Mưa Bóng Mây - Dư Trình

Chương 51

Rất hiếm khi Thời Mông nghe thấy người ngoài đánh giá tác phẩm của mình, bây giờ đối diện với một “fan hâm mộ” chân thành như thế này, cậu mới biết được tin tưởng, được ủng hộ là cảm giác gì.

Cậu khá là hưởng thụ cuộc tán gẫu thoải mái dễ chịu chẳng mấy khi có được này, tuy rằng phần lớn thời gian cậu chỉ nghe, không phát biểu gì nhiều. Vệ Lương Ký cũng không còn điều gì canh cánh nữa, hai người nói về những tác phẩm hơi có vẻ ngây ngô thuở ban đầu của Thời Mông, rồi lại nói về phong cách sáng tác đậm vẻ sa sút của sau này.

Vệ Lương Ký cười nói: “Có câu nghệ thuật sáng tác móc nối chặt chẽ với cảm xúc, phong cách của cậu Thời dần trở nên tối tăm khiến tôi còn tưởng là do chuyện vặt gia đình quấy nhiễu, hôm nay được gặp mặt mới biết hóa ra Thời tiên sinh trẻ tuổi đến vậy, chẳng trách cậu có thể vẽ một cách tinh khiết như thế.”

Những lời này vừa lấp lửng lại vừa rõ ràng, suýt nữa thì vạch trần sự thật rằng Thời Mông chưa bị cuộc đời đánh gục, mà chỉ vì tình yêu nên tự hủy hoại bản thân mà thôi.

Thế là trong cuộc nói chuyện sau đó, cậu liên tục thất thần, đến cả Vệ Lương Ký cũng phát hiện ra sự lơ đễnh của cậu.

Luôn là người lịch thiệp, Vệ Lương Ký chủ động: “Nếu cậu Thời còn bận chuyện khác thì tôi xin phép ra về trước.”

Thời Mông lấy lại tinh thần, vội nói: “Không phải đâu… Chỉ là, sắp nửa tiếng đồng hồ…”

Nghĩ đến những lời điên cuồng mà Phó Tuyên Liệu nói trước cổng mấy hôm trước, Thời Mông không thể không đề phòng.

Không ngờ sau khi Vệ Lương Ký nghe rằng anh thanh niên canh giữ ngoài cổng có thể sẽ nổi cơn tam bành thì ông thoáng sững sờ, sau đó bật cười.

Là một người từng trải, ông không tỏ thái độ đồng ý khi thấy cách xử lý tình cảm ấu trĩ của giới trẻ, dù rằng đã nhìn thấu hết thảy.

Ông không nói về chuyện của người khác, chỉ đưa ra lời khuyên: “Coi như đã thoát khỏi nơi thị phi, cậu Thời có thể thử vứt bỏ chuyện cũ, bắt đầu một mối quan hệ mới ổn định và tốt đẹp hơn.”

Cũng may chưa tới nửa tiếng đồng hồ thì đã có người khác đến chơi.

Là Phan Gia Vĩ, cậu chàng đến trước giờ hẹn, vừa mới đến đã vội vàng kể một vụ việc vừa mới xảy ra cho Thời Mông, dù rằng cậu chàng cũng không rõ ngọn ngành cho lắm: “Mình vừa mới đi qua quán ăn sáng, bên bển bị trộm, đến cả bức tranh mà cậu vẽ cho họ cũng mất luôn rồi, cảnh sát đề nghị cậu trợ giúp quá trình điều tra.”

Chuyện xảy ra bất thình lình, Thời Mông nhanh chóng xuất phát.

Vệ Lương Ký phải về Phong thành, Thời Mông tiện đường tiễn ông một đoạn.

Có được thông tin quan trọng từ cuộc trò chuyện về triển lãm tranh của hai người, Phan Gia Vĩ quay trở lại quán ăn sáng để thảo luận với bà chủ quán, cuối cùng nhất trí rằng kẻ trộm nhắm đến bức tranh.

“Bác lỗ mất mấy ngày buôn bán chỉ là chuyện nhỏ, bức tranh mà họa sĩ vẽ cho bị mất mới là chuyện lớn!” Bà chủ quán vơi gương mặt tròn phúc hậu đang mặt ủ mày chau, “Biết thế đã không treo tranh ở bên ngoài, phải giấu trong nhà mới đúng.”

