Mưu Trí Thời Tần Hán

Chương 56


Kiến Ninh Vương Lý Đàm là con trai thứ ba của Đường Túc Tông. Tính tình của ông oai hùng, quyết đoán, có tài trí mưu lược kiệt xuất. Trong cuộc biến loạn An Sử, ông đã cùng với ông nội Đường Huyền Tông đi từ trạm dịch Mã Ngôi (Thiểm Tây, Hưng Bình Tây ngày nay) đến Bắc Triều Linh Võ (Linh Võ Ninh Hạ ngày nay), binh ít thế yếu, trên đường đi nhiều lần chạm trán quân địch, Lý Đàm luôn tự mình chọn những binh sĩ dũng mãnh, bảo vệ Đường Huyền Tông cả phía trước và sau, chiến đấu với kẻ địch. Vì thế các tướng sĩ rất kính phục ông. Đường Túc Tông lúc đó vẫn còn là thái tử từng bị dân chúng địa phương níu giữ, và cũng chính Lý Đàm đã đứng ra khuyên thái tử nên ở lại để tổ chức binh mã phản kích quân phiến loạn An Lộc Sơn, nếu không thì tất cả nhà Lý đều đã trốn cùng Đường Huyền Tông đến Tứ Xuyên và cũng đồng nghĩa với việc trao cả thiên hạ Trung Nguyên vào tay phiến quân, có muốn khôi phục lại thì cũng không thể được nữa rồi. Đường Túc Tông thấy ông nói có lý nên đồng ý ở lại, đồng thời cũng nhìn ra Lý Đàm là người có chí lớn nên đã gửi gắm mọi hy vọng khôi phục Đường thất vào ông.
Sau khi Đường Túc Tông kế vị ở Linh Võ, liền quyết định tổ chức phản kích ngay. Đường Túc Tông cũng chuẩn bị phong cho Lý Đàm làm Nguyên soái binh mã thiên hạ, thống soái quân lính các lộ tiến về chinh phạt phía đông. Lúc đó bạn cũ của Đường Túc Tông là Lý Tất vừa được triệu đến đã tỏ ra không đồng ý. Lý Tất nói với Đường Túc Tông: "Kiến Ninh Vương quả thực là một người tài, thừa sức đảm nhận chức thiên hạ binh mã nguyên soái. Nhưng Quảng Bình Vương Lý Thích là huynh trưởng của ông ta, do đó chức nguyên soái chỉ có thể do Quảng Bình Vương đảm nhiệm. Nếu không khi Kiến Ninh Vương công thành danh toại, Quảng Bình Vương há chẳng phải là Ngô Thái Bá của thời Xuân Thu sao?" (Ngô Thái Bá là con trai trưởng của Chu Thái Vương. Vì Chu Thái Vương có ý nhường ngôi cho em trai nên Ngô Thái Bá đã lặng lẽ rời khỏi quê hương đến một nơi riêng tự lập ra quốc gia của mình).

Đường Túc Tông nói: "Quảng Bình Vương là con trai trưởng nên việc kế vị ngai vàng là đương nhiên. Hà tất phải xem trọng chức binh mã nguyên soái đến vậy? Trước mắt việc phản kích phiến quân lại rất cần một viên thống soái giỏi như Kiến Ninh Vương!".
Lý Tất lại nói "Quảng Bình Vương vẫn chưa chính thức được lập làm Đông cung thái tử, bây giờ là thời buổi chiến tranh, thiên hạ gặp nhiều khó khăn, lòng dân đều hướng về binh mã nguyên soái. Nếu như Kiến Ninh Vương có công lớn đánh thắng giặc dù bệ hạ không muốn lập làm thái tử thì các tướng sĩ đã lập công cùng ông ta cũng sẽ buộc phải chọn ông ta làm thái tử. Và như vậy là chuyện cũ của thái thượng hoàng Đường Thái Tông trước đây sẽ lặp lại!". (Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong cuộc chiến tranh sáng lập nhà Đường là người có công rất lớn, anh trai ông ta Lý Kiến Thành tuy là thái tử nhưng vẫn sợ ông ta có công lớn sẽ đoạt mất ngôi nên đã liên kết với em trai thứ ba Lý Nguyên Cát định mưu sát Lý Thế Dân. Tháng 6 năm 626 sau Công nguyên, Lý Thế Dân đã hành động trước để kiềm chế đối phương, phát động "Huyền Võ Môn sự biến", một cuộc tàn sát giữa anh em với nhau, giết chết Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát đoạt ngôi vị thái tử và không lâu sau lên ngôi hoàng đế).
Đường Túc Tông gật đầu: "Những lời tiên sinh nói quả đúng, trẫm đang nghĩ cách khác". Hôm sau đã có chiếu thư phong Quảng Bình Vương làm thiên hạ binh mã nguyên soái, thống soái các tướng lĩnh chuẩn bị Đông chinh.
Để tránh cuộc tàn sát giữa anh em với nhau, tránh hậu quả biến động cục diện chính trị, Đường Túc Tông đã nghe theo kế sách cua Lý Tất, bỏ qua phương án điều phối nhân sự phù hợp nhất lúc bấy giờ để chuyển sang dùng Quảng Bình Vương làm binh mã nguyên soái là một hành động rất sáng suốt. Nghĩ đến sự hoàn mỹ là điều mà mọi người đều muốn, theo đuổi thành công và lợi ích là điều mà mọi người luôn hướng tới, người ta luôn căn cứ vào hoàn cảnh đương thời để tìm ra phương án thành công hoàn hảo. Song thế sự biến đổi không ngừng, con đường dẫn đến thành công luôn gập ghềnh, phức tạp, sự "hoàn mỹ" lúc này, sự "thành công" nhất thời không thể thay thế sự "hoàn mỹ" trong tương lai, "thành công" cuối cùng. Vì thế rất nhiều người không hề biết rằng mình sẽ rơi vào vũng bùn của việc chỉ lo việc này mà để lỡ việc kia, tham bát bỏ mâm hoặc chỉ cầu lợi ích trước mắt. Do đó, khi nghĩ đến bất kỳ một phương án nào cũng đều phải ghi nhớ kế "Nghĩ đến tương lai để tránh hậu họa", vì sự thành công đại cục trong tương lai mà có thể bỏ qua cái lợi trước mắt hoặc những nhu cầu nhất thời.

