Mộng Cổ Xuyên Kim

Chương 5

*Biến pháp: Cải cách Chính trị. Ở đây đặc biệt đề cập đến Cải cách Chính trị của Vương An Thạch những năm đầu của triều đại Tống Thần Tông.


Lâm Dịch ngồi ngay ngắn ở trước bàn học, trước mặt dựng một quyển sách, ánh mắt nheo lại. Đây là kỹ thuật nó sáng tạo hồi còn đi học. Các thầy cô cứ nghĩ là nó nghe giảng nghiêm túc lắm, nào biết nó đã sớm đi hẹn hò với Chu công rồi còn đâu.


Bên ngoài cửa sổ, chiếc bóng xanh lượn lờ, còn có hoa điểu ngữ ngát hương theo gió nhẹ nhàng phả vào mặt, dễ chịu vô cùng. Nếu không có tiểu thư đồng đến quấy rầy thì còn tốt nữa.


"Công tử!" Tô Nghiễn gọi nhỏ một tiếng, vẻ mặt căng thẳng, "Đừng ngủ nữa, phu nhân đang đến đây!"


"Phu nhân?"


Lâm Dịch vừa nghe thì giật mình, lập tức ngồi nghiêm chỉnh, điều chỉnh thanh âm, cao giọng diễn cảm đọc.


"Thiên tử trọng anh hào, văn chương giáo nhĩ tào; vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao. Thiểu tiểu tu cần học, văn chương khả lập thân; mãn triêu chu tử quý, tẫn thị độc thư nhân... (1)"


(1) Bài Ấu học ngũ ngôn thi, là một trong những bài thơ dạy cho học sinh mới bắt đầu học chữ. Dịch nghĩa: Nhà vua (quốc gia) bao giờ cũng coi trọng người hiền tài, việc giáo dục con người đều phải lấy từ văn chương; tất cả các ngành nghề đều thấp kém, chỉ có đọc sách mới là cao quý. Lúc nhỏ phải siêng năng học hành, phải trang bị cho bản thân đầy đủ tri thức và văn hóa, để khi lớn có đủ khả năng lập thân xử thế. Quan cao chốn triều đình thân mặc áo đỏ áo tím đều là người đọc sách.


Tô phu nhân đã đến trước cửa, Lâm Dịch vẫn giả vờ như không nhìn thấy, cho đến khi Tô phu nhân đi vào trong phòng, nó mới tỏ vẻ như kinh ngạc, đứng dậy hỏi, "Nương, nương sao lại đến đây?"


Tô phu nhân che miệng khẽ cười, "Được rồi, đừng giả vờ nửa, con cho là tiểu xảo này nương không nhìn ra sao? Ta cũng không phải là cha con, không cần dùng cách này để đánh lừa ta."


Lâm Dịch không một chút tỏ vẻ bị vạch trần mà xấu hổ, như tiểu cẩu cụp đuôi nói, "Nương thật có hỏa nhãn kim tinh (2), mấy trò vặt này trước mặt nương đều bị lộ cả. Nhi tử nào dám lừa gạt người? Chả qua cũng vừa nghỉ ngơi một chút mới tỉnh lại, đang muốn ôn bài tiên sinh lưu lại thì nương tới đó thôi."


(2) Hỏa nhãn kim tinh: khả năng nhìn xuyên thấu, biết rõ tường tận mọi việc.


Tô phu nhân cười như không cười, "Thật không bảo Tô Nghiễn đứng canh cửa hả?"


"Thực không có!" Lâm Dịch nghiêm trang trả lời, dù sao nó cũng đã quyết sẽ không thừa nhận.


"Nếu con đã chịu khó như vậy, nương sẽ không quấy rầy con. Nương vốn đặc biệt thay con nói với tiên sinh, để ngày mai cùng nương lên chùa lễ phật. Nếu vậy thì để nương đi một mình." Tô phu nhân liếc mắt nhìn nó, không có ý tốt mà nói.


Lâm Dịch bị nghẹn, vội níu tay áo Tô phu nhân, "Nương! Khổng thánh từng nói, Nắm mà không buông, văn võ chẳng thể làm; buông mà không nắm, văn võ cũng như không. Khi nắm khi buông, ấy mới là văn võ chi đạo (3). Như vậy có thể thấy đọc sách không thể chỉ có khổ luyện. Hơn nữa, nương đã nói rồi, ngay mai sao lại còn làm phiền tiên sinh đây. Mai để con cùng nương đi thắp hương là được, đọc sách đâu có quan trọng bằng nương."


