầm thường.

Cánh chim kia ở giữa không trung đang đổi hướng lao vút xuống, tựa như đại bàng xòe cánh, bổ xuống vồ mồi. Vương Uy quan sát hồi lâu, sực hiểu ra, con chim trong bức vẽ phải chăng chính là con chim sắt trên sân này? Có điều đây chỉ là phán đoán của anh mà thôi, vì con chim trong tranh vẽ và con chim sắt trông khác hẳn nhau, con chim trong tranh oai hùng mạnh mẽ, còn con chim sắt thì gỉ sét, hai cánh rũ xuống, đầy vẻ ủ ê.

Vương Uy lại nhìn sang bức vẽ thứ hai, thấy bức vẽ này chỉ toàn một màu đen, giữa nền đen có vài đường nét đứt đoạn, tựa hồ như một cái bóng giữa đêm đen vậy. Anh nhìn toàn thể một lượt, cảm thấy rất giống dư ảnh của con chim đang khuất dần trong bóng tối. Giữa bóng tối mênh mông không biết đâu là bến bờ, chỉ thấy thấp thoáng dấu vết của cánh chim, khiến cả bức vẽ toát lên vẻ thần bí mà kỳ dị, chẳng biết cánh chim bay về hướng nào?

Xem đến bức vẽ thứ ba, bức này chỉ vẽ một pho tượng Phật khổng lồ, không ngồi xếp bằng hay ngồi xổm mà ngẩng đầu đứng thẳng, vẻ mặt không chút biểu cảm, đây chẳng phải pho tượng nơi họ đang đứng hay sao? Anh nhìn bức tượng, sực nghĩ ra điều gì đó, liền lùi lại nhìn bức vẽ thứ hai, vừa nhìn đã hiểu ra ngay. Trong bức vẻ thứ hai không chỉ có dư ảnh của con chim, mà bóng tối bao trùm kia dường như cũng không phải là bóng tối thật sự, chỉ là một bóng râm cực lớn sau lưng một người mà thôi, cánh chim sắt kia đang bay vào trong cái bóng khổng lồ đó.

Trong đầu Vương Uy nãy ra một nghi vấn, con chim kia bay vào bóng râm của bức tượng để làm gì? Anh nhìn đi nhìn lại, suy nghĩ mãi mà không hiểu nổi, đành quay sang nhìn bức họa thứ ba, so sánh hai bức vẻ, anh liền nhận ra đầu mối bên trong.

Cái bóng trong bức vẽ thứ hai thoáng nhìn đã thấy là bóng của bức tượng Phật đứng, bóng ngắn nhưng cao. Trong khi ở bức tranh thứ ba, nửa thân dưới bức tượng đứng thẳng, nhưng nửa thân trên hình như cúi khom, trọng tâm ngả về phía trước, eo lưng hơi cong. Giữa hai tư thế khác nhau rất ít, nếu không so sánh trực tiếp rất khó nhận ra vấn đề bên trong. Vương Uy suy xét, phỏng đoán nhiều lần nhưng vẫn không đoán được tại sao cái bóng của bức tranh thứ hai và tượng trong bức tranh thứ ba lại có sự khác biệt.

Lúc ấy Nhị Rỗ đã xem xong mấy bức tranh phía trước, đang xem ngược lại phía này, tiến dần đến trước mặt Vương Uy. Thấy Vương Uy đang thẫn thờ trước hai bức tranh, Nhị Rỗ cũng chăm chú quan sát hồi lâu, bỗng kêu lên.

- Tôi hiểu rồi…

Vương Uy không để ý Nhị Rỗ đang đứng sau lưng mình, nghe tiếng gã, anh giật bắn người, lườm Nhị Rỗ, chửi thề:

- Mẹ kiếp, gặp ma à?

Nhị Rỗ lắc đầu:

- Không… không phải, tôi nhận ra vấn đề trong bức tranh kia rồi. - Nhị Rỗ kích động đến đỏ cả mặt, lại thêm cả hơi nóng của bó đuốc khiến mặt gã vã đầy mồ hôi, hai mắt mở to, nhìn đi nhìn lại hai bức tranh, vừa nhìn vừa nói:

- Phải rồi, vấn đề ở đấy, không sai.

Vương Uy đá Nhị Rỗ một cái, mắng:

- Đồ con rùa, có lời thì nói, có rắm thì đánh, rốt cuộc là chuyện gì nào?

Nhị Rỗ hào hứng nói với Vương Uy:

- Chỉ huy nhìn tư thế của bức tượng trong tranh thứ ba xem, nếu là người bình thường, thì làm sao có thể tạo nên tư thế ấy?

Vương Uy đáp ngay:

- Cần gì phải nghĩ, là đau bụng thôi mà.

Nhị Rỗ nhìn vào mắt Vương Uy, âm trầm đáp:

- Chỉ huy cứ nghĩ lại chuyện lãnh tụ tinh thần của đạo Già Lam là Khách Ba, con trai của Lăng Đạt Mã, Tán Phổ cuối cùng của Thổ Phồn mà xem. Nghe nói Khách Ba có thể cho đầu vào bụng

Vương Uy phản đối:

- Chuyện cho đầu vào bụng rõ ràng là hoang đường, bức tượng trong tranh vẽ vẫn còn nguyên đầu đấy thôi?

Nhị Rỗ cau mày:

- Có thể nhét đầu vào bụng, chứng tỏ bụng ông ta phanh ra, mà nhìn cảnh tượng trong bức vẽ này, chẳng phải con chim lớn kia đang bay vào bụng ông ta đấy sao?

Vương Uy phản bác:

- Theo tôi thấy, con chim lớn kia chỉ đụng phải bụng ông ta thôi, tại sao anh cứ khăng khăng là nó bay vào bụng nhỉ?

Nhị Rỗ nói:

- Tôi tin Khách Ba thật sự có thể nhét đầu vào bụng, như vậy bụng ông ta lúc nào cũng phanh ra.

Vương Uy giận dữ mắng:

- Lại được anh nữa, va đầu vào tường rồi à, chuyện vu vơ hoang đường như vậy mà cũng tin. Tôi tin rằng những tư liệu về đất Tây Tạng trong mật thất nhà anh đều là tâm huyết sưu tầm của tổ tiên anh suốt năm trăm năm qua, nhưng chúng ta là người theo Tây học, phải tin các ông Copernicus và Darwin. Những luận điệu mù mờ hoang đường kia, phải kiên quyết loại bỏ.

Hai người đang tranh cãi chợt nghe giữa sân vang lên mấy tiếng ầm ầm, cả hai vội ngoảnh lại nhìn, liền kinh ngạc ra mặt. Gió nổi lên mỗi lúc một lớn, sương mù bị xua tan khá nhiều, chỉ thấy cô nàng Dương Hoài Ngọc đã leo lên cái bầu trên thân chim sắt tự lúc nào, cô ta cắm bó đuốc lên đầu chim, rạp người nằm trong cái bầu, chẳng hiểu loay hoay thế nào mà đôi cánh chim bỗng nhiên lạch cạch xòe rộng ra.

Khi không ai đụng đến, con chim sắt chỉ đứng gục đầu khép cánh, từ từ di động, nhưng lúc này nó lại dang rộng đôi cánh lớn như cánh buồm, trông rất khí thế.

Ở đằng này, Vương Uy còn đang băn khoăn chưa hiểu được mấy vấn đề trong bức tranh, lại thấy Dương Hoài Ngọc bên kia leo lên chim sắt, bèn bực bội gọi cô:

- Cô xuống đây mau!

Dương Hoài Ngọc từ trong cái bầu sắt của con chim thò đầu ra, nói với Vương Uy:

- Tôi phaát hiện con chim này có thể bay.

Vương Uy làm gì còn bụng dạ nào dằng dai với Dương Hoài Ngọc, vội giục cô leo xuống, chim sắt có bay được hay không cứ kệ nó đấy, hẵng tìm hiểu những bức vẽ này trước đã.

Hiện giờ Vương Uy đang hết sức nôn nóng, những bức vẽ kỳ quái trên mặt đất rất có thể là đầu mối để họ tháo gỡ cục diện này, họ đang đứng trên bàn tay bức tượng, nhưng lại không biết rốt cuộc mình đang ở trong cảnh ngộ thế nào. Họ sẽ đi đâu, làm sao đi được?

