Một Vài Chuyện Nông Hộ - Lãng Lãng Minh Nhật

Chương 16

Từ sau khi Tống Thiêm Kim tới tửu lâu làm tiểu nhị, Tống Đại Hải khỏi cần phải nói, Vạn thị không có việc gì cũng sẽ đưa chút thức ăn sơn quả đến nhà Tống Thiêm Tài, còn may cho Tống Tiểu Bảo một bộ quần áo hai đôi giày, lúc nói chuyện với Trần Quế Chi càng mang theo ba phần lấy lòng. Trần Quế Chi ban đầu còn xót ruột mình vừa nóng đầu đã tiêu năm lượng bạc, nhưng giờ lại cảm thấy rất vừa lòng. Được Vạn thị phủng mấy ngày, nàng tâm tình thoải mái ngay cả cơm cũng ăn nhiều hơn mấy bát.

Đặc biệt là sau khi Trần Quế Chi cố ý giả bộ lỡ miệng tiết lộ đã tiêu năm lượng bạc tặng lễ lo lót cho Thiêm Kim, thái độ của Vạn thị đối với nàng lại càng thấp, còn rất biết điều ở trong thôn khen Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi làm thúc thúc thẩm thẩm nhớ tới cháu trai, đường huynh Tống Thiêm Tài có tình có nghĩa.

Tuy rằng Vạn thị không có ý định trả lại tiền cho Trần Quế Chi, nhưng thường thường sẽ tới đây nịnh nọt Trần Quế Chi, đưa một vài thứ nhỏ nhặt, cũng khiến cho Trần Quế Chi vô cùng hài lòng. Ngay cả Tống Đại Sơn, nhìn cháu trai của mình có tiền đồ, tẩu tử và đại ca đối với hắn cực kỳ hòa khí, vừa khen vừa tán thưởng, nỗi buồn bực trong lòng từ sự kiện Tống Đại Bảo cũng tiêu tán không ít.

Tống Thiêm Tài mấy ngày nay tỉ mỉ điều dưỡng thân thể, khí sắc và tinh thần đều tốt hơn rất nhiều, gần như sắp khỏi hẳn. Hắn cũng không nhàn rỗi, cẩn thận thăm dò rõ ràng đồng ruộng trong nhà. Mười lăm mẫu đất của Tống gia có mười mẫu ruộng nước, còn lại đều là ruộng cạn. Không chỉ có đất, Tống Đại Sơn thời trẻ đã mua cả ngọn núi phía sau nhà bọn họ.

Ngọn núi này còn có một câu chuyện đằng sau. Năm đó ở Tống gia thôn có một hộ giàu có, nhưng lại sinh ra bại gia tử. Có kẻ mua đỉnh núi này trước, sau đó lừa bại gia tử kia rằng trên núi chôn vàng. Bại gia tử cũng là kẻ ngu ngốc, lại tin đó là thật. Kết quả đương nhiên là không có vàng gì cả. Bại gia tử kia đành phải giữ chặt khế đất ở trong tay, dù sao cũng là tốn số tiền lớn mua.

Nhưng ông trời mưa nắng thất thường, bại gia tử kia gặp chuyện, thua hết sản nghiệp, dìu dắt vợ con trở về Tống gia thôn. Vợ hắn lúc ấy mang thai, bị động thai khí, mắt thấy sắp phải một xác hai mạng, hắn vội vã muốn tìm nhân sâm giữ mệnh. Đáng tiếc, trên người bại gia tử không xu dính túi, trong tay cũng chỉ có khế đất của ngọn núi này, bèn rao bán trong Tống gia thôn để lấy tiền cứu mạng. Nhưng phần lớn Tống gia thôn đều chỉ mấp mé bên bờ ấm no, cho dù là nhà có mấy đồng dư dả thì cũng đều tích cóp để mua ruộng mua đất, nào còn có thể tiêu tiền đi mua ngọn núi không gieo trồng được.

Cho nên, cuối cùng vẫn là Tống Đại Sơn có quan hệ họ hàng với bại gia tử không thể nhẫn tâm, ra mười lăm lượng bạc mua ngọn núi từ trong tay bại gia tử. Vì việc này, Trần Quế Chi nửa tháng không nói chuyện với Tống Đại Sơn. Nhưng mua thì cũng mua rồi, Trần Quế Chi mỗi năm đều tìm đủ cách kiếm tiền từ ngọn núi. Mùa xuân hái rau dại, mùa hè hái quả dại, mùa thu tìm thổ sản, mùa đông đốn củi. Cứ thế một năm cũng có thể kiếm được một vài lượng bạc, nhiều năm trôi qua cũng coi như hồi lại vốn.

