Mười Bảy Tuổi, Bạn Thích Ai?

Chương 127

Tôi ngồi bệt giữa nguyên cái phòng khách lộn xà lộn xộn thành đống, nhác thấy trên tay cậu ấy bưng thố canh gân bò cà chua thơm lừng bèn nhảy cẫng lên, hớn hở chạy tới: "Xong rồi à?"

"Đừng có cắm đầu chạy! Nóng." Tưởng Dực né khỏi tôi, để thố đồ ăn nóng hôi hổi lên bàn, hạ lệnh: "Trong năm phút dọn phòng bếp cho xong." "Lấy cái bàn nhỏ này ăn được không?" Mặt tôi ham ơi là ham.

"Vào phòng ăn ăn."

"Tớ muốn ăn ở cái bàn nhỏ này cơ." "... Vậy cậu ráp vào mau."

"Làm liền!"

Tôi xếp vèo cái thành chiếc bàn hoàn chỉnh, lau sạch xong trải khăn, đeo găng tay cẩn thận bưng thố đồ ăn đặt lên, không kềm được mở ra hít một hơi, ta nói nó thơm nức mũi, mùi y như ở nhà.

Tốt quá đi, cái người này về thật tốt quá đi.

Rõ ràng mới buổi chiều nay tôi còn cảm thấy tiền đồ của mình tối thui không một tia sáng, nhưng hắn về xong, thì tôi đã có nguyên cả một nồi canh gân bò cà chua đỏ au, nóng sực.

"Lấy thìa múc ăn, nóng đấy." Tưởng Dực bưng lên thêm một đĩa măng tây xào với cả cơm. Tôi nghe lời dọn chén đũa ra, hai người ngồi đối diện.

Tôi bảo: "Phải có cái gì nhấp một tí."

Tưởng Dực: "... Cậu học ai đấy hả? Còn biết nhậu?"

"Ông Hoàng bố tớ chứ ai, từ hồi lên đại học cứ về nhà là hai bố con tớ lại làm mấy ly. Ai da nước canh này ngon ơi là ngon, giống y vị bố tớ nấu."

Tôi ực hết một chén canh, "Mà tớ kể cậu nghe, tớ uống hơi bị được, lúc đi thực tập mà đụng phải mấy ông nhà báo ham thách rượu, cứ tới luôn một lần uống cho họ xỉn lăn quay thế là lần sau có tiệc tùng gì cũng không ai dám ép tớ nữa."

"Công việc kiểu ấy nghỉ là phải." Tưởng đại gia lại xát muối-ing. Tôi xìu hẳn xuống.

"Giờ hối hận rồi?" Cậu ấy nhướng mày hỏi.

Cũng không hối hận... Bộ phim đã vào túi Khâu Hàng, tôi cũng coi như có được cái mình muốn. Hơn nữa, chốn công sở phức tạp vàng thau lẫn lộn cùng thêm đồng nghiệp bụng dạ khó dò đều khiến tôi theo bản năng chỉ muốn né thật xa.

Nhưng mà tôi thật sự rất thích công việc đó...

"Hay cậu thi lên thạc sĩ?" Tưởng Dực hỏi, "Đợi mấy năm nữa hãy tìm việc, cũng không cần về nhà, cứ ở đây học." Ở đây à?

Tôi nghĩ đến giá sách chất đầy sách cổ bản hiếm cùng những món đồ ngộ nghĩnh lý thú trong nhà, rất ư là động lòng. Mỗi ngày dùng cái bàn nhỏ này ôn tập ổn lắm ấy, nhưng mà, "Tớ chẳng muốn ngồi ghế nhà trường nữa ấy."

Nói đến chuyện này, tôi đâm ngang hỏi Tưởng Dực: "Lần này cậu về làm gì thế? Không phải tại chuyện công việc của tớ mà về đấy chứ? Ai cậu cực công quá đi thôi..."

