Mười Bảy Tuổi, Bạn Thích Ai?

Chương 115

Tưởng đại gia nói là giữ lời, ở lại Bắc Kinh, tuy công việc bận bịu nhưng cậu ấy bắt đầu thường xuyên lui tới trường học cùng chỗ thực tập của tôi.

Song dầu cho sớm tối gặp nhau, thì cũng khó mà chữa lành được trái tim thiếu nữ đương nứt vỡ vì thần tượng.

Bị Tưởng đại gia xúc xuống đi ăn, bánh kếp đã dọn lên nhưng tôi vẫn ngồi chọc chọc mấy cọng giá, mặt thì như bún thiu. Tưởng đại gia ban đầu lờ tôi đi, tự gắp mấy miếng, mắt soi tôi diễn Lâm Đại Ngọc một hồi, cuối cùng mới hạ mình cuộn một cái bánh kếp đưa tới trước mặt tôi.

Tôi cầm bánh cho vào miệng, phát hiện bụng đã đói lép kẹp nãy giờ, phùng mồm phùng má còn chưa nuốt được hết cái bánh thì nghe Tưởng đại gia có vẻ vô tình hỏi một câu: "Liêu Tinh bao giờ về nước?"

Tay tôi khựng lại, đầu cúi gằm: "Chắc phải tháng ba tháng tư, mùa đông năm nào cậu ấy cũng phải đi tập huấn." Tưởng Dực im lặng.

Tự nhiên tôi lại chẳng thấy đói nữa. "Bao giờ cậu đi?" Tôi hỏi. Cậu ấy cũng khựng lại một thoáng, nói: "Tớ ở lại ăn Tết." Tôi ngẩng ngay đầu lên, nhìn chăm chắm cậu ấy: "Cậu không đi nữa à?" "Đợi qua năm tham gia lễ cưới Quan Siêu xong rồi đi."

"... Ồ."

Cậu ấy tự dưng lại giải thích: "Tớ xin nghỉ một năm, tháng sáu năm sau phải về trường học tiếp." "Ồ." Tôi nghĩ một thoáng, hỏi: "Vậy cậu ăn Tết ở đâu? Về nhà à?"

"Tới nhà ông bà tớ." Tưởng Dực nói chậm rãi: "Sau đó thì về nhà chúc Tết chú Hoàng dì Đàm."

Tuy trong năm Tưởng Dực không về nhà, nhưng đã gửi cả mớ đồ Tết tới từ sớm, ba tôi gọi điện cho cậu ấy bảo: "Không cần đồ gì cả, người bao giờ về?"

Cậu ấy nói mồng ba sẽ tới nhà, ba tôi coi như hài lòng.

Cái người này quả nhiên không nuốt lời, sớm tinh mơ mùng ba đã xách theo hành lý đứng trước cổng nhà tôi.

Sau khi tôi lên Đại học, ba mẹ tôi tậu một căn hộ trong thành phố. Hai năm nay nhà cửa trang hoàng xong xuôi, lễ tết hai người không mấy khi ở công trường nữa. Ba mẹ Tưởng Dực ở Mỹ, cậu ấy quay lại cũng không về thành phố Hàng Thiên mà đi thẳng tới căn hộ mới của nhà tôi.

Ba năm không gặp, ba tôi vừa thấy cậu ấy lông mày lông mi đều giãn hết ra, ôm xong lại bá vai choàng cổ, quay vào bèn đi thẳng xuống bếp lôi chảo ra xào nấu một bữa thịnh soạn.

Mẹ tôi đưa tay xoa mặt cậu ấy, cười nói: "Người chắc ra rồi, nhưng mặt lại ốm đi. Luôn đêm bay về có mệt không? Nhà có để sẵn cho con một phòng, giờ đi tắm rồi ngủ một giấc dậy nhà mình ăn cơm."

Tôi còn chưa rửa mặt, mặc pyjama cuộn người ngồi chơi game bên cạnh, thấy Tưởng Dực ngoan ngoãn cười gật đầu: "Vâng ạ." Nhà mới của tôi có một sảnh chính với bốn phòng, ba mẹ một phòng, tôi một phòng, một phòng đọc sách với một phòng cho khách.