Vương Uy ngoảnh nhìn Nhị Rỗ, nói:

- Anh đến xem xem ả tây kia thế nào, cô ta cũng không yên phận như anh đấy, mà này, đừng làm rối chuyện lên nhé.

Nhị Rỗ phớt lờ lời Vương Uy, chỉ nắm lấy hai vai Vương Uy, nói:

- Chỉ huy nghe tôi nói nhé, con chim trong bức vẽ chính là con chim này đấy, ấy là có người điều khiển nó bay vào bụng Khách Ba, suy đoán này là hoàn toàn chính xác đấy.

Vương Uy nhìn đôi cánh chim sắt xòe rộng, vô cùng khí thế, lại nhìn con chim và pho tượng trên hình vẽ, bỗng đầu óc anh đờ đẫn cả ra, một ý nghĩ lạ lùng lóe lên trong óc.

Anh cảm thấy rất có thể Nhị Rỗ nói đúng, chim sắt không những biết bay, mà còn bay được vào bụng bức tượng, lẽ nào bí mật mà họ vẫn truy tìm lại ẩn giấu trong bụng bức tượng này?

Vương Uy không khỏi cảm thấy ý nghĩ này thật quá hoang đường, chim sắt han gỉ đầy mình, đứng giữa bình đài trống trải này không biết bao nhiêu năm nay rồi, hễ không cẩn thận là đứt gánh giữa đường như chơi, chẳng có gì đảm bảo an toàn cả. Hơn nữa, cả nghìn năm trước lấy đâu ra kỹ thuật chế tạo máy bay, hồi còn đi học Vương Uy biết chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới là do một người Nga tên là Mozhaysky thử nghiệm thành công năm 1882, từ đó đến nay cũng chỉ mới hơn nữa thế kỷ, khó mà hình dung nổi vào thời điểm đó vương triều Thổ Phồn suy vong, đã xuất hiện loại máy bay thần kỳ như vậy.

Vương Uy xem đến bức vẽ thứ tư, nhưng chỉ thấy toàn đường nét rối rắm, những bức nằm trong khoảng giữa bức thứ tư và cuối cùng đều là những đường nét lộn xộn như thế, không ra hình thù gì cả. Ở bức vẽ cuối cùng là hai cánh cửa bằng đồng hé mở, hai cái kích trên cánh cửa chiếm phần lớn diện tích, bên trong cửa có bóng người, khiến người ta xem mà tê dại cả đầu, vô cùng quái gở.

Vương Uy nghĩ nát óc mà vẫn không hiểu nổi giữa bức vẽ thứ ba và bức vẽ cuối cùng có liên hệ gì, và những đường nét trên các bức vẽ ở giữa có ý nghĩa gì?

Con chim lớn, người đứng lom khom và bằng đồng, giữa ba hình vẽ ấy chẳng có liên hệ trực tiếp gì cả. Nếu chỉ đơn thuần xem tranh vẽ thì không thể đoán ra gì hết, những điều mà Nhị Rỗ nói như: con chim lớn trong hình vẽ là chim sắt, người trong bức tranh là Khách Ba, cũng không có căn cứ, chỉ đoán mò vậy thôi. Có điều nếu kết hợp những suy đoán ấy với hoàn cảnh xung quanh lại cảm thấy rất có lý, tuy Vương Uy cố đưa ra chứng cứ chứng minh những điều Nhị Rỗ nói là không đúng, nhưng trong lòng anh đồng thời lại vang lên một tiếng nói, kéo anh ngả theo quan điểm của Nhị Rỗ, thậm chí trong sâu thẳm lòng anh cũng hoàn toàn đồng ý với Nhị Rỗ.

Vương Uy thầm ngạc nhiên, điều này hoàn toàn khác với cách nghĩ, cách làm hằng ngày của anh, anh đi lính đã hơn chục năm nay, tuy tính tình nóng nảy, nhưng hành sự rất nghiêm cẩn. Nếu một sự việc phải mạo hiểm quá nửa, anh sẽ dứt khoát bỏ luôn, nhưng lần này, anh lại tin lời Nhị Rỗ mà chẳng cần tới bất cứ lý do gì, điều này đã phá vỡ mọi chuẩn mực hành sự của anh.

Vương Uy cứ đi lên phía trước rồi lại vòng về phía sau, Nhị Rỗ vẫn theo sau anh, không nói năng gì, để mặc Vương Uy lẩm bẩm, hai tay vẽ theo những hình vẽ trong bức tranh. Đối với Nhị Rỗ, đây là lần đầu tiên gã xung đột ý kiến với Vương Uy, trước đây hành quân đánh trận, hoặc gã tuân theo sự chỉ huy của Vương Uy, hoặc Vương Uy tin ở bí thuật phong thủy địa nhãn của gã, hai người phối hợp chặt chẽ, rất ít khi có ý kiến khác nhau.

Nhưng lần này hình như trong gã có một ngọn lửa vô danh, ngọn lửa ấy đang thôi thúc gã tin tưởng vô điều kiện vào những phỏng đoán của mình, đẩy gã vào trạng thái điên cuồng.

Vương Uy trầm tư hồi lâu, bỗng nghĩ đến một điểm còn nghi vấn, liền quay lại nói với Nhị Rỗ đằng sau:

- Này, người trong bức vẻ có điểm không phù hợp, anh xem, khi con chim lớn bay qua, người ấy đang khom xuống, nếu phán đoán của anh là đúng, thì bức tượng này không thể đứng thẳng được.

Nhị Rỗ cũng nín lặng, Vương Uy nói không phải không có lý, theo phỏng đoán của gã, nếu quả thật họ ngồi trên chim sắt lượn xuống thì bức tượng phải đứng khom người mới phải, như vậy mới chứng minh được bụng tượng bị phanh ra. Nhưng bây giờ bức tượng lại đứng thẳng giữa rừng, nếu họ mạo hiểm cưỡi chim sắt bay xuống thì phải bay về đâu?

Hai người nhất thời ngây ra. Dương Hoài Ngọc đang đứng giữa bình đài quan sát con chim sắt, tuy Vương Uy bắt cô phải xuống, nhưng sau khi xuống cô cũng chẳng mấy để tâm đến những bức vẽ trên mặt đất, chỉ dồn mọi chú ý vào con chim sắt, cứ đi lòng vòng quanh nó.

Gia tộc của Dương Hoài Ngọc có quan hệ mật thiết với Không quân Hoàng gia Anh quốc, hồi nhỏ cô ở với mẹ gần một trung tâm huấn luyện không quân, từng thấy rất nhiều máy bay, cũng hiểu phương thức huấn luyện không quân, vô cùng am hiểu về máy bay. Con chim sắt này không giống với bất cứ loại máy bay nào, kết cấu của nó rất kỳ dị, thậm chí không thể gọi là máy bay. Nhưng nhìn đôi cánh chim xòe rộng hết cỡ gần như che kín cả bình đài, cô bất giác tin rằng, con chim sắt này có thể bay lên.

Nhị Rỗ đứng lặng hồi lâu, rồi đi đi lại lại, từ lúc ở dòng sông ngầm, chưa lúc nào gã rời tay khỏi bộ râu dê, cứ xoắn mãi xoắn mãi, đến nỗi rụng mất một nửa. Nhị Rỗ suy nghĩ một lát, đoạn lại nằm bò ra đất, săm soi thật kỹ những bức vẽ từ sau bức tranh thứ ba trở đi, bỗng kêu lên:

- Thưa chỉ huy, tôi hiểu ra rồi.

