Mười Hai Năm Kịch Cố Nhân

Chương 3

Dù được hưởng nền giáo dục phương Tây nhiều năm, nhưng trong lòng cô, trong một góc tĩnh mịch nào đó vẫn có một cô bé hơn mười tuổi sống ở Quảng Đông, đứng trong ngôi nhà cũ dưới quê, tay cầm cuốn sách nhìn anh hai và anh tư. Cô bé ấy đã nằm sâu trong kí ức, Thẩm Hề đã lâu không gặp, nhưng khi Phó Đồng Văn bỗng dưng xuất hiện, "cô bé" ấy lại bước ra, mỗi một động tác đều vô cùng uyển chuyển.

Thẩm Hề cụp mắt xuống, gọi một tiếng rất nhỏ: "Cậu ba."

Phó Đồng Văn di chuyển ánh mắt, đáp lại: "Ở bên ngoài gọi anh ba là được rồi," anh nói xong thì dặn dò người bên cạnh: "Ở đây không giống thành Bắc Kinh, gọi cô ấy là cô Thẩm."

Một câu anh ba, trong vô hình đã kéo gần khoảng cách của họ.

"Đêm qua nghiên cứu bài vở với bạn, sáng nay mới về, cho nên dậy muộn." Cô giải thích.

Phó Đồng Văn chống tay lên cằm, mỉm cười: "Tôi hiểu."

Hiểu gì cơ?

Hiểu cô say mê học hành, hay hiểu đêm qua cô nghiên cứu bài vở với bạn?  

Bác sĩ cũng coi như người quen cũ, nở nụ cười bước tới, đưa tay phải ra: "Cô Thẩm."

Tâm hồn Thẩm Hề vẫn còn đang phiêu đãng, không kịp trả lời, bác sĩ cũng ngượng ngập thu tay về. Đến khi cô hoàn hồn lại, thì càng lúng túng hơn.

"Khánh Hạng, biết tại sao cô ấy phớt lờ cậu không?" Phó Đồng Văn cười mỉm, có lòng tháo gỡ tình thế xấu hổ này, "Phải do bên nữ đưa tay trước, đó mới là phép lịch sự. Xem ra cậu vui quá mà quên rồi."

Người đàn ông đeo kính ngồi bên cạnh Phó Đồng Văn cũng cười: "Đúng vậy, đừng nói là cậu từng đi du học với chúng tôi nhé," Người nọ trêu đùa, "Cô Thẩm, mau đưa tay ra đi, đừng làm khó cậu ta nữa."

Hạ tay xuống? Cô không hiểu đầu cua tai nheo.

"Đúng vậy, cậu ta sẽ hôn tay phái nữ gặp mặt lần đầu, cũng để chúng ta mở rộng tầm mắt."

Trong tiếng cười vang của mọi người, Thẩm Hề lờ mờ hiểu ra, vô thức giấu tay ra sau lưng, sợ bác sĩ sẽ hôn tay thật. Bác sĩ vốn đã lúng túng rồi, thấy động tác sợ sệt trốn tránh của cô, càng dở khóc dở cười, bèn tức giận xắn tay áo sơ mi, giả bộ như muốn đánh người: "Mấy cậu ấm thế gia các cậu chỉ thích bắt nạt con gái người ta thôi."

Người đàn ông đeo kính lướt mắt qua Phó Đồng Văn: "Khánh Hạng nói sai rồi, cậu ba thích kề cận người đẹp, không thích trêu chọc cô gái nhà lành, nhất là người nhà mình."

Mọi người lại cười ồ.

Phó Đồng Văn lười quan tâm mấy câu này, cũng không phản bác, chỉ nói: "Mấy người các cậu đừng bắt nạt Đàm Khánh Hạng thật thà kiệm lời, suy nghĩ của người ta để trong lòng chứ không bao giờ nói ra đâu."

Người đàn ông đeo kính vội vàng cởi mũ ra: "Đàm huynh, đã đắc tội rồi."

Bác sĩ bất đắc dĩ lắc đầu: "Thôi đi, tôi không trêu nổi cậu."

Thẩm Hề đứng trong phòng khách tràn ngập tiếng cười, chỉ nhìn anh.

Người đeo kính nhận ra, xê dịch khuỷu tay đặt trên bàn, cố ý đụng vào cánh tay Phó Đồng Văn, cười bỡn cợt, đưa mắt như đang nhắc nhở, cô "em dâu" đang nhìn cậu kìa.

Phó Đồng Văn ngước mắt, cô lập tức cúi đầu, nhìn giầy da cao gót dưới chân mình.