"Còn khuya mới vì cậu." Tưởng Dực chặn họng tôi nhanh như tên lửa. "Vậy là vì gì?" Tôi ngậm cái thìa, dí không buông.

Tưởng đại gia bẻ lái hơi bị gương gạo: "Vừa ra trường đã thất nghiệp cậu có để mọi người yên tâm chút được không? Tớ sợ chú Hoàng với dì Đàm lo..." "Hai người ấy lo gì mà lo, chỉ cần mỗi ngày tớ ăn ngon ngủ tốt thì có mà họ thèm để ý."

Tưởng Dực làm bộ rút điện thoại: "Vậy giờ để tớ nói cho chú dì chuyện cậu từ chức..." "Ai sao cậu lắm chuyện thế không biết?!" Tôi giật luôn chiếc điện thoại trên tay hắn.

Tưởng Dực phì cười, lại và cơm: "Tớ mà không lắm chuyện thì cậu ra đường ở." "Tớ còn giường ký túc nhá!"

"Về ký túc ngồi cạp đỡ táo chứ gì?" "Người ta giảm cân!"

Tưởng Dực lười đấu võ mồm với tôi, "Nói chung cậu cứ tạm ở đây, đợi Niệm Từ về cậu muốn thì qua chỗ cậu ấy cũng được, không thì cả hai cậu dọn vào đây luôn." Rõ ràng là tại tôi nên mới về, còn cứng miệng, cái tính vùng vằng của Tưởng đại gia đúng là mấy chục năm vẫn như ngày đầu.

Tôi ăn bữa cơm mà mở cờ trong bụng, tự nhiên nghĩ ra, hỏi: "Cậu thì sao? Năm sau tốt nghiệp cậu tính làm gì?" Về nước hay ở lại Mỹ?

Tưởng Dực khựng lại, tay vẫn gắp rau cho vào bát, "Tớ với mấy bạn học có mở một studio làm hiệu ứng đặc biệt cho phim." "Ở đâu ấy?"

Hắn nản hết nước chấm: "Bạn học của tớ còn ở đâu? Đương nhiên là Bắc Mỹ."

"Tớ không phải bạn học của cậu hay sao?" Hoàng Doanh Tử bắt đầu vặn vẹo. "Cậu mà là bạn học gì?" "Sao tớ lại không phải?!"

"... Thôi bỏ qua, vậy cậu làm phim hoạt hình với tớ không?"

"Ở đâu không làm phim được? Ở trong nước cũng làm được mà, biết đâu còn ngon hơn ấy!"

Tưởng Dực liếc tôi: "Ở đâu cũng làm phóng viên được, Bắc Mỹ cũng hứa hẹn lắm, cậu đi không?" "Tớ học ngữ văn Trung mà!"

"Cậu luyện viết tiếng Anh suốt ba năm, không phải vẫn từ chối offer làm phóng viên thường trú tại Mỹ à?" Tôi vùi đầu bới cơm, bụng nghĩ sao vụ này hắn cũng biết.

Nói cho cùng, chuyện theo lớp luyện viết tiếng Anh đến cả tôi cũng chịu không hiểu nổi mình. Rõ ràng đã chém đinh chặt sắt thề thốt với bạn bè người thân là chẳng đời nào đi Mỹ...

Đương nhiên cứ khăng khăng đòi Tưởng Dực về nước, tự tôi cũng thấy đuối lý.

May là hắn cũng không hỏi rát, hai đứa cúi đầu ăn cơm.

Quét xong bát canh thịt bò, Tưởng Dực bỏ chén đũa xuống, nói một câu: "Tớ với mấy người bạn nữa hiện thời đều ở Bắc Mỹ, đã quen với cách làm bên đó, nhưng năm sau nếu mà tình hình ổn thoả thì có lẽ sẽ mở một công ty trong nước."

"Thật hả?" Tôi ngước lên, tròn xoe mắt nhìn cậu ấy. Tưởng Dực sụp hàng mi dài, "Ừ" một tiếng. "Vậy có phải là có thể về nước rồi không?"

