Mê Tông Chi Quốc

Chương 142



Người xưa lợi dụng đá trầm tích dưới địa tầng, gia công đục đẽo thành chiếc hộp đá, nó hòa thành một thể với tượng linh thú. Bề mặt hộp nổi chi chít vết rạn nứt và bị rêu xanh, dây leo che phủ, khiến nó mang một màu xanh thẫm u uất. Cả hội đứng tại chỗ nên chỉ có thể quan sát một phần nhỏ của hộp từ một góc độ nhất định, vậy mà vẫn thấy ở đó toát ra vẻ thần bí đáng kinh ngạc.



Nhị Học Sinh lau lớp bụi trên cặp kính, mở to hai mắt nhìn thật kỹ. Anh chàng ngơ ngẩn lẩm bẩm: “Đây là chiếc hộp của Sở U Vương sao?” Tư Mã Khôi cũng cảm thấy rất đỗi ngạc nhiên. Chiếc hộp đá trông có vẻ rỗng ruột, bên trong chắc dùng để chứa đồ, nhưng trên thế giới làm gì có chiếc hộp nào lại khổng lồ dường vậy? Vả lại, nó cũng không giống với quan tài đá chứa xác chết.



Anh bỗng nhiên nhớ lại bức bích họa khi trước từng xem qua trong huyệt động. Trong bức bích họa cổ mà tiền nhân để lại từ hơn hai ngàn năm trước thường xuất hiện một con vật kì dị trông hao hao con rùa đầu rồng, có đầu nhưng không có mặt, tay cầm nến đứng giữa cõi hỗn độn, lưng cõng bánh xe.



Nó có dáng dấp tương tự với con rùa cõng bia, có lẽ nó chính là con thú kì dị nằm bên dưới chiếc hộp đá. Chỉ có điều, anh không ngờ nó lại to lớn đến vậy. Thắng Hương Lân nói: “Thời cổ đại có truyền thuyết ‘hàm tải’. Con quái vật bò trong cõi hỗn độn tên là ‘tài’, chiếc hộp nó cõng trên lưng là ‘hàm’.” Hải ngọng chưa hiểu ý cô, ngẩn người hỏi: “Tải gì? Tải vải hay tải bã mía?”, Thắng Hương Lân giải thích: “Là tải trọng chứ không phải tải bã mía hay tải vải.



Nó chỉ là con quái vật tồn tại trong truyền thuyết, hoặc có thể nói nó là một loài linh thú, hình dạng tương tự con rùa đầu rồng, lưng cõng thiên địa vạn vật, di chuyển từ quá khứ đến tương lai. Giải thích theo quan điểm hiện tại, thì ‘tải’ đại diện cho sự lý giải của người cổ đại về thời gian.




Một ‘tải’ tương đương với một năm. Người cổ đại rất sùng tín chuyện thần quỷ, họ cho rằng, sở dĩ thời gian không ngừng trôi chảy về phía trước, và không thể quay ngược trở lại, là vì có một con quái vật cõng thiên địa càn khôn trên lưng, không ngừng bò về phía trước giữa cõi hỗn độn, chính bởi vậy, thời gian quá khứ vĩnh viễn chỉ là quá khứ.” Nhị Học Sinh gật gù như thể vừa giác ngộ ra chân lý: “Trước đây, tôi vẫn thường nghe người ta nói cái gì mà ‘ngàn năm vạn tải’, nhưng chỉ nghe thế thì biết thế thôi, chứ chưa bao giờ ngẫm nghĩ xem câu đó có ý nghĩa gì.



Thì ra, nó còn ẩn chứa một điển cố như vậy….” Tư Mã Khôi nghĩ, quái vật “tải” không hề tồn tại trong cõi đời, đó chỉ là sản phẩm do người cổ đại tưởng tượng ra, nhưng nó tượng trưng cho sức mạnh vô hình vận hành vạn vật, còn chiếc hộp đá nó cõng trên lưng khắc đầy hình vẽ ma quái, lại được giấu kín bên dưới huyệt động thông xuống mạch đất núi Âm Sơn, bởi vậy, nó chắc chắn phải là vật vô cùng quan trọng.



Có lẽ chiếc hộp của Sở U Vương cũng nằm trong này. Cao Tư Dương hỏi Tư Mã Khôi: “Đội khảo cổ các anh muốn tìm nhật quỹ dưới lòng đất thì liên quan gì đến chiếc hộp đá âm khí mù mịt đó?” Hiện giờ, Tư Mã Khôi vẫn chưa thể suy đoán trong hộp đá có gì, mà chỉ tạm thời nhận định: thứ bên trong ẩn giấu con đường tiếp tục thâm nhập xuống lòng đất.



