Một Vài Chuyện Nông Hộ - Lãng Lãng Minh Nhật

Chương 114

Nghe Phó Văn Duệ nói xong, Tống Thiêm Tài và Triệu Ngôn Tu nhìn nhau, trong lúc nhất thời kinh ngạc vạn phần.

Đối với Triệu Ngôn Tu mà nói, y từ nhỏ đọc sách tập võ đương nhiên là vì muốn khoa cử. Triều đại này thi văn hay thi võ đều tương tự về hình thức và quy cách, cũng bắt đầu từ võ tú tài cho đến Võ Trạng Nguyên. Võ tú tài mỗi năm thi một lần, võ cử nhân thì ba năm một lần. Phó Văn Duệ nói Triệu Ngôn Tu đi thi tất nhiên không phải bắt đầu từ võ tú tài, mà là dùng thư giới thiệu từ thư viện Tuyền Châu để thi vào vệ sở.

Cuộc thi này thường thường ba năm tổ chức một lần, là cuộc thi dành riêng cho con cháu của quan viên vệ sở. Thi trượt thì thôi, nhưng nếu nằm trong ba hạng đầu thì có thể giành được một chức quan thất phẩm ở vệ sở, vì thế nên đây có thể coi là một con đường cực kì không tệ để tấn thân. Mà Lương Hữu Vinh ở vệ sở tiền đồ xán lạn, Triệu Ngôn Tu vào đó, dựa vào tài năng, võ công và sự che chở của Lương Hữu Vinh, tiền đồ của y chắc chắn cũng không kém.

Phó Văn Duệ tỉ mỉ giải thích với Triệu Ngôn Tu. Vốn nghĩ bọn họ một mảnh khổ tâm, Triệu Ngôn Tu có lẽ sẽ đồng ý, rốt cuộc loại chuyện này đối với Triệu Ngôn Tu mà nói cực kỳ có lợi, nhưng không ngờ Triệu Ngôn Tu lại lắc đầu đáp: "Phó công tử, không nói lúc trước ta ở Vĩnh Nhạc trấn có tiền án, muốn khoa khảo võ cử e là không thể, nói ngay việc ta hiện giờ còn đang giữ đạo hiếu, có lí nào lại chưa giữ đạo hiếu cho cha mẹ xong đã chạy đi khoa cử làm quan. Cho nên, ý tốt của Phó công tử và Lương phu nhân lòng ta nhận, nhưng lại sẽ không đi."

Phó Văn Duệ nghẹn họng, hắn quả thật không để ý đến việc Triệu Ngôn Tu còn đang giữ đạo hiếu. Hắn đã điều tra rõ ràng toàn bộ mọi chuyện của Triệu Ngôn Tu ở Vĩnh Nhạc trấn. Gia tộc của Triệu Tài Thanh không thừa nhận đứa con nối dõi là Triệu Ngôn Tu mà lại quá kế một nam đinh khác trong tộc, chuyện này ở Vĩnh Nhạc trấn không ai là không biết.

Triệu gia đã không nhận Triệu Ngôn Tu, cộng thêm lúc Phó Văn Duệ nhìn thấy Triệu Ngôn Tu, y ngoại trừ mặc quần áo khá nhạt màu ra thì hầu như cũng không có kiêng kỵ gì đáng nói. Đây cũng là khác biệt về quy tắc giữ đạo hiếu của hai tầng lớp giữa hắn và Tống gia. Ở nông thôn, khi người thân mất trừ trăm ngày đầu phải kiêng rất nhiều thứ, còn lại ba năm giữ đạo hiếu trừ không gả cưới, không làm hỉ sự, ăn mặc giản dị một chút ra thì về mặt ăn uống cũng không có nhiều kiêng kị.

Người nhà quê sống dựa vào lao động thể lực, nếu như mỗi ngày đều ăn chay, qua ba năm cho dù người có khoẻ như voi cũng trở nên ốm yếu. Ruộng vườn trong nhà không ai trồng trọt, một nhà già trẻ biết lấy gì đổ vào mồm. Bụng còn không đủ no, quy củ đạo hiếu đương nhiên cũng phải thay đổi.

Cho nên trừ những gia đình giàu có ra, bình thường các hương dân đều làm như thế. Triệu Ngôn Tu giữ đạo hiếu cho vợ chồng Triệu Tài Thanh về ăn uống không có nhiều kiêng kị, nhưng ăn mặc lại cực giản dị. Cho dù lưỡng tình tương duyệt với Tống Thiêm Tài, hai người cũng thanh tâm quả dục thủ giới.