Tuy người trong cuộc nói thế nhưng cảnh sát vẫn hỏi rõ các chi tiết khác, ví dụ như gần đây có phát hiện người khả nghi nào không, hoặc là có mâu thuẫn xích mích với ai khác không.

Bà chủ quán suy nghĩ cẩn thận: “Không hề, khách ở chỗ tôi đều là khách quen, hiếm khi thấy người lạ.”

Hàng xóm qua xem tình hình cũng chứng minh, hai vợ chồng bán hàng ăn sáng cả chục năm nay, là người rất hiền lành, thêm nữa ở quê thì hàng xóm láng giềng cũng thân thiết như người nhà, sao lại gây thù chuốc oán được.

Khi việc điều tra lâm vào bế tắc, thình lình Phan Gia Vĩ nhảy vào một câu: “Nếu nói về người khả nghi thì ở chỗ này có một người đấy thôi.”

Nhìn theo tay cậu chàng chỉ, đám người nhìn thấy Phó Tuyên Liệu đang đứng sừng sững như bảo tiêu sau lưng Thời Mông.

Bà chủ quán phẩy tay: “Ấy không phải đâu, cậu đó tốt lắm, hôm trước thấy tôi thấp không với tới nên cậu ấy treo tranh lên giúp tôi đấy.”

Người xung quanh cũng cảm thấy Phó Tuyên Liệu khá quen mặt, nhưng không tránh khỏi lo lắng về một người lạ tự dưng xuất hiện.

Cảnh sát tiếp thu ý kiến của quần chúng, đi tới hỏi Phó Tuyên Liệu mấy vấn đề, bao gồm tên họ, từ đâu tới đây, tới đây làm gì, và tạm trú ở đâu.

“Tôi từ Phong thành đến đây.” “Tìm người.”

“Nghỉ lại trên xe.”

Phó Tuyên Liệu trả lời đơn giản gãy gọn, chỉ khi bị hỏi tìm ai, anh mới nhìn sang Thời Mông, sau đó thu hồi tầm mắt cực nhanh, như là sợ gây thêm phiền cho cậu, đáp: “Tìm một người rất quan trọng.”

Người xung quanh bắt đầu xì xào bàn tán. Với người ngoài không rõ lai lịch lại trả lời không rõ ràng thì ai cũng khó mà tin tưởng cho được.

Thế nhưng nhìn trang phục và cách ăn nói của anh thì không giống kẻ sẽ ăn trộm.

Căn cứ vào nguyên tắc thà giết nhầm còn hơn bỏ sót, cảnh sát đưa ra nghi vấn tiếp theo: “Hai tiếng trước, cũng chính là 12:30 trưa nay, anh ở đâu?”

12 giờ trưa là lúc bà chủ quán nghe thấy tiếng cửa sổ bị đập. Bà bận bịu từ sáng tới trưa vừa đặt lưng xuống nghỉ chưa được vài phút đã phải vội vàng khoác áo vào chạy ra sân, nhưng vẫn chậm một bước, đến cái bóng của kẻ trộm cũng không kịp thấy.

Khổ nỗi đường ở chỗ này là khúc cua, là góc chết của camera, cảnh sát vừa lên phòng giám sát của phường nhưng chỉ thấy một con phố vắng lặng, không điều tra được gì.

Chưa đợi Phó Tuyên Liệu trả lời, Thời Mông đã nhớ lại hai tiếng đồng hồ trước, cũng chính là 12 giờ trưa, cậu đun nước trong bếp, nhìn qua cửa sổ và thấy Phó Tuyên Liệu đang gặm bánh mì, uống một chai nước khoáng.

Bánh mì kia là loại ăn liền, hương vị cũng tàm tạm, nhưng tiện lợi ở chỗ chỉ cần bóc ra là ăn được.

Thời Mông có thể đoán được đại khái nguyên nhân Phó Tuyên Liệu chọn bánh mì, anh từng nói, mỗi thứ bảy sau này anh sẽ luôn ở bên cậu. Cho nên anh không thể chạy đi đâu khác, một phút cũng không thể.

Nhưng trừ Thời Mông ra không ai có thể làm chứng minh cho anh. Quả nhiên, Phó Tuyên Liệu nói: “Tôi trên phố.”

Cảnh sát hỏi phố nào, Phó Tuyên Liệu báo tên con phố có nhà của Thời Mông, rất gần quán ăn sáng.

“Anh ở đó làm gì?” Cảnh sát hỏi tiếp. “Đợi người.”

“Đợi ai?”

