Sau khi Lục Triều rời đi, Cố Nghi bắt đầu mài mực và chuẩn bị viết thư.
Cô ngồi suy nghĩ khoảng nửa canh giờ, nhưng vẫn không thể viết được gì. Đào Giáp đã thay trà cho cô hai lần, thấy cô vẫn do dự, bèn hỏi: “Tài nhân vẫn chưa nghĩ ra viết gì sao? Hay để nô tì đi dò la một chút, xem các cung khác viết gì?”
Cố Nghi lắc đầu: “Không cần đâu.”
Cô có thể tưởng tượng ra, có lẽ phần lớn phi tần đều sẽ đính kèm vài bài thơ tình cảm, rồi ngâm thơ về mùa thu, mượn cảnh để bày tỏ tâm tư.
Văn mẫu thì cô biết, nhưng không muốn viết như thế. Dù sao hiện tại Tiêu Diễn cũng đang như một kẻ cool ngầu mang kính đen, không yêu ai cả.
Cô bỗng nhớ lại Cố Mỹ nhân trước đây còn từng viết thư tình cho Chu Đình Hạc khi anh ta chưa có phẩm vị gì, không biết hồi đó cô ấy đã viết gì.
Đào Giáp thấy cô vẻ mặt rầu rĩ, mắt chợt lóe lên, hiến kế: “Bệ hạ đã đi đến biệt cung Ô Sơn nhiều ngày, đã bỏ lỡ sinh nhật của Tài nhân. Sao Tài nhân không nhắc đến sinh nhật, nói rằng ngày đó mình chỉ lặng lẽ thả đèn trời một mình ở Tây Uyển, trải qua một ngày cô đơn, có khi sau này bệ hạ sẽ bù đắp cho Tài nhân?”
“Thôi… vẫn là không nên…”
Ngày sinh nhật của cô vốn không gặp may, tốt nhất là đừng động vào.
Ánh mắt Cố Nghi vô tình lướt qua giá sách, bất chợt lóe sáng, cô nhanh chóng cầm bút lên viết tám chữ lớn “Bài phú về hạt dẻ mùa thu”. [1]
Cô viết rất nhanh, chỉ trong thời gian một nén nhang đã viết đầy hai trang giấy.
Đào Giáp đứng bên cạnh, nhướn dài cổ ra đọc từng chữ từng hàng, rồi thắc mắc: “Tài nhân, phần đầu giống như công thức nấu ăn, còn phần sau là một bài thơ ca ngợi hạt dẻ mùa thu à?”
“Đúng vậy.” Cố Nghi gật đầu.
Phần đầu là cách chế biến hạt dẻ mùa thu, phần sau là mười tám cách khen ngợi “hạt dẻ mùa thu đẹp quá”.
Đào Giáp im lặng một lúc, rồi nói: “Nô tì vẫn nên ra ngoài dò la một vòng, Tài nhân đừng vội.”
Cố Nghi: …
Chưa đến giờ Ngọ hôm sau, khi Lục Triều đến, Đào Giáp vừa đi đến phòng bếp để lấy đồ ăn. Cố Nghi liền bỏ bức thư với bài “Bài phú về hạt dẻ mùa thu” vào phong bì rồi bước ra sân.
Cô thấy Lục Triều công công dường như đang chăm chú ngắm nhìn chiếc vại nước trong sân.
Chiếc vại nước này cũng có nhiều người ngắm thế à? Có phải vì cảnh quan trong vườn của Bình Thúy cung quá đơn giản không, ngoài một cây sơn trà ra, chỉ còn chiếc vại nổi bật này.
“Để công công đợi lâu rồi.” Cô lên tiếng.
Lục Triều quay đầu lại, cúi chào: “Cố Tài nhân nói quá rồi, đây là việc nô tài phải làm.”
Cố Nghi đưa phong bì cho Lục Triều.
Lục Triều nhận lấy, cân nhắc một chút, thấy nó khá nhẹ, không thể so với thư từ các cung khác.
Cậu ta không khỏi quan sát Cố Tài nhân kỹ hơn, quả đúng như sư phụ đã nói, Cố Tài nhân dường như có chút lơ là. Nếu là trống không kêu, nhất định phải dùng búa lớn để đánh.
“Khoái mã hôm nay đã đi, ba ngày sau sẽ có thêm một chuyến, nô tài sẽ quay lại sau.”
Cố Nghi ngơ ngác, lại phải viết nữa hả?