Nhìn nhau không hề che giấu như thế, trong con mắt của những cậu ấm thì thành ánh mắt trao đổi, muốn nói mà còn xấu hổ.

Về lời đồn lúc trước của cậu ba và mợ tư, thật thật giả giả, mọi người đều biết. Hôm nay thấy một kẻ luôn trăng gió lại thờ ơ, chẳng lẽ hôn nhân này chỉ che mắt thôi ư?

Mấy cậu ấm đang cười, trong lòng đã tỏ.

Người đàn ông đeo kính ngồi thẳng lưng: "Cô Thẩm năm ấy quen biết với cậu ba Phó thế nào vậy?"

"Tôi..."

Thẩm Hề bị hỏi, nhưng tại sao lại hỏi về cậu ba, mà không hỏi quen biết với cậu tư thế nào?

Phó Đồng Văn không cho họ cơ hội dò xét: "Giải tán thôi." Anh hạ lệnh đuổi khách.

Chủ nhà đã mở lời, mọi người cũng không lần lữa nữa, thức thời tạm biệt. Trước khi đi, có người còn thủ thỉ với anh, người chốn trăng gió ở bên ngoài quá lâu, oanh yến dập dìu, nhưng không có lấy một giai nhân vừa nhìn đã câu hết hồn phách người ta. Người nọ lại hỏi ngày về của Phó Đồng Văn, anh không nói rõ ràng, chỉ xua tay nhanh chóng đuổi người. Cuối cùng chỉ còn lại Phó Đồng Văn và bác sĩ, thêm tôi tớ cùng đi từ nhà tới, là một thiếu niên xêm xêm tuổi với Thẩm Hề.

Căn phòng trống nằm ở cuối hành lang lầu hai đã được quét dọn sạch sẽ, Phó Đồng Văn vào phòng nghỉ ngơi, anh ra hiệu, Thẩm Hề cũng nhắm mắt đi theo. Sau khi bác sĩ tiêm cho anh xong, bọc tất cả đầu kim và hộp thuốc đã sử dụng vào trong giấy rác rồi mang ra ngoài vứt. Thẩm Hề muốn nhìn xem là thuốc gì nhưng không có cơ hội.

Trong phòng chỉ còn lại hai người.

Phó Đồng Văn ngồi trước chiếc bàn kê cạnh giường gần cửa sổ, lật xem tờ báo hôm qua.

"Sáng nay, em mới nhận được thư của anh ba," Thẩm Hề đứng trước anh, như đứa bé bị kiểm tra bài cũ, "Thư hôm mùng bảy tháng bảy, anh nói sẽ đi Anh."

Phó Đồng Văn đặt tờ báo xuống, nhớ lại.

"Tháng bảy em cũng viết thư cho anh, muốn hỏi em có thể học tiếp nữa không," hồi bé Thẩm Hề rất thích chơi dây đu, đẩy lên rất cao, trái tim lắc lư bay theo, không tìm thấy cũng không rơi xuống, tâm trạng giờ đây giống hệt như vậy, "Anh không trả lời lại, em không thể trì hoãn mãi nên chọn chương trình học mới rồi." Cô không ngừng lại, vẫn muốn nói tiếp.

Phó Đồng Văn đưa tay lên, im lặng ngắt lời cô: "Chiến tranh nổ ra ở châu Âu, dù không ảnh hưởng đến London, nhưng tôi sợ ở lâu dài sẽ khó đi được, vì vậy tới đây trước."

Thẩm Hề khẽ kêu "a": "Em có nghe nói bên ấy đang chiến sự."

Dù cô có ngây thơ, cũng không tưởng bở cậu ba tới đây thăm mình.

Chuyện Phó Đồng Văn nói, báo chí có nhắc tới, bạn học thường xuyên bàn luận. Chiến tranh bắt đầu nổ ra từ Serbia, Đức Áo Anh Pháp Nga đều liên tiếp bị cuốn vào. Khi ấy cô không hề ngờ tới, cuộc chiến này ngày càng diễn ra khốc liệt, rất nhiều năm sau được gọi là Great War. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã đưa Phó Đồng Văn tới New York, đưa anh tới trước mặt cô. Nếu như không có cuộc chiến này, anh sẽ vượt biển tới Anh, rồi lại gấp gáp đến Mỹ sao? Đương nhiên tất cả mọi chuyện không có "sau đó". Tạo hoá trêu ngươi, chỉ duy nhất lần này được coi như là việc tốt.

"Vậy chuyến đi đến Anh phải kéo dài sao?" Cô hỏi.