Gần như là cùng với lúc Phó Tuyên Liệu đáp “Cái này tôi không thể trả lời”, Thời Mông mở miệng: “Có thể là chờ tôi.”

Khi lời nói được bật thốt ra, Thời Mông bắt được vẻ vui sướng thoáng hiện trên gương mặt Phó Tuyên Liệu.

Đáng tiếc là, rất nhanh chóng, phần vui sướng này rơi vỡ tan tành.

Vì trong đầu Thời Mông đã bắt đầu nảy ra một suy nghĩ to gan, việc này có thể đạt hiệu quả tương tự với việc báo cảnh sát, thậm chí còn hơn.

Cảnh sát cho rằng cậu muốn chứng minh Phó Tuyên Liệu không ở hiện trường nên chuyển hướng sang cậu, đặt câu hỏi: “12:30 trưa nay, cậu ở cùng anh này?”

“Không.” Thời Mông nói, “Tôi hẹn anh ta lúc 12 giờ, nhưng tôi có việc nên bị trễ, 12 giờ 30 anh ta đã không còn ở đó nữa.”

Trong lời cậu quá nửa là sự thật, nhìn thấy Phó Tuyên Liệu qua cửa sổ là 12 giờ, đến 12 rưỡi cậu đã ngồi vào bàn ăn, nên cũng không rõ Phó

Tuyên Liệu có còn ở đó hay không.

Cho nên đây không phải là nói dối, Thời Mông nhắn nhủ bản thân, cậu chỉ ném trả lại những gì cậu bị bêu xấu năm xưa mà thôi.

Dù Phó Tuyên Liệu bàng hoàng y như cậu dự đoán, anh ngẩn cả người, sau đó màu trầm nơi đáy mắt lay động, một chút ý cười vừa mới hiển hiện cũng nhạt đi, biến thành vẻ trắng bệch đến mức gần như là trong suốt.

Anh nhìn Thời Mông, ánh mắt phẳng lặng và bình thản, như đang hỏi.

Về phần anh muốn hỏi gì, đó là ngôn ngữ bí mật mà chỉ có hai người họ biết.

Trong nhịp tim dồn dập và hoảng loạn, Thời Mông nghe thấy một giọng nói bên tai: Đúng, chính là như vậy, trả cho anh ta, trả hết những nỗi đau khổ cho anh ta.

Bị vu cáo hãm hại, bị buộc tội ăn cắp tranh, còn bị coi khinh xúc phạm… Nếu dùng vận mệnh trêu ngươi để giải thích thì quá dễ dàng, thế những thứ cậu từng chịu đựng rốt cuộc được coi là gì?

Đến tận bây giờ, Thời Mông mới chính thức bị thôi thúc bởi cái gọi là khoái cảm trả thù.

Dường như cậu đã vui vẻ mà nghĩ rằng, tôi đối xử với anh như vậy, trả thù anh như vậy, anh còn cảm thấy tôi tốt đẹp không? Anh còn cam tâm tình nguyện không?

Chẳng phải đã nói, chỉ cần là thứ tôi đưa cho anh thì sao cũng được? Vậy để anh nếm thử chuyện tôi phải gánh chịu năm xưa, xem anh có chịu được hay không?

“Xin hỏi anh Phó, có đúng là như vậy không?”

Nhờ câu hỏi của cảnh sát, Phó Tuyên Liệu tỉnh táo lại, đồng thời cũng bình phục nhịp thở của mình. Anh nhịn một hơi rất dài, bây giờ sau khi xác nhận qua ánh mắt xong mới chậm rãi thở ra.

Và cũng đến tận bây giờ anh mới hiểu, một hồi “hiểu lầm” nhẹ tênh trong miệng anh, từng khiến Thời Mông tổn thương nhiều đến mức nào.

Huống hồ, đó là một chuỗi tổn thương lâu dài từ thể xác đến tâm lý, cái gọi là đồng cảm, cái gọi là đau nỗi đau của cậu, lẽ nào chỉ cần dùng vài buổi ngắn ngủi là có thể đền đáp nguyên vẹn 100%?

Day dứt trong nỗi đau dày đặc buối nhói, đâu đó vẫn xen lẫn niềm xót xa khó tả.

Hóa ra những gì mà anh làm, Thời Mông chưa từng để vào mắt, càng chưa bao giờ tin tưởng.

Thời Mông chỉ nhớ ở bên anh rất đau đớn rất khổ sở, nên muốn cách xa anh càng xa càng tốt, đầu tiên là tự giết mình, chưa thực hiện được thì định khiến anh chết đuối.