Hai lão Tống gia từng đề nghị cuối năm nay bày cho bọn họ mấy bàn tiệc cho náo nhiệt, cuối cùng vẫn bị Tống Thiêm Tài từ chối. Tình cảm của Triệu Ngôn Tu đối với vợ chồng Triệu Tài Thanh không phải chỉ là ngoài mặt, trong lòng y vẫn luôn coi vợ chồng Triệu Tài Thanh như cha mẹ ruột mà kính yêu, ba năm hiếu Triệu Ngôn Tu nhất định sẽ thủ. Tống Thiêm Tài không muốn khiến Triệu Ngôn Tu khó xử, thích một người là phải tôn trọng y, săn sóc y, suy nghĩ cho y.

Phó Văn Duệ đầu óc xoay chuyển cực kì nhanh. Nhà hắn tuy rằng mang chữ "thương", nhưng phía trước còn điểm xuyết thêm một chữ "hoàng", là một viên chức ngũ phẩm hẳn hoi, hành xử quy củ đương nhiên phải ấn theo quy cách nhà quan. Nhưng Triệu Ngôn Tu thì không phải. Tuy rằng Triệu Ngôn Tu giữ đạo hiếu có lẽ không nhiều quy tắc như bọn họ, nhưng những điều cơ bản nhất như không đón dâu không sinh con, không khoa cử không làm quan, y nhất định sẽ tuân thủ.

Bởi vậy cũng giải thích tại sao cho đến bây giờ Tống Thiêm Tài và y vẫn chia phòng ở. Xem ra vẫn là hắn chưa suy nghĩ thấu đáo, cứ thế tuỳ tiện bảo Triệu Ngôn Tu đi thi võ, chỉ e đã khiến Triệu Ngôn Tu phật ý rồi.

Phó Văn Duệ trong lòng thở dài, thầm nghĩ: Cho dù cha hắn có chết, hắn bề ngoài khẳng định sẽ tỏ vẻ hiếu thuận hơn so với bất cứ ai, nhưng bên trong lại sẽ không thật tâm cảm thấy đau buồn là bao. Nhưng Triệu Ngôn Tu thì không như thế. Cho dù Triệu gia không coi Triệu Ngôn Tu là con của vợ chồng Triệu Tài Thanh, nhưng Triệu Ngôn Tu lại thật lòng đau thương và tự nguyện giữ quy củ. Xem ra chỉ có lòng người mới đổi lấy được lòng người. Như hắn và cha hắn, cho dù có là cha con ruột đi chăng nữa thì vẫn cứ như nước với lửa, hận không thể khiến đối phương sớm chết đi mới vừa lòng. Mà Triệu Ngôn Tu và vợ chồng Triệu gia mặc dù không có quan hệ huyết thống nhưng lại mới chân chính là phụ từ tử hiếu, khiến người khác cực kỳ hâm mộ.

Phó Văn Duệ nói với Triệu Ngôn Tu: "Là ta lỗ mãng, vợ chồng Triệu cử nhân dưỡng dục ngươi một hồi, giữ đạo hiếu cho bọn họ xác thật là chuyện nên làm. Năm sau là năm đại bỉ, việc của Triệu gia đã giải quyết xong, dựa vào võ công tài hoa của ngươi trúng võ cử chỉ là chuyện dễ như trở bàn tay, mưu một cái chức quan cũng không khó. Ngược lại là chúng ta nóng vội, hành sự lỗ mãng."

Triệu Ngôn Tu không trách Phó Văn Duệ, dù sao y giữ đạo hiếu quả thật cũng không theo quy củ của gia đình giàu có, ít nhất bên ngoài không nên ăn thịt. Nhưng Triệu gia cũng chẳng phải gia đình giàu có gì cả, chỉ là một thương hộ có chút của cải, quy củ cũng không quá khác biệt so với nông hộ. Qua trăm ngày ăn uống không phải kiêng kỵ, nhưng kết hôn khoa cử thì vẫn phải thủ như thường.

Phó Văn Duệ sinh ra trong giàu sang, lớn lên trong phú quý, lễ nghi khác biệt với bọn họ nên cũng chẳng có gì đáng trách. Chỉ cần giải thích cho Phó Văn Duệ là được, còn mặt khác thì Triệu Ngôn Tu cũng không định nói thêm gì. Phó gia và Lương gia có ý tốt, lòng y nhận, nhưng chưa thương lượng trước đã tới bảo y làm này làm nọ, từ sâu trong lòng, Triệu Ngôn Tu lại phản cảm.