Đương nhiên, Trần Quế Chi là người keo kiệt, đỉnh núi kia không cho phép người khác vào, còn bắt Tống Đại Sơn làm một hàng rào ở chân núi. Nếu là đứa nhỏ choai choai đi hái quả dại rau dại, Trần Quế Chi bình thường sẽ không nói cái gì, nhưng nếu là mấy bà mấy cô muốn đi lên hái trái cây, hái nấm, Trần Quế Chi nhất định sẽ tới cửa nói vài câu.

Tống gia thôn cũng không chỉ có mỗi một cái đỉnh núi, mấy phụ nhân đó cũng chỉ là lười biếng thôi. Động vào đồ của người ta bị chủ đến tận nhà nói, cho dù không mắng không đánh cũng đủ khiến đương gia mất mặt xấu hổ. Vì thế, cũng bèn không có ai đặt chân lên ngọn núi kia nữa.

Trái cây Tống Đại Sơn hái được mấy ngày nay đều là từ ngọn núi kia, Tống Thiêm Tài phát hiện đều ăn khá ngon. Như quả phỉ và hạt dẻ rang hay nướng đều rất thơm ngon. Dựa theo lời Trần Quế Chi, mấy thứ này không đáng giá tiền, đều là trời sinh trời nuôi, trước kia mỗi năm sau khi thu hoạch vụ thu xong đều nhặt được rất nhiều, nhà mình ăn không hết, tặng cho nhà người khác không ít.

Tống Thiêm Tài nghe xong giật mình. Trong trí nhớ của hắn, Tống gia thôn tuy rằng dựa núi gần sông, nhưng còn có một con đường lớn đi qua Thông Châu hướng Tuyền Châu cảng. Con đường kia cách Tống gia thôn chỉ một canh giờ đi bằng xe bò. Bởi vì Tuyền Châu mấy năm nay đả thông đường thủy, lại được Tần Thái Tổ coi trọng nâng đỡ phát triển, thương nhân qua lại rất nhiều, lưu lượng người lui tới cực kỳ khả quan.

Tống Thiêm Tài có rất nhiều cách buôn bán, trong con mắt của hắn chỉ cần có người là có tiền để kiếm. Ở gần cửa thôn bày một sạp trà, cũng không cần phải trà ngon gì cả, chỉ cần hoa dại khắp mọi nơi là có thể làm thành trà hoa. Tống gia bọn họ lại có cả một đỉnh núi, một năm bốn mùa, cứ mùa nào thức ấy cho khách nhân thưởng thức chút quả dại cùng điểm tâm, dựa vào con mắt và thủ đoạn của Tống Thiêm Tài kiếp trước, còn phải sợ không kiếm được ra tiền chắc.

Đi trên con đường này đều là muốn tới Tuyền Châu, trong tay hẳn cũng có chút của cải. Hắn mở sạp trà, làm cho hương vị ngon lại có lợi ích thực tế, cho dù giá cả cao chút cũng sẽ có thị trường. Đặc biệt là hai mùa hè đông, có thể có một nơi để nghỉ chân, uống một chén trà, tư vị kia khẳng định sẽ được không ít thương nhân ưu ái.

Nguyên liệu phần lớn là Tống gia tự sản xuất, chỉ là phải tốn ít tiền mua mảnh đất dựng sạp, ra thêm chút sức nữa là được.

Tống Thiêm Tài nghĩ kỹ rồi, chờ chuẩn bị sạp trà thoả đáng, khai trương, lại tìm hiểu lưu lượng hàng hóa của từng khách thương lui tới cùng quy củ buôn bán nơi này, tốt nhất có thể bám vào một thương đội, đi theo đến Tuyền Châu kiến thức một chút, tìm tòi chiêu số kiếm tiền. Một thành trấn phồn hoa như Tuyền Châu, cơ hội kiếm chác khẳng định nhiều hơn so với Vĩnh Nhạc trấn.

Cửa ngõ kiếm tiền ở trấn trên đều do nhà giàu nắm giữ, hắn tùy tiện xông tới, chỉ dựa vào cái thân phận tú tài nhà nông e là không thể chen chân nổi. Vì thế, Tống Thiêm Tài vẫn là chăm chú ngóng mắt về phía Tuyền Châu. Tẩu thương tuy rằng có nguy hiểm, nhưng với hắn mà nói lại là một kế hoạch không tồi. Ý nghĩa quan trọng nhất của sạp trà chính là giúp hắn thăm dò tin tức để chuẩn bị. Chờ thu hoạch vụ thu xong sẽ lập tức bắt đầu hành động, khai trương sạp trà.