Thấy nét mặt ngỡ ngàng của cô, Lục Triều có ý nhắc nhở: “Tài nhân không cần mỗi lần đều viết thư. Như Uyển Mỹ nhân ở Tú Di điện, cô ấy khéo tay, đã làm cho bệ hạ một chiếc tua ngọc, nhiều nương nương, Mỹ nhân và Quý nhân khác cũng thêu khăn tay tặng. Tài nhân có thể làm một vài món đồ nhỏ, tất cả đều tùy tâm ý của Tài nhân…”
Cố Nghi lại một lần nữa cảm nhận áp lực từ các phi tần khác.
Thấy cô im lặng, Lục Triều khẽ liếc nhìn, rồi đổi chủ đề: “Chiếc vại nước trong vườn này, đến tháng sau khi trời lạnh phải bảo cung nhân đặt một ít than dưới đáy, nếu không nước đóng băng thì lũ cá nhỏ sẽ chết hết.”
Nghe vậy, Cố Nghi cũng cúi xuống nhìn chiếc vại, rồi gật đầu: “Cảm tạ Lục công công đã lo lắng. Đến mùa đông, ta sẽ mang lũ cá nhỏ vào trong nhà, nuôi trong bể nhỏ.”
Lục Triều gật đầu, cười nói: “Tài nhân thật có lòng nhân từ.” Dừng một lát, cậu ta lại nói: “Chiếc vại này sâu, mùa đông đường đóng băng, Tài nhân phải cẩn thận khi đi lại, trước đây cũng không ít người bị trượt chân ngã xuống nước.”
Cố Nghi hiểu ra, thầm nghĩ đến câu chuyện Tư Mã Quang đập vỡ vại nước.
Lục Triều thấy Cố Tài nhân đã tỏ vẻ hiểu, liền cười nhẹ nói: “Đào Giáp đã hầu hạ Tài nhân bấy lâu, hẳn là cũng kể chuyện này rồi. Đào Giáp sợ nước là vì hồi nhỏ cô ấy từng ngã vào một chiếc vại nước.”
Trong lòng Cố Nghi thoáng giật mình, cô biết Đào Giáp sợ nước, nhưng chưa từng nghe nói đến nguyên nhân này. Tuy nhiên, cô cố kìm nén sự ngạc nhiên, nhẹ nhàng hỏi: “Lục công công có tận mắt chứng kiến chuyện này không?”
Lục Triều gật đầu, nhớ lại: “Thưa Tài nhân, năm đó nô tài và Đào Giáp cùng làm công việc quét dọn trong ngự hoa viên. Lúc đó cô ấy mới tám tuổi, mà ngự hoa viên vốn khắc nghiệt, hay làm khó dễ người mới, suốt ngày sai Đào Giáp đi lấy nước từ vại. Nhưng khi đó cô ấy còn thấp hơn cả chiếc vại, nên phải leo lên một cái ghế nhỏ để múc nước. Ai ngờ ghế đó đặt ngoài trời lâu ngày, đã đóng một lớp băng. Đào Giáp trượt chân, “bõm” một tiếng ngã xuống vại nước, đầu cô ấy lập tức chìm vào trong làn nước lạnh buốt.”
Cố Nghi thấy cậu ta ngừng lại giữa chừng, liền vội vàng hỏi tiếp: “Rồi sao nữa?”
Lục Triều thở dài, tiếp tục: “May mà lúc đó có một quý nhân đi ngang qua ngự hoa viên, vội vàng cứu Đào Giáp ra khỏi bể. Khi cô ấy được kéo lên, hơi thở yếu ớt, người lạnh cứng như băng. Hôm ấy đúng là nguy hiểm, nếu trễ thêm một chút, Đào Giáp đã không qua khỏi rồi…”
Nghe đến đây, trong lòng Cố Nghi vừa cảm thấy cay đắng, vừa ngạc nhiên, nhưng vị quý nhân đó là ai…
Cô muốn hỏi, nhưng mãi đến khi Lục Triều rời đi, vẫn chưa thể hỏi được.
Nếu Lục Triều không muốn nói rõ, có lẽ đó là một vị quý nhân không tiện nhắc đến.
Cố Nghi vô thức nghĩ đến Tiêu Hoành.
*
Sau giờ Ngọ, hai kỵ binh cưỡi ngựa xuất phát từ cửa Chu Tước, chạy thẳng đến Ô Sơn.
Khi ra khỏi cổng thành, đường chính chia ra bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.