Hồi đầu lúc chọn căn hộ, ba tôi nói mua nhà ba phòng là đủ, mẹ tôi mới bảo: "Tưởng Dực về lại ngủ sofa tiếp à?" Ba tôi vỗ đùi: "Lại chả thế!" Xong là hai người hăm hở chốt luôn một căn bốn phòng.

Lúc bấy giờ tôi cũng ở đó, còn thầm chê bôi hai người họ nghĩ nhiều, chẳng ngờ có ngày tên ấy về thật, tuy là qua khoảng thời gian nữa lại đi. Tưởng Dực đánh răng tắm rửa xong, thì mẹ tôi đã bày đầy đủ cả chăn mềm, gối đầu cũng đập cho mềm mại, đầu giường để một ly sữa.

Chỗ tôi ôm máy game ngồi trên sofa nhìn xéo xéo vào phòng Tưởng Dực. Tôi hơi hơi nhấc mí mắt, thấy cái tên ấy đứng cạnh giường uống sữa, không biết đang nghĩ gì.

Mẹ tôi tiện tay giúp Tưởng Dực khép cửa, ngoảnh sang bắt đầu xài xể tôi: "Sớm dậy rửa mặt chưa? Đánh răng chưa? Chăn sao còn chưa gấp? Tối hôm qua mấy giờ mới ngủ? Mẹ bảo bao lần là đừng có thức khuya mà không nghe, sáng ra nhìn máy tính vẫn mở, tốn điện chưa nói, con không sợ bức xạ à?"

Tôi ôm máy chơi game chuồn về phòng: "Con còn chưa ngủ dậy, bao giờ ăn cơm hãy gọi con." Nhưng mà đến khi chui vào chăn thì lại thấy tỉnh như sáo, nằm lăn qua lăn lại nhắn tin cho Tưởng Dực.

"Cậu ngủ rồi hả?" "Cậu buồn ngủ thật hả?" "Không thấy đói à?"

...

Cả nửa ngày không thấy trả lời. Vậy là ngủ thật rồi. Không biết hắn mệt cỡ nào.

Tôi đọc sách một hồi tự nhiên cũng bắt đầu mơ màng, chẳng rõ từ lúc nào bèn ngủ mất. Hình như đã rất rất lâu rồi không đánh được một giấc đầy an tâm như vậy, từ hồi dọn đến nhà mới, tôi bị lạ giường hay sao, toàn phải quậy đến nửa đêm mới qua quýt ngủ được một ít, còn mơ lung tung đủ thứ chuyện, chẳng hề ngon giấc. Nhưng giấc ngủ này lại an tâm đến lạ kì, hệt như trở lại ngôi nhà cũ ở thành phố Hàng Thiên.

Đến khi tỉnh lại lần nữa, mới phát hiện mặt trời đã quá cây sào.

Cả gian nhà im phăng phắc, chốc chốc lại vẳng vào tiếng con nít ngoài đường nô giỡn nghịch pháo. Phòng được sưởi ấm cúng, chiếc đồng hồ hình toà thành ở đầu giường kêu tích tắc, kim giờ xích qua con số hai, từ phòng bếp, mùi đồ ăn thoang thoảng bay vào.

Tôi dụi mắt túm điện thoại qua, có một tin nhắn: "Tớ dậy rồi." Tôi lật người ngồi dậy, lệt bệt dép ra mở cửa. Tưởng Dực bận áo nỉ mỏng oversize, quần jeans giặt bạc phếch, ngồi trong góc trước cửa sổ không biết đang nghĩ ngợi gì. Ba mẹ đều không ở nhà, trên bàn có để lại tờ giấy, cả một bàn đồ ăn đầy ắp chỉ cần hâm lên là ăn được.

"Ba mẹ tớ đâu?" Tôi khoanh chân ngồi lọt thỏm trên sofa.

Tưởng Dực ngoái lại: "Đi nhà cậu rồi, nói mình ăn xong cũng qua."

