Nam Thành Có Mưa

Chương 11

Mốc dịch

Trên đường lái xe đưa Diệp Gia Thụ đến bệnh viện xử lý vết thương rồi đưa về phố Thanh Thủy, Tống Uyển cảm thấy nỗi sợ hãi đang chậm chạp lan khắp người. Cô ngỡ rằng sau khi bố qua đời đã chẳng còn biết mùi vị của nỗi sợ là thế nào nữa, vì trời đã sập xuống từ lâu rồi, cũng chính là lúc cô chấp nhận đi theo ông ta.

Cô vẫn nhớ buổi chiều hôm đó, cô ngồi trong cơn gió hun hút ở số 99 đường Đồng Nguyên, rèm lụa bị gió cuốn lên vỗ phành phạch vào cửa sổ bằng kính. Bầu trời mang sắc vàng lạ thường, trong bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng có thể nhìn thấy khung cảnh ngày tận thế ấy.

Khi trời đổ mưa, Đường Kiển Khiêm cũng quay trở lại, ông ta không cởi áo khoác dài bên ngoài, đứng quay lưng về phía mặt trời, một bóng hình không thể nào vượt qua, “... Ông ấy để lại di thư cho cháu... cháu muốn đọc không?”

Cô hét chói tai không cho phép Đường Kiển Khiêm đến gần, nhưng bóng hình kia vẫn từ từ di chuyển, cuối cùng cánh tay như sắt đúc kéo cô từ trên mặt đất lên, mạnh mẽ nhét tờ giấy nhăn nhúm vào tay cô. Ông ta mở ra cho cô xem, những con chữ bên trong xiêu xiêu vẹo vẹo màu đỏ sẫm. Là màu của máu.

Cánh tay Đường Kiển Khiêm ôm cô vào lòng, như đang ôm vong hồn sắp biến mất, ông ta nói: “Sau này em vẫn còn tôi mà.”

Cô vẫn nhớ lúc đó mình đã cười. Còn “ngày mai” gì nữa. Tất cả hi vọng cả đời của cô đều kết thúc trong làn mưa chiều tà hôm ấy, chỉ còn lại hàng chữ trăn trối cần phải thực hiện như lời nguyền rủa mà Tống Tịnh Đông để lại cho cô: “Chăm sóc chu đáo cho mẹ và em trai.”

Cơn mưa ngày ấy vẫn cứ kéo dài đến ngày hôm nay.

Tốc độ của xe dần chậm lại, người ngoài phố đều đang vội vã đi tránh mưa.

Tống Uyển bật gạt nước lên, “Nam Thành vẫn thế, nói mưa liền mưa.” Cô cười, cảm thấy nỗi sợ hình như đã vơi đi ít nhiều.

Lưng Diệp Gia Thụ quấn bông băng, cơn đau lâm râm làm tinh thần anh uể oải, anh chỉ “ừ” một tiếng lạnh nhạt.

Lên tầng vào nhà, Diệp Gia Thụ chào Tống Uyển xong thì vào phòng nằm lên giường ngủ.

Tống Uyển vội đi một vòng quay trở lại phòng ngủ, ngồi xuống mép giường. Anh nằm sấp, gương mặt đè xuống nên biến dạng, mái tóc rủ xuống trán, đầu mày chau lại.

Cô nhìn anh, trái tim mềm mại lạ thường, nhưng cũng mang theo dự cảm bi kịch liên quan đến số mệnh.

Hồi nhỏ có một lần mưa bão, chỉ trong buổi chiều mà cổng trường tiểu học đã ngập trong biển nước. Tống Tịnh Đông lội trong làn nước đục ngầu cao đến đùi đón cô từ lan can cổng lớn rồi khiêng cô lên vai, cô giơ cao chiếc ô màu đỏ bé xíu xiu, tiếng sấm đùng đoàng làm cô sợ hãi hét lên thất thanh, giật mình buông tay ra. Chiếc ô đó bị dòng nước chảy xiết cuốn xa, như bông hoa đỏ thắm nổi trên mặt nước. Bước chân của Tống Tịnh Đông nhanh hơn, đến đoạn đường có mực nước thấp hơn, ông đặt cô lên nóc ô tô, cười trêu cô nhát gan. Cô khóc không ra hơi, kháng nghị lại bằng tiếng nấc cụt rõ to. Hôm đó về nhà tắm nước nóng, lúc ra khỏi nhà tắm thấy Tống Tịnh Đông đang ngồi trong phòng khách, tay cầm tăm bông tự bôi thuốc cho mình. Cô đến gần mới phát hiện ra trên bắp chân ông không biết bị thứ gì đâm vào tạo thành một vết thương rất to, trong thùng rác bên cạnh có một đống bông băng dính máu.