Biệt cung Ô Sơn nằm ở phía Bắc từ ngã rẽ này, còn tuyến đường đào tẩu của Lưu Thái phi lại chạy về phía Nam.
Ngày hôm đó, Lưu Thái phi bị một người mặc áo xám bắt đi. Nhìn thấy hắn ta dù không nói năng gì, bà ta vẫn đoán chắc rằng đây là người Tiêu Luật phái tới cứu mình.
Người áo xám đốt cháy Đàm Nguyên Đường, sau đó cùng bà ta ẩn náu trong cung vài ngày, cố gắng chờ đến ngày 24, khi “người dọn dẹp” xuất cung. Cả hai trốn trong một thùng phân và rời khỏi cung qua cổng nhỏ phía Tây.
Lưu Thái phi chưa bao giờ phải chịu khổ đến như vậy.
Trên đường chính, họ lại phải cấp tốc đi thêm nửa tháng, ngày đêm ngựa không dừng vó, khó khăn lắm mới tránh được các trạm kiểm soát dọc đường, cuối cùng cũng vào được phủ Thanh Châu.
Bà ta đã gầy rộc cả người.
Trịnh Tuy dẫn người đến ngoài Dương Thành để đón bà ta.
Người áo xám vừa nhìn thấy Trịnh Tuy liền lập tức ngoan ngoãn đứng sau ngựa của hắn ta.
Lưu Thái phi thấy hắn ta khoác áo giáp vàng, cưỡi ngựa cao lớn, bên hông đeo thanh trường đao, uy nghi vô cùng.
Bà ta hơi sững lại, nhưng nét mặt không biểu lộ gì, nói: “Trịnh tướng quân, đã lâu không gặp, gần đây vẫn khỏe chứ?”
Trịnh Tuy không xuống ngựa, chỉ chắp tay hành lễ: “Thuộc hạ bái kiến Thái phi.”
Lưu Thái phi cười yếu ớt: “Mong Trịnh Tướng quân nhanh chóng dẫn ta đi gặp Luật nhi.”
Tiêu Luật đang ở hành cung Dương Thành, cuối cùng cũng gặp được Lưu Thái phi.
Mẫu tử gặp lại, cậu ta vẫn chưa dám tin, đôi môi run run mới thốt được một tiếng: “Mẫu phi…”
Lưu Thái phi bật khóc, lao tới ôm chặt lấy cậu ta: “Luật nhi của ta…”
Bên tai lại nghe cậu ta thì thầm: “Mẫu phi, sao người già đi nhiều thế này…”
Hơi thở của Lưu Thái phi nghẹn lại, lập tức buông tay ra, đưa tay ấn vào trán Tiêu Luật: “Đồ bất hiếu! Ta liều mạng bỏ chạy đến Thanh Châu vì con đó!”
Thật là giận chết mất!
Tiêu Luật giữ lấy tay phải của bà ta, giả vờ quan sát một lúc rồi nói: “Mẫu phi không già, vừa rồi là do nhi thần nhìn nhầm…”
Lưu Thái phi nhìn quanh thấy không có ai trong điện, bèn thì thầm: “Luật nhi giờ không phải là nhi thần nữa, vì sao không xưng là trẫm?”
Tiêu Luật cười khẽ, đôi mắt đẹp thoáng chút ngậm ngùi: “Mẫu phi chẳng lẽ khi vừa thấy Trịnh Tướng quân mà không hiểu hay sao? Con… con chẳng qua chỉ là một con rối mà thôi…”
Một lời nói thẳng thừng, hy vọng âm thầm lâu nay của Lưu Thái phi tan thành mây khói, lồng ngực như bị ai đó bóp nghẹt, đau đớn vô cùng.
“Hắn ta dám sao? Chỉ một mình Trịnh Tuy dám cả gan làm vậy? Bác Cổ chẳng lẽ không can thiệp, Ngụy Châu chẳng lẽ không nhúng tay? Cùng là thuộc hạ cũ của Thái tử, chẳng lẽ chúng dám phản lại giang sơn nhà họ Tiêu?”
Giọng Tiêu Luật hạ thấp, gần như thì thầm bên tai: “Mẫu phi nói đúng lắm, bọn chúng là thuộc hạ cũ của Thái tử ca ca, không phải thuộc hạ của nhi thần. Chủ cũ đã chết, nếu muốn lập chủ mới, sao không tự mình trực tiếp thử? Nhi thần bị chúng lừa đến đây, là do nhi thần ngốc, nhưng chỗ này tuyệt đối không thể ở lâu, mẫu phi mau đi đi…”
Lưu Thái phi nghe xong như rơi vào vực sâu, lòng trĩu nặng: “Ai gia có thể đi đâu, biết đi đâu bây giờ? Chẳng lẽ quay lại tìm Tiêu Diễn? Ai gia thà chết còn hơn!”