Nghe Nhị Rỗ gọi, Vương Uy nghi hoặc lại gần, cũng quan sát bức tranh. Nhị Rỗ chỉ cho anh thấy:

- Chỉ huy xem, những đường nét này thoạt nhìn có vẻ lộn xộn lung tung, nhưng nếu để ý sẽ thấy chúng không phải là nét liền, mà gồm rất nhiều rất nhiều nét đứt, có điều các đường nét quá rối rắm, nên khó mà nhận ra được. Chỉ huy nhìn lại mà xem, những bức nằm trong khoảng giữa bức thứ ba và bức cuối cùng, thoạt trông chỉ thấy một loạt những nét rối loạn, nhưng nếu phân tích kỹ sẽ phát hiện mỗi hình vẽ đều có kích cỡ như nhau. Chúng thực ra là một loạt những hình vẽ cùng kích cỡ nhưng rời rạc, mỗi hình vẽ là một cách sắp xếp những đường nét khác nhau. Chỉ huy xem, mỗi đường nét đều đang chuyển động, những đường nét ở những vị trí tương đồng trên mỗi bức vẻ đều giống hệt nhau, có điều động tác lại khác nhau, có đúng không?

Vương Uy nhìn Nhị Rỗ chỉ trỏ liên tục trên những nét vẽ, lòng đã hiểu ra tất cả. Đó vốn không đơn thuần là nhũng đường nét, mà là khắc họa một đám vật sống, có thể tự do hoạt động. Có điều khoảng cách giữa các đường vô cùng nhỏ, đến gần như không có, nếu không nằm bò ra săm soi thì không thể nào phát hiện được.

Vương Uy ngước lên nhìn Nhị Rỗ, ánh mắt cả hai đầy vẻ nghi hoặc, rốt cuộc những thứ giống như đường nét này là gì đây? Bức vẽ cuối cùng lại càng kỳ dị hơn nữa, đằng sau những thứ đang chuyển động kia tại sao lại là cánh cửa bằng đồng khép hờ và bóng người bí ẩn?

Những vấn đề này thật không sao giải thích nổi. Nhị Rỗ cau mày, chòm râu dê thưa thớt lại bị vặt rụng mất mấy sợi, xem ra gã có vẻ rất sốt ruột, liên tục cầm đuốc chạy đi chạy lại hết lần này đến lần khác, thỉnh thoảng lại ngồi xuống ghé sát mắt nhìn hồi lâu, như say như mê, tựa hồ quên khuấy bản thân đang ở trong cảnh nguy hiểm.

Quả nhiên, một lúc sau Nhị Rỗ lại tìm ra được manh mối mới. Vấn đề nằm ở bức tranh thứ hai, trong đó có bóng một con chim lớn được vẽ bằng mấy nét phác họa đơn giản, nhưng góc bức tranh còn có rất nhiều chấm nhỏ. Đúng ra, những chấm nhỏ ấy rất khó bị người chú ý, thậm chí không thể bị chú ý, nhưng Nhị Rỗ lại nhìn ra được điểm bất thường.

Nhị Rỗ so sánh cách sắp xếp những đường nét trong bức tranh thứ tư và những chấm nhỏ lõm xuống trên bức tranh thứ hai, phát hiện cách sắp xếp những chấm nhỏ và cách sắp xếp những đường nét trong bức tranh thứ tư giống nhau như hệt, vấn đề chính là chỗ ấy.

Vương Uy nghe Nhị Rỗ trình bày nghi vấn, thoáng nghĩ đã ra đáp án:

- Ý anh là, bức tranh muốn mô tả những sinh vật này vẫn luôn bám theo con chim kia, hơn nữa, xem ra những thứ có số lượng tương đối nhiều này còn bay phía trước con chim…

Vừa nghe đến đây, Nhị Rỗ bèn đấm vào lưng Vương Uy một cái, kêu lên:

- Tôi hiểu rồi… hiểu chuyện gì rồi.

Tiếng Nhị Rỗ rất vang, tạo nên âm hưởng lồng lộng giữa không trung rồi văng vẳng lịm đi trong thế giới dưới lòng đất đầy sương mù và bóng tối. Dương Hoài Ngọc chỉ lườm Nhị Rỗ, rồi tiếp tục nghiên cứu con chim sắt.

Vương Uy lại lên tiếng, ngăn Nhị Rỗ tiếp tục hoa chân múa tay:

- Anh bảo, vì những thứ này xuất hiện, mới khiến bức tượng đột ngột khom xuống à?

Thấy Nhị Rỗ giơ ngón tay cái ra tỏ ý khen ngợi, Vương Uy “hừm” một tiếng, rồi nói:

- Anh suy nghĩ thực tế chút đi, bức tượng to như thế này, làm gì có sinh vật nào xô đổ được nó? Trên thế giới này không thể tồn tại loài sinh vật đó.

Nhị Rỗ nói:

- Chưac chắc đâu, chỉ huy phải xem thứ đó có bao nhiêu đã? Ví dụ như những nét vẽ này, anh có đếm được bao nhiêu nét không? Đây chỉ là bức phác thảo sơ sài thôi nhé, có trời mới biết bên trong những đường nét này, còn bao nhiêu những thứ ấy nữa?

Nghe Nhị Rỗ nói thế, Vương Uy cũng dần dần hiểu ra, nếu có những thứ lớn như con chim sắt này ùn ùn lao ập xuống, liệu có xô đổ nổi bức tượng không, vẫn còn là một ẩn số. Có điều họ căn bản không biết những đường nét trong bức tranh là thứ gì, nên không có cách nào đoán ra nổi liệu chúng có xô đổ được bức tượng hay không?

Gió thổi lồng lộng trên bình đài làm cho mồ hôi trên mình hai người khô dần, bắt đầu cảm thấy ớn lạnh. Cả hai lại mặc áo bông vào người, Vương Uy đeo cái kích hình dã thú lên lưng, chỉnh lại trang phục, chợt phát hiện ra Dương Hoài Ngọc lại đã leo lên lưng con chim sắt.

Nhị Rỗ thấy Vương Uy tỏ vẻ bực bội, liền gọi Dương Hoài Ngọc:

- Này, đồ tây rởm kia, bọn tây các người đều như thế đấy à? Bảo cô đừng leo lên đấy, sao vẫn leo lên? Trên ấy có đàn ông hay sao mà cô thích leo lên đấy thế, dưới này có hai thằng đàn ông đang sống sờ sờ ra đây này.

Vương Uy đứng đằng sau, liền đá cho Nhị Rỗ một cái, gã ngoảnh lại nhìn Vương Uy, cười hề hề, bộ dạng vô cùng thô bỉ.

Dương Hoài Ngọc nằm úp sấp, loay hoay trong cái bầu sắt, làm cái giá đỡ bên dưới kêu loảng xoảng, Vương Uy chỉ sợ cái giá không chắc chắn, sẽ gãy rời ra bất cứ lúc nào, chứ hy vọng gì con chim sắt này bay được lên cao để phá giải bí mật của khu rừng ngầm.

Tiếng loảng xoảng từ con chim sắt mỗi lúc một to, Vương Uy và Nhị Rỗ thấy Dương Hoài Ngọc không để lời của họ vào tai, vẫn mải mê loay hoay trong đó, đều lấy làm lạ, xưa nay Dương Hoài Ngọc có bao giờ như vậy đâu. Hình như vừa nhìn thấy con chim sắt, cô liền trở nên không bình thường, khác hẳn lúc trước, như bị trúng tà thuật vậy.

Nhị Rỗ nói với Vương Uy:

- Cái cô tây rởm kia nhẹ vía, e rằng đã bị ma quỷ dưới đất thổi tắt hai ngọn dương đăng rồi, như bị trúng tà ấy, phải làm thế nào bây giờ?

Vương Uy trừng mắt nhìn Nhị Rỗ, lòng rối như tơ vò, hành vi bất thường của Dương Hoài Ngọc khiến lòng anh như bị bóng đen che phủ, sao bên dưới lòng đất này, thứ gì cũng quái gở thế nhỉ?

Trúng tà? Hay là bị nguyền rủa?

Hai người vội chạy đến phía trước con chim sắt, không hiểu Dương Hoài Ngọc dùng cách gì mà đã làm cho nó dừng lại, không chuyển động qua lại những rãnh sâu trên bức tranh kia nữa. Hai người đứng dưới chim sắt, chỉ thấy cái bầu sắt ở bụng chim động đậy không ngừng, ánh đuốc soi rõ bóng Dương Hoài Ngọc đang nằm trong cái bầu, người cuộn tròn lại như quả trứng.

Nhị Rỗ định leo lên kéo cô ta xuống, nào ngờ chim sắt lại phát ra tiếng lạch cạch, cánh tay sắt giơ cao hai ngọn đèn bằng đồng bỗng phân làm hai, tách đôi thành hai nửa, như một chiếc hộp được mở ra vậy.