"Trước tiên cứ chạy qua chạy lại đã." Cậu ấy nghĩ một thoáng, "Còn phải xem trong nước có kiếm được hợp đồng không, bọn tớ hiện tại vẫn làm theo kiểu được bao thầu trọn gói, cũng nhẵn mặt với bên hợp tác nước ngoài rồi."

Thì đúng, làm cái mới bao giờ cũng khó, cậu ấy mà về thì lại bắt đầu từ tay trắng. Tôi chọc chọc mấy hột cơm, không tài nào mở miệng khuyên cậu ấy tiếp.

Nhưng vừa lúc ấy, Tưởng Dực đặt hẳn chén đũa xuống: "Qua vài năm kiểu gì cũng sẽ về." Tôi ngẩng phắt đầu lên.

"Cần chuyển tiếp một thời gian, nhưng sau tớ sẽ về nước."

Đây là lần đầu tiên suốt bao lâu nay, cậu ấy khẳng định mình sẽ về nước.

Tuy chưa nhất định là lúc nào, nhưng rồi sẽ về.

Tôi nhìn cậu ấy, có bao nhiêu là câu muốn hỏi, tuy trong lòng vui ơi là vui nhưng cũng mang máng thấy có lỗi, rốt cuộc đến cuối chỉ nói được một câu: "Nói chắc nha?"

Tưởng Dực không qua quýt lấp miệng, mà nhìn vào mắt tôi nói: "Nói chắc."

Tưởng Dực ở lại Bắc Kinh cùng tôi thu dọn căn nhà.

Bọn tôi cùng mua rèm cửa, chăn gối, chén bát, bàn chải đánh răng, ly nước... Cậu ấy còn đào ra từ hầm nhà cô cậu ấy một chiếc xe đạp cũ, sơn sửa lại, sau đó đưa cả chìa khoá xe hơi và chìa khoá nhà đưa cho tôi, lại đổi lấy 5000 tệ cho vào thẻ của tôi rồi mới bay về Mỹ.

Niệm Từ đi công tác mãi chưa về, còn từ Hongkong bị cử đi đại bản doanh ở Mỹ, Minh Vũ về nhà nghỉ hè, một mình tôi ở Bắc Kinh, ngày ngày tiếp tục thu xếp nhà cửa cùng tìm việc làm.

Khổ nỗi càng tìm càng nản, không biết tại sao gửi CV cho các bên truyền thông dòng chính không thấy ai đoái hoài, còn bên báo mạng thì lại liên tục gọi điện mời tôi đi phỏng vấn.

Nhưng báo mạng chẳng có quyền khai thác tin, tôi cũng không rõ vào đó làm gì, thế nên từ chối gần hết. Cứ thế, tôi ra trường trong tâm trạng nơm nớp, cô đơn.

May là Quách Tĩnh thi thoảng sẽ đến Bắc Kinh, mang đồ ăn cho tôi nhét đầy tủ lạnh, cộng thêm năm nghìn tệ kia nữa đủ để tôi kéo dài cuộc sống sâu gạo thêm một thời gian.

Quách đại hiệp không chỉ lo cho cái bụng tôi, mà còn xem hết trong ngoài căn nhà, cuối cùng kiểm tra nhà tắm, hệ thống sưởi với khoá. Sau đó hẹn cái rụp thợ sửa, đổi hết một loạt ống nước bàn cầu, xong xuôi hài lòng rồi mới buông một câu: "Cái nhà này thường chẳng ai ở mà bảo trì cũng khá tốt."

"Cô của Tưởng Dực mỗi tháng đều nhờ người đến quét dọn ấy."

Quách Tĩnh gật đầu: "Hệ thống sưởi bữa sau tớ lại ghé, nếu bị rò nước cũng không phải lo, cậu cứ đóng cái van này, đợi tớ tới sửa cho."