Triệu Ngôn Tu không định trở mặt thành thù với Lương gia và Phó gia, việc đó là không cần thiết. Nhưng y cũng không định quá thân cận với bọn họ, mỗi năm chỉ tới chỗ Phó Văn Chiêu hỏi thăm vài lần, cũng coi như là bận tâm tới ân sinh của Phó Văn Chiêu. Còn những người khác, Triệu Ngôn Tu cũng không tính toán qua lại.

Như cữu cữu Phó Văn Duệ, Triệu Ngôn Tu tuy rằng không nói rõ ràng, nhưng đối đãi hắn vẫn luôn nhàn nhạt, thái độ cũng rất rõ ràng sẽ không đi nhận thân với Phó gia. Nhưng Phó Văn Duệ làm như không hiểu thái độ của Triệu Ngôn Tu, vẫn liên tục tới Tống gia, còn chuyên lấy danh nghĩa muốn hợp tác làm ăn hoặc là tới thăm hai lão Tống gia. Lí do tuy rằng gượng ép nhưng lại không tính quá mức, Triệu Ngôn Tu không tiện đuổi khách, chỉ có thể vờ như không quan tâm mà thôi.

Phó Văn Duệ làm ăn lớn như vậy, chuyện nhìn mặt đoán ý, đoán cảm xúc của người khác không thể nào nói là kém được. Huống chi Triệu Ngôn Tu còn không che giấu, Phó Văn Duệ ngay lập tức đã phát hiện Triệu Ngôn Tu đang phản cảm bọn họ đứng ra chỉ trỏ y. Cho dù là vì tiền đồ của y, cho dù là vì muốn tốt cho y, Triệu Ngôn Tu đều không hy vọng bọn họ nhúng tay.

Cảm giác này khiến Phó Văn Duệ cảm thấy bất đắc dĩ đồng thời lại có chút tủi thân. Cháu ngoại của mình sao lại khó lấy lòng như thế cơ chứ. Phải làm thế nào cháu ngoại của hắn mới có thể tiếp thu bọn họ, mới có thể vui vẻ đây.

Bị từ chối, Phó Văn Duệ có chút mất mát trở về tìm tỷ tỷ của hắn thương lượng.

Mà bên này, Tống Thiêm Tài cũng nhìn ra Triệu Ngôn Tu không vui. Tuy rằng Phó gia và Lương gia đều là suy nghĩ cho tiền đồ của Triệu Ngôn Tu, nhưng lại không hỏi trước ý kiến của Triệu Ngôn Tu. Vì thế cho dù biết là hảo tâm, nhưng trong lòng y vẫn có chút không thể vui nổi.

Phó gia và Lương gia quá nóng vội. Tống Thiêm Tài không thích nhìn Triệu Ngôn Tu nhíu mày, cười nói với Triệu Ngôn Tu: "Đừng nhíu mày, còn nhíu mày nữa là không đẹp trai nữa đâu đấy. Phó gia và Lương gia dù sao cũng chỉ là một lòng muốn đền bù cho đệ mà thôi. Nhưng trải qua chuyện hôm nay, ta nghĩ bọn họ sẽ biết phải làm như thế nào mới không khiến đệ phản cảm. Kỳ thật, bọn họ làm gì cũng đều không quan trọng, quan trọng nhất vẫn là đệ muốn như thế nào. Ngoại trừ chính đệ, cho dù là ai cũng không thể cưỡng ép được đệ. Đại ca cảm thấy đệ có chính kiến của riêng mình, đệ muốn làm gì thì cứ làm, không cần vì người khác mà tự khiến mình không vui."

Triệu Ngôn Tu gật đầu, cũng cười, trong lòng thầm lắc đầu, y đây là bị ngốc sao. Chỉ cần y không muốn, Phó gia và Lương gia còn có thể thế nào, y lại tự tìm phiền não rồi.

Tống Thiêm Tài vẫn luôn có ý định để Tống Tiểu Bảo ngủ một mình. Hiện tại Tống Tiểu Bảo đã sắp bốn tuổi, nhiều nhất tới năm tuổi, nó sẽ phải ngủ một mình. Nếu là bé gái, cưng chiều một chút thì cũng chẳng sao. Nhưng bé trai như Tống Tiểu Bảo về sau phải làm trụ cột gánh vác gia đình thì nên nghiêm khắc một chút.

Tống gia chăm trẻ từ trước đến nay đều rất tinh tế, mắng mỏ Tống Tiểu Bảo là chuyện không thể nào, vậy đành phải tìm lối tắt, từ nhỏ đã bắt đầu bồi dưỡng tính độc lập cho Tống Tiểu Bảo. Ví dụ như để Tống Tiểu Bảo tự ăn cơm, tự mặc quần áo, để nó ngủ một mình.

