Miếu Hoang

Chương 18

Chạy thục vào bên trong nhà cô Xoan chính là Sửu, Sửu vừa chạy vừa hét, vừa thở, thấy ông Vọng cùng thầy Lương đứng trong nhà, Sửu nói vội vàng:

- - May quá, bác Vọng....bác ở đây....Em vừa chạy đến nhà bác không thấy bác đâu, chạy về nhà thì vợ bảo bác đi xuống dưới này. Bác Vọng ơi, lão Phan thầy thuốc......treo cổ chết trong nhà.....từ...từ đêm hôm qua rồi.

Ông Vọng giật mình hỏi lại:

- - Cậu nói gì cơ...? Nói lại tôi nghe xem nào...?

Sửu nói lại thật chậm rãi:

- - Lão Phan thầy thuốc, nhà ở đầu làng, treo cổ chết từ đêm hôm qua rồi. Sáng nay người nhà mới biết, đang khóc lóc um sùm hết cả lên. Em đi ngang qua thấy nên chạy về đây báo bác. Mà lạ một cái, đêm qua vợ chồng lão ấy vẫn còn ngủ chung, thế mà chồng đi ra ngoài sân treo cổ chết từ bao giờ vợ cũng không biết, đến sáng mở cửa ra nhìn thấy chồng lủng lẳng nơi gốc cây nhãn mới hét toáng lên. Bác đến ngay đi....

Đến đây thì cả ông Vọng lẫn cô Xoan đều bàng hoàng, nghe đến có người chết, mặt cô Xoan tái đi trông thấy. Hai bàn tay cô Xoan bất giác túm chặt lấy áo ông Vọng, ông Vọng hỏi:

- - Cô có đến đó xem không..? À mà quên, cô còn con Mị....Thôi, tốt nhất là ở nhà.

Cô Xoan ấp úng:

- - Vâng...dạ....dạ....Bác trưởng làng đến đó...chứ...chứ...em đến làm gì.

Ông Vọng vội vã rời khỏi nhà cô Xoan, cả thầy Lương cũng đi theo, hai hôm trước là gà với bò chết, hôm nay lại có người treo cổ tự tử. Đang định đi quanh làng một vòng để xem xét địa hình, mà giờ mới sáng sớm đã có tin người chết, thầy Lương đành tạm gác việc kia lại.

Đứng trước nhà lang Phan, đây có lẽ là một trong vài ngôi nhà gạch hiếm hoi của làng Văn Thái, nói vậy đủ hiểu nhà lang Phan giàu có hơn hầu hết những gia đình còn lại. Sân gạch đỏ, nhà mái ngói, người dân đang bu kín cổng vì nghe tin lang Phan treo cổ chết. Sửu dọn đường cho ông Vọng:

- - Trưởng làng đến rồi, mọi người tránh ra một chút.

Đi vào trong sân, đập ngay vào mắt hình ảnh đầu tiên chính là lang Phan đang treo lơ lửng trên một cành nhãn với phần cổ thít chặt thòng lọng. Phủ phục dưới gốc cây là vợ của Phan, thấy trưởng làng đến, vợ Phan gào thét:

- - Bác trưởng làng ơi, sao chồng em lại chết thế này.

Nhìn xác lang Phan vẫn còn treo ở đó, ông Vọng phải nhờ Sửu cùng vài người nữa cố gắng đưa xác lang Phan xuống. Nhìn khuôn mặt lang Phan khi ấy ai cũng phải kinh sợ, chết vì treo cổ nên toàn thân lang Phan tím tái, tụ máu bầm, hai tròng mắt thì chảy ra máu tươi đỏ lòm, đắp tạm cái chiếu lên xác của lang Phan, ông Vọng mới hỏi vợ của y:

- - Trong nhà không xảy ra vấn đề gì đấy chứ...?

Vợ Phan lắc đầu nguầy nguậy:

- - Không có bác ơi, chiều hôm qua vẫn còn uống rượu, ăn nhậu bù khú....Đêm đến hai vợ chồng em còn ngủ chung, ổng còn hùng hục cho đến tận nửa đêm. Ổng hành em đến hết cả sức, em mệt quá lăn ra ngủ.....Lúc đó cũng thấy ông ấy nằm vật ra rồi, sáng nay tỉnh dậy sờ bên cạnh không thấy người đâu. Tưởng ông ấy ra sân tập thể dục. ai ngờ....Vừa mở cửa ra thì lấp loáng phía cây nhãn có bóng người đung đưa.....Em chạy lại thì nhận ra chồng mình đã treo cổ chết từ bao giờ....hu hu hu....hu hu hu.

