Mị Tướng Quân

Chương 127

Mặc dù Ninh Hoảng Nguyệt đối xử với ta hữu lễ mà lãnh đạm, nhưng vẫn sai chính thê Dương thị cẩn thận thu xếp của hồi môn. Nghe nói đồ cưới đưa tới phủ Ninh vương kéo dài mười dặm từ cổng Triêu Dương đến cổng Lâm Tân, ngày đó muôn nơi đều chìm trong sắc đỏ tưng bừng rộn rã.

Hỉ nương càng không ngừng rỉ tai ta tin tức bên ngoài, tán tụng rằng mười năm nay tại kinh thành chưa từng có cảnh tượng nào tưng bừng náo nhiệt đến vậy. Dân chúng hai bên đường truyền miệng: Sinh con trai không bằng sinh con gái, sinh con gái làm vợ Ninh vương.

Rèm châu ở Lâm Thủy các đã đổi thành bức mành hồng ngọc ghép thành chữ hỉ. Gió khẽ đưa, chữ hỉ trên bức mành tách ra theo cơn gió. Khi gió ngừng thổi, tấm mành ấy lại hợp thành chữ hỉ.

Toàn bộ khăn trải bàn trong nhà được đổi thành màu đỏ thắm, ngay cả cúc vàng chúm chím thường đặt ở góc phòng cũng bớt đi màu vàng màu trắng nhạt nhòa, thay vào đó là màu hồng và tím đậm, cả căn phòng tràn ngập hoa thơm nở muộn.

Thoa cài châu ngọc bày khắp bàn trang điểm, ta vốn chẳng am hiểu mấy thứ này, cũng không nói được là tốt hay xấu, chẳng qua thỉnh thoảng khẽ chau mày. Hỉ nương ở bên cạnh hỏi han không ngừng: “Cô nương có gì không hài lòng không ạ? Vương gia nói, chỉ cần cô nương nói thì ngài sẽ tận tâm sai người làm cho cô nương.”

Ta cười: “Chẳng lẽ ta muốn sao trên trời, hắn cũng có thể hái xuống ư?”

Hỉ nương ngẩn ngơ: “Cô nương nói đùa Nhưng theo nô tỳ thấy, nếu có ngọn núi nào có thể bắc thang lên trời, có lẽ Vương gia cũng leo lên hái cho cô nương… Cô nương, nô tỳ biết cô nương vô cùng hài lòng, nhưng cô nương có thể chỉ ra vài điểm thiếu sót để nô tỳ có thể báo lại cho Vương gia không ạ? Mỗi lần nô tỳ gặp Vương gia, ngài luôn hỏi nô tỳ cô nương có gì không hài lòng không? Nếu có thì ngài vô cùng vui vẻ, nếu không có thì ngài lại có vẻ sầu lo. Nô tỳ chưa từng thấy tân lang nào như vậy. Nếu nhà gái chỉ ra khuyết điểm thì ngài vui mừng cực kỳ, nếu đổi là người khác, nhà gái hài lòng mới có thể khiến nhà trai vui vẻ…”

Bà ta thao thao bất tuyệt, cùng với sắc đỏ tràn ngập khắp phòng, phảng phất như cát bụi cuồn cuộn dưới vó ngựa, ập về phía ta từng đợt từng đợt. Ta không muốn nghe bà ta lải nhải nữa, liền tiện tay chỉ thoa cài tóc trên bàn, nói: “Ta không thích hình phượng cụp cánh ủ dột kia, đổi lại cái khác hoạt bát hơn chút, vỗ cánh tung bay được không?”

Bà ta ngẩn ra, nhìn trái nhìn phải rồi nói khẽ: “Cô nương, cái này không thể đổi lại. Đây là thể chế, được triều đình ban xuống. Thoa hình phượng, hoa chín cành, đều là định lệ của Vương phi, được lĩnh từ kho phủ…”

Ta uể oải chỉ vào hoa cài bên cạnh mũ phượng, nói: “Không thể đổi hình phượng trên mũ, vậy có thể đổi hoa cài bên tóc mai không? Ta không thích màu đỏ lạc dương này, đổi thành màu tím cát kim (*)…”

* Màu đỏ lạc dương chóe như hoa mười giờ. Còn tím cát kim là sắc tím pha hồng, nhã hơn màu đỏ lạc dương.

Hỉ nương hơi do dự: “Nhưng màu đỏ này vốn là…”

Ta che miệng ngáp một cái, bà ta liền cười nói: “Vậy cũng được, màu tím cát kim này cũng là màu sắc cực kỳ phú quý, xứng với cô nương…”

Ta cười cười, đứng dậy: “Những thứ khác ta thật sự không tìm được gì sai sót. Sắp đến trưa rồi, cả buổi sáng nhìn đâu cũng thấy lấp lánh rực rỡ, mắt hoa hết cả lên. Ta hơi mệt, nghỉ ngơi một chút rồi nói sau.”

Hỉ nương há miệng muốn nói, nhưng ta thật sự có vẻ mệt mỏi, có lẽ biết thân thể ta không tốt nên sai người bỏ châu ngọc bảo thoa trên bàn vào hòm, lặng lẽ lui xuống.

Ta hơi mệt thật. Ngọc tím đỏ son vốn có thể làm phấn chấn tinh thần, nhưng ta ngồi giữa nơi đây mà không hề thấy mừng vui chút nào, chỉ thấy nặng nề bí bức; như thể máu tươi đọng trên cỏ biếc, kéo dài vô tận.

