Miếu Ba Cô (Chuyện Không Kể Lúc Nửa Đêm)

Chương 2

Thu Hà sinh ra trong một gia đình nghèo. Cô bé lớn lên trong cảnh túng thiếu của cha mẹ, cùng một bầy anh chị em sáu người. Những tưởng Hà sẽ không được học hành hoàn chỉnh, bởi hoàn cảnh thiếu trước hụt sau ấy...

Tuy nhiên với sự siêng năng, chăm chỉ nên Hà đã vượt qua tiểu học, rồi trung học. Năm đệ tứ. Hà thi đậu trung học đệ nhất cấp, rồi học lên ban tú tài.

Đang học đệ tam thì bước ngoặt cuộc đời Hà bắt đầu, khi cô đi dạy kèm tại nhà một đại tư bản ngành đồn điền. Ông Nguyễn Đình. Tại đây số phận đã đưa đẩy để Thu Hà gặp Tuấn, người anh cả của Vân Hạnh và Như Lan.

Là con cả của đại tư bản, việc kế nghiệp cha là đương nhiên đối với Tuấn, nhưng tính tình của chàng trai này thì lại hoàn toàn ngược lại với ông chỉ biết kinh doanh và tiền bạc, do vậy bất cứ lúc nào được cha nhắc đến chuyện kế nghiệp thì Tuấn luôn dửng dưng. Niềm đam mê duy nhất của Tuấn là đi đây đi đó để giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi. Do vậy, khi gặp Thu Hà, cô học trò nghèo đi dạy kèm thì con tim nhân hậu của Tuấn đã xao xuyến.

Họ đã yêu nhau một cách tự nhiên như bao nhiêu đôi trai gái khác. Nhưng họ quên rằng rào cản lớn nhất mà họ phải vượt qua chính là gia đình. Cụ thể là nhà tỷ phú đồn điền Nguyễn Đình.

Sau sự cố cô con gái út Vân Hạnh yêu chàng thư ký đồn điền, hai ông bà Nguyễn Đình đã căng thẳng đầu óc để đối phó, cản ngăn và vừa yên tâm sau màn hạ độc thủ bằng cách đuổi thư ký Phú đi mất tiêu, trở về thì họ hết sức kinh ngạc khi phát hiện một quả bom nổ chậm khác đang ở trong nhà.

Hôm đó lúc vừa trong bệnh viện trở về sau ca tự tử bằng thuốc ngủ của Vân Hạnh, đang ngồi nghỉ mệt ở phòng khách thì anh con cả bước ra, tay trong tay với Thu Hà.

Trước cái nhìn kinh ngạc của cha mẹ, Tuấn đã bình tĩnh thưa thật mọi chuyện:

- Thưa ba má, con và Thu Hà yêu nhau, chúng con xin làm đám cưới sau khi Hà xong tú tài toàn phần...

Chưa để con nói hết câu, bà Nguyễn Đình đã quát lên:

- Mày vừa nói gì hả?

Lâu nay vốn buồn lòng vì thái độ dửng dưng với công việc kinh doanh của đứa con trai cả, nay ông Nguyễn Đình như lửa cháy đổ thêm dầu, thuận tay ông chụp chiếc gạt tàn thuốc trên bàn ném thẳng về phía Tuấn kèm tiếng quát:

- Thằng bất hiếu, cút đi khỏi mắt tao!

Chẳng biết vô tình hay cố ý, chiếc gạt tàn đã bay trúng thẳng vào mặt Thu Hà. Tội nghiệp cô bé đang khúm núm nép bên mình người yêu đã gục ngay xuống, máu đầm đìa trên gương mặt xinh đẹp. Mặc cho Tuấn hốt hoảng ôm thân thể Thu Hà. Ông bà Nguyễn Đình thản nhiên bước về phòng riêng.

Bị chấn thương khá nặng, nhưng may mắn không nguy hiểm đến tính mạng. Thu Hà phải nằm bệnh viện đến cả tuần. Tuấn ở cạnh người yêu suốt những ngày đó và cũng từ lúc đó Tuấn thề với lòng là sẽ không bao giờ trở lại mái nhà mà cha mẹ chỉ là những người chỉ biết có đồng tiền, quên hết mọi thứ trên đời...