Lời nói của vợ Phan mặc dù trong hoàn cảnh có người chết nhưng những người đứng xem bên ngoài đường cũng không khỏi bật cười. Nhưng nhìn cái xác của Phan lúc đưa xuống thì chẳng ai dám cười dai thêm nữa. Nhà cao cửa rộng, lại hành nghê bốc thuốc, một trong những nghề được tôn làm thầy, chẳng có lý do gì khiến cho lang Phan phải tự tử. Nhưng nếu không phải do lang Phan tự tìm cái chết thì chẳng lẽ là do ma nhập.

Gà chết, bò chết, nước giếng nhiễm độc, giờ lại đến một người không rõ nguyên nhân gì mà treo cổ tự tử trong khi lắm tiền, nhiều bạc, có của ăn của để.....Tất cả những sự việc diễn ra trong ba ngày qua đang khiến cho người dân làng Văn Thái cảm thấy sợ hãi.

Trong đám đông bỗng nhiên có một người cười lớn:

- - Ha ha ha....Ha ha ha....Ta đã bảo rồi, nếu không nghe lời ta thì làng này sẽ bị thần trừng phạt.

Giọng nói của bà Điều làm nghề thầy cúng trong làng, nghe làng có người bị chết, bà Điều đến xem rồi tiếp tục gieo thêm sự sợ hãi vào tiềm thức của mọi người. Ông Vọng nhìn thầy Lương khẽ nói:

- - Có lẽ....có lẽ bà ta nói đúng.....Phải dựng tượng thần Thành Hoàng mới thôi.

Ông Lương nói:

- - Phiền trưởng làng dẫn tôi đến đình, cho tôi xem vết nứt của tượng được chứ...?

Ông Vọng gật đầu, người nhà lang Phan khi đó cũng đã đến, xác lang Phan được đưa vào trong nhà. Ông Vọng cùng thầy Lương và Sửu đi đến đình làng cách đó không xa. Cả bà Điều cũng đi đến đó, dân làng cũng hiếu kỳ đi theo bà thầy cúng. Đến ngã ba làng, bỗng nhiên từ dưới giếng nhảy lên một con cá chuối phải to bằng cổ chân người lớn, con cá quẫy tung mặt nước rồi rơi bịch xuống nền gạch, tất cả mọi người ai nấy hoảng hồn, bởi con cá chuối to bất thường ấy không mang màu đen như những con cá chuối khác mà nó có màu trắng.

Con cá giãy đành đạch vài nhịp rồi nằm im bất động, có vẻ như nó đã chết.

Chứng kiến cảnh tượng đó, trong đầu ông Lương nghĩ ngay đến hình ảnh cụ già ngồi dưới gốc cây lộc vừng trong giấc mơ đêm qua, cũng là hình ảnh cụ già mặc bộ đồ trắng đứng bên giếng chỉ đường cho ông đến nhà trưởng làng lần trước. Hay nói cách khác, con cá chuối màu trắng kia chính là hiện thân của cụ già, và cũng chính là vị thần bảo hộ cho làng Văn Thái.

" Rầm "

Giếng làng cách đình không xa, một tiếng động lớn vừa phát ra hướng đình làng, hình như là có gì vừa đổ vỡ. Chẳng ai bảo ai, tất cả mọi người lập tức chạy về hướng đình làng. Dừng chân lại giữa sân đình, phía bên trong đình bụi tung mờ mịt. Ông Vọng điếng người, ông loạng choạng suýt nữa thì ngả ngửa ra đằng sau nếu không có Sửu đỡ. Bên trong đình, bức tượng thờ thần Thành Hoàng đã đổ sập xuống thành từng mảnh.

Tiếng cười của bà Điều thầy cúng lại vang lên sang sảng:

- - Ha ha ha.....Hết rồi, hết thật rồi....Làng này rồi sẽ chết hết không còn một ai....Thần nổi giận rồi....Ha ha ha.

Điệu cười man rợ ấy khiến một người cục cằn như Sửu cũng phải rùng mình nổi da gà. Ông Vọng thì đổ mồ hôi lạnh, mặt ông tái nhợt đi, theo như những gì ông biết thì từ xưa đến nay, chưa bao giờ làng lại xảy ra chuyện này. Tượng thờ thần Thành Hoàng đã có từ rất lâu, nhưng chưa bao giờ tượng bị vỡ chứ đừng nói đến đổ nát thành những mảnh vụn như thế này.

Tượng thần bị đổ, bị vỡ chính là đại kỵ, nhưng đây không phải là do thần phật nổi giận, mà là bởi vì vị thần bảo hộ cho làng Văn Thái đã biến mất, hay theo cách gọi của người đời, vị thần đó đã chết.