Đương nhiên, Tống Thiêm Tài trình bày ý tưởng mở sạp trà cho Trần Quế Chi, Trần Quế Chi hoàn toàn không có dị nghị. Ở trong lòng nàng, nhi tử có học vấn, hiểu biết nhiều, đã nói là đúng thì không bao giờ là sai. Hơn nữa, trong nhà về sau đều là của Tống Thiêm Tài, tuy rằng Tống Thiêm Tài có tài hoa, nhưng lại mười năm không thể khoa cử. Hắn từ nhỏ đã tâm cao khí ngạo, nếu như chỉ ở nhà đọc sách buồn tẻ, còn không phải sẽ buồn ra bệnh sao. Mở cái sạp trà, chờ Tống Thiêm Tài có thể kiếm ra tiền, trong lòng cũng thoải mái hơn. Tiền là lá gan của nam tử, kiếm nhiều tiền trải qua ngày lành ai lại không thích.

Tống Đại Sơn còn đang lấy lòng Tống Thiêm Tài, chờ buổi tối trở về vừa nghe được chuyện sắp mở quán trà lập tức không nói hai lời, ngay sáng sớm ngày thứ hai lên núi tìm thổ sản, quả dại. Trần Quế Chi cũng không nhàn rỗi, chạy lên trên núi hỗ trợ. Cả ngày trôi qua, riêng hạt dẻ đã hái được ba sọt, quả phỉ hai sọt cùng vô số loại quả dại khác. Tống Thiêm Tài nhờ người mang gia vị và bình trở về, phơi khô, ngâm, chưng nấu quả dại. Trong lúc nhất thời, Tống gia bận rộn khí thế ngất trời. Tống Tiểu Bảo mỗi ngày lon ton chạy theo sau Tống Thiêm Tài vòi ăn, cái bụng nhỏ cũng trở nên căng tròn.

Đầu tháng chín, nho ở Tống gia thôn cũng thành thục, đỉnh núi của Tống gia có không ít. Tống Thiêm Tài dựa theo tôn chỉ không lãng phí, bảo Tống Đại Sơn hái hết về ủ rượu nho. Thứ này mặc dù nồng độ thấp, nhưng cũng là rượu không phải sao? Quan trọng nhất là nó không mất tiền, hoàn toàn thuần thiên nhiên, nếu như người nơi này không uống quen thì để dành cho người Tống gia uống cũng không phí phạm.

Tống Thiêm Tài mỗi khi nhìn Trần Quế Chi và Tống Đại Sơn mang các loại thổ sản từ trên núi trở về thì đều cảm thấy mua ngọn núi này quả thật không lỗ. Lê thì tươi ngon mọng nước, hạt dẻ ngọt bùi, táo tuy nhỏ nhưng no tròn, còn có cả quả phỉ giòn thơm. Thần kỳ nhất chính là đã tới tháng chín, nhưng Tống Đại Sơn bọn họ vẫn có thể cõng ba bốn sọt đào dại trở về.

Tống Đại Sơn thấy Tống Thiêm Tài nhìn chằm chằm đống đào dại xếp thành ngọn núi nhỏ thì hơi ngượng ngùng. Mấy ngày nay, hắn và Trần Quế Chi nhìn Tống Thiêm Tài xử lý gọn gàng ngăn nắp mấy loại thổ sản quả dại mà bọn họ chưa từng để ý, trong lòng cảm thấy vui vẻ. Thấy trong núi sâu có hai cây đào sai trĩu quả, bọn họ bèn động tâm tư, hái hết toàn bộ mang về.

Bình thường lúc trước, loại đào dại vừa nhỏ vừa không ngọt này ngay cả đứa nhỏ choai choai nhìn thấy cũng không thèm hái. Nhưng Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi tin tưởng Tống Thiêm Tài có thể xử lý được chúng. Rốt cuộc ở trong mắt bọn họ, khắp làng trên xóm dưới không tìm ra một đứa nhỏ nào có thể thông minh hơn, hiểu biết nhiều hơn Tống Thiêm Tài.

Mà Tống Thiêm Tài quả thật không cô phụ kỳ vọng của bọn họ. Trước rửa đào sạch sẽ, lại cắt thành khúc, phơi nắng trong sọt tre, đến khi đào khô bớt hơi nước thì xát muối. Bởi vì Tống Thiêm Tài thích ăn ngọt nên chia đào ra làm hai phần, một phần thêm đường một phần không thêm, sau đó phơi đến khi khô hoàn toàn là được.