Nhưng Tống Thiêm Tài lại là người rất thương con, sẽ không ép buộc Tống Tiểu Bảo. Vì vậy hắn chỉ có thể dùng viên đạn bọc đường, bài trí phòng Tống Tiểu Bảo thành một căn phòng trẻ em đáng yêu xinh đẹp để Tống Tiểu Bảo tự giác muốn ngủ một mình.

Tống Thiêm Tài biết làm mộc, nhưng nhiều năm rồi không động đến nên đã lụt nghề đi nhiều. Hắn lên trấn trên tìm hai thợ mộc tay nghề giỏi về trang trí nhà cửa. Hắn và Triệu Ngôn Tu thương lượng nửa ngày, lại sửa tới sửa lui mười mấy bản thiết kế mới định ra kiểu dáng đại khái.

Tống Thiêm Tài làm cầu trượt hiện đại, xích đu nhỏ và rất nhiều loại đồ chơi nhỏ khác, sau đó đặt ở trong phòng Tống Tiểu Bảo. Giường thì hắn làm giống như của người lớn nhưng thu nhỏ lại một nửa. Cái giường này để Tống Tiểu Bảo nằm đến lúc mười tuổi cũng không thành vấn đề.

Làm giường nhỏ nên đệm chăn cũng phải đổi.Vì thế, Tống Thiêm Tài bèn vẽ kiểu, sau đó đến tiệm vải tốt nhất ở trấn trên đặt làm bốn bộ chăn ga gối đệm, bên trên thêu hoa hoa cỏ cỏ, còn có cái thêu mấy con vật nhỏ đáng yêu Tống Thiêm Tài vẽ theo kiểu hoạt hình. Tay nghề của tú nương rất giỏi, sản phẩm làm ra ngay cả người ánh mắt cao như Triệu Ngôn Tu cũng phải ngợi khen.

Phòng trẻ em làm xong, hai lão Tống gia đi vào ngắm một vòng, ra ngoài gật gật đầu, liên tục nói Tống Thiêm Tài đầu óc linh hoạt. Lúc sau, Tống Thiêm Tài và Triệu Ngôn Tu đưa Tống Tiểu Bảo đi vào, Tống Tiểu Bảo lập tức cảm thấy rất thích thú, đầu tiên ngồi lên xích đu nhỏ bắt Tống Thiêm Tài đẩy, lại nhảy qua chơi cầu trượt, chơi đến độ không mở được mắt ra nhìn cha với sư phụ của nó.

Tống Thiêm Tài rất xấu bụng, chờ Tống Tiểu Bảo vừa chơi đến đã ghiền bèn bế Tống Tiểu Bảo ra ngoài ăn cơm. Sau đó Tống Tiểu Bảo phải hết làm nũng lại bán manh mãi, hắn mới làm như rất miễn cưỡng cho Tống Tiểu Bảo vào trong. Tống Tiểu Bảo nào biết đây mới là mục đích cuối cùng của cha nó. Nghĩ đến có thể chơi đủ loại đồ chơi bên trong, nó lập tức sảng khoái đồng ý. Thậm chí sợ cha hối hận, buổi tối hôm đó vừa ăn xong nó đã chui tọt vào trong phòng trẻ em không chịu ra.

Tống Tiểu Bảo chơi mệt liền tự bò lên trên giường ngủ, không hề cần đến người lớn dỗ dành, cứ thế ngủ một mình trong phòng. Chờ chơi nửa tháng đến chán thì nó cũng đã quen ngủ trên chiếc giường nhỏ của mình, ngược lại không hề ồn ào đòi ngủ cùng ông bà nội nữa.

Hai lão Tống gia mỗi buổi tối đều phải rời giường chỉnh lại chăn cho Tống Tiểu Bảo, vốn còn định xi tiểu đêm cho Tống Tiểu Bảo nhưng lại bị Tống Thiêm Tài ngăn cản. Hắn trước kia từng nghe các cụ nói xi tiểu như vậy sẽ thành thói quen, về sau Tống Tiểu Bảo cứ nửa đêm sẽ phải dậy đi vệ sinh.

Mùa hè thì không sao, nhưng mùa đông nhiệt độ không khí rất thấp, nếu như mỗi đêm đều dậy xi tiểu, không chỉ chính Tống Tiểu Bảo không chịu nổi, hai lão Tống gia cũng không thể ngủ tròn giấc. Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi ban đầu còn cảm thấy Tống Tiểu Bảo không thể ngủ một mình được, chờ Tống Tiểu Bảo khóc lóc tìm bọn họ. Đêm của hai hôm đầu hai người không dám ngủ sâu, chỉ sợ không nghe thấy tiếng Tống Tiểu Bảo gọi bọn họ.