Hai người kinh ngạc, vội giơ đuốc lên soi, thấy trong lỗ hổng nơi cánh tay sắt tách ra, cứ cách nửa mét lại treo một ngọn đèn bằng đồng, nhỏ hơn hai ngọn đèn treo trên đầu cánh tay một chút. Những ngọn đèn trong lỗ hổng này rất ít gỉ đồng, có điều phía ngoài có một vòng đỏ thẫm, Nhị Rỗ giơ tay sờ, thấy phần lớn cây đèn vẫn còn trơn nhẵn.

Nhị Rỗ ngứa tay, đưa đuốc lên châm liền ba ngọn đèn, đèn vừa sáng, Vương Uy đã ngửi thấy mùi khét. Nhị Rỗ cười hăng hắc, nói:

- Chỉ huy ơi, thứ mỡ người này một khi đã khô, lại bị lửa đốt, sẽ bốc mùi khét, người bình thường ngửi phải sẽ không chịu được đâu.

Vương Uy gật đầu, quay sang châm đèn bên cánh tay kia, hai người thắp sáng tất cả hai mươi mấy ngọn đèn lên. Bấy nhiêu ngọn đèn kề nhau nhìn như hai dãy đèn lồng, tuy trên bình đài nồng nặc mùi mỡ người cháy khét lẹt nhưng trông cũng rất đẹp mắt.

Hai người vừa nhìn vừa bịt mũi, nào chú ý nguy hiểm đang từng bước đến gần. Gió dần dần tan đi, sương mù lại bao trùm cả bình đài huyền bí này, cánh tay của pho tượng khổng lồ ẩn giấu đầy bí mật, dù là chim sắt hay những bức tranh đều khiến cho cả ba người trên bình đài này táng đảm kinh hồn.

Thậm chí bọn họ khó mà tin nổi những thứ này là do con người tạo nên. Bởi sự vĩ đại của công trình này đã vượt xa trí tưởng tượng của con người, cho dù ở thời đại ngày nay cũng không thể thực hiện được, đừng nói gì là nghìn năm trước.

Dương Hoài Ngọc loay hoay càng lúc càng nhiều, khiến hai người kia đều lấy làm lạ, chẳng biết cô ta đang làm gì. Cả hai không hẹn mà cùng chạy đến dưới bụng chim sắt, định leo lên xem Dương Hoài Ngọc làm trò gì.

Vừa đi được vài bước, họ bỗng cứng người lại, phát hiện gần đó sương mù đang từ từ phun ra, dần dần hình thành những xoáy sương lớn. Không phải chỉ một vài xoáy mà là một đám vòng xoáy, vây cả Vương Uy, Nhị Rỗ và chim sắt vào trong.

Cả hai lập tức trố mắt ra nhìn, chuyện quái gì thế này? Một thứ quái đản nấp trong màn sương mù đã khiến cả bọn họ khốn đốn, huống hồ lại nhiều đến thế này, thật khó mà tưởng tượng nổi. Lâm vào tình cảnh này, liệu họ còn thoát chết được ư?

Dương Hoài Ngọc ở trên con chim sắt, đương nhiên thấy rõ tất cả. Chim sắt sau khi phát ra một tràng những tiếng lạch cạch ầm ĩ cũng đã yên tĩnh lại. Xung quanh lặng tờ như chết, Vương Uy nghe rõ cả tiếng thở nặng nề của mình, vòng xoáy trong sương mù kia lại đang lớn dần lên. Cả ba người đều nắm chắc khẩu súng trong tay, liên tục lên đạn, tuy họ biết súng đạn đối với những thứ này cũng chẳng có tác dụng gì, nhưng vào lúc này con biết cầm lấy cái gì đây?

Nhị Rỗ nhổ nước bột, nã một loạt đạn vào xoáy sương mù trước mặt. Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cũng nổ súng theo, tiếng súng xé tan bóng tối im lìm nhưng lại khơi dậy cơn phẫn nộ của những thứ ẩn sau màn sương mù kia. Nhị Rỗ chưa bắn hết đạn, sương mù xung quanh đã đột ngột ập tới trước mặt, gã không kịp phản ứng, liền ngã lăn ra đất.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc vội né tránh, nhưng tốc độ của thứ ma quái kia rất nhanh, không thể tưởng tượng nổi, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc bị đẩy văng về phía sau, đụng cả vào chim sắt, theo quán tính, chim sắt cũng lùi lại phía sau.

Hai người gắng gượng đứng vững, bả vai của Vương Uy bị một thanh sắt trên mình chim sắt đâm trúng, máu chảy lên láng, Dương Hoài Ngọc cũng bị xây xước mấy chỗ. Vương Uy bịt chặt miệng vết thương, cú va chạm kinh khủng này khiến anh phải lùi lại đến hai ba trượng, chẳng hiểu Nhị Rỗ nằm kia thương tích ra sao.

Vương Uy không buồn cầm máu, chạy ngay đến vực Nhị Rỗ dậy. Nhị Rỗ bị đập vào bụng, nhất thời đau không chịu nổi, trượt chân ngã ra đất, được Vương Uy vực dậy, gã vẫn đau đến đỏ ngầu cả mắt.

Nhị Rỗ vừa rên rỉ, vừa chửi bới:

- Mẹ kiếp, đồ quái quỷ kia định giết ông à! Đánh vào đâu không đánh, lại đánh vào bụng!

Vương Uy giơ đuốc soi đằng trước, không nén nổi kinh hãi, chỉ thấy mặt đất đã nứt ra bốn năm vết. Những vết nứt này chẽ ra từng nhánh như gân lá, chia bình đài kiên cố ra thành từng mảnh. Hai người thoáng ngây ra, chợt nghe tiếng đá nứt liên tiếp vang lên trong bóng tối tĩnh lặng, thì ra đá trên bình đài đều bị lũ quái vật kia bóp nát. Hai người nghe tiếng vỡ vụn, tim cũng đập rộn cả lên, họ đang ở phía trên khu rừng ngầm từ mấy trăm cho đến hơn nghìn mét, nếu bình đài này vỡ nát giữa không trung, liệu họ còn sống nổi ư?

Hai người vắt chân lên cổ chạy về phía con đường nối liền với bình đài, hay nói một cách chính xác, con đường đó chính là một cánh tay khổng lồ của bức tượng. Họ chạy như điên, Dương Hoài Ngọc hiểu tình huống hiện tại, cũng bỏ chạy tháo thân, ba người đỏ mặt tía tai, tay chân cứng đờ, lần này đúng là chạy trối chết, chỉ chậm nửa bước là rơi xuống dưới sâu kia.

Họ quên hết tất cả, chỉ mải miết cắm đầu chạy, sương mù dần lùi lại phía sau, đuốc soi sáng đến đâu thì trước mắt lại thấy một đoàn bóng đen vụt qua đến đấy. Lũ quái vật kia thấy ánh sáng liền bỏ chạy, bọn họ chỉ kịp trông thấy một đoàn lố nhố những bóng đen, thoáng cái chúng đã biến mất không tăm tích.

Bình đài chấn động dữ dội, cả ba người đang cắm đầu chạy không kịp dừng lại, đều loạng choạng ngã lăn ra, hồi lâu không thể đứng dậy nổi. Tiếng chấn động rầm rầm vang lên không ngớt, ba người bò rạp ra tại chỗ nối giữa con đường với bình đài, trông thấy con đường nứt thành mấy mảnh, đất đá rào rào rơi xuống khu rừng phía dưới.

Cả ba người cùng sững sờ, giờ đây họ đã rơi vào cảnh tuyệt vọng vô bờ, con đường đi không thể đi được nữa, họ chỉ bất lực giương mắt nhìn con đường sống duy nhất của mình bị cắt đứt mà thôi. Nhị Rỗ đột nhiên hét lên:

- Đực mặt ra đấy làm gì, không mau leo lên con chim sắt kia đi…

Một câu đủ khiến Vương Uy và Dương Hoài Ngọc sực tỉnh, cả ba lại cố ngồi dậy, giẫm lên những vết nứt ngang dọc trên bình đài, lao về phía con chim sắt. Lúc này trước mặt họ không có con đường sống nào tuyệt đối cả, hy vọng duy nhất chỉ là con chim sắt kia thôi. Vương Uy chẳng dám tin rằng chim sắt có thể bay, nhưng lúc này không còn cách nào khác hơn là dựa vào nó.