Biết làm mấy thứ này một phần là từ nhỏ từng làm cùng bà nội, một phần là hắn thời còn chưa làm thiết kế nội thất từng tiếp quản một nhà máy nhỏ sản xuất mơ, học được một ít da lông. Hắn lúc ấy không tiền không thế, luôn muốn có thêm nhiều kỹ năng bàng thân, cho dù là tự làm cho mình ăn cũng có thể tiết kiệm chút ít. Chẳng qua kiếp trước số của hắn không tệ, học mấy thứ này rồi nhưng không có đất dụng võ, không nghĩ tới lại được dùng ở đây. Tống Thiêm Tài chẳng biết có nên khen mình có dự kiến hay không?

Trong sân Tống gia phơi kín mít, một chỗ để đặt chân cũng không có, Tống Thiêm Tài lúc này mới mang theo một con gà cùng một rổ lê tới nhà lí chính, thương lượng với hắn chuyện mua đất, sau đó cùng tới nha môn một chuyến, ra hai mươi lượng bạc mua một miếng đất ở cửa thôn cách đường cái không xa. Lí chính trên đường trở về luôn miệng lèo nhèo người nha môn quá tàn nhẫn, mảnh đất này quá đắt, ruộng nước cũng chỉ mới năm sáu lượng một mẫu, giá của nó đã tương đương với ba bốn mẫu ruộng nước. Tống Thiêm Tài lại không cảm thấy như vậy, dù gì cũng là gần bên cạnh đường cái, hắn có thể nhìn ra được chỗ tốt, người khác sao có thể không nhìn ra? Nếu không định giá đắt, e là sớm đã bị người mua đi rồi, cũng không tới lượt hắn. Tiền nào của nấy, Tống Thiêm Tài tin tưởng vững chắc hai mươi lượng bạc này tiêu không phí.

Chờ khi Tống Thiêm Tài nắm được khế đất trong tay, lúa cũng đến lúc phải thu hoạch.

Dĩ vãng lúc này, Tống Đại Sơn sẽ cùng Tống Tiến Bảo và Tống Thiêm Tài xuống ruộng gặt lúa, Phùng Kim Hoa và Trần Quế Chi ở nhà trông trẻ nấu cơm. Đôi khi thật sự không kịp, hai nữ nhân cũng sẽ ra tay hỗ trợ. Hiện giờ chuyện Tống Đại Sơn mỗi ngày phải làm chính là ở nhà chuẩn bị nông cụ, cùng Trần Quế Chi bàn chuyện tiền mời làm công nhật và thức ăn chiêu đãi.

Tống Thiêm Tài chạy bên ngoài mấy vòng, nhờ Tống Đại Hải mời giúp sáu người đàn ông có năng lực, cần mẫn chịu khó trong thôn làm công nhật, hứa trả cho mỗi người 30 văn một ngày, bao một bữa cơm trưa. Nếu có thể đuổi kịp xong việc trong vòng mười ngày, hắn còn cho mỗi người thêm 30 văn, coi như khen thưởng. Đương nhiên, để ổn định sốt sắng trong lòng Tống Đại Sơn và Trần Quế Chi, người làm công nhật phải ưu tiên thu hoạch cho nhà bọn họ trước.

Làm công nhật cũng có nhiều người mời, nhưng một ngày chỉ hai mươi văn. Tống Thiêm Tài ra giá cao, những người này đều rất vui lòng. Đặc biệt còn có tiền thưởng, bọn họ mỗi người hơn một mẫu một ngày dễ như trở bàn tay, trong vòng mười ngày thu xong khẳng định không thành vấn đề, 30 văn thưởng kia chính là cho không. Cho nên ngày hôm sau, mấy người làm công nhật đều đến Tống gia bắt đầu làm việc.

Tống Đại Sơn ban đầu còn định xuống ruộng làm cùng bọn họ nhưng bị Tống Thiêm Tài ngăn cản. Hắn giao cho Tống Đại Sơn công việc đưa trà và theo phía sau mót lúa là được, còn hắn thì xuống ruộng gặt cùng bọn họ. Hắn sức dài vai rộng, dù thế nào cũng không thể lười biếng núp ở trong nhà.