Sống đến bây giờ, chỉ có hai người đàn ông từng cứu mạng cô, từng bị thương vì cô, một người là bố.

Người còn lại là người trước mắt.

Cô bỗng nhiên muốn gọi Diệp Gia Thụ dậy, hỏi anh đang mưu tính chuyện gì, người như cô còn có gì đáng để anh mưu tính ư.

Nhưng giả như anh không mưu tính gì cả...

Cô nhận ra mình đang sợ nếu anh thật sự không mưu tính gì.

Diệp Gia Thụ ngửi thấy mùi thơm của thức ăn, mới đầu anh còn tưởng là ảo giác, mở mắt rồi lại nhắm mắt mấy lần, mùi hương ấy cứ vấn vít không rời, dường như ở gần ngay trước mắt.

Anh bò dậy khỏi giường, vết thương bị kéo căng đau nhói, anh khựng lại mấy giây tìm kiếm mùi hương kia, tìm thấy một bóng hình đang bận rộn trong nhà bếp.

Căn nhà anh thuê đầy đủ sẵn đồ gia dụng, người trọ trước để lại một bộ dụng cụ làm bếp, nhưng anh không biết nấu cơm nên chưa bao giờ sử dụng nó. Giờ đây khung cảnh trước mắt còn không chân thực bằng trong mơ, cho đến khi Tống Uyển ngẩng đầu lên nhìn anh, “Giúp tôi xới cơm ra được không?”

Chiếc bàn tròn kiểu cũ trong phòng khách là do chủ nhà để lại, món đồ ấy không biết đã trải qua bao nhiêu năm, trên mặt bàn chất chồng vết xước, anh trải mấy lớp báo lên, lấy một chậu trầu bà đè xuống, đây là chậu cây của hộ gia đình đối diện trước khi chuyển đi cứ khăng khăng bắt anh lấy.

Lúc này anh và Tống Uyển ngồi quanh chiếc bàn tròn, trong chiếc nồi giữ nhiệt to đựng canh sườn, thêm hai món phụ là món chay, cơm trắng tinh bốc khói nghi ngút, anh do dự không dám nhấc đũa.

“Nếm thử xem, dù bảy tám năm nay tôi chưa nấu nhưng có lẽ ăn được.” Cô cầm muôi múc canh, đưa tới bên tay anh.

Diệp Gia Thụ bưng bát lên nếm thử, canh được giữ lửa vừa vặn, hương vị đậm đà, anh lấy đũa khoắng một cái, sườn cũng được ninh nhừ.

“Cô còn biết nấu cơm cơ đấy.”

Tống Uyển cười nói, “Thấy lạ lắm à? Trước đây tôi muốn vòi vĩnh thứ gì mà ngại mở miệng, lúc ấy sẽ nấu canh để nịnh bố vui.”

Lần đầu tiên Diệp Gia Thụ thấy Tống Uyển nhắc đến bố mình. Anh đã từng gặp Tống Giới, từng gặp Hoàng Tri Tuệ, nhưng chưa bao giờ gặp bố cô. Dù không hỏi nhưng anh đoán có lẽ bố cô đã qua đời... nếu vẫn còn sống, sao nỡ nhìn con gái mình đi theo một người đàn ông hơn quá nhiều tuổi như thế, hơn nữa lại còn để cô không danh không phận.

