Sau khi chuyển sang lều lớn của Tạ Cẩn tắm rửa sạch sẽ, Thẩm Tầm ôm chăn ngủ say, Tạ Cẩn chợp mắt trong chốc lát rồi khoác áo ra ngoại trướng.
Giờ Tý vừa qua, bên ngoài truyền đến giọng khẽ khàng của Kỳ Minh Nguyệt: "Tướng quân?"
Tạ Cẩn đến cửa lều vén mành tiếp nhận mấy phong thư Kỳ Minh Nguyệt đưa tới: "Được rồi, ngươi nghỉ ngơi đi."
Anh trở lại bàn khêu đèn cho sáng rồi bắt đầu xem xét từng phong. Có hai phong thư đều đến từ quân sư Thôi Yến, phong thư đầu tiên báo cáo về tình hình gần đây của hai vạn ám quân.
Hai vạn ám quân này là do Tạ Cẩn âm thầm chiêu mộ ở Tĩnh Châu và Bình Châu thuộc Vọng Long Quan sau khi tiếp nhận Bắc Cảnh Quân. Trong số hai vạn ám binh, một phần đến từ nông dân, đầy tớ và tiểu thương; một phần đến từ dân chúng lưu lạc mất hộ tịch, trong đó cũng có tội phạm nhẹ và tù binh được vớt ra, thậm chí còn có một số người Hồ. Người Hồ là tên thường gọi cho các bộ tộc du mục ở quan ngoại, là đám người sống sót sau những trận đốt giết đánh cướp giữa các bộ lạc mà lưu lạc về phía Nam ở cùng với dân chăn nuôi vùng quan nội; trải qua thời gian dài định cư nên sinh hoạt tập tính không khác gì bá tánh quan nội.
Lúc trước khi thành lập một đội ám quân rồng rắn hỗn tạp như vậy, Tạ Cẩn đã suy nghĩ rất cặn kẽ. Làm việc này dưới sự nghi kỵ của Đế vương thật vô cùng mạo hiểm, mặc dù anh có suy tính riêng nhưng thật ra phần lớn là vì bất đắc dĩ.
Khi xưa Tạ gia thống lĩnh mười tám vạn quân ở biên giới Tây Bắc, vì Tây Bắc nằm trong vùng quân sự quan trọng nên có thể tự do điều phối binh lực. Thế nhưng sau khi đội quân Tây Bắc bị tách ra, Bắc cảnh chỉ còn lại tám vạn binh lực trong khi Phàn quốc vẫn luôn nhăm nhe biên giới phía Bắc đang không ngừng chiếm đoạt lãnh thổ, quốc lực càng ngày càng cường thịnh, xung đột không ngừng với Đại Tuyên. Tạ Kích đã sớm xin triều đình cho phép khuếch trương biên chế của Bắc Cảnh Quân nhưng vẫn không thể nào được phép.
Từ khi Tuyên Chiêu Đế lên ngôi, Tạ gia càng không tiện đệ trình bất cứ chuyện gì liên quan đến mở rộng binh lực. Năm xưa Tạ Cẩn có dâng tấu chương vài lần nhưng bị người muốn giành Đế tâm gán cho tội danh "Bụng dạ khó lường", anh bèn chấm dứt vụ nỗ lực xin phép tốn công vô ích.
Triều đình không phê chuẩn nhưng anh lại không thể không phòng ngừa chu đáo.
Tạ gia đóng giữ biên cảnh hàng năm, tất cả vị trí quan trọng nhất ở biên cảnh có thể nói là quê hương thứ hai của con cháu Tạ gia. Phủ đệ của Tạ Cẩn thiết lập tại thành Tĩnh Châu thuộc Vọng Long Quan, là một tòa nhà hai sân đơn sơ, tuy hàng năm không ở đó thường xuyên nhưng bá tánh trong thành vẫn cực kỳ kính yêu và nể trọng vị tướng quân trẻ tuổi thần long thấy đầu không thấy đuôi này.
Tĩnh Châu và vùng phụ cận Bình Châu nằm sát biên cương hoang vắng, bá tánh đủ loại rồng rắn hỗn tạp tốt xấu lẫn lộn. Ngoại trừ một số dân ban đầu đã sống ở đây, số còn lại đều là khâm phạm, lưu dân, người Hồ, còn có không ít thám tử Phàn quốc và Tây Lương quốc trộn lẫn, trị an khiến Tri phủ Huyện lệnh vô cùng đau đầu. Quan viên đến đây nhận nhiệm vụ không khác gì bị triều đình lưu đày, trong lòng có oán hận nên chả thèm thống trị, dứt khoát nhắm mắt mặc kệ. Bá tánh địa phương không biết đi cửa nào khiếu nại, vì thế gặp chuyện gì cũng tìm đến Bắc Cảnh Quân đóng binh ở trong thành xin giúp đỡ.