Nhị Rỗ đang đau bụng, nhưng vào thời khắc quan trọng này còn chạy nhanh hơn ai hết, gã nhảy lên chim sắt, rồi lại lôi Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cùng lên. Những khối đá trên bình đài đã nứt vỡ vô số, không chịu nổi trọng lượng của bình đài nữa, đất đá rào rào rơi xuống, khắp nơi đều nghe thấy tiếng đá nứt ầm ầm.

Cái bầu sắt nơi bụng chim khá lớn, thừa chỗ cho ba người. Nhị Rỗ nằm bò lên bầu sắt loay hoay một hồi nhưng chim sắt vẫn không hề động đậy. Chợt phiến đá kê dưới chân chim sắt vỡ làm đôi không còn gì chống đỡ, liền trượt xuống.

Vì bụng chim có ba người đang bám, quá nặng nề, nên chim sắt vừa rơi xuống đã lộn nhào. Ba người cuống quýt tóm lấy thành bầu, thân mình lộn nhào giữa không trung, cứ như vậy mà vùn vụt rơi xuống theo chim sắt.

Dương Hoài Ngọc đẩy Nhị Rỗ ra, leo lên trên cái bầu sắt, hai chân gác lên thành bầu, kẹp chặt vào khoảng giữa thành bầu và khung sắt bên dưới. Hai bên khuỷu tay cô gập lại, chống lên hai tấm sắt trên bầu, dùng sức ấn xuống. Vương Uy và Nhị Rỗ bị lộn ngược bên dưới, trông thấy trục truyền động ở giữa giá sắt bị tấm sắt dưới cái bầu thúc đẩy, chuyển động rất nhanh, mấy trục truyền động khác hợp thành từ lò xo và tấm sắt cũng rục rịch chuyển động theo. Tam giác bên dưới giá sắt từ từ giương ra, đôi cánh chim đang cụp bỗng xòe rộng, toàn thân nó rung lên bần bật khiến Vương Uy và Nhị Rỗ suýt nữa bị hất văng xuống dưới giá sắt.

Chim sắt lộn nhào hai vòng trên không trung rồi cất cánh bay lên,Vương Uy và Nhị Rỗ bị một loạt những động tác này của chim sắt làm cho hoa mắt chóng mặt, nghe Dương Hoài Ngọc giục họ mau mau leo lên thành bầu, cả hai vội định thần lại, vươn mình leo lên, mãi đến khi nằm vật ra trong bầu, không sứt mẻ gì, bấy giờ hai người mới dám thở phào nhẹ nhõm.

Hai cánh tay trên đầu chim sắt vươn ra, hai hàng đèn bằng đồng hệt như một chuỗi đèn lồng xé tan bóng tối và sương mù. Dưới ánh đèn, Vương Uy và Nhị Rỗ trông thấy sương mù dày đặc trên không, chim sắt đang lượn vòng xuống, không khỏi than thở luôn miệng.

Nhị Rỗ xoắn chòm râu dê, hỏi Vương Uy:

- Chỉ huy ơi, chim sắt biết bay rồi nhé, giờ chỉ huy đã chịu tin những thứ trong bức vẽ kia chưa?

Vương Uy nói:

- Anh bảo, các đường nét trong bức tranh chính là những thứ đang ẩn náu trong màn sương mù kia ư?

Nhị Rỗ lắc đầu, rồi lại gật đầu, đáp:

- Không nói rõ được, cứ xem xem sao đã.

Nói rồi Nhị Rỗ nhìn chăm chú về phía trước, nhưng trong không gian dày đặc sương mù xen lẫn bóng tối mịt mùng, ánh đèn không có mấy tác dụng, chỉ có thể soi sáng một phạm vi rất hẹp, xung quanh vẫn là sương mù và bóng tối, ngoài ra không thấy gì khác.

Vương Uy vỗ vai Dương Hoài Ngọc, nói:

- Cô cho chim bay hơi nghiêng về phía trước một chút đi, tôi thấy sương mù ở kia hình như có vẻ khang khác, có thể mấy thứ trong sương mù kia đang ẩn náu ở đấy.

Dương Hoài Ngọc ngước lên, bất lực nhìn Vương Uy:

- Tôi đã thử rồi, nhưng không điều khiển nổi con chim sắt này, chỉ có thể làm cho cánh của nó dang ra hoặc khép lại thôi.

Nghe được lời này của Dương Hoài Ngọc, Nhị Rỗ nhảy dựng lên, kêu to:

- Quái gở như thế à? Này đồ tây rởm, tôi bảo, chút huyết mạch còn lại của anh em quân đoàn 24 chúng tôi đang ở trong tay cô đấy. Con chim sắt này đã bay được lên rồi, cô lén lút loay hoay với nó bằng ấy thời gian, lại nói là không điều khiển được nó, không thấy xấu hổ à? Cô liệu mà nghĩ cách, bằng giá nào cũng phải bắt nó lên phải lên, xuống phải xuống chứ.

Dương Hoài Ngọc mặc kệ Nhị Rỗ, vẫn giữ nguyên tư thế kỳ quái của mình, nằm bò ra trên cái bầu, chẳng hề động đậy, chim sắt tiếp tục từ từ lượn xuống phía dưới, không hề đổi hướng.

Lượn xuống hơn hai trăm mét, ánh đèn đã chiếu sáng được đến thân hình khổng lồ của bức tượng, chim sắt bắt đầu lắc lư tiến đến gần pho tượng hơn, nhưng Vương Uy phát hiện bụng bức tượng vẫn hoàn toàn lành lặn, không hề bị thủng, vội bảo Nhị Rỗ:

- Tại sao thế nhỉ?

Nhị Rỗ cũng ngớ ra, bụng bức tượng này không có lỗ thủng đã đành, cũng chẳng thấy mấy con quái vật biết bay ẩn núp sau màn sương mù bí hiểm kia xuất hiện, bọn họ dường như đã rơi vào một vùng đất chết vậy. Con chim sắt liên tiếp đụng vào bức tượng, hễ đụng vào lại rơi xuống mấy mét, lực va đập càng mạnh thì cánh chim sắt càng bị tổn hại nhiều chỗ, toàn thân nó nghiêng sang một bên, liêu xiêu bay xuống.

Giữa lúc ba người đang không biết phải làm sao, chợt trông thấy phía dưới chim sát bùng lên một ngọn lửa ngất trời, tiếp theo là một tiếng động vang rền, ba người ngồi trên chim sắt kinh ngạc trông thấy bụng bức tượng bị nổ, thủng ra một lỗ to. Ngay lúc ấy, trong bầu không phía trên cánh rừng ngầm vang vọng tiếng đất đá nứt vỡ, bức tượng khổng lồ hạ thấp xuống mấy trăm mét, con chim sắt chở theo ba người xuyên qua vòng lửa, bay vào bụng bức tượng.

Chim sắt chui vào lỗ thủng ở bụng bức tượng, không khí bên trong nồng nặc mùi thuốc súng, cay sè cả mũi. Chim sắt bay qua biển lửa, những tấm sắt quanh cánh bị lửa nung đỏ, ba người ở trên cái bầu sắt càng thêm khó chịu, cho dù bụng chim cách ngọn lửa khá xa, nhưng dưới tác động của nhiệt độ cao, tóc của ba người đều xoăn tít lại, toàn thân đỏ nhừ.

Chim sắt chui vào bụng tượng, rồi lượn dần xuống thấp, càng xuống dưới, không gian trong bụng tượng càng thu hẹp, khiến cánh chim sắt bị vướng víu, liên tiếp đụng vào vách đá bên thành bụng. Cánh chim vốn làm từ những tấm sắt cực mỏng, bị va đập như thế, đã có nhiều chỗ méo mó, khiến chim sắt mất hẳn thăng bằng.