Kết quả, Tống Tiểu Bảo ngủ một mạch đến tận hừng đông, uổng công hai lão Tống gia lo lắng.

Tống Thiêm Tài thấy vậy bèn rất muốn giơ ngón cái với chỉ số thông minh của mình. Trần Quế Chi thừa dịp Tống Thiêm Tài ở một mình, lôi kéo hắn ra chỗ khác nói chuyện, rất rõ ràng là muốn tránh đi Triệu Ngôn Tu nói riêng với hắn.

Trần Quế Chi kéo Tống Thiêm Tài đến bên cạnh câu đầu tiên liền nói: "Thiêm Tài, ngươi thành thật nói với ta, Phó công tử kia có phải cha của Ngôn Tu không?"

Tống Thiêm Tài nghe vậy lập tức hoảng sợ. Phó Văn Duệ tuy rằng đã ở tuổi trung niên, nhưng bảo dưỡng thích đáng, nhìn cũng chỉ như mới đầu ba mà thôi. Hắn có thế nào cũng không ngờ được Trần Quế Chi lại coi Phó Văn Duệ thành cha ruột Triệu Ngôn Tu. Năng lực não bổ này của cha mẹ hắn cũng quá mạnh rồi.

Cũng do hắn thất sách, chỉ vì không để hai lão Tống gia lo lắng mà không nói cho bọn họ quan hệ giữa Phó gia và Triệu Ngôn Tu. Nhưng không nghĩ tới với cái mặt giống Triệu Ngôn Tu tới bảy phần kia của Phó Văn Duệ, trong lòng bọn họ không nghĩ gì mới là lạ.

Tống Thiêm Tài kiên nhẫn giải thích với Trần Quế Chi: "Nương, Phó công tử không phải phụ thân của Ngôn Tu. Nếu ấn đúng bối phận, Ngôn Tu còn phải gọi hắn một tiếng cữu cữu. Chẳng qua cha mẹ ruột của Ngôn Tu năm đó để lạc mất Ngôn Tu, trong đó còn có chút quanh co khúc khuỷu. Ngôn Tu không muốn nhận lại, ta cũng không quá muốn để Ngôn Tu nhận lại bọn họ. Phó công tử chỉ là tới thăm Ngôn Tu thôi. Các ngươi đừng lo lắng, Ngôn Tu về sau vẫn sẽ ở nhà chúng ta, chúng ta trước kia sống như thế nào thì về sau vẫn cứ tiếp tục như thế, hắn sẽ không gây trở ngại gì đến chúng ta."

Trần Quế Chi bị lời của Tống Thiêm Tài làm cho sửng sốt, mở miệng nói: "Ngôn Tu tìm được cha mẹ ruột rồi? Nhưng sao không thấy ai tới? Nhìn bộ dạng của Phó công tử, cha mẹ Ngôn Tu hẳn cũng là người phú kẻ quý, năm đó sao lại có thể vứt bỏ Ngôn Tu cơ chứ, dù sao nó cũng là cốt nhục ruột thịt của bọn họ mà. Nếu là ta, bất kể xảy ra chuyện gì ta cũng nhất quyết không vứt bỏ đứa con của mình, làm vậy chẳng khác nào cắt đứt từng khúc ruột của ta. Ngôn Tu cũng là đứa nhỏ đáng thương. Ngươi liệu mà đối xử với nó tốt một chút, không được làm gì có lỗi với nó. Một đứa trẻ tốt như vậy đến Tống gia chúng ta ở, ngươi nhất định không được khiến cho người ta phải chịu thiệt thòi đâu đấy."

Ở trong mắt Trần Quế Chi, trừ khi nghèo quá không nuôi nổi con, thật sự cùng đường mới dứt ruột giao con mình cho người khác nuôi. Còn những tình huống khác thì bất kể ra sao cũng không nên vứt bỏ đứa trẻ. Nếu cha mẹ ruột của Ngôn Tu không phải nghèo không nuôi nổi Ngôn Tu thì đó chính là đôi cha mẹ này nhẫn tâm. Ngôn Tu không nhận lại cũng là theo lý thường tình. Cha mẹ nhẫn tâm như vậy, cho dù có nhận lại, nói không chừng lúc nào đó sẽ lại đào hố chôn Ngôn Tu.
Bình Luận (0)
Comment