"Đi để trị bệnh thôi," Phó Đồng Văn hờ hững trả lời, "Đến Mỹ cũng thế."

Thẩm Hề gật đầu: "Đến đây cũng hay, bệnh viện ở đây cũng không thua kém gì."

Lại là một câu ngốc nghếch nữa rồi.

Hai bên đều im lặng.

Phó Đồng Văn cụp mắt xuống, lật tờ báo ra mặt sau, gấp đôi lại, hai tay nắm chặt, nghiêm túc đọc.

Mượn ánh sáng ngọn đèn bàn, cô lặng lẽ ngắm nhìn sự thay đổi trong ba năm của anh, anh gầy hơn trước, gương mặt nhọn hơn. Thuở nhỏ Thẩm Hề có chiếc cằm núng nính, khuôn mặt bụ bẫm, nên cảm thấy phải hơi gầy, mặt góc cạnh dịu dàng mới gọi là xinh đẹp. Đương nhiên, vẻ ngoài của cậu ba không nằm trong định nghĩa của cô.

Phó Đồng Văn rời mắt khỏi tờ báo, bỗng nhiên nói: "Chín giờ tối nay đến đây, tôi có chuyện muốn nói với em."

Cô buột miệng hỏi lại: "Tối nay ư?"

Anh không phủ nhận.

Đến bữa tối, Uyển Phong và Cố Nghĩa Nhân mới xuất hiện.

Mấy năm nay cùng sống dưới một mái nhà, ba người đều có thói quen tán gẫu khi ăn cơm, nhưng tối nay là một ngoại lệ, chỉ có tiếng bát đũa chạm vào nhau vang lên leng keng, dù trong lòng đầy ắp tâm sự nhưng vẫn giả bộ thản nhiên không có chuyện gì. Uyển Phong và cô khá thân thiết, từng nói với nhau nhiều chuyện riêng tư bí mật, nhưng chưa bao giờ nhắc tới lý do tại sao lại chăm sóc cô. Thẩm Hề cũng thế, một phần sợ liên quan đến tính mạng, một phần sợ làm phiền đến Phó Đồng Văn.

Đến tám rưỡi, cô lật tới lật lui quyển sổ ghi chép trong tay, tâm trạng bồn chồn.

Chín giờ là thời gian lúng túng, bình thường giờ này họ chưa đi ngủ. Nếu bị Uyển Phong và Cố Nghĩa Nhân bắt gặp, sợ rằng sẽ hiểu lầm chuyện của Phó Đồng Văn. Cô định tới phòng bếp lấy gói long nhãn khô trong chạn ra, bình thường không nỡ ăn, giờ muốn ăn thử để nâng cao tinh thần, nhưng nghĩ tới anh ngồi thuyền vượt vạn dặm biển tới đây, cô ngẫm nên để cho anh dùng. Vừa hay còn là cái cớ để đi tìm anh.

Thẩm Hề không chần chừ, đến phòng bếp tìm gói long nhãn khô, rồi tìm thêm trứng gà, dựa theo trí nhớ đun long nhãn lên. Cho nước vào nồi rồi, chốc chốc lại nhìn đồng hồ trong phòng khách, lòng nóng như lửa đốt, suýt nữa làm cháy nồi long nhãn. Cô vội vàng đổ long nhãn ra bát, rồi lại nhìn đồng hồ để bàn, còn hai phút nữa là tới chín giờ.

Lót một tấm vải xuống, bưng bát lên, cô rón rén bước lên lầu hai. Đến trước cửa, không ngờ không có ai đứng bên ngoài.

"Anh ba." Cô gọi nhỏ.

Cửa được mở ra.

Nhưng là Uyển Phong.

Uyển Phong không bất ngờ, cười ha ha nhận chiếc bát trong tay cô, nhỏ nhẹ oán trách: "Xem ra là món ngon này, cô không nỡ ăn nhưng lại nấu cho cậu ba ăn."

Thẩm Hề không hiểu gì nên không mở lời, đi theo cô ấy vào phòng.

Trong phòng sách, không chỉ có Uyển Phong mà có cả Cố Nghĩa Nhân. Cố Nghĩa Nhân giống như một đàn em, không cười đùa như mọi khi, ngay ngắn đứng trước Phó Đồng Văn. Mùi hương long nhãn hầm nhanh chóng toả ra, Uyển Phong đặt cái bát lên bàn: "Đây là món Thẩm Hề giấu kín lắm đấy, bình thường không cho chúng em chạm vào đâu, còn nói khi nào thi học kì sẽ dùng để nâng cao tinh thần.

Phó Đồng Văn lướt mắt tới, nhìn trứng nổi trên mặt nước: "Chỉ nấu bát này thôi ư?"

