Mộng Cổ Xuyên Kim

Chương 11

Ba tháng sau, Tô Minh Kiệt được bổ nhiệm đến Quốc Tử Giám nhận chức Tế tửu (1), quan tứ phẩm, cùng cấp với chức vụ trước đây. Nhìn bộ dạng vui vẻ của Tô Minh Kiệt, hẳn chức quan này rất hợp ý ông. Lâm Dịch thì lại thấy, công việc này không bằng làm Tri phủ ngày trước. Làm Tri phủ dù sao trên tay cũng có quyền, cũng tính là một chức quan thật sự có uy. Hơn nữa tục ngữ có câu, "Núi cao, hoàng đế xa." Ở Giang Châu, Tri phủ chính là người cao nhất, thế không phải là rất thoải mái sao? Không như hiện tại, làm Tế tửu ở Quốc Tử Giám, nói trắng ra thì chẳng khác gì Hiệu trưởng trường học ở hiện đại, chỉ khác là như Tổng hiệu trưởng của các trường học liên minh thôi. Kiểm soát từ Thái học viện (2) cho đến các học giáo (3), Quốc Tử Giám là nơi quản lý cơ cấu các trường học toàn quốc, bao gồm: quản lý Thái học viện, Quốc tử học (4), Võ học, Luật học, Tiểu học, Châu huyền học (5); đến huấn đạo (6) đệ tử, tiến tống (7) đệ tử đi thi, tu kiến (8) trường học, thiết lập các quy tắc lễ nghĩa (9), thành lập các nhóm văn sĩ (10), xây dựng các thư viện (11), hay việc thị sát các học giáo của hoàng đế đều đảm nhận chủ trì.


(1) Tế tửu: Chức quan cổ đại, làm nhiệm vụ chủ trì các buổi lễ quan trọng. Ở đây chức vụ của Tô Minh Kiệt chỉ ứng trong phạm vi Quốc Tử Giám, nên cũng được xem như là Hiệu trưởng nếu so sánh với thời hiện tại.
(2) Thái học viện: cấp học cao nhất thời phong kiến.
(3) Học giáo: cách gọi trường học thời xưa.
(4) Quốc tử học: trường dành cho con cháu quý tộc, quan lại hay các hoàng tử.
(5) Châu huyền học: các trường học ở các châu huyện nhỏ.
(6) Huấn đạo: dạy dỗ, ở đây ý là dạy dỗ học sinh.
(7) Tiến tống: tiến cử.
(8) Tu kiến: trùng tu, bảo tồn.
(9) Họa tam lễ đồ: thiết lập (phát họa) các quy tắc lễ nghĩa.
(10) Hội thánh hiền tượng: thành lập các nhóm văn sĩ về các chủ đề. Ví dụ, thành lập hội vẽ tranh, hội làm thơ, hội thư pháp...
(11) Kiến các tàng thư: xây dựng các nơi lưu trữ sách, ý là thiết lập các thư viện.


Song, người cổ đại đều có cùng một tư tưởng, làm quan ở kinh đô so với làm quan ở địa phương đều cao hơn. Cho nên, dù Tô Minh Kiệt nhận được một chức quan không có thực quyền, nhưng tốt xấu gì cũng là chức vụ ở kinh thành, gần hơn với thiên tử, cơ hội thăng quan càng lúc càng nhiều hơn.


Bên này Tô Minh Kiệt được bổ nhiệm chức quan, bên kia Tô phu nhân thường xuyên mang nữ nhi đi chào hỏi các phu nhân xung quanh, thỉnh thoảng còn tham gia các buổi yến hội, hay hội hoa xuân gì đó. Thật ra cũng chỉ là tìm cách thân thiết, chỉ là hơi khác so với cách tạo quan hệ ở hiện đại. Ở đây, chỉ cần gia trưởng hai bên cảm thấy thích hợp là được, còn nam nữ trong cuộc có ý kiến gì cũng mặc kệ. Mà hiện giờ, bà chủ yếu là quan tâm đến người con dâu đang mang thai, không có nhiều thời gian để tâm đến nó. Tô thiếu phu nhân mỗi ngày đều hỏi han ân cần, nhưng mà nó lại không quen lắm. May mà Tô lão thái gia thường hay kiểm tra, rồi sau đó lại còn học võ cùng với sư phụ nên đã bị "tàn phá," thế nên, mỗi ngày Lâm Dịch đều rơi vào trạng thái căng thẳng, cũng không có thời gian nghĩ nhiều.