Vừa gánh vác trọng trách thủ vệ đường biên giới vừa phải nhận lãnh nhiệm vụ quản lý trị an cho thành trấn của địa phương, Tạ chủ soái tuy không bao giờ buông lời oán hận nhưng xác thật có gánh nặng khó kham.
Mấy năm trước Bắc cảnh gặp trận tuyết lớn phủ kín núi non, đường cung cấp quân lương bị tắt nghẽn, bá tánh Tĩnh Châu và Bình Châu sôi nổi gom góp lương thực đưa tới quân doanh. Tuy chỉ như muối bỏ biển nhưng Tạ Cẩn cực kỳ cảm động, càng lập lời thề quyết tâm sống chết bảo vệ biên cương.
Sau khi cân nhắc kỹ càng, Tạ Cẩn quyết định thành lập đội ám quân, một mặt là quơ hết đám dân lưu manh nhiễu loạn trị an bỏ vào, dùng thủ đoạn gậy ông đập lưng ông nhưng cực kỳ hiệu quả; một mặt cũng là lo trước khỏi hoạ, nếu Phàn quốc mở cuộc xâm chiếm quy mô, binh lực Bắc Cảnh Quân không đủ để ngăn lại quân địch, bọn họ có thể âm thầm bổ sung ám binh vào quân đội để bảo đảm biên cảnh vô ngu. Quả nhiên sau khi ám quân bắt đầu thành lập, trị an các nơi tốt hơn rất nhiều, bá tánh an cư lạc nghiệp, Tĩnh Châu và Bình Châu càng thêm phồn hoa.
Đương nhiên, một đội ngũ như vậy thật không dễ quản lý, nhưng Thôi Yến là người tàn nhẫn, bốn phó tướng thủ hạ của ông ta cũng là người tàn nhẫn, đều có cách riêng để thuần phục đám ám binh. Hai vạn ám quân chia làm bốn đội yêu ma quỷ quái, mỗi vị phó tướng lãnh đạo một đội, ngoại trừ tướng lãnh tối cao thì mỗi đội ám quân đều không biết còn có ba đội khác tồn tại. Bọn họ không có biên chế chính thức, không thể ra mặt quang minh chính đại, bình thường ẩn giấu thân phận rải rác ở các ngóc ngách, rất nhiều người ở trong mắt bá tánh đều là đám âm lang lệ hổ hoặc cường dân trộm phạm. Bọn họ gia nhập ám quân, một phần là vì cần sinh tồn, một phần cũng vì hy vọng sau khi lập công có thể được đặc xá hoặc tưởng thưởng.
Đội ám quân này chính là đao sắc treo trên đầu Tạ gia, chưa đến lúc vạn bất đắc dĩ thì không thể vận dụng, đồng thời cũng là cây thương hung tàn trong tay Tạ Cẩn, nếu biết áp dụng tốt thương pháp thì có thể hiệp trợ anh bảo vệ tốt biên cương, bảo hộ vạn sinh mệnh bá tánh biên quan.
Tạ Cẩn tỉ mỉ đọc tin tức hội báo tình hình của Thôi Yến, cảm thấy không cần hồi âm bèn kề tờ thư vào ánh nến thiêu hủy.
Anh nhìn nhìn một phong thư khác viết hai chữ "Khẩn cấp", rút ra đọc lướt qua, chỉ là một ít tin tức về vài vụ cọ xát nhỏ giữa Bắc Cảnh Quân và Phàn quân dạo gần đây, xem qua xong bèn bỏ thư vào ngăn kéo.
Đây là sự phối hợp ngầm giữa anh và Thôi Yến, những tin tức gì không nhẹ không nặng thì viết chữ "Khẩn cấp", lưu trữ lại để người có tâm lục tìm có thể báo cáo kết quả công tác; còn những thư từ với tin tức thật sự quan trọng thì sau khi duyệt xong phải lập tức đốt ngay.
Phong thư thứ ba là từ muội muội Tạ Nghi đóng quân tại Ngao Long Câu.
Ngao Long Câu trước nay luôn là trọng địa quân sự để hai nước tranh đoạt, ngoại trừ yếu tố địa hình địa thế thì còn một con đường núi là nơi những đoàn lữ hành muốn thông thương Nam Bắc nhất định phải đi qua. Vì thế, mảnh đất bên ngoài tường thành của Ngao Long Câu đến nay đã chôn xuống biết bao nhiêu thi thể của tướng sĩ hai bên cùng như phần chân tay bị cụt.