Và tuy nằm cùng bệnh viện với Vân Hạnh, cách nhau chỉ vài phòng, mỗi khi ông bà Nguyễn Đình vào thăm con gái đều đi ngang và nhìn thấy nhưng chưa bao giờ Thu Hà được họ ghé hỏi thăm một tiếng. Cô buồn tủi là đương nhiên, mà Tuấn cũng vừa buồn vừa hận.

Đợi những lúc Vân Hạnh ở một mình, Tuấn đã vào tâm sự và an ủi em gái. Khi biết chuyện Thu Hà bị nạn, Vân Hạnh đã khóc rất nhiều và có lần đã thốt lên:

- Em không chết được thì có sống em cũng sống với người mình yêu. Anh Hai có dám như vậy không?

Tuấn xiết chặt tay em:

- Anh ủng hộ em và ngược lại em cũng đứng về phía anh và Thu Hà chứ?

Vân Hạnh vui trong ánh mắt:

- Chắc chắn như vậy. Để tối nay nếu khỏe em sẽ qua thăm chị ấy.

Bất ngờ Hạnh hỏi:

- Anh Hai có biết ba má đuổi anh Phú đi đâu không?

Tuấn gật đầu:

- Chưa chắc là chính xác nhưng anh nghĩ một nơi nào đó ở Đà Lạt.

- Đà Lạt thì đâu có xa.

Tuấn tỏ ra rành chuyện:

- Không xa lắm nhưng đồn điền trà thì từ Đà Lạt đi vào khá hiểm trở. Em nhớ đồn điền trà của ba má không?

Vân Hạnh gật:

- Em có nghe nói nhưng chưa tới đó lần nào.

- Phú bị đẩy ra đó với một điều kiện ngặt nghèo, khó lòng trở về.

Hạnh mừng thầm, cô tự hứa với lòng: “Giá nào mình cũng gặp lại Phú...”

Từ hôm ở bệnh viện trở về, Vân Hạnh gần như sống biệt lập trong phòng riêng của mình. Cô không xuất hiện trong các bữa cơm gia đình, cũng không ra ngoài mỗi khi có mặt cha mẹ ở nhà.

Người trước kia thường đi ra ngoài hoặc chuyện trò, vui chơi cùng cô là Như Lan. Kể từ lúc xảy ra chuyện thì hầu như Vân Hạnh cũng không muốn gần. Hai chị em trước ngủ chung phòng, nhưng từ lúc trở về nhà thì chính Hạnh đã mang đồ đạc cá nhân sang căn phòng trống bên cạnh để ở hẳn.

Tuấn cũng đi khỏi nhà, trong số anh chị em chỉ duy có Vân Hạnh là đồng cảm với anh mình, vậy mà từ lúc ra đi Tuấn cũng không hề liên lạc gì. Giữa Hạnh và Thu Hà từ lúc đó cũng thân tình hơn, thương yêu nhau hơn. Có lẽ mối cảm thông này bắt nguồn từ sự đồng cảnh ngộ ngang trái như nhau.

Phần ông Nguyễn Đình thì có lẽ sợ làm căng hơn nữa thì con gái sẽ tự tử lần nữa, nên họ không còn kiểm soát quá chặt như trước. Họ để Hạnh sống tự do theo ý cô và dành hẳn chiếc xe hơi mới mua cho Hạnh muốn lái đi đâu tùy thích. Một phần có lẽ cũng do ông bà đã quá tự tin khi nghĩ đã cắt đứt sự liên lạc giữa Hạnh và thư ký Phú. Phần nữa họ cũng muốn Vân Hạnh được dịp giao du với bạn bè khác, nhất là trong giới thượng lưu để cô có cơ duyên gặp được ai đó, quên hẳn mối tình trái ngang kia đi.

Vân Hạnh hầu như chẳng bữa vào về trước bảy giờ tối. Có hôm Như Lan muốn làm lành với em gái, đã đề nghị được đi chung xe ra chợ mua đồ, nhưng Hạnh đã thẳng thừng từ chối:

- Khi nào chị đi tìm được Phú về đây thì chị em mới còn có nghĩa là chị em. Còn không...