Nhị Rỗ nhìn xung quanh, nói:

- Chúng ta đã xuống đến bắp chân tượng rồi, càng xuống dưới sẽ càng hẹp, chắc chắn chim sắt sẽ bị kẹt lại đó.

Không ngờ, Nhị Rỗ vừa dứt lời, chim sắt liền bị kẹt vào giữa mấy tảng đá, coi như hỏng hẳn.

Ba người bám lấy giá sắt, thân mình đu đưa lơ lửng giữa không trung. Cấu tạo của chim sắt không có những thanh sắt tấm sắt cứng cáp vững chãi, cái giá sắt vướng giữa mấy tảng đá này cũng phải khó khăn lắm mới chịu nổi trọng lượng của ba người. Hơn nữa, bộ khung bằng sắt được bố trí để xòe cánh ra khép cánh vào cũng chỉ to bằng chiếc đũa, rất dễ gãy gập.

Những ngọn đèn đồng trên cánh tay sắt đã gãy ngay khi chim vừa bay vào bụng tượng, còn lại vài ngọn bị va đập cũng tắt nốt. Lúc này họ đang ở giữa bóng tối dày đặc, hai chân lửng lơ giữa không trung, coi như hết đường sống. Khung sắt và lá sắt phía trên kia bắt đầu phát ra những tiếng gãy răng rắc, khiến ba người bên dưới sợ đến không dám nhúc nhích, chỉ e hễ hơi đung đưa thì khung sắt kia sẽ không chịu đựng nổi, rơi thẳng xuống dưới sâu.

Lúc cánh chim sắt bị kẹt, Vương Uy thấy rất rõ, tảng đá mà cánh chim bị kẹt vào cách họ hơn một mét về phía trên, mà khung sắt trên cánh đang lần lượt gãy từng nan một, nếu cứ treo lơ lửng trên không thế này, sớm muộn gì họ cũng chết. Muốn sống thì chỉ còn cách mạo hiểm leo lên những tảng đá kia, nhưng hành động đó rất nguy hiểm, nếu khung sắt kia không chống đỡ nổi, cả ba sẽ lập tức rơi xuống từ độ cao mấy trăm mét, chết không kịp ngáp.

Vương Uy bày tỏ ý định của mình với Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc, dù sao hiện giờ sinh mệnh của cả ba người cũng đang gắn liền với nhau, anh phải được hai người đồng ý mới dám hành động.

Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc đều hiểu, thà rằng đánh liều một phen còn hơn cứ treo mình lơ lửng giữa không trung chờ chết. Trước mắt chỉ mình Vương Uy là có thể dựa vào cảm giác để xác định vị trí tảng đá, chờ anh leo lên được, rồi sẽ giúp sức lôi hai người kia lên.

Ba người bàn bạc xong, Vương Uy không chần chừ, nắm ngay lấy môt khung sắt hình tam giác ngược trên giá, vận lực vào hai tay, leo qua ba, bốn khung sắt tam giác ngược khác. Sau một loạt động tác ấy của Vương Uy, tiếng thanh sắt gãy răng rắc vang lên liên hồi, bụi đất trên đầu rào rào rơi xuống, chim sắt có thể gãy gập bất cứ lúc nào, Dương Hoài Ngọc và Nhị Rỗ ở bên dưới, sợ đến không dám động đậy, nhắm nghiền mắt lại.

Vương Uy cũng sợ đến nỗi tay chân mềm nhũn, phải cố lấy lại dũng khí, tự nhắc nhở bản thân rằng trong tay mình hiện giờ không phải chỉ nắm giữ sinh mệnh bản thân mà còn sinh mệnh của hai người kia, không thể có chút sai sót nào. Vương Uy dựa vào cảm giác trong khoảnh khắc những ngọn đèn đồng phụt tắt, xác định vị trí chính xác tảng đá, đoạn leo qua hơn chục bậc tam giác ngược, cuối cùng cũng trèo lên được tảng đá lớn.

Vương Uy cố sức vươn mình trèo lên tảng đá lớn, đúng lúc ấy khung sắt kẹp giữa hai tảng đá lớn cũng gãy gập hoàn toàn. Anh nghe thấy một tiếng rắc chói tai, rồi tiếng chim sắt va vào tảng đá đánh ầm. Nãy giờ Vương Uy vốn luôn thấp thỏm lắng nghe tiếng khung sắt gãy răng rắc, vừa nghe thấy tiếng động lần này, anh vội kêu lên, lập tức nắm lấy cái tam giác đang rơi xuống.

Con chim sắt không có gì nâng đỡ, Vương Uy gần như phải chịu đựng sức nặng của cả nó và hai người kia, một tay anh ôm lấy trụ đá bên cạnh, một tay nắm chắc lấy chiếc giá tam giác. Nhưng sức người có hạn, toàn thân anh bị kéo căng ra hai phía tưởng như sắp bị xé làm đôi tới nơi. Thấy giá sắt cứ dần trĩu xuống, Vương Uy vội vàng nín thở nói vọng xuống:

- Tôi không ổn rồi, hai người mau bấu vào các khe rãnh trên vách đá leo lên, nhanh…

Vương Uy cố sức nói hết câu, rồi không giữ nổi con chim sắt nữa, anh đành buông tay. Anh tin rằng trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc chắc chắn đã bám được vào vách đá. Chim sắt rơi xuống, Vương Uy châm đuốc soi xuống dưới, thấy Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc đang nhoài người trên vách đá, tiến không được lui không xong. Giữa vách đá và tảng đá lớn nơi Vương Uy đứng không có chỗ nào bấu víu nên Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc vẫn chỉ có thể lơ lửng trên không.

Phía dưới hai người là vực sâu thăm thẳm, may mà trong bụng bức tượng không có sương mù. Vương Uy cắm bó đuốc vào kẽ đá, vươn hẳn nửa người ra mới nắm được tay Nhị Rỗ. Hai tay Nhị Rỗ bị sai khớp, trong chốc lát chưa thể bình phục, chịu đựng nãy giờ chắc chắn đã phải cố gắng lắm, bằng không hẳn đã rơi xuống vực từ lâu rồi.

Vương Uy nắm chặt tay Nhị Rỗ, cố lôi lên. Hai người vật lộn mất một lúc, mồ hôi vã ra đầm đìa, lòng bàn tay trơn nhẫy, mấy lần suýt thì tuột tay. Khó khăn lắm mới lôi được Nhị Rỗ lên, sau đó hai người tiếp tục lôi Dương Hoài Ngọc lên theo.

Ba người thoát hiểm leo lên được tảng đá lớn, trái tim đập thình thịch trong lồng ngực lúc này cũng đã yên tĩnh lại. Trong rừng, họ nhặt rất nhiều cành khô, đều là để chiếu sáng ở cái nơi không có ánh mặt trời này. Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc lại châm hai bó đuốc, có thể chiếu sáng toàn bộ tảng đá lớn. Tảng đá chìa ra khỏi vách đá, rộng chừng bốn năm mét vuông, phía trước hình như vẫn còn khối đá khác, nhưng lửa đuốc không soi đến nơi.

Họ quan sát kỹ bên dưới vách đá, chim sắt rơi xuống, không biết di cốt của nó đang ở đâu, chỉ thấy các mảnh sắt, mảnh tôn từ chim sắt rơi xuống giắt đầy các khe đá.

Vương Uy đến bên mép tảng đá lớn, thấy vách đá trước mặt đầy những tảng đá loại này, tất cả nghiêng nghiêng sắp thành hình vòng cung, vòng quanh vách đá chừng nửa vòng, không biết phía sau còn thông đến tận đâu. Rõ ràng đây là một con đường dẫn xuống dưới lòng đất. Phát hiện ra điều này, Vương Uy mừng rỡ, vội gọi Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc lại.

Con đường vòng bên trong bắp đùi rỗng không của bức tượng cứ từng vòng từng vòng dẫn xuống dưới, ba người giơ đuốc, thận trọng đi trên những tảng đá. Kể từ chỗ hai tảng đá mà con chim sắt kẹt vào lúc trước, những tảng đá về sau cứ nhỏ dần, chỉ rộng không tới một mét, hơn nữa còn rất trơn, không cẩn thận là rơi xuống vực như chơi.