Tống Thiêm Tài có thể làm việc nhà nông, trước kia đã từng xuống ruộng. Tống Đại Sơn biết nhi tử thương mình, ngẫm nghĩ con cái nhà nông mà lại không biết trồng trọt thì còn ra gì, cũng bèn không ngăn cản. Trần Quế Chi xót thì xót, nhưng biết đây là chủ ý của Tống Thiêm Tài, nàng cũng chỉ có thể nấu cơm ngon hơn một chút để bồi bổ cho Tống Thiêm Tài.

Ngày đầu tiên xuống ruộng, Tống Thiêm Tài làm hơi ngượng tay, nhưng vẫn gập ghềnh kiên trì một ngày. Chờ buổi tối về nhà, tắm rửa ăn cơm xong lập tức ngã lên giường ngủ say như chết. Đến ngày hôm sau tỉnh dậy thì phát hiện cánh tay hơi sưng, eo cũng nhức kinh khủng.

Trần Quế Chi thấy vậy thì rất xót, trong lòng muốn Tống Thiêm Tài không đi nữa nhưng lại không mở được miệng. Chỉ là trong một buổi sáng, Tống Đại Sơn liên tiếp tới đưa nước cho hắn, đến giữa trưa, người khác ăn màn thầu trắng với thịt hầm, rau muống xào, Tống Thiêm Tài lại ăn cơm tẻ với thịt kho tàu, dưới đáy bát còn giấu một quả trứng tráng. Tuy rằng hắn là chủ, nhưng hai loại đãi ngộ khác biệt rõ ràng thế này hắn cũng không tiện đĩnh đạc bày ra. Nhưng đây lại là tấm lòng người mẹ của Trần Quế Chi, Tống Thiêm Tài dù sao cũng không thể làm nàng đau lòng, đành phải ở bên ngoài cùng mọi người ăn màn thầu, trở về lại ăn đồ ăn Trần Quế Chi nấu riêng cho hắn.

Chẳng qua chờ buổi tối trở về, hắn vẫn phải nói cho Trần Quế Chi, giữa trưa hắn ăn giống với nhóm làm công nhật là được, buổi tối làm thinh soạn một chút, ăn cùng với cha mẹ Tiểu Bảo thì cũng thế. Trần Quế Chi ngẫm lại cũng hiểu đây là Tống Thiêm Tài ngượng ngùng được biệt đãi, cũng bèn không nấu khác cho Tống Thiêm Tài, nhưng giữa trưa mỗi ngày đều sẽ để lại cho Tống Thiêm Tài một quả trứng luộc ở phòng bếp, bóc sẵn vỏ, để Tống Thiêm Tài ăn xong mới đi ra ngoài ăn cùng mọi người.

Tống Đại Sơn vốn định lén lút giúp đỡ Tống Thiêm Tài làm một chút, nhưng mỗi lần đi đưa nước đều gặp phải người trong thôn lôi kéo Tống Đại Sơn khen Tống Thiêm Tài hiếu thuận, Tống Đại Sơn có phúc khí. Tống Đại Sơn vui vẻ đồng thời cũng hiểu, nếu hắn thật sự bước xuống ruộng, người khác ngược lại sẽ trách con trai mình không tốt. Bởi vậy, Tống Đại Sơn trong lòng gấp đến đâu cũng chỉ có thể thừa dịp đưa nước đổi ca cho Tống Thiêm Tài, để Tống Thiêm Tài nghỉ ngơi một lúc. Vì thế trong một ngày, Tống Đại Sơn đều phải đưa nước rất nhiều lần, Tống Thiêm Tài làm sao lại không nhìn ra tâm tư của hắn, trong lòng ấm áp. Thầm nghĩ: Tư vị được người nhớ thương quả thực không tồi.

Mười lăm mẫu đất, người Tống gia thuê lại không phải kẻ gian dối thủ đoạn, chưa đến tám ngày đã gặt xong, còn thuận tiện xát luôn vỏ. Tống Thiêm Tài trả cho mỗi người 240 văn tiền công cộng thêm 60 văn tiền thưởng. Đội làm công nhật đều rất vui mừng, còn dặn Tống Thiêm Tài lần sau có việc thì lại tìm bọn họ.

Sau đó, hắn và Tống Đại Sơn, Trần Quế Chi lại bận bịu thêm non nửa tháng mới thu hết toàn bộ lúa vào kho. Tống Thiêm Tài mệt đến không nhấc nổi người, lúc này mới sâu sắc cảm nhận được làm ruộng quả thật không phải công việc dành cho con người, làm được đều không phải nhân loại. Hiện giờ hắn cũng là một trong những thành phần không phải nhân loại.
Bình Luận (0)
Comment