Như Lan biết lỗi mình, cũng chính vì cô đã mét mọi chuyện về mối quan hệ giữa Vân Hạnh và Phú lại còn thêm mắm dặm muối để cha mẹ làm quyết liệt chuyện chia cắt tình yêu của họ.

Một mình lái xe đi hết nơi này đến chỗ nọ, giao du với đủ thứ bạn bè. Tuy nhiên không như mong đợi của ông bà Nguyễn Đình, hầu hết người Vân Hạnh kết giao không một ai trong giới giàu có. Trong số bạn học cũ mới. Hạnh chỉ toàn lựa những người trong giới bình dân, lao động để kết giao.

Và chiều thứ bảy hôm đó cuộc hẹn của Vân Hạnh không phải với bạn trai, mà là với hai cô gái: Một người học chung trường với Hạnh, dưới cô một lớp từ năm tiểu học và một người nữa là Thu Hà.

Sau khi nằm bệnh viện ba ngày, Thu Hà xuất hiện và nghỉ hẳn việc dạy kèm tại nhà Hạnh, nhưng mối liên hệ giữa họ lại trở nên thắm thiết hơn. Do đó khi nhận được lời rủ của Hạnh, hẹn gặp tại một quán vùng ngoại ô thì Thu Hà đã nhận lời ngay. Tuấn biết chuyện đòi cùng đi nhưng Hà cương quyết không cho:

- Chuyện con gái với nhau, đàn ông đi làm gì?

Vân Hạnh, Thu Hà đến nơi trước. Về người khách thứ ba. Thu Hà cứ thắc mắc mãi:

- Ai vậy Hạnh?

Vân Hạnh ra vẻ bí mật:

- Cũng không lạ, nhưng để gặp sẽ biết. Khi người đó tới thì Thu Hà ngạc nhiên vô cùng, reo lên:

- Thiên Hương!

Thiên Hương nhỏ hơn hai người một tuổi, học dưới một lớp ở tiểu học cho đến khi Hương chuyển lên Đà Lạt học trường Dòng. Tuy ít gần, nhưng do thân nhau từ nhỏ nên lúc nào gặp lại nhau họ mừng hơn là chị em ruột.

Cuộc hội ngộ thật bất ngờ, chính Thiên Hương phải lên tiếng:

- Em cứ tưởng chị Vân Hạnh rủ đến gặp ai, không ngờ là chị. Sao, chị Hà đã ra trường chưa?

Siết chặt tay cô bạn nhỏ. Hà mắng yêu:

- Xa mặt cách lòng nên quên hết rồi. Mình hơn cậu một lớp, mà năm nay cậu đệ tam phải không?

Vân Hạnh chen vào:

- Mới lớp đệ tứ thôi. Bỏ học từ đầu năm thì làm sao lên đệ tam được. Thu Hà ngạc nhiên:

- Ủa, sao bỏ học? Nghe cậu học ở Đà Lạt mà.

Vô tình bị chạm vào nỗi đau, Thiên Hương sẽ không vui nhưng Vân Hạnh vẫn kể lại sơ lược chuyện Hương và Thái bị gia đình ngăn trở. Và cuối cùng cô nói một câu mà cả ba đều nhìn nhau:

- Ba đứa con gái bị chính cha mẹ mình cướp mất tình yêu!

Trong nỗi cảm thông sâu sắc họ cùng siết chặt tay nhau và nước mắt cùng tuôn trào. Hồi lâu Hạnh mới nói:

- Hương sống ra sao bấy lâu nay?

Cười héo hắt. Hương đáp chán chường:

- Mình chỉ còn biết vẫn đi tìm Thái trong vô vọng.

Hạnh nhẹ lắc đầu:

- Mình đâu hơn gì bồ. Cha mẹ mình còn ác hơn, họ dùng tiền bạc và cả thủ đoạn nữa, đày Phú đi biệt tăm.

Giọng Thiên Hương càng buồn hơn:

- Thái bị ba má mình làm nhục nên bỏ học trở về Đà Lạt. Mình lên đó tìm, nhưng chẳng ai biết Thái đi đâu, cả năm nay không liên lạc về.