Không chết thì cũng bị thương, đây mới là vận mệnh của bọn họ.

Trái tim anh khẽ run lên theo nhịp thở, Phó Tuyên Liệu quy kết phản ứng này là do sự sợ hãi bản năng đối với việc mình không biết, với việc mình chưa từng trải qua.

Anh cố gắng nhấc mắt lên, đối mặt với Thời Mông, và cũng là lần xác nhận cuối cùng.

Em hi vọng kẻ đó thật sự là tôi?

Anh nhìn thấy ánh mắt Thời Mông run lên, rất ngắn ngủi, có thể là không kiên định, hoặc có thể là lòng trắc ẩn nổi lên… Nhưng hiện tại những thứ đó không quan trọng, tóm lại, Thời Mông không lắc đầu, không phản đối.

Phó Tuyên Liệu thu hồi tầm mắt, sau đó quay sang cảnh sát, trả lời: “Đúng vậy, chính là như vậy.:

Em mong đó là tôi, vậy tôi sẽ là kẻ đó.

Chỉ cần em có thể vui vẻ, em cảm thấy vui vẻ, thế là đủ.

Mọi người kinh ngạc quá đỗi, bỗng chốc tiếng chỉ trích nổi lên xôn xao. “Khiếp trông kìa, nhìn cũng đàng hoàng thế mà lại là thằng ăn trộm.” “Tôi đã bảo mà, người lạ…”

“Em còn thấy hắn lái xe sang lắm.”

“Của ăn trộm chứ gì, để che giấu không khéo biển số xe cũng là giả.” “Ăn trộm thì bị phán ngồi tù bao nhiêu năm nhỉ?”



Sau khi suy xét nhiều mặt, phải tạm giam nghi phạm và cũng ngại chỗ này đông người lắm miệng, nên cảnh sát yêu cầu Phó Tuyên Liệu cùng về cục cảnh sát để thẩm vấn tiếp.

Trước khi đi, Phó Tuyên Liệu xin cảnh sát cho anh chút thời gian, anh có lời muốn nói.

Thấy anh đi về phía Thời Mông, mọi người chứng kiến cả quá trình còn tưởng anh định nổi giận, hoặc là chất vấn chửi bới gì đó, bởi thoạt nhìn chắc hẳn tâm tình anh đang cực tệ vì lời làm chứng ban nãy, hơn nữa còn sa sầm mặt mũi, nhìn như hung thần.

Phan Gia Vĩ cũng giật mình, giơ cánh tay chắn trước mặt Thời Mông như gặp kẻ địch: “Anh đừng có làm xằng làm bậy.”

Cậu bị Phó Tuyên Liệu dễ dàng đẩy ra, thô bạo và đơn giản như lẽ dĩ nhiên, Phan Gia Vĩ còn chưa kịp phản ứng thì anh đã đứng ở trước mặt Thời Mông.

Mọi thứ sau đó đều trật lất khỏi suy đoán của tất cả mọi người.

Phó Tuyên Liệu đứng cách Thời Mông khoảng chừng một mét, dưới sự giám thị của cảnh sát và dân chúng qua đường, anh chậm rãi cởi áo khoác của mình, rũ nhẹ, mở ra, cánh tay vòng một vòng, rơi xuống vai Thời Mông.

Phó Tuyên Liệu cao ráo, áo khoác của anh khi khoác lên người Thời Mông trông rất rộng, vạt áo khép lại, cổ áo dày dặn tạm che đi phần cổ mảnh mai trắng nõn.

Đầu ngón tay vô ý chạm vào làn da, có một cảm giác bỏng rát như bị gai đâm.

Nếu so sánh, khuôn mặt Phó Tuyên Liệu lạnh lùng quá mức, thậm chí mang theo chút lạnh lẽo như bị rút sạch máu toàn thân.

Lời nói ra cũng không phải ấm áp kiểu như “Trời lạnh rồi nhớ mặc nhiều quần áo”, anh sợ không kịp nên chỉ nói lời quan trọng: “Làm phiền em, hãy chăm sóc bảo bối của tôi giúp tôi nhé.”

Sau đó nói tiếp: “Xin lỗi, lúc nào cũng lỡ hẹn.” Đây là chuyện thứ hai anh muốn nói lời xin lỗi.

Sau này sẽ không như thế nữa… Nếu như còn sau này.
Bình Luận (0)
Comment