Tiêu Luật thở dài: “Mẫu phi ở lại đây, chắc chắn sẽ mất mạng…”
Giọng Lưu Thái phi run rẩy: “Bọn chúng thì đã sao… bọn chúng dám sao…”
Tiêu Luật gạt một lọn tóc rối bên tai, trong mắt chợt lóe lên ánh lệ: “Mẫu phi nghĩ về Vương thị của nhi thần mà xem, cô ấy tuy có chút nhát gan nhưng đã đồng hành cùng con mấy năm, chẳng phải kẻ hèn nhát. Nhưng… nói là bệnh mà chết thì tức là bệnh mà chết thôi… Hiện giờ Trịnh Tuy đã mở riêng hai mỏ vàng bạc ở Thanh Châu, còn lập lò đúc tiền, dùng vàng đổi lấy hàng hóa với thương nhân, mua toàn đồ sắt…”
Tiêu Luật cười hai tiếng: “Chỉ chờ một cái cớ… Mẫu phi đi về phía Nam, đúng là rơi vào tay chúng. Chỉ là… có lẽ hắn ta vẫn còn chút lòng trắc ẩn, nên mới để mẹ con chúng ta được gặp mặt hôm nay…”
Lưu Thái phi bỗng thấy lạnh cả người: “Luật nhi…”
Tiêu Luật đưa tay vuốt nhẹ lên má Lưu Thái phi, chạm vào làn da khô ráp đầy nếp nhăn của bà ta: “Mẫu phi đừng sợ, nhi thần đã làm Thận vương ở phủ Thanh Châu không phải chỉ một hai ngày, giờ nhất định sẽ nghĩ cách để mẫu phi thoát thân…”
Lưu Thái phi định đáp lại, nhưng chợt nghe thấy tiếng cửa điện “két” một tiếng.
Bà ta quay lưng lau nước mắt rồi mới ngoảnh lại nhìn về phía cửa điện.
Người vừa đến cao sáu thước, gầy gò nhưng săn chắc, râu quai nón rậm rạp, mặc một bộ giáp sắt.
Đó chính là Bác Cổ.
Bác Cổ cúi chào: “Tham kiến bệ hạ, tham kiến Thái phi nương nương.”
Tiêu Luật khẽ vuốt tóc, cười hỏi: “Bác tướng quân đêm khuya vào điện là có việc gì?”
Bác Cổ đáp: “Thám tử báo tin về, nhìn thấy Vu Đại đang dẫn quân từ Mạc Nam xuống, muốn đến sông Lạc. Mạt tướng đêm nay đến xin từ biệt, định đi về phía Bắc thám thính tình hình.”
Tiêu Luật cười lần nữa: “Trẫm chuẩn tấu.”
Bác Cổ tạ ơn rồi lập tức rời đi.
Tiêu Luật lại nhìn Lưu Thái phi một lần nữa: “Chính là đêm nay, mẫu phi. Bác Cổ đi về phía Bắc, Trịnh Tuy đa nghi, chắc chắn sẽ đi tiễn, không bận tâm đến hành cung nữa. Một lát nữa mẫu phi hãy vào tẩm điện, sẽ có mấy ma ma có thân hình giống mẫu phi vào điện. Mẫu phi hãy thay y phục rồi trà trộn vào đám người để lẻn ra ngoài…”
Lưu Thái phi gian nan đến đây, không ngờ cuộc gặp mặt của hai mẹ con họ lại ngắn ngủi đến vậy.
Bà ta nắm chặt tay áo Tiêu Luật, nhưng lại nghe cậu ta nói: “Ra khỏi hành cung, hãy đến bờ sông Lạc tìm một chiếc thuyền buôn đi về phía Bắc, đến Khúc Thành trước đã.”
Lưu Thái phi bàng hoàng giây lát, ngước lên thấy trên mặt cậu ta là một biểu cảm mà trước đây bà ta chưa từng nhìn thấy.
Tiêu Luật dường như chỉ sau một đêm đã trưởng thành rồi.
*
[1] Phú là một thể văn có vần, hoặc xen lẫn giữa văn vần và văn xuôi, phú dùng để. tả cảnh vật, phong tục, kể sự việc bàn chuyện đời.