Tuy họ từ trên cánh tay bức tượng bay xuống chỉ kinh hoàng chứ không gặp phải chuyện gì hung hiểm, nhiều lần đã lướt qua bên cạnh tử thần, nhưng trong lòng vẫn lấy làm lạ về vụ nổ ở bụng tượng. Lúc bay vào vòng lửa, quả là họ có ngửi thấy mùi thuốc súng nồng nặc. Có điều sự thật này lại hoàn toàn khác với những miêu tả trong bức tranh trên lòng bàn tay tượng, bức vẽ bảo rằng muốn phá vỡ bụng tượng thì phải dựa vào những thứ trông như những đường nét kia, họ đoán rằng những đường nét ấy rất có thể là quái vật ẩn nấp trong sương mù, nhưng sự thật lại là một vụ nổ bất ngờ, nổ vỡ bụng bức tượng. Đó rõ ràng là thuốc nổ, một sản phẩm của văn minh hiện đại xuất hiện trong cánh rừng dưới lòng đất, khiến người ta cảm thấy thật khó hiểu, giống như bức tường chiến hào bằng đá trong rừng, khẩu súng trường của quân phiệt Bắc Dương, tất cả những thứ đó đều không hợp logic, nhưng lại thật sự tồn tại.

Ba người thận trọng đi trên những tảng đá, thứ nhất là để không bị rơi xuống vực, thứ hai là tảng đá này rất kỳ lạ, chắc chắn người thiết kế phải có mục đích gì khác. Bức tượng rỗng ruột thì còn có thể hiểu được, dù sao thì khoảng trống bên trong bức tượng nếu đắp đặc thì sẽ rất tốn kém. Nhưng khoảng trống bên trong bức tượng lại có một con đường vòng bằng đá dẫn xuống dưới, quả thật là kỳ quái, họ khó mà đoán được mục đích thực sự của những người tạo ra bức tượng này, cho nên chỉ mong có thể phát hiện ra chút manh mối bên trong bức tượng.

Họ đi lòng vòng bên trong chân tượng xuống phía dưới, cuối cùng cũng đi xuống đến mặt đất, nhưng họ đều biết, mặt đất dưới chân họ đã nằm sâu bên dưới khu rừng trong lòng đất. Bức tượng cao như thế ít nhất nền móng phải ăn sâu xuống khoảng một trăm mét, nếu không bức tượng đâu thể đứng sừng sững suốt hàng nghìn năm nay.

Dưới bức tượng có một hang động thẳng đứng, trong hang nước chảy róc rách, trong vắt đến độ có thể soi gương được. Ba người đi bên bờ sông, chợt thấy trước mặt có một bức tường. Bức tường không cao, chỉ chừng ba mét, nhưng lại chắn ngang dòng nước, chặn lối đi của bọn họ.

Nhị Rỗ trèo lên tường trước nhất, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đang ở bên dưới loay hoay giẫm lên các khối đá để leo lên, bỗng nghe Nhị Rỗ kêu thất thanh:

- Hỏng rồi…

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều kinh ngạc, chỉ thấy Nhị Rỗ tái mặt, hồn xiêu phách lạc cưỡi lên tường, nhìn chằm chằm vào mặt tường bên kia. Vương Uy nói:

- Lại làm trò quỷ gì thế?

Nhị Rỗ nhìn xuống dưới, vẻ sợ hãi, nói:

- Mẹ kiếp, quả là quái gở, tôi vừa thấy một tấm bia âm dương.

Thấy Vương Uy ngớ người, Nhị Rỗ liền vẫy vẫy tay với anh, kéo anh lên. Vương Uy leo lên bức tường, quả nhiên thấy trên tường cắm một tấm bia đá. Bức tường này rộng chừng nửa mét, tấm bia kia như cái quạt hương bồ, mặt hướng ra ngoài có khắc mấy chữ Tạng, anh vươn cổ lại xem mặt trong, thấy mặt trong cũng có mấy chữ Tạng.

Vương Uy hỏi Nhị Rỗ:

- Chữ viết gì thế?

Gương mặt Nhị Rỗ đang cứng đờ ra, chưa khôi phục lại được thần sắc cũ, nghe Vương Uy giục giã, gã đành đáp:

- Chữ ở mặt trước là “thiên đạo”, mặt sau là “địa ngục đạo”.

Vương Uy sốt ruột, nghi hoặc hỏi:

- Thiên đạo, địa ngục đạo là gì?

- Phật giáo Tây Tạng nói rằng, hư không pháp giới có lục đạo luân hồi, chia làm tam thiện đạo, tam ác đạo. Tam thiện đạo gồm nhân đạo, thiên đạo và atula đạo; tam ác đạo là địa ngục đạo, quỷ đạo và súc sinh đạo, bức tường này hình như là phân cách giữa thiện đạo và ác đạo.

Vương Uy gật đầu, một tấm bia không nói lên được điều gì, nhưng nó chôn sâu bên dưới bức tượng hơn trăm mét, lại chắn ngang giữa bờ sông, phía trước phía sau đều là bóng tối, khiến ai trông thấy cũng rờn rợn. Nhị Rỗ xoắn chòm râu dê trầm ngâm giây lát, Dương Hoài Ngọc nhìn hai người đang nói chuyện trên bức tường, không biết là nói gì, cô cũng chẳng buồn hỏi, chỉ lẳng lặng trèo lên.

Nghe Vương Uy giải thích những chữ Tạng trên tấm bia, cô gật đầu, chợt Nhị Rỗ nói:

- Tôi nghĩ, địa ngục đạo này là địa ngục sau khi chết mà ta vẫn thường nói, còn thiên đạo ở mặt trước tấm bia là chỉ cái gì nhỉ?

Câu hỏi của Nhị Rỗ, cũng là điều mà Vương Uy và Dương Hoài Ngọc lấy làm nghi hoặc, chẳng nhẽ đi từ đây lên phía trên bức tượng tức là lên trời, còn từ phía sau tấm bia này trở đi tức là đường xuống địa ngục sau khi chết? Vậy họ đi về phía ngục đạo, chẳng hóa ra tự mình đi xuống địa ngục hay sao?

Vấn đề lúc này không phải là đi theo thiên đạo hay địa ngục đạo, mà là bọn họ không còn đường nào để đi nữa, thiên đạo đã tuyệt đường, mà con đường gọi là địa ngục đạo này họ lại hoàn toàn mù mờ. Họ vốn lần theo tung tích vương triều Lạp Cách Nhật, nhưng tiến vào lòng đất mấy nghìn mét mà vẫn không thấy có gì liên quan đến vương triều Lạp Cách Nhật cả, ngược lại, còn gặp toàn những chuyện kỳ lạ, dẫn họ vào con đường không biết sống chết thế nào.

Theo thiên đạo đi xuống, họ đã bị mấy phen suýt chết, lâm vào tình cảnh không chống đỡ nổi. Vậy mà bức tường phân chia âm dương này lại bất ngờ cảnh cáo họ, đi về phía trước là địa ngục đạo. Thiên đạo còn như thế, huống hồ là địa ngục đạo, chắc hẳn những hung hiểm quái gở bên trong khó mà kể xiết.

Nhị Rỗ hoang mang nhìn Vương Uy, lại nhìn Dương Hoài Ngọc, muốn biết ý kiến của hai người.

Vương Uy xua tay:

- Đi, đi xuống, dù sao cũng đã đặt chân lên đường chết rồi, dù thế nào cũng chết thôi.

Câu nói của Vương Uy khiến Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc thấy lòng trầm xuống, họ biết hoàn cảnh lúc này, đường lùi không còn, chỉ có thể tiến về phía trước mới mong sống sót. Nhưng con đường quái gở thông xuống địa ngục này, lại càng làm cho họ thêm phần lo lắng, sợ hãi.

Bức tường âm dương, phân cách âm dương, mà phía họ đang đi là địa ngục. Từng bước đi xuống địa ngục, tự mình chui vào rọ, liệu ai có thể thoải mái trong lòng?

Vương Uy nghiến răng, nhảy xuống, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc cũng nhảy xuống theo.

Hai mặt bức tường âm dương chẳng khác gì nhau, trừ một bức tường kỳ dị chắn trên bờ sông, chẳng có thứ gì nữa cả. Cho dù không có thứ gì xuất hiện, nhưng ba người đi bên bờ sông vẫn cảm thấy âm u, lạnh lẽo.