Tư Mã Khôi lập tức bảo Nhị Học Sinh gom hết số long tủy trong đèn, đổ vào mấy chiếc hộp trước đây đựng dầu thông để làm nhiên liệu bổ sung cho đầu đuốc, sau đó lợi dụng đám dây leo và gốc cây rậm rạp làm vật yểm trợ, cả hội dò dẫm ra rìa vách hộp ở gần đó. Tư Mã Khôi phán đoán, chắc chắn còn nhiều cụm đèn cây khác nữa nằm rải rác dưới đáy huyệt động có điều phạm vi hành động có hạn, nên anh không thể thắp sáng tất cả các ngọn đèn.



Mọi người chỉ trang bị những thiết bị cơ bản nhất như súng săn, đuốc, la bàn mà thôi nhưng trong huyệt động dưới lòng đất tàn khốc, phức tạp điều kiện khắc nghiệt, thì những vật đó lại phát huy tác dụng thực tế lớn hơn nhiều so với các máy móc tiên tiến khác. Lúc này, cả hội đã có vách tường làm điểm tựa, nên cũng không sợ lũ cá Lycoptera dưới nước đột ngột bay lên tấn công nữa.



Có điều, không hiểu sao mặt nước dưới vách đá lại im ắng lạ lùng. Tư Mã Khôi đi sau cùng, lòng thấy hơi băn khoăn, bỗng nhiên một cơn gió độc thổi thốc đến từ phía sau, anh chưa kịp phản ứng gì thì nó đã áp sát ngay sau lưng, rồi trong tích tắc hai chân anh nhấc khỏi mặt đất và bất ngờ bị một sức mạnh khủng khiếp kéo lên không trung.



Tư Mã Khôi biết dưới lòng đất có rất nhiều sinh vật săn mồi bị giam hãm, nên bất kể thứ anh đang phải đối đầu là gì, thì chỉ riêng sức mạnh nhấc bổng một người sống lên hẳn mặt đất, cũng đủ biết thân hình nó đồ sộ cỡ nào. May mà anh còn có ba lô che chắn, nhưng đã bị nó kéo đi thì đừng mong sống sót.



Lúc này, tuy đang bị kẻ địch khống chế, nhưng anh không hề bấn loạn; khi thấy mình không thể quay người được nữa, anh liền chuyển họng súng chĩa về phía sau và bóp cò. Không rõ viên đạn có ngắm trúng mục tiêu hay không, nhưng anh chỉ nghe thấy hình như vật đang quắp ba lô của mình cất tiếng kêu the thé, âm thanh như thể tiếng rồng gầm, rõ ràng nó đã bị kinh động không nhỏ.



Tư Mã Khôi chưa kịp lên nòng lần nữa, thì đã thấy cơ thể mình bỗng nhiên chìm xuống. Thì ra anh bị rơi từ không trung xuống. Tư Mã Khôi vội vàng lấy hai tay ôm đầu, hai khuỷu tay kẹp chặt đầu gối đề phòng gãy xương khi ngã xuống đất. Đây chính là điểm khác biệt giữa người biết ngã và người không biết ngã.



Sau khi chạm đất, anh thuận thế lăn mấy vòng rồi mới đứng dậy, vì vậy ngoại trừ chịu đau đớn ngoài da, anh không bị vết thương nặng nào. Do sự việc xảy ra quá đột ngột, nên những người còn lại nghe thấy tiếng súng mới phát hiện được tình hình bất thường. Khu vực phía dưới chiếc hộp đá hoàn toàn nằm trong phạm vi chiếu sáng của đèn đồng.




Cả hội chỉ nhìn thấy có một vật thể hao hao giống loài thằn lằn bay vừa xẹt qua. Con vật này dài chừng nửa mét, móng rồng, mỏ chim, cánh ngắn, đuôi dài. Nó sải cánh không một tiếng động, nháy mắt đã mất dạng trong bóng đêm. Mọi người sợ hãi thất sắc, vội vàng kéo Tư Mã Khôi nấp vào vách hộp.



Nhị Học Sinh lại châm thêm hai ngọn đuốc nữa đề phòng có biến. Tư Mã Khôi đau đến mức phải há miệng kêu, thấy ba lô vải buồm đeo sau lưng bị đục thủng mấy chỗ, anh bất giác ớn lạnh. Tư Mã Khôi lục ba lô lấy băng dính, bịt các chỗ vừa bị rách lại. Cao Tư Dương nói: “Con vật này xuất quỷ nhập thần, chúng ta rất khó phòng bị.



Hình như nó là một con mãnh điểu thì phải?” Nhị Học Sinh phân tích cho Cao Tư Dương nghe: “Về mặt cấu tạo sinh học mà nói thì… con vật này cánh ngắn, đuôi dài, nên nó không thể bay một cách đúng nghĩa, nên khi nãy nó chỉ trượt giữa không trung nhờ lực quán tính thúc đẩy sau khi chạy nhanh mà thôi.