(3) Trương nhi bất thỉ, văn vũ phất năng dã; nhỉ nhi bất trương, văn vũ phất vi dã; nhất trương nhất thỉ, văn vũ chi đạo dã: Nắm mà không buông, văn võ chẳng thể làm; buông mà không nắm, văn võ cũng như không. Khi nắm khi buông, ấy mới là văn võ chi đạo.


Tô phu nhân cười đến run rẩy cả người, chỉ chỉ vào trán Lâm Dịch, "Con đó! Còn có thể nói ra một đống đạo lý như thế, xem ra đọc sách cũng không tốt lắm. Cho con học tốt xong, không biết đến lúc đó có lừa luôn cả nương không đây."


"Đâu có!" Lâm Dịch đong đưa tay áo Tô phu nhân, giả bộ ngây thơ, "Hài nhi trước học tập, sau đó mới có thể chăm sóc nương thật tốt. Thật hiếm khi cùng nương làm gì đó, con đương nhiên vui vẻ rồi."


Mặc dù Tô phu nhân biết lời của nó không hoàn toàn là thật, nhưng trong lòng cũng không muốn lại trêu nó nữa.


<break>


Cuối cùng, suốt nửa năm đọc sách, Lâm Dịch rốt cục cũng có một ngày nghỉ.


Bây giờ nó đã thấm thía tại sao Giả Bảo Ngọc (4) lại không thích đọc sách, đó căn bản không phải là việc để người ta sống sót mà. Nó dám cá là dù là ở hiện tại, học sinh cấp ba cũng không thích đi học lần nữa. Đem sách vở không biết học thuộc làu làu, nhưng hành văn lại tối nghĩa, không hiểu được. Huống chi lão cha Tri phủ còn thường hay đến kiểm tra, khiến nó cảm giác mình với Giả Bảo Ngọc chả khác gì nhau. Chỉ khác nó không phải là bảo bối bên cạnh bà nội mà thôi. Mà thật ra, nó cũng là bảo bối của mẫu thân, chẳng qua mẫu thân cổ đại chả dám cãi lời lão cha Tri phủ, thành ra với việc đọc sách đại sự này, mẫu thân chỉ hi vọng hài tử của mình tương lai trở thành người xuất sắc, nên sao có thể cản trở tiền đồ của con mình đây? Chẳng những thế, mỗi ngày còn chuẩn bị điểm tâm, trà nước, sợ con nó vì đại nghiệp đèn sách mà bị đói. Bây giờ nó chỉ mới đọc sách có nửa năm đã cảm giác giống như đọc sách mười mấy năm. Nếu có thể trở về hiện đại, không chừng nó có thể chuyển sang chuyên ngành Hán ngữ cũng nên.


(4) Giả Bảo Ngọc: nhân vật chính trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần.


Lúc đầu tại sao không xuyên qua làm nữ nhân nhỉ?


Có điều, nếu như thế sợ là sẽ phải thực hành cầm kỳ thi họa, nữ hồng trù nghệ (5)! Bây giờ tốt xấu gì cũng là nam nhân, ở thời đại này cũng xem như không có nhiều ràng buộc. Nếu phải thành nữ tử, đại môn không thể ra, nhị môn không thể bước, sau này sao mà sống nổi. Đó là chưa kể cả đời chỉ bên cạnh một người đàn ông mà có khi còn có thêm một đống tiểu thiếp thông phòng đấu đá nhau, người lừa ta gạt. Nếu đúng là vậy thì nó sẽ điên lên mất.


(5) Nữ hồng, trù nghệ: may vá, nấu nướng.


Cho nên, đã ở trong thân thể nam nhi thì cứ làm nam nhi đi, mặc dù tâm trí nó vẫn là của một nữ nhi.


<break>


Thời gian trôi qua, chớp mắt, Lâm Dịch lúc này đã ở triều đại nhà Tống được sáu năm.


Sáu năm nay, rốt cuộc nó cũng biết rõ đây là thuộc thời đại nào.


Nói là triều đại nhà Tống, nhưng cũng không phải là triều đại nhà Tống. Nhà Tống này so với nhà Tống trong lịch sử không giống nhau. Lúc biết được điều này, nó rất lâu không thể phản ứng được gì, còn cho rằng là trí nhớ mình bị loạn. Bởi, theo trí nhớ thì rõ ràng cải cách Chính trị của Vương An Thạch cuối cùng bị thất bại, đến giờ nó vẫn còn nhớ rõ giai đoạn lịch sử kia:


Tư Mã Quang (6) gửi thư cho Vương An Thạch, viết rằng:


"Việc này là vì quốc gia, ưu tiên thay đổi luật pháp cũ của tổ tiên, trước là nhắm vào người dân, các nhóm cánh tả cánh hữu, sau là nhắm vào cái bế tắc trì trệ nhưng lại thành hủy diệt, ngày thì cạn lực, kế đến là đêm ngủ không yên..."