Tôi bốc một trái táo cho vào miệng cắn, tay ấn điều khiển tivi: "Sao mở không được ấy ta?" Tưởng Dực lết dép quay sang mở công tắc cắm điện, tivi bèn sáng lên.

Tôi bắt đầu chuyển kênh, đài nào cũng đương phát Xuân Vãn.

Tưởng Dực đi vào bếp, hỏi: "Cậu ăn món nào?" "Thịt dê xào thì là ai cập, cánh gà, sườn xào chua ngọt."

Tiếng quay lò vi ba cùng tiếng lanh canh thìa đũa vang lên, Tưởng Dực mở nồi cơm điện xới ra chén: "Ăn canh cá không?" "Không ăn."

Tôi bỏ điều khiển xuống đi theo vào, ngồi xuống bàn ăn: "Hôm ở nhà Khâu Hàng tớ để ý rồi, cậu đứng bếp lành nghề ghê nhỉ."

"Sườn xào chua ngọt chưa đỉnh được như chú Hoàng, những món khác thì cũng cỡ cỡ." Cậu ấy cũng không có vẻ huênh hoang mà là có sao nói vậy, "Để mai tớ làm thử cho cậu ăn." Đồ ăn hâm xong, bọn tôi ngồi đối diện cùng ăn.

Hồi nhỏ bọn tôi cũng có khi bị để cho giữ nhà thế này, làm bài tập xong thì chơi cờ tướng, chơi cờ chán thì rủ Niệm Từ với Trang Viễn tới, bốn người đánh bài, ca hát, gầy sòng mạt chược.

Năm nay Tưởng Dực trở về, nhưng nhà tôi đã dọn khỏi thành phố Hàng Thiên, tết Niệm Từ phải đi tập huấn tại Hongkong, Trang Viễn càng không biết đang ở nơi đâu, đã hơn một năm không nghe được tin gì từ cậu ấy rồi.

Hai người bọn tôi im re, chỉ có tiếng tivi ồn ào.

Tưởng Dực đột ngột đứng dậy: "Có bia không?"

"Có, trong ngăn đá ấy." Tôi nhìn theo bóng cậu ấy đi lấy bia, cúi đầu và cơm, nhồm nhoàm hỏi một câu: "Tốt nghiệp xong cậu về nước có được không?"

Cuối cùng tôi cũng đã hỏi câu ấy.

Cánh tay đương mở tủ lạnh của Tưởng Dực sựng lại: "Về nước làm gì."

"... Trong nước rất ổn mà, rất dễ phát triển, cậu muốn làm phim hoạt hình thì dự án cũng không khó kiếm, chế tác hoạt hình trong nước đang ở bước sơ khởi, nếu là tác phẩm mới hoàn toàn thì phòng vé trong nước đang khát ấy nhé, tha hồ kiếm tiền.."

Tưởng Dực bật lon bia, hớp một ngụm to, tay lắc lắc cái lon.

Tôi vẫn tự nói tự nghe: "Tớ có nói chuyện với đồng nghiệp chuyên viết mảng đó rồi, bảo là mấy năm tới thị trường điện ảnh sẽ bùng nổ, không phải cậu có một đội kĩ thuật chế tác à, trong nước không thiếu mối cần đâu..." Càng nói càng thấy vừa giả tạo lại còn vô nghĩa, giọng cũng bé tí lại.

Tôi ủ rũ, cúi đầu nói một câu: "Tớ cô đơn lắm, ở Bắc Kinh có mỗi mình tớ." Cái tay đang lắc lon bia của Tưởng Dực cuối cùng cũng dừng lại.

Không trả miếng lại ngay, cũng không đáp thẳng câu hỏi, thật sự ít thấy ở cậu ấy.

Tưởng Dực dốc cạn lon bia, xoay người quành lại tủ lạnh lấy thêm lon nữa: "Không phải còn các cậu ấy à, như Niệm Từ chẳng hạn?" "Đâu có giống được?" Tôi buột miệng.

Thời gian dường như quay ngược lại.