Hỏi đến chuyện của Thu Hà thì chính Vân Hạnh lại kể rõ hơn:

- Anh mình đã bỏ nhà đi từ cả tháng nay đến Hà cũng không biết tin. Hôm qua mình nghe trong nhà nói ba má mình đã hoàn tất thủ tục để anh ấy đi du học ở Pháp. Một kiểu chia cắt tình cảm của anh Tuấn và Hà. Mình phản đối, nhưng hiện tại mình còn nghĩa lý gì với gia đình nữa...

Bữa tiệc hội ngộ giữa ba người bạn gái đã biến thành tiệc nước mắt. Ai kể lại chuyện mình cũng bằng sự chán chường. Sầu thảm và cuối cùng là khóc. Thiên Hương có vẻ bi thảm hơn, cô tỏ ra hối tiếc:

- Chính mình đã hại Thái. Anh ấy nhà tuy nghèo nhưng ham học và học giỏi, nếu không yêu mình thì chỉ mấy năm nữa anh ấy tốt nghiệp, tương lai rạng rỡ trước mắt.

Hạnh cũng chẳng hơn gì:

- Phú đang yên ổn với đồng lương khiêm tốn, nhưng như thế cũng đủ để anh ấy sẽ học tiếp trong vài năm tới. Gia đình anh ấy ở tỉnh xa chỉ trong cậy vào mình anh ấy thôi.

Thu Hà từ đầu chỉ lẳng Iặng nghe và thở dài. Hạnh phải lay vai:

- Hà có ý kiến gì đi chứ...

Thu Hà khóc. Với cô, cú sốc vừa rồi là quá nặng. Vừa mất người yêu vừa bị ông bà Nguyễn Đình đến tận nhà xỉ vả làm nhục, đến nỗi giờ đây mỗi khi ra khỏi nhà cô không dám ngẩng nhìn mọi người.

- Hay là thế này...

Vân Hạnh đề xuất:

- Bọn mình đi Đà Lạt.

Thiên Hương ngạc nhên:

- Lên đó làm gì?

Thu Hà cũng nói:

- Mình bây giờ chán mọi thứ, chẳng thiết đi đâu.

Giọng Hạnh trở nên nghiêm túc:

- Mấy người có nhớ trên đường đi Đà Lạt, qua đèo Bảo Lộc có mấy ngôi chùa nhỏ vắng vẻ?

Như hiểu được ý Hạnh, Thiên Hương reo lên:

- Đi tu!

Hạnh xiết tay bạn:

- Bồ dám không?

- Có gì đâu mà không dám. Đi tu là bỏ lại trần gian những phiền lụy, sân si. Mình cũng đã từng nghĩ...

Vân Hạnh nói như một người đang thuyết giảng giáo lý:

- Chỉ có chốn ấy mới làm cho mình thanh thản. Mình sẽ quên được bên kệ kinh. Mình sẽ...

Thu Hà chợt hỏi:

- Nhưng ai cho mình vào đó tu? Mình nhớ nơi đó chỉ có mấy cái am cỡ rất nhỏ, không phải chùa...

Thiên Hương tỏ ra rành rẽ:

- Đúng là không có chùa Iớn. Nhưng cần gì, miễn là có chỗ để mình ở cùng nhau. Mình chỉ cần ở cùng nhau, không cần tu cũng được.

Vân Hạnh tính chi li hơn:

- Ba đứa con gái mà ở chỗ vắng vẻ đó thì khó yên. Chỉ có trong lốt nâu sồng thì mới ổn. Mình nghĩ, am hay cốc vắng, bỏ hoang càng tốt. Quan trọng là mấy bồ có dám không đã?

Trong một phút bốc đồng cả ba cùng ôm chặt lấy nhau, giọng quyết tâm:

- Không hối tiếc gì cả!

Vân Hạnh vạch chi tiết:

- Sẵn mình có xe, chính mình sẽ lái và bọn mình cùng đi ngay sáng mai. Lên tới đó mình sẽ cho xe xuống vực, còn bọn mình thì leo lên chỗ cái am cũ trên núi.

- Đồng ý chưa?

Cả ba đồng thanh:

- Cùng nhau!
Bình Luận (0)
Comment