Nhưng mệt mỏi vậy mà lại không ngủ được, trằn trọc trở mình trên ghế quý phi gỗ trầm hương, mùi gỗ thanh nhã thoảng bên chóp mũi lại chuyển thành thứ mùi nồng nặc khiến người ta phiền muộn. Ta đành phải đứng dậy, đẩy cửa sổ ra, chỉ mong cơn gió thổi vào sẽ xua tan sự ảm đạm trong phòng.

Hồ nước vốn trong suốt có thể nhìn rõ tận đáy giờ đây được bao phủ muôn hoa rực rỡ… Cách không xa là một cái giá gỗ được chống bởi cọc, trên giá đặt chiếc khay đỏ, trên khay là chậu hoa hồng, mẫu đơn, phong lan, hoa trà, hoa quỳnh làm bằng lụa… Từ mặt hồ nhạt nhòa biến thành vườn hoa bốn mùa, cứ như thần tiên trên trời quan tâm nơi này, hạ lệnh cho hoa thần khiến hoa cỏ ngập tràn buổi cuối thu.

Chỗ hoa này làm rất khéo léo, trên cánh hoa còn có giọt sương chế từ ngọc băng đánh bóng, tựa như giọt sương mà không phải giọt sương. Ta đang nhìn đến ngẩn người, lại nghe thấy tiếng châu ngọc leng keng va chạm. Đưa mắt nhìn ra ngoài, trên cành thúy trúc ngoài cửa sổ treo dây xích trong suốt hình giọt nước. Khi ánh mặt trời phủ lên dây xích, càng điểm tô lá xanh cành biếc, tựa như cơn mưa xuấn chợt ngừng rơi, giọt mưa đọng trên lá cây nối đuôi nhau nhỏ giọt. Ta thấy thật sự tinh xảo, không khỏi vươn tay ra ngoài gỡ sợi dây trên cành xuống, đặt lên lòng bàn tay. Có lẽ sợi dây chế từ ngọc băng quý giá, lấp lánh ánh sáng, như giọt nước lăn trên lòng bàn tay, nhất thời cao hứng, liền đeo lên cổ tay.

Treo món trang sức như vậy lên cành cây, không bằng đeo lên cổ tay ta.

Thỉnh thoảng ngẩng đầu nhìn sang bên kia bờ, ta lại thấy bóng dáng màu tím ẩn giữa tán cây xanh, nhưng nhìn kỹ thì lại không thấy gì nữa… Rốt cuộc hắn vẫn không yên lòng, không thể tuân theo tục lệ không được gặp nhau trước ngày cưới.

Phải chăng không chỉ có Tứ Tuấn canh giữ quanh Lâm Thủy các?

Bát Tuấn của hắn vốn vượt xa Thất Tinh, tuyển chọn các cao thủ đứng đầu giang hồ, độc bá một phương, giữ chức chưởng môn. Không giống Thất Tinh của ta, dựa vào trận thế mới miễn cưỡng có thể đánh với Bát Tuấn của hắn.

Nhớ lại hồi hắn mới tới biên cương, vì muốn ra đòn phủ đầu đám thuộc hạ, kẻ đầu tiên hắn khiêu chiến không không phải là ta mà là Thất Tinh bên cạnh ta. Người được phái đến khiếu chiến còn là Bát Tuấn tất cả dùng khăn che mặt. Thất Tinh dẫn binh, nhiều thì tạo thành trận Thất Tinh, mỗi Tinh dẫn mấy trăm binh sĩ, dùng cờ xí để nhận biết, giao tranh kịch liệt, thiên quân vạn mã qua lại như nước chảy. Ít thì có thể chỉ cần bảy người xuất chiến, đối đầu với cao thủ võ lâm. Trừ Tiểu Thất ra thì võ công của họ không được cao lắm, nhưng nếu dàn trận lại chưa từng nếm mùi thất bại. Cho nên, trận chiến ấy, Bát Tuấn võ công cao cường cũng chỉ có thể đánh ngang tay Thất Tinh. Từ đó về sau, hắn mới chuyên mời người nghiên cứu hàng ngũ, tập luyện thuật sắp trận biến hóa trên diện rộng, thay đổi chiến thuật lưỡng bại câu thương. ‘Tứ Hải Thừa Phong’ đã ra đời từ khi ấy.

Nhưng sự ăn ý giữa Thất Tinh thì không ai có thể sánh bằng. Cho nên, mặc dù hắn tiến bộ rất nhiều, nhưng hắn có kế Trương Lương, ta lại có thang qua sông. (*) Bát Tuấn và Thất Tinh của ta vẫn giữ vững cục diện không thắng không thua… Thất Tinh có một thời gian rất dài cùng đi cùng về, ngay cả đi vệ sinh cũng đi cùng nhau… Sợ lạc đàn sẽ bị chỉnh một trận.

* Câu này có thể hiểu là ngươi có mưu kế lợi hại, ta cũng có phương án ứng đối; đôi bên có đối sách, không ai nhường ai.

Nhưng chuyện như vậy chưa từng xuất hiện. Cũng vì vậy mà mỗi Thất Tinh đều sinh lòng cảm phục, nói Ninh vương này tuy quần áo lụa là nhưng tốt hơn Liên Nỗ doanh kia nhiều.

Từ đó trở đi, trong suy nghĩ của mỗi tướng sĩ, hình tượng của hắn đã dần dần thay đổi?

Mặc dù chiến y của tướng sĩ biên cương luôn nhuốm máu, nhưng trên thực tế, tâm tư cũng đơn thuần hơn người kinh thành phần nào.

Nhưng vẻ ngoài thận trọng thiện lương của hắn chẳng qua chỉ là gấm hoa trên hồ nước, tất cả đều là ngụy tạo.
Bình Luận (0)
Comment