Móng vuốt của nó rất sắc và cứng, chắc nó có thể leo trèo giữa các vách động dựng đứng. Vì vậy, chúng ta không thể gọi nó là chim được”. Hải ngọng phát biểu: “Tôi đoán, quá nửa là vịt tuyết núi Himalaya, nghe nói giống này có thể quắp nguyên một con bò đực bay vèo lên trời cơ đấy!” Thắng Hương Lân nói: “Nhưng đây là rốn núi sâu phía tây Hồ Nam, cách dãy Himalaya bao xa anh có biết không? Vả lại trong huyệt động dưới lòng đất thì lấy ra sinh vật sống trong tuyết chứ?” Tư Mã Khôi đón lấy bó đuốc từ tay Nhị Học Sinh nói: “Nhận định của Nhị Học Sinh nghe còn có vẻ đáng tin cậy.



Con vật đó nửa giống rồng, nửa giống chim, có lẽ là một chi của loài chim cổ, sở dĩ nó có thể bay mà không hề phát ra tiếng động là nhờ vào khung xương rỗng. Loài này quanh năm cư ngụ dưới lòng đất, hai mắt bị thoái hóa nên không sợ ánh lửa. Khu vực gần đây không có nơi nào an toàn, nguy hiểm và những nhân tố bất ngờ có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.



Tốt nhất chúng ta nên tìm đường chui vào hộp đá rồi tiếp tục bàn bạc sau”. Mọi người không dám chậm trễ, lập tức dò dẫm theo chân tường tiến về phía trước. Hiềm nỗi, tuy các vết nứt trên vách đá rất nhiều nhưng lại vô cùng chật hẹp, những nơi đủ rộng cho người chui lọt thì toàn là đường cụt, mãi khi mò đến chỗ ánh sáng đèn đồng không chiếu tới được, cả hội mới phát hiện được vách đá có phần lõm vào trong.



Tư Mã Khôi mừng rỡ soi đuốc vào nhìn cho rõ, chỉ thấy ở đó có một huyệt động, phần bao quanh phía ngoài là bức phù điêu nổi, trông như thể một khuôn mặt thú, cái miệng chính là cửa động rộng lớn khiếp người, nó xuyên thẳng vào vách hộp dày và nặng trịch, nhưng hướng chạy dích dắc không theo quy tắc, hơn nữa lại đen ngòm, sâu hoắm, như thể bị đầu con giao long đâm sầm vào, vỡ thành cái hang vậy.



Thế nhưng không ai nhìn thấy chỗ giao long chui ra ở đâu, còn vách đá hai bên thì chạm khắc vô số hình vẽ các con thú vừa giống rồng lại vừa giống hổ, cao gấp rưỡi người thường. Dưới sự phản chiếu của ánh đèn chúng như những chiếc bóng thần bí. Tư Mã khôi bảo Hải ngọng cầm súng đi sau cùng, còn mình ném đá thăm dò.



Anh thấy phía trong im phăng phắc không một tiếng động, liền bắt đầu đi vào cửa động trên hộp đá, những người còn lại cũng lục tục chui theo. Những vết tích cổ xưa giữa các vách đá không hề bị tuế nguyệt xóa nhòa, ngược lại còn là một mắt xích bị thất lạc trong lịch sử.



Chỗ nào cũng nhuốm đầy màu sắc âm u, thần bí. Luồng gió âm lạnh lẽo thổi từ nơi sâu trong động đá ùa tới, khiến mọi người ớn lạnh tim gan. Cả hội không biết huyệt động sâu đến mức nào, nên sau khi bước vào, ai nấy đều bất giác đi chậm lại. Tư Mã Khôi lấy dao xén một mảng rêu dính trên tường, anh nhận thấy trên bức tượng đá, ngoại trừ chạm hình mãnh thú, ác điểu ra, thì còn khắc rất nhiều cảnh tượng tế lễ thần quỷ của Sở U Vương, bên cạnh có chú thích bằng chữ triện cổ hình chân chim.




Tuy trong tay Tư Mã Khôi có cuốn sổ giải mã chữ triện cổ triều Hạ, nhưng đối với chữ triện thời Xuân Thu Chiến Quốc thì anh hoàn toàn mù tịt, vả lại cũng không thể kiên nhẫn mày mò từng chữ. Chỉ có điều, Tư Mã Khôi thấy huyệt động này thông thẳng vào trong hộp đá mà không hề bị bất cứ vật gì che chắn, nên trong long cũng cảm thấy hơi bất ngờ.