Trong kinh doanh thương mại cũng rất hay cần phải nghĩ ra những phương án và kế "Nghĩ đến tương lai để tránh hậu họa" rất thích hợp.
Năm 1935, công ty Sony Nhật Bản thử nghiệm chế tạo thành công chiếc radio tinh thể đời đầu. Loại radio này thể tích tuy nhỏ nhưng nếu so sánh với chiếc radio ống dẫn chân không thô nặng cũ rất thông dụng trong xã hội thì tính năng của nó đã được nâng cao và lại rất thực dụng. Nhật Bản là một nước có ít tài nguyên, mà dung lượng thị trường cũng không lớn nên sản phẩm chỉ có xuất khẩu mới có thể làm được điều đó. Người sáng lập ra công ty, ông Shetichefu quyết định tấn công vào thị trường Mỹ trước. Thông qua công tác khuyến mãi gian nan, các đơn đặt hàng sản phẩm mới đã dần dần tăng lên.
Điều làm mọi người vô cùng ngạc nhiên và vui mừng là có một hôm bỗng xuất hiện một vị khách hàng muốn đặt một lần 10 vạn chiếc radio ống tinh thể. 10 vạn vào thời điểm lúc bấy giờ gần giống với con số thiên văn. Lợi nhuận của đơn đặt hàng 10 vạn chiếc đó có thể đủ để duy trì hoạt động sản xuất bình thường của công ty Sony trong vài năm. Tất cả cán bộ công nhân viên công ty không ai là không phấn khởi cổ vũ, hy vọng ký hợp đồng một cách nhanh chóng, có ưu đãi đối với vị khách hàng này.

Không ngờ ban lãnh đạo công ty đột nhiên tuyên bố một "đường cong" giá cả kỳ dị gần như là từ chối đơn đặt hàng lớn của khách hàng này Người nào đặt 5000 chiếc thì vẫn giữ nguyên giá cũ, người nào đặt 1 vạn chiếc thì giá thấp nhất, còn ai đặt trên 1 vạn chiếc thì giá sẽ dần dần tăng lên, nếu đặt 10 vạn chiếc thì sẽ ký hợp đồng với người nào mua được với cái giá mà sẽ bị phá sản.
Các "đường cong" giá cả kỳ lạ như vậy làm cho nhân viên công ty và cả vị khách đó không tài nào hiểu nổi. Vì theo quy luật thông thường thì đặt càng nhiều hàng thì giá càng giảm.
Nguyên nhân gì đây? Sau này Shetichefu mới nói cho các cán bộ cao cấp của công ty biết kế "nghĩ đến tương lai để tránh hậu họa" của ông: lúc bấy giờ, sản lượng hàng năm của công ty Sony còn lâu mới đạt đến con số 10 vạn chiếc đó. Nếu nhận đơn đặt hàng này thì quy mô sản xuất chắc chắn phải mở rộng gấp nhiều lần. Nhưng nếu sau khi công ty đầu tư tiền mở rộng quy mô sản xuất mà lại không có những đơn đặt hàng với số lượng lớn đến một cách bất ngờ như vậy thì kết cục chỉ có thể làm cho công ty vừa mới bắt đầu phát triển đã ngay lập tức phá sản. Đặt hàng càng nhiều thì đơn giá càng thấp, trong những trường hợp bình thường mà nói thì đó là phương án thành công hoàn hảo. Nếu theo phương án này ký hợp đồng 10 vạn chiếc thì cũng đủ để công ty Sony bước một bước tiến dài trong một khoảng thời gian ngắn. Nhưng nếu nhìn từ góc độ phát triển lâu dài trong tương lai của doanh nghiệp, chỉ vì đầu tư mở rộng quy mô sản xuất một cách mù quáng thì nguy cơ mất ổn định sản xuất, lúc lên lúc xuống, thậm chí là cả hậu họa phá sản cũng đã tiềm ẩn trong đó. Cái "đường cong " giá cả mà công ty đề ra chỉ là để dẫn dắt khách đặt hàng chấp nhận số lượng đặt hàng 1 vạn chiếc có lợi cho cả hai bên. Để tránh cái hậu họa sau này, cái mà trong mắt công ty cần là những khách hàng đặt khoảng 1 vạn chiếc.


Bình Luận (0)
Comment