Thẩm Hề xấu hổ: "Em không ngờ, hai cậu ấy cũng ở đây."

Cố Nghĩa Nhân và Uyển Phong nhìn nhau, bật cười.

Phó Đồng Văn trầm ngâm trong giây lát rồi thong thả bưng bát lên: "Ba người ngồi đi."

Hai người kia cũng không khách sáo, đáp vâng, sau đó chuyển cái ghế trong phòng tới. Trừ Phó Đồng Văn đứng, thì mỗi người một cái ghế, cuối cùng thiếu một. Uyển Phong và Cố Nghĩa Nhân đương nhiên không dám ngồi lên giường, nên tự lo chỗ ngồi cho mình, giả bộ điềm nhiên. Vì hai người bỗng nhiên xuất hiện, Thẩm Hề lo lắng không yên, lúc này lại không có ghế cho mình, cô càng lúng túng hơn. Cô do dự, toan ngồi chung với Uyển Phong, nhưng sợ làm thế sẽ không tôn trọng Phó Đồng Văn.

"Em ra ngoài chuyển một cái ghế vào." Cuối cùng cô nghĩ ra cách.

Phó Đồng Văn không để ý lắm, chỉ vào chiếc giường bằng đồng: "Ngồi trên giường đi."

Thẩm Hề lưỡng lự, nhưng mọi người đều đang chờ cô, cũng không ngượng nghịu thêm, cô bèn ngồi xuống. Nhưng cô chỉ ngồi hờ ở mép, không muốn ngồi hẳn vào.

Trước khi nói chuyện, Thẩm Hề vẫn suy đoán, chuyện anh và Uyển Phong muốn nói sẽ là văn chương bút mực. Không ngờ, anh lại hỏi việc học hành của hai người. Một người hỏi một người trả lời, hai người rất nghiêm túc, Thẩm Hề dần dần nghe ra một vài chuyện đằng sau ấy.

Mấy năm nay học sinh tới Mỹ du học, đa số đều do lấy được Học bổng khoản bồi thường Canh Tý, rất ít người nhờ sự giúp đỡ từ gia đình. Nói về lịch sử học bổng này, Cố Nghĩa Nhân từng cảm thán xuýt xoa. Liên quân tám nước đốt giết cướp bóc, đến cuối cùng vẫn phải bồi thường cho Trung Quốc, khi ấy công sứ quán (1) đóng tại Mỹ đã nói rằng, các nước, mỗi nước phải đền bù một khoản. Nước Mỹ yêu cầu trả số tiền này bằng hình thức chi trả cho sinh viên du học, nên mới có học bổng Canh Tý, xây dựng học đường Thanh Hoa (2), đưa sinh viên do nhà nước cử đi du học.

Khi Cố Nghĩa Nhân nói những lời này, sắc mặt rất phức tạp, vui mừng vì là một học sinh học hành gian khổ, nhưng đau xót khi tổ quốc gặp nạn.

Thẩm Hề đương nhiên đoán được Cố Nghĩa Nhân là một trong những du học sinh giành được học bổng khoản bồi thường Canh Tý, còn phong cách Uyển Phong rất phương Tây, giống như du học tự túc hơn. Nhưng tối nay, tất cả đều được bộc lộ.

Hai người ấy, một người là tiểu thư trong gia đình quan nhỏ cuối đời nhà Thanh, cha bị tù tội, phải lưu lạc trời Tây, người còn lại là con cháu chí sĩ bị giết hại trong biến pháp Mậu Tuất. Hai người đều nhận được sự giúp đỡ của Phó Đồng Văn, được đưa tới đây.

Cũng giống như cô.

Hoặc khác biệt duy nhất chính là, vì tình hình nguy ngập, cô được cậu ba sắp xếp danh phận vào nhà họ Phó.

Từ đầu đến cuối Phó Đồng Văn không hề nhắc tới thân phận thật của Thẩm Hề để bảo vệ cô. Anh không nói, cô cũng giữ im lặng, chỉ nghe hai người ấy cảm kích rằng, vì nhận được ơn của cậu ba nên mới có được ngày hôm nay. Trong mắt Thẩm Hề và Cố Nghĩa Nhân, Thẩm Hề vẫn là mợ tư nhà họ Phó.  

Uyển Phong và Cố Nghĩa Nhân nói chuyện học hành xong, anh dùng mu bàn tay chạm vào thành bát sứ.

"Nguội chưa?" Uyển Phong hỏi.

Phó Đồng Văn lắc đầu, hỏi Thẩm Hề: "Có thìa không?"