Có thể nói, cái hộp khổng lồ chở “tải” bên trên, chính là hạt nhân mọi bí mật của vu sư nước Sở, trong đó chắc hẳn phải có rất nhiều báu vật vô giá chưa hề được công bố trên thế giới, nên sao lại có thể dễ dàng để người đời ra vào như vậy được? Chẳng lẽ bên trong chiếc hộp này lại cài bẫy gì sao? Nhị Học Sinh nhớ lại chuyện Sở U Vương tuẫn táng người sống, liền nhắc mọi người: “Liệu trong hộp đá có hệ thống ngầm gì không nhỉ? Ngộ nhỡ chạm vào nút kích hoạt, thì đá đoạn long sẽ hạ xuống, nhốt sống chúng ta ở trong này mất thôi!” Thắng Hương Lân nói: “Nơi này bị phong bế hơn hai ngàn năm dưới Biển Âm Dụ, cho dù thực sự tồn tại hệ thống kiểu như đá đoạn long, thì nó cũng mất tác dụng từ lâu rồi.



Có điều, người Sở rất tin tưởng vào sức mạnh của ma quỷ. Tương truyền, khi quân Tần nam tiến tấn công nước Sở, chỉ một trận đã đánh cho quân Sở tan tác. Sở Vương lúc đó chỉ mải chạm đục rất nhiều tượng đá, vì ông ta muốn chiêu hồn các tướng sĩ đã tử trận dưới âm gian trở về chống Tần, bởi vậy so với lo sợ các cơ quan mai phục, có lẽ chúng ta nên đề phòng thứ khác còn hon”.



Nhị Học Sinh kinh ngạc hỏi: “Thứ khác…. là thứ gì vậy? Chẳng lẽ có âm hồn ngàn năm không siêu thoát thật sao?”. Nhị Học Sinh không sợ ma quỷ, vì không ai có thể xác thực chuyện ma quỷ, nhưng anh chàng rất tò mò về chuyện mà Tư Mã Khôi vừa nhắc đến. Từ cổ chí kim đã có vô số nhà khảo cổ học, địa chất học và các tổ chức nghiên cứu hiện tượng thần bí, họ đều vắt nát óc tìm cách thăm dò chân tướng ẩn giấu bên trong, nhưng dường như tất cả đều bất lực.



Hết tốp thám hiểm này đến đoàn thám hiểm khác đã bị thu hút bởi những ẩn số nặng mùi chết chóc, nhưng không một ai đủ sức chạm vào bí mật của nó. Loài người là loài động vật đầy máu hiếu kì bẩm sinh, càng đối diện với những sự vật không thể giải thích, thì con người lại càng muốn làm sáng tỏ.



Giờ đây, đội khảo cổ của Tư Mã Khôi, gồm hai kẻ liều mạng từng tham gia chiến tranh du kích ở Miến Điện, một cô nhân viên trắc họa địa chất, một cô sinh viên trường quấn y, thêm một anh thanh niên trí thức nữa, họ có cơ hội tiếp cận nơi mà vĩnh viễn không bao giờ đến được hay không? Tư Mã Khôi thấy trạng thái tâm lý của Nhị Học Sinh có vẻ bất ổn, liền nói: “Đừng nghĩ nhiều thế! Chú chỉ cần nghĩ là: ‘trên vai đang gánh mỗi hai hạt vừng’ thì chẳng có gì đáng để ý nữa cả”.



Vách hộp dày đến mức khiến người ta ngỡ bên trong không tồn tại không gian. Hai bên đều có một cây trụ đá, chạm khắc hình thần linh trấn ma trừ quỷ, mình người mặt thú, nhuốm đầy màu sắc phù thủy đậm nét, còn đi vào sâu hơn thì thấy bên trong là không gian tối tăm nhưng rộng rãi.



Tư Mã Khôi lấy tay ra hiệu cho mọi người dừng lại. Anh bước lên trước giơ cao đuốc soi sáng xung quanh, thì thấy phía dưới trụ đá có mấy thi thể cổ đại đeo mặt nạ bàng đồng xanh, mũ cao áo dài đã bám đầy đất bụi. Tuy bảo đó là thi thể, nhưng thực tế chỉ còn sót lại hài cốt mà thôi, nhưng trên chiếc mặt nạ quái dị bằng đồng xanh có hai quầng mắt lõm sâu vào trong, trong khi con ngươi lại lồi hẳn ra ngoài, phần môi mỏng và khẽ hé mở, còn hằn cả vết khâu, khiến người ta có cảm giác họ có thể đột nhiên đứng dậy bất cứ lúc nào, rồi gỡ mặt nạ xuống, kể cho người sống nghe những câu chuyện khó tin bằng thứ ngôn ngữ không ai hiểu.


Bình Luận (0)
Comment