Sau đó, sếp Quách phải đi lo nhà bao việc bên cậu ấy. Tháng tám, Bắc Kinh chủ trì ngày hội của thế giới. (*Tháng 8/2008: Olympics Bắc Kinh)

Tôi vẫn thui thủi mỗi mình.

Chẳng qua có một chuyện bất ngờ là Nguyễn lão thái gia tự nhiên lại gọi cho tôi, bảo tôi về trường một chuyến.

Tôi không dám nói không, lòng đầy hoảng hốt đạp xe tới văn phòng của ông cụ, ngồi xuống nghe ông hỏi mấy câu ngoài lề. Sau đó ông cụ cho một câu: "Không tìm được việc đúng không?"

Đúng là chuyện tốt chẳng ai nhắc, chuyện xấu thì lan khắp trong nhà ngoài ngõ. "... Con còn đang tìm."

"Hoàn toàn không nhận được offer từ truyền thông dòng chính chứ gì?"

Tôi ớ họng: "Sao thầy biết ạ?"

"Người Triệu Khách dắt không xong, vừa từ Kinh Khách ra ai mà dám rước?" Ông cụ bật cười, "Khác gì thể hiện ta đây ngon hơn Triệu Khách? Ai lại hợm mình kiếm thêm việc thế."

Thì ra là vì thế à?

"Hay là cô cứ làm nghiên cứu một năm, cuối năm nay lại thi, đậu rồi có thể học liên thông lên thẳng tiến sĩ. Đến lúc đó đi thực tập thì mấy người kia cũng không lo vuốt mặt phải biết nể mũi Triệu Khách nữa."

Tôi ngồi vắt óc cân nhắc lâu thật lâu: "Nhưng mà thầy ơi, con không muốn học lên tiếp."

Ông cụ giáo sư cáu đến suýt thì ném tách trà, hỏi: "Vậy cô muốn làm gì?" "Con vẫn muốn làm phóng viên..."

""Kinh Khách" cô còn chả làm, thì vừa mắt được chỗ nào?"

Tôi chập chập hai đầu ngón trỏ, "Lúc trước không phải thầy cũng bảo con ngó thêm bên ngoài mà?"

"Đó là tháng 11 năm ngoái! Lúc đó trên thị trường tuyển dụng mấy cô cậu là khuôn mặt mới toanh, đầy chỗ tốt giành nhau rước về. Giờ ghế ngon người ta ngồi cả rồi, cô còn muốn tìm việc tử tế ở đâu?"

Cái này tôi biết chứ, nhưng tôi đã rất ủ ê rồi sao ông cụ còn nhiếc thêm làm gì...

"Cái cậu Triệu Khách này tuy hơi quỷ quái, nhưng đi theo cậu ta có thể học được việc. Ban đầu tôi còn ngại tính cậu ta gàn lại là tay giang hồ, lo cô quýnh quýu chân tay, nhưng có vẻ cậu ta khá xem trọng cô, rốt cuộc là bởi sao đã sắp ký hợp đồng rồi còn nhãng ra?"

Duyên do bên trong quá là rối rắm. Trong chốc lát tôi cũng chẳng biết phải nói thế nào.

Nguyễn lão thái gia nghĩ một lúc rồi bảo tôi: "Mấy hôm trước có sếp một trang báo mạng tới hỏi tôi ai làm biên tập được, hay là cô sang chỗ họ làm một khoảng thời gian xem sao. Lương cũng khá, chỉ là trang mạng không có quyền khai thác tin, chắc cô sẽ không thấy thoả mãn như hồi ở "Kinh Khách". Nhưng con người đừng cứ ngồi lì ra, cứ đi làm thử rồi chờ cơ hội."

Vốn tôi định nói nếu là bên mảng báo mạng thì tôi đã sớm kiếm được việc từ lâu, nhưng biết đây là ý tốt của ông cụ, rốt cuộc vẫn gật đầu bằng lòng.

=========
Bình Luận (0)
Comment