Một hôm, như mọi khi, Lâm Dịch sau khi học xong liền về phòng thay quần áo đơn giản, chuẩn bị đi tập luyện võ nghệ. Đi qua phòng Tô phu nhân thì thấy Tô Bác Nhã đứng ở ngoài, ghé tai vào cánh cửa. Đây là... nghe lén sao? Tô Bác Nhã là tiểu thư khuê các mà cũng làm chuyện này hở? Hơi kỳ lạ nghe! Vừa nghĩ, Lâm Dịch vừa đi lướt qua. Khi Lâm Dịch lướt qua bên người, Tô Bác Nhã cũng không chú ý gì tới nó. Đang nghe cái gì mà chú ý dữ vậy ta? Tò mò, Lâm Dịch cũng nghiêng tai nghe thử.


"... Nếu biết phu nhân kết thân với con nhà vũ phu thô bỉ, các vị đồng liêu (12) sẽ đánh giá ta thế nào đây?" Đây là âm thanh của Tô Minh Kiệt, còn có vẻ hơi tức giận.


(12) Đồng liêu: đồng nghiệp.


"Cái gì mà vũ phu thô bỉ, Vương công tử trước đây cũng đã đậu Tú tài, lại là hậu nhân của Vương Thiều Vương tướng quân, chính là danh môn chi hậu (13). Văn võ song toàn không nói, tuổi còn trẻ đã làm đến chức quan Tả kiêu vệ Tướng quân cửu phẩm, tương lai tiền đồ vô hạn. Hơn nữa cậu ta lại còn có ân với chúng ta, đem Nhã nhi gả cho cậu ấy cũng không tồi."


(13) Danh môn chi hậu: hậu nhân của gia đình danh gia vọng tộc.


"Cài gì mà không tồi? Hậu nhân của Vương Thiều thì sao chứ? Nhà họ Vương sớm đã xuống dốc, cái gì mà danh môn chi hậu, chẳng qua chỉ là hư danh mà thôi. Chất tử (14) của Từ Thượng thư tài trí hơn người, học phú ngũ xa (15), là người khiêm tốn, biết lễ nghĩa, kỳ thi năm sau nhất định sẽ đề tên trên bảng vàng, đến lúc đó thì thăng quan tiến chức, phong thê ấm tử (16) chỉ là nay mai. Nhã nhi của chúng ta là tiểu thư khuê các, hiền thục kính cẩn (17), tài tử giai nhân mới là xứng đôi."


(14) Chất tử: cháu trai.
(15) Học phú ngũ xa: Thành ngữ, ý nói học vấn uyên bác.
(16) Phong thê ấm tử: vợ con cùng hưởng đặc quyền.
(17) Hiền thục kính cẩn: hiền lành, biết lễ nghĩa, thường dùng để chỉ người con gái trong xã hội phong kiến.


"Từ công tử kia nghe nói từ nhỏ đã ngâm mình trong dược quán mà lớn lên, gió thổi một cái liền gục ngã, như thế thì có gì mà tài năng? Nếu gặp chuyện bất trắc, sao có thể bảo vệ Nhã nhi của chúng ta... Nhã nhi là nữ nhi ruột của ông, sao ông lại nhẫn tâm với con như vậy?"


"Bà nói bậy bạ gì đó! Từ công tử bộ dạng chỉ hơi văn nhược (18) một chút, sao mà đến mức như bà nói! Người đọc sách đương nhiên phải tuấn tú nhã nhặn, dáng vẻ tất sẽ không giống với đám vũ phu lưng hùm vai gấu (19) kia."


(18) Văn nhược: yếu đuối.
(19) Lưng hùm vai gấu: cao to khỏe mạnh, cao to lực lưỡng.


...


Xem ra là thảo luận hôn sự của Tô Bác Nhã, chả trách tỷ ấy lại để ý như thế.


"Tỷ tỷ thích người nào hơn?" Lâm Dịch trêu chọc hỏi, ánh mắt tựa tiếu phi tiếu nhìn Tô Bác Nhã.


"Úi!" Tô Bác Nhã lúc này mới phát hiện Lâm Dịch, giật mình kêu lên, đỏ mặt cười lúng túng, không biết là xấu hổ vì câu hỏi của Lâm Dịch hay là xấu hổ vì hành động nghe lén của mình bị phát hiện.