(6) Tư Mã Quang (1019 – 1086): là một học giả, nhà sử học, nhà chính trị dưới thời nhà Tống. Ông cũng là một trong những Tể Tướng của vua Tống Thần Tông, là người được chọn sau khi Vương An Thạch từ chức vì biến pháp thất bại. Lịch sử biết đến ông và Vương An Thạch như hai người đối đầu trong triều đình, dù rằng đóng góp của mỗi người đối với thời đại đều có những giá trị nhất định. Xem thêm tại .


Tống Triết Tông sau khi đăng cơ nói rằng, "Phàm là an ninh, từ trước đến nay việc quốc gia không trừ một ai, chỉ theo trình tự mà thôi."


Trong sách Đan Duyên Tổng Lục (7), Dương Thận nhà Minh chê bai Vương An Thạch hết lời, gọi ông là "Tiểu nhân bậc nhất từ xưa đến nay."


(7) Đan Duyên Tổng Lục: gồm 27 cuốn, do Dương Thận (1488 -1559) biên soạn. Đây là cuốn sách được tổng hợp dựa trên nhiều ghi chép, nhằm ghi lại danh sách tội nhân thiên cổ và các hành vi để chứng thực. Sách được xuất bản vào năm Gia Tĩnh thứ 26 (1547), sau đó đến đời Càn Long thì được chỉnh sửa và tái bản lần nữa. Xem thêm tại .


Lí Chí đánh giá, "(Vương) An Thạch muốn tăng thêm lợi ích mà gây nên nhiều tổn thất, lợi dụng chí hướng của (Tống) Thần Tông, ngược lại càng tạo thêm nhiều mẫu thuẫn, dẫn đến nhiều lỗ hổng. Điều này là tại vì ai? Mang tội thị phi, (chính là) không biết cũng là có tội!"


Lời lên án nghiêm khắc nhất chính là, "Cải cách chính trị của Vương An Thạch đã chôn vùi hơi thở yếu ớt của triều đại Bắc Tống."


....


Tất cả những lời này đều minh chứng rõ ràng cho kết quả của biến pháp này.


<break>


Mà hiện tại, có người lại nói với nó rằng:


"Góp cái tài chung là hướng tới quốc gia hưng thịnh, người hướng về nguồn, mở rộng khoảng cách ngàn dặm, dựng nước từ xưa đến nay có mấy người."


"Góp công sức chung là làm lợi cho nước nhà, làm sao mà kể hết, chỉ mong phước lành đến cho vạn dân."


"Người trong thiên hạ đều sinh ra vì tiền tài, lấy cái tài của thiên hạ cũng là để phục vụ cho thiên hạ. Góp cái tài chung, chỉ cần người có năng lực đều có thể."


...


Quả thật là vô cùng phức tạp, không thể lý giải!


Trước đây lúc còn đi học, lịch sử triều đại nhà Tống được học nhiều nhất, đề thi nhiều nhất cũng chính là phân tích, 'Biến pháp của Vương An Thạch, nguyên nhân thất bại và góp ý,' thế mà bây giờ lại có người nói với nó cải cách của Vương An Thạch là thành công! Không chỉ thành công, còn thay đổi hướng đi của lịch sử.


Tân cựu đảng của Vương An Thạch tranh chấp giành được thắng lợi.


Tống Triết Tông không chỉ tráng niên không chết trẻ mà còn sinh được một đàn con.


Tranh chữ đại gia của Tống Huy Tông cũng không có.


Triều đại Bắc Tống đến bây giờ vẫn không diệt vong, sự kiện Tĩnh Khang (8) gì đó ngay cả dấu hiệu cũng không thấy đâu.


(8) Sự kiện Tĩnh Khang (1127): đây là sự kiện đánh dấu sự chấm dứt của triều đại Bắc Tống, và cũng là nỗi nhục lớn nhất của nhà Tống trong lịch sử. Sự kiện này tạo nên nhiều cảm hứng cho các nhà văn Trung Quốc, trong đó phải kể đến tác phẩm Anh hùng xạ điêu của nhà văn Kim Dung.


...


Lâm Dịch mất ba năm để hiểu ra điều này. Thời đại bây giờ mà nó sống không hề tồn tại ở hiện đại, giống như là một phân nhánh của lịch sử vậy. Thật muốn ra một đề thi như thế này: nếu biến pháp của Vương An Thạch thành công thì triều đại nhà Tống sẽ phát triển như thế nào?


Lời tác giả: Các điển cố đều dựa trên lịch sử có thật, nhưng nội dung thay đổi một chút. Xin độc giả đừng để ý!


______________________

Bình Luận (0)
Comment