Dân làng Văn Thái, những ai chứng kiến hình ảnh bức tượng thần Thành Hoàng bị đổ sập đều bỏ chạy khỏi sân đình. Sửu nuốt nước bọt, Sửu hỏi:

- - Bác...bác Vọng....bây....bây giờ phải làm sao...? Chẳng lẽ lời...bà Điều nói khi nãy là sự thật.

Ông Vọng không biết phải trả lời làm sao, bởi ông cũng tin vào những lời mà bà thầy cúng vừa nói, ông Vọng hối hận đáp:

- - Phải chi năm ngoái tôi nghe lời bà ta dựng tượng mới thì làng đâu gặp phải họa này.

Nói rồi ông Vọng quỵ chân xuống đất chắp tay hướng vào trong đình bái lạy. Giữa sân đình thanh vắng, thầy Lương giờ mới lên tiếng:

" Hướng Đông 5 dặm, trâu gặm đồng hoang, mặt trời lên cao, giờ Ngọ tam khắc. "

" Bóng đổ đến đâu, đào sâu 6 thước "

- - Đó là những gì mà thần bảo hộ nhắn nhủ cho dân làng trước khi biến mất. Thần Thành Hoàng của làng Văn Thái gắn bó với con dân nơi đây hàng trăm năm. Nay làng gặp đại họa, bản thân thần cũng không tránh được kiếp nạn, nhưng thần vẫn cố gắng gửi lời sấm đến người dân trong làng. Giờ thì tôi đã hiểu rồi, bác trưởng làng, giờ đây ngồi khóc lóc không giải quyết được việc gì, nếu như cái chết dành cho dân làng là điều không tránh khỏi, vậy tại sao trước khi chết, chúng ta không làm một điều gì đó.

Sửu nhìn thầy Lương hỏi:

- - Những lời thầy vừa nói là sao...? Thầy có cách nào giúp dân làng chúng tôi không thầy.

Thầy Lương khẽ đáp:

- - Tôi không chắc chắn, nhưng muốn giúp dân làng chẳng bằng người dân trong làng tự cứu mình. Giờ tôi cần hai người đi theo tôi, tính từ giếng làng, dẫn tôi đi đúng 2 dặm về hướng Đông, cầm theo cuốc, xẻng, dụng cụ đào bới. Đến nơi tôi sẽ có chỉ dẫn tiếp theo. Trước khi gặp kiếp nạn, thần bảo hộ vẫn cố đưa ra lời sấm truyền....Đây có lẽ là cách cứu dân làng tránh được họa diệt thân.

[.........]

Tại nhà cô Xoan, Mị đã ngủ dậy, vẫn như thường lệ, Mị lần từng bước đi ra trước hiên nhà, tay cầm mẩu gạch đỏ nhỏ, Mị tiếp tục vẽ những nét nguệch ngoạc lên nền hiên.

Đôi mắt trắng đục, vô hồn nhìn thẳng vào không trung, tay Mị cứ thế đưa đi đưa lại mẩu gạch trên hiên nhà tạo thành những tiếng:

" Quẹt...Xoẹt...Quẹt "

Vừa vẽ Mị vừa cất tiếng cười:

" Hi...hi...hi....He...he...he...."

" He....he....he....he.."

Cô Xoan đang ở sau nhà, nghe thấy tiếng cười, cô vội buông rổ rau đang nhặt dở, chạy vội lên nhà thấy Mị đang ngồi đó, cô Xoan nhìn xung quanh, cô hỏi con gái mặc dù biết con mình không thể trả lời:

- - Có phải con vừa cười không...?

Mị không đáp lại dù chỉ bằng hành động, cô Xoan thở dài:

- - Làm sao nó cười được, mười mấy năm nay mình có thấy nó cười bao giờ đâu.

Nhìn xuống hiên nhà nơi con gái đang ngồi, cô Xoan tưởng con gái chỉ vẽ những nét không có hình thù nên thở dài bỏ xuống bếp nhặt tiếp mớ rau. Nhưng không, dưới hiên nhà là một hình vẽ nhìn rất giống một cái cây, trên cành cây có treo một vật được vẽ giống như hình thù con người......Những nét vẽ đó không phải những nét gạch lung tung, nó có hình dạng nhất định. Và " bức tranh " cây và người kia là bức tranh mà Mị vẽ ngày hôm qua.

Còn bây giờ, nó đang vẽ một bức tranh mới với những nét nguệch ngoạc mới......
Bình Luận (0)
Comment