"Vương tướng quân tuấn tú lịch sự, văn võ song toàn, tỷ tỷ cảm thấy huynh ấy thế nào?"


"Cái gì thế nào?" Tô Bác Nhã ngượng ngùng niết ngón tay, ánh mắt không dám nhìn Lâm Dịch, khuôn mặt đỏ bừng, giả vờ trách mắng, "Tam đệ chớ có nói bậy!" Nói xong che mặt bỏ đi.


Thật là ngây thơ mà!


Vấn đề này bị Tô Minh Kiệt và Tô phu nhân cãi qua cãi lại, không có kết quả. Tô Minh Kiệt thì không muốn cùng võ quan kết thông gia, còn Tô phu nhân thì cho rằng Tô Bác Nhã lúc về Biện Kinh trên đường đã có tiếp xúc thân mật với Vương Cẩm, hẳn là nên gả cho Vương Cẩm. Kỳ thực nói trắng ra cũng là thể hiện hai luồng tư tưởng trong xã hội nhà Tống, quan niệm trọng văn khinh võ và trinh tiết nữ tử đều rất nổi bật trong thời đại này. Tô phu nhân nghiêng về Vương Cẩm phần lớn bởi vì hắn từng nhìn thấy bộ dạng xiêm y không chỉnh tề của Tô Bác Nhã, còn từng cõng nàng, chứ cũng không phải bởi vì Vương Cẩm ưu tú hay gì khác. Cũng không thể không nói, bà cũng chỉ vì hạnh phúc của nữ nhi, chẳng qua là do phép tắc trong xã hội phong kiến, so sánh vấn đề nặng nhẹ mà thôi. Đây cũng là tư tưởng đầu độc các nữ nhân của xã hội này, Nữ Tuân và Nữ Giới (20) đã ăn sâu bén rễ trong đầu các nữ nhân này rồi.


(20) Nữ Tuân, Nữ giới: là hai trong số những bộ sách dạy nữ nhân xã hội xưa về cách sống, cách làm người. Những bộ sách này phần lớn truyền bá tư tưởng cam chịu, khiến nữ nhân trong xã hội này nếu không an phận thì cũng là quá cam chịu, không có nhiều sự tư do. Hiện nay, hai bộ sách phần lớn chỉ còn là văn bản lưu giữ ở các bảo tàng, được nhắc đến như khuyết điểm của xã hội cổ đại, chứ không còn được dùng để giảng dạy ở trường học nữa.


Ồn ào là thế, sau cùng, Tô lão thái gia gõ tay định án, đem Tô Bác Nhã hứa gả cho Vương Cẩm! Hôn sự dự định là sẽ tổ chức sau hôn lễ của nhị ca Tô Bác Tài, chưa quyết định thời gian cụ thể. Nói cách khác, ít nhất phải đến sang năm hoặc năm sau nữa Tô Bác Nhã mới có thể xuất giá. Tô Minh Kiệt mặc dù không hài lòng với kết quả như vậy nhưng cũng không dám cãi lời phụ thân. Tô lão thái gia là đại biểu của tư tưởng đại gia trưởng điển hình trong xã hội phong kiến, một lời cụ nói ra chính là quyết định. Hơn nữa còn vì hiếu thảo, nên thực tế, lời của cụ không ai dám bắt bẻ.


Có thể nhìn ra được, Tô Bác Nhã rất hài lòng với kết quả này. Tuy nhiều lần trắc trở, nhưng đạt được kết quả này cũng xem như là mỹ mãn. Đa số mọi người đều vừa lòng, số còn lại thì không quan tâm.


Sau việc này, Lâm Dịch lại có thêm một cái nhìn khác về Tô lão thái gia. Nó phát hiện, Tô lão thái gia có nhiều hành động không cùng tư tưởng với các văn nhân sĩ tử cùng thời. Dựa theo cách mà cụ giải quyết vấn đề, từ việc nó muốn tập võ, đến vấn đề hôn sự của Tô Bác Nhã, mỗi hành động đều tương phản với thái độ của các văn nhân ở đây. Thực tế mà nói, tư tưởng của cụ thông suốt và tiến bộ hơn. Dựa vào những việc này có thể thấy, Tô lão thái gia thật sự là người rất tài ba, tri thức của cụ so với những người khác cũng sâu sắc hơn.