Như hiểu thắc mắc của anh, Tống Uyển nói thêm: “... Ông ấy không còn sống, chui đầu vào túi nilon, tắc thở rồi chết... Ông ấy bị phán mười năm tù, chỉ mười năm thôi mà, tôi đợi được, thế mà ông ấy không đợi được.” Trước mắt cô nhòa đi rồi lại rõ ràng, rõ ràng rồi lại nhòa đi.... Năm nay là năm thứ tám rồi, cô bị bỏ rơi, cô đơn chịu đựng qua tám năm, nếu Tống Tịnh Đông vẫn còn sống, hai năm sau họ sẽ đoàn tụ, có thể cô sẽ được ông ấy cứu khỏi chốn địa ngục trần gian này, như năm ấy ông vượt qua cơn lũ đưa cô về nhà. Hai năm, chỉ còn hai năm...

Diệp Gia Thụ không biết nên đáp lại thế nào cho phù hợp. Anh đoán, trong vụ án nọ Đường Kiển Khiêm đã sắm một vai nào đó ư?

“Đường Kiển Khiêm là khách hàng, cũng là bạn của bố tôi...”

Quả nhiên, Tống Uyển không tự dưng đích thân đi làm mâm cơm này, cô cực kì đề phòng người khác vì mỗi một bí mật trong lòng đều đau đến thấu tim, cô không nói không phải vì sợ, mà vì sẽ rất đau. Khi đun nước, khi đun dầu, khi trông nồi canh cho đến lúc dần dần chín, mỗi lớp vỏ phòng vệ của cô từ từ vụn vỡ, lúc bấy giờ mới nhân cơ hội ấy để tiết lộ sự thật đằng sau cho Diệp Gia Thụ biết... Vì đã cứu mạng cô, anh xứng đáng được biết những sự thật ấy.

“Lúc bố tôi xảy ra chuyện, ông ta đã chạy ngược xuôi để lo lót, nếu không bố tôi còn bị phán tội nặng hơn nữa... Đương nhiên không thể không phải trả giả.”

Một cái giá không nói cũng biết.

Tống Uyển đã gác đũa xuống, cúi đầu để mặc từng giọt nước mắt rơi xuống tí tách. Chuyện này thật kì lạ, những lời cô muốn chôn sâu trong lòng lại có thể tâm sự hết với Diệp Gia Thụ, chỉ vì anh đã đỡ cho cô một nhát dao thôi sao? Hay vì anh đã từng nhét bó hoa dành dành vào bàn tay lạnh lẽo của cô?

“... Nếu quay trở lại tám năm trước, tôi vẫn sẽ quyết định như thế. Nhưng tôi sẽ đề phòng bố, sẽ không đưa bất cứ thứ gì cho ông... Túi nilon ông ấy dùng để tự tử chính là túi đựng bánh ngọt tôi đưa vào.”

Đường đột ư? Không hợp thời ư? Ông ấy có tư cách này sao?

Những câu hỏi đó thôi thúc cơ thể anh. Anh buông đũa xuống đứng dậy, kéo đầu cô đang cúi gằm xuống vào lòng mình. Anh cố gắng đứng thật thẳng, muốn để cô cảm thấy mình đáng tin, dù cả thế giới này phản bội cô, anh cũng sẽ vì cô đi hết con đường tăm tối này.

Mưa vẫn chưa tạnh, sắc trời u ám như màn đêm. Trong tiếng mưa rơi tí tách vẫn nghe thấy một vài tiếng người ta gào thét, ở một nơi cách bọn họ rất xa.

Ngón tay anh chạm lên giọt nước mắt lành lạnh, nỗi đau như trong ảo giác ùa đến, đau hơn cả vết thương ở sau lưng. Sống đến năm hai mươi hai tuổi, trong những năm thiếu niên dữ dội anh đã từng hoang đàng với người ta, đã từng buông thả trong những cuộc vui chớp nhoáng, nhưng đây là lần đầu tiên anh cảm thấy chạy trời thật sự không thể thoát khỏi số mệnh, như sao hỏa bỗng nhiên xuất hiện trong tro bụi, muốn đốt cháy anh, cháy đến khi ruột gan nóng bừng. Anh xua nó đi, nhưng ngược lại còn làm cơn gió cháy đến nỗi không thể dập tắt được.

Số mệnh hay kiếp nạn, một khi đã giáng xuống vốn sẽ chẳng quan tâm bản thân có hoảng hốt hay không.

Bình Luận (0)
Comment