Ba người đang mải miết đi về phía trước, bỗng Nhị Rỗ đá phải một vật gì đó mềm nhũn như cái túi da. Với kinh nghiệm tiếp xúc với xác chết bao nhiêu năm nay, đầu óc Nhị Rỗ căng lên, biết chắc đã đá vào xác chết.

Thấy Nhị Rỗ dừng lại, Vương Uy nghi ngờ giơ đuốc lên soi, quả nhiên trên mặt đất là một xác chết đen thui đang nằm. Vương Uy ngồi xuống xem xét, không khỏi hít một hơi khí lạnh. Nhị Rỗ cũng nhận ra vấn đề, chỉ thấy xác chết đầu đội mũ, trên người đắp một chiếc áo ngắn, sau lưng áo có chữ “binh” rất lớn.

Nhị Rỗ trợn mắt kinh ngạc, hỏi Vương Uy:

- Đây là xác lính nhà Thanh, lính nhà Thanh cũng rơi xuống đây à? Nơi này quả nhiên là địa ngục đạo, toàn là người chết.

Vương Uy lại không nghĩ như vậy, trong đầu anh chợt nhớ lại chuyện trong thung lũng tuyết, một người tây dẫn theo một tốp lính nhà Thanh từ từ đi ngang qua trước mặt anh, nhưng họ nhìn một người sống sờ sờ là anh mà như không thấy. Tình cảnh lúc đó vô cùng quỷ dị, thậm chí anh thấy bóng Nhị Rỗ từ sâu bên trong thung lũng tuyết đi tới, ấn tượng về khoảnh khắc ấy vẫn in đậm trong đầu, anh có thể khẳng định mình đã tận mắt thấy tất cả, hoàn toàn là sự thật, nhưng sau khi tỉnh lại, anh mới nhận ra mình đã bị dịch chuyển đi chỗ khác, rất kỳ quái.

Nhị Rỗ lật cái xác lên, xác chết đã hoàn toàn rữa nát, chỉ còn lại đống xương. Áo quần bằng vải gai trên mình cái xác vừa chạm vào đã mủn, chắc hẳn bị nước và hơi ẩm xâm thực, đã mục nát từ lâu rồi.

Vương Uy kể lại cho Nhị Rỗ nghe chuyện anh gặp trong thung lũng tuyết, Nhị Rỗ nói:

- Như vậy là những tên lính nhà Thanh này do Thomas đưa vào đây?

Vương Uy lén nhìn Dương Hoài Ngọc, thấy cô im lặng không nói năng gì, nhưng gương mặt lộ vẻ xúc động, cứ thẫn thờ dán mắt vào cái xác.

Nhị Rỗ nói với Dương Hoài Ngọc:

- Này, trước khi chết cha cô có để lại tài liệu nào nói những người ông ấy dẫn theo không phải người Tây, mà là lính nhà Thanh không?

Dương Hoài Ngọc nói:

- Chuyện này khi trước bác Tôn đã xác nhận rồi, cha tôi đem theo lính cờ xanh[1] vào núi. Hơn nữa, bác ấy còn nói riêng với tôi rằng cha tôi dựa vào địa vị của mình trong Hoàng gia Anh, yêu cầu quân đồn trú cử một nghìn lính cờ xanh đi theo.

[1] Lính của nhà Thanh đồn trú tại địa phương dùng cờ xanh làm hiệu – ND.

Vương Uy và Nhị Rỗ nhìn nhau, một nghìn quân, thật là kỳ dị. Năm xưa, đại tướng quân Trương Tử Thông đem theo năm nghìn quân tinh nhuệ vào hẻm núi lớn của dãy Đường Cổ Lạp, còn Thomas lại đem theo một nghìn quân cờ xanh, đội đào trộm mộ của Mã Văn Ninh cũng có một nghìn người. Kỳ lạ hơn nữa là, nhiều người như vậy tiến vào vùng núi tuyết nhưng không có một ai trở về, tất cả đều vùi xác trong hẻm núi lớn.

Từ lúc tiến vào hang động ngầm, ba người đã dần dần đi sâu hiểu rõ hơn về thế giới bí ẩn dưới lòng đất này, nhưng càng biết nhiều càng thấy mê thành rùng rợn này thật quái gở. Những chuyện ly kỳ nhiều đến nỗi họ không ứng phó nổi, nhưng tại sao Trương Tử Thông và Mã Văn Ninh lại đem nhiều quân lính vào hang sâu như thế thì họ chưa hề nghĩ đến. Lại thêm Thomas đem một nghìn quân cờ xanh tới, sự việc càng trở nên không tài nào hiểu nổi. Đúng ra, nếu muốn tìm hiểu bí mật của vương triều Lạp Cách Nhật, Thomas cũng không cần phải làm to chuyện như vậy, nhiều lắm chỉ đem theo một đội thám hiểm mấy chục người là đủ. Đem theo hơn một nghìn binh mã, hình như mục đích không hề đơn giản.

Nhị Rỗ lật đi lật lại cái xác, nhưng không thấy gì cả, chỉ có một đống xương cùng nắm vải mục.

Vương Uy giục Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc rảo bước cho mau, chắc chắn phía trước còn có phát hiện mới. Họ đi thêm một quãng, lại thấy hai xác chết bên bờ sông, hơn nữa hai xác chết này hết sức kỳ lạ, hai tên lính dùng dao đâm vào ngực nhau, nằm ngửa trên mặt đất.

Hai xác chết này chỉ mới phân hủy rất ít, vẫn có thể trông rõ vẻ mặt của họ. Cả hai đều mở to mắt nhìn nhau, dồn hết sức chú ý vào gương mặt đối phương, lưỡi dao đâm ra hời hợt, ánh mắt họ nhìn nhau không hề có thù oán, ngược lại còn hết sức bình tĩnh, bình tĩnh như đang ngồi uống rượu tán phét với nhau vậy.

Nhị Rỗ nói:

- Hai người này hình như chết sau tên lính nhà Thanh kia rất lâu, nhưng dù lâu thế nào đi nữa thì mức độ phân hủy cũng không chậm như thế chứ?

Chuyện này kể ra thực vô cùng kỳ dị, Thomas tiến vào hẻm núi lớn của dãy Đường Cổ Lạp từ hơn hai mươi năm trước, thời gian hai mươi năm đủ cho xác một nghìn tên lính phân hủy chỉ còn lại bộ xương, thậm chí xương cũng không còn. Nhưng hai xác chết này vẫn chưa phân hủy, đúng là chuyện không thể hiểu nổi.

Không có cách nào nghiên cứu rõ ràng về cái xác được, ba người lại tiếp tục men theo hướng dòng chảy, đi sâu xuống dưới lòng đất. Càng đi họ càng thấy lạnh, thật vô cùng kỳ lạ, nước sông vẫn chảy rất chậm, thỉnh thoảng còn có thể thấy một vài mảnh băng trôi.

Băng qua một cửa hang, thế giới trước mắt họ bỗng hoàn toàn đổi khác. Trong phạm vi soi sáng của ba bó đuốc, xuất hiện một vòm cửa hình vòng cung trong suốt, hai bên vòm cửa là hai bức tường băng vừa cao vừa to, ngước nhìn không biết cao đến chừng nào. Nhị Rỗ tiến lên thêm mười mấy mét, phát hiện bên trong vách động phía trước đâm xuyên vào sơn động, đều là những bức tường băng cao lớn như vậy.

Bước qua vòm cửa, họ hết sức kinh ngạc trước cảnh tượng bên trong. Ngay sau vòm cửa là hai bức tượng sư tử lớn được tạc bằng băng, mặt đất là một khối băng hoàn chỉnh, đi không cẩn thận sẽ trượt ngã. Cách hai pho tượng sư tử không xa là một cung điện băng rất nguy nga bề thế, ba người đến trước cung điện, lập tức cảm thấy bản thân vô cùng bé nhỏ.

Dương Hoài Ngọc ngước nhìn tòa cung điện hùng vĩ tráng lệ, run rẩy thốt:

- Đây là một cung điện băng khổng lồ dưới lòng đất sao!
Bình Luận (0)
Comment