Tuy rằng biến pháp của Vương An Thạch thành công đã thay đổi hướng đi của lịch sử, nhưng thái độ trọng văn khinh võ hiện tại vẫn rất phát triển. Sớm hay muộn nhà Bắc Tống cũng sẽ diệt vong. Người thống trị không đủ sức thay đổi cái gốc rễ bên trong, biến pháp chỉ là làm chậm lại quá trình vong quốc mà thôi. Hơn nữa, biến pháp của Vương An Thạch vốn dĩ là có quan điểm, "Nhân thiên hạ chi lực dĩ sinh thiên hạ chi tài, thủ thiên hạ chi tài dĩ cung thiên hạ chi phí (21)." Trên cơ bản quan điểm này là làm tổn hại đến kiến trúc thượng tầng, như việc con buôn cướp lấy tài nguyên cung ứng cho triều đình. Từ trước đến nay, những mâu thuẫn cơ bản trong lòng xã hội Bắc Tống vẫn không thể thay đổi, chỉ là cấp độ ngày càng trầm trọng hơn. Nếu cứ như vậy, quốc gia có thể giàu, nhưng cũng sẽ đòi hỏi nhà Liêu, nhà Tây Hạ cống nạp càng nhiều. Nói trắng ra là lấy tiền của tầng lớp thấp bé nhất trong xã hội để mua bình an. Việc này như Sử Ký (22) có nói, "Dĩ tân sự hỏa, tân bất tẫn, hỏa bất diệt (23)." Cống nạp hàng năm của Tây Hạ bị tăng lên, mà Liêu quốc lại có dã tâm và lòng tham, cống nạp hàng năm càng lớn thì tham niệm sẽ càng nhiều.


(21) "Nhân thiên hạ chi lực dĩ sinh thiên hạ chi tài, thủ thiên hạ chi tài dĩ cung thiên hạ chi phí": Dựa vào tài phú của thiên hạ để sản sinh tài phú khắp thiên hạ. Thu tài phú khắp thiên hạ để cung ứng cho tiêu phí khắp thiên hạ.
(22) Sử Ký – 史记: của Tư Mã Thiên, là một trong những bộ sách lịch sử đồ sộ của Trung Quốc, được viết từ năm 109 TCN đến năm 91 TCN.
(23) "Dĩ tân sự hỏa, tân bất tẫn, hỏa bất diệt": Câu nói trong Sử Ký, chương Ngụy Thế gia. "Dùng đất đai để phụng dưỡng Tần quốc, là như ôm đống rơm đến bên đống lửa, củi không cần nhóm, lửa sẽ tự tắt." Những lời này dùng để phê phán việc sáu nước dùng đất đai để lấy lòng Tần quốc, sử dụng phép tu từ so sánh, thể hiện lòng tham của nước Tần.


Hiện tại, mọi người đối với Vương An Thạch đều kính trọng như thần thánh, cũng là do chỉ nhìn đến sự thành công của biến pháp, mang đến cái lợi ích trước mắt. Đến khi gặp phải vấn đề lớn hơn, bọn họ sẽ không nể nan gì mà chửi bới, nhục mạ. Đây là nhân sĩ đương thời, một đám không có năng lực suy xét, chỉ biết nói sao làm vậy, như một lũ thanh niên chỉ biết phẫn nộ.


Trong hoàn cảnh như thế, Tô lão thái gia lại có thể hành xử khác biệt, Lâm Dịch không thể không khâm phục cụ. Còn nữa, chữ viết của Lâm Dịch vốn là mô phỏng theo cách viết của Tô Thức, rất nhiều người nhìn đều không hiểu thần thái trong chữ. Chỉ có Tô lão thái gia nhìn thấy chữ của nó thì có thái độ ôn hòa, thậm chí còn rất tán thưởng. Tô Thức và Vương An Thạch có quan điểm chính trị bất đồng, bị phái cải cách chèn ép, nhất là sau khi biến pháp thành công, lúc về già hình như không được như ý. Ở nơi này, nhận xét về ông cũng không mấy tốt đẹp, rất nhiều người vì Vương An Thạch mà còn phỉ báng ông. Song, ở thư phòng của lão thái gia ngược lại có rất nhiều tác phẩm của Tô Thức. Việc này đối với các văn nhân đương thời mà nói có thể là một việc rất khó mà tưởng tượng nổi.


Dựa vào những bằng chứng trên, có thể thấy, Tô lão thái gia quả thật không hề giống những người khác.


___________________

Bình Luận (0)
Comment