Thẩm Hề lập tức đứng lên: "Để em đi lấy."

Phó Đồng Văn chống tay lên bàn, cũng đứng dậy: "Ngồi lâu, nên mệt quá."

Vì vậy anh cùng cô đến phòng bếp, Thẩm Hề bưng bát long nhãn hầm.

Uyển Phong và Cố Nghĩa Nhân nghĩ rằng họ là "người một nhà", không làm phiền nữa, ai ấy về phòng mình.

Dưới ánh đèn, Thẩm Hề tìm thìa, đặt vào bát sứ, rồi đưa cho anh.

Phó Đồng Văn tựa người vào chỗ sạch sẽ, dùng thìa đảo long nhãn khô: "Lần cuối cùng ăn món này, khi ấy chưa tới mười tuổi."

Thẩm Hề không nghĩ anh sẽ nói chuyện trong nhà với mình, lóng ngóng trả lời: "Lúc đó em vẫn ở Quảng Đông."

Phó Đồng Văn khá có hứng thú, đưa mắt nhìn xung quanh: "Xế chiều em nói, phải ăn món người Trung Quốc nên ăn, là món gì thế?"

Anh vẫn còn nhớ câu ấy.

"Mấy hôm trước em mua một cái nồi, định làm lẩu, anh từng nghe đến món đó chưa? Nhúng tất cả đồ ăn vào, chân giò, gà, và cả rau. Nhưng ở đây em đã chọn học nông học, rau cỏ không giống Trung Quốc, có lẽ phải chọn cách nấu khác, ngược lại thịt thì giống y," Thẩm Hề cảm thán, "Đến đây em mới biết, thịt mà người Trung Quốc hay người phương Tây ăn đều giống nhau, gia súc gia cầm cũng thế."

"Không lẽ em còn nghĩ bò ở đây có sáu chân à?" Phó Đồng Văn hỏi ngược lại.

Thẩm Hề ngầm thừa nhận cái ngốc của mình: "Nói tiếp nhé, có du học sinh bảo em cái đó là nồi thập cẩm lớn, bọn họ nói ở quê mình cũng có cái nồi to xấp xỉ như thế."

Thẩm Hề khua hai tay, ước lượng đường kính chừng hai thước (3).

"Không khác gì món rau trộn xào nhỉ?" Anh đoán đây là món Quảng Đông.

"Không, món này cần đun nước lên, nước bưng lên vẫn còn sôi sùng sục."

Cậu thiếu niên đứng ngoài cửa không im lặng nổi nữa, chêm vào một câu rất chắc chắn: "Quê chúng tôi gọi là" Toàn Gia Phúc" (món hổ lốn), không phải là của hiếm gì, chỉ cần cho nghêu sò và trứng gà vào, đồ ăn mặn kết hợp với nhau, mỗi nơi một khác," Nói xong thì nhìn Phó Đồng Văn đang cúi đầu ăn long nhãn, lẩm bẩm oán trách để cô vẫn nghe thấy: "Cậu ba từng ăn rồi."

Hoá ra là thế.

Ngay từ đầu Phó Đồng Văn đã biết là món gì, nhưng vẫn hùa theo cô, vờ như hiểu sai.

Thẩm Hề mím môi.

"Sao không nói gì nữa?" anh quay lại nhìn cô.

"Anh ba à..."

"Ừ?" Phó Đồng Văn nghiêng đầu, muốn nghe rõ lời cô định nói.

Đây là động tác nhường lời cho cô, câu từ đến bên miệng bỗng nhiên nghẹn lại, ánh đèn chợt sáng chợt tối, giống như trong mắt anh.

(1) Công sứ quán (legation) là thuật từ được dùng trong ngoại giao để chỉ văn phòng đại diện ngoại giao bậc thấp hơn một đại sứ quán. Sự phân biệt giữa một công sứ quán và đại sứ quán bị bỏ đi theo sau Chiến tranh thế giới thứ hai khi tất cả các văn phòng đại diện ngoại giao hiện tại được ấn định là đại sứ quán hay cao uỷ.

(2) Học đường Thanh Hoa: Chính là Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc sau này. Trường được thành lập năm 1911 như là một trường dự bị cho những người Trung Quốc đã tốt nghiệp trung học chuẩn bị học lên cao hơn ở các trường đại học tại Hoa Kỳ, sau đó trường mở rộng phạm vi và cung cấp các chương trình sau đại học 4 năm vào năm 1925. Chương trình dự bị của trường tiếp tục đến năm 1949.

(3) 1 thước = 1/3 mét.
Bình Luận (0)
Comment