Năm 2001, đầu hạ, dưới khu nhà số 13, trong vườn hoa, Tưởng Dực an ủi tôi khi đó đang xuống tinh thần trước kì thi. Cậu ấy cũng mới là thằng nhóc, nhưng đã đặt lời hứa sẽ thi đủ điểm tuyển thẳng, chừa lại cho tôi một suất đậu vào Trung học số 9.

"Bọn tớ đều vào Trung học số 9, chỉ có cậu học Trung học số 6, buồn chết."

"Còn có bọn Quan Siêu nữa..."

"Đâu có giống được?"

Thời gian như chồng lên nhau.

Bảy năm sau, Tưởng Dực không dằn dỗi trả lời "Có gì không giống?" như tôi.

Vẻ ngoài của cậu ấy vào đầu năm 2008 thật ra không khác nhiều lắm so với thời còn bé, mày mắt thoáng đãng, góc cạnh rõ ràng, dù là lúc vui cười hay sầm mặt đều có cái vẻ bất cần, coi khinh mọi việc. Có khác với lúc nhỏ chỉ là cái lon trên tay đã từ Cola biến thành lon bia.

Thế như giây phút ấy, đôi tay cầm lon bia kia gồng cứng lại, đầu ngón tay hơi bệch ra.

Tôi nhìn cậu ấy như thế, bỗng dưng thấy sờ sợ, nếu lần này còn xa nhau nữa, có khi nào cậu ấy sẽ mang một dáng vẻ xa lạ hẳn không. Nếu lần này còn xa nhau nữa, có phải tôi sẽ không thể đưa tay níu lấy cậu ấy nữa không?

"Tưởng Dực!" Tự nhiên tôi đâm bấn loạn, rất nhiều lời giờ không thể im cất trong lòng nữa, "Tớ..."

"Tớ biết rồi." Cậu ấy bình bình nói mấy chữ.

"Gì cơ?" Cậu biết cái gì cơ?

Tưởng Dực bật cười, là kiểu cười mà tôi thấy trên gương mặt cậu ấy khi trưởng thành, mang theo những tâm sự tôi không hiểu hoặc cậu ấy không muốn cho tôi hiểu, không muốn thổ lộ cùng tôi.

Tâm sự của cậu ấy là gì chứ? Sao cậu ấy lại giấu không nói với tôi? Cậu ấy là Tưởng Dực cơ mà! Tưởng Dực sao lại giấu không kể cho Hoàng Doanh Tử tâm sự của mình? Rốt cuộc cậu ấy có chuyện gì mà không thể cho tôi hay!

Bất chợt tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi cùng nóng nảy, không còn là mình, tôi túm chặt cây đũa nói lung tung lộn xộn: "Cậu! Cậu phải về! Cậu gạt tớ bao nhiêu lần rồi hả? Ban đầu cậu đã nói chắc là sẽ tới Bắc Kinh cùng tớ! Ban đầu đã nói chắc là ở cùng một tầng, cậu! Cậu nói lời không giữ lời! Cậu là đồ xấu xa! Đồ lừa đảo! Đồ nuốt lời!"

Tưởng Dực nín thinh, ngồi xuống lại kế bên tôi, thở dài cười nói: "Bao nhiêu năm rồi vốn từ cũng chả thấy phong phú hơn."

"Còn có hồi nãy cậu nói cậu biết rồi, ý là sao?"

"Chẳng sao cả."

"Chẳng sao cả là sao?! Rốt cuộc cậu có về không, hay là không về?" "Tớ nghỉ học năm mấy nay, ít ra cũng phải đợi lấy cái bằng..."

Tôi tự ý bắt đúng trọng tâm: "Vậy lấy bằng xong về nước?!" "Tớ đâu có nói vậy..."

Bọn tôi đang giằng co thì điện thoại của Tưởng Dực reng lên. Hắn nhân đó bắt máy, nghe tiếng của Quan Siêu nói như hét vào ống nghe: "Ở đâu đấy hả? Tớ về rồi, ra đi ăn xiên que đi!"

=======
Bình Luận (0)
Comment